23 February, 2012

Thiên Chúa và bạn – Điều bạn có thể làm được…



Thiên Chúa có thể trao ban niềm Tin;
       Còn bạn, bạn có thể làm chứng nhân niềm Tin ấy.

Thiên Chúa có thể trao ban niềm Hy vọng;
      Còn bạn, bạn có thể khơi dậy niềm Hy vọng ấy
                                                               nơi anh em mình.

Thiên Chúa có thể trao ban Tình yêu;
      Còn bạn, bạn có thể dẫn đưa người khác vào Tình yêu ấy
                                                   và giúp họ biết sống yêu thương.

Thiên Chúa có thể trao ban sự Bình An;
       Còn bạn, bạn có thể gieo hạt giống của hoà thuận và hiệp nhất.

Thiên Chúa có thể trao ban Sức mạnh;
      Còn bạn, bạn có thể làm điểm tựa
                                       nâng đỡ những ai yếu đuối và nhụt chí.

Thiên Chúa là Đường Chân lý;
      Còn bạn, bạn có thể dẫn mọi người vào con đường ấy.

Thiên Chúa là Ánh sáng;
      Còn bạn, bạn có thể làm cho ánh sáng ấy bừng lên
                                                                        trong mắt mọi người.

Thiên Chúa là Sự Sống;
     Còn bạn, bạn có thể  làm tái sinh “khát vọng sống”
                                                                             nơi người khác.

Thiên Chúa có thể làm được những gì là “không thể”;
Ngược lại, bạn có thể  làm được tất cả những gì là “có thể”.
Và cho dù Thiên Chúa – “tự mình Ngài là đủ hết mọi sự”,
Ngài vẫn tin tưởng và giao phó nhiều công việc cho bạn…

(Nguyên tác: Tillard J.M., Preghiera di una équipe di Campinas-Brasile. Chuyển ngữ: Lê An Phong,SDB).

15 February, 2012

Phải chăng tôn giáo là một liều thuốc tốt?

(Bài viết của dinh thai · February 11, 2012 .  Trích lại từ  Đinh Quang Anh Thái’s blog )
Ký giả Claudia Kalb của tuần báo Newsweek đã nêu lên một loạt câu hỏi: “Tôn giáo có thể gia tăng sức khỏe cho con người?”; “Lý do nào ngày càng có nhiều bệnh nhân muốn bác sĩ phải là người có niềm tin tôn giáo?”; “Tại sao giới khoa học bắt đầu tin vào Thượng Ðế?”
Minh họa cho bài viết của Claudia Kalb là hình của một nữ y tá Mỹ đang ngửng mặt nhìn lên, hai tay chắp lại trong tư thế nguyện cầu.
Bài viết dùng bối cảnh một bệnh viện ở Dallas để dẫn người đọc vào một buổi chiều vắng lặng tại Veterans Administration Hospital ở Dallas, và nhân vật là Ming He, một nữ sinh viên năm thứ tư y khoa chứng kiến những giây phút cuối cùng của một nam bệnh nhân. Chịu đựng đau đớn vì căn bệnh ung thư quái ác, sống thoi thóp nhờ vào các ống truyền thức ăn và oxygen, người đàn ông chỉ còn lại da bọc xương đang chờ tử thần đến bắt đi. Chung quang giường bệnh không một hình bóng. Vào giây phút lâm tử, người sắp vĩnh viễn ra đi không có họ hàng thân thiết bên cạnh. Ming He bước vào phòng, bệnh nhân gắng nhướng mắt về phía cô. Nhìn vào hồ sơ bệnh lý treo ngay đầu giường người bệnh, Ming He biết rằng, ông ta là một tín đồ Cơ Ðốc Giáo. Ông ta thều thào nói với cô sinh viên y khoa, “Tôi đang chết dần đây. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng, chưa bao giờ tôi biết cách sống”. Ming He vô cùng lúng túng, không biết nói gì với người đàn ông xanh xao trên giường bệnh. Cô la thầm, “Chúa tôi ơi, vị linh mục phụ trách bệnh viện không làm việc ngày cuối tuần. Tôi có thể làm gì cho ông bây giờ?”.
Ming He chỉ biết im lặng và nắm tay người đàn ông trong vài phút. Hai ngày sau, người này từ giã cõi trần.
Ming He, ngay sau cái chết của người đàn ông nói trên, đã vội vã ghi tên tham dự một lớp học tên là “Spirituality and Medecine”. Lớp học do University of Texas Southwestern Medical School tổ chức nhằm dậy cho sinh viên cách nói chuyện với bệnh nhân về niềm tin tinh thần và bệnh tật.
Ba mươi năm trước, chỉ có một phần ba các đại học y khoa trên toàn nước Mỹ có những lớp học giảng dậy về “Spirituality and Medecine”. Hiện nay, trên một nửa số đại học y khoa có ngành học này.
Tại sao vậy? Ký giả Claudia Kalb đưa ra những con số sau đây:
  • 84% dân chúng Mỹ tin rằng, cầu nguyện trong lúc đau yếu sẽ giúp người ta có nhiều cơ hội phục hồi sức khỏe.
  • 72% cho rằng, họ muốn nói chuyện về đời sống tâm linh với bác sĩ chăm sóc họ. Cùng số người như vậy tin tưởng rằng, cầu nguyện Thượng Ðế có thể chữa lành bệnh cho một số người, ngay cả với những bệnh nhân không mấy hy vọng thoát chết.
  • 28% nghĩ rằng, nên phân biệt giữa thuốc chữa bệnh và niềm tin tôn giáo.
Trong thời gian hơn 10 năm qua, một số nhà khoa học đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu nhằm đo lường mức độ ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo và sinh hoạt tinh thần đối với sức khỏe của con người.
Liệu tôn giáo có khả năng làm chậm lại tiến trình phát triển của bệnh ung thư?
Làm giảm bệnh trầm uất?
Làm cách nào gia tăng khả năng hồi phục của người bệnh?
Tin vào Thượng Ðế có giúp con người sống lâu hơn?
Kết quả các cuộc nghiên cứu không được rõ ràng. Vì không thể dùng các phương pháp khoa học để tìm câu trả lời cho những vấn đề thuần túy tinh thần và tôn giáo.
Làm thế nào để đo được sức mạnh của sự cầu nguyện?
Một người thường xuyên cầu nguyện có thể nào trở nên khỏe mạnh hơn những người không có niềm tin nơi đấng vô hình?
Bằng cách nào mà phân biệt được rạch ròi, là một người có được sức khỏe tốt vì thường đi nhà thờ cầu nguyện, trong khi một người khác cũng khỏe mạnh vì nhờ vào thói quen ăn uống chừng mực và tập thể dục thường xuyên?
Gần đây, các nhà khoa học đã nỗ lực tìm hiểu sự khác biệt trong lãnh vực sức khỏe, giữa những người có niềm tin tôn giáo và những không tin gì cả. Sử dụng máy soi não (brain scan), các nhà nghiên cứu khám phá rằng, phương pháp tịnh tâm (meditation) có thể làm thay đổi hoạt động của não bộ và gia tăng khả năng đề kháng của não. Ngoài ra, tĩnh tâm còn giúp nhịp tim đập đều đặn hơn, cũng như giúp máu lưu thông điều hòa hơn. (Hầu như bất cứ tôn giáo nào cũng có phương pháp tĩnh tâm riêng, thể hiện dưới các hình thức cầu nguyện hoặc hát nhạc đạo). Ngay cả những vấn đề không thể sờ mó được một cách cụ thể, như sự tha thứ chẳng hạn, cũng có khả năng làm người ta an bình hơn, và sống khỏe khoắn hơn.
Mới đây, kết quả một cuộc nghiên cứu do Michigan’s School of Public Health tiến hành, dựa trên 1,500 người, cho thấy, những người biết tha thứ thường sống hạnh phúc hơn, so với những người mang tâm trạng thù hận trong lòng. Giáo sư Herbert Benson của Mexical Institute cả quyết rằng, “Sống mà không biết thứ tha, thì lòng thù hận sẽ nghiền nát cuộc đời của chúng ta”.
Trong lãnh vực y học, dùng cầu nguyện để tạo ảnh hưởng trên sức khỏe có thể là một vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất hiện nay. Cuộc thăm dò dư luận của báo Newsweek cho thấy, 84% dân chúng Mỹ nói rằng, cầu nguyện cho người khác có thể giúp người ta sớm hồi phục sức khỏe; và 74% cho rằng, quả thật, lời cầu nguyện có khả năng nâng đỡ sức khỏe về cả hai mặt tinh thần và thể chất của người được cầu nguyện, cho dù hai bên không hề biết nhau.
Đối với kết quả cuộc thăm dò nói trên, các nhà khoa học giải thích như thế nào?
Tại một hội nghị về bệnh tim do American College of Cardiology tổ chức, bác sĩ Michell Krucoff đã trình bầy về công trình nghiên cứu của ông về sự liên hệ giữa tôn giáo và sức khỏe, dựa trên 750 bệnh nhân đang được chữa trị bằng phương pháp thông tim. Ông chia số bệnh nhân nói trên thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là những người thường xuyên cầu nguyện, gồm tín đồ Công Giáo, Hồi Giáo hiện sống tại Hoa Kỳ, các nhà sư Phật Giáo sống tại Nepal, và tín đồ Do Thái Giáo sống tại Do Thái. Nhóm thứ hai là những người không cầu nguyện và được chữa trị bằng các phương pháp y khoa bình thường. Và nhóm thứ ba là những người được chữa trị bằng các phương pháp đặc biệt, như nghe nhạc, xoa bóp cơ thể và tưởng tượng bằng hình ảnh. Kết quả là, sức khỏe của nhóm bệnh nhân thứ nhất cũng không có gì khả quan hơn, so với hai nhóm thứ nhì và thứ ba.
Nhưng, ở nhóm thứ tư, bao gồm những bệnh nhân thường xuyên cầu nguyện và đồng thời được chữa trị bằng phương pháp cho nghe nhạc, bác sĩ Michell Krucoff tìm thấy kết quả thật bất ngờ: nguy cơ tử vong của nhóm này thấp 30%, so với những bệnh nhân khác.
Một cách tổng quát, thì các nhà khoa không thể kết luận chắc nịch là, cầu nguyện sẽ giúp cho con người sống khỏe hơn, tăng khả năng phục hồi khi đau ốm và làm giảm thiểu nguy cơ thiệt mạng vì bệnh tật. Nhưng đồng thời, khoa học cũng không thể phủ nhận kết quả các cuộc nghiên cứu, như của bác sĩ Michell Krucoff với nhóm bệnh nhân thứ tư kể trên.
Thành ra, nói theo cách ứng xử của các cụ chúng ta: “Có tin, có lành”. Vả lại, trong những giờ phút đau ốm hay phải đối diện với tử thần, con người còn biết bám víu vào điều gì nữa, ngoài niềm tin tôn giáo, với hy vọng phép nhiệm mầu nào đó giúp cho được tiếp tục sống nơi cõi trần này, hoặc nếu như phải vĩnh viễn ra đi, thì cũng được thanh thoát nơi “cõi khác”!
Only God knows./.
 

07 February, 2012

TẢN MẠN NHÂN NGÀY “VÌ SỰ SỐNG”

“Cứ theo lời các bác sĩ thì tôi không phải có mặt trên cõi đời này”. Trong cuốn tự thuật mới xuất bản gần đây với tựa đề “The Woman I Was Born To Be”, Susan Boyle đã chia sẻ và khẳng định niềm tin của mình, và điều cảm động hơn khi bà cho mọi người biết rằng cuộc sống của bà chỉ một chút nữa thôi là  đã không thành hiện thực, vì các bác sĩ đã khuyên bà mẹ, lúc đó đã có 8 đứa con, với lý do sức khoẻ, phải phá đi bào thai - đứa con thứ 9 - mà ngày nay là Susan Boyle. Lý do mà bà Bridget Boyle, mẹ của Susan từ chối phá thai là vì bà là một bà mẹ Công giáo đạo đức, dân Ireland nhập cư ở Blackburn.
Trong cuốn tự thuật, bà Susan kể lại rằng vào lúc bà chào đời, các bác sĩ đã không chúc mừng bà mẹ theo kiểu  nói truyền thống “Chúc mừng bà vì một bé gái xinh xắn đã chào đời!”. Thay vào đó, họ nhìn bà mẹ với ánh mắt hờ hững và đã để cho bé gái trong tính trạng thiếu oxy, và hậu quả kéo theo là việc tổn thất một chút đến não bộ sau này; rồi họ nói với  bà mẹ rằng, “Vì bà đã không nghe chúng tôi, nên giờ đây, bà phải chấp nhận một thực tế là con gái bà sẽ chẳng có một tương lai sáng sủa gì đâu!”
Nhớ lại những điều này, một cách nào ai mà chẳng đau lòng, nhưng bà Susan chẳng có một chút oán hận. Bà viết rằng: “ Tôi chắc chắn là các bác sĩ có ý hướng tốt, nhưng có lẽ họ không nên nói những điều mà trong một khoảnh khắc nào đó chẳng ai có thể tiên báo về một tương lai mà họ không thể biết trước. Điều mà các bác sĩ không hay biết là bản thân tôi thuộc loại “biết cầm cự”. Và như thế suốt cả cuộc đời mình, tôi đã tìm cách chứng minh cho họ biết rằng họ đã mắc một sai lầm”.
          Năm 2009, mọi người và đặc biệt cư dân mạng đã “phát sốt” vì chứng kiến tại “Talent Show” của Anh Quốc, Susan Boyle - một phụ nữ tứ tuần với ngoại hình không mấy xinh đẹp, nhưng nhờ ơn Chúa đã ban cho bà, một giọng ca thật đặc biệt đã chinh phục lòng người. Gần đây với Đài BBC, Susan Boyle, trong tư cách một người ki tô hữu đã giải thích cho mọi người rằng: «Qua câu chuyện cuộc đời mình, tôi muốn minh chứng một điều rằng đừng bao giờ nhìn một con người chỉ với vẻ bên ngoài, mà cần phải chân nhận họ với tất cả mọi đường nét cảm xúc, thể lý, tâm lý và tinh thần nữa. Tôi hy vọng là khi nói lên những điều này, cũng là dịp để mình chứng minh cho mọi người thấy rằng những giấc mơ có thể trở thành hiện thực”.
           Có một trường hợp khác cũng khiến ta suy nghĩ thêm về sự sống: Đó là Andrea Bocelli, một giọng ca nổi tiếng của dòng nhạc nhẹ thính phòng, người Italia. Gần đây nhất, Andrea Bocelli kể lại rằng chính mẹ mình cũng đã từng được các bác sỹ khuyên phá thai khi Andrea thành hình trong dạ mẹ. Nguyên nhân cũng là “vì lý do sức khoẻ bà mẹ và bào thai có thể bị dị tật”. May mắn là Andrea được sinh ra, và dù là người khiếm thị từ lúc lọt lòng mẹ, nhưng quà tặng sự sống xem ra bất toàn của Tạo Hoá mà ông nhận được đã trở thành một món quà lớn cho nền âm nhạc.
Ai có thể nói gì khác thay cho họ, Susan Boyle và Andre Bocelli về tặng ân sự sống mà suýt nữa họ bị tước đi? Cái giá để được sống, được làm người mà họ phải trả bằng tất cả sự khốn khó và xem thường của con người chắc chắn đã được chính Thiên Chúa đền bù lại rồi. Ai có thể đếm được bao nhiêu tài năng của nhân loại đã bị đánh mất giữa hàng triệu sinh linh đã không có cơ hội chào đời. Ngẫm lại mà lòng thấy đau buồn thay cho những sự sống bị tước đoạt! (Lê An Phong, SDB)