Lời Chúa:
“Nước Thiên Chúa đã gần đến, anh em hãy hoán cải và tin vào Tin mừng” (Mc 1, 14-15)
Những từ ngữ cần để ý:
Nước Thiên Chúa: nơi Thiên Chúa ngự trị, bằng tình yêu, sự công chính, thái bình muôn thuở, nước ấy không thuộc về thế gian này. Nước Thiên Chúa vượt ra khỏi mọi giới hạn không gian thời gian …
Hoán cải:Hối cải, trở lại, từ tiếng hy lạp metanoia
(Hy lạp = metanoi = thay đổi tâm trạng) = sự thay đổi não trạng, ý thức, tâm trạng: cuộc trở về bên trong, với sự xưng thú các tội bên ngoài, sự cải thiện, cải tà qui chính (x. Gr 8,4tt; 31, 18t; Ed 2,18)
Ý nghĩa thực của sự hoán cải theo tinh thần ki tô giáo còn phải được gắn kết với ĐỨC TIN. Tin vào Tin mừng (thông điệp cứu độ qua Đức Ki tô) để tìm thấy con đường hoán cải, cách thức để biến đổi tâm hồn. Tin mừng của Đức Ki tô trở nên điểm qui chiếu cho việc hoán cải của chúng ta. Trước khi Chúa Giê su bắt đầu loan báo Tin mừng, các tiên tri, tính cho đến vị cuối cùng là Gioan Tẩy giả, cũng đã lên tiếng kêu gọi dân chúng hoán cải rồi. Điểm khác biệt là lời kêu gọi hoán cải của Chúa Giê su nhấn mạnh hơn vào hồng ân của ơn Tha thứ từ phía Thiên Chúa – người cha giàu lòng xót thương hơn là một thượng đế uy quyền và khắc nghiệt, dùng quyền năng để trừng phạt. Việc hoán cải theo giao ước mới không phải chỉ là hình thức, mà còn là chiều sâu bên trong con người: thay đổi cõi lòng, thay đổi trái tim bằng đá bằng trái tim biết yêu thương, tha thứ, cảm thông và thật lòng thống hối.
Gợi ý suy tư
1. Lời kêu gọi hoán cải.
Lời Chúa Giê su trong Tin mừng Marco hướng về đám đông dân chúng hiếu kỳ. Họ đã chờ đợi Ngài từ lâu và sự xuất hiện của vị Cứu tinh đã được các tiên tri loan báo. Thông điệp đầu tiên của Ngài, sau khi được Gioan Tẩy giả giới thiệu với mọi người cùng phép rửa trong dòng nước sông Giodan, là lời kêu gọi hoán cải. Với chúng ta lúc này, đó cũng là một lời mời gọi, một tiếng thức tỉnh cho sự đổi mới chính cuộc sống mỗi người. Hãy hoán cải! Lời kêu gọi cho mọi người, mọi thời.
Người ta chẳng bao giờ lưu tâm đến một điều gì đó, nếu không nhận được một lời thông báo, một lời mời gọi, một chỉ dẫn cần thiết. Cuộc sống thường ngày với trăm ngàn chuyện để lo lắng và bận tâm. Nhiều người thậm chí không tìm ra thời giờ nghỉ ngơi, lấy đâu ra đây thời gian hay cơ hội mà nhìn lại mình! Với nhịp độ sống và làm việc tốc độ như hiện tại, con người cảm thấy khó khăn hơn nữa khi thấy mình bị trói buộc vào gánh năng của hiện tại và quá khứ có thể làm cho cuộc sống nặng nề hơn. Biết làm sao bây giờ? Mà tại sao lại phải cứ nhìn lại? Tại sao không nhìn lên phía trước đi, và cứ thế mà thẳng tiến! Đây là cơn cám dỗ của sự phát triển, của bước tiến bộ mà con người mọi thời hay gặp phải. Chỉ đến khi ta đụng đầu với những khủng hoảng nhiều mặt của thực tế càng lúc càng khó khăn, lúc đó mối thấy phát triển cũng cần có chừng có mực và cần những giới hạn nhất định.
Thử hỏi ai trong chúng ta có can đảm để nói rằng cuộc đời tôi luôn luôn là bước tiến lên? Thử hỏi người biết nhìn lại quá khứ có phải là kẻ lạc hậu không? Rồi người ta sẽ về đâu nếu cứ đi tới mà không có định hướng? Một khoảnh khắc dừng lại để ta biết mình đang ở đâu,đang sống trong tình trạng nào …chắc chắn là cần thiết và có nhiều ích lơi tinh thần, nhất là cho việc lên một chương trình sống mới cho tương lai sắp tơi. Và như vậy hoán cải không phải là quay đầu về lại với quá khứ mà là làm một cuộc kiểm tra quá khứ bằng việc dừng lại một bước trong hiện tại rồi sau đó tiến hai, ba bước về tương lai.
2. Hoán cải bằng cách nào?
Một chuyện mà người ki tô hữu vẫn thường làm là đi xưng tội, là ăn chay hãm mình, là làm việc bác ái, là thay đổi cách sống, lối suy nghĩ và hành động. Mùa Chay là một cơ hội lớn để thay đổi cuộc sống bằng nhiều cách. Giáo Hội dạy chúng ta các phương thức kể trên để thay đổi cuộc sống và hoán cải theo Tinh thần Tin mừng.
Tuy nhiên một cách chân thành mà nói với nhau, ai trong chúng ta cũng cảm thấy sau một mùa hoán cải, hình như “mọi sự lại đâu vào đấy”, một quỷ ra đi sau đó lại trở về kéo theo bảy quỷ khác nữa như câu chuyện trong Tin mừng! Bỏ được một tật xấu này lại sinh ra một tật xấu khác. Chúng ta không những phải hoán cải, mà còn cần phải hoán cải liên tục.
Có những người buộc phải thay đổi cuộc sống chỉ vì không thể tiếp tục sống như trước được. Người ta phải bỏ đi du lịch hàng năm ở nước ngoài vì không dư dật tiền bạc nữa trong thời khó khăn kinh tế. Người ta không thể ăn các sơn hào hải vị chỉ vì đã đến tuổi ăn kiêng. Hoán cải chắc chắn phải cần một sự thay đổi và đổi mới trong tâm hồn, bằng không chỉ là chuyện hình thức mà thôi.
Trong năm mà Giáo Hội dành để sống và suy tư về Đức tin, chúng ta được nghe lại âm vang của lời Chúa: “Tin vào Tin mừng”. Đây là điểm mà chúng ta có thể sống trong sự đổi mới liên tục và nhận được sự nâng đỡ không giới hạn từ phía Thiên Chúa qua lời của Ngài.
Gơi ý xét mình và tìm phương hướng hành động
- Với tôi Nước Thiên Chúa có giá trị gì không?
- Tôi có dành một chút thời gian cần thiết để nhìn lại bản thân mình, những gì mình đã và đang làm?
- Tôi có cảm thấy nhu cầu thay đổi kiểu cách sống của mình không theo lời mời gọi của TIN MỪNG?