06 November, 2012

Lời cảnh báo đáng suy tư: Tâm sự của một cựu Linh Mục

     Đây là lời tâm sự của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh mục, nay đã hoàn tục, được  đăng trên tờ Records của giáo phận Perth, Australia. Có đôi điều khiến ta phải suy tư...
     (Trích lại từ nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/100870.htm)


Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. Tôi xác quyết rằng dù sống hay dù chết, dù tù đày, bắt bớ, dù khốn cùng, quẫn bách. Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô”.

"Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát trên. Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy thì tôi sẽ đời đời sống trong lòng mến của Thiên Chúa. Thật ra, cũng không hoàn toàn là vô lý. Thật sự, đúng là tù đày, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy không xảy ra trên đất nước tự do này. Ai dám bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược đãi tôi vì tôi là người Công giáo, tôi kiện lên họ tới Tối Cao Pháp Viện chứ chơi à.

Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là “bứng” tôi hoàn toàn khỏi lòng mến của Thiên Chúa: một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay “Tiếng thở dài”. Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong kiếp nhân sinh này, đã được bề trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt. Có những người viết thư cho tôi cho biết họ tìm lại được đức tin sau khi đọc cuốn sách đó. Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở các ý kiến của tôi. Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn sách, họ cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con. Con phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa muốn nói với con điều gì ? ”.

Khốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện. Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa. Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học, cho nên tôi xao lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết hằng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi. Có lẽ, tôi đã cho rằng cầu nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người bình dân. Siêu đẳng như tôi thì không cần. Càng ngày tôi cũng càng ít có giờ cho giáo dân và càng ngày tôi càng bướng bỉnh và kiêu căng với các đấng bề trên. Chuyện gì đến cũng đã đến. Tôi không muốn sa vào những phân tích vụn vặt. Điều tôi muốn nói với các bạn sau nhiều năm suy tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân thành của tôi là sự thật đơn giản này: Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Chẳng vậy, mà trong Phúc âm biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu này: “Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện”. Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý Chúa Cha. Chúng ta là ai, tư cách gì, mà đòi có thể biết được ý Chúa qua trí khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt, bận rộn của cuộc sống quay cuồng chung quanh.

Chẳng vậy, tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao. Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các Thánh mà chúng ta hằng tôn kính. Chính sự cầu nguyện đã giúp các Ngài nên Thánh.

Tôi đặc biệt mong muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã viết trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” :

Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa. Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí “dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn. Trong việc cầu nguyện, trước hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tới gặp con người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng”.

Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi".

CHA MẸ - NHỮNG NHÀ GIÁO DỤC GƯƠNG MẪU

Từ một câu chuyện về Don Bosco

Trên đường đi dạo với các học sinh của mình, Don Bosco thường hay đặt ra những câu hỏi vừa để đùa vui vừa để tạo nên sự thân mật. Một lần nọ, Ngài hỏi một bạn nhỏ: "Điều gì lớn lao nhất mà con gặp được trên đời này?". Bạn trẻ trả lời không chút đắn đo: "Don Bosco".[1]
Chúng ta hãy khoan bàn đến tính chất lịch sử của câu chuyện (vì thật khó mà viết hết những chuyện kể, đúng hơn là những kinh nghiệm lịch sử của những người trong cuộc - những người đã có cơ may chia sẻ cuộc sống với cha Bosco và đã gìn giữ nó trong ký ức cùng với những cảm xúc mạnh mẽ), nhưng hãy để ý đến tính chất sư phạm qua lời đối thoại hay qua câu trả lời của người bạn nhỏ với Don Bosco. Bạn trẻ này cũng như nhiều bạn trẻ khác sống cùng thời đã thể hiện một sự kính trọng, tin tưởng vào người đã giáo dục họ. Don Bosco đã có một chổ đứng quan trọng trong cuộc đời các bạn trẻ. Đối với họ, được gặp gỡ ngài là điều may mắn nhất trên đời, và là niềm hạnh phúc lớn lao vì đã tìm được một người bạn, người thầy, người cha.

Điều gì lớn lao nhất mà con gặp được  hôm nay?

Trong thời buổi hiện tại, nhiều bạn trẻ đang đi tìm những mẫu gương cho đời họ nơi đây nơi đó không chừng: Có thể là những ngôi sao sân khấu, thể dục thể thao, có thể là những "thần tượng" âm nhạc... Tuy "thần tượng" lắm khi làm cho các bạn trẻ "điên lên", nhưng nhiều lúc chính các "ngôi sao" ấy  làm họ thất vọng vì những chuyện "xi can dan" (scandal) không đâu vào đâu cả. Thật khó mà nói ai sẽ trở thành "người lớn lao" hay trở thành "chuyện quan trọng" mà các bạn trẻ gặp trong đời họ, vì hoặc là họ có quá nhiều hoặc là "tìm không ra" giữa bộn bề vàng thau lẫn lộn.
Qua một cuộc điều tra nhỏ mà bản thân chúng tôi thực hiện cách đây một năm với các bạn trẻ tuổi từ 14 đến 24, có một điều khác đáng làm chúng ta phải quan tâm. Đây là một trong những câu hỏi dành cho họ: "Trong khi gặp khó khăn, bạn đặt niềm tin tưởng vào ai?". Trả lời cho câu hỏi trên cùng với việc sắp theo chọn lựa ưu tiên (từ 1-5) với các đối tượng sau: cha mẹ, thầy cô, bạn bè, Thượng đế, những người khác, phần đông các bạn trẻ trả lời: cha mẹ (đối tượng ưu tiên hàng đầu và được chọn lựa nhiều nhất, chiếm 915/1500 phiếu). Đây chỉ là kết quả thăm dò cùng một vài con số thống kê nhỏ, nhưng câu trả lời của các bạn trẻ lại cho chúng ta một suy nghĩ: Với họ, cha mẹ vẫn luôn là người được tin yêu và luôn có một chổ đứng quan trọng trong đời mình.
Một cách tự nhiên, vì người trẻ vẫn còn ở dạng "bị lệ thuộc" nhiều mặt vào gia đình, nên chuyện "gắn kết với cha mẹ", "sống chết với cha mẹ", "ba mẹ là số một trong đời con" ... là bình thường. Mặt khác, ngoài cha mẹ ra, còn có bạn bè và thầy cô - hai dạng đối tượng gắn liền với đời sống người trẻ theo lứa tuổi với những đặc trưng tâm lý của tuổi vào đời, với việc hội nhập xã hội,... (Ví dụ theo thống kê kể trên so với các đối tượng còn lại tính theo thứ tự ưu tiên, bạn bè - đối tượng được xếp thứ 2, được chọn với 484/1500 phiếu; thầy cô - xếp thứ 3 với số phiếu 535/1500...). Những thành phần khác trong xã hội chưa có vai trò đáng kể hay quan trọng, nên với bạn trẻ, việc đặt niềm tin vào đó ở mức độ "rất ít" là chuyện dễ hiểu. (Ngay cả Thượng đế cũng "bị" xếp vào vị trí thứ 6 với số phiếu 481/1500). Và như thế "điều lớn lao" đối với nhiều bạn trẻ dù sao đi nữa vẫn là cha mẹ, chổ dựa vững chắc nhất.

Cha mẹ - những khó khăn để trở thành "điểm tựa"

Về phía cha mẹ, qua những cuộc trao đổi từ nhiều phía, người ta bắt đầu hé lộ những ưu tư, đúng hơn, phải nói đến những vấn nạn trong việc giáo dục con cái mình. Có hai điều xem ra nổi bật hơn cả.
Thứ nhất, làm sao "cập nhật" hay bắt kịp ngôn ngữ "trẻ" của thời hiện đại, của chatTwitter , Facebook, internet, SMS, điện thoại di động,... để có thể đồng hành với con cái và để có thể hướng dẫn, chỉ dạy những khi cần thiết hay ngăn ngừa những nguy cơ xấu có thể đến từ các phương tiện truyền thông văn minh, hiện đại này. Thật ra chẳng ai tài giỏi để có thể chạy theo hết đời máy này đến mốt điện thoại kia; hoặc phải "đầu tắt mặt tối" vì mưu sinh thì làm gì có thời gian mà "cập nhật" hoặc "nghiên cứu". Nhiều bậc phụ huynh đã cố gắng học hỏi hoặc tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn để có cách thích ứng. Nhưng đôi khi họ quá bận tâm vì những chuyện có tính "kỷ thuật". Có lẽ cần lưu tâm hơn một chút để dạy cho con cái "tiêu chuẩn" khi sử dụng của cải vật chất, cách thức thăng tiến nhờ vào việc học hỏi từ những gì là có giá trị và đáng tin cậy, nhờ vào kinh nghiệm và gương sáng của chính  bản thân cha mẹ hơn là việc chạy theo kiểu hợp thời - "người sao ta vậy" là "thành công" - như nhiều người vẫn tin tưởng. Ai có thể phủ nhận rằng: một chiếc xe honda ôm của người cha gương mẫu và chân chính, một đôi quang gánh đơn sơ của bà mẹ tần tảo không thể làm điểm tựa làm cho những đứa con nên khôn ngoan và đạo đức? Nhiều khi vì người ta quá tin vào sức mạnh của đồng tiền và vật chất mà đánh mất chính điểm tựa cần thiết phải có là tình yêu thương, sự quan tâm và những bước đồng hành hằng ngày với con cái.
Thứ hai, làm sao để "làm gương sáng" cho con cái. Thật khó trong thời buổi mà gia đình chịu một áp lực khá nặng trong bối cảnh xã hội có nhiều dấu hiệu suy thoái về đạo đức. Nhiều  khi với các bạn trẻ, khó khăn của họ ở chổ là: điều cha mẹ dạy trong gia đình không "hợp" với những gì người ta sống ngoài xã hội. Nhiều bạn trẻ cảm thấy "bối rối" khi phải chọn lựa giữa điều chân thật và giả dối được bày biện gần nhau và có thể tìm thấy nhan nhản giữa đời thường.  Trong khi đó, họ đã được cha mẹ dạy cho từ tấm bé những điều cao đẹp về tình người, lòng trung thực, sự tôn trọng người khác... Còn hơn thế nữa, các bậc phụ huynh cảm thấy áy náy về trách nhiệm giáo dục, vì xem ra họ bất lực trước những đổi thay của "chân lý thời hiện đại và tự do". Lắm lúc, họ có thể bị xem là "khó tính"; hoặc tệ hại hơn, nhiều khi người ta dạy dỗ con cái những điều rất hay và lý tưởng lại là điều mình cảm thấy khó thực thi nhất. "Lời nói gió bay", việc giáo dục không đi kèm theo gương sáng hay chứng tá sống động chẳng đem lại hoa trái gì. Và kết quả là "thượng bất chính, hạ tắc loạn".

Để kết...
Trở lại với câu chuyện cuộc đời của Don Bosco, nhà giáo dục của người trẻ, chúng ta có thể nghe thêm những câu nói của Ngài: "Giáo dục là chuyện của trái tim". "Không có sự cảm thông, không thể có lòng tin tưởng. Không có lòng tin tưởng thì đừng nói đến chuyện giáo dục". Việc đồng hành với con cái là chuyện trách nhiệm của cha mẹ. Tuy vậy sống cho con cái không chỉ dừng lại ở trách nhiệm mà còn ở tình yêu thương nữa.
Người ta vẫn hay nói "Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính". Giữa những thử thách của cuộc đời hiện nay, phó thác mọi số phận cho "Trời sinh tính" chẳng phải là một giải pháp có tính nhân bản. Ngược lại, nếu quá chăm chú vào việc lo cho cái ăn cái mặc hoặc quá đề cao vật chất mà bỏ qua những giá trị tinh thần khác trong khi giáo dục, ta có thể làm hư hỏng cả một thế hệ và "đánh mất cả nhân tính".
Còn hơn thế, với những bậc làm cha mẹ là Kitô hữu, họ cần phải biết học cách thức bày tỏ một chút tình yêu thương và trở nên chổ dựa cho con cái. Họ phải là dấu chỉ biểu lộ tình yêu của Đấng Tốt lành là Cha ngự trên trời, là dấu chỉ của sự lo lắng và chăm sóc trong yêu thương. Lời mời gọi đó của Tin mừng vẫn còn vang vọng: " Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người"(Lc11, 12-13).
(Lê An Phong, SDB)


[1] Cfr. ENZO BIANCO, Educare oggi come educava Don Bosco? Quasì una sfida nel centenario del santo dei giovani, LDC, Torino 1988, 7.