Mỗi
chúng ta có một tính cách khác biệt, và thật thú vị khi nhìn thấy có người sôi
nổi, có người trầm mặc, có người cười tươi luôn, có người khi nào cũng nghiêm
nghị. “Bạn là bạn, và tôi là tôi” - Cám ơn Thượng đế đã cho chúng ta sự khác biệt
để ta còn biết nhận ra sự phong phú nhiều mặt trên cõi đời này.
Tôi lại
muốn nói với bạn về Don Bosco, một người vùng núi Piemonte, một cậu bé mồ côi,
một anh chàng trai trẻ nhà quê, một linh mục của lịch sử thời công nghiệp hoá đầy
biến động ở Italia những năm đầu thể kỷ thứ XIX, một vị thánh được mệnh danh là
“Cha, Thầy và Bạn của giới trẻ” - người đã mang lại niềm vui và hy vọng cho rất
nhiều bạn trẻ. Cá tính và kinh nghiệm thời thơ ấu của ngài cũng như bối cảnh xã
hội chắc chắn có nét rất khác với chúng ta. Tuy nhiên, niềm thao thức được sống
vui và được mọi người yêu mến sẽ là “mẫu số chung” để chúng ta có thể chia sẻ
cho nhau những gì là kinh nghiệm của Don Bosco.
Quan niệm của Don Bosco về niềm vui
Với cá tính vui vẻ
và thân thiện cùng với một số tài năng như biết làm xiếc, đi trên dây… cậu bé
Gioan Bosco đã biết đem lại niềm vui cho các bạn cùng trang lứa ngay từ thời
thơ ấu. Khi lớn lên thêm một chút, lúc phải bươn chãi để học hành và vật lộn với
khó khăn để hiện thực hóa ước mơ trở thành linh mục của mình, cậu hiểu hơn đâu
là căn cội vững bền cho niềm vui thực sự, niềm vui sâu xa từ trong tâm hồn, niềm
vui có thể làm tiêu tan sầu muộn, niềm vui có thể giúp mình và người khác vượt
qua khó khăn… Khi Gioan Bosco trở thành linh mục, niềm vui của ngài trở nên cách
thức, ngôn ngữ, lối diễn đạt của tâm hồn nạhy cảm, để tiếp cận và giúp bạn trẻ
tìm lại chính niềm vui mà họ bị đánh mất trong môi trường gia đình (với bạn trẻ
bị bỏ rơi), trong công việc ( bạn trẻ lang thang, thất nghiệp) và trong các mối
tương quan xã hội khác (bạn trẻ bị lạm dụng từ những kẻ xấu, bị tù tội...)
Với
các bạn trẻ mà Don Boscco đã dành trọn cuộc đời và tất cả tâm huyết để sống cho
họ, Ngài truyền lại sự lạc quan và hy vọng nhờ khám phá những khả năng nơi
chính bản thân mình. Ngài truyền lại cho họ niềm vui có nguồn gốc từ Đức Tin
Kitô giáo. Ngai tin rằng niềm vui như thế chính là mảnh đất tốt để Thiên Chúa có thể làm những việc tốt lành cho ta và cho
mọi người: “Người vui tươi, Trời sẽ giúp” (MB IX,
996). Với Don Bosco, niềm vui
tạo nên sức mạnh, và sức mạnh này chiến thắng sự buồn rầu, tính hờn giận - căn
nguyên của mọi sự xấu khác như cô đơn, chán nãn, tuyệt vọng. “Quỷ sứ luôn sợ những
người vui tươi” (MB X, 648)
Theo
lời cha A. Caviglia, sự vui tươi là
“Điều răn thứ mười một” của các nhà Salêdiêng (ý muốn nói đó là một điều quan trọng và
thiêng liêng mà mọi người phải sống, thực hành và tuân giữ nơi các công cuộc mà
Don Bosco thành lập). Đây là một trong những bí mật lớn của hệ
thống Giáo dục Dự phòng. Như
Thánh Philiphe Nêri, Don Bosco đã không ngừng lặp lại cho các người trẻ: “Các con hãy luôn luôn vui
vẻ”; “ Hãy phụng sự Chúa trong niềm vui”.
Với
Don Bosco, niềm vui hệ tại ở “tình trạng của tâm hồn”, hay chính là “đời sống
tinh thần”. Trong ấn bản đầu tiên của cuốn sách Giovane Provveduto (xuất bản năm 1847, bao gồm những chỉ dẫn cho đời sống thiêng
liêng, việc thực hành đạo đức và những lời kinh nguyện khác
nhau cho các bạn trẻ) Don Bosco đã viết: “Những người sống trong ân sủng của Thiên Chúa luôn
luôn vui vẻ, ngay cả khi gặp đau
khổ họ vẫn có sự vui mừng”; trong khi
đó, “những người chỉ biết lao
mình vào những thú vui thì luôn sống
trong sự giận dữ và chẳng bao giờ cảm thấy hài lòng”.
Khi nói điều này, Don Bosco muốn giúp những
người trẻ hiểu rằng: hạnh phúc ở trần
gian và cả niềm hạnh phúc vĩnh cửu luôn có mối quan hệ với
Thiên Chúa.
Niềm vui rộng lớn
và sâu sắc toát ra từ Don Bosco, như lời Cha E. Viganò, là sự kết hợp nhiều điều
với nhau: Đó là niềm vui của cuộc sống chứng tá hàng ngày; là sự tiếp nhận các
sự kiện xảy ra trong đời như là con đường chắc chắn của niềm hy vọng.
Đó là cái nhìn trực
giác và khả năng hướng mọi người vào việc xây dựng tình gia đình với những đặc
ân và những hạn chế nơi bản thân mỗi người; là sự bén nhạy có tính cách rất thực
tế về những điều thiện hảo hiện diện bên trong mỗi con người: Ngay cả đất đai
hoang dại cũng có thể mang lại hoa trái với công sức và sự kiên nhẫn của nhà
nông; nơi bạn trẻ bị xem là hư hỏng “hết thuốc chữa” ta vẫn có thể tìm thấy hạt mầm của sự tốt lành: lòng khao khát sự thiện, được sống tốt, được yêu
mến (xem MB V, 367).
Đó là sự quan tâm
đặc biệt dành cho giới trẻ để giúp họ rộng mở trái tim và biết sáng tạo cho
tương lai, lan toả tính mềm dẽo và năng động cho họ, giúp họ biết làm thế nào để
tiếp nhận cách cân bằng các giá trị của thời đại mới.
Đó là sự cảm
thông của những người bạn biết dùng tình yêu thương để xây dựng khoa sư phạm của
lòng tin và biết đối thoại để dẫn mọi người đến với Chúa Kitô.
Đó là một giàn
hoa hồng tuyệt đẹp ngài bước lên trên trong khi miệng hát và mặt tươi cười, thì
bàn chân phải rướm máu vì bị gai đâm. “Khi nắm những bông hồng trong tay, ta sợ
vướng phải những cái gai nhọn, nhưng bông hồng nào cũng có gai cả!” (MB XVII,
131). Niềm vui của vinh quang đến sau những đau khổ phải chịu.
Niềm vui như thế
của Don Bosco cũng chính là niềm vui của tôi và bạn hôm nay, là kết quả của sự
hy sinh, là niềm vui khi vượt qua những khó khăn thử thách để giành chiến thắng,
niềm vui sau những kỳ thi nhọc mệt, niềm vui của bà mẹ qua cơn sinh nở nhìn thấy
mặt đứa con yêu, niềm vui của một hành trình dài lao nhọc được đến đích cách trọn
vẹn…
Cách thức sống vui tươi theo lời của Don Bosco
Làm thế nào để có được niềm
vui như Don Bosco nói đến? Lật qua các trang Hồi sử của Don Bosco (Memoria Biografia – MB), chúng ta có thể
tìm thấy rất nhiều câu nói hay lời khuyên của ngài dành cho các bạn trẻ và học
sinh của mình. Chúng ta có thể đọc lại vài câu để hiểu thêm về tâm tình của Don
Bosco và suy ngẫm cho mình.
Có lẽ bạn và tôi sẽ cảm thấy
vui khi lòng mình thanh thản. Don Bosco nói với bạn trẻ: “Hãy vui tươi
luôn với niềm vui thực sự, niềm vui của một lương tâm không vướng tội lỗi” (MB VI, 697). Don Bosco luôn
đề cao việc sống đạo đức để giữ lương tâm trong sáng, vì với ngài, niềm vui thực
sự là dấu hiệu của một tâm hồn thanh thản, không vướng tội trọng và sống trong
ân sủng của Chúa: “Nếu các con muốn cuộc sống của mình luôn vui
tươi và thanh thản, hãy học biết cách sống trong ân sủng của Thiên Chúa” (MB
XII, 133). Cách tốt nhất để sống trong ân sủng là giữ mình khỏi phạm tội trọng,
hoặc siêng năng xưng tội, rước lễ, hoặc sống lương thiện và lắng nghe tiếng lương
tâm ngay chính chỉ đường…
Có thể bạn sẽ thắc
mắc: những bạn trẻ không biết Thiên Chúa thì niềm vui của họ ra sao? Quan niệm
về sự vui tươi của Don Bosco dành cho người trẻ rất nhân bản. Một mặt, Ngài khẳng
định tâm hồn trong sạch, hay lòng đạo đức là nguồn thật của niềm vui bền vững. Mặt
khác, ngài không quên nhắc các bạn trẻ: “ Hãy giữ cho phần thể xác được vui khoẻ
vì nó sẽ sẵn sàng vâng nghe lời chỉ dạy của linh hồn” (MB XII, 218). “Các con
hãy vui chơi hết sức mình miễn là đừng phạm tội” (MB III, 603). Như thế niềm
vui thật phải là niềm vui trong sự hoà hợp cả thể xác lẫn tâm hồn, niềm vui kéo
dài từ những gì mang lại lợi ích cho con người –cho bản thân mình và cho người
khác, cả vật chất lẫn tinh thần. Bạn sẽ phải suy nghĩ lại nếu mình chỉ muốn vui
chốc lát mà mệt nhoài cả ngày, vui một phút mà tàn hại cả cuộc đời, vui từ những
đam mê hay thói xấu vướng phải vì lầm lỡ một chốc lát mà hậu quả để lại dài
lâu.
Bạn và tôi có bao
nhiêu việc phải làm hằng ngày, và khi mệt nhọc vì các việc bổn phận, ta thật khó
mà vui vẻ. Mà thực ra, giữa bao nhiêu việc hằng ngày, có phải tất cả là “bổn phận”
không? Niềm vui, theo gợi ý Don Bosco, là “biết chu toàn công việc bổn phận của
mình cách vui vẻ”. “Vui tươi, học tập và làm các việc đạo đức là chương trình lớn
để hành động, và nếu các con thực hành nó, các con sẽ có sự hạnh phúc, và điều
này cũng sẽ mang lại nhiều ơn ích cho tâm hồn”
(MB VII, 494). “Một người, dù làm rất ít việc nhưng làm những gì mình được trao phó, đã làm
một việc lớn; một người làm rất nhiều việc, nhưng không theo những gì là bổn phận
của mình thì chẳng làm nên điều gì cả”(MB I, 401).
Trong tương quan
với mọi người, đặc biệt khi ta phải làm theo lời yêu cầu hay mệnh lệnh của một
ai đó, sự bực dọc thường hay xảy ra. Niềm vui mà Don Bosco nói với các bạn trẻ đến
từ thái độ “sẵn sàng, vâng phục với lòng yêu mến” chứ không vì bị ép buộc: “Ai
biết loại bỏ sự càm ràm, sẽ tìm thấy niềm vui” (MB XIII, 91). “Muốn sống vui
tươi, hãy biết vâng lời” (MB XIII, 210).
Trong thực tế, điều
mình “muốn” và điều mình “biết” không luôn luôn song hành và không đơn giản để
chúng ta thực hiện. Đó là kinh nghiệm sống đòi hỏi nhiều cố gắng và chúng ta phải
thực hành cách liên tục để loại bỏ dần những sai lầm và trưởng thành hơn trong
những chọn lựa đúng đắn. Về điều này, Don Bosco nói đến các nhân đức. Đó là niềm
vui được tạo nên từ việc thực thi những điều hay điều tốt cho mọi người: “ Nếu
các con muốn sống hạnh phúc, muốn được Thiên Chúa che chở và mọi người yêu mến,
hãy biết sống tốt với mọi người, yêu thương bạn bè, quảng đại và kiên nhẫn với
những ai không ưa thích mình, cảm thông với ai buồn rầu, không ghen tỵ với
nhưng ai đang có cơ hội sống hạnh phúc, hãy làm việc tốt cho hết thảy mọi người
và luôn tránh xa những việc gây hại cho người khác” (MB IX, 962).
Trên
đây là vài lời của Don Bosco mà tôi muốn chia sẻ với bạn về niềm vui. Dù biết rằng
chia sẻ cùng cảm xúc, suy nghĩ là điều không dễ thời bùng nổ thông tin, và sống
niềm vui thực sự cũng như dành thời gian để mang lại niềm vui đó cho người khác
là điều “hơi bị hiếm” trong thời khủng hoảng kinh tế và thời bá chủ của hưởng
thụ cá nhân; nhưng tôi tin tưởng và hy vọng, vì… biết đâu được, khi bạn đọc được
những dòng này, chính Don Bosco chứ không phải ai khác, sẽ làm ngân lên trong bạn
khúc hát của niềm vui và thôi thúc bạn lên đường với ước nguyện: “trong nơi buồn
sầu con gieo niềm vui”. (Lê An Phong,SDB)