24 July, 2010

Một thoáng suy niệm


LỜI KINH CHO NHÀ GIÁO DỤC - NGƯỜI KHƠI DẬY HY VỌNG


Lời kinh này trích dịch từ cuốn sách mang tựa đề “ Con đường dẫn đến tự do” của Paolo Giuntella (Nhà xuất bản Paoline), một nhà báo và cũng là một nhà giáo dục luôn nghĩ đến các bạn trẻ qua những mẩu chuyện kể của mình. Cũng giống như bao kinh nguyện tự phát khác, đây là tâm tình đơn sơ với Thiên Chúa của một cá nhân. Tuy vậy những nhà giáo dục có thể suy nghĩ qua lời kinh này những định hướng thiêng liêng cho công việc hằng ngày của mình.

Lạy Chúa, xin hãy biến đổi con, trong sự nhỏ bé của mình, trở thành một người kiến tạo và khơi dậy niềm hy vọng.

Hãy làm cho các bạn hữu, anh em của con thành những người kiến tạo hy vọng.

Lạy Chúa xin hãy giúp con hoàn thiện chính mình trong việc phục vụ người khác, đừng ù lỳ hay ngồi yên trong những công việc bó buộc, và luôn ý thức rằng ngay trong những điều tốt đẹp và thành công nhất đã làm được vẫn luôn còn đó những giới hạn.

Xin hãy giúp con nghe ít lại giọng của chính mình, bớt đắm chìm miên man trong những gì mà con làm được để cùng bạn hữu thực hiện những suy tư, những mơ ước khác của chính Ngài, giống như Don Bosco và và những vị thánh khác đã làm.

Xin hãy làm cho con trở nên một chút trẻ thơ, cùng với chiếc mũi đỏ của anh hề dễ thương để làm cho người lớn cũng như trẻ con được cười vui.

Xin hãy giúp con, khi cùng cười với ngườ khác, con bớt nghiêm khác hơn và không rơi vào bẫy của tính bi quan và hoài nghi rằng chẳng có sự gì thay đổi.

Xin hãy giúp con cảnh tỉnh hơn với những gì mình nghĩ là “tuyệt đối đúng, tuyệt đối tốt, tuyệt đối an toàn” đến nỗi không cần phải sám hối hay canh tân mỗi ngày.

Hãy giúp con biết yêu thương những kẻ bị xem là “không tốt”, biết trở thành tội nhân giữa bao tội nhân khác và những ai cần đến ơn tha thứ, những kẻ khao khát tự do, công bằng và hạnh phúc; biết trở thành người yêu chuộng hoà bình, hiền lành với mọi người ngay cả khi con có thể nổi giận, thanh tản tâm hồn ngay cả khi chìm ngập trong thất vọng và ở giữa những kẻ hoài nghi bỡn cợt với những điều con đang nguyện xin hay là với các Mối phúc Tin Mừng.

Lạy Chúa con khao khát được đứng thẳng lưng và không trở nên nô lệ cho cường quyền bạo lực, được can đảm nói “có” hay “không” với những gì mời gọi con thực hiện cho lợi ích của mọi người và vì danh Chúa.

Xin hãy ban cho con khả năng lắng nghe những lời khuyên răn, sự khiêm tốn để học hỏi từ mọi người, lòng say mê tìm kiếm những điều mới lạ để con tiếp tục cuộc tìm kiếm các mầu nhiệm ẩn kín nơi mỗi con người, khám phá nơi mỗi khuôn mặt trang “lịch sử thánh thiêng” mà Chúa đã viết nơi cuộc đời họ.

Lạy Chúa, con biết rằng: mỗi một em nhỏ, mỗi một con người là sự hiện hữu độc đáo và không rập khuôn. Xin hãy giúp con đọc được nơi họ cái nguyên nguồn ấy, để từ đó khơi gợi trong con những chất vấn mà con phải tìm cách giải đáp bằng lời nói, bằng sự hiện diện và bằng cả cuộc đời của chính con đây.

Lạy Chúa, xin hãy giúp con biết sống phục vụ hơn là được phục vụ, hành động hơn là nói suông, biết yêu thương những ai cần được yêu thương, yêu thương ngay cả giữa những gì khác biệt, biết tha thứ và hoán cải mà không phải chờ đợi quá nhiều thời gian, vì lòng thương xót và sự tha thứ là ơn thuộc về con cái Chúa.

Lạy Chúa, Ngài đã mời gọi con hoạt động như một nhà giáo dục, như một người phải hoá thân vào những người khác, nơi là cung thánh Ngài hiện diện, cho dẫu đó là một đứa trẻ lang thang bụi đời, một nạn nhân thương tâm của bạo lực, một em nhỏ bị bỏ rơi hay bị từ khước quyền được sống. Con không muốn làm cho Chúa phải thất vọng, và con tin là Chúa luôn luôn ở bên cạnh con. Amen.
(Lê An Phong, SDB sưu tầm và chuyển ngữ)

21 July, 2010

Trang sách cuộc đời

Suy nghĩ một phút ...

Nhiều người thích viết nhật ký mỗi ngày, vì họ muốn ghi lại những sự kiện đáng nhớ hoặc tâm tư của mình. Qua những dòng chữ trên giấy, ta có thể hiểu được một tâm hồn.

Cuộc đời của mỗi chúng ta từng ngày trôi qua với nhiều chuyện không thể ghi chép hết được. Mỗi một ngày là con chữ, một dấu chấm, dấy phẩy; là một câu, một đoạn, một trang sách. Từng ngày nối tiếp nhau như thế làm thành cuốn lịch sử của đời ta.

Sống làm sao đây? Điều gì là quan trọng: quá khứ, hiện tại, tương lai?

Một bậc tiền bối của chúng ta đã viết những dòng tâm sự như sau: "Chỉ giây phút hiện tại quan trọng. Đừng nhớ ngày hôm qua của anh em để chỉ trích. Đừng nhớ ngày hôm nay của con để khóc lóc. Nó đã vào dĩ vãng. Đừng nhìn ngày mai của con để bi quan. Nó còn trong tương lai. Giao quá khứ cho lòng nhân từ Chúa, giao tương lai cho sự quan phòng Chúa, giao cả cho tình yêu Chúa."
(Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, Đường hy vọng, số 898).

(Lê An Phong,SDB)

16 July, 2010

Hỡi bạn trẻ - bạn nghĩ bạn là ai?

Người ta có nhiều định nghĩa về giới trẻ theo các góc độ khác nhau về tâm sinh lý, về tuổi tác, về quan niệm sống. Sau đây là phần trích dịch một vài định nghĩa thú vị của Giám mục Domenico Sigalini, người đã từng làm việc mục vụ giới trẻ của Hội đồng Giám mục Itlay 1991.

Bạn là người đang ở độ tuổi xuân trào tràn sức sống, chan chứa niềm vui và ước mơ
Bạn là người cảm thấy tự do thực sự: hôm nay vươn mình thức dậy lúc tinh sương và cảm thấy muốn chinh phục cả thế giới, rồi ngày hôm sau có thể nằm dài trên giường tới trưa vì biết có người sẽ lo cơm nước cho mình.
Bạn là người khôn ranh biết mình được yêu mến, ít nhất là ba và mẹ là những người luôn ngăn cản bạn, nhưng cuối cùng họ cũng để cho bạn làm điều mình muốn và luôn bào chữa cho bạn trước mặt mọi người
Bạn là người biết vượt khó khăn và có đủ năng lực để làm chuyện đó dù đôi khi còn bối rối.
Bạn là người hay mắc phải sai lầm và lại bắt người khác hứng chịu hậu quả.
Bạn là người vẫn luôn “may mắn” tìm thấy áo quần tươm tất và thơm tho cho mình.
Bạn là người hay gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ để diễn đạt chính mình, nên phải nhờ trang phục và mọi sự khác diện trên mình nói hộ.
Bạn là người hay có những phút điên khùng và nhận ra rằng người lớn cũng có nhiều lúc khùng điên như bạn.
Bạn là người ao ước ngày hôm nay phải là một ngày thụ hưởng tối đa dẫu biết rằng sau lúc đó là những khoảnh khắc trống vắng chán chường không chịu nỗi.
Bạn là người thích rảo quanh đây đó với một vài người bạn để thỉnh thoảng lại làm những chuyện không đâu vào đâu mà chẳng cảm thấy đó là vấn đề.
Bạn là người vẫn hay lạng lách vượt ẩu trên đường mà vẫn luôn hy vọng là sẽ đi đến nơi về đến chốn.
Bạn là người cảm thấy trái tim bừng vỡ vì một ai đó nhìn vào mắt bạn và “hình như” muốn nói điều gì đó với bạn.
Bạn là người xinh đẹp thực sự dầu rằng vài lần không cảm thấy can đảm để ngắm mình trong gương và lại thở dài ngao ngán vì nghĩ rằng người khác lại vẽ vời về mình chứ thực sự mình chẳng được vậy.
Bạn là người ao ước được sống như anh chàng đẹp trai con nhà giàu đã từng gặp Đức Giêsu mà lại sợ hãi lựa chọn ấy vì một chút từ bỏ.
Bạn là người cảm thấy mình được sinh ra để làm những sự vĩ đại nhưng lại chỉ gặp những chuyện tép riu.
Bạn là người hay cảm thấy mình bị lãng quên, nay đây, mai đó, chẳng có gì hài lòng và thấy mình xuống cấp nhanh chóng.
Bạn là người rất “thoáng”, tò mò muốn biết mọi chuyện trên thế giới, về khoa học, thơ văn, mỹ học.
Bạn là người muốn thử các “trò chơi cuộc đời”, dẫu biết rằng đâu đó vẫn còn sự ngăn cấm.
Bạn là người cảm thấy mình là chủ thân xác này và muốn làm gì với nó thì mặc bạn, chẳng muốn ai can ngăn hay “xía” vào chuyện “quyền lợi riêng tư” này.
Bạn là người cảm thấy mình may mắn và vui vẻ vì có được một ông bố hay bà mẹ “biết tâm lý”, chìa ngay cho bạn “ty tý” tiền tiêu khi nhìn vừa thấy vẻ mặt thiểu nảo của bạn mà chẳng cần phải đợi nói một lời.
Bạn là người trong những giây phút hạnh phúc và đầy đủ nhất vẫn còn khao khát điều gì đó hoàn hảo và cao xa hơn mà bạn chưa từng trải nghiệm; cõi lòng của bạn dù đã mở ra mà vẫn chưa đủ sức để đón lấy nó.
Bạn là người cảm thấy trong thâm tâm khao khát chiêm ngắm một bóng dáng ai đó mà mình vẫn chưa thể định hình, cho dù trước mặt bạn đã có một khuôn mặt nam nhi đẹp trai hay một bóng hồng xinh xắn mà bạn nghĩ vẫn là trò đùa.
Bạn là người thức dậy một buổi sơm mai và tự hỏi mình : Tôi đang đi đâu đây? Tôi sẽ làm gì đây? Ai có thể đong đầy trái tim tôi? Tôi có thể thực hiện mơ ước của mình? Có một ai yêu thương tôi không? Tôi vẫn còn mơ ước cho tương lai phía trước của đời mình?
Bạn là người hiểu ra rằng chuyện “xả láng” một chút hôm nay để ngày mai có cái mà kể lại cho bạn bè, một buổi nhậu lai rai vài chai bia, một chút nổi loạn với vài hơi cần sa và làm quen với vài tay anh chị đàng điếm … chẳng bao giờ làm bạn thỏa mãn cả. Vẫn còn lại đó nỗi trống vắng mà bạn phải tìm cách lấp đầy…
(Lê An Phong, SDB, chuyển ngữ)

09 July, 2010

Bóng đá – Thiên đàng nơi trần gian
(Joseph Ratzinger – 1985)
Suy nghĩ dưới đây về bóng đá được viết bởi Đức Hồng Y Ratzinger, có thể gây ngạc nhiên cho những ai không biết tác giả. Trong thực tế, bên cạnh tính chất một bản văn có tính suy tư nhân bản sâu sắc, bài viết còn giúp làm sáng tỏ nhân cách của ngài, bởi vì ta có thể thấy rằng Đức Giáo hoàng Benedict XVI không phải là một nhà luân luân lý khó tính hoặc một trí thức hợm hĩnh đánh giá thấp các sự kiện thể thao, đặc biệt nếu chúng liên quan đến đại chúng và lớp bình dân.
Đức Giáo hoàng hiện nay, khác xa những gì mà người ta gán cho ngài, là một người nhẹ nhàng và tình cảm. Trong khi đó, ngài cũng rất can đảm và thẳng thắn trong việc giữ gìn phẩm giá con người và đức tin cho những người bình dân.
Văn bản viết về World Cup, giải thích lý do niềm đam mê bóng đá của mọi người. Tác giả Ratzinger phân tích về tính chất của trò chơi, và bóng đá nói riêng, là một cái gì đó hoàn toàn nhân bản. Trong thực tế, bóng đá là một tổng hợp giữa tự do (vượt quá nhu cầu của cuộc sống hàng ngày và đáp ứng cho nỗi nhớ về một thiên đường bị đánh mất, dự phóng cho cuộc sống tương lai, niềm vui của chiến thắng…) và các quy tắc (luật chơi của sự hợp tác, điểm qui chiếu của tự do và những khác biệt, tranh chấp, và có thể nhờ đó mà giáo dục đời sống con người).

Theo như thông lệ, cứ 4 năm một lần, giải vô địch bóng đá thế giới được tổ chức, một sự kiện thu hút hàng triệu người. Không một sự kiện nào trên trái đất này có thể tạo nên một hiệu ứng rộng lớn như sự kiện thể thao này, một sự kiện chạm đến yếu tố trong căn cội cuộc sống con người và khơi lên trong chúng ta câu hỏi: dựa vào đâu mà trò chơi này có một sức mạnh như thế.
Những người bi quan sẽ nói rằng nét căn bản cũng giống như thời Roma cổ: Ý kiến của số đông quần chúng thời đó là : panem et circensis – bánh mì và xiếc. Như thế bánh mì và trò chơi là những mục tiêu căn bản và thiết thực cho cuộc sống, và ngoài chúng ra chẳng còn gì cao hơn nữa.
Nếu chúng ta có chấp nhận việc giải thích như thế thì xem ra vẫn chưa đủ. Người ta có thể đặt thêm câu hỏi rằng: đâu là yếu tố làm cho trò chơi thành hấp dẫn và được đặt ở mức quan trọng ngang hàng với bánh mì?
Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này dựa vào truyền thống Roma cổ, vì vào thời đó, việc yêu cầu bánh mì và trò chơi là một kiểu diễn đạt sự mong muốn, khao khát một cuộc sống hạnh phúc của Thiên đàng, một cuộc sống no thỏa không cần lao lực và một cuộc sống trong tự do trọn vẹn. Từ yếu tố này người ta phân tích thêm: trò chơi là một hoạt động hoàn toàn tự do, không vì lợi lộc và không có sự ép buộc, nhưng đồng thời lại đòi hỏi toàn bộ sức lực của con người. Theo nghĩa này, trò chơi là một loại nổ lực “trở về Thiên đàng”: là sự vượt thoát khỏi những gì nghiêm nhặt trói buộc hằng ngày, nhất là việc kiếm sống, để được sống trong tự do nghiêm chỉnh với những gì chẳng ép buộc ta, và vì thế những giờ phút đó trở nên tuyệt vời.
Như vậy chúng ta thấy trò chơi vượt qua những gì đơn điệu của cuộc sống thường nhật. Hơn thế nữa, nhất là đối với trẻ con, trò chơi còn mang nét đặc trưng của việc luyện tập cho cuộc sống tương lai. Các em được sống trước những tình huống có tính cách biểu tượng từ cuộc sống thực tế một cách có hệ thống.
Theo tôi, sự hấp dẫn của bóng đá hệ tại ở chổ cả hai yếu tố tự do và nổ lực, được nối kết theo một cách thức hết sức thuyết phục. Bóng đá đòi buộc người ta ép mình vào một qui tắc cùng với việc huấn luyện, việc làm chủ bản thân; từ tự chủ đến trổi vượt, nổi bật; từ nổi bật đến tự do. Hơn thế nữa, bóng đá luyện con người sự cảm thông theo nguyên tắc đúng đắn: chơi trong một đội với vai trò riêng biệt nhưng hiệp nhất với người khác cho một mục tiêu chung; thành công hay thất bại của từng người liên kết với chiến-bại của cả đội.
Bóng đá dạy người ta sự tranh đua hợp lệ: nơi đâu có luật lệ chung, nơi đó người ta phải tuân thủ; luật chơi trở thành điểm nối kết các bên đối lập.
Sau hết chúng ta nói đến sự tự do trong trò chơi: nếu người ta biết điều hướng nó cách đúng đắn, sẽ loại bỏ được tính khốc liệt của việc tranh đua.
Những người tham dự trò chơi từ ghế khán đài hay tự đồng hóa mình với các vận động viên hoặc cầu thủ, và theo cách thức cá nhân, họ cũng tham dự vào những cuộc đọ tài nghiêm chỉnh và tự do: các vận động viên hay cầu thủ trở thành thần tượng sống của cuộc đời những người tham dự trò chơi. Đối với người vận động viên hay cầu thủ, tới lượt họ, họ biết rằng mình đang là đại diện cho sức mạnh chung và được mọi người ủng hộ.
Một cách tự nhiên, ngày nay tất cả trò chơi có thể bị ảnh hưởng bởi “tinh thần thương mại” với những toan tính tiền bạc, từ trò chơi lành mạnh trở nên trò chơi gian trá và tạo ra một thế giới giả tạo với nhiều dáng vẻ đáng ngại. Tuy vậy, chúng ta có thể nói rằng: cho dù trò chơi có bị thay đổi và thiếu đi tinh thần thể thao vốn phải có, thì nó vẫn mang nét của cuộc thao dợt theo hướng “tìm lại thiêng đàng đã mất”. Trong mọi trường hợp, người ta cần phải tìm kiếm nguyên tắc của sự tự do, tham gia trò chơi với sự cảm thông, tranh đua lành mạnh, thông hiểu và chấp hành những qui tắc chung.
Có lẽ khi suy nghĩ về những điều trên, chúng ta có thể học từ trò chơi thể thao bài học về cuộc sống, bởi vì ở đây có một thứ rất căn bản: con người không chỉ sống vì cơm bánh, thế giới của vật chất chỉ là khúc dạo đầu của một nhân loại thực thụ - nhân loại trong thế giới của sự tự do. Tuy nhiên sự tự do này luôn phải được nuôi dưỡng từ việc tôn trọng các nguyên tắc, luật lệ. Đó là những chỉ dẫn cho việc hợp tác hay thi đua hợp lệ, sự độc lập khỏi những thành công hay thất bại bên ngoài, hoặc theo ý đồ cá nhân, và như vậy trò chơi sẽ thực sự mang tính tự do. Trò chơi thể thao (như bóng đá) là chính cuộc sống. Nếu chúng ta biết đào sâu vào ý nghĩa thực sự của nó thì hiện tượng say mê bóng đá có thể giúp chúng ta hiểu thêm nhiều điều của cuộc sống chứ không đơn thuần là một trò tiêu khiển. (Lê An Phong, SDB chuyển ngữ)