15 March, 2012

Trưởng thành nhân bản đời tu – Về “9 logismoi”

( Trích bài viết của Tác giả Anselm Grün. Chuyển ngữ: Lê An Phong, SDB)   
Lời dẫn: Logismoi là một từ Hi lạp được dùng trong linh đạo ki tô giáo, có ý nói đến tư tưởng, ham muốn, kích thích, đam mê,...  Các bậc thầy tu đức trong Giáo hội nói đến các logismoi này bằng nhiều từ ngữ khác nữa, như là: tư tưởng xấu, sự dính bén, những ham muốn, các tật xấu, các mối tội đầu… và các vị đã hướng dẫn cách thức để chống chọi, bằng việc sống hy sinh, từ bỏ, khiêm nhường và cả việc “đánh tội” nữa.     



Ai muốn trở thành linh mục, tu sĩ phải “biết mình”. Họ phải đối diện với tiến trình trưởng thành nhân bản. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây vài điểm căn bản về tiến trình này.
Trước hết phải nói đến khả năng tự nhận thức giá trị chính bản thân mình. Tôi cần phải biết giá trị và khả năng đánh giá bản thân mình. Tự nhận thức giá trị bản thân tạo cho ta sự độc nhất của nhân cách mình. Tôi hiện hữu một cách hợp lý nơi chính mình. Tôi không cần phải so sánh với ai khác.
Nhiều người tin vào lời Chúa được nói đến trong Bí tích Rửa tội: “ Con là con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha”; nhưng những hình ảnh tiêu cực về chính bản thân mình thưở thiếu thời luôn đè nặng họ, ngăn cản họ sống kinh nghiệm rằng: việc được Thiên Chúa đón nhận cũng giúp họ khám phá chính bản thân. Nhiều lần chúng ta ta nghe đến những lời than phiền: “Tôi chẳng ra sao cả, không ai chấp nhận tôi, tôi gặp phải sai lầm trong mọi chuyện…”
Một sự tự nhận thức đúng đắn chính giá trị bản thân mình chỉ có được khi tôi nhận ra hình ảnh tiêu cực nơi mình và tìm cách tẩy bỏ nó đi. Và như thế tôi có thể hiện hữu như mình là.
Khi chia sẻ với các anh em tu sĩ trẻ, tôi hay nói: Hãy nguyện gẫm nửa giờ đồng hồ trước Thánh thể và cầu nguyện rằng: “Tất cả mọi sự đều có thể xảy ra. Không ai kết án con cả vì suy nghĩ hay cảm xúc của mình, mà với con tất cả mọi điều quan trọng hệ tại nơi tình yêu của Chúa Kitô”.
Một sự tự đánh giá đúng đắng về mình chỉ có được khi tôi hiểu được sự độc đáo nơi bản thân mình. Tôi không phải là người mạnh mẽ hơn kẻ khác, tôi không được tự hào hay tự tin thái quá. Như thế chúng ta có thể khám phá ra sự huyền nhiệm của bản thân mình. Hãy thử nghiệm xem điều này từng ngày theo Tin mừng Luca, cùng với lời Chúa Giê su sau khi sống lại: “ Chính Thầy đây”. Nếu chúng ta thốt lên lời này mỗi khi gặp gỡ, mỗi khi đối thoại và khi hành xử với người khác, chúng ta nhận ra ngay là mình “không phải là chính mình”. Chúng ta dễ dàng biến mình thành hình ảnh mà người khác mong chờ. Hãy đọc lại lời của Chúa Giê su, hãy để cho lời này giải thoát chúng ta.
Chúng ta luôn là “chính mình”, tuy nhiên thật khó mà mô tả hình ảnh mà chúng ta thực sự “là”. Đó là luôn là một cuộc khám phá – một mầu nhiệm; và vì thế, mỗi người chỉ thực sự hiểu mình rốt ráo khi đối diện với chính Thiên Chúa.
Một con đường khác của việc trưởng thành nhân bản xuyên qua việc thực hành các phân định giữa “nhu cầu” và “niềm đam mê”. Các tu sĩ đầu tiên trong Giáo hội đã sống với “lý thuyết 9 điều” gọi là 9 logismoi. Đó là 9 cảm xúc hay khuynh hướng có nơi con người, và tất cả đều “trung tính”; tuy nhiên chúng cũng có thể trở thành mạnh mẽ và chi phối bản thân con người. Các tu sĩ cũng nói thêm rằng: bạn không phải chịu trách nhiệm về những tư thưởng hay cảm xúc mà bạn có, nhưng mọi sự hệ tại vào cách thức mà bạn sử dụng chúng. Chúng ta có thể tìm hiểu một chút ở đây, không phải để tra vấn tội lỗi chính mình hay kết án ai khác, mà là để hiểu bản thân mình hơn trong việc kiềm chế các đam mê hay cảm xúc.
Ba logismoi đầu tiên thuộc nhóm “ các yếu tố xung  lực” là: việc ăn uống, tính dục và ham muốn sở hữu. Ba “điều” này thúc dục chúng ta sống  và khiến ta sống dồi dào nếu hướng thiện, bằng không sẽ khiến chúng ta trở nên nô lệ vì những đam mê. Chúng ta khó mà loại bỏ chúng và nếu như thiếu chúng, cuộc sống sẽ không tiến lên được; quan trọng là chúng ta cần tìm cách làm sao để hoà hợp chúng trong đời mình theo hướng mở ra con đường đến Chúa: Thức ăn tuyệt hảo nhất – Thánh thể; định hướng tính dục – thao thức, đam mê được sống kết hợp với Chúa trong tình yêu của Ngài; sự chiếm đoạt hay khao khát sở hữu – hướng đến sự giàu có trong tâm hồn.
Ba logismoi thuộc nhóm “cảm xúc” là: buồn chán, giận dữ và lười biếng. Sự buồn chán là việc cảm thương trong chính bản thân mình. Nguyên nhân của buồn chán thường hay gắn với những ao ước “trẻ con” hay mơ mộng mà không được hiện thực hoá. Buồn chán được “chữa lành” qua những chuyện buồn hay biến cố đau khổ: từ những đau khổ gặp phải, ta hiểu ra mình chẳng phải là thánh nhân, chẳng hoàn hảo mà chỉ là “xoàng xỉnh” thôi, và cần phải đối diện thực sự với chính mình!
Tính giận dữ hay sự gây hấn biểu hiện qua việc ta muốn điều khiển mình trong việc xây dựng tương quan gần hay xa với người khác. Thường chúng ta cần đặt ra một ranh giới trong tương quan với mọi người. Trong một tập thể, tôi có thể sống hạnh phúc nếu biết chấp nhận sự gần gũi và biết đặt ra ranh giới cho các mối tương quan.
Tính lười biếng được xem là tình trạng “không có khả năng để sống thực sự giây phút hiện tại” – Tôi không muốn làm việc, không muốn cầu nguyện, không muốn làm bất cứ việc gì. Tôi không muốn chấp nhận chính bản thân mình nữa. Ta chỉ có thể chữa được bệnh lười biếng nếu biết chấp nhận hiện trạng của mình.
Ba logismoi còn lại có liên quan đến tính chất “đạo đức”, đó là: khao khát danh vọng, tính ghen ghét và kiêu căng. Khi nào ta khao khát danh vọng, bản thân ta sẽ luôn tìm cách để gây chú ý, để nghe ý kiến hay những lời ca tụng của người khác về mình. Từ đó ta tự định hình bản thân mình theo lời ca khen của những người khác.
Trong khi so sánh mình với người khác, ta lại hay sinh ra tật ghen ghét, tự đề cao mình lên và muốn hạ nhục người khác. Có thể xảy ra tình trạng trái ngược: tự ti, mặc cảm – tôi chẳng ra gì, mọi người hơn tôi nhiều! Trong trường hợp này, ta không biết chính mình mà đã, đang sống và suy nghĩ từ phía người khác bên ngoài ta.
Tính tự cao hay kiêu căng là việc từ chối chân nhận “bóng tối và những góc khuất” nơi chính bản thân mình. Tôi tự giữ lấy hình ảnh cao đẹp tuyệt vời của chính mình trong khi nhắm mắt trước hiện trạng thực của chính mình. Nhà tâm lý G. Jung gọi tình trạng này là “sự ngộ nhận”. Tôi tự thổi phồng mình lên với những hình ảnh vĩ đại, lý tưởng của bản thân. Thật nguy hiểm việc tự đồng hoá mình với những hình ảnh có tính cách “mẫu mực”, ví dụ tự cho mình là “người bảo trợ” hay “vị cứu tinh” của người khác. Khi nghĩ rằng mình là “người bảo trợ” tôi trở nên “mù quáng” trước những nhu cầu của bản thân, trong khi đó, lúc gần gũi với người khác tôi lại tự lộ diện hay lại che đậy chính những nhu cầu của mình. Đây là điều xảy ra thường xuyên và được xem là nguyên nhân trong trường hợp quấy rối tính dục của giáo sĩ.
Chúng ta đã biết qua 9 logismoi cũng như tầm quan trọng của việc tự đánh giá và biết nhận xét chính bản thân mình. Đó cũng là cách để biết về các thói hư hay khuynh hướng của bản thân để sống thực với mình và biết “khai thác” sức mạnh của bản thân như một con người mà bước đi trên con đường tu đức thiêng liêng.

No comments:

Post a Comment