Lời Chúa: Trích Tin mừng Thánh Marco: (Mc 10,
13-16)
Người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giêsu, để Người chạm tay vào chúng.
Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với
các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên
Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận
Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào". Rồi Người ôm
lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
Suy niệm Lời Chúa
Trong Kinh thánh, các trẻ nhỏ
được nói đến như là một thành phần nhỏ của đám đông dân chúng, và xét về mặt phẩm
chất, đó là thành phần được xem như “người nghèo”, “người không tự vệ được”. Dưới
cái nhìn văn hóa-xã hội còn nặng về luật và quyền bính của người Do thái, các
trẻ nhỏ không được xếp vào loại “quan trọng” hay “cần được tôn trọng”. Tuy
nhiên, theo cách nhìn tôn giáo, những ai bé nhỏ và là người nghèo thì luôn được
Thiên Chúa yêu thương. Kinh nghiệm đức tin của dân Israel dạy họ rằng chính
Thiên Chúa là người bảo vệ thành phần nhỏ bé ấy; và cũng chính Thiên Chúa sẽ thực
hiện công lý cho những kẻ bé mọn giữa muôn người.
Chúng ta có thể lược qua vài ý
tưởng trong Kinh thánh.
1. Theo khóe nhìn của Cựu ước,
các trẻ nhỏ là món quà của Thiên Chúa ban cho gia đình và dân của Chúa. Cha mẹ
đón nhận con cái như là hoa trái của tình yêu và là sự chúc phúc của Thiên
Chúa. Isaac là món quà đặc biệt của Thiên Chúa cho Abraham (St 21; 22). Giuse
và Bengiamin được sự bảo vệ và yêu thương cách đặc biệt của Giacop (St 32;44).
Mosè – cậu bé được thả trôi trong dòng sông Nin và và trở thành người dẫn đầu
cho cuộc vượt qua của dân Israel. Những cậu trẻ con như David, Samuel,
Daniel,…trở thành niềm tự hào và khích lệ cho mọi người, vì qua họ Thiên Chúa
đã làm những việc trọng đại.
Trân trọng sự vĩ đại mà Thiên
Chúa đã làm cho dân Ngài qua những kẻ bé mọn, tất cả mọi người đều quan tâm đến
việc giáo dục sao cho tuổi trẻ sống xứng với các bậc cha anh. Với người trẻ, lời
giáo huấn của mẹ cha được xem như là việc truyền thụ kiến thức “sống” thiết
yếu:
“Người khôn tránh bạn xấu
Này con, giáo huấn của cha, con hãy nghe,
lời dạy của mẹ, con đừng gạt bỏ”. (Sách Khôn ngoan 1, 8)
Anh em nhà Macabê được mẹ chỉ
dạy cho biết cách sống với Thiên Chúa và lựa chọn Người như là điểm cao
nhất của cuộc sống (2Mac 7,24-30). Trong hoàn cảnh cần phải có những chọn lựa
căn bản và sống còn, người lớn cũng sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm gương
sáng cho tuổi trẻ (2 Mac 6, 18-31).
2. Trong Tân ước, Chúa
Giê su bày tỏ mối quan tâm cách đặc biệt tới thành phần “trẻ”. Vì sự sống của
con người nói chung và cách riêng cho thành phần trẻ, Ngài đã làm những điều
can thiệp kỳ diệu: Ngài làm sống lại cô bé con ông Trưởng hội đường Cafarnao
(Mc 5,21-43), cho cậu con trai bà góa thành Naim chỗi dậy từ cõi chết trong niềm
vui của bà mẹ (Lc 7, 11-17); Ngài cứu chữa cho cậu bé bị mắc bệnh động kinh (Lc
9,37-43)…
Như một mục tử nhân lành, Chúa
Giê su đã dành cho các trẻ nhỏ tâm tình yêu thương của Ngài. Các động từ bày tỏ
cảm xúc rất nhân bản như “ôm lấy”, “đặt tay và chúc phúc lành cho các trẻ nhỏ”
(Mc 10,16) diễn tả sự gần gũi của một “Thiên Chúa làm người”. Hơn thế nữa, sự
tiếp xúc bằng việc “đặt tay” và “chúc phúc” của Ngài với các trẻ nhỏ chính là mức
bày tỏ tình yêu thương có tính cách “hữu hình” và “cảm nghiệm được” của Thiên
Chúa hiện hữu nơi Tình yêu nhập thể, Tình yêu đồng hành, Tình yêu trong tương
quan rất nhân bản của Thiên Chúa với con người, cách riêng cho nhưng kẻ đơn sơ
và có tính thần nghèo khó. Từ tình yêu thương này, lời dạy của Ngài cũng gắn với
lời kêu mời mọi người hãy “trở nên như trẻ nhỏ để vào Nước Trời” (Mc 10,14-15)
– Đó là một sự “lột xác” theo “logic” của Tin mừng để lớn lên về đời trọn lành
trong Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn luôn dùng sự đơn sơ, nhỏ bé và xem ra “yếu thế”
để đánh bại kẻ kiêu căng, tự mãn vì sự khôn ngoan vặt vãnh của mình.
3. Lý do mà các môn đệ
ngăn cản việc các em nhỏ đến với Chúa Giêsu một phần có lẽ do cách nhìn mang
văn hóa – xã hội của thời đại, phần khác cũng có là một sự lựa chọn có tính
cách ưu tiên mà các môn đệ muốn làm: bổn phận chăm lo và rao giảng cho người có
trí khôn và trưởng thành. Việc chọn lựa này mang dáng vẻ của một việc làm
“nghiêm túc”; một chọn lựa dễ làm và dễ tránh những phiền hà vặt vãnh thuộc
“chuyện trẻ con”.
Chúa Giê su lại có khóe nhìn
khác về một chọn lựa cho Nước Trời với “Tin mừng của trẻ thơ”: “Nước Trời của
những ai giống như chúng” (Mc 7,14). Sự vĩ đại của Thiên Chúa và Nước Trời nằm ở
điều nhỏ bé và đơn sơ trong thế giới của những tâm hồn thơ bé và trong trắng.
Cõi lòng rộng mở đón Thiên Chúa nơi những kẻ bé mọn cũng là chổ để Người có thể
hiện diện nơi con người.
Chúa Giê su còn dạy rằng: sự
đón tiếp những kẻ bé mọn trong niềm tin rằng “có Thiên Chúa hiện diện nơi con
người” là việc làm “cho Thiên Chúa” và cũng là cơ hội để “được gặp gỡ Thiên
Chúa”: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này
vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp
đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy” (Mc 9,33-37).
Trong viễn cảnh của phần thưởng
Thiên Đàng như “thế giới của những tâm hồn trẻ thơ”, ta có thể nghe cả lời cảnh
báo của Chúa Giêsu về hình phạt trầm luân cho những ai làm gương mù, gương xấu
gây tai hại đến trẻ nhỏ: “Ai làm cớ cho một
trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ
nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42). Đây cũng lý do để hiểu vì sao Chúa
Giê su đã tỏ “bực mình” khi thấy cảnh các môn đệ ngăn cản các trẻ nhỏ, để chúng
không thể đến với Ngài. Lời của Ngài:“Cứ
để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những
ai giống như chúng” (Mc 10,14) cũng là mệnh lệnh hành động đối với chúng ta
hôm nay vì phần thiên đàng dành cho người trẻ.
Sống Lời Chúa theo tinh thần saledieng
Đọc lại những tường thuật về
công cuộc của Don Bosco, ta có thể biết rằng Don Bosco đã từng bị mọi người
“lên án” vì đã tạo ra cảnh “gây khó chịu” cho nhiều người về một linh mục có vẻ
“bất bình thường” giữa đám trẻ “cù bơ cù bất”. Các bậc vị vọng cả đời lẫn đạo
nghi ngờ vị linh mục này và đã có lúc họ muốn cản ngăn để không cho công việc của
ngài “vì đám trẻ nghèo” được tiếp tục. Trong mọi biến cố vui buồn, tình yêu
thương kết tinh nơi “sự dâng hiến mạng sống cho người mình yêu” của Chúa Giêsu
đã trở nên “lửa” đốt nóng tâm hồn mục tử của Don Bosco. Ngài đã từng tâm niệm:
“Chỉ cần biết các con là người trẻ thì đủ cho cha yêu mến các con rồi”. “Vì các
con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn
sàng hy sinh chính cuộc đời mình”. Thực tế cho thấy rằng sự “hy sinh chính cuộc
đời mình vì người trẻ” nơi Don Bosco đã không là lời nói suông hay là lời hứa hảo
huyền bằng mỹ từ, mà là “hy lễ cuộc đời” được cử hành cùng với các bạn trẻ cho
đến phút cuối cùng. Với Don Bosco, thiên đàng hay hoả ngục là sự chọn lựa sống
“cùng”, “với” và “cho” người trẻ”. Ngài đã tìm cho họ “cơm ăn, việc làm và
Thiên đàng” và đã cho họ thấy những điều ấy bằng “tình yêu thương có thể cảm
nghiệm được” nơi một người cha, người thầy, người bạn của giới trẻ. (Cfr.
M.O; M.B; Ritratti di santi của
Antonio Sicari, Ed. Jaca Book).
Giữa những khó khăn và nghi kỵ từ nhiều phía đối với
những ai dấn thân trong đời thánh hiến phục vụ người trẻ, đâu là điểm qui chiếu
để chúng ta - những người saledieng - có thể xây dựng và đánh giá việc tông đồ
của mình? Trong một thực tế đầy những thách đố của thế giới, nơi mà tuổi thơ bị
đày đọa, bị lạm dụng, bị xui đẩy vào vòng tàn lụi và đánh mất cả nhân phẩm vì
nguyên cớ của người lớn, Tin mừng Chúa đang tiếp tục đòi hỏi các môn đệ của
Ngài hôm nay sống sự lựa chọn “ưu tiên” phục vụ những người trẻ. Sự chọn
lựa này bắt nguồn từ gương chính Chúa Giêsu: vì Nước Trời cho trẻ nhỏ. Sự chọn
lựa trả giá bằng việc hy sinh tất cả.
Chắc chắn, chúng ta không muốn rời xa Tin mừng và
chúng ta cũng không được phép quên tinh thần của Don Bosco. Với chúng ta, cõi
lòng của người mục tử “vì người trẻ” như Don Bosco là một sự hoà điệu tuyệt vời
giữa Tin mừng và sứ mệnh; là nguồn chất chứa tất cả ý nghĩa của đời phục vụ
saledieng trong việc cống hiến tài năng, thời gian, sức lực… cho người trẻ. Hãy
lắng nghe và làm ngân vang một lần nữa tiếng vọng của tình yêu và “lòng ưu ái”
mà Don Bosco dành cho người trẻ qua hai khoản Hiến luật sau:
Hiến luật 11: Đối tượng phục vụ: trẻ em nghèo và bị bỏ rơi.
Tinh thần saledieng tìm thấy
mẫu mực và nguồn mạch nơi chính trái tim Đức Kitô vị tông đồ của Chúa Cha. Khi
đọc Tin mừng chúng ta nhạy cảm hơn trước một vài nét nơi dung mạo Đức Kitô:
lòng tri ân Cha vì đã kêu gọi mọi người vào sự sống thần linh; lòng ưu ái dành
cho những kẻ bé nhỏ và nghèo khó; mối bận tâm lo việc rao giảng, chữa lành, cứu
vớt vì sự khẩn trương của Nước Trời đang đến; thái độ của vị mục tử Nhân lành
chinh phục bằng lòng dịu hiền và sự tự hiến; ước muốn quy tụ các môn đệ lại
trong sự hiệp nhất của tính hiệp thông huynh đệ.
Hiến luật 14: Chọn lựa ưu tiên – người trẻ
Ơn gọi của chúng ta được
đánh dấu bằng một đặc ân của Thiên Chúa. Đặc ân đó là lòng ưu ái đối với thanh
thiếu niên: “Chỉ cần các con còn trẻ là đủ để cha hết lòng yêu thương các con”.
Tình yêu này biểu hiện của Đức ái mục tử , làm cho cả cuộc sống chúng ta có ý
nghĩa.
Vì lợi ích của các em, chúng
ta quảng đại cống hiến thời giờ, tài năng và sức khoẻ: “Vì các con cha học hỏi,
vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hiến dâng
cả đến mạng sống
Tổng tu nghị 26 đã nhấn mạnh thêm: “ Sứ mệnh
saledieng là việc chọn lựa ưu tiên cho giới trẻ. (…) Người saledieng có một sự
hiểu biết gắn kết với người trẻ: trái tim của họ đập theo nhịp của trái tim các
bạn trẻ” (Tài liệu Tổng Tu nghị 26, số 394).
Lời tâm nguyện
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!
Ðường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!
Ðường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui. (Thánh vịnh 131, 1-2)
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui. (Thánh vịnh 131, 1-2)
Lạy Chúa, xin hãy biến cõi lòng con thành “thơ bé”
để con biết nghiệm ra điều mà các bạn trẻ đang thao thức, điều mà họ cần nơi
con; và xin giúp con hiểu được điều mà Chúa muốn con làm cho họ “vì Nước Trời”,
bằng chính những gì là cuộc sống của con hôm nay. Amen
(Lê An Phong, SDB. Torino 04/2012)