01 January, 2013

TỪ KINH NGHIỆM CỦA DON BOSCO ĐẾN NHÀ GIÁO DỤC VÀ VIỆC ĐỐI THOẠI



Từ kinh nghiệm của Don Bosco…

Trong Hồi sử về Don Bosco, ta có thể đọc được nhiều sự kiện đã xảy ra trong đời Ngài. Ngoài những chi tiết về cuộc đời, công việc, tình hình công cuộc… còn có nhiều chi tiết khác nhau về hệ thống giáo dục của  ngài mà ta có thể khám phá thêm. Một trong những điểm chúng ta chia sẻ với nhau giờ đây đó là khả năng đối thoại.

Don Bosco luôn nói với các cộng sự viên đầu tiên của ngài rằng hãy để cho các bạn trẻ cảm thấy sự thoải mái khi diễn đạt suy nghĩ của mình hay chia sẻ những cảm nghiệm của họ. Don Bosco làm gương trước: ở Valdocco, nơi căn phòng nhỏ được dùng làm “văn phòng”, Ngài luôn dành thời gian hiện diện ở đó thường xuyên dù bận trăm công ngàn việc. Cánh cửa phòng luôn rộng mở để đón bất kỳ ai muốn nói chuyện với ngài. Với các bạn trẻ, khi họ vào nói chuyện về một vụ việc nào đó, ngài chẳng than phiền hay trách mắng. Tất cả đều cảm thấy được ngài tiếp đón với sự nồng hậu. Ngài để cho các bạn trẻ tự do nêu lên những thắc mắc, những nhận xét và cả những biện hộ cần thiết cho những gì sai phạm. Don Bosco còn đối xử với những em nhỏ tuổi như “người lớn”: Ngài mời các em ngồi xuống trên ghế bành trong phòng khách trong khi mình lại ngồi bên cạnh cái bàn nhỏ trước mặt, lắng nghe một cách chăm chú. Nhiều lúc ngài lại cùng các em vừa đi  lại trong phòng vừa nói chuyện cho họ khỏi cảm thấy tù túng. Kết thúc cuộc gặp, Don Bosco tiễn chân bạn trẻ tới cửa và luôn vui tươi nói rằng “Hãy nhớ rằng chúng ta luôn là những người bạn đấy!”.

Có một điều khác đáng nhớ nữa là Don Bosco sẵn sàng xếp các chuyện bận rộn khác để nói chuyện hay lắng nghe các học sinh của ngài. Qua một lá thư của vị thánh trẻ Daminh Savio gởi cho cha mình, người ta được biết thêm rằng có lần Don Bosco đã dành hơn một giờ đồng hồ để nói chuyện với cậu bé thánh thiện này.

Với chúng ta, những nhà giáo dục hôm nay…

Có một điều xem ra hơi phi lý là giữa một thế giới phát triển tột bậc về các phương tiện truyền thông, người ta lại gặp khó khăn để “trao đổi thông tin” hay “đối thoại” theo đúng nghĩa. Nhiều bậc phụ huynh hay các nhà giáo dục ngày nay cảm thấy khó khăn để đối thoại với người trẻ. Các bậc làm cha mẹ, nhiều khi quá bận rộn với công chuyện làm ăn, đã dành phần ít thời gian để nói chuyện với con cái. Nếu có dăm ba phút để trao đổi trong gia đình thì phần lớn là lời trách mắng hay than phiền vì nhiều chuyện. Xen vào đó, các chương trình TV đã chiếm hết thời gian trao đổi trong khoảng thời gian hiếm hoi sau giờ học hay giờ làm việc và khoả lấp những câu chuyện cần được chia sẻ trong bữa cơm gia đình. Con cái lại thường bị tước “quyền được nói” vì dù sao nét văn hoá truyền thống vẫn chưa cho các em làm chuyện này. Sự sợ sệt này gây ra nhiều điều dấu diếm hay giả dối khác. Đó cũng chẳng là mảnh đất tốt để gieo mầm cho hạt giống chân-thiện-mỹ.

Ai cũng nghiệm rằng cuộc sống đúng là càng lúc càng hối hả. Mọi sự cần giải quyết nhanh. Và vì thế chuông điện thoại di động lại cứ réo gọi liên hồi ngoài phố, trong nhà, nơi tôn nghiệm hay hội quán… phá tan ngay cả những giây phút cần một chút yên tĩnh để chia sẻ tâm tình…Và internet cùng chat chit đây kia dường như đang muốn xé thêm nhiều mảnh vụn còn sót lại trong đời thực bằng những câu chuyện ảo vui vẻ hơn khắp năm châu bốn biển…

Đôi điều suy nghĩ…

Cách đơn giản, chúng ta biết rằng đối thoại là việc trao đổi lời nói giữa hai hay  nhiều người, là cách tạo ra sự thân thiện hay hiểu biết nhau hơn qua việc chia sẻ và lắng nghe các ý tưởng, suy tư của nhau. Để có được một cuộc đối thoại thực sự, người ta cần biết lắng nghe, biết tôn trọng, biết biểu hiện sự quan tâm, có thái độ cởi mở, sự chân thành…Nhờ đối thoại, người ta xích lại gần nhau hơn và nhờ đó có thể xây dựng nhiều mối tương quan khác.

Với những nhà giáo dục, chúng ta biết rằng đối thoại là phương tiện hữu hiệu để hiểu và để có thể giúp con người hiểu biết và lớn khôn. Với các bậc cha mẹ, đối thoại với con cái là cách không thể thiếu để chuyển tải các giá trị và để uốn nắn kịp thời những lệch lạc.

Tìm ra đâu câu trả lời về phương pháp để đối thoại? Có lẽ nhiều sách vở đã nói đến chuyện này rồi, về những thực hành trên phương diện tâm lý, giáo dục, cách thức sống và thành công khi phải đối thoại với nhiều đói tượng khác nhau trong hoàn cảnh khác nhau vân vân…Câu hỏi đặt ra là chúng ta, các bậc phụ huynh hay các nhà giáo dục có bao nhiêu thời gian và bao nhiêu tâm trí để làm chuyện này? Liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn để lắng nghe nhau, đủ thân tình và đủ tin tưởng nhau để chia sẻ, đủ tôn trọng người đang ngồi trước mặt mình cho dù lớn bé đó là ai để hiểu họ hơn, đủ can đảm để lắng nghe và cùng nhìn nhận sự thật dù nhiều khi sự thật hơi phủ phàng?

Có lẽ đúng như lời Thánh Phaolô: “Trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương. Đó là giây ràng buộc điều toàn thiện”( xem. Cl 3, 12-17). Chỉ với cõi lòng biết yêu thương, biết cảm thông và một lòng yêu mến sâu xa thì người ta mới cảm thấy có đủ thời gian và không ngại khó khăn để chia sẻ và kiên nhẫn lắng nghe nhau.  ( Lê An Phong,SDB )

No comments:

Post a Comment