20 May, 2013

Lời cầu nguyện cho tôi, linh mục của Chúa Kitô.

KINH CẦU CHO LINH MỤC của Thánh Têrêsa Hài Đồng
(Ste-Thérèse de l’Enfant-Jésus)
     

Lạy Chúa Giêsu, Linh Mục Đời Đời, 
               xin gìn giữ các linh mục Chúa trong mái ấm Thánh Tâm Chúa, 
                                                   nơi không gì có thể hại được các ngài.


Xin gìn giữ cho khỏi dơ bẩn
               bàn tay đã được xức dầu của các ngài 
                           hàng ngày vẫn động đến Mình Thánh Chúa.
Xin gìn giữ cho khỏi nhơ uế
              đôi môi của các ngài
                           hàng ngày vẫn thường thấm nhuộm Máu Thánh Chúa.

Xin gìn giữ cho được trong trắng và siêu thoát
              tâm hồn của các ngài 
                           nơi đã được đóng ấn cao trọng của chức linh mục và vinh quang Chúa.

Xin bao phủ các ngài bằng tình yêu linh thánh của Chúa 
                           và che chở các ngài khỏi mọi vương vấn thế gian.

Xin chúc phúc cho những lao nhọc của các ngài
                          và những hy sinh sẽ mang lại nhiều hoa trái. 

Ước chi những linh hồn đã được các ngài coi sóc
                trở nên niềm vui và nguồn an ủi cho các ngài nơi trần gian, 
                          là triều thiên xinh đẹp và vĩnh cửu của các ngài trên Thiên Đàng.

    
Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Các Linh Mục, xin cầu cho chúng con. 
                                   Xin ban cho chúng con thêm nhiều linh mục thánh thiện. Amen.

                           (Barnaba Lê An Phong, SDB - Kỷ niệm ngày thụ phong Linh mục 20-05)

11 May, 2013

Đọc, thư giãn và ngẫm nghĩ về mười điều nhắc nhở - Từ bài thơ 5 chữ...




Lang thang cuối tuần, tình cờ gặp được trên mạng bài thơ viết theo kiểu 5 chữ vui và ý vị. Đọc xong, ta  hiểu thêm một chút tấm lòng của những nhà giáo có tâm huyết với các bạn trẻ...
Ngẫm lại lời của Don Bosco: "Giáo dục là công việc của cõi lòng"...
Xin phép Tác giả để đăng lại và chia sẻ với bạn trẻ trên blog này.


ĐÔI LỜI NHẮC NGƯỜI TRẺ          
Tác giả: Thái Bá Tân  (16/04/2013) -

Sống lâu trong giả dối,
Con người thành chai lì.
Nghe thì có nghe đấy,
Nhưng không cảm nhận gì.

Kiểu nước đổ đầu vịt.
Là vì da nó dày.
Dẫu sao cũng nhắc lại
Với lớp trẻ thế này.

Một, ở đời, quan trọng,
Hơn nhau ở cái lòng
Công danh, giàu có - vứt.
Rốt cục là số không.

Hai, cố sống tử tế,
Trung thực và đàng hoàng.
Đời nhiều thử thách đấy,
Và không hề dễ dàng.

Ba, học phải ra học,
Làm lại càng ra làm.
Tuyệt đối không lớt phớt
Kiểu “phong cách Việt Nam”.

Bốn, thường xuyên đọc sách,
Thích nữa, chơi nhạc luôn.
Vì chính đó là cái
Làm phong phú tâm hồn.

Năm, không đeo mặt nạ,
Khi giao tiếp ngoài đời.
Tuyệt đối không nói dối.
Nói dối nó nhỏ người.

Sáu, lo toan cuộc sống,
Nhưng đừng quên thiên nhiên.
Phải học sống đơn độc,
Thỉnh thoảng nên ngồi thiền.* (* Với bạn có Đạo, đây là việc Cầu nguyện, sống nội tâm - Lê An Phong)

Bảy, vứt mẹ cái điện thoại.
Bạn bè cũng ít thôi.
Nếu thích thì bắt chước
Không có bạn, như tôi.

Tám, phải học được cách
Ngồi mòn đít trong phòng.
Tuyệt đối không nhấp nhỏm,
Không tìm cớ chạy rong.

Chín, biết thì thưa thốt,
Không biết thì im đi.
Lặng lẽ mà tích điện
Như cái bình ac-qui.

Mười, không việc gì khó,
Chỉ sợ mình thích lười.
Đã muốn là làm được.
Vậy cố mà thành người.

Mười điều khuyên giản dị,
Mà toàn đúng, tin đi.
Tôi viết nhắc người trẻ.
Theo hay không thì tùy.

Theo thì mình được sướng.
Không theo cũng okay.
Sau thành người vớ vẩn
Đừng kêu than suốt ngày.

Hãy tin luật nhân quả.
Cố gắng thì việc thành.
Lười biếng thì thất bại.
Ở lành thì gặp lành.

Trong mọi cái, khó nhất
Là rèn luyện bản thân.
Từng tí, từng tí một,
Hàng ngày và dần dần.

Dứt khoát không có chuyện
Sống dễ dãi và lười
Mà thành giỏi, tử ế
Và thành đạt hơn người.

Thương thì khuyên như thế,
Nhưng rồi chắc bọn mày
Lại nước đổ đầu vịt.
Là vì da quá dày.

08 May, 2013

Lòng thương mến và Hệ thống Giáo dục Dự phòng. Cùng với các SDB - Suy niệm Tin mừng Luca (Lc 6, 36-38).





LỜI CHÚA. Trích Tin mừng theo Thánh Luca  (Lc 6, 36-38)
 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em Ðấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.

SUY NIỆM TIN MỪNG
Đọc lại toàn bộ Chương 6 của Tin mừng theo Thánh Luca, chúng ta có thể suy niệm về những nét đẹp Tin mừng, hay “cội nguồn của nền luân lý mới” mà Chúa Giêsu muốn giới thiệu: Đó là việc sống các Mối Phúc hơn là giữ các lề luật cứng nhắc (Lc 6, 20-23), tránh xa các điều dữ (Lc 6, 24-26), yêu thương ngay cả kẻ thù (Lc 6, 27-35), sống hiền lành bắt chước lòng thương xót của Thiên Chúa (Lc 6, 36-38).
Lc 6, 36: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Những lời này của Chúa Giêsu gợi lên kinh nghiệm của lòng thương xót của Thiên Chúa mà Môi-se cảm nghiệm trên núi Sinai: Chúa là Đấng xót thương và nhân từ, chậm bất bình, giầu tình yêu và lòng thành tín (Xh 34, 6). Thông qua các lời giảng dạy, Chúa Giêsu muốn làm thay đổi lòng người. Chúa Giêsu muốn chúng ta thay đổi cách sống xuất phát từ kinh nghiệm mới về Thiên Chúa là Cha yêu thương. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là hoàn toàn nhưng không: Nó không phụ thuộc vào những gì chúng ta làm. Vì vậy, sống với lòng thương xót của Thiên Chúa là nhận biết hồng ân cao cả của Người; sống tâm tình biết ơn như con cái với Cha; sống tình yêu thương và sự hiền hậu với anh em mình; bằng không, chỉ còn lại trong ta sự vô ơn và độc ác.
Lc 6,37-38: Làm thế nào để bắt chước Thiên Chúa Cha, Đấng hiền dịu và giàu lòng thương xót? Một loạt các lời khuyên được Chúa Giêsu liệt kê: “Anh em đừng xét đoán”, “Anh em đừng lên án”, “Anh em hãy tha thứ”, “Anh em hãy cho đi”. Xét đoán, lên án, bất khoan dung, tính toán thiệt hơn… là những thói hư vẫn thường xảy ra với chúng ta trong tương quan với người khác, khi ta đặt mình ở vị trí cao hơn người khác, khi ta thiếu sự khiêm tốn, hoặc đóng kín trong “thế giới riêng” với những định kiến của mình.
Đến lượt mình, các môn đệ của Chúa Giêsu phải tỏa hương tình yêu và lòng thương xót này. Những lời cuối cùng lặp lại rõ ràng hơn những gì Chúa Giêsu đã nói trước đây: Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy (Lc 6, 31). Tuy nhiên, mọi sự sẽ không theo logic theo kiểu tiện ích này: Nếu bạn không muốn bị phán xét, đừng phán xét! Nếu bạn không muốn bị lên án, đừng lên án! Nếu bạn muốn được tha thứ, hãy tha thứ! Nếu bạn muốn có sự “yên thân”, hãy để cho những người khác yên thân! Tình yêu thương và sự hiền dịu đích thực mà Chúa Giêsu mong muốn không phụ thuộc vào những gì tôi nhận được từ người khác. Tình yêu thương này vượt qua giới hạn của những lợi ích mà người khác làm cho tôi. Và điều này, quan trọng hơn mọi sự và là nội lực cho tất cả là tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài là Đấng Thương xót không chỉ cho lợi ích riêng ai, nhưng cho tất cả mọi người - “Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6,35). Chính vì tình yêu thương ấy, những người môn đệ của Chúa Gêsu phải tiếp tục sống không tính toán với tất cả mọi người - “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6, 38).
Trước những lời dạy của Chúa Giêsu về lòng thương xót - một hành vi cần phải có của  con cái Thiên Chúa và của những người môn đệ Chúa Kitô, nhiều người cùng thời với Ngài và ngay cả các môn đệ cũng đã không hiểu được “ai là kể tôi cần tha thứ” và “ai là người cần đến lòng thương xót của tôi?”. Lòng thương xót ấy được minh hoạ trong các dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu, người con hoang đàng,… và thể hiện trọn vẹn nơi cuộc đời của Chúa Giêsu – nơi Tình yêu và Tha thứ kiến tạo Sự Sống thật cho con người.


DUYỆT XÉT VỀ ĐỜI SỐNG THEO TINH THẦN SALÊDIÊNG
1.    Don Bosco nói về Lòng thương mến salêdiêng trong việc giáo dục, theo gương mẫu của Chúa Giêsu
«Tín nhiệm là giòng điện lưu hành giữa thanh thiếu niên và Bề trên. Thanh thiếu niên sẽ cởi mở, giãi bày những ưu tư, lầm lỗi của mình. Chính nhờ có tình yêu đó mà Bề trên chịu đựng mọi lao nhọc, nhàm chán, vô ơn, quấy phá, thiếu sót, lơ đãng của trẻ nhỏ. Chúa Gêsu Kitô đã không bẻ gãy cây sậy dập nát, cũng chẳng dập tắt tim đèn còn leo lét. Ngài là gương mẫu của các con. Chớ gì đừng ai làm việc vì hư danh; phạt để trả thù, vì tự ái bị tổn thương; bỏ việc hộ trực vì ghen tương, sợ người khác trội hơn mình; nói hành người khác; gạt bỏ Bề trên để được trẻ yêu mến và quí trọng. Những người như thế chỉ nhận được khinh bỉ và nịnh bợ giả dối. Đừng ai để lòng dính bén một thụ tạo mà xao nhãng bổn phận hộ trực chính yếu của mình, cả nể không dám sửa bảo những kẻ mình phải sửa bảo. Chỉ khi nào có tình yêu chân thật, ta mới tìm vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. Khi tình yêu trở nên nguội lạnh, mọi sự sẽ trục trặc». (Trích Lá thư từ Roma, ngày 10 tháng 5 năm 1884).
Gợi ý suy tư: Đâu là những nét chính yếu về tình thương mến mà Don Bosco muốn nói với tôi hôm nay? Tôi có hiểusống với “tình yêu thương chân  thật”ấy - “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và vì phần rỗi linh hồn các thanh thiếu niên”như thao thức của Don Bosco?

2.    Lời của Cha Bề Trên C Pascual Chávez về Đào luyện và Chứng tá Tin mừng bằng đời sống Thánh hiến
«Trong một thế giới mà người ta muốn xây dựng mọi sự trên nền tảng tự đủ về kinh tế cùng sự thụ hưởng và tiện nghi, người sống đời thánh hiến trở nên dấu chỉ về hồng ân và tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu đó đã được trao ban qua Đức Kitô. Đó là Tin mừng. Đó là nguồn ơn mà chúng ta có thể mang lại cho thế giới. Đó cũng là niềm hy vọng mà mỗi chúng ta có thể loan báo và cống hiến.
Qua những lần trò chuyện với các bạn trẻ đang muốn dấn thân theo ơn gọi saledieng, cha hiểu và tin rằng trong thâm tâm của họ chứa đựng ba khát khao sau đây: Niềm khát khao sâu xa về đời sống thiêng liêng, cho dẫu họ chưa cảm nghiệm rõ ràng những đường nét về Thiên Chúa của Đức Kitô; Đời sống hiệp thông huynh đệ, cho dẫu họ chưa có một dự phóng nào về cộng đoàn, nhất là khi đời sống nơi các cộng đoàn không luôn nổi bật với sự đón tiếp và các mối hiệp thông huynh đệ sâu xa hay với tinh thần gia đình; Lòng thao thức làm việc cho người nghèo và bị bỏ rơi, cho dẫu họ không luôn đặt mình hoàn toàn vào việc đó theo một quyết định có tính vĩnh viễn, điều dễ hiểu đối với nền văn hoá với những quyết định và nhiệm vụ luôn mang tính “tạm thời” như hiện nay.
Việc đào luyện như vậy là làm một cuộc hành trình ơn gọi cho sự trưởng thành với tất cả những giá trị mà các bạn trẻ quan tâm, cùng với việc giúp họ nhận ra và biết cách đón nhận cả những khó khăn». (Trích Thư luân lưu của Cha Bề Trên Cả, ngày 8 tháng Tư năm 2012, Công báo Tu hội số 413, trang 27).
Gợi ý suy tư: Người salêdiêng là “dấu chỉ và là người mang tình thương Chúa cho thanh thiếu niên, đặc biệt các em nghèo và bị bỏ rơi”(HL.2).Tôi đã “giới thiệu”tình yêu Chúa trong tôi “như là dấu chỉ của Tin mừng, ân sủng, hy vọng” qua đời sống ơn gọi của mình cho các bạn trẻ thế nào?

CẦU NGUYỆN CÙNG VỚI DON BOSCO



Lạy Chúa, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một người Cha và một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh linh mục Gioan Bosco. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con biết phụng sự một mình Chúa và lo cho anh em được cứu rỗi. Amen

NÓI VỚI BẠN TRẺ: SỐNG VỚI TÌNH BẠN CHÂN THẬT.



Trong những suy tư về phương pháp giáo dục của mình, Don Bosco thường hay nhắc đến hạn từ “con tim”, “cõi lòng”. Phần nào, Ngài nói đến tình yêu Kitô giáo; nhưng bên cạnh đó Don Bosco cũng nhắc đến cảm xúc của con người, như tình cha con, tình thầy trò, tình bè bạn. Với Don Bosco, “giáo dục là công việc của trái tim”. Theo cách nghĩ như thế, bạn có thể giúp người khác khôn lớn với tấm lòng của mình. Bạn có thể bước đi cùng người khác trên chặng đường dài bằng tình yêu thương đích thật, bất kể nó ở dạng thức nào, tình gia đình, tình yêu lứa đôi, tình bạn hữu… Xin chia sẻ cùng bạn trẻ tản mạn về tình bạn theo ý hướng giáo dục của Don Bosco.

Tình bạn là gì?
Tình bạn là một loại biểu hiện của cảm xúc, của tình yêu thương nảy sinh trong cuộc sống giữa hai hay nhiều người cùng hay khác giới tính, giữa con người và thế giới động vật. Nó được coi là một trong những trạng thái cảm xúc quan trọng nhất sau tình yêu, trên cơ sở đó người ta có thể xây dựng các mối tương quan nhân vị trong đời sống xã hội, là sự hợp tác cho phúc lợi chung, là sự giúp đỡ và chia sẻ những khoảnh khắc quan trọng trong quan hệ tình người.
Triết gia người Hy lạp Cicero cho rằng tình bạn “không gì khác hơn là sự tương hợp hoàn hảo  tất cả mọi thứ thần thiêng và nhân bản, với sự hổ trợ của  lòng tốt và tình yêu”. Chúng ta cũng có thể tìm thấy những điểm khác nữa trong tư tưởng của ông, ví dụ: Tình bạn là: 1) Việc chia sẻ nỗi niềm riêng; 2) Mối quan hệ tương hợp của bản tính tự nhiên và của những cảm hứng chung; 3) Việc trải nghiệm những khoảnh khắc độc đáo trong đời sống; 4) Việc chia sẻ vài thứ vật chất cho nhau; 5) Sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau; 6) Việc chấp nhận tha thứ và trao ban; 7) Việc tin tưởng và trao phó niềm tin vào người khác; 8) Một sự cảm thông vào đúng thời điểm; 9) Việc đối thoại trong cùng một thứ ngôn ngữ; 10) Sự cảm nhận và hiểu biết chỉ với một khoé nhìn.
Trong tình bạn chân thật, lợi ích cá nhân bị loại bỏ, mối quan tâm đến tinh thần có tính cách quyết định; và mặc dù luôn có sự khác nhau về tư tưởng giữa các cá nhân, tình bạn  là một mối quan hệ bình đẳng giữa hai con người, có sức lôi cuốn và giữ họ trong sự thân tình lâu dài. Tình bạn có thể suy yếu dần theo thời gian, và cũng có thể bị phá vỡ bởi xung đột hay bạo lực. Triết gia Cicero cũng nói với chúng ta về sự bất khả thi của một tình bạn chân thật giữa những con người quá khác nhau về tính khí và về định hướng đạo đức. Chúng ta cũng có thể thấy ở đây những giới hạn của tình bạn thật sự, khi trong tương quan này có những hành vi và hành động trái với các nguyên tắc bình đẵng và tương trợ của các nhân vị, hay trái với đạo đức theo luật lệ cộng đồng.
Tình bạn là một trong những kinh nghiệm sống đẹp nhất mà một người có thể có. Để hiểu điều này, bạn hãy thử tưởng tượng một thế giới không có bạn bè. Ngay cả khi bạn sở hữu mọi sự, bạn có thể hình dung rằng bạn sẽ hạnh phúc trong một thế giới như vậy chăng?
Khả năng để tìm câu trả lời chung cho câu hỏi này là “không”. Ta không thể sống mà không có bạn bè, vì một lý do đơn giản: bạn bè đáp ứng một trong những ước muốn sâu xa nhất của tâm hồn con người: sinh ra để yêu thương và để cảm thấy được yêu thương.

Tình bạn chân thật – Tìm đâu kho tàng này?
“Bạn có địa chỉ trên Facebook? Chúng ta sẽ kết bạn hôm nay, ngay sau khi tôi kết nối mạng!” (Tôi sẽ ad tên của ban vào danh sách bạn bè…) Ai trong chúng ta chưa bao giờ thốt ra hoặc nghe những lời này ít nhất một lần kể từ khi sử dụng Facebook. Có lẽ chưa bao giờ, việc kết bạn được thực hiện “dễ dàng” như ngày hôm nay, và nó đã gần như mất đi tính cách thiêng liêng, bất ngờ của những cuộc gặp gỡ “diện đối diện” đặc trưng của tương quan liên nhân vị. Lỗi của Facebook? Có lẽ là không, cho dù các mạng xã hội phổ biến nhất trên hành tinh này đã và đang đặt bạn trẻ vào cuộc chạy đua tìm kiếm tình bạn. Tuy vậy nhiều người luôn nhớ rằng bạn trên mạng thì nhiều mà rằng tình bạn thật sự lại là chuyện khác. “Tôi có hơn 1.500 bạn bè trên Facebook. Nhưng, bao nhiêu người trong số họ là những người bạn thực sự?” Cách trả lời thực tế có thể đến từ mỗi một trong hàng triệu người sử dụng tiện ích cộng đồng mạng. Người bạn thật sự? Những người rất “đặc biệt” có thể đếm được trên đầu ngón tay. Những người mà bạn có thể thổ lộ tất cả mọi sự và bạn có thể mong đợi tất cả mọi sự từ họ. Đó là những người mà tôi có thể tin tưởng một cách hoàn toàn và là những người sẽ được tôi “cấp quyền truy cập đến kho báu vĩ đại nhất mà tôi sở hữu, nơi là quyền riêng tư của tôi”. Thật không phải dễ dàng để có được những người bạn như thế.
Tìm cho mình những người bạn chân thật không phải là chuyện dễ dàng. Khó khăn hơn giờ đây, theo kinh nghiệm nhiều bạn trẻ, là khả năng biết yêu thương, trân trọng người bạn của mình và không sợ hãi để củng cố tình bạn bằng những dấn thân không điều kiện. Bao nhiêu tình bạn cuối cùng kết thúc vì một số điểm không tương hợp theo kiểu “vì người khác không còn đáp ứng mong muốn của tôi, nên tốt nhất là chấm hết!”. Trong các mối quan hệ kiểu “có điều kiện” như như vậy chắc chắn sẽ không có tình bạn chân thật, bởi vì chúng ta không yêu thương và chấp nhận người khác với tất cả những hạn chế và “mặt tối” của họ, ta có thể “bằng mặt mà không bằng lòng” hoặc ngược lại. Ta không thể sống tình bạn đích thực và tự do vì các điều kiện tự đặt ra.
Theo nhiều bạn trẻ,  tình bạn cao quý và bền vững được xây dựng khi người ta đạt tới khả năng “có thể thể hiện những giới hạn của mình với bạn bè mà không sợ bị phán xét”. Nhưng như thế chưa đủ gọi là chân thật, vì đôi lúc đây chính là sự thoả hiệp và là sự đồng thuận nguy hiểm cho những gì thiếu tích cực và không có tính cách xây dựng. Chúng ta phải đi xa hơn và hiểu được ý nghĩa của tình bạn như là sự “cùng nhau thăng tiến”, và chỉ có như vậy tình bạn mới lâu bền. Trong thực tế có rất ít bạn bè “chân thành” và thật sự chúng ta sẽ rất may mắn khi có một người bạn dám nói sự thực, muốn củng cố niềm tin của chúng ta bằng sự thật mà họ thấy và họ nói lại bằng tất cả tấm lòng dù biết “sự thật mất lòng”.

Tình bạn chân thật – Sống cách nào?
Tình bạn không phát triển đơn thuần. Ta phải làm tăng trưởng tình bạn bằng cách thực hành như tập thể dục: tình bạn đòi hỏi việc thực tập thường xuyên các nét đẹp của cuộc sống như sự rộng lượng, lòng trung thành, sự tôn trọng, hiểu biết, khôn ngoan, dũng cảm, khiêm tốn và tin tưởng. Nói cách khác, tình bạn lớn lên trong ta cùng với những gì được gọi là nhân đức của con người. Mặt khác, nếu chúng ta nghĩ rằng tình bạn thật sự, giống như bất kỳ hình thức của tình cảm, nó sẽ đòi hỏi ở tất cả mọi người sự trao ban. Làm thế nào chúng ta có thể nghĩ đến việc trao ban trong khi xu hướng tự nhiên của chúng ta là muốn đón nhận và muốn có được sự chú ý nhiều hơn của người khác? Đối với điều này, việc thực hành các nhân đức là cần thiết. Cụ thể, chúng ta có thể nói với nhau vài điều sau đây:
1. Để có thể nhận biết khả năng của mình và khả thể trao ban cho bạn bè của mình một điều gì đó, đòi hỏi sự khiêm tốn. Nếu không có nó mọi sự sẽ trở nên rất khó khăn, nhất là đối với việc cho phép người khác tham dự vào “thế giới riêng” của chúng ta.
2. Để có thể đón nhận người khác “như họ là”, trước hết ta cần sự nhạy bén, khả năng nhận biết và tiếp nhận cách khách quan thế giới của người khác, từ đó có sự cảm thông.
3. Thông thường, chúng ta không cảm thấy dễ dàng mấy khi nghĩ về lợi ích của những người khác trước khi đề cập đến một lợi ích nào đó của cá nhân mình. Thêm vào đó khi mà các mối quan hệ với những người khác hay núp bóng dưới một sự tìm kiếm bằng hình thức nào đó của tính vụ lợi, ích kỷ, thật khó để tìm kiếm đầu tiên lợi ích cho bạn bè mình. Chúng ta cần lòng nhân ái.
4. Có lúc nào đó ta sẽ phát hiện ra giới hạn, thiếu sót của bạn bè mình, khi ta nhận ra rằng trong tình bạn đang xuất hiện một trở ngại mà trước đây không có. Thái độ cần có là không quay lưng lại với bạn bè của mình, và điều này đòi hỏi sự trung thành để duy trì tình bạn theo thời gian và cũng đòi hỏi lòng can đảm để ta có thể  nói “không” với cám dỗ rất phổ biến ngày hôm nay là “Tôi sẽ ném đi tất cả mọi sự khi tôi không còn cảm thấy “người khác là có giá trị”
5. Khi bạn đang gặp rắc rối, bạn luôn cần sự giúp đỡi. Người ta luôn nói rằng “lúc hoạn nạn mới biết bạn thân”. Đó là sự thật, nhưng chúng ta cũng phải nghĩ thêm rằng làm sao có được người bạn lúc hoạn nạn giông bão nếu người ấy đã không sống và chia sẻ tình bạn với mình ngay cả trong thời bình yên? Lúc khó khăn, để có được sự trợ giúp hữu hiệu, ta cần có một liều thuốc tốt của lòng quảng đại; mà lòng tốt này mang chiều kích lâu bền, tính nhẫn nại.
6. Chúng ta có thể nhìn thấy những cách khác nhau để biểu hiện tình bạn, nhưng vẫn còn một trong những nét quan trọng cho một tình bạn chân thật: sự tin tưởng. Tình bạn là sự chia sẻ những ước mơ và dự tính tương lai, niềm đam mê, cuộc đấu tranh, lời tâm sự; là việc chấp nhận nhau và giúp nhau thăng tiến. Tình bạn cần một mối quan hệ trung thực và trung thành giữa hai con người. Đây là điều cơ bản không thể thiếu: nếu không có sự tin tưởng thì không thể có tình bạn thật sự và lâu bền. Về lý thuyết mà nói, “tôi phải tin tưởng người bạn”, nhưng rủi ro xảy ra trong thực tế là những người bạn có thể phản bội lại niềm tin của tôi. Tuy vậy không thể vì lý do này mà người ta không tin bạn bè, vì sẽ là vô lý như ngừng thở vì sợ không khí ô nhiễm. Hãy nhớ rằng tâm hồn con người được tạo dựng cho tình yêu thương, và nếu bạn không yêu thương một ai đó có nghĩa rằng bạn đã khép cửa đời mình.

Để kết luận...
Tình bạn là một kinh nghiệm quý báu cho cuộc sống và hạnh phúc của chúng ta. Tình bạn, như tất cả mọi sự hạnh phúc mong manh trên trần gian, có thể bị tiêu tan. Ta không dễ dàng giữ nó nguyên vẹn theo dòng chảy thời gian. Đó là một kho tàng, và như tất cả các kho báu trên trần thế, nó cần được bảo vệ để chống lại các cuộc tấn công bởi những tên trộm muốn đánh cắp nó. Có thể ta sẽ gặp khó khăn để phát hiện kho báu tình bạn, bởi vì, như nhiều điều vĩ đại trên thế gian này, nó cũng thường hiện thân hay ẩn mình nơi những gì đơn sơ và đời thường nhất mà ta dễ dàng bỏ qua. Bạn hãy tìm kiếm nó hằng ngày nơi những cuộc gặp gỡ với người khác.
Ai tìm gặp được một người bạn là tìm thấy kho tàng. Bạn cũng là một kho tàng mà những người khác đang tìm kiếm. Hy vọng mọi người khi gặp được bạn, sẽ cảm nghiệm sâu xa hơn, như những gì mà ta có thể đọc được trong Kinh thánh (xem. Huấn ca 6, 14-17):
Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc,
ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng.
Không gì đổi lấy được một người bạn trung thành,
và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được.
Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời,
những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người như vậy.
Người kính sợ Đức Chúa thì điều khiển được tình bạn của mình
vì bản thân mình thế nào, thì cận thân mình cũng thế.

(Lê An Phong, SDB - Torino,04-2013)