08 May, 2013

Lòng thương mến và Hệ thống Giáo dục Dự phòng. Cùng với các SDB - Suy niệm Tin mừng Luca (Lc 6, 36-38).





LỜI CHÚA. Trích Tin mừng theo Thánh Luca  (Lc 6, 36-38)
 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em Ðấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.

SUY NIỆM TIN MỪNG
Đọc lại toàn bộ Chương 6 của Tin mừng theo Thánh Luca, chúng ta có thể suy niệm về những nét đẹp Tin mừng, hay “cội nguồn của nền luân lý mới” mà Chúa Giêsu muốn giới thiệu: Đó là việc sống các Mối Phúc hơn là giữ các lề luật cứng nhắc (Lc 6, 20-23), tránh xa các điều dữ (Lc 6, 24-26), yêu thương ngay cả kẻ thù (Lc 6, 27-35), sống hiền lành bắt chước lòng thương xót của Thiên Chúa (Lc 6, 36-38).
Lc 6, 36: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Những lời này của Chúa Giêsu gợi lên kinh nghiệm của lòng thương xót của Thiên Chúa mà Môi-se cảm nghiệm trên núi Sinai: Chúa là Đấng xót thương và nhân từ, chậm bất bình, giầu tình yêu và lòng thành tín (Xh 34, 6). Thông qua các lời giảng dạy, Chúa Giêsu muốn làm thay đổi lòng người. Chúa Giêsu muốn chúng ta thay đổi cách sống xuất phát từ kinh nghiệm mới về Thiên Chúa là Cha yêu thương. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là hoàn toàn nhưng không: Nó không phụ thuộc vào những gì chúng ta làm. Vì vậy, sống với lòng thương xót của Thiên Chúa là nhận biết hồng ân cao cả của Người; sống tâm tình biết ơn như con cái với Cha; sống tình yêu thương và sự hiền hậu với anh em mình; bằng không, chỉ còn lại trong ta sự vô ơn và độc ác.
Lc 6,37-38: Làm thế nào để bắt chước Thiên Chúa Cha, Đấng hiền dịu và giàu lòng thương xót? Một loạt các lời khuyên được Chúa Giêsu liệt kê: “Anh em đừng xét đoán”, “Anh em đừng lên án”, “Anh em hãy tha thứ”, “Anh em hãy cho đi”. Xét đoán, lên án, bất khoan dung, tính toán thiệt hơn… là những thói hư vẫn thường xảy ra với chúng ta trong tương quan với người khác, khi ta đặt mình ở vị trí cao hơn người khác, khi ta thiếu sự khiêm tốn, hoặc đóng kín trong “thế giới riêng” với những định kiến của mình.
Đến lượt mình, các môn đệ của Chúa Giêsu phải tỏa hương tình yêu và lòng thương xót này. Những lời cuối cùng lặp lại rõ ràng hơn những gì Chúa Giêsu đã nói trước đây: Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy (Lc 6, 31). Tuy nhiên, mọi sự sẽ không theo logic theo kiểu tiện ích này: Nếu bạn không muốn bị phán xét, đừng phán xét! Nếu bạn không muốn bị lên án, đừng lên án! Nếu bạn muốn được tha thứ, hãy tha thứ! Nếu bạn muốn có sự “yên thân”, hãy để cho những người khác yên thân! Tình yêu thương và sự hiền dịu đích thực mà Chúa Giêsu mong muốn không phụ thuộc vào những gì tôi nhận được từ người khác. Tình yêu thương này vượt qua giới hạn của những lợi ích mà người khác làm cho tôi. Và điều này, quan trọng hơn mọi sự và là nội lực cho tất cả là tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài là Đấng Thương xót không chỉ cho lợi ích riêng ai, nhưng cho tất cả mọi người - “Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6,35). Chính vì tình yêu thương ấy, những người môn đệ của Chúa Gêsu phải tiếp tục sống không tính toán với tất cả mọi người - “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6, 38).
Trước những lời dạy của Chúa Giêsu về lòng thương xót - một hành vi cần phải có của  con cái Thiên Chúa và của những người môn đệ Chúa Kitô, nhiều người cùng thời với Ngài và ngay cả các môn đệ cũng đã không hiểu được “ai là kể tôi cần tha thứ” và “ai là người cần đến lòng thương xót của tôi?”. Lòng thương xót ấy được minh hoạ trong các dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu, người con hoang đàng,… và thể hiện trọn vẹn nơi cuộc đời của Chúa Giêsu – nơi Tình yêu và Tha thứ kiến tạo Sự Sống thật cho con người.


DUYỆT XÉT VỀ ĐỜI SỐNG THEO TINH THẦN SALÊDIÊNG
1.    Don Bosco nói về Lòng thương mến salêdiêng trong việc giáo dục, theo gương mẫu của Chúa Giêsu
«Tín nhiệm là giòng điện lưu hành giữa thanh thiếu niên và Bề trên. Thanh thiếu niên sẽ cởi mở, giãi bày những ưu tư, lầm lỗi của mình. Chính nhờ có tình yêu đó mà Bề trên chịu đựng mọi lao nhọc, nhàm chán, vô ơn, quấy phá, thiếu sót, lơ đãng của trẻ nhỏ. Chúa Gêsu Kitô đã không bẻ gãy cây sậy dập nát, cũng chẳng dập tắt tim đèn còn leo lét. Ngài là gương mẫu của các con. Chớ gì đừng ai làm việc vì hư danh; phạt để trả thù, vì tự ái bị tổn thương; bỏ việc hộ trực vì ghen tương, sợ người khác trội hơn mình; nói hành người khác; gạt bỏ Bề trên để được trẻ yêu mến và quí trọng. Những người như thế chỉ nhận được khinh bỉ và nịnh bợ giả dối. Đừng ai để lòng dính bén một thụ tạo mà xao nhãng bổn phận hộ trực chính yếu của mình, cả nể không dám sửa bảo những kẻ mình phải sửa bảo. Chỉ khi nào có tình yêu chân thật, ta mới tìm vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. Khi tình yêu trở nên nguội lạnh, mọi sự sẽ trục trặc». (Trích Lá thư từ Roma, ngày 10 tháng 5 năm 1884).
Gợi ý suy tư: Đâu là những nét chính yếu về tình thương mến mà Don Bosco muốn nói với tôi hôm nay? Tôi có hiểusống với “tình yêu thương chân  thật”ấy - “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và vì phần rỗi linh hồn các thanh thiếu niên”như thao thức của Don Bosco?

2.    Lời của Cha Bề Trên C Pascual Chávez về Đào luyện và Chứng tá Tin mừng bằng đời sống Thánh hiến
«Trong một thế giới mà người ta muốn xây dựng mọi sự trên nền tảng tự đủ về kinh tế cùng sự thụ hưởng và tiện nghi, người sống đời thánh hiến trở nên dấu chỉ về hồng ân và tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu đó đã được trao ban qua Đức Kitô. Đó là Tin mừng. Đó là nguồn ơn mà chúng ta có thể mang lại cho thế giới. Đó cũng là niềm hy vọng mà mỗi chúng ta có thể loan báo và cống hiến.
Qua những lần trò chuyện với các bạn trẻ đang muốn dấn thân theo ơn gọi saledieng, cha hiểu và tin rằng trong thâm tâm của họ chứa đựng ba khát khao sau đây: Niềm khát khao sâu xa về đời sống thiêng liêng, cho dẫu họ chưa cảm nghiệm rõ ràng những đường nét về Thiên Chúa của Đức Kitô; Đời sống hiệp thông huynh đệ, cho dẫu họ chưa có một dự phóng nào về cộng đoàn, nhất là khi đời sống nơi các cộng đoàn không luôn nổi bật với sự đón tiếp và các mối hiệp thông huynh đệ sâu xa hay với tinh thần gia đình; Lòng thao thức làm việc cho người nghèo và bị bỏ rơi, cho dẫu họ không luôn đặt mình hoàn toàn vào việc đó theo một quyết định có tính vĩnh viễn, điều dễ hiểu đối với nền văn hoá với những quyết định và nhiệm vụ luôn mang tính “tạm thời” như hiện nay.
Việc đào luyện như vậy là làm một cuộc hành trình ơn gọi cho sự trưởng thành với tất cả những giá trị mà các bạn trẻ quan tâm, cùng với việc giúp họ nhận ra và biết cách đón nhận cả những khó khăn». (Trích Thư luân lưu của Cha Bề Trên Cả, ngày 8 tháng Tư năm 2012, Công báo Tu hội số 413, trang 27).
Gợi ý suy tư: Người salêdiêng là “dấu chỉ và là người mang tình thương Chúa cho thanh thiếu niên, đặc biệt các em nghèo và bị bỏ rơi”(HL.2).Tôi đã “giới thiệu”tình yêu Chúa trong tôi “như là dấu chỉ của Tin mừng, ân sủng, hy vọng” qua đời sống ơn gọi của mình cho các bạn trẻ thế nào?

CẦU NGUYỆN CÙNG VỚI DON BOSCO



Lạy Chúa, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một người Cha và một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh linh mục Gioan Bosco. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con biết phụng sự một mình Chúa và lo cho anh em được cứu rỗi. Amen

No comments:

Post a Comment