26 June, 2014

TẢN MẠN VỀ MỘT KINH NGHIỆM SỐNG - HAI THẾ HỆ




Tôi vẫn hay nói đùa với người khác rằng mình chỉ ước mong sống đến 33 tuổi, bây giờ đã nhảy lên con số 44!

Sau những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba, nhân loại trông chờ những thay đổi lớn và tôi cũng trông chờ sự xuất hiện của những phát minh mới. Chỉ buồn một nỗi là mình còn chậm chân và “lạc hậu” quá! Năm nay, dù đã qua cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” và đang đến cái tuổi “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, mình vẫn vậy. Chắc là người ta sẽ bỏ xa mình hàng ngàn cây số!

Hai mươi năm “đi tu”, bao nhiêu sự để nhớ và để yêu. Gia đình mình được rộng mở ở chiều kích mới, theo kinh nghiệm của đời sống cộng đoàn.

Nhìn vào đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, tôi thấy ít nhất là có hai thế hệ cùng chung sống. Người ta hay nói đến “the generation gap”. Khoảng cách già-trẻ này cho tôi thấy mình đang ở giữa hai ranh giới. Tôi đang ở thời “quá niên trạc ngoại tứ tuần”. Từ góc nhìn này cách khách quan, tôi thấy rõ là có sự khác biệt.

Tôi thấy rằng người trẻ bước ra từ một nền văn hóa đề cao cá nhân, sự chủ quan và những cuộc tìm kiếm cách tân. Trong khi đó, người già lại nặng về một quá khứ, một truyền thống và kinh nghiệm sống nhiều khi không được cập nhật kịp thời. Ngoài ra còn phải nói đến cá tính, bối cảnh gia đình, quan điểm cá nhân và nhiều thứ khác biệt khác nữa. Tất cả tạo ra một sự ngăn cách khá rõ.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đời sống cộng đoàn tu sỹ không phải là một liên kết “cộng sinh” giữa những cá nhân theo kiểu phù hợp các ý kiến chủ quan; cũng chẳng phải là sự lựa chọn hay thay đổi phù hợp với hoàn cảnh khách quan. Nét căn bản cho sự liên kết giữa hai thế hệ vẫn là “sứ mệnh” theo “đặc sủng” của một hội dòng. Đây mới chính là nguồn gốc tạo nên sự hiệp nhất và là nguồn phát sinh nhiều dạng thức biểu lộ khác nhau làm phong phú hóa và tiếp nối trong đời sống cộng đoàn.

Tôi đã học nơi những anh em hội viên lớn tuổi nhiều kinh nghiệm phong phú và “đắt giá” theo nhiều nghĩa. Chính họ đã truyền cho tôi sức sống cháy lên từ lửa nhiệt tình tông đồ, từ một kế hoạch “chu toàn bổn phận hằng ngày trong vui vẻ”, khỏi cần nhờ đến việc lập trình hay xử lý của bất kỳ máy vi tính nào nhanh nhất mà vẫn đâu vào đấy! Chính họ cho tôi học biết cách thức biểu lộ tình yêu thương và niềm say mê phục vụ hơn bất kỳ cuốn sách giáo khoa của các học giả nổi tiếng về nhân bản hay tu đức nào. Cũng chính họ cho tôi học biết kiểu lý luận và chứng minh như cách của Đức Kitô: “Hãy đến mà xem!” _ Không dài dòng văn tự, không phức tạp về câu chữ, nhưng hàm chứa một sức mạnh cuốn hút và được khẳng định qua thử thách của thời gian.

Tôi cũng nhận ra sức sống nơi người trẻ. Họ có cách biểu lộ của riêng mình. “Sống trẻ” là vươn lên, đổi mới không ngừng. “Trẻ” với niềm mê say yêu đời không ngại gian khổ. “Trẻ”: thực sự sôi động mà không quá náo nhiệt hay hỗn loạn. “Trẻ” phải xốc vác, dám quên mình và dấn thân. “Trẻ” phải quảng đại và mở rộng tâm hồn. “Trẻ” không có nghĩa là bất chấp và coi thường tất cả. “Trẻ” cũng không đồng nghĩa với sự kiêu căng, khẳng định mình, tự mãn vì thành công, ích kỷ và chiếm đoạt. “Trẻ” dễ dàng phạm một số sai lầm nhưng không đồng nghĩa với việc đầu hàng những đam mê xấu, thú vui tầm thường, sống không mục đích hoặc chỉ sống với mục đích theo các giá trị bậc thấp.

Có lẽ là tôi “may mắn” ở giữa hai làn ranh của tuổi đời để học biết thêm kinh nghiệm sống – sự may mắn của người có thể nhìn ra hai hướng để chọn đường đi trung dung. Tôi cầu cho các bậc cha anh đủ sức khỏe để tiếp tục trao ban và truyền đạt kinh nghiệm sống quý báu của họ cho lớp trẻ. Tôi cầu cho lớp trẻ biết trân trọng điều mà họ đang có và tiến bước không ngừng vào tương lai.

“Làm gì để giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa, phải tuân theo lời Chúa dạy” (Tv 118). Lời dạy để tôi biết “kính trên, nhường dưới” có lẽ phát xuất từ kinh nghiệm khám phá ra sự dị biệt và đường nét đặc trưng của các thế hệ, trong cùng một hành trình ơn gọi. Vậy cũng đáng để tôi tạ ơn Chúa và tiếp tục tiến bước. Cố lên! (Lê An Phong, SDB. Torino, Lễ Thánh Barnaba Tông đồ /11-06-2014)

02 June, 2014

VIẾT THƯ CHO EM BÉ ĐANG TRONG LÒNG MẸ



Đây là một sáng kiến của một nữ giáo viên trường tiểu học tên là Valeria. Cô muốn các học sinh lớp 5 của mình làm bài luận văn với đề tài “ Lá thư viết cho em bé chưa ra đời”. 
Thông thường, cô hướng dẫn các em đối thoại trực tiếp với nhau và tìm cách xây dựng dàn bài. Lần này, cô thử cho học sinh tự do diễn đạt điều gì các em muốn để tránh sự gò ép hay chịu ảnh hưởng từ ý kiến của các bạn khác. Kết quả cô thu được cao hơn điều cô mong muốn. Điều cân nhắc trước khi cô áp dụng lối làm văn này là các hoc sinh trong lớp đã qua chương trình học biết “thế nào là một con người”, “nguồn gốc sự sống”, kể cả phần giáo dục giới tính nữa.

Các em có lối diễn đạt bằng sự hiểu biết khá chuẩn về tự nhiên và về nguồn gốc sự sống con người. Xin giới thiệu vắn tắt suy nghĩ của các em học sinh này theo hai nhóm sau đây.

Nhóm thứ nhất, nhóm của các em có tâm lý ổn định và được sống trong bầu khí gia đình yên bình. Các em cho biết rằng một em bé chưa được sinh ra, đang nằm trong bụng mẹ mình là người em nhỏ như các em hằng mong muốn, và là người bạn để có thể cùng chơi đùa.

Một em gái viết những dòng này: “Em gái thân mến, chị biết rằng chẳng có con chim bồ nông nào mang em đến đây cả! Chị nghĩ là em sẽ thấy vui như bao nhiêu đứa trẻ khác trong lúc chờ đợi để nhìn thấy bầu trời và mặt đất này”.

Một em trai viết rằng: “Chào em nhỏ, ba và mẹ đã yêu nhau và anh biết chắc là em đang nằm đâu đó trong bụng mẹ. Nhớ đừng làm mẹ đau đớn, nếu không mẹ sẽ giận đấy! Nhớ một điều này nữa: đừng có vội ra đời trước thời hạn thông thường, vì như vậy em sẽ phải nằm trong cái lồng ấp một mình đấy nhé!”.

Có em dù trí tưởng tượng phong phú nhưng cũng rất thực tế khi viết rằng: “Có lẽ sẽ rất tuyệt để gởi một lá thư cho em đang nằm trong bụng mẹ, nhưng thật tiếc là em chưa biết đọc”. Và em đã thay lời em bé chưa sinh ra để cám ơn, rằng: “Em cám ơn vì lá thư đã gởi cho em. Em sẽ chào mọi người vào lúc mà em được sinh ra từ bụng mẹ!”.

Nhóm thứ hai, nhóm của các em có sự nhạy cảm đặc biệt hơn với hoàn cảnh bất lợi đang sống trong gia đình hay với những thảm họa tự nhiên mà các em nhìn thấy. Một số suy nghĩ của các em có thể đã chịu ảnh hưởng khá nhiều từ các chương trình trên tivi và từ những gì các em nghe được qua lời bình phẩm của cha mẹ, hay từ những người lớn sống bên cạnh mình.

Một em gái viết thế này: “Em nhỏ yêu dấu chưa biết tên, nếu mẹ của em hút thuốc lá trong những ngày mẹ chờ đợi em ra đời, em hãy bắt đầu đạp mạnh lên, vì như vậy cả ba và mẹ biết rằng em không thích họ hút thuốc và em đang phản đối chuyện ấy”.

Một em gái khác viết những tâm tình này cho em bé sẽ chào đời: “Em sẽ lớn lên và sẽ đi học, nhưng nhớ là đừng có mà đua đòi làm người lớn sớm nhé! Thật thế, anh trai của chị và các người bạn khác cùng trường cấp II của anh ấy đã đua đòi theo các bạn lớn hơn, và họ đã dùng ma túy. Chị hy vọng là em sẽ hiểu rằng ma túy rất nguy hại cho sức khỏe và có thể làm cho người ta chết đấy!”.

Một em trai viết: “Ôi em nhỏ yêu dấu ạ, khi nào em sinh ra, em sẽ nhìn từ của sổ bệnh viện những tán cây đen đúa vì khói bụi ô nhiễm; em sẽ chẳng nhìn thấy những bông hoa với màu sắc thật của chúng; em sẽ biết là sữa được đựng trong những hộp làm từ thùng giấy bẩn tái chế”.

Tâm tình sau đây của một em gái: “Em nhỏ yêu dấu. Chị hy vọng rằng khi em sinh ra, em sẽ không còn xem trên truyền hình những chương trình làm em sợ hãi. Các chương trình thời sự mà chị vẫn hay xem mỗi buổi tối thường chiếu các cảnh giết chóc hoặc có người chết. Sau đó khi đi ngủ, chị sợ lắm và rất nhiều đêm chị mơ thấy những điều kinh hoàng”.

Và sau cùng một em trai khác viết: “Em nhỏ ơi, em vẫn chưa sinh ra đời. Anh cầu mong em được sống trong một thế giới yên bình hơn, vì lúc này có quá nhiều người hung dữ, giết người khác cách dễ dàng, hoặc bắt cóc người ta chỉ vì muốn đòi nhiều tiền chuộc”.

Từ một vài dòng suy nghĩ và trí tưởng tượng rất sinh động của các em, chúng ta có thể hiểu thêm rằng, đối với các em, đứa trẻ, dù đang ở trong bụng mẹ, đã là một hiện hữu sống động và hoàn chỉnh, một thụ tạo nhỏ bé, đáng yêu, biết cảm nhận, thậm chí trở thành đối tượng của những cuộc trao đổi, trò chuyện.

Những vấn nạn từ cuộc sống hôm nay của nhân loại cũng phản chiếu trong những suy nghĩ của trẻ em. Trong tâm tình đơn sơ của trẻ nhỏ, các em mơ một “lối thoát” đơn giản. Chính điều suy nghĩ đơn giản của các em lại là lời mời gọi các bậc phụ huynh suy tư nhiều hơn về tương lai của con em mình. Xin đừng quên điều này: trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai; những chủ nhân nhỏ tuổi của tương lai hệ tại vào những gì họ được giáo dục từ phía các người lớn từ hôm nay.

(Lê An Phong, SDB. 01-01-2014: Ngày Quốc tế thiếu nhi. Bài viết có tham khảo cuốn sách Il libro della famiglia. Come educare i nostri figli của Valeria Veronesi, ElleDiCi, Torino 1980)