16 December, 2015

GIÁNG SINH VÀ BÌNH AN CHO NGƯỜI THIỆN TÂM

Những chia sẻ này được gợi hứng từ lời Kinh Vinh danh “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Đó Tin vui mà các thiên thần hát lên trong đêm Ngôi Lời Giáng sinh. Bản văn Kinh thánh trước đây đã được dịch từ bản tiếng La tinh phổ thông, nói đến “bình an cho người thiện tâm”. Trong Tin mừng theo Thánh Luca, và theo bản dịch từ tiếng Hy lạp, chúng ta tìm thấy lời này: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14). Loài người là đối tượng của tình thương mà Thiên Chúa muốn dành cho cách đặc biệt, và những người thiện tâm luôn được Thiên Chúa yêu mến. Cách chung, mỗi người trong chúng ta đây là một thành phần trong số những người được Chúa thương. Nhưng phần riêng của từng người, có thể sẽ tuỳ thuộc mức độ “thiện tâm” của ta mà “ơn bình an” sẽ được ban tặng khác nhau.



Trước hết, chúng ta nghĩ đến ơn bình an. Các ngôn sứ đã từng loan báo Đấng Messia ra đời và Ngài sẽ đem lại bình an cho thế giới (Is 9,5-6; Mk 5,4). Việc Chúa Giêsu giáng thế là lúc các lời tiên báo ấy được ứng nghiệm, và việc ấy cũng đánh dấu một thời gian mới – thời của ơn cứu độ được thực hiện nơi Ngôi Hai nhập thể. Ngài là Thủ lãnh Hoà Bình và là người mở đầu cho một triều đại của Tình yêu, Tha thứ, Bình an (x. Is 6, 1-6).

Cũng một biến cố xảy ra, nhưng tác động, thông điệp và sự bình an sẽ có sự phân loại khác nhau. Các mục đồng đơn sơ đến tìm và thờ lạy Ngài, họ ra về mà lòng vui sướng hân hoan. Vua Herode thì ngược lại, ông đón nhận tin Con Thiên Chúa ra đời mà lòng đầy lo âu. Có lẽ ơn bình an như là quà tặng từ trời cao ban cho mọi người, “cho loài người được Chúa yêu thương”; và cũng theo hướng đó, mọi người chúng ta dù tốt hay xấu, có thể được ban cho, hay có thể có cùng “cơ hội giống nhau” để lãnh nhận ơn ấy, nhưng hiệu quả ơn bình an chắc chắn sẽ ở “mức độ khác nhau”, tương tự sự khác biệt đã xảy ra nơi các mục đồng và Herode.

Có một mối tương quan giữa thiện tâmbình an. Thưc vậy, tâm có tốt thì lòng mới có bình an. Một tâm hồn thánh thiện, thanh tịnh, tốt lành, đạo đức là mảnh đất sinh ra hoa trái của bình an và hạnh phúc. Tác giả Jacques Philippe, trong cuốn sách Tìm Kiếm và Giữ Lấy Bình An (Searching for and Maintaining Peace ) cho rằng có rất nhiều người trong chúng ta thường sống trong ảo tưởng với ý nghĩ rằng mọi sự sẽ trở nên tốt hơn, khi mọi thứ chung quanh thay đổi, hoàn cảnh thay đổi… Nhưng đây là một sai lầm. Không phải hoàn cảnh bên ngoài cần thay đổi, nhưng trước hết, điều cần phải đổi thay là chính tâm hồn mỗi người. Tâm hồn bình an khi được thanh luyện khỏi những toan tính, lo lắng, khép kín, khỏi những buồn phiền và ngã lòng. “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Chúng ta có thể nói thêm rằng phúc thay ai có tâm hồn mình được thanh tẩy bằng niềm tin và lòng cậy trông, họ sẽ có được một khoé nhìn mọi sự cách sống động hơn, với niềm xác tín rằng, đàng sau những hoàn cảnh trái ngang, Thiên Chúa đang hiện diện, đang đáp ứng những nhu cầu chính yếu và cao nhất của con người; và họ chẳng thiếu thốn gì! Có được niềm tin đó, chúng ta sẽ nhìn xem Thiên Chúa: ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng Emmanuel, một sự hiện diện đồng hành và định hướng cuộc đời mình.

Người ta không bình an vì tâm hồn xao xuyến, lo âu nhiều chuyện. Có thể vì chúng ta không luôn hài lòng với cuộc sống, với con người của mình và hoàn cảnh xung quanh. Nhiều lần chúng ta cảm thấy thiệt thòi so với những người khác. Ta cứ chăm chăm nhìn vào những tiêu cực của hoàn cảnh, vào những gì mình đang thiếu và mang trong mình một thứ cảm xúc bi quan. Điều này khiến chúng ta dễ dàng rơi vào cảm nghĩ rằng mình bất hạnh, và cũng từ đó sinh ra lòng đố kỵ hay ngã lòng. Nói cách khác, tâm hồn chúng ta lúc đó đầy sự hậm hực, khó chịu, và chắc chắn, đó không là điều mà chúng ta muốn nói về “thiện tâm”. Những lúc như thế, theo kinh nghiệm của những ai biết sống phó thác và gắn kết với Chúa, thì chỉ cần một chút thay đổi nhỏ, mọi sự sẽ trở nên khác, và chúng ta có thể tiến tới với những bước khổng lồ, một tầm nhìn mới, một cách nhìn khác biệt về hoàn cảnh. Đó là sự thay đổi nhờ vào niềm tin và hy vọng: mọi sự, mọi việc, mọi hoàn cảnh được đặt nền tảng trên niềm xác tín rằng chúng ta là những người được Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc; và vì thế, chúng ta không lo thiếu sự gì.

Một Giáng sinh nữa lại về trong cái bộn bề của cuộc sống, với bao nhiêu trăn trở, âu lo. Có thể lời chúc “một Giáng sinh an lành” vẫn mãi là thứ “hàng hiếm” cho rất nhiều người trên thế giới, và có thể cả cho chúng ta nữa khi lòng ta thiếu một chút thiện tâm hay khi cuộc sống và tâm hồn mình đang chất đầy những thứ vinh quang của trần thế. Chỉ khi nào Thiên Chúa được vinh danh thực sự và lòng người biết nghĩ đến những điều tốt lành, thì sự bình an sẽ mãi là quà tặng tuyệt đẹp mà không một thế lực đen tối nào có thể cướp mất được khỏi lòng chúng ta. Hãy cầu chúc nhau thứ bình an thật đó trong Giáng sinh năm nay, năm của lòng xót thương. 
(Tuần 9 ngày Mừng Giáng sinh 2015  - Lê An Phong,SDB)

ĐI TÌM SỰ KHÔN NGOAN CỦA CÕI LÒNG


Bạn hay tôi, và cả nhiều người khác sẽ rất hài lòng khi được nghe người khác khen mình là người giỏi, là khôn ngoan, là thông minh. Một thời, trong đám sinh viên chúng tôi có kiểu nhận xét những ai “vai u thịt bắp” rằng đó là loại “đầu óc ngu si tứ chi phát triển”. Dù sao cũng phải thừa nhận rằng, bộ não thông minh là “độc quyền” của con người. Không thể phủ nhận rằng bản thân mỗi người chúng ta đều có nhiều giây phút “toả sáng” vì những suy tư, sáng kiến, trí tưởng tượng bay bổng và khả năng sáng tạo không ngừng. Tuy thế, ai trong chúng ta có thể khẳng định là mình luôn luôn đúng?. Thật vậy, chúng ta thường có những suy nghĩ, hành vi mà khi chúng ta thực hiện, ngay lập tức, ta nhận ra rằng mình thiếu khôn ngoan; vì rằng đôi khi mình “khôn trường kỳ” mà cũng hay “ngu đột xuất”. Và người ta luôn mơ ước mình trở nên “người khôn ngoan” hơn. Mà thế nào là người khôn ngoan?

Sự khôn ngoan là một quà tặng mà Thượng đế ban cho con người. Trong thế giới của loài thụ tạo, chỉ có con người mới có khả năng khám phá, nhận định, tìm hiểu, phân tích, tổng hợp và liên kết kinh nghiệm sống, biến tất cả thành lịch sử cuộc đời mình. Trong giáo dục luân lý Kitô giáo, người ta nhắc đến Nhân đức Khôn ngoan. Người ta từng gọi nhân đức này là “auriga virtutum” – nhân đức “cầm cương”, “điều khiển” (auriga: tiếng Latinh chỉ người đánh xe ngựa) vì nhân đức khôn ngoan chỉ ra cho các nhân đức khác các quy tắc, điểm quy chiếu và các biện pháp theo đó mà thực hành. Thánh Toma gọi đó là “quy tắc đúng đắn cho hành động” (S.Th II-II, 47, 2).

Theo Thánh Toma, sự khôn ngoan không chỉ đòi hỏi kiến thức về trường hợp cá biệt, riêng lẽ, mà còn tính đến các nguyên tắc phổ quát: “Trong thực tế, không ai có thể áp dụng một điều này vào một điều khác mà không biết cả hai, đó là điều để áp dụng và một điều được áp dụng. Nhưng hành động của con người luôn ứng với từng trường hợp riêng biệt. Vì vậy, người khôn ngoan cần thiết phải biết các nguyên tắc phổ quát của lý trí, và phải biết rõ cả từng trường hợp riêng lẻ trong các hoạt động của họ” (S.Th II-II, 47, 3).

Nhân đức khôn ngoan làm cho chủ thể, theo cách dễ dàng hơn, biết áp dụng vào các hành vi cụ thể các nguyên tắc đạo đức có vai trò hướng dẫn các hành vi của con người. Họ nói năng lịch sự và biết lựa lời. Họ cư xử chừng mực vì biết các giới hạn cần thiết trong tương giao,… Sự khôn ngoan như thế cũng khác với xảo quyệt, ranh ma, dè chừng, không chắc chắn, ảo tưởng (x. Hc 19, 1-25; Hc 20, 27-31). Người khôn ngoan là người cẩn trọng trong mọi hoạt động, và trong mọi hành vi của mình họ luôn biết thực hiện với sự kiềm chế, tiết độ.

“Ðức khôn ngoan trực tiếp hướng dẫn phán đoán của lương tâm. Dựa theo phán đoán này, người khôn ngoan chọn cách ứng xử của mình. Nhờ đức tính này, chúng ta áp dụng đúng đắn các nguyên tắc luân lý vào từng trường hợp cụ thể, và không còn do dự về điều thiện phải làm và điều ác phải tránh” (x. Giáo lý Công giáo, số 1806).

Khôn ngoan của con người khác với “khôn ngoan của Thập giá” (hay sự khôn ngoan của Thiên Chúa) (x. 1 Cr 17-25). Từ đây, chúng ta có thể  nói tiếp về “sự khôn ngoan của cõi lòng”.

Một người có sự khôn ngoan của cõi lòng biết chấp nhận cách mạnh mẽ và thanh thản thực tế cuộc sống trong những giới hạn của nó, biết mình là thụ tạo bị giới hạn giữa biên giới của sự tồn tại mà mình không thể vượt qua, biết có những luật lệ nhất định của cuộc sống phải được chấp nhận và được tôn trọng, có khoảng trống nhất định trong ta không thể được lấp đầy. Và điều này không phải là do định mệnh mù quáng, nhưng do các dữ liệu thực tế và không thể thay đổi của thực tại “làm người”. Vâng, nhận ra những giới hạn ấy và chấp nhận chúng với sự thanh thản là một dấu hiệu của sự khôn ngoan tuyệt vời.

Người có sự khôn ngoan của cõi lòng nhận biết rằng sẽ thật là vô ích khi cứ mãi khóc lóc hay bám víu vào điều nay còn mai mất; biết rằng nỗi buồn hay niềm vui là chuyện rất thường trong đời; biết rằng cuộc sống có những ngày đầy ắp vinh quang và có lúc im lặng vì thất bại. Một người có sự khôn ngoan của cõi lòng hiểu được sự tạm bợ và điều vĩnh cữu giữa những gì đổi thay, ngắn ngủi; hiểu ra một sự thật là có nhiều thứ nhất thời, chóng qua mà lại xuất hiện ở một dáng vẻ hấp dẫn, quyến rũ chúng ta, hành hạ chúng ta và khiến chúng ta đau khổ trong những cuộc tìm kiếm vô vọng, hay không có hồi kết thúc.

Sự khôn ngoan còn là việc biết khám phá những điều tốt lành có trong mọi loài thụ tạo, biết ngưỡng mộ trật tự đằng sau đó, biết khám phá “dấu vết của Thiên Chúa” trong mọi biến cố, mà không tham vọng muốn vượt qua hết những giới hạn của loài thụ tạo.

Người có sự khôn ngoan của cõi lòng biết thực hiện các bước đi tương ứng với đôi chân của mình, biết suy nghĩ trước những lựa chọn của cuộc sống hàng ngày và biết quyết định vì những lựa chọn tuyệt vời cho cuộc sống dài lâu. Họ có lối sống rất thực tế và ít hoặc không dựa vào những ảo tưởng và, do đó, không rơi vào thất vọng cay đắng. Họ là những người hiểu cách thoát ra khỏi sự an toàn giả tạo, biết đo lường cách trung thực với các loại khó khăn khác nhau và biết làm thế nào để rút tỉa kinh nghiệm từ các lỗi lầm và thất bại, từ những hiểu lầm và những lời chỉ trích, từ thất vọng và sự khinh thường hay bị cô lập.

Người có sự khôn ngoan của cõi lòng không ngừng nỗ lực và hy sinh để vượt qua những tình huống bất lợi; biết huy động tất cả các nguồn lực của mình, biết đầu tư khả năng của mình và tất cả thời gian vào hành động chính đáng; sau đó, giữa bao nhiêu âu lo và thử thách, họ biết cách lấy lại sự bình an và niềm vui nhờ tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, Đấng mang đến cho tất cả mọi người mọi thứ đúng thời đúng buổi.

Chúng ta cũng có thể nói thêm nữa về điều ngược lại ở nơi những kẻ có trái tim ngốc nghếch (àphron- rỗng, ngốc nghếch, thiếu ý thức chung, ngu ngốc ...). Sự ngu ngốc nơi con người được biểu hiện như không thể phân biệt sự thật nơi những gì xuất hiện trong thực tế, lẫn lộn công lý với tội ác, cái tốt với cái xấu, những người vô tội với tội lỗi, và rơi vào một nghịch lý rõ ràng: họ tự xem mình là khôn ngoan và gán cái “dại dột” cho người khác; tự thêu dệt một loạt lý luận vô nghĩa và phi lý, một suối những lời nói trống rỗng. Tác giả của sách Châm ngôn nhận xét: “Bước chân nghiêng ngửa của người què thế nào thì lời nói trong miệng của một kẻ ngốc cũng khập khiểng như vậy” (x. Châm ngôn 26, 7).

Ai là người khôn ngoan, biết rút ra nhiều kinh nghiệm, biết cân nhắc những gì đó là tốt và cái gì là xấu (x. Giảng viên 7, 15-18), biết phân biệt đúng sai cho mỗi lựa chọn và không rơi vào bẫy xảo quyệt; không miễn nhiễm với sự mệt mỏi của suy tư và nghiên cứu, và do đó, họ có được những niềm vui của cuộc chinh phục. Người khôn ngoan ôn hòa trong cách nói năng; lời mà họ thốt ra là kết quả của suy tư lâu dài từ khối óc bén nhạy và trái tim rộng mở. Người khôn ngoan là kẻ tốt bụng nhưng không ngây thơ, chừng mực nhưng không lạnh lùng, kiên nhẫn nhưng không lỳ lợm.

Chắc là bạn đã có lần nào đó nghe đọc những lời sau đây từ Kinh Thánh:
 “Lạy Đức Chúa từ bi lân tuất, Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật, dùng sự khôn ngoan của Chúa mà cấu tạo con người, để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên, và sống sao cho thánh thiện công chính mà chỉ huy cả vũ trụ này, cùng được một tâm hồn ngay thẳng mà phân biệt phải trái. (Kn 9, 1-3)

Nếu bạn tin những lời này, bạn sẽ hiểu đâu là Nguồn của mọi sự khôn ngoan. Tại sao ta lại không nghĩ đến chuyện “làm một chuyến hành trình” tìm đến tận nguồn khôn ngoan ấy nhỉ? 
(Lê An Phong, SDB)