31 January, 2016

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG LÒNG XÓT THƯƠNG CHÚA? Những gợi ý mục vụ



Năm thánh của Lòng thương xót đang được Giáo Hội khai triển với những chỉ dẫn thực hành mục vụ cần thiết cho các tín hữu mọi nơi. Bản thân mỗi người chúng ta cũng cần biết những hướng dẫn đó, nhưng việc thực hành có lẽ còn tuỳ thuộc vào mức độ đón nhận và quyết tâm của từng người. Từ Tông thư Misericordiae vultus (Dung mạo của lòng thương xót) của đức Thánh Cha phanxicô nhân dịp công bố khai mở năm thánh đặc biệt "Năm thánh lòng Chúa thương xót" (11 - 04 - 2015), chúng ta cùng nói với nhau vài điểm nền tảng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mơ ước cho Giáo Hội; nói đúng hơn, đó là những gợi ý thực hành cho chúng ta

Ước mơ nồng cháy của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Năm Thánh này là, dân Kitô giáo có thể suy nghĩ về mười bốn mối thương người: thương xác bảy mối, thương linh hồn bảy mối. Đó sẽ là một cách để thức tỉnh lương tâm ta, một lương tâm đã trở nên chai lì khi đương đầu với sự nghèo khổ. Trong Tin Mừng của Đức Kitô, người nghèo có một kinh nghiệm đặc biệt về lòng xót thương của Thiên Chúa. Nơi Tin Mừng, Chúa Giêsu hướng dẫn ta vào con đường của các mối phúc, biết thương người như thể thương thân; và cũng từ đó, căn cứ vào giới răn yêu thương, ta có thể biết rằng ta đang sống hoặc không sống như những môn đệ của Người. “Căn cứ vào điều này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em phải yêu thương nhau” (Ga 13, 35)

Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta hãy tái khám phá thương xác bảy mối: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, chữa lành kẻ ốm đau, thăm viếng kẻ tù tội, cho kẻ mình trần mặc, đón tiếp những người xa lạ và chôn xác kẻ chết; và ta cũng đừng quên thương linh hồn bảy mối: lấy lời lành mà khuyên người, dạy dỗ kẻ mê muội, an ủi kẻ đau buồn, khuyên bảo kẻ có tội,  tha cho kẻ xúc phạm ta, kiên trì chịu đựng những kẻ làm hại ta và cầu nguyện cho người sống cũng như kẻ chết.

Trong Tông thư, Đức Phanxicô đặt câu hỏi: “Làm thế nào để sống Năm Thánh một cách tốt đẹp nhất”. Đây là các áp dụng cụ thể mà Ngài đưa ra cho chúng ta thực hành (x. Misericordiae vultus, 14, 15, 16), ví dụ:

(1) Đi hành hương, vì hành hương sẽ là một “dấu chỉ nói lên sự kiện của lòng thương xót cũng là một mục tiêu cần đạt tới, nó đòi hỏi sự dấn thân và hy sinh”. Có thể nhiều người trong chúng ta không đủ sức hoặc đủ điều kieenjt ài chính để đi hành hương những nơi xa xôi, nhưng xin đừng quên cuộc sống là một cuộc lữ hành. Chúng ta hãy cùng đi với nhau và có thể nhắc nhở nhau về sự dấn thân và hy sinh.

(2) Thực hành lối sống luân lý của lòng khoan dung: Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng hãy tha thứ và cho đi, xa tránh tật xấu nói hành nói xấu người khác, và hãy đón nhận điều tốt lành ở nơi mỗi người. Mỗi người hãy trở thành khí cụ tha thứ.

(3) Sống đức Ái trong hành động: Cởi mở tâm hồn đối với những ai đang bên lề cuộc sống, mang lại an ủi, cảm thương, liên đới và quan tâm đến những người đang sống trong những tình trạng bấp bênh, đau khổ trên thế giới ngày nay”, “quan tâm đến bao nhiêu anh chị em bị tước đoạt phẩm giá”, vui mừng thực thi những công việc bác ái về vạt chất và tinh thần, để “thức tỉnh lương tâm ngái ngủ của chúng ta trước thảm trạng nghèo đói”.

Về điểm này ĐứcThánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng  sứ mạng mà Chúa Giêsu truyền cho chúng ta hôm nay là: mang lại an ủi cho người nghèo, loan báo sự giải thoát cho các tù nhân của các chế độ nô lệ tân thời, trả lại phẩm giá cho người bị tước mất, tạo nên sức mạnh đồng tâm hiệp lực có khả năng chiến thắng sự dốt nát mà hàng triệu người đang phải chịu trên thế giới, nhất là các trẻ em không được trợ giúp cần thiết để thoát khỏi cảnh nghèo.

(4) Thực hành các việc đạo đức: Trong cộng đoàn, hãy gia tăng sáng kiến cầu nguyện và thống hối (sáng kiến này cần cử hành vào những ngày thứ sáu và thứ bẩy tuần thứ tư mùa chay). Hãy giúp người trẻ đến gần bí tích Hòa Giải là bí tích giúp họ “tiếp chạm một cách cụ thể lòng thương xót cao cả của Thiên Chúa”, nhờ đó nhiều người trẻ cảm thấy có thể “tái khám phá ý nghĩa cuộc sống của mình”.

(5) Hoán cải tâm hồn theo lời mời gọi của Lời Chúa: Điều căn bản khiến bản thân từng người chúng ta có thể suy nghĩ, nói, hành động với lòng thương xót là việc cảm nghiệm từ tình yêu Chúa sự tha thứ vô giới hạn của Ngài. Nhận biết ơn tha thứ cũng là một hồng ân mà Thiên Chúa ban qua việc chúng ta hoán cải, nhờ vào sự thúc đẩy của Lời Chúa. Chính Lời Ngài mà chúng ta lắng nghe sẽ chất vấn chúng ta. “Ta không thể lẩn tránh những lời Chúa nói với ta được đâu, và những lời ấy sẽ là tiêu chuẩn phán xét ta: ta có cho người đói ăn, kẻ khát uống, đón tiếp người xa lạ, cho kẻ mình trần mặc hoặc dành thời gian cho người bệnh hoặc những kẻ tù tội không (Mt 25, 31 – 45)”.

Để hoán cải, người tín hữu hãy xét mình hằng ngày, suy xét về việc có giúp tha nhân thoát khỏi nghi nan, ngờ vực khiến họ rơi vào thất vọng và nỗi nghi nan, ngờ vực ấy thường là nguồn gốc của sự cô đơn.

Hãy suy xét xem ta có giúp khắc phục sự ngu dốt hàng triệu người đang phải sống, nhất là trẻ em bị tước mất những phương tiện cần thiết để giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ cho sự nghèo khổ chăng?

Hãy nghĩ xem ta có gần gũi những người cô đơn và đau khổ chăng; có tha thứ cho những người chống lại ta và có dẹp bỏ mọi hình thức giận hờn và ghen ghét thường đưa tới bạo lực; ta có có được sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng hết mực kiên nhẫn với ta chăng; ta có phó thác anh chị em mình cho Chúa trong lời cầu nguyện chăng?

Hãy nghiệm xem nơi mỗi người - những kẻ “bé mọn nhất” đang sống bên cạnh mình, chúng ta có xác tín chính Đức Kitô vẫn luôn hiện diện nơi họ; thân xác Người là một phần trong xác thịt của những người bị tra tấn, đè bẹp, đánh đòn, suy dinh dưỡng và bị lưu đầy cần được ta nhìn nhận, xoa dịu và chăm sóc.

Để kết, chúng ta hãy nhớ lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha Phanxicô dựa trên lời của thánh Gioan Thánh Giá: “Khi chuẩn bị rời bỏ thế gian này, ta sẽ bị xét xử dựa trên nền tảng của tình yêu thương” (x. Misericordiae vultus, 15). Nếu biết sống với tình yêu thương của Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ chẳng có lý do gì để lo sợ cho việc phán xét này. (Lê An Phong,SDB)