31 January, 2016

Tâm tình với “những con tim rối loạn”




Không ít lần khi gặp gỡ các bậc phụ huynh, tôi được nghe những lời than thở về con cái. Điều chung nhất vẫn là không thể nào hiểu và theo kịp những đứa con được sinh ra trong “thời số hóa”. Nếu bạn trẻ sống với lý sự được mách bảo bởi trái tim kiểu tốc độ ấy, thì không ai có thể ngăn cản họ kịp thời được. Con tim bình thường đã khó kiểm soát rồi, huống chi khi con tim nổi loạn, có Trời mới thấu hết! Từ một chút đồng cảm với các phụ huynh, xin chia sẻ chút tâm tình cùng với các bậc phụ huynh – “những con tim rối loạn”.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng vài lần gặp phải những điều khó chịu, hay đôi lúc cảm thấy bấn loạn tâm thần vì có nhiều chuyện rắc rối mà chính mình không biết phải hành xử thế nào. Tuổi trẻ thường gặp điều này nhất vì họ vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống. Người lớn cũng không ít lần gặp cảnh trái ngang và chợt khám phá ra rằng mình vẫn chưa đủ kinh nghiệm. Vậy thì chuyện bối rối cũng là thường tình, và cách giải quyết, hay cách thoát ra khỏi những rắc rối như vậy chưa chắc là chỉ phụ thuộc vào vốn sống của từng người. Nhiều khi “việc mình thì tối việc người thì sáng”; hoặc nhiều lần, đang khi ta giúp người khác vượt ra tình trạng khó khăn của họ, bản thân chúng ta lại tìm ra được giải pháp cho vấn đề của mình. Để thoát ra được khỏi những rắc rối của bản thân, chúng ta cũng cần đến sự trợ giúp và đồng hành của người khác.Trong mọi tình cảnh, người ta cần sự thấu cảm (empathy). Người ta nói đến ở đây sự đồng cảm, thấu cảm, tha cảm - một chức năng của Đức Ái - qua đó, một người đồng cảm với tâm tư, tình cảm, nhu cầu và khổ đau của người khác (Từ nguyên Hi Lạp en - pathein: chịu đựng.)

Phụ huynh có con em hay “nổi loạn” thường bối rối vì không biết mình phải xử trí làm sao. Họ suy nghĩ đến mức có thể bị “rối loạn”. Thật ra không dễ dàng chấp nhận đứa con của mình đang độ tuổi học đường lại “tóc xanh tóc đỏ”, “đi sớm về khuya”, “mặt mày lấm lét” đi làm những chuyện “chẳng hay ho gì”. Các nhà giáo dục Đức Tin thì “lo ra phết” vì chẳng biết mình phải dùng thứ ngôn ngữ nào đây để có thể nói cho bạn trẻ về Chúa, về các giá trị Đức Tin và cuộc sống, về các vấn đề luân lý,…Các bậc phụ huynh “may mắn hơn” khi con mình ngoan hiền, thì chỉ biết thầm cám ơn Trời và thông cảm với người khác. Thật lòng mà nói, khi chưa hiểu được tâm tính đám trẻ thì khó chấp nhận đặc trưng nổi loạn của chúng; và chúng ta đành chọn giải pháp ‘chịu đựng” vì tình thương và trách nhiệm. Nhưng chịu đựng đến mức độ nào thì đủ? Có nên chăng chúng ta tìm hiểu và chấp nhận hiện trạng ấy để không bị rối loạn? Cần lắm một tâm thế sẵn sàng và thái độ đón nhận nơi các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục!

Một linh mục salêdiêng với kinh nghiệm mục vụ giới trẻ sinh viên chia sẻ rằng: đằng sau những sở thích “tào lao” của người trẻ, có một cuộc tìm kiếm âm thầm nhưng nghiêm túc, có khi cả người trẻ cũng không biết là mình đang đi tìm, họ chỉ biết vỡ òa hạnh phúc khi người đồng hành nói cho họ biết cái giá trị lâu nay họ đi tìm. Thật thế, đàng sau những câu hát, như là “Hay là mình cứ bất chấp hết, yêu nhau đi anh”, hay điệp khúc “không phải dạng vừa đâu”, “Lên mái nhà mà bắt con gà”,… mà giới trẻ cứ nghêu ngao suốt ngày còn người lớn thì “cực kỳ dị dứng” ấy, có một câu hỏi thật sự nghiêm túc của người trẻ: Đâu là giá trị của lòng chân thành và tình yêu đích thực mà tôi đang thiếu vắng? Đâu là con người thực tôi phải thể hiện và việc tôi cần làm? Xin đừng trề môi hay lắc đầu trước sự “vớ vẩn” người trẻ, vì nhân vị của họ đang được xây dựng trong thao thức, trong niềm tin, và đời sống của các em bắt đầu từ việc người lớn biết thấu cảm nỗi đói khát sâu xa đằng sau cái vớ vẩn ấy. Tôi đeo khuyên khắp người, tôi nhuộm tóc xanh tóc đỏ để mọi người biết tôi là ai và xin đừng quên tôi!

Từ thực tế trên, chúng ta nói thêm cho nhau nghe về việc đồng hành với bạn trẻ theo phương pháp của hệ thống dự phòng mà Thánh Gioan Bosco đã sử dụng. Đó chính là việc bước vào thế giới người trẻ, “yêu thích những gì trẻ thích”, là sự đồng cảm, là việc đồng hành, là biết lắng nghe và tạo sự thân thiện. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục của thánh Gioan Bosco không dừng ở mức cảm tính mà đi xa hơn, đó là việc nhà giáo dục phải bắc cho người trẻ một nhịp cầu, từ những giá trị tầm thường nối sang thế giới những giá trị của một nhân vị đích thực. “Cần phải xây cho giới trẻ một nhịp cầu để thấu hiểu những giá trị trổi vượt trên lối sống tục hóa và hành động như những người thông truyền đức tin Ki-tô giáo cho thế giới bên ngoài Giáo Hội”.[1]

Trước tiên, chúng ta cần phải “nhảy vào thế giới của người trẻ” với một sự thấu cảm (empathy). “Việc mục vụ cho người trẻ đòi hỏi nghệ thuật lắng nghe cuộc đời họ, cuộc đời ấy có khi lại được khởi sự bằng một chứng tá Ki-tô hữu gắn liền với chiều sâu cõi lòng người trẻ. Một khi được làm cho sống dậy, tấm lòng ấy luôn ước ao vươn lên. Đồng hành với người trẻ, hiểu biết nhu cầu được đón tiếp và được lắng nghe của họ không chỉ là việc biết cảm thông (sympathy), nhưng đòi hỏi một sự thấu cảm (empathy), sống gần với họ, thâu tóm được cuộc tìm kiếm âm thầm của họ về một giá trị thực và bền vững.[2]

Đối với những mục tử, nếu họ muốn hiểu người trẻ, họ cần sự thấu cảm này. Đó là thái độ mục vụ phải có để tạo nên những điểm tương đồng, “ở đó người trẻ không hề cảm thấy không gian của mình bị xâm hại, nhưng cũng không bị coi là khác thường. (...) Đó là khoảng không gian mà cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời được người trẻ diễn tả bằng thứ ngôn ngữ mới mẻ và cũng rất khó hiểu. Đó là nơi chúng ta trao cho các em sự đói khát Đấng Siêu Việt với một sự khiêm tốn thâm sâu và với thái độ của người phục vụ.[3]

Từ những cảm xúc và giá trị nhất thời mà người trẻ đang sống, luôn có những sợi dây nối sẵn với các giá trị trường tồn của việc làm người và của niềm hy vọng liên kết với đức tin. Các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục-mục tử cần đến một chút nhạy bén, là khả năng đọc thấy câu hỏi nghiêm túc đằng sau cái cảm xúc nông nỗi của người trẻ; cần chỉ ra cho họ biết các giá trị qua lối sống chứng tá đích thực, và biết đặt vào tay người trẻ sợi dây xuyên suốt các giá trị ấy, để họ mạnh dạn bước ra một thế giới khác, lần tìm sau những nỗi trống vắng và những cuộc vui chóng tàn, sau những gì tạm bợ và vu vơ vớ vẫn là một thế giới hết sức thiêng liêng, nỗi khát khao Thiên Chúa và gặp gỡ Ngài qua kinh nghiệm đức tin nơi con người. Và để có được thái độ đó, rất cần sự kiên nhẫn và lắng nghe của người lớn, và không chỉ đơn thuần là việc gặp mặt, nói chuyện, mà trên hết là việc nhảy vào thế giới của người trẻ với lòng thấu cảm để biết chia sẻ nhiều hơn nữa cuộc sống của họ vậy. (Lê An Phong,SDB)


[1] x. Attard F., Youth ministry in the light of Evangelii Gaudium, 4.
[2] Ibid.
[3] Ibid.

No comments:

Post a Comment