27 June, 2010

TUẦN THÁNH VỚI CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI THỤY SĨ
Từ những cuộc gặp gỡ - Còn một chút gì để nhớ để thương…


Những ngày đầu tiên…
Tôi nhận lời mời của cha phụ trách Cộng đoàn Công giáo Việt nam tại Thụy Sĩ để giúp chuẩn bị Tuần thánh và Phục Sinh 2010 mà lòng phân vân, không biết mình phải làm gì! Cũng không có gì làm lạ, vì đây là dịp đầu tiên tôi đi giúp mục vụ một cộng đoàn công giáo người Việt nam tại nước ngoài, trong khi tuổi đời linh mục của mình chưa quá 5 năm! Tôi hỏi kinh nghiệm những anh em đi trước, họ chỉ nói với tôi rất ít lời: Cứ đi, hãy đến mà xem rồi sẽ biết. Kể ra cũng đáng lo chứ!
Nhiều lần đi giúp tông đồ vào mùa hè và vào các dịp lễ trọng cho các cộng đoàn hay giáo xứ “người ngoại quốc” ở Italy, tôi đã dần quen cách làm việc của người ta, và nhiều khi mình cũng quen “xếp loại” các mối tương quan theo tiêu chuẩn già - trẻ, lớn - bé, sốt sáng và nguội lạnh, cha làm việc cha, con làm việc con… Tôi băn khoăn tự hỏi liệu “người ta”bên Thụy Sĩ có bị “tây hóa” hay chưa để liệu cách mà “đối phó”! Sau gần 10 ngày đây đó cùng Cộng đoàn Công giáo Việt nam tại Thụy Sĩ, tôi đã hiểu phần nào rằng: cái lo của mình hơi bị ngớ ngẫn!
Phải nói rằng mỗi một cuộc gặp gỡ luôn mang đến cho ta cái thú vị của nó, nhất là khi biết rằng mỗi một con người là một thế giới nhỏ và riêng biệt, lại được hòa quyện vào thế giới lớn hơn, như triết lý về cái “tiểu ngã” và “đại ngã” mà nhiều người hay nói đến. Tôi cũng muốn có sự hòa nhập đó giữa tôi với mọi người mà tôi chưa hề quen biết, thông qua những kinh nghiệm sống được chia sẻ và qua những giây phút gặp gỡ thân tình. Từ ý nghĩ đơn sơ này, tôi đã chuẩn bị các ý tưởng để chia sẻ với mọi người trong tình thân ái hơn là nghĩ đến các “bài giảng” tĩnh tâm được trình bày một cách hùng hồn (điều mà Chúa chẳng ban cho tôi qua cái giọng “trọ trẹ” nhẹ nhàng, nghe vui tai mà cũng…gây buồn ngủ vô cùng!).
Có một điều mà tôi thử hình dung ra và chờ đợi trước khi đến Thụy Sĩ (như kinh nghiệm mục vụ nơi các giáo xứ bên Tây)là mình sẽ nói chuyện với một nhóm khoảng hai ba chục người lớn tuổi thuộc hạng U3, tức là một thế hệ đã bắt đầu chững lại để nghĩ tới các “sự sau cùng”. Thức tế lần gặp gỡ đầu tiên ở nơi tĩnh tâm mà cộng đoàn đã chọn khiến tôi ngỡ ngàng: Cả gia đình cùng đi, lớn nhỏ cùng đi, cha mẹ và con cái, ông bà và cháu chắt cùng đi. Mọi người đã hy sinh dịp week-end để tìm đến nơi gặp gỡ Chúa và gặp mặt nhau. Với tôi đó là dấu hiệu của một hồng ân, một sự chúc phúc vì có Chúa hiện diện: Nơi đâu có hai hay ba người họp lại vì danh Chúa, Ngài sẽ ở giữa họ, huống chi đây có hơn cả trăm con người thành tâm thiện chí!
Tôi lại tự thắc mắc: có lẽ nơi xứ lạ quê người, người ta thích gặp nhau cuối tuần một chút chăng, và tiện đó đem theo cả gia đình cho vui vẻ ấy mà? Không phải vậy, vì đây với mọi người, không phải là lần đầu tiên có các cuộc gặp gỡ như vậy. Tôi được biết thêm là nhóm các gia đình trẻ đã quen biết nhau từ thưở thiếu thời, nay đến lượt họ, những ông bố bà mẹ trẻ lại mang con cái mình đi theo để chúng lại vui chơi và sinh hoạt chung với Cộng đoàn. Một nét “truyền thống” đáng yêu thay!
Giá mà tôi biết thêm một chút tiếng Đức thì hay biết mấy, vì có thể thỏa trí tò mò mà hỏi chuyện các em nhỏ để xem chúng có thích những dịp “hẹn hò” như vậy không. Tiếc là tôi chẳng biết làm sao để trò chuyện với các em ngoài những lời chào đơn sơ và nụ cười thân thiện bẩm sinh của người Việt ta, nhưng chỉ cần nhìn xem khuôn mặt các em, qua lời ca, điệu múa và những màn kịch đơn sơ cùng lời thoại bằng tiếng Việt ấp a ấp úng…tôi cũng đủ cảm thấy niềm vui nơi mọi người hiện diện. Tôi lại tham lam mơ ước rằng: giá như có thêm vài nữ tu (chứ không chỉ có hai chị hiện diện) và vài “ông thầy” cùng một số anh chị huynh trưởng “quân nhà ta”lớn lên nơi xứ người sinh hoạt với các em nhỏ, chắc hẳn các em sẽ có được sự trợ giúp, một sức sống tinh thần mạnh mẽ và nhiều niềm vui hơn nữa từ những bước đầu đời.

Những ngày tiếp theo và kết thúc…
Điều mà tôi phải “đối phó” là các câu hỏi liên quan đến những đề tài được chia sẽ. Tôi cứ sợ (lại sợ như nhiều người sợ…sa hỏa ngục đời đời vì những thứ mình không chắc có phải là tội hay không!) những gợi ý trả lời của mình lại “phạm húy”, hay đụng tới trường hợp cá biệt của một ai đó thì “ hỏng hết mọi việc”; nhưng sau vài ngày không thấy ai đến “mắng vốn”, tôi lại thấy “an tâm” hơn, vì im lặng cũng là nói một lời đồng ý rồi! Tôi chỉ thầm cầu nguyện thêm và xin ơn Chúa cho mọi người mà tôi gặp gỡ, vì rằng: chính Chúa chứ không ai khác sẽ giúp mỗi người tìm ra câu trả lời cho những vấn nạn về cuộc đời chính mình. Ngài sẽ soi sáng để ta tìm thấy lối đường phải bước đi. Tuy nhiên để lắng nghe tiếng Ngài, điều cần thiết phải biết rộng mở cõi lòng, trong khiêm cung lắng nghe và bình tâm quan sát, để khám phá thông điệp Thiên Chúa muốn nói cho mình qua các sự kiện, dấu chỉ thời đại, qua Lời Chúa và qua kinh nguyện thiêng liêng cùng các cử hành phụng vụ với Cộng đoàn...
Trước mắt tôi, khi nhìn cộng đoàn dân Chúa tụ họp lại từ nhiều vùng khác nhau cách xa hàng trăm cây số, từ St Gallen đến Solothurn và từ Zurich đến Bern, dân Việt Bắc-Trung-Nam và dân Á cùng dân Âu tề tựu quanh bàn thờ để cử hành các nghi thức Tuần thánh và Thánh lễ…, có một thông điệp mà Chúa muốn nói với tôi và tôi đã đọc được là: Giáo Hội – một thân thể nhiệm mầu, được liên kết bằng chính Ngài, rộng lớn hơn những gì tôi nghĩ, vượt qua mọi biên giới và mọi ngăn cách của màu da, tiếng nói, văn hóa, chính kiến, điều kiện kinh tế, học thức và địa vị xã hội...
Trong cái rộn ràng và bon chen của cuộc sống, khi con người không cần đến Thiên Chúa, mọi người mà tôi được gặp vẫn còn cảm thấy cần đến Chúa, và có khi lại cần đến Chúa nhiều hơn. Tôi nghe và thấy mọi người đang lo lắng cho Giáo Hội trong cơn thử thách vì bị tấn công bởi nhiều người thiếu thiện chí và các sự việc quấy nhiễu đáng tiếc bị các phương tiện truyền thông thổi phồng; mọi người đã và đang cầu nguyện cho các linh mục biết sống xứng đáng hơn với ơn gọi của mình, cho người đau khổ và bất hạnh được tìm thấy bình an... Bên cạnh đó, tôi còn thấy nhiều ông bà, anh chị em, trong âm thầm phục vụ cộng đoàn từ chuyện lễ nghi, tập hát, âm thanh ánh sáng đến chuyện cơm ăn nước uống…mà không thấy kêu than hay đòi hỏi điều gì cả. Đó là dấu hiệu của thiện chí và trách nhiệm mà người Kitô hữu được mời gọi sống trong mỗi một cộng đoàn theo ơn gọi của mình, như những viên đá sống động xây dựng Giáo Hội, theo lời Thánh Phao-lô tông đồ.
Qua những câu chuyện kể lại, tôi được biết rằng đã trôi qua thời gian nhiều năm tháng Cộng đoàn sống trên “quê người”, và phần nào đã trở thành “quê ta” trong sự an cư lạc nghiệp của thế hệ con cháu. Đó là một hồng ân và cũng là một cuộc Vượt qua với Chúa, được sinh ra, lớn lên và được thử thách trong thời gian để lớn mạnh cho đến hôm nay, khi mà cả ba thế hệ tạm gọi là U1, U2 và U3 cùng gặp nhau trên sân khấu để thử tài đố vui và thi Giáo lý với sắc thái biểu lộ khác nhau: Giới “già” U3 có cái khôn ngoan và từng trãi của đau khổ, của thất bại và thành công trong đời nên thận trọng hơn với những lời dạy của Chúa và Giáo Hội. Giới “trung”U2 đã bắt nhịp cuộc đời mới rồi nên sắc sảo hơn nhiều khi quan sát mọi sự vật qua hình ảnh, nhưng lại hơi “ngờ ngợ”vì bất chợt gặp “đứa con hoang đàng” hơn là “người cha nhân hậu”. Giới “trẻ” U1 nhanh tay hơn để bấm chuông, nhưng lại muốn người khác trả lời thay mình, hay muốn nhường lại câu trả lời cho đồng bạn. Trong suốt cuộc thi tài, xem ra các bạn nhỏ U1 đã nhiều lần mang vinh quang chiến thắng về cho cộng đoàn của mình hơn là các lớp cha anh. Đúng thôi, tương lai của Cộng đoàn là của các em và trong tay các em! Sẽ đến ngày các em đảm trách vai trò của mình trong cộng đoàn và nối tiếp con đường đạo đức mà cha anh đã đi. Ai sẽ chuẩn bị cho các em con đường tương lai? Câu trả lời chắc chắn phải dành cho lớp U2 và U3 vậy!

Thay lời kết
Tôi vẫn còn nghe trong tai mình lời nói đùa của một thành viên trong cộng đoàn: “Cha sẽ biết rằng Thụy Sĩ đất lạnh tình nồng”. Thú thật tôi chẳng bao giờ tin những lời quảng cáo cũng chẳng muốn quảng cáo cho một ai cả ngoài Chúa Giêsu và Thánh Gioan Bosco – các “sư phụ” của mình, nhưng cũng phải thú nhận rằng lời của bạn bè tôi nói “Cứ đi, đến mà xem rồi sẽ biết” là đáng suy nghĩ và học hỏi!
Chắc hẳn nhiều người biết rằng ở lâu mới biết trong chăn có rận. Chúng ta, những ai là “người trong cuộc” thì biết rõ mọi sự hơn những người khác là kẻ ở ngoài nhìn vào. Nói đến đây, tự nhiên tôi có một suy nghĩ ngồ ngộ rằng: nếu ta biết rõ trong cái chăn mình đang đắp chung có rận, tại sao lại không cùng nhau ngồi dậy để tìm và diệt chúng đi, lại cứ phải nằm và chờ chúng cắn và gây khó chịu? Tôi không sợ trong chăn còn rận - nghĩa là tôi không sợ nhìn vào một cộng đoàn và khám phá ra rằng có những khúc mắc nho nhỏ bên trong đời sống hay hoạt động chung. Tôi chỉ lo ngại một điều rằng đời sống cộng đoàn như tấm chăn kia không còn thấy rận nữa và xem ra có vẻ yên ấm, nhưng lại trở nên nhỏ bé cho mọi người, và hạnh phúc chỉ còn lại như tấm chăn nhỏ ấy, người này kéo về đắp cho mình được ấm thì người khác phải chịu lạnh lẽo, và mỗi người lại nằm co quắp trong sự cô độc của hạnh phúc riêng mình.
Tôi thầm cầu xin Chúa cho mọi người trong Cộng đoàn Giáo Xứ Thánh Micae Mỹ, để mọi người biết gìn giữ Đức Tin mình đã lãnh nhận; biết nuôi dưỡng và làm sống mãi niềm tin cùng niềm hy vọng nơi các thế hệ tương lai; biết cảm thông và chia sẽ cho nhau mọi vui buồn sướng khổ của đời người, để từ đó, họ chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng và họ trở thành lửa sưởi ấm tâm hồn nhiều anh chị em khác bằng tình người nồng thắm nơi những miền đất lạnh giá khác.
Cha ông mình nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” là có lý có tình! Tôi chỉ e rằng cái lý để nói về người khác thì mình chưa nắm hết và cái tình nhiều khi làm tôi mờ mắt mà khiến tôi trở thành kẻ “nhẹ dạ” hoặc “ba hoa”, vì cũng có một kinh nghiệm khác rằng “thức đêm mới biết đêm dài”. Mấy ngày trôi qua nhanh chóng ở Thụy Sĩ cho tôi nhiều kinh nghiệm, nhưng chưa đủ, vì cuộc đời còn dài và luôn đầy những khám phá thú vị. Bởi vậy người ta mới nói đến chuyện “hẹn gặp lại”. Với tôi, lời giới thiệu cho những người đến sau sẽ đơn giản là: Cứ đi! Đến mà xem rồi sẽ biết! (Lê An Phong, SDB)
Tản mạn Tháng Sáu – Nói với bạn trẻ về hình ảnh Chúa Giêsu, người mục tử nhân lành

“Tháng Sáu trời mưa trời mưa không dứt…” Tôi bỗng nhớ câu hát mà mình đã nghe đâu đó khi bước vào những ngày đầu tháng sáu năm nay.
Với các bạn trẻ, chắc chắn niềm vui lớn đã đến trong tháng Sáu, vì sau một năm học hành rèn luyện khó nhọc, những ngày hè vui tươi đã bắt đầu. Tôi tiếc là mình không còn bé thơ nữa để được hưởng niềm vui nho nhỏ ấy như các bạn, nhưng chúng ta vẫn có thể chung chia với nhau niềm vui ấy, và có thể nhờ vậy tôi cảm thấy mình trẻ trung hơn!
Đối với người công giáo, tháng Sáu hằng năm là một tháng đặc biệt dành để kính nhớ Thánh tâm Chúa Giêsu, là khoảng thời gian mà hình ảnh Chúa Giêsu với trái tim rộng mở và bừng cháy lửa yêu thương, như luôn mời gọi mọi người đến với Ngài để tìm thấy nguồn ủi an, nâng đỡ.
Nghĩ đến Chúa Giêsu, tôi bỗng dưng nảy ra một ý nghĩ: Trong thời đại bùng nổ thông tin, có chăng chỉ mình tôi quan tâm đến Ngài, còn những người khác thì sao? Tôi “nhảy” vào mạng internet, trang tìm kiếm Google và đánh vài chữ đại khái như “Jesus”, lập tức tôi tìm thấy kết quả 13.600.000 hình ảnh về Chúa Giêsu. Đánh thêm mấy từ về “người mục tử nhân lành”, tôi tìm thấy khoảng 849.000 hình ảnh Chúa Giêsu mục tử nhân lành với con chiên trên vai ở nhiều các thể loại và kiểu mẫu, màu sắc khác nhau. Hóa ra trên mạng thông tin toàn cầu với dòng xoáy của các luồng thông tin, vẫn còn nhiều người quan tâm và nghĩ đến Chúa Giêsu, và họ đã bỏ thời gian, công sức để đưa lên cho mọi người xem hình ảnh của Ngài. Phần các bạn, nếu có thời gian và phương tiện trong tay, hy vọng bạn cũng sẽ tìm hiểu về Chúa Kitô Mục tử nhân lành như một biểu tượng của lòng yêu thương mà Thiên Chúa muốn biểu tỏ cho con người, ít nhất là qua các hình ảnh nghệ thuật.
Ngày hè, người ta có thời gian nghỉ ngơi và có những lúc thảnh thơi đi du lịch đây đó. Các bạn, nếu không đủ kinh phí đi chơi xa, có thể làm một chuyến “du lịch qua màn hình vi tính – du lịch ảo” đến Roma như nhiều người vẫn làm, để biết thêm một hình ảnh về người mục tử nhân lành.
Khách hành hương khi đến Roma thường hay đi thăm một nơi gọi là Catacombe – San Callisto, một khu hầm mộ cổ nằm sâu trong lòng đất mà người ta còn gọi là hang Toại đạo. Tại đây, bạn sẽ được ngắm nhìn một bức tượng cổ bằng đá trắng tạc hình một người chăn chiên với con chiên nhỏ trên vai. Trong khu hầm mộ cổ này, trên tường, trên vòm hang của các hầm mộ và trên các cổ quan tài bằng đá, người ta có thể thấy nhiều hơn nữa các hình vẽ người mục tử theo cách tương tự. Với những người kitô hữu thời đó, hình ảnh người mục tử này tượng trưng cho Chúa Giêsu, Đấng cứu thế. Còn con chiên trên vai của người chăn chiên là hình ảnh linh hồn của những ai được cứu rỗi và được nghỉ ngơi an bình trong Chúa.
Bình thường, trong đời sống dân giả ngày xưa, hình ảnh người chăn chiên cũng không có gì đặc biệt; đó cũng chỉ là một loại công việc phổ biến của nghề nông (trồng trọt và chăn nuôi). Tuy vậy, hình như cảm nhận của những người mà ta vẫn hay gọi là “nông dân chất phác” với những vật quanh họ xem ra đơn sơ, giản dị nhưng rất đậm đà tình cảm và mang ý nghĩa sâu sắc, như bạn đã nghe phân tích nhiều lần câu ca dao“Trâu ơi ta bảo trâu này…” vậy! Con người trở nên cao quý vì biết yêu thương và biết trân trọng những gì quanh mình.
Trong Thánh Kinh, phần Cựu ước, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh người chăn chiên như là biểu tượng của lòng yêu thương, chăm sóc, bảo vệ, nâng đỡ…, và được đem so sánh với hình ảnh của một Đấng là Thiên Chúa tối cao luôn yêu thương, bảo vệ con người, như trong Thánh vịnh 22: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi không còn lo thiếu gì”. Trong các sách Tin mừng (Tân ước), Chúa Giêsu lại dùng hình ảnh người mục tử để ví von và giúp chúng ta hiểu được Ngài là ai: “Ta là mục tử nhân lành. Ta biết các chiên ta và các chiên của ta biết ta.” Và chính Ngài đã nhấn mạnh chỉ có người chăn chiên biết đàn chiên của mình, biết gọi tên chúng từng con một, biết yêu thương vỗ về chúng và biết đi tìm những con bỏ đàn ra đi lạc lối mới là “người chăn chiên đích thực”, là người chủ đàn chiên chứ không là kẻ chăn chiên thuê.
Cũng từ ý nghĩa sâu sắc như vậy mà hình ảnh người chăn chiên trở thành biểu tượng cho các giám mục và linh mục trong Hội Thánh – những người chăm sóc các linh hồn, những người được Chúa chọn gọi và giao cho trách nhiệm yêu thương, dẫn dắt và bảo vệ đoàn chiên của Người. Hơn ai khác, chính các vị chủ chăn, khi nhìn vào hình ảnh người mục tử nhân lành, hiểu rõ điều gì mình phải sống và phải làm, theo gương Chúa Giê su – người mục tử đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên. Điều này luôn là một thách đố đối với các vị chủ chăn; bởi vậy, nếu bạn có quen biết các linh mục tu sĩ nào, hãy dành một chút thời gian để cầu nguyện thêm cho các ngài nhé!
Cuộc sống cũng hay đấy phải không bạn, vì có những điều xem ra rất đơn sơ lại gợi lên trong ta những điều thú vị: Một bóng chim câu trắng trên bầu trời xanh có thể làm sống dậy ước mơ hòa bình nơi lòng người. Một nụ cười trên gương mặt bé thơ hay một chồi non trên cành cây khô có thể mang tin vui của sự sống. Một tia nắng ấm áp hay một khúc hát bắt đầu ngày mới luôn là dấu hiệu tốt lành để bắt đầu công việc… Và hơn tất cả mọi sự, điều tốt đẹp nhất trong đời là chính sự hiện diện của bản thân bạn và tôi trên đời này. Đó là vẻ đẹp của chính cuộc đời bạn mà chẳng ai thay thế được và cũng là một ơn gọi. Cuộc đời bạn chính là một tác phẩm nghệ thuât cao cấp mà Thiên Chúa phác họa và bạn tô điểm thêm với muôn màu muôn vẻ. Hãy sống làm sao để mọi người xung quanh khi nhìn vào bạn có thể chiêm ngắm, cảm nhận từ nơi bạn vẻ đẹp, lòng nhân hậu, tình yêu thương, sự tử tế và những điều tốt lành khác mà chính Chúa phú ban cho bạn. (Lê An Phong, SDB)
Tình bạn trong đời sống thánh hiến
Giữa phố xá ồn ào đông người qua lại, xe cộ dọc ngang, người ta có thể nhìn thấy ngày càng nhiều những khuôn măt ngơ ngác và lạc loài. Hình như con người, khi bận tâm cho mình nhiều thứ, lại cảm thấy cô đơn nhiều hơn. Và giữa một thế giới đông vui tấp nập, nhiều người lại cảm thấy khó khăn để tìm được người đồng cảm.
Giữa dòng người ngược xuôi, có rất nhiều linh mục tu sĩ cùng chung bước. Họ có cô đơn chăng? Xem ra câu hỏi hơi có vẻ “xúc phạm” vì ai dám bảo nhưng người sống đời tu lại cô đơn, bởi họ luôn có Chúa bên cạnh cơ mà! Đúng vậy, khác với mọi người, những người linh mục, tu sĩ khi lựa chọn sống đời thánh hiến, họ hiểu rằng cuộc đời mình phải được đặt trong tương quan mật thiết với Chúa, với tất cả tâm hồn, tấm lòng, trí khôn. Ngài phải là bạn đời, bạn đường của họ. Và nếu Thiên Chúa thực sự được lựa chọn cách triệt để như thế thì ta có lý để nói rằng các linh mục, tu sĩ khó mà cảm thấy cô đơn.
Tuy nhiên, giống như tất cả mọi người, dấu hiệu của sự cô đơn nơi những người sống đời thánh hiện vẫn không thiếu. Không ít các bạn trẻ khi có dịp tiếp xúc và quan sát các cha, các thầy…đã kêu lên: “sao mà nghiêm quá, sao mà kín quá, sao mà khó gần quá, sao mà buồn rầu quá chẳng thấy muốn tiếp xúc với ai cả,…”. Tất nhiên đây chỉ là những cảm nhận thiên về mặt cảm xúc và nhiều khi phụ thuộc vào nhận định cá nhân chủ quan, (vì vui quá cũng có khi ta lại bị gán cho tính cách “hời hợt, nhẹ dạ”…), nhưng chúng ta cũng có thể hiểu ra rằng: có những biểu hiện về cảm xúc nơi những người sống đời thánh hiến xem ra “không ổn”, khi họ đóng kín mình hay chỉ “mở ra” cho một vài đối tượng nhất định trong sự kín đáo và “bí mật”. Trường hợp này còn xảy ra theo kiểu “bạn riêng”, “yêu riêng” một vài đối tượng, và còn mang một nguy cơ khác là gây hiểu lầm hay gây tranh cãi về các bệnh tâm lý (lệch lạc tính dục) trong “giới nhà tu”.
Có rất nhiều định nghĩa về tình yêu, tình bạn. Có rất nhiều dạng biểu hiện của tình yêu, tình bạn. Khi nói về tình bạn của những người sống đời thánh hiến, chúng ta tạm hiểu rằng: Tình bạn là một khía cạnh của tình yêu thương và của lòng bác ái kitô giáo. Trong đời tu, cùng những người bạn chung lý tưởng, ta có thể chia sẻ, tin tưởng, tâm sự và hiệp thông. Như một phương tiện tự nhiên, tình bạn có thể giúp ta vượt lên trên nhiều hoàn cảnh khó khăn hay trong những thử thách nhờ sự nâng đỡ, khích lệ, cảm thông. Tuy vậy, không phải tự nhiên với bất kỳ ai, ta cũng có thể yêu thương và cảm thông hoàn toàn. Để có thể chia sẻ tình cảm bạn bè, phải biết tìm kiếm người khác dựa trên những gì chung về sở thích, quan điểm, ước mơ. Tình bạn theo kiểu tu đức có nét đặc biệt hơn, vượt qua những gì có vẻ tự nhiên vì có sự hiện diện của Đức Ái, dựa trên sự đồng nhất về tinh thần Tin mừng hay đặc sủng, và là một nhân đức thay vì là một hoạt động “hữu nghị” và thỏa hiệp “đôi bên cùng có lợi” như trong nhiều kiểu tương quan khác. Đó là một kiểu sống hiệp thông trong sự hiện diện của Chúa Kitô, là mối tương quan liên vị với Thiên Chúa và với người khác qua đời sống cộng đoàn.
Sẽ có ý kiến hỏi rằng: tại sao lại nói về sự cô đơn trong khi nói về sống chung nơi cộng đoàn? Thực tế ta có thể thấy rằng nơi đời sống chung luôn tiềm ẩn những nguy cơ của sự phân cách hoặc tách nhóm riêng vì sự khác biệt độc đáo của nhiều cá nhân, hay vì nhiều nguyên nhân mang tính nhân loại mà nhiều khi sức mạnh tinh thần không thể vượt qua. Chúng ta có thể nói đến những sự thoái hóa sau:
Một thoái hóa đầu tiên là cảm thấy tình bạn trong Chúa Kitô như là một biểu hiện của bổn phận hay sự bắt buộc vào thế “chẳng đặng đừng”: “chúng tôi sống cùng với nhau trong cộng đoàn vì nghĩ là được Chúa gọi, và chúng tôi phải sống cuộc sống ấy như là một biểu hiện của sự hiệp thông, không còn cách nào khác để lựa chọn!” Bản chất của sự thoái hóa này là thiếu khóe nhìn về Đức tin và ân sủng, và chỉ cảm thấy người khác với mình là một định mệnh, là gánh nặng đời mình; sống chung với nhau là một sự chịu đựng dai dẵng hơn là một món quà sự sống cần chia sẻ và là một hồng ân cần khám phá và tạ ơn.
Biểu hiện thứ hai của tình bạn trong Chúa Kitô bị thoái hóa là quan niệm cộng đoàn được hình thành như một kiểu tổ chức để hoàn tất một công cuộc. Chủ trương “Đoàn kết là sức mạnh” xem ra thích hợp với kiểu cộng đoàn này, vì như vậy người ta có đủ nhân sự, có thể hợp tác để hoàn thành chương trình, kế hoạch. Điều này có thể là một sự cám dỗ tinh tế và nguy hiểm bởi vì dựa vào cảm xúc về lòng quảng đại dựa trên sự chia sẻ công việc theo khả năng riêng. Đây cũng là biểu hiện của căn bệnh “duy hoạt” thời nay trong đời sống cộng đoàn thánh hiến: chỉ dựa vào công việc, chỉ cần làm được việc là vào guồng máy, còn ai không có khả năng thì nằm ngoài lề và cô đơn; hoặc là “việc anh anh lo, việc tôi, tôi làm”, miễn sao công việc “chạy “ là được!
Biểu hiện thứ ba của sự thoái hóa tình bạn nơi đời sống thánh hiến có thể thoát thai từ quan niệm xem cộng đoàn như là một nơi tạm trú lý tưởng, một chổ để mình trốn thoát khỏi thế giới phức tạp. Điều nguy hiểm nằm ở chổ là cá nhân sẽ tìm kiếm trong cộng đoàn điều họ xem là tốt lành và thích hợp cho mình là hạnh phúc mà cả cộng đoàn phải tìm kiếm và xây dựng; và từ các sở thích cá nhân tương hợp sẽ hình thành một sở thích tập thể “dị biệt”theo nhóm loại trừ (chỉ có vài thành viên cùng sở thích với nhau). Sở thích này dần dần kéo họ ra khỏi mối bận tâm về sứ mạng được giao phó bởi vì chỉ nghĩ đến những gì được cảm nhận và quan tâm theo kiểu riêng, bỏ qua một bên những ai hơi khác biệt mình.
Thiên Chúa tạo dựng con người để sống hiệp thông. Có lẽ vậy sự cô đơn của con người là dấu chứng của sự dữ và là một bi kịch. Có một người nói đùa rằng Chúa Kitô gọi mười hai tông đồ không phải vì ngài sợ cô đơn khi phải làm người, hay vì mưu toan chứng minh mình là con Thiên Chúa có quyền phép và cần được nhìn nhận, tung hô từ đám thuộc hạ. Ngài chỉ muốn loan truyền một tình yêu huynh đệ, sự hiệp thông đại đồng, chia sẻ cuộc sống, trao ban và hy sinh bản thân mình vì người khác... là những điều xem ra “bất khả thể” với con người mọi thời. Với Thiên Chúa, điều này là khả thể, và cùng với Ngài, con người có thể nói chung một tiếng nói – Tiếng của tình yêu thương – trong sự khác biệt và đa dạng vậy. (Lê An Phong, SDB)