27 June, 2010

TUẦN THÁNH VỚI CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI THỤY SĨ
Từ những cuộc gặp gỡ - Còn một chút gì để nhớ để thương…


Những ngày đầu tiên…
Tôi nhận lời mời của cha phụ trách Cộng đoàn Công giáo Việt nam tại Thụy Sĩ để giúp chuẩn bị Tuần thánh và Phục Sinh 2010 mà lòng phân vân, không biết mình phải làm gì! Cũng không có gì làm lạ, vì đây là dịp đầu tiên tôi đi giúp mục vụ một cộng đoàn công giáo người Việt nam tại nước ngoài, trong khi tuổi đời linh mục của mình chưa quá 5 năm! Tôi hỏi kinh nghiệm những anh em đi trước, họ chỉ nói với tôi rất ít lời: Cứ đi, hãy đến mà xem rồi sẽ biết. Kể ra cũng đáng lo chứ!
Nhiều lần đi giúp tông đồ vào mùa hè và vào các dịp lễ trọng cho các cộng đoàn hay giáo xứ “người ngoại quốc” ở Italy, tôi đã dần quen cách làm việc của người ta, và nhiều khi mình cũng quen “xếp loại” các mối tương quan theo tiêu chuẩn già - trẻ, lớn - bé, sốt sáng và nguội lạnh, cha làm việc cha, con làm việc con… Tôi băn khoăn tự hỏi liệu “người ta”bên Thụy Sĩ có bị “tây hóa” hay chưa để liệu cách mà “đối phó”! Sau gần 10 ngày đây đó cùng Cộng đoàn Công giáo Việt nam tại Thụy Sĩ, tôi đã hiểu phần nào rằng: cái lo của mình hơi bị ngớ ngẫn!
Phải nói rằng mỗi một cuộc gặp gỡ luôn mang đến cho ta cái thú vị của nó, nhất là khi biết rằng mỗi một con người là một thế giới nhỏ và riêng biệt, lại được hòa quyện vào thế giới lớn hơn, như triết lý về cái “tiểu ngã” và “đại ngã” mà nhiều người hay nói đến. Tôi cũng muốn có sự hòa nhập đó giữa tôi với mọi người mà tôi chưa hề quen biết, thông qua những kinh nghiệm sống được chia sẻ và qua những giây phút gặp gỡ thân tình. Từ ý nghĩ đơn sơ này, tôi đã chuẩn bị các ý tưởng để chia sẻ với mọi người trong tình thân ái hơn là nghĩ đến các “bài giảng” tĩnh tâm được trình bày một cách hùng hồn (điều mà Chúa chẳng ban cho tôi qua cái giọng “trọ trẹ” nhẹ nhàng, nghe vui tai mà cũng…gây buồn ngủ vô cùng!).
Có một điều mà tôi thử hình dung ra và chờ đợi trước khi đến Thụy Sĩ (như kinh nghiệm mục vụ nơi các giáo xứ bên Tây)là mình sẽ nói chuyện với một nhóm khoảng hai ba chục người lớn tuổi thuộc hạng U3, tức là một thế hệ đã bắt đầu chững lại để nghĩ tới các “sự sau cùng”. Thức tế lần gặp gỡ đầu tiên ở nơi tĩnh tâm mà cộng đoàn đã chọn khiến tôi ngỡ ngàng: Cả gia đình cùng đi, lớn nhỏ cùng đi, cha mẹ và con cái, ông bà và cháu chắt cùng đi. Mọi người đã hy sinh dịp week-end để tìm đến nơi gặp gỡ Chúa và gặp mặt nhau. Với tôi đó là dấu hiệu của một hồng ân, một sự chúc phúc vì có Chúa hiện diện: Nơi đâu có hai hay ba người họp lại vì danh Chúa, Ngài sẽ ở giữa họ, huống chi đây có hơn cả trăm con người thành tâm thiện chí!
Tôi lại tự thắc mắc: có lẽ nơi xứ lạ quê người, người ta thích gặp nhau cuối tuần một chút chăng, và tiện đó đem theo cả gia đình cho vui vẻ ấy mà? Không phải vậy, vì đây với mọi người, không phải là lần đầu tiên có các cuộc gặp gỡ như vậy. Tôi được biết thêm là nhóm các gia đình trẻ đã quen biết nhau từ thưở thiếu thời, nay đến lượt họ, những ông bố bà mẹ trẻ lại mang con cái mình đi theo để chúng lại vui chơi và sinh hoạt chung với Cộng đoàn. Một nét “truyền thống” đáng yêu thay!
Giá mà tôi biết thêm một chút tiếng Đức thì hay biết mấy, vì có thể thỏa trí tò mò mà hỏi chuyện các em nhỏ để xem chúng có thích những dịp “hẹn hò” như vậy không. Tiếc là tôi chẳng biết làm sao để trò chuyện với các em ngoài những lời chào đơn sơ và nụ cười thân thiện bẩm sinh của người Việt ta, nhưng chỉ cần nhìn xem khuôn mặt các em, qua lời ca, điệu múa và những màn kịch đơn sơ cùng lời thoại bằng tiếng Việt ấp a ấp úng…tôi cũng đủ cảm thấy niềm vui nơi mọi người hiện diện. Tôi lại tham lam mơ ước rằng: giá như có thêm vài nữ tu (chứ không chỉ có hai chị hiện diện) và vài “ông thầy” cùng một số anh chị huynh trưởng “quân nhà ta”lớn lên nơi xứ người sinh hoạt với các em nhỏ, chắc hẳn các em sẽ có được sự trợ giúp, một sức sống tinh thần mạnh mẽ và nhiều niềm vui hơn nữa từ những bước đầu đời.

Những ngày tiếp theo và kết thúc…
Điều mà tôi phải “đối phó” là các câu hỏi liên quan đến những đề tài được chia sẽ. Tôi cứ sợ (lại sợ như nhiều người sợ…sa hỏa ngục đời đời vì những thứ mình không chắc có phải là tội hay không!) những gợi ý trả lời của mình lại “phạm húy”, hay đụng tới trường hợp cá biệt của một ai đó thì “ hỏng hết mọi việc”; nhưng sau vài ngày không thấy ai đến “mắng vốn”, tôi lại thấy “an tâm” hơn, vì im lặng cũng là nói một lời đồng ý rồi! Tôi chỉ thầm cầu nguyện thêm và xin ơn Chúa cho mọi người mà tôi gặp gỡ, vì rằng: chính Chúa chứ không ai khác sẽ giúp mỗi người tìm ra câu trả lời cho những vấn nạn về cuộc đời chính mình. Ngài sẽ soi sáng để ta tìm thấy lối đường phải bước đi. Tuy nhiên để lắng nghe tiếng Ngài, điều cần thiết phải biết rộng mở cõi lòng, trong khiêm cung lắng nghe và bình tâm quan sát, để khám phá thông điệp Thiên Chúa muốn nói cho mình qua các sự kiện, dấu chỉ thời đại, qua Lời Chúa và qua kinh nguyện thiêng liêng cùng các cử hành phụng vụ với Cộng đoàn...
Trước mắt tôi, khi nhìn cộng đoàn dân Chúa tụ họp lại từ nhiều vùng khác nhau cách xa hàng trăm cây số, từ St Gallen đến Solothurn và từ Zurich đến Bern, dân Việt Bắc-Trung-Nam và dân Á cùng dân Âu tề tựu quanh bàn thờ để cử hành các nghi thức Tuần thánh và Thánh lễ…, có một thông điệp mà Chúa muốn nói với tôi và tôi đã đọc được là: Giáo Hội – một thân thể nhiệm mầu, được liên kết bằng chính Ngài, rộng lớn hơn những gì tôi nghĩ, vượt qua mọi biên giới và mọi ngăn cách của màu da, tiếng nói, văn hóa, chính kiến, điều kiện kinh tế, học thức và địa vị xã hội...
Trong cái rộn ràng và bon chen của cuộc sống, khi con người không cần đến Thiên Chúa, mọi người mà tôi được gặp vẫn còn cảm thấy cần đến Chúa, và có khi lại cần đến Chúa nhiều hơn. Tôi nghe và thấy mọi người đang lo lắng cho Giáo Hội trong cơn thử thách vì bị tấn công bởi nhiều người thiếu thiện chí và các sự việc quấy nhiễu đáng tiếc bị các phương tiện truyền thông thổi phồng; mọi người đã và đang cầu nguyện cho các linh mục biết sống xứng đáng hơn với ơn gọi của mình, cho người đau khổ và bất hạnh được tìm thấy bình an... Bên cạnh đó, tôi còn thấy nhiều ông bà, anh chị em, trong âm thầm phục vụ cộng đoàn từ chuyện lễ nghi, tập hát, âm thanh ánh sáng đến chuyện cơm ăn nước uống…mà không thấy kêu than hay đòi hỏi điều gì cả. Đó là dấu hiệu của thiện chí và trách nhiệm mà người Kitô hữu được mời gọi sống trong mỗi một cộng đoàn theo ơn gọi của mình, như những viên đá sống động xây dựng Giáo Hội, theo lời Thánh Phao-lô tông đồ.
Qua những câu chuyện kể lại, tôi được biết rằng đã trôi qua thời gian nhiều năm tháng Cộng đoàn sống trên “quê người”, và phần nào đã trở thành “quê ta” trong sự an cư lạc nghiệp của thế hệ con cháu. Đó là một hồng ân và cũng là một cuộc Vượt qua với Chúa, được sinh ra, lớn lên và được thử thách trong thời gian để lớn mạnh cho đến hôm nay, khi mà cả ba thế hệ tạm gọi là U1, U2 và U3 cùng gặp nhau trên sân khấu để thử tài đố vui và thi Giáo lý với sắc thái biểu lộ khác nhau: Giới “già” U3 có cái khôn ngoan và từng trãi của đau khổ, của thất bại và thành công trong đời nên thận trọng hơn với những lời dạy của Chúa và Giáo Hội. Giới “trung”U2 đã bắt nhịp cuộc đời mới rồi nên sắc sảo hơn nhiều khi quan sát mọi sự vật qua hình ảnh, nhưng lại hơi “ngờ ngợ”vì bất chợt gặp “đứa con hoang đàng” hơn là “người cha nhân hậu”. Giới “trẻ” U1 nhanh tay hơn để bấm chuông, nhưng lại muốn người khác trả lời thay mình, hay muốn nhường lại câu trả lời cho đồng bạn. Trong suốt cuộc thi tài, xem ra các bạn nhỏ U1 đã nhiều lần mang vinh quang chiến thắng về cho cộng đoàn của mình hơn là các lớp cha anh. Đúng thôi, tương lai của Cộng đoàn là của các em và trong tay các em! Sẽ đến ngày các em đảm trách vai trò của mình trong cộng đoàn và nối tiếp con đường đạo đức mà cha anh đã đi. Ai sẽ chuẩn bị cho các em con đường tương lai? Câu trả lời chắc chắn phải dành cho lớp U2 và U3 vậy!

Thay lời kết
Tôi vẫn còn nghe trong tai mình lời nói đùa của một thành viên trong cộng đoàn: “Cha sẽ biết rằng Thụy Sĩ đất lạnh tình nồng”. Thú thật tôi chẳng bao giờ tin những lời quảng cáo cũng chẳng muốn quảng cáo cho một ai cả ngoài Chúa Giêsu và Thánh Gioan Bosco – các “sư phụ” của mình, nhưng cũng phải thú nhận rằng lời của bạn bè tôi nói “Cứ đi, đến mà xem rồi sẽ biết” là đáng suy nghĩ và học hỏi!
Chắc hẳn nhiều người biết rằng ở lâu mới biết trong chăn có rận. Chúng ta, những ai là “người trong cuộc” thì biết rõ mọi sự hơn những người khác là kẻ ở ngoài nhìn vào. Nói đến đây, tự nhiên tôi có một suy nghĩ ngồ ngộ rằng: nếu ta biết rõ trong cái chăn mình đang đắp chung có rận, tại sao lại không cùng nhau ngồi dậy để tìm và diệt chúng đi, lại cứ phải nằm và chờ chúng cắn và gây khó chịu? Tôi không sợ trong chăn còn rận - nghĩa là tôi không sợ nhìn vào một cộng đoàn và khám phá ra rằng có những khúc mắc nho nhỏ bên trong đời sống hay hoạt động chung. Tôi chỉ lo ngại một điều rằng đời sống cộng đoàn như tấm chăn kia không còn thấy rận nữa và xem ra có vẻ yên ấm, nhưng lại trở nên nhỏ bé cho mọi người, và hạnh phúc chỉ còn lại như tấm chăn nhỏ ấy, người này kéo về đắp cho mình được ấm thì người khác phải chịu lạnh lẽo, và mỗi người lại nằm co quắp trong sự cô độc của hạnh phúc riêng mình.
Tôi thầm cầu xin Chúa cho mọi người trong Cộng đoàn Giáo Xứ Thánh Micae Mỹ, để mọi người biết gìn giữ Đức Tin mình đã lãnh nhận; biết nuôi dưỡng và làm sống mãi niềm tin cùng niềm hy vọng nơi các thế hệ tương lai; biết cảm thông và chia sẽ cho nhau mọi vui buồn sướng khổ của đời người, để từ đó, họ chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng và họ trở thành lửa sưởi ấm tâm hồn nhiều anh chị em khác bằng tình người nồng thắm nơi những miền đất lạnh giá khác.
Cha ông mình nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” là có lý có tình! Tôi chỉ e rằng cái lý để nói về người khác thì mình chưa nắm hết và cái tình nhiều khi làm tôi mờ mắt mà khiến tôi trở thành kẻ “nhẹ dạ” hoặc “ba hoa”, vì cũng có một kinh nghiệm khác rằng “thức đêm mới biết đêm dài”. Mấy ngày trôi qua nhanh chóng ở Thụy Sĩ cho tôi nhiều kinh nghiệm, nhưng chưa đủ, vì cuộc đời còn dài và luôn đầy những khám phá thú vị. Bởi vậy người ta mới nói đến chuyện “hẹn gặp lại”. Với tôi, lời giới thiệu cho những người đến sau sẽ đơn giản là: Cứ đi! Đến mà xem rồi sẽ biết! (Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment