Không ít lần các bạn trẻ than phiền về việc người này người nọ ngăn cản họ làm chuyện nọ chuyện kia. Có lẽ đó cũng là chuyện thường tình về “tự do”. Con người ta từ khi bắt đầu có trí khôn luôn mơ ước làm một điều gì đó mà mình thích hoặc một việc gì đó được xem là quan trọng đối với bản thân, hoặc quyết định chọn và làm những điều cần thiết với cuộc đời mình. Chữ “tự do” với mỗi người trong chúng ta có thể được định nghĩa như là khả năng chọn lựa và hiện thực hóa một điều gì đó theo khả năng để phát triển và hoàn thiện con người chính mình.
Con người, nhờ khả năng tư duy và tinh thần sống động trong một thể xác tráng kiện, luôn ở trong một trạng thái mở ra với thế giới, biết đón nhận các khả thể và để chọn lựa và để hiện thực hóa những chọn lựa. Tự do là thành tố thuộc bản tính thiêng liêng của con người, bao hàm lý trí, ý chí, cảm nghiệm, lựa chọn, quyết định… bởi vậy không một thế lực vật chất nào có thể áp chế hoặc bóp chết tự do của con người.
Tự do là quyền của mọi người trên trái đất; con người được tạo thành để hưởng tự do. Qua mọi thời, con người ý thức rất mãnh liệt về tự do của mình. Con người có thể lựa chọn làm điều này hay điều nọ hoặc bỏ làm chuyện nọ hay việc kia; các dân tộc đó đây và cả nhân loại trên khắp thế giới luôn muốn xử dụng tự do một cách trưởng thành và được đối xử trong tự do cũng như được tôn trọng hợp nhân vị hơn. Từ điểm này, chúng ta hay nghe nói đến “đấu tranh cho tự do” vì lý do của việc điều hành và tổ chức xã hội không công bằng hay trong cách cư xử thiếu nhân bản giữa con người với nhau, hoặc tất cả những xu hướng tư tưởng có ảnh hưởng đến việc hành xử quyền tự do của con người.
Con người có thể mất “quyền tự do” của mình khi xâm phạm đến một luật lệ hay quy ước nào đó và phải chịu trừng phạt theo luật định, trong khi nơi chính bản thân họ sự tự do có thể tung cánh bay cao: tự do để tiếp tục “hoàn lương” và lựa chọn con đường đúng đắn phải bước đi, tự do thoát khỏi mọi ràng buộc và giới hạn hay những toan tính đê hèn để làm những điều vĩ đại và song cho những ước mơ và lý tưởng cao trọng khác.
Con người có thể tự đánh mất tự do khi bị lệ thuộc vào một điều gì đó hoặc một ai đó, và có thể đánh mất ngay cả khả năng chọn lựa hay quyết định căn bản nhất cho bản thân mình là “làm người”. Trường hợp này xảy ra khi con người bị lệ thuộc vào những đam mê, thú vui bản năng và tầm thường, cám dỗ vật chất; trở thành nô lệ cho các thói xấu hoặc thói quen không lành mạnh, hoặc những toan tính vị kỷ thấp hèn, hoặc một thế lực đen tối nào đó.
Khi bàn đến chuyện “bị lệ thuộc vào một ai đó”, đã có thời một số các nhà tư tưởng trình bày ý định giành lại tự do hoàn toàn cho bản thân mỗi cá nhân con người bằng cách “giết Thượng đế” và “giết tha nhân”, vì Thượng đế nô lệ hoá con người và người khác là kẻ đánh cắp tự do của ta – người khác là “địa ngục của tôi” (Nietzsche, J.P. Sartre).
Con người thường hay “nổi loạn” vì việc một ai đó ngăn cản không cho mình làm điều mình thích hay ước muốn. Cái bẫy của cám dỗ Tự do chủ nghĩa là “làm tất cả mọi sự tôi muốn, tôi thích” mà chẳng quan tâm đến điều rất đơn giản: Tự do của tôi phải dừng lại nơi điểm giới hạn hay điểm khởi đầu sự tự do của người bên cạnh tôi, bởi họ cũng có quyền được tự do như tôi, quyền mà không một ai trên thế gian này thể tước đoạt. Ngoài ra phải biết rằng: tôi chẳng còn tự do thực sự nữa nếu tôi chỉ muốn và thích làm những điều bất chính.
Việc nhìn nhận hay chối bỏ Thiên Chúa vì tự do cũng có nguyên nhân. Người ta hay “khó chịu” khi nghĩ đến việc có một “Ai đó” cứ chăm chắm xoi mói đời tư của mình. Có người ghét Thiên Chúa vì nghĩ rằng Ngài luôn “kiểm soát” mình, biết hết mọi chuyện sâu kín trong lòng mình. Lạ hơn nữa, nhiều người dù không tin là Ngài hiện hữu lại cảm thấy khó chịu khi nghe người khác nói về Thiên Chúa, vì dù sao vẫn cảm nhận “miên man” rằng có “ai đó ngồi trên đầu mình”. Có người ghét Thiên Chúa chỉ vì họ được người khác giới thiệu về một Thiên Chúa rất “lạ đời” - Ngài như một hung thần có quyền lực mà thiếu lòng nhân ái, chỉ thích chờ con người phạm sai lầm rồi trừng phạt; bảo là “quyền năng và yêu thương con người” mà lại cứ để cho họ chìm ngập trong đau khổ triền miên. Tội nghiệp cho Ngài vì bị hiểu nhầm, vì chưa một ai có khả năng biết rõ hoàn toàn bản thân Ngài mà người ta lại vội vàng kết luận những điều tội tình như thế!
Chúng ta có thể tự hỏi, Thiên Chúa có giết chết tự do của tôi không? Câu trả lời hệ tại vào những điểm căn bản cần tra vấn thường xuyên như thế này: Với tôi, Thiên Chúa là ai? Là bạn hay là thù? Người ghét bỏ tôi hay yêu thương tôi? Điều gì Ngài muốn nơi tôi?...
Nếu bạn là người tin Thiên Chúa, bạn có thể hiểu thêm điều này nhờ vào Đức Kitô, rằng: Con người có liên hệ mật thiết với Thiên Chúa và với nhau. Mối liên hệ này không chỉ bằng máu thịt mà còn là tinh thần trong gia đình Thiên Chúa, nơi Ngài là Cha và mọi người là anh chị em của nhau. Tự do như thế nằm trong quyền làm người và quyền được làm con Thiên Chúa. Giống như Thiên Chúa là Cha – Đấng tự do hoàn toàn và là sự Tự do trọn vẹn, là Chân-Thiện-Mỹ toàn hảo, con cái Ngài cũng được thừa hưởng đặc tính này. Họ là những người sống tự do theo tiếng gọi của Thần khí Thiên Chúa và theo khuôn mẫu của Đức Kitô – Đấng đã giúp con người khám phá ra trong chính sự giới hạn của bản thân mình ánh sáng của Cõi Vĩnh hằng đích thực soi rọi từ Thiên Chúa Tình yêu; khám phá ra trong mọi hoàn cảnh trói buộc của kiếp nhân sinh sự tự do khỏi mọi luật lệ ràng buộc bóp chết tình yêu thương và lòng tốt nơi con người. Đó là sự tự do để vươn tới và hy vọng luôn luôn nơi sức mạnh của Sự thật cho dẫu sống giữa ngàn nghi nan và dối trá. Đó là sự tự do tước bỏ những đam mê vị kỷ, để mở rộng hơn cõi lòng mình cho và với người khác cho dẫu luôn phải sống chu toàn bổn phận của chính mình trước đã cùng với những lo âu kiếp người. Đó là sự tự do để can đảm hoán cải và canh tân bản thân, dù sống giữa bao toan tính xấu xa gặp phải vẫn tiếp tục giữ chữ “Tâm”, chữ “Tình”, chữ “Đạo” chữ “Nhân”… trong sáng và trọn vẹn như lời mời gọi của Thiên Chúa.
Bạn có thể thử dành một chút thời gian ngắn ngủi nào đó để tiếp tục khám phá, rằng Đức Kitô “là Đường, là Sự thật và là Sự Sống” như Ngài nói, có thể giúp bạn tìm thấy một chút tự do nữa chăng? Hay ít nhất là: nếu việc có một “Ai đó”, với quyền tự do hoàn toàn, đã dám chọn con đường minh chứng cho Tình Yêu, Sự Thật và Tha Thứ dẫu phải trả giá bằng cái chết… đối với bạn vẫn còn giá trị như một điều thật cao đẹp và đáng trân trọng, thì bạn có thể thử sống như vậy xem sao! (Lê An Phong, SDB)
No comments:
Post a Comment