Thường ngày trong các xứ đạo, ta hay nghe chuyện người này hỏi người kia “có đạo hay không có đạo”. Ngôn ngữ xem ra bình dân này giúp ta phân biệt người tin Chúa hay người không hoặc chưa tin. Trong thực tế, nhiều người trong chúng ta đã có kinh nghiệm về sự phân biệt rạch ròi giữa “việc đạo” và “việc đời”, hoặc cả sự “phân biệt đối xử” theo nhiều hướng khác nhau giữa “người có đạo” và “người không có đạo” hoặc “kẻ ngoại đạo” và “kẻ theo đạo”. Kinh nghiệm đau thương của những người Kitô hữu trong lịch sử bao nhiêu thế kỷ nay tại các địa phương, và gần đây nhất - khi trào lưu “bài kitô giáo” ở một số nơi trên thế giới đang gia tăng một cách đáng kể - chính là điều khiến nhiều người suy nghĩ: Hiểu thế nào về đạo và Làm người “có đạo” thì được ích chi?
Tác giả Hồ Ngọc Đức trong Tự điển Tiếng Việt online mà ta có thể tìm thấy trên internet bàn đến chữ “Đạo” với các ý nghĩa như sau: là đơn vị hành chính thời xưa, tương đương với tỉnh ngày nay; là từ dùng để chỉ từng đơn vị cánh quân lớn hành động độc lập, ví dụ: một đạo quân; là từ dùng để chỉ từng đơn vị văn kiện quan trọng của vua chúa, ví dụ: các đạo sắc phong thần. Về ý nghĩa mang tính triết học, “đạo” muốn nói đến đường lối, nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội (thường theo quan niệm cũ, hoặc trong tục ngữ, ca dao): đạo làm người, đạo vợ chồng; Ăn ở cho phải đạo; Có thực mới vực được đạo. Các ý nghĩa khác nữa về “Đạo”: nói về nội dung học thuật của một học thuyết được tôn sùng ngày xưa: Tìm thầy học đạo. Mến đạo thánh hiền; nói đến một tổ chức tôn giáo: Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa.
Người Công giáo nói đến Đạo (Đi đạo, theo Đạo, trở lại Đạo… ) như một hệ thống của Đức Tin và thực hành luân lý, cung cách hành xử theo niềm tin của mình. Chuyện “có đạo hay ngoại đạo” của một cá nhân, xét về mặt xã hội và văn hóa, phần nào liên quan đến gia đình, nền giáo dục được thụ hưởng và bối cảnh xã hội (con nhà “đạo gốc”, sống trong xứ đạo toàn tòng…). Chuyện “theo đạo” hoặc “bỏ đạo”, thì lại liên quan nhiều đến lựa chọn cá nhận vì một lý do nào đó riêng tư về ý nghĩa cuộc sống, về giá trị cứu rỗi, hay thậm chí liên quan đến cả những toan tính vật chất, hoặc vì “sợ” sự phiền toái và bị ràng buộc bởi các luật lệ luân lý, (Đi đạo có gạo mà ăn, bỏ đạo sẽ được lên chức hay được “tự do” ly dị, ngừa thai, phá thai v.v.).
Có không ít trường hợp “theo đạo” vì cảm tình với người có đạo, vì lòng tốt, gương sáng của họ hoặc được sự giúp đỡ của một tổ chức tôn giáo trong trường hợp khó khăn, sau đó mới tìm hiểu sâu xa hơn về giáo lý và tìm thấy niềm tin. Cách tương tự, chúng ta có thể hiểu lý do vì sao mà người ta “ghét” đạo, hoặc “không thích”chuyện đạo, hoặc “có ác cảm” với một tôn giáo nào đó. Nguyên nhân dù rất đa dạng, nhưng xét cho cùng hay bị dừng lại ở chuyện cảm xúc, hoặc chỉ vì một kinh nghiệm nhỏ, một tương quan tiêu cực nào đó về con người, hay với tổ chức tôn giáo ở địa phương. Trong mọi sự như được nêu trên, trách nhiệm qui về cả “người lẫn ta”: của “người có đạo” mà không sống đúng Đạo hoặc thiếu chứng tá; của “kẻ ngoại đạo” mà không tìm hiểu đúng mức và thành tâm về Đạo, và chỉ biết xét đoán theo vài cá nhân tiêu cực hay chỉ vì “có ấn tượng” hoặc thành kiến.
Có nhiều hướng nghiên cứu khác nhau về Đạo – Tôn giáo mà chúng ta có thể kể tên như: Triết học tôn giáo, Xã hội học về tôn giáo, Tâm lý học về tôn giáo, Lịch sử Tôn giáo; và chuyên biệt hơn là các ngành về Thần học, về Giáo lý của riêng một tôn giáo nào đó. Điều này cho ta thấy rằng: để hiểu về một tôn giáo và có khả năng đánh giá hay trở nên thuần thục trong việc thực hành một tôn giáo đòi hỏi phải có một sự tiếp cận và hiểu biết nhất định. Chuyện về Đức Tin trong Đạo lại cần được hiểu ở một điểm khác biệt nữa: chưa hẳn biết hết các điều về Đạo là có lòng tin mạnh mẽ; và để tin, nhiều khi không cần phải đợi cho đến khi biết hết thấu đáo mọi sự, kể cả mầu nhiệm siêu nhiên trong Đạo. Thêm vào đó, vì đối tượng tối thượng của niềm tin Đạo là Thượng đế, mà Ngài lại trừu tượng và cao vời quá so với người phàm mắt thịt, nên con người cần nơi Ngài một sự hiện diện và một căn tính hữu hình để thiết lập tương quan với mình. Với con người, dù Ngài là ai, ông Trời, ông Bụt, Phật, Chúa, Thánh Thần Thiên Địa…, thì cũng phải được cá vị hóa trong tương quan với ta bằng một tên gọi, như một “ai đó”, “một Đấng” cho tôi tiếp cận. Bởi thế cũng hơi nhập nhằng kiểu nói “đạo nào cũng là đạo”, “có đạo hay không đạo cũng vậy, sống tốt là được”. Mỗi chúng ta sẽ sống và định hướng cuộc đời mình theo khuôn mẫu một “Ai đó”, một chân lý “cho tôi”, một tư tưởng chủ đạo “cho anh”, một căn tính, một cá nhân trọn vẹn chứ không phân mảnh giữa yêu và ghét, hiểu biết và tin tưởng, niềm tin và hành động, vật chất và tinh thần... Một điều nữa mà ngày nay xem ra khó chấp nhận là chỉ nói về “Chúa của tôi”, “Chúa của anh” mà lại không nói về “Chúa của chúng ta”, bởi vì Thiên Chúa không thể bị giới hạn trong phạm vi đời sống cá nhân một ai cả. Ngài là tất cả, cho tất cả và vì tất cả. Ngài là chìa khoá của đối thoại và hiệp thông giữa con người.
Trở lại với suy tư của chúng ta, những người kitô hữu, câu hỏi được gợi ra là liệu có đáng sống làm người kitô hữu không? Câu trả lời sẽ liên quan đến suy nghĩ và lựa chọn của mỗi người trong tương quan với Thiên Chúa, và cách đặc biệt, qua Chúa Giêsu – sự hiện diện hữu hình và cá vị của Thiên Chúa với con người (theo ngôn từ thần học: Ngôi Lời Nhập thể, Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta).
Trong thời đại văn minh, xem ra với nhiều người, “hơi khó” để tin Chúa và khó để sống với Chúa như sự lựa chọn sau cùng và trên hết mọi sự khác. Không có Chúa có lẽ dễ sống hơn,vì người ta “được phép làm được tất cả mọi sự” (Dostoevskij). Tin vào Chúa, nhiều khi phải sống mãi trong trò chơi đánh cược niềm tin về “cuộc sống vĩnh hằng” mà phần thưởng và việc thắng bại khó ai lường. Tuy thế, việc cá cược này lại thú vị, như suy nghĩ của Pascal: Có thể đời này anh hưởng thụ một chút thú vui vật chất còn tôi thì hơi “dại” vì chỉ nghĩ đến đời sau mà hy sinh và gò bó trong đạo đức. Mà rốt cuộc, nếu chẳng có sự sống và phần thưởng đời sau thì anh và tôi giống nhau: chẳng ai được gì. Nếu bất ngờ có Thiên đàng và phần thưởng đời sau, thì tôi sẽ được mọi sự, còn anh sẽ mất tất cả. Vậy cũng đáng để đánh cược bây giờ.
Tuy nhiên, chọn sống làm người kitô hữu không phải để chơi trò đánh cá này, vì chúng ta biết rõ đâu là sự nhọc nhằn của kiếp nhân sinh và ai là người có thể cho ta lời giải đáp cùng giúp ta tìm con đường sống. Nhà Thần học René Latourelle nói về con người trong thế giới hôm nay rằng họ bỏ quên Thiên Chúa, dửng dưng, hưởng lạc, duy vật chất, duy kỷ thuật; con người của chủ nghĩa tiêu thụ, của tôn giáo chỉ tôn thờ vẻ đẹp thân xác và sự thành công hay danh vọng; con người “thiểu năng” (handicaps) về niềm tin và cảm thông…). Con người cần được “giải mã” nhờ Đức Kitô. Ông viết những dòng này: “Tự trong sâu thẳm của lòng mình, con người ngày nay tìm kiếm như điên như dại những gì có thể cho họ ý nghĩa trọn vẹn về cuộc sống, công việc, sự đau khổ, sự cô đơn, sự chết. Tiếng máy gầm vang không đủ sức để bóp nghẹt các vấn nạn cứ chờ lúc bùng dậy và nổi lên liên tục trong lòng người: Chúng ta đang đi đâu? Chúng ta là ai? Tại sao chúng ta lại hiện hữu trên cõi đời? Ngay cả khi núp dưới cái mặt nạ của sự an toàn, con người vẫn không thể chạy trốn các câu hỏi này, bới vì chúng quá sâu xa và đã trở nên máu thịt của họ rồi”.
Một ai đó có thể thốt lên: Đạo là một vấn nạn cho bản thân tôi, vì sao tôi phải tin và sống như một kẻ hơi lạ lùng trong mắt mọi người. Hãy bình tâm! Nhiều người không như bạn vẫn còn trong hành trình vất vả tìm kiếm niềm tin và vẫn chưa gặp. Nếu Đạo có thể là một câu trả lời cho nhiều vấn đề khác của bạn, vì bạn tin rằng “chỉ trong Thiên Chúa và cùng với Ngài tôi tìm thấy sự bình an và ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc đời mình”, thì hãy tạ ơn Chúa, vì đó là Hồng ân mà Thiên Chúa muốn dành cho con người, và bạn là người may mắn!
(Lê An Phong, SDB)
No comments:
Post a Comment