11 December, 2013

TÔNG HUẤN “EVANGELII GAUDIUM”- BÀI HỌC VỀ NIỀM VUI CỦA NGƯỜI SALEDIÊNG.


 
Tông Huấn “Evangelii Gaudium” (Niềm Vui của Tin Mừng) của Đức Thánh Cha Phanxicô vừa công bố đã tạo ra một sự quan tâm rất lớn trong toàn thể Giáo Hội, và hơn thế nữa, nội dung của Tông huấn cũng diễn tả những nét tươi mới nơi Tin mừng cần được khám phá và loan báo. Cha Bề trên cả Pascual Chávez, SDB đã được hởi ý kiến về văn kiện này. Sau đây là những ý kiến của ngài.

 
Niềm vui là một trong những nét đặc trưng của Đặc sủng Salêdiêng. Cha tiếp nhận điều này thế nào qua Tông huấn  “Evangelii Gaudium” của Đức Thánh Cha Phanxicô?

Niềm vui mà Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến là niềm vui của Tin Mừng, niềm vui của Thiên Chúa, Đấng trở nên “bé nhỏ, yếu ớt” như chúng ta. Đó là biểu hiện cao nhất của tình yêu Thiên Chúa, Đấng hạ mình xuống làm một con người như chúng ta, và vì thế làm tăng lên phẩm giá của chúng ta - những người con của Người. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể nghĩ như vậy và Người đã làm đảo ngược tận căn suy nghĩ của con người. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể không rao giảng Tin Mừng. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta phải cảm thấy tính cấp bách tông đồ để thông truyền cho những người khác, đặc biệt là những người trẻ, niềm vui và vẻ đẹp của đức tin - là những gì mang lại ý nghĩa, hy vọng và tương lai cho cuộc sống và cho sứ mạng của mỗi chúng ta trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người nghèo nhất, thiệt thòi nhất.

Điều gì mà Tông Thư này đánh động Cha cách đặc biệt ?

Đây là một tài liệu đặc biệt, không phải được ban hành cách ngẫu nhiên vào cuối năm Đức tin mà Đức Thánh Cha Benedicto XVI muốn nhắc nhở đến việc canh tân Giáo Hội. Tông huấn còn xuất phát từ trái tim của Đức Thánh Cha Phanxicô, Giám Mục Rôma, là kết quả của kinh nghiệm mục vụ và suy tư mở rộng của ngài về tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay .
Tông huấn có sự hòa điệu hoàn toàn với nội dung của những bài phát biểu và phong cách cá nhân của Ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Ngài không có ý định viết một luận văn, nhưng trình bày các ứng dụng thực tế theo những chủ đề quan trọng được đề cập trong các bản văn Tin Mừng. Mục đích rất rõ ràng: để giúp xác định một phong cách nhất định của người rao giảng và việc thực hiện phong cách ấy trong bất kỳ hoạt động nào của việc loan báo Tin Mừng.
Tông Huấn cũng mang sự hài hòa tuyệt vời với Tông huấn “Evangelii Nuntiandi” của Đức Phaolô VI ngay từ tiêu đề, và có thể nói thêm, văn bản mới là một Carta magna (Hiến chương) cho Giáo Hội của ngày hôm nay, với ý nghĩa có tính chất hoạch định cùng những tác động cơ bản, vì chúng ta không thể để mọi sự tồn tại như hiện thời và vì vậy cần xác định thường xuyên việc hoán cải và thi hành sứ mệnh trong Giáo Hội.

Và Tu Hội Salêdiêng, cách cụ thể, có thể thông truyền những gì về Tông huấn “Evangelii Gaudium” ?

Cha nghĩ rằng Tông Huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, như sự quan phòng kỳ diệu, đặt chúng ta trong bầu không khí của Tổng Tu Nghị sắp tới, mà nhất định là Tổng Tu nghị sẽ phải được rọi sáng bởi Tông huấn này. Thực vậy, Tông huấn giới thiệu cho chúng ta cách nhìn Giáo Hội phải như thế nào:
Một Giáo hội không sợ hãi thế giới hiện đại, biết tìm kiếm các hình thức mới cho việc loan báo Tin Mừng và biết đảm đương sứ mệnh của mình hơn, biết từ bi hơn, can đảm hơn để làm tất cả các thay đổi cần thiết.

Một Giáo Hội biết vượt qua nỗi sợ hãi để ra khỏi trói buộc cơ cấu và có thể đánh mất sự an toàn giả tạo – điều đã làm cho chúng ta trở nên cứng nhắc và khiến việc rao giảng Tin Mừng kém hiệu quả.

Một Giáo Hội biết từ bỏ mô hình kinh tế khiến tiền bạc trở nên  ngẫu tượng, tạo ra một xã hội chênh lệch và một nền văn hóa loại trừ, thờ ơ.
Một Giáo Hội trong đó có sự quan tâm dành cho người nghèo và cam kết dấn thân mạnh mẽ cho một xã hội công bằng và một thế giới hòa bình.

Cho phép cha, vào thời điểm này, mời gọi các con nghiên cứu và quảng bá Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” này, chọn các nội dung của Tông huấn cho các buổi cầu nguyện, để Tông huấn hâm nóng nhiệt tình tông đồ nơi cõi lòng chúng ta; và trên tất cả, hãy để Tông Huấn thôi thúc chúng ta vào cuộc hành trình đầy niềm vui, để mang thông điệp của Niềm Vui tới những người trẻ hôm nay.
(Lê An Phong,SDB – Sưu tầm và chuyển ngữ. Nguồn: website infoans.org)

03 December, 2013

DON BOSCO VÀ MẸ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI


Ai đến Valdocco (Torino) để thăm Nhà Mẹ của Tu Hội và đến viếng Đền Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu đều có thể nhìn từ phía trên mái vòm của Đền thờ, tượng Mẹ Maria Vô nhiễm mạ vàng. Đền thờ, được xây dựng bởi Don Bosco như một biểu hiện của lòng yêu mến vô biên và lòng biết ơn của ngài đối với Đức Mẹ. Cho đến ngày nay, các tín hữu đến thăm viếng đền thờ có thể được nhìn thấy bên trong nét tuyệt đẹp của kiến trúc, nhất là bức hoạ Đức Mẹ Phù Hộ ngay chính giữa cung thánh. Riêng phần bên ngoài, trên đỉnh của mái vòm, giữa bầu trời lồng lộng là một bức tượng mạ vàng xinh đẹp của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mẹ Phù hộ các Kitô hữu – một ở bên ngoài, một ở bên trong - là hai danh hiệu mà Don Bosco muốn tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, bởi vì cả hai đều liên quan đến đặc sủng và sứ mệnh của ngài: sự cứu rỗi giới trẻ thông qua một nền giáo dục toàn diện, một lối giáo dục với tính chất dự phòng giúp họ tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, sự trưởng thành nhân bản và hạnh phúc đời đời, làm cho bạn trẻ lớn lên trong sự tốt lành, hướng tất cả năng lượng của họ tới mục tiêu này. Chúng ta hãy cùng lắng nghe cha Pascual Chávez nói về Mẹ Vô nhiễm - một trong những chủ đề rất gắn bó với Don Bosco.
Tước hiệu “Vô Nhiễm Nguyên Tội” của Mẹ Maria
Đã hơn 150 năm kể từ ngày Giáo Hội ban hành tín điều Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, và Lễ Mẹ Vô nhiễm luôn là một cơ hội tuyệt vời để làm tăng thêm lòng sùng kính của chúng ta với Đức Maria – một trong những nét đặc biệt của đặc sủng Salêdiêng, trong đó liên quan đến khả năng trực giác sư phạm tuyệt vời là hệ thống giáo dục dự phòng Don Bosco .
Như tất cả mọi sự can thiệp của Thiên Chúa , ngay cả đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria cũng đã xảy ra theo Thánh ý, là chủ đề của lễ kỷ niệm và là lời tạ ơn Thiên Chúa, Đấng giữ gìn tỳ nữ ở Nazareth khỏi tội Nguyên tổ. Bằng cách này, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta nhìn thấy trong kế hoạch ban đầu của Ngài: "để cho ta được trở nên thánh thiện và vô tội trước Thánh nhan ngài trong tình yêu, Người đã tiền định cho chúng ta thành những đứa con thừa tự nhờ Đức Giêsu Kitô”, như áng văn chương và thần học sâu sắc của Thư gửi tín hữu Êphêsô (x. Ep1, 3-6, 11-12 ).
Thiên Chúa đã dành riêng Mẹ Maria và mời gọi Mẹ cộng tác vào công việc cứu độ của Ngài, chọn làm mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, theo tường thuật về Truyền tin của Tin Mừng Thánh Luca (x. Lc 1, 26-38). Như vậy, nơi Đức Maria Vô Nhiễm, Thiên Chúa muốn phục hồi “thiên đường bị đánh mất” do sự bất tuân của người đàn ông và người phụ nữ đầu tiên trong câu chuyện Cựu ước (theo sách Sáng thế), và giới thiệu một “nhân loại mới” thông qua một “Eva mới” là Đức Maria và Đức Giêsu-Con của Mẹ, một “Adam mới”.
Đối với người Salêdiêng, lễ Mẹ Vô nhiễm rất thân thiết và quan trọng vì nó đánh dấu nguồn gốc của Tu Hội Thánh Phanxico Salesio. Chúng ta đều biết rất rõ Don Bosco đã hoàn toàn tin tưởng về tầm quan trọng của sự kiện này: “Tất cả những gì lớn lao nơi công cuộc của Tu Hội chúng ta đã được khởi sự và hoàn thành vào ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội” ( MB XVII, 510 ).
Có một lý do sâu xa hơn mà Don Bosco yêu mến Đức Mẹ Vô Nhiễm và điều đó nằm ở sự độc đáo của ơn gọi “là nhà giáo dục thanh thiếu niên” của chúng ta, vì Don Bosco nhìn thấy nơi Đức Maria - Mẹ Vô Nhiễm – khuôn mẫu và hoa trái hoàn hảo nhất của “Hệ thống dự phòng của chính Thiên Chúa”. Nếu nguồn gốc của lời nguyền bắt đầu từ sự bất tuân của người đàn ông và người phụ nữ đầu tiên (x. St 3, 9-15 ) thì khởi đầu cho những lời chúc là sự vâng phục của một người phụ nữ - người đã đồng ý hợp tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu rỗi của Ngài và do đó trở thành người “tôi tớ của Thiên Chúa” – Đức Maria.
Theo Tin mừng của Thánh Luca, ngoài những gì được nói tới về “kinh nghiệm tâm linh của Mẹ Maria”, tác giả muốn nói với chúng ta “phương pháp sư phạm của Thiên Chúa”, phương pháp cứu độ của Ngài. Từ đây chúng ta có thể học biết để cảm thấy “được yêu thương”, “được đầy ân sủng”, để khám phá kế hoạch của Thiên Chúa đối với chúng ta rồi từ đó nhận lấy kế hoạch này, và như Đức Maria, biến thành chương trình sống của cá nhân chúng ta, để Thiên Chúa nhập thể vào trong cuộc sống của chúng ta, thông qua lòng thương mến biến kế hoạch cứu độ này trở nên cụ thể và có thể tiếp chạm được từ phía những người trẻ - những người cần tình yêu của Thiên Chúa.
Trong câu chuyện Truyền Tin theo Thánh Sử Luca, có ba yếu tố mang tính chất thần học quan trọng về Đức Maria (Thánh Mẫu học). Đầu tiên, đó là lời chào của Thiên sứ Gabrien. Công thức thông thường lời chào mừng “Ave” (Kính Chào!) được thêm vào danh hiệu “Người đầy ân sủng”. Đó là cách mô tả “thân thế của Đức Maria” và tình trạng “được đầy ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa”, xác định việc Mẹ được Thiên Chúa yêu thương qua sự hiện diện của Ngài - “Thiên Chúa ở cùng bà”. Lời chào bắt đầu một cuộc đối thoại về ơn gọi: nó tiết lộ cho Đức Maria biết rằng Thiên Chúa tin yêu và mời gọi sự cộng tác của Mẹ.
Yếu tố thứ hai là trung tâm của lời truyền tin - “Mẹ Đồng trinh”. Câu hỏi của Mẹ: “Điều đó thế nào được? Tôi không biết đến người đàn ông” – Đức Maria không thể hiện bất kỳ sự phản đối hay một cảm giác của sự hoài nghi nào theo ý muốn của Thiên Chúa. Ngược lại, Mẹ nhấn mạnh việc “không thể” theo ý kiến ​​của Mẹ về kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho mình (một kiểu “đặt lại vấn đề” điển hình trong các tường thuật Kinh Thánh về ơn gọi). Người Con mà Mẹ sẽ cưu mang là có thể bởi vì “không có gì là không thể đối với Thiên Chúa”: đặc ân làm Mẹ Đồng trinh của Đức Maria là khía cạnh đặc biệt khác nơi việc làm người của Con Thiên Chúa, theo nghĩa là việc làm người của Chúa Giêsu là một công trình sáng tạo của Chúa Thánh Thần.
Cuối cùng, yếu tố thứ ba rất quan trọng cho hình ảnh của Đức Maria theo Thánh Luca, đó là sự chấp nhận của Mẹ về kế hoạch của Thiên Chúa muốn dành cho mình: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy làm cho tôi theo lời của Ngài”.  Đây không phải là sự cam chịu để “phải chấp nhận việc không thể tránh khỏi”. Đức Maria chỉ muốn Thiên Chúa thực hiện điều Ngài đã nói với Mẹ. Thái độ của Mẹ rất khác so với Adam và Eva! Trong trường hợp của Đức Maria, việc chấp nhận sự lệ thuộc chính bản thân và các dự án cuộc sống của Mẹ hoàn toàn vào lời mời gọi của Thiên Chúa song hành cùng tình trạng “đầy ơn phúc” của người tôi tớ Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói rằng ân sủng đã dẫn đường, mở cửa tâm hồn Đức Maria cho Thiên Chúa và đã làm trổ sinh Đức tin nơi Mẹ. Thần học gia Hans Urs von Balthasar viết rằng “Chỉ có tình yêu là xứng đáng với niềm tin”. Mẹ Maria đã tin vào tình yêu. Đây cũng chính là sự vĩ đại và niềm hạnh phúc của Mẹ: “Phúc cho bà là kẻ đã tin” ( Lc 1, 45).
Hình ảnh Đức Mẹ Vô Nhiễm dẫn chúng ta đến việc chiêm ngưỡng và cảm phục Chúa Thánh Thần, vì “ nơi Đức Maria, Chúa Thánh thần đã xây dựng sự hiệp nhất giữa bản tính con người và bản tính Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời”. Chắc chắn việc trở thành “Mẹ Đồng trinh” của Đức Maria là một hoạt động của Chúa Thánh Thần, và điều đó được thực hiện trong tâm hồn “người nữ vâng phục”, nơi “con người và Thiên Chúa kết hợp nên một”. Cũng cần nói thêm rằng qua hình ảnh Đức Mairia, những gì thực sự mới mẽ và thực sự tốt lành mà chúng ta có thể khám phá ra được đó là: sứ mệnh của tất cả mọi người được Thiên Chúa kêu gọi không hoàn toàn khác lạ so với kinh nghiệm của Đức Maria - Làm sao để trong cuộc sống và trong cõi lòng chúng ta, Thiên Chúa và con người, Thần khí và xác thịt, tạm thời và vĩnh cửu, lịch sử nhân loại và ơn cứu độ gặp gỡ nhau. “Mang Chúa đến cho con người và mang con người đến với Thiên Chúa” là sứ mệnh đậm nét “Maria” và cũng mang tính cách Saledieng.
Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và hệ thống giáo dục dự phòng của Don Bosco
Ngoài các chiều kích tinh thần  như chúng ta đã đề cập, hình ảnh Đức Mẹ Vô Nhiễm còn biểu lộ những điểm khác nữa và có thể minh họa cho phương pháp sư phạm của Thiên Chúa. Đó là những gì đã giúp Don Bosco khi ngài đã chọn Mẹ làm Bà giáo cho công cuộc của mình, và những điều ấy trở nên nền tảng thần học của Hệ thống giáo dục Dự phòng: tình yêu “đi bước trước”, sự yêu thích và đồng cảm, sự hiện diện và làm cho mình trở thành dễ gần, thể hiện qua cử chỉ, hành động, qua lời nói có sức mang lại ý nghĩa cho những cử chỉ và hành động, và qua hành động được thực hiện cách cụ thể có thể tạo nên cho người khác cảm giác được yêu thương. Đó là sức mạnh biểu lộ động lực của tình yêu.
Như một thụ tạo được đặc ân vô nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria làm tỏa sáng sức mạnh của tình yêu mà Mẹ sở hữu, có khả năng mở trái tim của con người. Từ đây, Don Bosco cũng đã học được cách sống với người trẻ để làm cho họ “cảm thấy được yêu thương” - như Don Bosco từng nói - và ngài đưa dẫn họ đến việc “học cách nhìn thấy tình yêu trong những điều mà với họ cách tự nhiên là “những gây điều khó chịu”,  như việc tuân giữ kỷ luật, việc học hành, việc khổ chế bản thân, để rồi các bạn trẻ tự nguyện làm những điều này với tình yêu” (MB XVII, 110).
Tất cả dựa trên quan điểm sư phạm, theo những gì Thánh Gioan viết: “Đây là tình yêu thật: không phải chúng ta yêu Thiên Chúa trước, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và đã sai Con của mình đến với chúng ta…” (1 Ga 4, 10); và điều này cũng có nghĩa là kinh nghiệm sống bác ái và nhận ra tình yêu thương sẽ giúp con người giải phóng từ trong bản thân mình những gì là  tốt nhất, những gì đến từ trái tim.
Chúng ta chẳng phải ngạc nhiên gì khi biết rằng trong kinh nghiệm sư phạm của mình, Don Bosco luôn tập trung nơi Đức Ái và lòng thương mến saledieng (amorevolezza). Điều này thúc đẩy ngài hành xử theo hệ thống giáo dục Dự phòng, trong đó ngài tập trung vào việc gặp gỡ những người trẻ, luôn “đi bước trước”, dành ưu tiên những người trẻ nhỏ bé và bị quên lãng. Ngài yêu thương các bạn trẻ và làm cho họ cảm nghiệm được tình yêu của mình. Với Don Bosco, Đức Mẹ Vô Nhiễm là hiện thân của tình yêu mang tính chất “dự phòng” của Thiên Chúa, một tình yêu giúp ngăn chặn những tác hại đe dọa đến cuộc sống, hạnh phúc và sự trưởng thành viên mãn của tuổi trẻ và là động lực thúc đẩy họ tìm kiếm những điều tốt đẹp để trưởng thành hơn, để phát triển hết mọi tiềm năng của mình và để đạt được tầm vóc của con người hoàn hảo.
Chúng ta hãy xin Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ân sủng để cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa – Đấng đã chọn và mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài trong công trình cứu độ; ân sủng để học biết và đáp trả cùng một đức tin đã dẫn Đức Maria đến việc đón nhận Con Thiên Chúa trong cung lòng mình và mang tặng Người Con ấy cho thế giới. Xin Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội dạy chúng ta hiểu phương pháp sư phạm của Thiên Chúa, cũng là chính cách thức đã dẫn Don Bosco khám phá và thực hành hệ thống giáo dục dự phòng với thanh thiếu niên.
(Torino 12.2013 - Tuần 9 ngày kính Me Vô nhiễm. Lê An Phong, SDB - lược dịch từ bài giảng của cha Bề Trên Cả P. Chavez - 2005).

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI - Ý NGHĨA CHO CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY CỦA CHÚNG TA.



Đối với các bạn trẻ Công giáo, nhiều người thắc mắc Tín điều về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội có ý nghĩa gì cho cuộc sống hàng ngày của mình. V khía cạnh thần học này của đức tin Công giáo, nhiều người cảm thấy một chút xa lạ hay ít quan tâm. Trong thực tế, ai trong chúng ta cũng phải đấu tranh với bản thân mình mỗi ngày, cuộc đấu tranh giữa thể xác và linh hồn, giữa sự thánh thiện và cám dỗ của tội lỗi và ma quỷ. Mẹ Maria thì sao? Mẹ đã phải "đấu tranh" như chúng ta không?
Xin giới thiệu với bạn lời giải thích của cha Giorgio Gozzelino, sdb, nguyên Giáo sư Thần học ở Crocetta-Torino.
***
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm được cử hành vào ngày 08 tháng 12 hằng năm, nhắc nhớ chúng ta việc công bố Tín điều về Mẹ Maria, đã được Đức Piô IX tuyên bố vào ngày 08 Tháng 12 năm 1854. Để hiểu Đức Maria, mặc dù được ơn vô nhiễm (còn chúng ta thì không), Mẹ đã phải đấu tranh chiến đấu chống lại những hậu quả của tội lỗi như chúng ta hay không, hãy lưu ý hai điều rất quan trọng.
Điều đầu tiên, liên quan đến sự khác biệt giữa sự khởi đầu của cuộc sống trần thế sự nối tiếp của cuộc sống đó nơi Đức Maria.
Khi chúng ta nói rằng “Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” có ý đề cập đến việc bắt đầu sự hiện hữu của Mẹ nơi trần gian; và điều đó nói rằng khi Đức Maria bắt đầu tồn tại trên cõi đời (được thụ thai trong lòng mẹ) Mẹ đã không vướng sự ô nhiễm của tội lỗi. Khi chúng ta nói về “Mẹ Maria Vô Nhiễm” cách “tổng quát” (trường hợp khi ta nói đến “Mẹ Vô nhiễm” mà không nhấn mạnh đến đặc điểm nào khác) điều đó có ý đề cập đến việc tiếp tục cuộc sống nơi trần thế của Mẹ, và Giáo Hôi xác tín cùng tuyên bố rằng Mẹ đã sống cho đến khi qua đời mà không có khuynh hướng nhỏ nào nghiêng chiều theo tội lỗi.
Hai điều nói trên có sự khác biệt nhau và cũng đưa đến kết quả tách rời: Thực tế, trên con đường phải đi hay trong công việc phải làm, chúng ta có thể có một khởi đầu tốt một kết quả xấu. Tuy nhiên, nơi Đức Maria, cả hai điều này - khởi đầu và kết thúc - đều ở mức độ tinh tuyền (Thụ thai trong lòng mẹ không vướng tội tông truyền và hoàn toàn khiết tịnh, tinh tuyền trong tất cả cuộc sống), là sự vẹn toàn trong tất cả, sự hoàn hảo trong bất cứ điều gì và Mẹ khônghư hỏng” do tội lỗi.
Sự khởi đầu của cuộc sống nơi trần gian không phụ thuộc vào bản thân Mẹ Maria, và do đó, Mẹ đã không phải “vất vả” cũng không phải “chiến đấu” trong giờ phút hiện hữu đầu tiên này (Đặc tính “Vô Nhiễm Nguyên Tội” của Đức Maria được tìm thấy, nhiều hoặc ít như huyền nhiệm “được làm người” nơi mỗi chúng ta khi được thụ thai trong lòng mẹ). Riêng việc tiếp tục cuộc sống trong sự tinh tuyền của Đức Maria nơi trần thế là kết quả và là sản phẩm hợp tác của Mẹ với hành động của Thiên Chúa nơi Mẹ. “Hành động theo kế hoạch của Thiên Chúa” là tiếng “Xin Vâng” của Mẹ. Điều này thường tạo ra khó khăn hay thử thách trong bất kỳ hành trình thiêng liêng nào và cũng là cuộc đấu tranh thực sự khi một người phải khám phá và đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Mẹ Maria đã cảm thấy mình được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội - “Đấng đầy ơn phúc”, và Mẹ đã chấp nhận, thực hiện mọi sự theo Thánh ý Thiên Chúa để trở thành Đấng Vô Nhiễm trọn đời).
Chúng ta hiểu rằng với Đức Maria, khó khăn, thử thách cuộc đấu tranh thiện-ác không thiếu, thậm chí có khi chúng còn khốc liệt hơn nhiều so với những gì chúng ta gặp phải, bởi vì mỗi người được kêu gọi để trở nên thánh, còn Đức Maria được “yêu cầu” trở thành thánh thiện nhất của tất cả các loài thụ tạo (Điều này tương tự như thể ta nói rằng tất cả các nhà leo núi phải làm việc cật lực để leo lên một ngọn núi cao, riêng những người có nhiệm vụ leo lên đỉnh Everest phảilàm việc” nhiều hơn so với những người khác vậy!).
Điều thứ hai, liên quan đếnhậu quả của tội lỗi”.
Được ơnvô nhiễm” từ đầu đến cuối cuộc đời nơi trần thếkhông bao giờ ý muốn hay hành vi dù dưới hình thức nhỏ nhất của tội lỗi, Đức Maria đã luôn luôn được miễn trừ từ những hậu quả do tội lỗi cá nhân (chẳng hạn như sự yếu đuối đặc trưng - tính hư, nết xấu nào đó hay sự mờ tối tinh thần, sự thúc đẩy của dục vọng việc đưa dẫn đến tội lỗi khác, tội đã phạm kéo theo hậu quả và các tội khác…).
Chúng ta có kinh nghiệm rằng “hậu quả” là những thiệt hại mà, một mặt, cá nhân tự gây ra cho mình; mặt khác, có thể do những người khác gây ra. Một người lái xe tốt không muốn gây hại cho bản thân và chiếc xe của mình nhưng có thể gặp phải những lái xe ẩu - những kẻ mang tai họa đến ngoài ý muốn và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Đức Maria phải chịu đựng những sự khó khăn, thử thách như tất cả mọi người, Mẹ với đặc ân Vô nhiễm tội lỗi còn phải chịu nhiều hơn tất cả (Bởi vì những người vô tội sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn sự kinh khiếp và tàn hại của tội ác, khi phải chịu đựng hậu quả từ tội lỗi xấu xa của những người khác). Chỉ cần nghĩ về những đau khổ không thể tưởng tượng được mà Đức Maria đã phải chịu khi đứng dưới chân Thập giá của Chúa Giêsu, phải nhìn xem người con yêu dấu chịu nhục hình trong khi Mẹ biết được Sự thật tuyệt đối, sự vô tội, sự toàn vẹn nơi người con của mình. Người ta đã gây ra cho Con của Mẹ cái chết bất công (sự bất công lớn nhất mà lịch sử đã từng ghi nhận) bằng hình phạt thảm khốc (đóng đinh) mà theo những người Do Thái, đó là án phạt được dành riêng cho những ai “bị Thiên Chúa nguyền rủa”; và theo người La Mã, là án để cho những người nô lệ và những kẻ nổi loạn vốn được xem “không phải con người”. Điều này khiến chúng ta không ngạc nhiên gì khi Đức Maria cũng được sùng kính với tước hiệu khá phổ biến làĐức Mẹ Sầu Bi”.
Những điều chúng ta nói đến trên đây không phải là tất cả, nhưng có thể làm cho mọi người hiểu được như thế nào là Đức Maria Vô nhiễm – vốn được xem là điều xa vời khó tin, nhưng Mẹ lại xuất hiện rất “gần” với chúng ta. Đức Maria hoàn toàn có khả năng hiểu chúng ta, và trên tất cả, Mẹ hoàn toàn phù hợp để dạy chúng ta biết làm việc chăm chỉ và biết “chiến đấu” để cuộc sống hiện tại của mỗi người có thể trở thành thửa đất tươi tốt - nơi nảy mầm cuộc sống tương lai và là nơi Thiên Chúa có thể lau khô tất cả nước mắt đau thương.
(Lê An Phong, SDB - lược dịch)

BẠN TRẺ SỐNG LỜI CHÚA – CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG 2013


Chúa Nhật I Mùa Vọng  - “Hãy tỉnh thức!”.
 (Lời Chúa: Is 2, 1-5; Tv 121; Rm 13, 11-14; Mt 24, 37-44)

Suy niệm Lời Chúa

Cùng với Chúa Nhật I Mùa vọng, chúng ta bước vào năm Phụng vụ mới 2013-2014.
Mùa Vọng là mùa của mong đợi, là thời gian để mỗi người sống và chuẩn bị cho Đại lễ Giáng sinh. Lời Chúa trong Phụng vụ tuần này mời gọi chúng ta bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa, bước đi trên con đường gặp gỡ Chúa Ki tô với tất cả sự sẵn sàng và bằng những hành động tốt. Lời Chúa còn nhắc cho chúng ta nhớ rằng ngày hôm nay so với những ngày đã qua luôn có những nét mới lạ và tốt đẹp; bởi vậy ta cần hướng về tương lai với niềm hy vọng và lạc quan, biết chờ đợi mà không chán chường, mệt mõi.
Nói đến thời gian chờ đợi và chuẩn bị, Thánh Phao lô nhắc nhở mọi người rằng đây là thời gian “để thoát ra khỏi cơn ngủ mê”. Đây là lời mời gọi mỗi người thoái ra khỏi sự tiện nghi vốn có của vật chất và nét bình lặng giả tạo, tìm cách phá vỡ vẻ đơn điệu của cuộc sống hằng ngày bằng việc thực hành các nhân đức. Đây cũng là lời mời thay đổi cách nhìn và thái độ sống, rộng mở cõi lòng và bắt đầu lại mọi sự cùng với Chúa Giêsu.
Cuộc sống theo thói quen và theo cách suy  nghĩ “thích ứng theo hoàn cảnh” thường khiến chúng ta dễ dàng quên đi những định hướng tốt ban đầu, dễ dàng “ngủ quên” và “bằng lòng” với những gì tầm thường mà mình đã quen. Để thay đổi những gì đã trở nên “bình thường” như thế, chúng ta luôn cần “tỉnh thức”: cần suy tư, xét mình về cách nghĩ, cách làm, cách sống theo tiêu chuẩn mà thánh Phao lô gợi nhắc: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Ki tô và đừng chiều theo tính xác thịt”.
Lời mời gọi “Hãy tỉnh thức” trong lúc này rất có ý nghĩa với mỗi người: hãy luôn dõi theo Chúa Kitô và luôn có khoé nhìn của người sống Đức Tin, biết hướng đến ngày mai với niềm hy vọng, cho một cuộc sống an vui, một xã hội công bình và tình huynh đệ bền chặt. Tỉnh thức không phải để tiếp tục sống và bước đi theo con đường cũ cho dù an toàn. Tỉnh thức để sẵng sàng hành động ngay cả cho một cuộc “phiêu lưu”, cho một ngày mai với Đức Tin và Hy vọng, ngày mà Thiên Chúa sẽ mãi mãi là của chính cuộc đời ta.

Suy tư, xét mình

-Tôi đang bị thói quen nào làm cho mình “mê ngủ”? Tôi có nhìn cuộc sống với một chút hy vọng và biết thao thức để tìm kiếm những gì tốt đẹp hơn không? Đâu là điều tôi hy vọng và quan tâm nhiều nhất?
-Tôi có quyết tâm nào để sống Mùa Giáng sinh năm nay? Đâu là quyết định cụ thể của tôi?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu! Trong Mùa Vọng này, con đang bước đi trên hành trình cuộc đời còn nhiều thử thách và khó khăn. Hãy ở bên cạnh con, đánh thức con, để con biết nhận ra “cơ hội” mà Chúa ban cho con, giúp con biết đón nhận lời mời gọi đổi mới cuộc sống của chính mình và biết thực thi mọi sự trong ánh sáng niềm tin mà Chúa hằng soi chiếu trên con. Amen.

BẠN TRẺ SỐNG LỜI CHÚA – CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG 2013


Chúa Nhật II Mùa Vọng“ Hãy sửa lối, DỌN ĐƯỜNG cho Người đi!”
(Lời Chúa: Is 11, 1-10; Tv 71; Rm 15, 4-9; Mt 3, 1-12)

Suy niệm Lời Chúa

Ba nhân vật được nhắc đến trong các bài đọc Mùa Vọng là Tiên tri Isaia, Gioan Tẩy giả và Đức Maria. Tuần này, chúng ta nghe đến tiên tri Isaia và Gioan Tẩy giả. Isaia giới thiệu cho người nghe viễn ảnh của một xã hội tốt đẹp như lòng người hằng mơ ước, một cuộc sống hoà bình, an lạc, tràn đầy tình huynh đệ và hiệp thông. Nhìn một cách sâu xa, đây là “Nước Thiên Chúa”, là “kế hoạch” và “lời hứa” của Thiên Chúa, là niềm hy vọng và là chính ơn cứu độ cho con người. “Muôn dân sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”.
Gioan Tẩy giả xuất hiện như người chuẩn bị cho Chúa Giê su đến thực hiện lời hữa cứu độ. Lời mời gọi của vị Tiền hô vang lên cảnh báo, thức tỉnh và kêu mời mọi người sám hối, rằng “Nước Thiên Chúa đã đến gần, hãy dọn đường sử lối cho Chúa đi”.
“Chỉnh đường, sửa lối” theo Gioan Tẩy giả là làm công việc hoán cải, đổi mới, từ bỏ nếp sống cũ và tội lỗi theo tiêu chuẩn “Nước Trời”. Đó là việc thay đổi cách suy nghĩ đầy nghi nan, chán nãn và tuyệt vọng, của lối sống cá nhân chỉ “biết đến mình mà chẳng biết người”, bất tín, bất trung, gian dối, bất công, giả trá, bạo lực… “Chỉnh đường sửa lối” không đơn thuần là chỉ thay đổi thói quen hay lối sống bên ngoài, mà phải là công việc truy tìm, lượm lặt và vất bỏ đi những viên đá của tính kiêu căng, những hòn cuội của tính lười biếng; tìm cách san bằng và lấp đi những ổ gà của tính ghen ghét, của sự vô tâm, vô cảm…
Có lẽ con đường cần được nâng cấp là thái độ sống chứng tá của tình yêu thương và sự khiêm nhường vượt trên những lo âu và toan tính đời thường, chỉ vì qua đó, như lời mời gọi của Gioan Tiền hô, Đức Kitô mới có thể được sinh ra và lớn lên trong tâm hồn chúng ta; và chỉ lúc đó mọi người mới có thể “nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”.

Suy tư, xét mình

-Con đường của cuộc đời tôi đang đi vào “khúc quanh” hay “chổ gập ghềnh” nào đây? Đâu là chổ cần “san bằng”, “lấp đầy” hay “dọn dẹp” cho dịp Giáng sinh năm nay?
-Tôi đang sống chứng tá về tính khiêm nhường và sự từ bỏ? Đâu là tinh thần và nét đẹp chứng tá mà tôi có thể học được từ Gioan Tẩy giả?

Cầu nguyện

Lạy Chúa  Giêsu! Con tiếp tục bước đi trên con đường sống mỗi ngày với những trăn trở, lo toan và với cả niềm vui cùng hy vọng. Hãy giúp con nhận ra đâu là những viên đá, hòn sỏi làm con vấp ngã. Hãy cho con một chút can đảm để dừng lại giữa dòng đời ồn ào và vội vàng mà vất bỏ qua một bên những chướng ngại trong lòng con, những cản ngăn không cho con lớn lên với Chúa, những rào chắn làm vướng tầm nhìn của những ai muốn tìm đến Chúa khi họ gặp gỡ con mỗi ngày. Hãy cho con một chút khiêm cung để biết rằng trong tất cả mọi sự “Chúa phải lớn lên, còn tôi phải trở nên bé nhỏ”. Hãy để con là người đưa tin vui cho một Nguồn vui lớn, là người chuẩn bị cho một Sự kiện lớn, đó là ngày mà Thiên Chúa mặc lấy than xác phàm nhân và đến ở giữa con người. Amen.

BẠN TRẺ SỐNG LỜI CHÚA – CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG 2013


Chúa Nhật III Mùa Vọng“ Hãy vui mừng vì chúa đến gần!”
(Lời Chúa: Is 35, 1-10; Tv 145; Gc 5, 7-10; Mt 11, 2-11)

Suy niệm Lời Chúa

Chúng ta tiếp tục cuộc hành trình chuẩn bị cho lễ Giáng sinh. Thời gian của ngày đại lễ đang đến gần, bởi đó niềm vui đang dâng tràn trong lòng mọi người: ngày của sự chờ đợi đang vơi đi, thời của bình an và của niềm vui đang đến. Lời thánh Tông đồ Giacobê là lời mời gọi cho tất cả: “Anh em hãy vui mừng luôn”; vui với niềm vui do Thiên Chúa mang lại, vui vì niềm vui khi Thiên Chúa không quên lời giao ước và thực thi kế hoạch cứu độ của Người qua những gì mà xem ra với con người là “điều không thể”: sa mạc nở hoa, người điếc được nghe, người què được đi, đau khổ và tang tóc nhường chổ cho niềm vui…
Trong Phụng vụ tuần này, chân dung của Gioan Tiền hô được khắc họa rỏ nét hơn qua lời khẳng định của Đức Giêsu: Trong số phàm nhân được sinh ra từ lòng mẹ chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan; mà kẻ bé mọn nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn Gioan. Chính Gioan Tẩy giả cũng biết được điều này khi loan báo rằng “người sẽ đến sau tôi cao trọng hơn tôi”. Với sự xuất hiện của Gioan Tiền hô, mọi người quanh ông đã cảm thấy niềm vui của việc hoán cải và đổi mới, của một chút hy vọng được giao hoà với Thiên Chúa và với anh em để làm lại cuộc đời và sống trong bình an, yêu thương. Niềm vui đã không dừng lại ở đó khi Gioan tiếp tục báo tin là sẽ có một cuộc đổi đời và một biến cố cách tân tận căn, khi Đấng Cứu thế sẽ đến, Đấng mang theo Tin mừng của Tình yêu thương, của sự tha thứ, của niềm hy vọng.
Gioan Tẩy giả đã chỉ cho mọi người thấy con đường và cách tiến bước vào con đường đó. Con đường ấy không gì khác là chính Đức Kitô – Ngài là Đường, Sự Thật, Sự Sống. Ai tin vào Ngài sẽ tìm thấy ánh sáng, niềm vui, tình yêu và hy vọng. Như Gioan, từ lúc còn trong lòng mẹ, đã vui mừng khi gặp gỡ Đấng Cứu Thế, lòng mỗi người chúng ta cũng có thể bừng lên niềm vui vì được gặp Chúa Kitô. Đó là niềm vui vì biết Thiên Chúa muốn đến và ở lại với con người. Đó là niềm vui vì được đón nhận lời hứa cứu độ ngay trong lịch sử cuộc sống của bản thân mình, là chính tình yêu và hạnh phúc mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Quà tặng của niềm vui ấy khi được cảm nghiệm và đón nhận sẽ tới lúc được loan truyền cho mọi người biết; và niềm vui khi được thông chia như thế sẽ tăng lên gấp bội lần. Hãy vui lên vì Thiên Chúa đang gần bên anh em.

Suy tư, xét mình

-Niềm vui nào trong giờ phút này mà tôi có được hay đang cảm nghiệm nhờ việc sống Đức Tin? Những khó khăn mà tôi gặp phải khi phải sống và làm chứng tá cho niềm tin có làm tôi chùn bước hoặc thối lui?
-Tôi sẽ phải nói gì về Chúa Giêsu và Tin mừng của Ngài  hay về “niềm vui” cho mọi người quanh tôi?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu! Ngài đang ở gần bên con. Những người tốt sống bên cạnh con đã cho con cảm nghiệm về tình yêu thương và sự cao đẹp của chính Ngài. Qua những món quà cuộc sống mà con nhận được, con có thể hiểu biết sâu xa hơn rằng Ngài đã gieo bao nhiêu hạt giống hy vọng và đã làm lớn lên thật nhiều hoa trái tin yêu nơi con người. Xin hãy ban cho con niềm vui được khám phá những vẻ đẹp ấy nơi con người và xin giúp con chịu đựng những ương ngạnh nơi con người vì chính Chúa đã làm người cho con và vì con. Hãy giúp con trở nên người loan báo tin vui và biết sống niềm vui vì có Chúa luôn bên con. Amen.

BẠN TRẺ SỐNG LỜI CHÚA – CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG 2013


Chúa Nhật IV Mùa Vọng“ một hài nhi được sinh ra cho chúng ta!”
(Lời Chúa: Is 7, 10-14; Tv 23; Rm 1, 1-7; Mt 1, 18-24)

Suy niệm Lời Chúa

Tuần thứ Tư của Mùa Vọng, bầu khí của lễ Giáng sinh bắt đầu rộn lên khắp nơi. Thông điệp của sự sống mới được Tiên tri Isaia loan đi làm tăng thêm niềm vui: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sẽ sinh hạ một con trai và đặt tên là Emmanuel”. Tên con trẻ này được giải thích thêm trong Tin mừng Thánh Mattheo, “Emmanuel” có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời con người và bên cạnh con người luôn là dấu hiệu của tình yêu thương và của lòng tốt không giới hạn; và như lời đã hứa, Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người, cho dù họ đã nhiều lần tỏ thái độ bất trung. “Qua muôn ngàn thế hệ Người vẫn trọn tình thương”.
Lễ Giáng sinh là thời điểm để chúng ta nghiệm ra sự hoàn kết của lời hứa cứu độ qua dấu hiệu của “một hài nhi được sinh ra”. Đây là dịp cử hành việc Con Thiên Chúa đến và ở cùng con người – Thiên Chúa “làm người”, “mặc lấy xác phàm”. Việc tưởng nhớ Mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa cũng vì thế khẳng định một lần nữa giá trị tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa dành cho con người. Thêm vào đó ta có thể sống niềm xác tín rằng: khi con người được yêu thương và biết mình được Thiên Chúa yêu thương, họ có thể thay đổi cuộc sống một cách tận căn, như kinh nghiệm của Thánh Phaolô – người “được kêu gọi để thuộc về Chúa Kitô”.
Thiên Chúa, vì muốn cứu chúng ta, đã chọn cách trở thành một con người, một thành viên trong gia đình nhân loại với cuộc sống đủ mọi sắc màu. Hình ảnh của Đức Maria và ông Giuse mang bóng dáng của những con người được yêu thương va được kêu gọi để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc. Chúng ta cũng được kêu mời cộng tác với mọi người, và điều này gợi nhắc trong ta kinh nhiệm sống với tất cả những cung bậc cảm xúc khác nhau: niềm vui, nỗi buồn, sự an ủi, những phiền toái, điều vướng mắc trong nhiều mối tương quan đa chiều đa diện… Sống và chia sẻ cuộc đời mình với người khác xem ra mỗi lúc một khó khi người ta trở nên tính toán hơn, đóng kín hơn với những gì là “của riêng tôi”. Trong khó khăn tương tự, thái độ của Maria và Giuse dạy chúng ta thêm một điều, rằng chỉ trong tình yêu thương và với thái độ biết đón nhận Thánh ý Thiên Chúa, ta mới có thể làm được điều gì đó tốt đẹp cho mọi người.

Suy tư, xét mình

-Việc “Con Thiên Chúa đến làm người và sống nơi trần gian” có ý nghĩa gì với tôi không?
-Tôi đã có vài cảm nghiệm về giá trị của tình hiệp thông, đồng cảm… Tôi sẽ làm gì để thông chia các giá trị này cho những người đang sống quanh tôi trong dịp Giáng sinh năm nay ?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã đến trần gian để tỏ lộ Thiên ý là muốn thông chia hạnh phúc vĩnh hằng với con người. Xin Ngài dạy con biết sống sự hiệp thông sâu xa bằng cõi lòng chân thành hơn những gì là lời từ môi miệng con. Xin dạy con biết ghi tâm rằng những gì quan trọng và có giá trị vượt lên trên những toan tính thiệt hơn của con là của Tình yêu thương. Xin giúp con xác tín luôn rằng những gì là trường tồn vốn nằm sâu trong niềm tin và phó thác hơn là ở nơi những nét hào nhoáng bên ngoài. Xin giúp con rộng mở tâm hồn để đón Chúa đến trong niềm vui ngay giữa những bề bộn và trăn trở của chính con và của mọi người đang sống quanh con, để Tin Vui Giáng sinh sẽ làm thay đổi cuộc sống của chúng con. Amen.

19 November, 2013

CHỮ TÂM TRONG GIÁO DỤC – TỪ KINH NGHIỆM CỦA DON BOSCO


Giáo dục là hoạt động cần thiết để duy trì và chuyển tiếp các đặc nét văn minh, văn hoá nơi con người. Qua các thời đại, qua nhiều biến chuyển văn hoá, văn minh, người ta vẫn tiếp tục cuộc truy tìm nhiều cách thức, định hướng, phương tiện để có được nền giáo dục tiến bộ. Giữa một thế giới đa chiều đa diện như hôm  nay, việc chọn lựa một phương cách giáo dục ưu tuyển, khả thi và hiệu quả có lẽ là điều không mấy dễ dàng. Dù sao chúng ta cũng không “lỗi thời” khi nhìn lại cách thức mà các bậc thầy trong giáo dục đã áp dụng. Ta có thể tìm hiểu thêm một chút về chữ “Tâm” trong giáo dục qua kinh nghiệm của Don Bosco, với chiều dài lịch sử hơn 150 năm nay.
Giáo dục và chữ “tâm”.
Trước hết hãy nói về chữ “tâm” của con người. Có môt câu trong truyện Kiều mà cụ Nguyễn Du đã viết từ lâu, giờ đây chúng ta có thể nói lại với nhau – “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Bỏ qua những lý luận triết lý dài dòng, ai cũng có thể hiểu ngay rằng tấm lòng hay cung cách mà người ta sống hoặc đối xử với nhau quan trọng hơn cả; nó vượt qua giới hạn của các kiểu cách hành động mang tính “kỷ thuật” hay theo một “phong cách” nào đó; nó “định hình” cho những gì tốt lành còn lại sau khi một sự việc, một tương quan hay mọi biến cố đã qua đi trong cuộc sống.
Thực tế cho thấy là trong khi giáo dục có nhiều cách để hành xử. Người ta nói đến các phương pháp giáo dục “đa dạng và phù hợp với tâm lý lứa tuổi”, cách thức sử dụng phương tiện giảng dạy “hiện đại và hiệu quả”, kỷ năng đứng lớp “vững vàng”, lối sử dụng ngôn từ và hình ảnh “ấn tượng”, kiểu trình bày ý tưởng “phong phú và rõ ràng”, vân vân… Điều còn đọng lại đậm sắc và lâu dài hơn trong tâm trí của “học trò”, hay “những người được giáo dục”, có lẽ không chỉ thuần là câu, chữ hay những con số, mà là nhân cách của nhà giáo dục, là tấm lòng của người thầy với lớp đàn em. Đó có thể là sự tốt bụng, sự cảm thông, lòng yêu mến, sự tôn trọng, sự thân tình của nhà giáo dục. Đó có thể là kinh nghiệm sống, là định hướng cuộc đời và cảm nếm các giá trị thật được truyền lại từ “con người thật” của một “chứng tá”. Đó có thể cũng là những kỷ niệm vui buồn được thông chia giữa các thế hệ trong những thời khắc đáng nhớ… Nói chung lại, tất cả không đơn thuần nằm ở những sự kiện, ở hình thức, mà nằm tại cốt lõi của chính cuộc sống, nơi có những cuộc hạnh ngộ và cảm thông giữa những con người, nơi những cuộc gặp gỡ luôn dựa trên sự tôn trọng, mưu cầu hạnh phúc và lợi ích cho nhau.
Từ kinh nghiệm của Don Bosco.
Hãy bắt đầu bằng câu nói “Giáo dục là việc làm của cõi lòng”. Don Bosco đã từng nói đi nói lại điều này với các nhà giáo dục saledieng. Ngài còn nhấn mạnh hơn khía cạnh thần học của nền giáo dục mang tính chất kitô giáo: “Việc thực hành giáo dục bằng cõi lòng dựa trên lời của Thánh Phao lô: Đức Ái thì hiền lành và nhẫn nại, chịu đựng tất cả, hy vọng tất cả”.
Trong lá thư gởi từ Roma năm 1884, Don Bosco viết cho các salêdiêng: “ Ai muốn được yêu mến hãy biết yêu thương. Ai được yêu thương là có tất cả, nhất là từ các bạn trẻ”. “Yêu mến người trẻ mà thôi chưa đủ; hãy làm sao cho họ biết mình được yêu thương”. “ Hãy học cách làm cho mình được yêu mến”… Giáo dục như thế là biểu lộ một tâm tình, là sự mong muốn những điều thiện hảo cho người trẻ, và bước đầu tiên cần làm là tạo nên tình thân thiện, sau đó là chiếm hữu sự tin tưởng của họ; từ đó bạn trẻ sẽ mở rộng cõi lòng để sẵn sàng chia sẻ mọi tâm tư với nhà giáo dục.
Trái tim của nhà giáo dục – “Trái tim không ngủ yên”. 
Năm lên 9 tuổi, cậu bé Gioan Bosco có một giấc mơ. Trong giấc mơ đó, cậu được nghe một lời khuyên: “Hãy tìm cách biến những con sói hung tợn thành những chú cừu ngoan hiền, nhưng không phải bằng nắm đấm mà bằng sự thương mến”. Niềm trăn trở “đi tìm cách thức để chinh phục tâm hồn bằng sự thương mến” đã theo Ngài suốt đời. Với Don Bosco về sau, khi đã trở thành một linh mục, đó là một kiểu thực hành giáo dục, một lối thông truyền tình thương mang tính chất thánh hiến của một nhà giáo dục, người muốn trao ban trọn vẹn cuộc sống mình cho người trẻ “cho tới hơi thở cuối cùng”. Hãy đọc những dòng này trong lá thư ngài viết từ Roma cho các bạn trẻ ở nguyện xa Valdocco để biết mối quan tâm giáo dục của ngài nằm ở đâu: “Duø ôû xa hay ôû gaàn, cha vaãn luoân nghó tôùi caùc con. Cha chæ coù moät öôùc ao; ñoù laø thaáy ñöôïc caùc con sung söôùng ôû ñôøi naøy vaø ñôøi sau”.
“Giáo dục là một nghệ thuật”. Giáo dục cũng là một khoa học, khoa sư phạm với sự liên kết của nhân học, tâm lý học, xã hội học,… (Mauro Laeng). Ngành tâm lý học đã nhắc đến tầm quan trọng của tình yêu thương như là nền tảng của mọi hành vi giáo dục. Tuy vậy cùng với các nghiên cứu khác, người ta lại khám phá ra một điều nghịch lại: không phải tất mọi biểu hiện tình cảm đều có giá trị giáo dục; mọi sự còn hệ tại vào cách thức biểu hiện, thời điểm, khung cảnh. Trái tim của nhà giáo dục “có tâm” bởi vậy sẽ không bao giờ được “ngủ yên”. Họ phải trăn trở luôn để tìm cách thức nào đó cho phù hợp với việc biểu hiện tình yêu thương trong giáo dục. Yêu thương không là sự thoả hiệp, là mua lấy cảm tình từ phía người trẻ bằng những giá trị tầm thường, là im lặng trước những sai phạm. Yêu thương không lợi dụng và không lạm dụng. Yêu thương không câu nệ hình thức và “rào trước đón sau” vì tính toán và vì sợ hãi trách nhiệm hay phải hy sinh.
Tình yêu thương thật trong giáo dục trước hết phải là sự đón nhận với lòng tin tưởng và việc khích lệ. Yêu thương là dành sự quan tâm của mình cho bạn trẻ và tôn trọng phẩm giá của họ. Yêu thương trong giáo dục là “sống cùng, sống với”, là chia sẻ, là đồng hành, là hoà nhịp, là yêu thích những gì bạn trẻ thích để họ yêu thích những gì mà nhà giáo dục mong muốn hoặc đề xuất theo tâm tư và mong ước của bạn trẻ. Điều này cần ở nhà giáo dục sự cân bằng tình cảm, sự từ bỏ, sự trưởng thành, sự thanh thoát, óc sáng kiến, lòng nhiệt thành và say mê, tính táo bạo và can đảm, chấp nhận cả sự hy sinh… Nói tóm lại, đó là một lối sống gương mẫu, mạnh mẽ, trung thành theo đuổi việc thực hành các nhân đức.
Chỉ có Thiên Chúa mới là Chủ tể của cõi lòng mỗi con người.
Don Bosco, qua kinh nghiệm giáo dục với người trẻ, dù đã có những thành công nhất định, vẫn luôn xác tín rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể dạy ta “nghệ thuật của lòng yêu thương” và của việc giáo dục con người. Ai cùng biết rằng giáo dục là một hoạt động luôn đòi hỏi nhiều công sức, luôn trải qua nhưng thời điểm thăng trầm, thành công, thất bại khó lường. Giáo dục không thể bị định hình trong một mô thức cứng nhắc cho dù dưới danh nghĩa của bất cứ một thứ lý tưởng nào. Giáo dục tốt không thể là một lối áp đặt từ bất kỳ phía nào, bởi vì con người trong khả năng tự do của mình luôn mang những nét đặc trưng, duy nhất, không bị sao chép hay lập  lại cùng một khuôn mẫu.
Chỉ có những ai biết say mê nét độc đáo và cá vị này nơi mỗi con người, mới có thể biết cách giáo dục và mới có đủ niềm tin vào điều tốt lành và chắc chắn, đó là: trong mỗi một con người, dù ở bất cứ tình trạng nào cũng luôn mang giá trị “làm người”; mỗi con người là một “mầu nhiệm” mà đứng trước nó người ta phải kính cẩn nghiêng mình. Đó là hình ảnh của Đấng Tạo Hoá. Đó là sự thánh thiêng của những “thiên thần gãy cánh”, chân bước trên mặt đất mà tâm hồn luôn hướng về Trời cao. Đó là những “con người đang sống” và là “vinh quang của Thiên Chúa” (Thánh Irene) chứ không phải đơn thuần là con vật biết đi thẳng hay là cổ máy biết tư duy của thời đại kỷ thuật.
Đây cũng là lý do vì sao ta hiểu được rằng mỗi một sự hy sinh cho con người, dù nhỏ bé đến đâu đều đáng trân trọng hơn cho bất cứ thứ của cải nào quý giá trên trần đời này. Nhà giáo dục có “tâm” chắc là sẽ xem nhẹ những lao nhọc của mình vì chỉ mong đàn em của mình “nên người”. Nhà giáo dục “có tâm và có tầm” hãy tìm cách dẫn đưa con người về với “cái gốc của chính mình”, nơi họ có thể gặp gỡ anh em đồng loại để biết chia sẻ và cảm thông nhiều hơn. Và “giáo dục hôm nay cho ngày mai” là “thắp sáng ngọn lửa tình yêu trong tim con người” từ ngày hôm nay vậy.
(Lê An Phong, SDB - Torino )

21 October, 2013

SƯ HUYNH STEPHANO SANDOR - TRUNG THÀNH CHO ĐẾN CÙNG


     Sư huynh Stephanô Sándor được phong chân phước vào ngày 19 tháng Mười tại Budapest, nước Hungary. Cuộc phong chân phước cho Sư huynh Stephenô Sándor, như lời của Cha Bề trên cả, “đã thúc đẩy Tu hội chúng ta cam kết cổ võ ơn gọi Salêdiêng Sư huynh, bằng cách nhận biết chứng từ gương mẫu của Thầy”.
     
Sư huynh Stephanô Sándor là người có tâm hồn đạo đức sâu xa từ lúc sinh ra cho đến chết; trong mọi hoàn cảnh của đời sống, Thầy luôn nhất quán và nghiêm chỉnh đáp lại những đòi hỏi của ơn gọi Salêdiêng. Đó là lối sống Thầy đã trải qua suốt thời tu sinh và đào luyện ban đầu, thời gian làm việc tại nhà in, với tư cách là người lãnh đạo nguyện xá và phụ trách phụng vụ, khi Thầy phải sống trốn tránh, bị cầm tù, và ngay cả tới khi chết.
    
 Từ lúc còn là thanh niên, Thầy đã muốn hiến mình phụng sự Thiên Chúa và anh em cách quảng đại, trong việc giáo dục những người trẻ theo tinh thần của Don Bosco; Thầy nuôi dưỡng tinh thần can đảm và trung thành với Thiên Chúa và anh em mình. Tinh thần đó làm cho Thầy có thể chịu đựng qua mọi thử thách gian nan, trước tiên trong những hoàn cảnh xung đột, và rồi trong cơn thử thách cuối cùng khi Thầy hiến dâng cả mạng sống mình.

Khi chúng ta đọc lại các tường trình về cuộc đời của sư huynh Stephanô Sándor, chúng ta nhận ra nơi thầy một hành trình đức tin thực sự và sâu xa; hành trình đó bắt đầu ngay từ thời thơ ấu và thiếu niên, rồi được kiện cường bởi việc tuyên khấn tu sĩ Salêdiêng, và được nên kiên vững bởi đời sống gương mẫu của Thầy như một Salêdiêng sư huynh. Cách riêng, chúng ta ghi nhận chính tinh thần của Don Bosco, nhiệt tình sâu sắc và mãnh liệt để cứu rỗi các linh hồn, cách riêng giới trẻ, đã sinh động đời sống thánh hiến tu sĩ chân chính của Thầy. Những giai đoạn khó khăn như thời kỳ Thầy phải đi nghĩa vụ quân sự cũng như kinh nghiệm của Thầy trong thời chiến tranh không làm phương hại đến sự toàn vẹn về đời sống luân lý và tôn giáo của Thầy. Và chính trên nền tảng này mà Sư huynh Stephanô Sándor trải qua cuộc tử đạo không chút ngại ngần hay so đo tính toán.

Là người Salêdiêng giáo dân, Thầy đã thành công trong việc nêu gương sáng cho các linh mục bằng hoạt động giữa giới trẻ và qua đời sống tu sĩ gương mẫu của mình. Thầy đã là mẫu mực cho người trẻ sống đời thánh hiến vì cách thức Thầy đối diện với những khó khăn và việc thánh hóa bản thân không chút thỏa hiệp. Sự kiện Thầy đã trao ban chính mình, sự thánh hóa công việc của Thầy nhờ tinh thần Kitô hữu, tình yêu của Thầy dành cho nhà Chúa và cho việc giáo dục giới trẻ, tất cả vẫn còn là sứ mệnh nền tảng của Giáo hội và Tu hội chúng ta.

Như một nhà giáo dục gương mẫu của giới trẻ, đặc biệt những người tập nghề và các lao động trẻ, và như một người lãnh đạo tại Nguyện xá và các nhóm trẻ, Sư huynh Stephanô Sándor đã khích lệ và cống hiến cho chúng ta mẫu gương về việc công bố cho giới trẻ Tin mừng của niềm vui qua một khoa sư phạm của lòng nhân hậu. Trong năm thứ hai chuẩn bị cho đệ nhị bách chu niên, điều ấy khích lệ chúng ta thêm nhiệt tình hăng say đối với sứ mệnh chúng ta giữa giới trẻ trong những môi trường bình dân, ở đó giới trẻ bắt đầu lao động, hoặc nhận ra lao động mang đến những vấn đề khiến họ rất dễ bị rơi vào tình trạng bất công.

Cha Bề Trên Cả viết tiếp những dòng này trong thư mời gọi anh em hiệp thông nhân dịp phong Chân phước cho Thầy Sandor: “Đang khi chúng ta tạ ơn Chúa vì ân ban mới này, vốn xác minh và đóng ấn đoàn sủng Salêdiêng của Don Bosco bằng chính máu đào, Cha mời gọi mỗi tỉnh dòng hãy tổ chức những cuộc họp mặt để suy tư và cử hành hồng ân Chúa ban qua việc phong Chân Phước cho người hội viên Sư huynh và Tử đạo này, ngõ hầu canh tân sự cam kết của chúng ta cho ơn gọi của mình, được nâng đỡ bởi gương sáng và lời chuyển cầu của Thầy.

Cha cũng mời gọi anh em hãy đọc cuộc đời của Thầy sắp được xuất bản, được trao tặng cho giới trẻ và những người trong thời đào luyện, cách riêng cho những người trong thời kỳ đào luyện ban đầu, khi họ vẫn còn đang phân định sẽ theo đuổi hình thức nào của ơn gọi Salêdiêng. Chân phước Artemide Zatti,  Chân phướcTử đạo Stephanô Sándor cũng như Đáng kính Simon Scrugi là ba mẫu gương hấp dẫn đặc biệt, cống hiến cho chúng ta những diện mạo khác nhau và phong phú về người Salêdiêng sư huynh”.

Hãy cùng tạ ơn Chúa vì hoa trái thánh thiện mà Người đã ban cho Tu hội. Hãy tiếp tục sống gương chứng ta can trường của thầy Stephano Sandor.
(Lê An Phong, SDB _ Tóm lược lại từ thư mời của cha Bề Trên Cả, nhân dịp phong Chân phước của thầy Stephano Sandor)

25 September, 2013

CỬ HÀNH THÁNH LỄ HÀNG NGÀY


 
Lời ngỏ: Hôm 12 tháng 8 vừa qua, Thánh Bộ Giáo sỹ đã có thư ngỏ về việc cử hành Thánh lễ hằng ngày, ngay cả khi không có giáo dân tham dự. Xin trích dịch và chia sẻ với anh em linh mục để hiểu hơn về tình trạng mục vụ ở nhiều nơi. Từ đó, mỗi người có thể suy tư thêm về sứ vụ mục tử của mình, nhất là trong việc cử hành Thánh lễ hằng ngày. (Lê An Phong,SDB)
Cử hành Thánh Lễ hàng ngày ngay cả trong trường hợp không có các tín hữu tham dự (Thánh Bộ Giáo sỹ - Roma, ngày 12 Tháng 8 năm 2013)
Trong thời gian gần đây , một số linh mục, may mắn là chỉ có một số ít, đã thực hiện việc “kiêng” cử hành Phụng vụ Thánh Thể, và trong thực tế, đó là việc hạn chế theo thời gian hàng tuần hoặc một vài ngày trong tuần việc cử hành Thánh Lễ khi vắng các tín hữu tham dự. Trong vài trường hợp khác, các linh mục không cử hành Thánh lễ mỗi ngày, nếu không có cơ hội để cử hành cho một cộng đoàn. Cuối cùng, một số tin rằng, trong kỳ nghỉ của mình, họ có quyền “không làm việc” và do đó cũng nghỉ luôn việc cử hành Thánh Thể hàng ngày.
Điều gì chúng ta có thể nói về hiện tượng này? Chúng tôi tóm tắt các câu trả lời dựa trên hai điểm qui chiếu: Huấn Quyền và Thần học.
1 . Huấn Quyền
Không gì phải nghi ngờ vì trong các tài liệu của Huấn Quyền, việc cử hành Thánh Lễ hằng ngày không được xác lập như là nghĩa vụ nghiêm ngặt đối với các linh mục, nhưng cũng không kém phần rõ ràng rằng đó là điều được đề nghị và thậm chí được khuyến khích. Chúng tôi cung cấp một số ví dụ .
 Bộ Giáo Luật năm 1983, trong một khoản cho biết nhiệm vụ của các linh mục là cố gắng nên thánh, có nói rõ: “Các linh mục được kêu gọi để tiến dâng mỗi ngày Hy Tế Thánh Thể” (Can. 276, § 2 n. 2 . CIC). Ngay từ thời khởi đầu việc huấn luyện, họ đã được chuẩn bị: “Việc cử hành Thánh Thể là trung tâm của mọi hoạt động trong chủng viện, để mỗi ngày các chủng sinh [...] kín múc từ nguồn mạch phong phú ấy sức mạnh thiêng liêng cho công tác tông đồ và đời sống tinh thần của họ” ( Can. 246 § 1 CIC).
 Trên cơ sở giáo huấn này, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Việc các chủng sinh tham gia cử hành Thánh Thể mỗi ngày thật là điều thích hợp, để sau này việc cử hành đó sẽ là một quy luật của đời sống linh mục hàng ngày của họ. Họ cũng sẽ được huấn luyện để xem xét việc cử hành Thánh Thể như là thời điểm chính yếu trong một ngày sống của mình” (Angelus, 01.07.1990, số 3) .
 Trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis, năm 2007, Đức Thánh Cha Benedicto XVI chỉ ra rằng “Các giám mục , linh mục và phó tế , tùy theo cấp bậc của mình, phải xem xét việc cử hành các nghi lễ là nhiệm vụ chính của họ” (số 39). Vì lý do này , Đức Thánh Cha đã đưa ra những kết luận: “Linh đạo linh mục tự bản chất gắn với Thánh Thể. [ ... ] Tôi khuyên các linh mục về “việc cử hành Thánh Lễ hàng ngày, ngay cả khi không có sự tham gia của các tín hữu” (Dự luật 38 của Thượng Hội Đồng Giám Mục). Đề nghị này là phù hợp với giá trị khách quan vô hạn của mọi cử hành Thánh Thể , và sau đó ta suy ra lý do từ hiệu quả tinh thần độc đáo của việc này, bởi vì, nếu Thánh Lễ được sống với sự chú ý và đức tin, sẽ giúp huấn luyện (trong ý nghĩa sâu xa nhất của thuật ngữ này) các linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và củng cố họ trong ơn gọi của mình” (số 80 ).
Kế thừa những huấn dụ này, Cẩm nang Mục vụ và đời sống linh mục (Direttorio per il ministero e la vita dei presbiteri) do Thánh Bộ Giáo sĩ xuất bản, trong một phiên bản gần đây (2013), trong số 50 - liên quan đến mục Các phương tiện cho đời sống tinh thần của các linh mục - nhắc lại: “Điều cần thiết là đời sống cầu nguyện của linh mục không bao giờ thiếu [ ... ] việc cử hành Thánh Thể hàng ngày, với sự chuẩn bị đầy đủ và giây phút Tạ Ơn tiếp theo”.
Những điều này theo những chỉ dẫn của Huấn Quyền gần đây bắt nguồn từ các chỉ dẫn của Công Đồng Vatican II ; tại số 13 của Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis có viết: “Trong mầu nhiệm Hy Tế Thánh Thể, các linh mục thực hiện chức năng chủ yếu của họ trong việc tiếp nối liên tục công trình cứu chuộc của chúng ta, và do đó họ được khuyến khích mạnh mẽ rằng việc cử hành Thánh lễ hàng ngày luôn luôn là một hành động của Chúa Kitô và của Giáo Hội Ngài, ngay cả khi không có các tín hữu tham dự”.
2 . Các lý do mang tính thần học
Các trích dẫn và hướng dẫn trên đây có thể xem là đủ để khuyến khích tất cả các linh mục trung thành với việc cử hành Thánh Lễ hàng ngày (có hoặc không có sự hiện diện của các tín hữu). Tuy nhiên, chúng tôi nói thêm, cách vắn ngọn, những lý do chính làm nền tảng cho sự hướng dẫn thần học và thiêng liêng của Giáo Hội về vấn đề này.
 a) Thánh lễ - Phương tiện “ưu tiên” cho sự thánh thiện của linh mục. Thánh Lễ là “nguồn mạch và đỉnh cao” của toàn bộ đời sống linh mục : linh mục rút ra từ đó sức mạnh siêu nhiên và nguồn nuôi dưỡng tinh thần đức tin mà họ cần để nên giống Chúa Kitô và phục vụ Ngài cách xứng đáng. Như bánh man-na của cuộc Xuất hành đã nuôi dân Chúa nuôi mỗi ngày, linh mục cần uống từ nguồn mạch ân sủng, từ hy tế trên đồi Golgotha, đó là bí tích Thánh Thể. Bỏ qua Thánh lễ hằng ngày - trừ trường hợp bất khả kháng - có nghĩa là đánh mất thức ăn chính cần thiết cho sự thánh thiện của mình và cho sứ vụ tông đồ của Giáo Hội, và có nguy cơ thỏa hiệp với một loại lạc giáo tinh thần (Pelagianesimo), những người tin tưởng vào sức mạnh của con người hơn là hồng ân của Thiên Chúa. (Note: Pelagianesimo, Pelagianism - Chủ nghĩa Pelagiô, Pelagius: lạc thuyết do Pelagius (354?-418?) chủ xướng, cho rằng ở bước đầu ngoài Ân Sủng, con người vẫn có thể tự lực đến với ơn cứu độ).
b) Thánh lễ - Nhiệm vụ chính của linh mục, tương xứng với căn tính của mình. Các linh mục được phong chức chủ yếu là lo việc cử hành Bí Tích Thánh Thể , như thực tế minh định là thừa tác vụ này được thiết lập bởi Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, trong Bữa Tiệc Ly. Cử hành Thánh lễ không phải là việc duy nhất mà linh mục phải thực hiện, nhưng chắc chắn đó là việc chính yếu. Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis trước đây có nhắc nhở : Trong việc dâng Hy Tế Thánh Thể, “linh mục thực hiện chức năng chủ yếu của họ”. Đức Gioan Phaolô II, trong Tông thư Pastores Dabo Vobis (năm 1992) có nhắc lại: “Các linh mục , với tư cách là các Thừa tác viên thánh , họ đặc biệt là các Thừa tác viên của Hy Tế Thánh Lễ” (số 48).
c) Thánh lễ - Hành vi bác ái mục vụ trọn hảo. Không có công việc bác ái nào mà linh mục sẽ làm có lợi cho các tín hữu hơn hoặc có giá trị lớn hơn so với Thánh lễ mà họ dâng. Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta: “Các bí tích khác và tất cả các thừa tác vụ cũng như các công việc tông đồ của Giáo Hội được gắn kết và được thiết lập với Bí Tích Thánh Thể. Thực vậy, Bí tích Thánh Thể hàm chứa mọi lợi ích thiêng liêng của Giáo Hội, là chính Chúa Kitô [ ... ]. Bí Tích Thánh Thể được trình bày như là nguồn mạch và tột đỉnh của tất cả việc Phúc âm hóa (Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 5).
 d) Thánh lễ - Lời cầu nguyện cho những người người đã qua đời. Việc mục vụ của linh mục mà thông thường chỉ có thể tiếp cận các tín hữu đang trong cuộc “lữ hành” (viatores), qua Thánh Lễ có thể vượt lên trên giới hạn của không gian và thời gian. Khi cử hành Thánh lễ thay mặt Chúa Kitô (in persona Christi), linh mục hoàn tất một công trình vượt quá chiều kích và hiệu quả của hoạt động nơi con người, vốn theo giới hạn thời gian, không gian và lịch sử hay theo các ảnh hưởng của nó. Việc cử hành này còn vượt ra ngoài các ranh giới mà con người có thể đạt được . Điều này có được là nhờ giá trị của phần thưởng cao quý mà chính Chúa Kitô trong Thánh Lễ đã dâng lên Chúa Cha cho chúng ta và cho nhiều người. Trong số “nhiều người” mà Chúa Kitô đã hiến tế một lần cho tất cả trên thập tự giá và ngài vẫn tiếp tục hiến lễ của đồi Golgotha trên bàn thánh trong các nhà thờ của chúng ta, có cả những người đã khuất, những người đang chờ đợi để được chiêm ngắm Thiên Chúa muôn đời. Từ lâu, Hội Thánh luôn cầu nguyện cho họ trong phụng vụ, bằng chứng là việc đề cập đến những người đã qua đời trong những lời Kinh nguyện Thánh Thể. “Từ thời xa xưa, Giáo Hội đã tưởng nhớ những người đã chết và cầu  nguyện cho họ, đặc biệt là qua hy tế Thánh Thể, ngõ hầu họ có thể đạt đến hạnh phúc được ngắm nhìn Thiên Chúa” (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo , số 1032).
 
Như thế có biết bao nhiêu việc bác ái mục vụ mà việc cử hành Thánh lễ hàng ngày mang lại, ngay cả trong trường hợp các tín hữu vắng mặt!