25 September, 2013

CỬ HÀNH THÁNH LỄ HÀNG NGÀY


 
Lời ngỏ: Hôm 12 tháng 8 vừa qua, Thánh Bộ Giáo sỹ đã có thư ngỏ về việc cử hành Thánh lễ hằng ngày, ngay cả khi không có giáo dân tham dự. Xin trích dịch và chia sẻ với anh em linh mục để hiểu hơn về tình trạng mục vụ ở nhiều nơi. Từ đó, mỗi người có thể suy tư thêm về sứ vụ mục tử của mình, nhất là trong việc cử hành Thánh lễ hằng ngày. (Lê An Phong,SDB)
Cử hành Thánh Lễ hàng ngày ngay cả trong trường hợp không có các tín hữu tham dự (Thánh Bộ Giáo sỹ - Roma, ngày 12 Tháng 8 năm 2013)
Trong thời gian gần đây , một số linh mục, may mắn là chỉ có một số ít, đã thực hiện việc “kiêng” cử hành Phụng vụ Thánh Thể, và trong thực tế, đó là việc hạn chế theo thời gian hàng tuần hoặc một vài ngày trong tuần việc cử hành Thánh Lễ khi vắng các tín hữu tham dự. Trong vài trường hợp khác, các linh mục không cử hành Thánh lễ mỗi ngày, nếu không có cơ hội để cử hành cho một cộng đoàn. Cuối cùng, một số tin rằng, trong kỳ nghỉ của mình, họ có quyền “không làm việc” và do đó cũng nghỉ luôn việc cử hành Thánh Thể hàng ngày.
Điều gì chúng ta có thể nói về hiện tượng này? Chúng tôi tóm tắt các câu trả lời dựa trên hai điểm qui chiếu: Huấn Quyền và Thần học.
1 . Huấn Quyền
Không gì phải nghi ngờ vì trong các tài liệu của Huấn Quyền, việc cử hành Thánh Lễ hằng ngày không được xác lập như là nghĩa vụ nghiêm ngặt đối với các linh mục, nhưng cũng không kém phần rõ ràng rằng đó là điều được đề nghị và thậm chí được khuyến khích. Chúng tôi cung cấp một số ví dụ .
 Bộ Giáo Luật năm 1983, trong một khoản cho biết nhiệm vụ của các linh mục là cố gắng nên thánh, có nói rõ: “Các linh mục được kêu gọi để tiến dâng mỗi ngày Hy Tế Thánh Thể” (Can. 276, § 2 n. 2 . CIC). Ngay từ thời khởi đầu việc huấn luyện, họ đã được chuẩn bị: “Việc cử hành Thánh Thể là trung tâm của mọi hoạt động trong chủng viện, để mỗi ngày các chủng sinh [...] kín múc từ nguồn mạch phong phú ấy sức mạnh thiêng liêng cho công tác tông đồ và đời sống tinh thần của họ” ( Can. 246 § 1 CIC).
 Trên cơ sở giáo huấn này, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Việc các chủng sinh tham gia cử hành Thánh Thể mỗi ngày thật là điều thích hợp, để sau này việc cử hành đó sẽ là một quy luật của đời sống linh mục hàng ngày của họ. Họ cũng sẽ được huấn luyện để xem xét việc cử hành Thánh Thể như là thời điểm chính yếu trong một ngày sống của mình” (Angelus, 01.07.1990, số 3) .
 Trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis, năm 2007, Đức Thánh Cha Benedicto XVI chỉ ra rằng “Các giám mục , linh mục và phó tế , tùy theo cấp bậc của mình, phải xem xét việc cử hành các nghi lễ là nhiệm vụ chính của họ” (số 39). Vì lý do này , Đức Thánh Cha đã đưa ra những kết luận: “Linh đạo linh mục tự bản chất gắn với Thánh Thể. [ ... ] Tôi khuyên các linh mục về “việc cử hành Thánh Lễ hàng ngày, ngay cả khi không có sự tham gia của các tín hữu” (Dự luật 38 của Thượng Hội Đồng Giám Mục). Đề nghị này là phù hợp với giá trị khách quan vô hạn của mọi cử hành Thánh Thể , và sau đó ta suy ra lý do từ hiệu quả tinh thần độc đáo của việc này, bởi vì, nếu Thánh Lễ được sống với sự chú ý và đức tin, sẽ giúp huấn luyện (trong ý nghĩa sâu xa nhất của thuật ngữ này) các linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và củng cố họ trong ơn gọi của mình” (số 80 ).
Kế thừa những huấn dụ này, Cẩm nang Mục vụ và đời sống linh mục (Direttorio per il ministero e la vita dei presbiteri) do Thánh Bộ Giáo sĩ xuất bản, trong một phiên bản gần đây (2013), trong số 50 - liên quan đến mục Các phương tiện cho đời sống tinh thần của các linh mục - nhắc lại: “Điều cần thiết là đời sống cầu nguyện của linh mục không bao giờ thiếu [ ... ] việc cử hành Thánh Thể hàng ngày, với sự chuẩn bị đầy đủ và giây phút Tạ Ơn tiếp theo”.
Những điều này theo những chỉ dẫn của Huấn Quyền gần đây bắt nguồn từ các chỉ dẫn của Công Đồng Vatican II ; tại số 13 của Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis có viết: “Trong mầu nhiệm Hy Tế Thánh Thể, các linh mục thực hiện chức năng chủ yếu của họ trong việc tiếp nối liên tục công trình cứu chuộc của chúng ta, và do đó họ được khuyến khích mạnh mẽ rằng việc cử hành Thánh lễ hàng ngày luôn luôn là một hành động của Chúa Kitô và của Giáo Hội Ngài, ngay cả khi không có các tín hữu tham dự”.
2 . Các lý do mang tính thần học
Các trích dẫn và hướng dẫn trên đây có thể xem là đủ để khuyến khích tất cả các linh mục trung thành với việc cử hành Thánh Lễ hàng ngày (có hoặc không có sự hiện diện của các tín hữu). Tuy nhiên, chúng tôi nói thêm, cách vắn ngọn, những lý do chính làm nền tảng cho sự hướng dẫn thần học và thiêng liêng của Giáo Hội về vấn đề này.
 a) Thánh lễ - Phương tiện “ưu tiên” cho sự thánh thiện của linh mục. Thánh Lễ là “nguồn mạch và đỉnh cao” của toàn bộ đời sống linh mục : linh mục rút ra từ đó sức mạnh siêu nhiên và nguồn nuôi dưỡng tinh thần đức tin mà họ cần để nên giống Chúa Kitô và phục vụ Ngài cách xứng đáng. Như bánh man-na của cuộc Xuất hành đã nuôi dân Chúa nuôi mỗi ngày, linh mục cần uống từ nguồn mạch ân sủng, từ hy tế trên đồi Golgotha, đó là bí tích Thánh Thể. Bỏ qua Thánh lễ hằng ngày - trừ trường hợp bất khả kháng - có nghĩa là đánh mất thức ăn chính cần thiết cho sự thánh thiện của mình và cho sứ vụ tông đồ của Giáo Hội, và có nguy cơ thỏa hiệp với một loại lạc giáo tinh thần (Pelagianesimo), những người tin tưởng vào sức mạnh của con người hơn là hồng ân của Thiên Chúa. (Note: Pelagianesimo, Pelagianism - Chủ nghĩa Pelagiô, Pelagius: lạc thuyết do Pelagius (354?-418?) chủ xướng, cho rằng ở bước đầu ngoài Ân Sủng, con người vẫn có thể tự lực đến với ơn cứu độ).
b) Thánh lễ - Nhiệm vụ chính của linh mục, tương xứng với căn tính của mình. Các linh mục được phong chức chủ yếu là lo việc cử hành Bí Tích Thánh Thể , như thực tế minh định là thừa tác vụ này được thiết lập bởi Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, trong Bữa Tiệc Ly. Cử hành Thánh lễ không phải là việc duy nhất mà linh mục phải thực hiện, nhưng chắc chắn đó là việc chính yếu. Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis trước đây có nhắc nhở : Trong việc dâng Hy Tế Thánh Thể, “linh mục thực hiện chức năng chủ yếu của họ”. Đức Gioan Phaolô II, trong Tông thư Pastores Dabo Vobis (năm 1992) có nhắc lại: “Các linh mục , với tư cách là các Thừa tác viên thánh , họ đặc biệt là các Thừa tác viên của Hy Tế Thánh Lễ” (số 48).
c) Thánh lễ - Hành vi bác ái mục vụ trọn hảo. Không có công việc bác ái nào mà linh mục sẽ làm có lợi cho các tín hữu hơn hoặc có giá trị lớn hơn so với Thánh lễ mà họ dâng. Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta: “Các bí tích khác và tất cả các thừa tác vụ cũng như các công việc tông đồ của Giáo Hội được gắn kết và được thiết lập với Bí Tích Thánh Thể. Thực vậy, Bí tích Thánh Thể hàm chứa mọi lợi ích thiêng liêng của Giáo Hội, là chính Chúa Kitô [ ... ]. Bí Tích Thánh Thể được trình bày như là nguồn mạch và tột đỉnh của tất cả việc Phúc âm hóa (Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 5).
 d) Thánh lễ - Lời cầu nguyện cho những người người đã qua đời. Việc mục vụ của linh mục mà thông thường chỉ có thể tiếp cận các tín hữu đang trong cuộc “lữ hành” (viatores), qua Thánh Lễ có thể vượt lên trên giới hạn của không gian và thời gian. Khi cử hành Thánh lễ thay mặt Chúa Kitô (in persona Christi), linh mục hoàn tất một công trình vượt quá chiều kích và hiệu quả của hoạt động nơi con người, vốn theo giới hạn thời gian, không gian và lịch sử hay theo các ảnh hưởng của nó. Việc cử hành này còn vượt ra ngoài các ranh giới mà con người có thể đạt được . Điều này có được là nhờ giá trị của phần thưởng cao quý mà chính Chúa Kitô trong Thánh Lễ đã dâng lên Chúa Cha cho chúng ta và cho nhiều người. Trong số “nhiều người” mà Chúa Kitô đã hiến tế một lần cho tất cả trên thập tự giá và ngài vẫn tiếp tục hiến lễ của đồi Golgotha trên bàn thánh trong các nhà thờ của chúng ta, có cả những người đã khuất, những người đang chờ đợi để được chiêm ngắm Thiên Chúa muôn đời. Từ lâu, Hội Thánh luôn cầu nguyện cho họ trong phụng vụ, bằng chứng là việc đề cập đến những người đã qua đời trong những lời Kinh nguyện Thánh Thể. “Từ thời xa xưa, Giáo Hội đã tưởng nhớ những người đã chết và cầu  nguyện cho họ, đặc biệt là qua hy tế Thánh Thể, ngõ hầu họ có thể đạt đến hạnh phúc được ngắm nhìn Thiên Chúa” (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo , số 1032).
 
Như thế có biết bao nhiêu việc bác ái mục vụ mà việc cử hành Thánh lễ hàng ngày mang lại, ngay cả trong trường hợp các tín hữu vắng mặt!

No comments:

Post a Comment