25 September, 2013

CỬ HÀNH THÁNH LỄ HÀNG NGÀY


 
Lời ngỏ: Hôm 12 tháng 8 vừa qua, Thánh Bộ Giáo sỹ đã có thư ngỏ về việc cử hành Thánh lễ hằng ngày, ngay cả khi không có giáo dân tham dự. Xin trích dịch và chia sẻ với anh em linh mục để hiểu hơn về tình trạng mục vụ ở nhiều nơi. Từ đó, mỗi người có thể suy tư thêm về sứ vụ mục tử của mình, nhất là trong việc cử hành Thánh lễ hằng ngày. (Lê An Phong,SDB)
Cử hành Thánh Lễ hàng ngày ngay cả trong trường hợp không có các tín hữu tham dự (Thánh Bộ Giáo sỹ - Roma, ngày 12 Tháng 8 năm 2013)
Trong thời gian gần đây , một số linh mục, may mắn là chỉ có một số ít, đã thực hiện việc “kiêng” cử hành Phụng vụ Thánh Thể, và trong thực tế, đó là việc hạn chế theo thời gian hàng tuần hoặc một vài ngày trong tuần việc cử hành Thánh Lễ khi vắng các tín hữu tham dự. Trong vài trường hợp khác, các linh mục không cử hành Thánh lễ mỗi ngày, nếu không có cơ hội để cử hành cho một cộng đoàn. Cuối cùng, một số tin rằng, trong kỳ nghỉ của mình, họ có quyền “không làm việc” và do đó cũng nghỉ luôn việc cử hành Thánh Thể hàng ngày.
Điều gì chúng ta có thể nói về hiện tượng này? Chúng tôi tóm tắt các câu trả lời dựa trên hai điểm qui chiếu: Huấn Quyền và Thần học.
1 . Huấn Quyền
Không gì phải nghi ngờ vì trong các tài liệu của Huấn Quyền, việc cử hành Thánh Lễ hằng ngày không được xác lập như là nghĩa vụ nghiêm ngặt đối với các linh mục, nhưng cũng không kém phần rõ ràng rằng đó là điều được đề nghị và thậm chí được khuyến khích. Chúng tôi cung cấp một số ví dụ .
 Bộ Giáo Luật năm 1983, trong một khoản cho biết nhiệm vụ của các linh mục là cố gắng nên thánh, có nói rõ: “Các linh mục được kêu gọi để tiến dâng mỗi ngày Hy Tế Thánh Thể” (Can. 276, § 2 n. 2 . CIC). Ngay từ thời khởi đầu việc huấn luyện, họ đã được chuẩn bị: “Việc cử hành Thánh Thể là trung tâm của mọi hoạt động trong chủng viện, để mỗi ngày các chủng sinh [...] kín múc từ nguồn mạch phong phú ấy sức mạnh thiêng liêng cho công tác tông đồ và đời sống tinh thần của họ” ( Can. 246 § 1 CIC).
 Trên cơ sở giáo huấn này, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Việc các chủng sinh tham gia cử hành Thánh Thể mỗi ngày thật là điều thích hợp, để sau này việc cử hành đó sẽ là một quy luật của đời sống linh mục hàng ngày của họ. Họ cũng sẽ được huấn luyện để xem xét việc cử hành Thánh Thể như là thời điểm chính yếu trong một ngày sống của mình” (Angelus, 01.07.1990, số 3) .
 Trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis, năm 2007, Đức Thánh Cha Benedicto XVI chỉ ra rằng “Các giám mục , linh mục và phó tế , tùy theo cấp bậc của mình, phải xem xét việc cử hành các nghi lễ là nhiệm vụ chính của họ” (số 39). Vì lý do này , Đức Thánh Cha đã đưa ra những kết luận: “Linh đạo linh mục tự bản chất gắn với Thánh Thể. [ ... ] Tôi khuyên các linh mục về “việc cử hành Thánh Lễ hàng ngày, ngay cả khi không có sự tham gia của các tín hữu” (Dự luật 38 của Thượng Hội Đồng Giám Mục). Đề nghị này là phù hợp với giá trị khách quan vô hạn của mọi cử hành Thánh Thể , và sau đó ta suy ra lý do từ hiệu quả tinh thần độc đáo của việc này, bởi vì, nếu Thánh Lễ được sống với sự chú ý và đức tin, sẽ giúp huấn luyện (trong ý nghĩa sâu xa nhất của thuật ngữ này) các linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và củng cố họ trong ơn gọi của mình” (số 80 ).
Kế thừa những huấn dụ này, Cẩm nang Mục vụ và đời sống linh mục (Direttorio per il ministero e la vita dei presbiteri) do Thánh Bộ Giáo sĩ xuất bản, trong một phiên bản gần đây (2013), trong số 50 - liên quan đến mục Các phương tiện cho đời sống tinh thần của các linh mục - nhắc lại: “Điều cần thiết là đời sống cầu nguyện của linh mục không bao giờ thiếu [ ... ] việc cử hành Thánh Thể hàng ngày, với sự chuẩn bị đầy đủ và giây phút Tạ Ơn tiếp theo”.
Những điều này theo những chỉ dẫn của Huấn Quyền gần đây bắt nguồn từ các chỉ dẫn của Công Đồng Vatican II ; tại số 13 của Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis có viết: “Trong mầu nhiệm Hy Tế Thánh Thể, các linh mục thực hiện chức năng chủ yếu của họ trong việc tiếp nối liên tục công trình cứu chuộc của chúng ta, và do đó họ được khuyến khích mạnh mẽ rằng việc cử hành Thánh lễ hàng ngày luôn luôn là một hành động của Chúa Kitô và của Giáo Hội Ngài, ngay cả khi không có các tín hữu tham dự”.
2 . Các lý do mang tính thần học
Các trích dẫn và hướng dẫn trên đây có thể xem là đủ để khuyến khích tất cả các linh mục trung thành với việc cử hành Thánh Lễ hàng ngày (có hoặc không có sự hiện diện của các tín hữu). Tuy nhiên, chúng tôi nói thêm, cách vắn ngọn, những lý do chính làm nền tảng cho sự hướng dẫn thần học và thiêng liêng của Giáo Hội về vấn đề này.
 a) Thánh lễ - Phương tiện “ưu tiên” cho sự thánh thiện của linh mục. Thánh Lễ là “nguồn mạch và đỉnh cao” của toàn bộ đời sống linh mục : linh mục rút ra từ đó sức mạnh siêu nhiên và nguồn nuôi dưỡng tinh thần đức tin mà họ cần để nên giống Chúa Kitô và phục vụ Ngài cách xứng đáng. Như bánh man-na của cuộc Xuất hành đã nuôi dân Chúa nuôi mỗi ngày, linh mục cần uống từ nguồn mạch ân sủng, từ hy tế trên đồi Golgotha, đó là bí tích Thánh Thể. Bỏ qua Thánh lễ hằng ngày - trừ trường hợp bất khả kháng - có nghĩa là đánh mất thức ăn chính cần thiết cho sự thánh thiện của mình và cho sứ vụ tông đồ của Giáo Hội, và có nguy cơ thỏa hiệp với một loại lạc giáo tinh thần (Pelagianesimo), những người tin tưởng vào sức mạnh của con người hơn là hồng ân của Thiên Chúa. (Note: Pelagianesimo, Pelagianism - Chủ nghĩa Pelagiô, Pelagius: lạc thuyết do Pelagius (354?-418?) chủ xướng, cho rằng ở bước đầu ngoài Ân Sủng, con người vẫn có thể tự lực đến với ơn cứu độ).
b) Thánh lễ - Nhiệm vụ chính của linh mục, tương xứng với căn tính của mình. Các linh mục được phong chức chủ yếu là lo việc cử hành Bí Tích Thánh Thể , như thực tế minh định là thừa tác vụ này được thiết lập bởi Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, trong Bữa Tiệc Ly. Cử hành Thánh lễ không phải là việc duy nhất mà linh mục phải thực hiện, nhưng chắc chắn đó là việc chính yếu. Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis trước đây có nhắc nhở : Trong việc dâng Hy Tế Thánh Thể, “linh mục thực hiện chức năng chủ yếu của họ”. Đức Gioan Phaolô II, trong Tông thư Pastores Dabo Vobis (năm 1992) có nhắc lại: “Các linh mục , với tư cách là các Thừa tác viên thánh , họ đặc biệt là các Thừa tác viên của Hy Tế Thánh Lễ” (số 48).
c) Thánh lễ - Hành vi bác ái mục vụ trọn hảo. Không có công việc bác ái nào mà linh mục sẽ làm có lợi cho các tín hữu hơn hoặc có giá trị lớn hơn so với Thánh lễ mà họ dâng. Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta: “Các bí tích khác và tất cả các thừa tác vụ cũng như các công việc tông đồ của Giáo Hội được gắn kết và được thiết lập với Bí Tích Thánh Thể. Thực vậy, Bí tích Thánh Thể hàm chứa mọi lợi ích thiêng liêng của Giáo Hội, là chính Chúa Kitô [ ... ]. Bí Tích Thánh Thể được trình bày như là nguồn mạch và tột đỉnh của tất cả việc Phúc âm hóa (Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 5).
 d) Thánh lễ - Lời cầu nguyện cho những người người đã qua đời. Việc mục vụ của linh mục mà thông thường chỉ có thể tiếp cận các tín hữu đang trong cuộc “lữ hành” (viatores), qua Thánh Lễ có thể vượt lên trên giới hạn của không gian và thời gian. Khi cử hành Thánh lễ thay mặt Chúa Kitô (in persona Christi), linh mục hoàn tất một công trình vượt quá chiều kích và hiệu quả của hoạt động nơi con người, vốn theo giới hạn thời gian, không gian và lịch sử hay theo các ảnh hưởng của nó. Việc cử hành này còn vượt ra ngoài các ranh giới mà con người có thể đạt được . Điều này có được là nhờ giá trị của phần thưởng cao quý mà chính Chúa Kitô trong Thánh Lễ đã dâng lên Chúa Cha cho chúng ta và cho nhiều người. Trong số “nhiều người” mà Chúa Kitô đã hiến tế một lần cho tất cả trên thập tự giá và ngài vẫn tiếp tục hiến lễ của đồi Golgotha trên bàn thánh trong các nhà thờ của chúng ta, có cả những người đã khuất, những người đang chờ đợi để được chiêm ngắm Thiên Chúa muôn đời. Từ lâu, Hội Thánh luôn cầu nguyện cho họ trong phụng vụ, bằng chứng là việc đề cập đến những người đã qua đời trong những lời Kinh nguyện Thánh Thể. “Từ thời xa xưa, Giáo Hội đã tưởng nhớ những người đã chết và cầu  nguyện cho họ, đặc biệt là qua hy tế Thánh Thể, ngõ hầu họ có thể đạt đến hạnh phúc được ngắm nhìn Thiên Chúa” (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo , số 1032).
 
Như thế có biết bao nhiêu việc bác ái mục vụ mà việc cử hành Thánh lễ hàng ngày mang lại, ngay cả trong trường hợp các tín hữu vắng mặt!

24 September, 2013

VIẾT TỪ QUÊ HƯƠNG CHA ANDREJ MAJCEN - NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH


Ngày thứ nhất – 06.09.2013
Tôi đã nghe nói nhiều đến Cha Andre Majcen và từ lâu đã có “cám dỗ” muốn đi qua Slovenia một chuyến, đến thăm quê hương của ngài. Giây phút ước mơ ấy giờ nầy đã thành sự thật, khi tôi bước vào cộng đoàn nơi ngài đã sống những năm cuối đời ở Ljubljana.
 
Cộng đoàn saledieng nằm yên tĩnh trên ngọn đồi. Thấp thoáng ẩn mình sau các tán cây rừng sát chân đời  là tháp chuông của nhà thờ giáo xứ. Không khí ở đây trong lành và thanh bình thật sự. Cộng thể không lớn nhưng bao gồm các công cuộc khác nhau, và qua lời giới thiệu của một anh em SDB đang theo học Thần học ở Crocetta, tôi được biết rằng các SDB ở đây đang bận rộn với nhiều hoạt động khác nhau, nhất là sau kỳ sinh hoạt hè, và bây giờ họ chuẩn bị cho năm học mới, khi các lớp giáo lý và các hoạt động của Nguyện xá bắt đầu trở lại nhịp bình thường.
Khắp nơi trong nhà, tôi nhìn thấy hình ảnh của cha Andre Majcen. Người ta nhìn ngài như nhìn vào một nhân chứng của tinh thần truyền giáo saledieng. Trong lời kinh nguyện của Cộng thể, tôi nghe được cả lời cầu nguyện cho việc phong thánh, và cùng cha Andrej Majcen, tên “Việt nam” được nhắc đến trong lời kinh nguyện như một nét đặc biệt của sứ mệnh truyền giáo saledieng mà ngài đã thao thức và đã sống trọn cuộc đời mình vì nó. Tôi cảm nghiệm  mối thân tình với các sdb ở đây vì mình cũng chính là một trong những người con của cha Andrej Majcen.
Ngay từ khi mới đến, tôi ao ức đi thăm ngay Bảo
tàng của cha Andrej Majcen. Kết quả là sau gần 3 tiếng đồng hồ, tôi đã tận mắt nhìn ngắm các hiện vật, liếc qua những cuốn sổ tay, những bản thảo đánh máy, viết tay (tất cả gồm khoảng 6500 trang) mà ngài đã sử dụng để ghi chép tất cả mọi sự. Nhất là qua những trang giấy hay các trang sách được đánh dấu chi chít xanh đỏ, tôi có thể hình dung ra thế nào cung cách làm việc trung thành và nghiêm túc của ngài theo những định hướng thiêng liêng mà ngài đặt ra cho mình. Những ngày kỷ niệm lãnh nhận bí tích Rửa tội, ngày tuyên khấn lần đầu, ngày thụ phong linh mục, ngày đi truyền giáo… được ngài ghi chép và trang trí, trình bày cách đặc biệt hơn. Ngài nhớ đến những dịp lễ  ấy trong niềm xác tín về ơn gọi và sứ mệnh làm người loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô.

Thật ngạc nhiên khi nhìn thấy khối lượng đồ sộ về bưu ảnh, hình chụp, vật lưu niệm, thư từ mà Cha Andre Majcen còn giữ lại. Có khoảng 1500 lá thư gởi đến cho ngài từ Trung hoa và từ Việt nam. Trong những lá thư này, người ta gọi ngài là “Don Bosco của Việt nam”, “Mose”, “Cha già dấu yêu”… Nhìn những phong bì đã cũ với những con tem đơn sơ có mặt mấy chục năm trước khi tôi ra đời đến những bưu thiếp mới nhất trong thời gian mà tôi bắt đầu tìm hiểu về ơn gọi saledieng mà lòng mình khâm phục. Đây chắc chắn phải là một con người có trái tim rộng mở và có một khả năng tương giao rất tốt mới có thể chinh phục cõi lòng nhiều con người như vậy.

Dù xa cách về địa lý, nhưng trong tâm tình mến yêu Việt nam, đất truyền giáo của ngài, hình như mọi sự trở nên gần gũi lạ thường. Hình ảnh những hội viên trẻ, những công cuộc mới, những ngôi nhà đang xây dựng, những hoạt động của các SDB Việt nam đã được các bề trên tiếp tục gởi về cho ngài từ sau năm 1976 đến khi ngài qua đời năm 1999. Vị cha già vẫn tiếp tục ghi chi chít những chú thích bên sau những tấm hình tên người này người kia. Có lẽ ngài còn nhớ các bộ mặt học trò xưa và khi nhìn thấy họ lớn lên trên con đường dấn thân theo Don Bosco ngài đã vui mừng khôn tả. Người ta kể rằng dù mệt nhọc vì tuổi tác và sức khoẻ, nhưng nghe đến tên “Việt nam” là ngài bừng dậy cách lạ thường. Lửa nhiệt tâm của nhà truyền giáo có lẽ đã được hun đúc thường xuyên vì lòng yêu mến cách đặc biệt này đối với Việt nam. Cám ơn vị truyền giáo đã mang lửa Chúa Kitô cho tôi.
Ngày thứ hai – 07.09.2013
Tôi dự lễ khấn trọn của hai hội viên trẻ người Slovenia. Thánh lễ trang trọng, ấm tình gia đình. Dù không hiểu được hết tiếng slovenia nhưng tôi vẫn có thể theo dõi và tham dự lễ nghi sốt sắng. Dòng thánh nhạc có nét rất đặt thù, êm dịu mang nét bình ca của Slovenia. Ban nhạc trẻ với piano, guitare thùng, trống jazz, guitare bass, 3 giọng nữ solist và nhóm bạn trẻ ca đoàn hoà theo phong cách air classic tạo thêm sự tươi tắn mà vẫn giữ được nét thánh thiện, êm đềm.
Nghi thức có phần sinh động thêm vì được chêm vào những phần minh hoạ bằng bài hát và cử điệu của nhóm sinh động viên trẻ trong phần thống hối đầu lễ và lúc mọi người chúc bình an cho nhau.
Thánh lễ kết thúc trong an bình và niềm vui. Sau Thánh lễ, mọi người tham dự một chút giải khát và trò chuyện với nhau bên ngoài sân nhà thờ. Cộng thể và gia đình của hai hội viên khấn trọn mừng tiệc trong Nhà cơm của Cộng đoàn ở  Rakovnik.
Mọi sự diễn ra trong bầu khí ấm cúng và đầy tình gia đình. Đủ biết là tinh thần saledieng dù ở đâu vẫn giữ được nét tươi trẻ vốn có của Don Bosco.
 Ngày thứ ba – Chúa Nhật 08.09.2013
Buổi sang: tham dự Thánh lễ lúc 10giờ cùng với anh em SDB và Nguyện xá. Thánh lễ Chúa nhật cũng trang nghiêm và ấm cúng. Nhiều gia đình trẻ đưa con đi dự lễ Chúa nhật.
Buổi chiều, chúng tôi đi thăm phần mộ của cha Andrej Majcen. Trong nghĩa trang yên lặng của thành phố Ljubliana, một góc phía sau có khu dành riêng cho các SDB. Tại đó, một tượng đài kéo dài như tấm áo choàng, một đầu có tượng Don Bosco cùng với một SDB, đầu kia là Mẹ Phù hộ ôm choàng một SDB khác. Trên tường có những tấm bia khắc tên những SDB đã qua đời từ nhiều năm nay. Có cả một tấm bia lớn ghi gần 40 tên của các SDB đã bị sát hại trong Thế chiến thứ II, từ 1939 đến 1945.

Bia mộ của cha Majcen nằm hàng ngoài như một trụ cây vuông mang hình thánh giá bốn mặt, với tấm bia dật phía trước có dòng chữ khắc tên ngài, Tôi tớ Chúa Andrej Majcen, Nhà truyền giáo. Tôi đã cầu nguyện với Mẹ Maria, cũng nhờ lời chuyển cầu của cha Andrej Majcen cho Tỉnh dòng Việt nam, cho các tập sinh, cho anh em hội viên đang gặp khó khăn và tâm –thể lý trong ơn gọi, cách riêng cho cha Anton Dậu và sức khoẻ của ngài. Biết đâu lời nguyện cầu trong đơn sơ  và phó thác có thể biến một điều khó khăn và không thể thành có thể và … thành phép lạ! Hy vọng vậy!
Buổi chiều, cuộc hành trình được tiếp tục với việc tham dự nghi thức khánh thành Trung tâm Mục vụ giới trẻ mới ở Maribor, quê nhà của cha Majcen nơi ngài sinh ra và sau đó làm thầy giáo ở đó. Một trung tâm trẻ đồ sộ của saledieng đang được xây dựng. Dự án kể ra rất lớn và được các SDB chờ đợi từ hai mươi mấy năm rồi. Vì lý do “khủng hoảng kinh tế”, nên người ta chỉ đang dừng lại ở phần thứ nhất, khu nhà cộng thể và các phòng sinh hoạt, phòng giáo lý. Nhà thờ  và các phần còn lại vẫn  còn dang dở. Có thể còn mất vài năm nữa để hoàn thành toàn bộ công trình.
Sau nghi thức khánh thành, chúng tôi theo cha Tone Ciglar, “chuyên viên” về cha Majcen của Tỉnh dòng Saledieng Slovenia đi thăm ngôi nhà chung cư nơi cha Majcen ra đời. Vì là khu chung cư một thời và người ta vẫn tiếp tục sử dụng cho đến nay, cho dù bên ngoài đã rất cũ. Theo lời cha Ciglar, dấu tích về nơi sinh ra của cha Majcen chỉ còn mờ nhạt sau bao lần thay đổi chủ nhân của căn hộ chung cư. Ngài hy vọng một ngày không xa, con đường trước mặt sẽ mang tên Andrej Majcen. Tuy nhiên chuyện đó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác nữa, từ việc liên quan đến chính quyền địa phương lẫn việc phong thánh…
Chúng tôi trở về lại Cộng thể Rakovnik sau khi làm cuộc hành trình đi và về tổng cộng 260 km. Cảnh chiều tà thanh bình và không khí trong lành, mát mẽ cũng làm cho lòng người cảm thấy bình an, nhẹ nhàng, thanh thãn luôn. Tạ ơn vì một ngày trôi qua trong an bình và niềm vui được gặp gỡ nhiều con người tốt bụng và thân thiện.

 Ngày thứ tư – 09.09.2013
Hôm nay trời mưa khá nặng hạt, chúng tôi phải chờ đến hơn 10 giờ sáng mới có thể đi ra ngoài được. Chúng tôi đến một địa điểm ngoài thành phố Ljubljana, cách nhà khoảng 15km, thăm một Trường Trung học nội trú của saledieng. Trường này nằm giữa cánh đồng rộng lớn, và hiện tại có khoảng 300 em học sinh cấp III, hơn 200 ở lại trong nhà trường, 100 em khác đi về nhà sau khi học xong. Trường này trước đây được xây dựng cho các ứng sinh linh mục (tư giáo), từ năm 1967 đến 1991. Từ 1991 đến nay dành cho học sinh trong vùng.
Lối kiến trúc của trường khá hiện đại và rất thân thiện từ hành lang cho tới phòng sinh hoạt. Trong trường có cả một quán bar nhỏ của sinh viên, các phòng tập thể dục thể hình… Chúng tôi đã gặp và chụp hình chung với một lớp học sinh nhân lúc nghĩ giải lao.
Ở đây có một khu nhà nhỏ mang tên cha Andrej Majcen. Khu này là chổ mà cha Andrej đã ở một thời gian sau khi ngài rời đất truyền giáo châu Á, tá túc một thời gian và làm việc ở Italia. Hiện nay ngôi nhà được mang tên ngài và được sử dụng cho các nhóm tĩnh tâm.
Buổi chiều, trời vẫn tiếp tục mưa. Chúng tôi đi lên vùng hồ Bled.
Trước khi đến đó, chúng tôi ghé vào thăm viếng và cầu nguyện nơi trung tâm Đức Mẹ Hằng cứu giúp. Đây là trung tâm Thánh Mẫu của nước Slovenia do dòng các cha Capucino chăm sóc và điều hành. Tuy không lớn nhưng mọi sự được bày trí ngăn nắp. Có rất nhiều chứng từ và các bảng tạ ơn được gắn cao lên tận trần nhà quanh đài Đức Mẹ. Nhiều chùm tóc vàng tết đuôi sam được lòng trong khung kính dâng cho Đức Mẹ kèm theo những lời khấn hứa đặc biệt. Có lẽ có ai đó muốn hy sinh vẻ đẹp của mình vì một việc làm trọng đại hoặc dâng hiến cuộc đời cho Chúa!
Hồ Bled có nguồn nước tự nhiên phun trào từ trong lòng đất. Nước trong xanh nhìn thấy đáy. Quanh hồ nhiều khu nhà nghỉ, đường đi dạo. Ngay chính giữa hồ có một ốc đảo nhỏ mộ một ngọn tháp nhà thờ vươn cao trên mặt nước xanh phẳng lặng. Chúng tôi đi bộ dạo quanh một vòng, leo lên trên đỉnh một ngọn đồi gần đó để có thể nhìn toàn cảnh. Thiên nhiên hiền hoà và tuyệt đẹp ngay cả khi trong ngày trời xám xịt vì những đám mây mang mưa nặng hạt.
Chúng tôi ghé lại thăm một cộng đoàn FMA và một SDB đang làm việc ở đó, thăm khu nhà Tĩnh tâm của họ, trò chuyện và giải khát rồi quay về nhà dưới làn mưa xám. Một ngày trôi qua nhanh chóng và bình an.
 Ngày thứ năm – 10.09.2013.  Đi dạo và thăm thành phố Ljubljana, thủ đô của nước Slovenia.
Hơn 20 năm trước đây, Slovenia là một phần trong nước Nam Tư -Jugoslavia. Câu chuyện chiến tranh, chính trị kinh tế và những thay thế về quyền lực của Slovenia liên quan đến nhiều phía quyền lực trong chiến tranh thế giới thứ II, đến chủ nghĩa dân tộc, nhưng xem ra lòng yêu mến tự do và khát khao hạnh phúc, hoà bình là điểm để các dân tộc ở đây tách ra khỏi những cản trở có tính cực đoan của bất cứ chủ thuyết chính trị nào để bước đi trên con đường tiến bộ.
Thủ đô Ljubjiana mang dáng dấp kiến trúc thật đẹp, phần trung tâm lịch sử hoà nhập giữa phong cách roma và slavơ với những vòm cột và mái nhà bằng. Rừng cây xanh giữa thành phố, những ngọn đồi sát bên cạnh các toà nhà…tạo ra vẻ tươi xanh. Thiên nhiên ở đây tươi tốt và con người ở Slovenia được gần gũi với rừng cây hoa lá cũng tỏ ra vẻ nhẹ nhàng.
Trở lại Italia...
...Một năm học mới bắt đầu. Trên xe lửa, tôi suy nghĩ miên man trong đầu mình.  Tôi thấy mình “mang nợ”của nhiều người, nợ từ những người thân thương trong gia đình, nợ từ những ngừoi cho mình kiến thức, nợ từ những người trao ban niềm tin và ơn gọi. Tôi nợ tất cả mọi người, tôi phải sống làm sao để trả cho hết mọi sự đây?
Lại một cuộc hành trình dài trong chuổi ngày liên tục để sống và tạ ơn.
 
(Lê An Phong, SDB - 09.2013)

GIÁO DỤC THEO KINH NGHIỆM CỦA DON BOSCO – NÓI VỚI NGƯỜI TRẺ VỀ THIÊN CHÚA


Khi nói đến việc giáo dục giới trẻ theo kinh nghiệm của Don Bosco, chúng ta không thể không  nhắc tới Hệ thống giáo dục Dự phòng. Nét căn bản mà chúng ta có thể nhớ là trong hệ thống giáo dục này, có ba yếu tố quan trọng: Ái (Đức ái, tình yêu thương), Trí (lý trí, suy nghĩ) và Đạo (Tôn giáo, cảm thức về siêu nhiên và sự linh thánh). Với Don Bosco, yếu tố tôn giáo trong hệ thống giáo dục của ngài được đặt trên nền tảng đạo đức Kitô giáo. Ngày nay, đối với các tu sĩ salêdiêng đang làm việc cho giới trẻ khắp nơi trên thế giới và cho tất cả những ai muốn cộng tác với họ vào việc giáo dục thanh thiếu niên theo kiểu thức của Don Bosco, “Đạo” là những gì có liên quan đến niềm tin tôn giáo mà họ phải giúp người trẻ biết và sống.

 
Một vài thách đố cho chúng ta ngày nay

 Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng như hôm nay, khắp nơi, ta có thể quan sát và nhận thấy có hiện tượng rằng: người ta đang tìm cách loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống cá nhân và xã hội vì nhiều lý do khác nhau. Cách chung, đó là thái độ xem nhẹ những ràng buộc về lương tâm hay luân lý để sống theo những gì là duy vật chất và với sự tự do quá trớn. Người cảm thấy không cần phải nói đến Thiên Chúa. Nhiều nơi, người trẻ không được giáo dục về tôn giáo hay về đời sống đạo đức hoặc về mặt tinh thần một cách đầy đủ. Lý do là vì từ những suy nghĩ muốn tục hóa hay vô thần hóa theo những cách khác nhau, niềm tin siêu nhiên và đời sống đạo đức thiêng liêng không được xem như là một yếu tố quan trọng trong việc rèn nhân cách. Hậu quả như thế nào đối các thế hệ tương lai? Có lẽ chẳng cần phải đợi đến vài chục năm sau mà từ bây giờ ta có thể thấy rồi. Lời cảnh báo và kêu cứu đang vang lên khắp nơi. Thực tế dễ thấy là trong bối cảnh của xã hội bị chi phối bởi bạo lực, dối trá và sự cuốn hút của vật chất, một số sống thờ ơ với những gì là nhân đức, là tình người. Số khác không muốn chọn lối sống theo lương tâm ngay chính vì “dễ bị thua thiệt” hoặc cảm thầy bị “gò bó”, đã trở nên gian dối và coi thường cả những gì cao cả nhất thuộc về quyền làm người.

Tất cả chúng ta và con người mọi nơi, mọi thời luôn đi tìm kiếm hạnh phúc. Cách này hay cách khác, kinh nghiệm sống dạy cho người ta biết rằng hạnh phúc thật không nằm ở tiền bạc, của cải vật chất, mà ở một kết cuộc sâu xa hơn, bền vững hơn, trường tồn hơn nằm ngoài quyền lực của con người và thế giới vật chất. Cuộc sống và cách sống của con người hệ tại vào những gì họ tin là quan trọng và siêu việt. Thật vậy, hành vi và lối sống đạo đức thật của con người được đặt trên nền tảng tâm linh: niềm tin vào một Đấng tối cao, tin “Ông Trời” hay tin vào một Thiên Chúa. Không có Thiên Chúa, mọi sự có thể trở nên “khó khăn” hơn. Ta có thể mượn lời của L. Tolstoi: “Không có Thiên Chúa mọi sự đều có thể”, kể cả những việc ác độc nhất mà con người gây ra cho nhau. Không có sự hiện diện của Thiên Chúa, con người trở thành lang sói của nhau.

Thực tế nầy là một thách đố lớn cho các nhà giáo dục kitô giáo vì họ phải luôn làm lại từ đầu việc gieo mầm đức tin. Mà những khó khăn ấy có thể làm những nhà giáo dục theo tinh thần của Don Bosco bị rơi vào tình trạng bế tắc hay bi quan hay không? Chúng ta không muốn bàn nhiều hay đổ lỗi cho các yếu tố hoàn cảnh khách quan hay trở ngại bên ngoài dù chúng có ảnh hưởng khá mạnh trên việc giáo dục Đức Tin. Điều cần lưu tâm và cần nói tới ở đây là những khó khăn có tính nội tại; đó là khó khăn từ bản thân những nhà giáo dục Đức Tin và từ phía các bậc phụ huynh. Hãy quay trở lại với kinh nghiệm của Don Bosco.

 
Từ kinh nghiệm của Don Bosco

 Trở lại với lịch sử thành phố Torino, miền Bắc nước Italia cách đây hơn 150 năm, ta có thể hiểu được kinh nghiệm của Don Bosco. Đố là những năm đất nước Italia bước vào thời công nghiệp hóa. Thành phố Torino biến mình thành một trung tâm công nghiệp. Bao nhiêu bạn trẻ bỏ làng quê lên thành phố kiếm sống với mong ước đổi đời. Họ lang thang đây đó tìm công việc và chổ nương thân. Phần lớn các bạn trẻ, vì không có kinh nghiệm sống nơi chốn thành thị đầy phức tạp nên gặp nhiều khó khăn và bị nhiều kẻ xấu lợi dụng, hoặc bị giới chủ bốc lột sức lao động. Số đông trong họ không tìm được công việc hay nơi trú ngụ thích hợp, đã sa chân vào con đường phạm pháp. Đối với phần đông các bạn trẻ, cuộc sống khốn cùng cũng đã khiến nhiều người trong họ mất dần niềm tin vào Thiên Chúa và cả lòng tin vào con người; họ mất dần hy vọng.

Chính quyền dân sự ở thành phố Torino lúc đó phải thích ứng với điều kiện kinh tế, chính trị trong bước chuyển mình. Họ có nhiều việc để làm với xã hội đang thay đổi. Và người ta không có đủ thời gian lẫn khả năng để giải quyết các tệ nạn xã hội. Người ta dùng nhà tù và phương pháp quản lý cứng rắn để thiết lập trật tự và để giải quyết rối loạn xã hội do vấn đề di dân trẻ. Phần khác, do ảnh hưởng của não trạng thế tục hóa, họ cũng chẳng có mấy thiệm cảm với tôn giáo và hàng giáo phẩm, thậm chí còn muốn “xóa sổ” các dòng tu và các tổ chức hay hạn chế các hoạt động tôn giáo. Cũng vì vậy, những ai dấn thân vào công việc xã hội với lý tưởng tôn giáo đều đã gặp không ít khó khăn. Don Bosco đã bắt đầu công cuộc của Ngài với các bạn trẻ trong tình huống như thế. Xem ra tình trạng ngày ấy ở Torino không khác thời nay bao nhiêu, tại nhiều nơi mà các saledieng đang làm việc cho giới trẻ.

Trong một xã hội có bề dày về truyền thống đạo đức và có nền tảng luân lý kitô giáo lâu đời như ở Italia, tại Torino, Don Bosco đã gặp những cậu bé như kiểu Bartolomeo Garelli. Các bạn trẻ như cậu thời ấy đã bị thiếu hụt nghiêm trọng việc giáo dục Đức Tin: cậu không biết làm dấu Thánh giá hay chẳng đọc thuộc một Kinh Kính mừng. Don Bosco đã không dừng lại ở đó để thở than hay trách móc. Ngài nhận thấy công việc phải làm là phải bắt đầu “nói về Chúa” với các bạn trẻ kiểu này bằng “bài giáo lý đơn sơ nhất”: làm Dấu Thánh giá và cùng nhau đọc một Kinh Kính mừng.

Trong bối cảnh giới trẻ có nhiều “vấn đề” khác về luân lý, Don Bosco đã gặp những “tay anh chị” cầm đầu băng đảng bụi đời như kiểu Michele Magone. Những bạn trẻ thuộc loại này hầu như đã xa rời những chuẩn mực đạo đức bình thường nhất; và tất nhiên, họ chẳng nhớ hay chẳng còn biết gì về Chúa, Mẹ và chẳng cần biết đến thiên đàng hay hỏa ngục. Với họ, Don Bosco đã tìm cách kết bạn và đã có “nhã ý” mời họ đến thăm “nhà” của mình (Nguyện xá đơn sơ ở Valdocco) để xem các bạn trẻ khác của Ngài đang vui chơi, cầu nguyện, chia sẻ tình bạn và sự hiệp thông huynh đệ ra sao. Ngài còn cho họ một chổ trú thân và tìm cách giúp họ học hỏi một nghề nghiệp nào đó để kiếm sống. Bằng cách ấy, qua những mối tương quan rất tình người, qua trò chơi lành mạnh, những giờ huấn nghiệp và những giờ cầu nguyện đơn sơ nhất, Don Bosco đã giúp họ tìm lại và nhận biết Thiên Chúa thâm sâu hơn.

Còn một điều nữa, thời Don Bosco sống, người ta có cái nhìn nghi kỵ với các linh mục, vì rằng một số giáo sỹ hoặc là bị lèo lái theo chân những người quyền quý hoặc là “phò” những kẻ có quyền lực chính trị, hoặc là chống đối ra mặt. Don Bosco, bằng “đường lối chính trị của Kinh Lạy Cha” và bằng thái độ vui tươi, hòa nhã với tất cả mọi người, đã xóa tan mọi nghi kỵ từ nhiều phía. Ngài đã mời mọi người hợp tác vì phần rỗi của các bạn trẻ. Ngài sẵn sàng hợp tác với bất kỳ ai có tâm huyết “vì lợi ích cho giới trẻ”.

Kinh nghiệm quan trọng hơn là chính Don Bosco đã sống và hiện diện với người trẻ. Ngài đã tạo ra mối tương quan thân tình và sự tín nhiệm từ phía các bạn trẻ bằng sự hiện diện của một người cha, người thầy và người bạn. Từ đó, Ngài đã làm hai điều căn bản khác nữa để chuyển tải nội dung Đức Tin: Một là giúp các bạn trẻ ý thức rằng có Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời mình và Thiên Chúa luôn yêu thương họ. Hai là giúp họ sống tương quan với Thiên Chúa bằng lòng biết ơn và cuộc sống thánh thiện của chính bản thân và qua những việc tốt lành mình làm cho người khác. Các bạn trẻ được huấn luyện để trở nên người kitô hữu tốt và là người công dân lương thiện.

Trong mọi hoạt động với người trẻ, chính bản thân Don Bosco luôn là chứng tá sống động và khả tín cho những gì Ngài nói về Chúa, qua lời cầu nguyện, lòng tin tưởng và phó thác vào Chúa Quan phòng, qua tình yêu thương và sự hy sinh vì “phần rỗi linh hồn” của các bạn trẻ. Một cậu bé tốt lành là Domenico Savio đã nắm bắt được điều này nơi Don Bosco qua câu châm ngôn của Ngài “Xin cho tôi các linh hồn”, và cậu hiểu ra rằng: Don Bosco đã làm tất cả chỉ vì muốn cứu phần thiêng liêng, quý giá và mỏng dòn nơi người trẻ: linh hồn của họ. Trong mọi hoạt động, Ngài đã đặt Thiên Chúa làm trung tâm, và vì thế người ta như nhìn thấy bóng dáng của Thiên Chúa - Đấng Vô hình nơi mọi công việc cụ thể của mình.

 
Một vài đề xuất

 Điều gì ta có thể bắt gặp nơi Don Bosco và đâu là kinh nghiệm của Ngài để chúng ta có thể giúp người trẻ nhận ra Thiên Chúa? Làm cách nào để chuyển đạt niềm tin tôn giáo, cách cụ thể hơn, để nói về Thiên Chúa và về Chúa Kitô, nói về tình yêu của Ngài với bạn trẻ thời nay? Có thể chúng ta, những người làm công việc giáo dục Đức tin, cùng chia sẻ vài điều trăn trở hay cùng suy nghĩ những đề nghị sau.

Nơi các môi trường sống, hãy bắt đầu giới thiệu về Chúa từ những lời kinh đơn sơ nhất trong gia đình hoặc nơi sân chơi, bằng một dấu thánh giá trước bữa cơm hay khi khởi sự một công việc, một cuộc chơi, một giờ học… với ý thức giúp cho bạn trẻ niềm xác tín rằng “Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ và sẽ chúc phúc lành cho mọi ngươi”.

Trong các hoạt động cùng giới trẻ, chúng ta cũng có thể lưu tâm hơn điều này. Qua việc tổ chức những cuộc gặp gỡ nhóm và chia sẻ kinh nghiệm sống, hãy giúp các bạn trẻ biết rộng mở tầm nhìn và hiểu hơn về giá trị làm người, nhất là cảm nghiệm niềm vui, nỗi buồn, sự may mắn, điều hạnh phúc của chính mình mà biết sống với lòng biết ơn Thiên Chúa như là “kinh nghiệm đức tin” về Đấng Ban ơn, Đấng là Chân -Thiện -Mỹ; hoặc qua những buổi làm việc thiện nguyện, lúc thăm viếng những người nghèo khổ và bất hạnh, hãy nói cho họ biết thêm về Tình yêu Nhập Thể - Thiên Chúa làm người và sống với con người.

Trong các hoạt động mục vụ: Việc cầu nguyện, cử hành Phụng vụ cũng cần được chuẩn bị với những hình thức sống động hay trang trọng tùy theo tâm tình, theo đối tượng khác nhau và thời điểm thích hợp. Như thế, qua đời sống phụng vụ và các giờ cầu nguyện chúng ta sẽ có thể chuyển tải mạnh mẽ các thông điệp về Đức Tin cho các bạn trẻ. Hãy giúp các bạn trẻ cầu nguyện bằng những lời kinh của chính họ, với hình thức tương hợp với lứa tuổi và tâm lý; hãy làm sao để lời kinh nguyện xuất phát từ những trăn trở của họ được mọi người lắng nghe. Hãy dạy họ biết cách cầu nguyện cho người khác và trong tình hiệp thông họ sẽ cảm thấy Thiên Chúa gần gũi con người nhiều hơn là họ nghĩ.

Đối với nhiều bạn trẻ ngày nay, các phương tiện truyền thông là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ. Việc đầu tư vào địa hạt này cần nhiều thời gian, nhân tài, vật lực. Có nhiều người đang nỗ lực làm việc trong lãnh vực này để chuyển tải những thông điệp về Đức tin qua phim ảnh, thánh nhạc, trang web và cả những tiện ích trên máy vi tính, điện thoại, iPad, iPhone… Không ai khác, chính những người trẻ có tài năng và đạo đức sẽ là “chủ nhân ông” của các phương tiện này, và họ có thể trở nên những “chứng nhân” cho bạn bè cùng trang lứa qua những thông điệp Đức tin được viết nên bằng ngôn ngữ từ chính cuộc sống thường ngày của họ. Tuy nhiên để bạn trẻ có được hành trang như thế, cần có những người “đổ nền” cho họ. Cha mẹ, thầy cô, các linh mục, tu sỹ…phải là những nhà hướng đạo, những người thầy về đạo đức và niềm tin. Còn hơn thế nữa, sự hiện diện của các nhà giáo dục phải là gương chứng tá Tin mừng và là những người bạn đồng hành với người trẻ trên nẽo đường tìm kiếm, nhận biết Thiên Chúa. Điều này luôn là cần thiết và quan trọng, như lời Đức Giáo Hoàng Phaolo VI: “Con người thời nay không cần những thầy dạy. Có chăng, họ cần những thầy dạy là những chứng nhân”.

 
Để kết…

 Ngày nay, khi khắp mọi nơi, mọi người đang đau đầu để đi tìm những giải pháp tốt nhất cho việc giáo dục con người toàn diện, người ta không thể bỏ qua yếu tố niềm tin và nền tảng đạo đức nơi các tôn giáo. Các chỉ số IQ (trí thông minh), EQ (cảm xúc) có thể là một kiểu đo lường khả năng. Điểm số các môn học và bằng cấp có thể là dấu hiệu tốt để tiến thân. Nhưng có lẽ như thế vẫn chưa đủ điều kiện để kiến tạo nét đẹp, sự thịnh vượng và hạnh phúc thật cho cuộc đời. Thật không khôn ngoan và cũng chẳng công bằng khi cho rằng một con người sống có đạo đức, sống theo lương tâm, nhận biết Thiên Chúa tối cao và yêu thương anh em đồng loại là “kẻ lạc hậu” và là “kẻ cản đường phát triển” của xã hội, của nhân loại. Người ta luôn cần có những con người làm thay đổi cuộc đời và bộ mặt thế giới này theo đường lối công bằng, theo nền văn minh của tình yêu thương và tha thứ. Ai thực sự xác tín điều ấy thì hãy lắng nghe và bắt đầu lại việc rao giảng Tin mừng. Hãy tiếp tục nói về Thiên Chúa cho bạn trẻ ngày nay bằng ngôn ngữ của sự cảm thông, của tình yêu thương, của niềm khát vọng chân lý nơi trái tim con người hôm nay qua chứng tá đời sống niềm tin của mình. “Tâm hồn con người khát mong một thế giới nơi tình yêu ngự trị, nơi các ân huệ được chia sẻ, nơi sự hiệp nhất được xây dựng, nơi sự tự do tìm thấy ý nghĩa của nó trong chân lý và là nơi mà căn tính của mỗi người được thể hiện trong một sự hiệp thông, tôn trọng. Đức tin có thể mang lại một câu trả lời cho những mong đợi này. Các con hãy là những sứ giả!”(ĐTC Bênêđictô XVI, Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2009).
(Lê An Phong, SDB)