25 February, 2014

Ý NGHĨA CỦA CHỮ “TÌNH YÊU” THEO SUY NGHĨ CỦA TRẺ EM





Vài lời dẫn nhập

Xin bạn đừng vội lo là làm gì phải nói chuyện tình yêu sớm cho trẻ con vậy, nhưng thế giới của trẻ thơ với những suy nghĩ đơn sơ có thể khiến người lớn phải ngạc nhiên.

Nếu bạn hỏi một người lớn tình yêu là gì, bạn có thể thu lượm được các câu trả lời thành hai loại:
- Những người theo chủ trương “cảm xúc” sẽ cho bạn biết rằng đó là một cảm giác, đôi khi cao quý và đôi khi ngấm ngầm nhưng rất khó để thoát khỏi. Tình yêu làm bạn “ngây dại”.
- Những người theo “lý trí” sẽ cho rằng đó là phản ứng sinh học đơn giản, là chuỗi lực tác động mạnh mẽ có thể đến từ bên ngoài, có thể xâm nhập vào cơ thể theo cơ chế sinh lý (nhờ da, thịt, giác quan…) có thể làm “nhiễu loạn” tinh thần vì những biến đổi tâm lý.

Trong cả hai trường hợp, câu trả lời xuất phát từ kinh nghiệm điển hình của một người đã trải qua một vài năm tháng của cuộc đời. Nhưng còn trẻ em, người có rất ít kinh nghiệm sống, chúng nghĩ gì về chữ “tình yêu”? Một nhóm các nhà nghiên cứu tâm lý đã hỏi các trẻ em từ 4-8 tuổi. Kết quả cho thấy là từ những đứa trẻ ta có thể học hỏi nhiều điều, bởi vì chúng nhìn thế giới này từ một khóe nhìn hoàn toàn khác người lớn. Trẻ em nhìn thấy các chi tiết nhỏ mà người lớn thường bỏ qua. Cách nào đó người lớn đã đánh mất sự thú vị, vẻ đẹp thuần khiết, tính lãng mạn và tính toàn vẹn nơi nhiều sự vật, sự kiện của cuộc sống. Có lẽ vì thế mà chính Đức Giêsu đã nhắc nhở rằng hãy mang lấy tâm hồn trẻ thơ, vì Nước Trời chính là của chúng!


Những gì là ý nghĩa của “tình yêu”theo lời các em?

Khi người ta hỏi các trẻ em để tìm hiểu xem chữ “tình yêu” có ý nghĩa gì đối với chúng. Câu trả lời của các em nhỏ thường sâu sắc và gây bất ngờ hơn so với suy nghĩ của một người lớn. Các câu trả lời như sau sẽ làm bạn ngạc nhiên…

Bài viết bằng tiếng Anh bạn có thể được tìm thấy tại nguồn theo đường dẫn (link) ở đây: http://1stholistic.com/Reading/prose/A2007/liv_what-love-means.htm

Xin giới thiệu với bạn bản chuyển ngữ đơn sơ của chúng tôi.

- “Từ khi bà nội tôi bị bệnh viêm khớp lưng, bà tôi không còn có thể cúi xuống mà sơn móng chân của mình. Vì vậy, ông nội của tôi đã làm việc trang điểm ấy cho bà mỗi lần bà cần, ngay cả khi bản thân ông nội cũng bị bệnh viêm khớp ở cánh tay. Đó là tình yêu”. (Rebecca, 8 tuổi).

- “Tình yêu là khi một cô gái xức nước hoa và một chàng trai cũng xức nước hoa, rồi họ đi ra ngoài với nhau và ngửi mùi nước hoa của nhau”. (Karl, 5 tuổi).

- “Tình yêu là khi bạn đi ăn và bạn muốn dành phần lớn khoai tây chiên của bạn cho ai đó mà không cần chờ đợi người này cho bạn lại một cái gì đó của họ” (Chrissy, 6 tuổi).

- “Tình yêu là những gì làm cho bạn mỉm cười khi bạn đang mệt mỏi”. (Terri, 4 tuổi).

- “Tình yêu là khi mẹ tôi pha cà phê cho cha tôi và nhấp một ngụm trước khi đưa cho ông ấy để đảm bảo rằng hương vị cà phê ngon lành. (Danny, 7 tuổi).

- “Tình yêu là những khi người ta hôn nhau. Rồi sau đó, khi họ mệt mỏi vì hôn, họ muốn ngồi lại bên nhau và nói chuyện. Ba mẹ tôi làm như vậy. Họ trông có vẻ thô tục làm sao khi hôn nhau”. (Emily, 8 tuổi).

- “Tình yêu là những gì ở trong phòng với bạn vào dịp Giáng sinh, sau khi bạn hoàn tất việc mở quà và lắng nghe”. (Bobby, 7 tuổi).

- “Nếu bạn muốn học để yêu tốt hơn, bạn nên bắt đầu với một người bạn mà bạn ghét”. (Nikka, 6 tuổi).

- “Tình yêu là khi bạn nói với một anh chàng rằng bạn thích cái áo thun mà anh đang mặc, và sau đó anh ta mặc cái áo đó mỗi ngày”. (Noelle, 7 tuổi ).

- “Tình yêu giống như một bà lão xinh xắn và một ông lão nhỏ con khi họ vẫn còn làm bạn với nhau, dù sau một thời gian dài họ đã biết nhau”. (Tommy, 6 tuổi).

- “Trong thời gian mà tôi ở một mình trên sân khấu để biểu diễn đàn piano, tôi rất sợ hãi. Tôi nhìn chằm chằm vào tất cả mọi người và họ đang nhìn tôi. Tôi thấy Ba tôi với gương mặt xúc động và nụ cười trên môi. Ba tôi là người duy nhất làm như vậy, và tôi không còn cảm thấy sợ hãi nữa”. (Cindy, 8 tuổi).

- “Mẹ tôi yêu tôi hơn bất kỳ ai khác. Bạn không thấy đó à, chẳng ai ngoài mẹ ra hôn tôi khi tôi ngủ vào ban đêm”. (Clare, 6 tuổi ).

- “Tình yêu là khi mẹ cho ba miếng thịt gà ngon nhất”. (Elaine, 5 tuổi).

- “Tình yêu là khi mẹ nhìn thấy ba nặng mùi và ướt đẫm mồ hôi mà vẫn nói rằng ba là người đàn ông đẹp trai hơn cả Robert Redford* (* Tên một đạo diễn và là diễn viên của điện ảnh Mỹ). (Chris, 7 tuổi)

- “Tình yêu là khi con cún của bạn liếm mặt bạn ngay cả khi bạn để nó một mình cả ngày”. (Mary Ann, 4 tuổi).

- “Tôi biết chị cả yêu thương tôi bởi vì chị mang cho tôi tất cả quần áo cũ của mình rồi chị ra ngoài và mua quần áo mới”. (Lauren, 4 tuổi).

- “Khi bạn yêu ai đó, lông mi của bạn chớp lên chớp xuống và những ngôi sao nho nhỏ nhảy ra khỏi bạn”. (Karen, 7 tuổi).

- “Tình yêu là khi mẹ nhìn thấy ba trong phòng tắm và không nghĩ rằng đó là thô tục”. (Mark, 6 tuổi).

- “Trong thực tế, bạn không nên nói “Tôi yêu bạn” khi bạn không nghĩ như vậy. Nhưng, nếu bạn nghĩ như vậy, bạn nên nói lời đó thường xuyên hơn. Người ta hay quên điều đó lắm!”. (Jessica, 8 tuổi).


Vài lời để kết…

Sau khi đã đọc xong những suy nghĩ của trẻ thơ, xin bạn hãy đừng quên rằng trong mắt chúng, mọi sự đều mang một ý nghĩa đặc biệt và được giải thích với vẻ tinh tuyền vốn có nơi mỗi sự vật.

Bài học giáo dục sâu sắc cho mỗi chúng ta nằm ở sự cảm nhận của các trẻ thơ: cho dù có đôi nét văn hóa tây phương, nhưng suy nghĩ, cảm nhận của các em phản ánh thế giới của người lớn, qua cách mà họ hành xử, nơi lối biểu hiện cảm xúc và hành động hằng ngày.

Dù sao người lớn chúng ta cũng cần  phải nhắc nhở nhau rằng “hãy nêu gương sáng cho trẻ nhỏ”. Chỉ một gương xấu nhỏ của ta cũng có thể hủy hoại một ánh mắt, một tâm hồn trong sáng của trẻ em. “Nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn …, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” (x. Mc 9, 37-42).
(Lê An Phong, SDB)

20 February, 2014

Đọc báo cùng bạn - LUẬN VỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP



(Bài viết của Trần Hữu Quang, Thời Báo Kinh tế Sài gòn,  Thứ Sáu,  31/1/2014)
Cách đây khá lâu, chúng tôi có dịp được nghe kể lại một câu chuyện như sau. Một cán bộ từ chiến khu trở về Sài Gòn sau chiến tranh, khi mướn một ông thợ quét vôi lại căn nhà của mình, đã tỏ ra khá ngạc nhiên vì sau khi quét vôi xong, ông thợ khá đứng tuổi dẫn người cán bộ đi một vòng trong nhà và nói đại ý rằng ông hãy coi kỹ lại đi, chỗ nào ông thấy không ưng ý thì tôi sẽ làm lại ngay. Người chủ nhà ngạc nhiên trước thái độ tận tụy vì công việc của người thợ - một sự tận tụy hoàn toàn mang tính chất tự giác.
Chúng tôi muốn mở đầu bằng câu chuyện có thật trên đây để luận bàn về đạo đức nghề nghiệp. Bài viết này sẽ không đi vào những khía cạnh thực tiễn hay thời sự của vấn đề đạo đức nghề nghiệp, mà chỉ thử nêu lên một vài ý tưởng nhằm mục đích đi tìm coi đâu là những nền tảng của đạo đức nghề nghiệp.
Theo thiển ý chúng tôi, ý niệm về đạo đức nghề nghiệp xuất phát từ hai nền tảng chính, tương ứng với hai vế của cụm từ này, đó là ý nghĩa của lao động và của nghề nghiệp (bàn đến lao động xét như đây là nội hàm then chốt của bất cứ hoạt động nghề nghiệp nào), và ý nghĩa của hành vi đạo đức.

Ý nghĩa của lao động
Có thể nói triết gia người Đức Georg W.F. Hegel là người đầu tiên đã phân tích ý nghĩa của lao động một cách sâu sắc. Trong cuốn Hiện tượng học tinh thần xuất bản năm 1807, ở một mục nổi tiếng đề cập tới mối quan hệ biện chứng giữa người chủ và nô lệ, Hegel viết rằng “kinh qua lao động, ý thức mới đi đến được với chính mình”, tức là “đạt được tự do và giải phóng” theo lời diễn giải của Bùi Văn Nam Sơn. Sở dĩ như vậy là do “lao động kiến tạo hình thể và đào luyện - không chỉ cho đối tượng mà cho cả người lao động”. Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn diễn giải tư tưởng của Hegel như sau: người lao động “mang lại hình thể cho sự vật bằng lao động”, “biến sự vật (ví dụ: một khối gỗ) thành một cái gì khác (ví dụ: bộ bàn ghế), tức cải biến nó “theo hình ảnh của mình”, theo ý đồ hay kế hoạch bằng lao động, bằng sự hiện thực hóa chính khả thể của mình”. Người lao động “tự ngoại tại hóa (hay tự đối tượng hóa, tự xuất nhượng) bằng lao động, và có nghĩa là có thể nhận ra chính mình trong đó” (tức là trong sản phẩm mà mình làm ra) (Bùi Văn Nam Sơn, trong Hegel, 1807).
Trong cuốn Các nguyên lý của triết học pháp quyền (1821), Hegel giải thích thêm rằng những mối tương liên và tương thuộc giữa con người với nhau trong lao động nhằm thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của mình, thông qua sự phân công lao động và sự trao đổi sản phẩm, đã đưa cá nhân hạn hẹp lên bình diện phổ quát.
Theo Trần Văn Toàn, “lao động là thứ hoạt động chân tay có ích lợi, giúp cho người ta làm chủ được thế giới sự vật”, nó “thay đổi môi trường thành thế giới của mình làm ra”, từ đó “lao động là bước đầu và là nền tảng cho văn hóa”. Mặt khác, lao động không chỉ bao gồm mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, mà còn giữa con người với nhau (Trần Văn Toàn, Tìm về ý nghĩa của lao động và kỹ thuật, 2011).

Khái niệm nghề nghiệp-thiên chức trong xã hội hiện đại
Nếu Hegel có công khai triển ý nghĩa của lao động, thì nhà xã hội học Đức Max Weber là người đào sâu ý nghĩa của hoạt động nghề nghiệp xét như là một thiên chức của con người. Trong cuốn Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (1920), Weber đã tìm cách chứng minh rằng tư tưởng đề cao lao động nghề nghiệp của đạo Tin lành ở châu Âu trong những thế kỷ 17-18 đã trở thành một nền tảng tinh thần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở châu lục này.
Khái niệm Beruf của Weber (mà chúng tôi dịch là nghề nghiệp-thiên chức) không phải chỉ có nghĩa là nghề nghiệp (profession hay job, xét như là một hoạt động mưu sinh), mà còn mang ý nghĩa thiên chức. Weber gắn nó với từ calling trong tiếng Anh (đồng nghĩa với chữ Berufung [sự kêu gọi] trong tiếng Đức) và với ý niệm phận sự (Aufgabe), và vì thế khái niệm nghề nghiệp-thiên chức luôn đi đôi với khái niệm bổn phận (Pflicht).
Weber nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần nghề nghiệp-thiên chức trong quá trình hình thành xã hội hiện đại như sau: “Một trong các bộ phận cấu thành của tinh thần tư bản chủ nghĩa hiện đại, và không chỉ của tinh thần này, mà cả của chính nền văn hóa hiện đại, tức là lối sống thuần lý dựa trên ý tưởng Beruf, đã được phát sinh từ tinh thần của nền khổ hạnh Ki-tô giáo”.

Ý nghĩa của hành vi đạo đức theo Kant
Trong cuốn Phê phán lý tính thực hành (1788), triết gia người Đức Immanuel Kant cho rằng để có thể nhận diện được thế nào là một hành vi đạo đức, trước hết cần phân biệt giữa “ý thức hành động phù hợp [bề ngoài] với nghĩa vụ” với “ý thức hành động từ nghĩa vụ”, tức là “chỉ đơn thuần vì quy luật”. Kant cho rằng hành vi có tính luân lý là hành vi được thực hiện “bằng sự tôn kính đối với quy luật (...) và từ lòng kính sợ đối với nghĩa vụ của mình”, chứ không phải là hành vi chỉ có tính chất “hợp” với nghĩa vụ.
Theo Kant, “luân lý là tổng thể những quy luật ra mệnh lệnh vô điều kiện để ta phải hành động theo chúng” (I. Kant, Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu, 1795, B71, dẫn lại theo Bùi Văn Nam Sơn, 2007).
Kant đưa ra ý tưởng quan trọng sau đây để minh định nền tảng của hành vi đạo đức: “Sự tự trị của ý chí là nguyên tắc duy nhất của mọi quy luật luân lý và của mọi nghĩa vụ phù hợp với chúng; ngược lại, sự ngoại trị của sự tự do lựa chọn không chỉ không thể làm cơ sở cho bất kỳ bổn phận nào mà còn đối lập lại với nguyên tắc của bổn phận và với luân lý của ý chí” (Kant, 1788).
Kant còn phân biệt giữa mệnh lệnh giả thiết (“Tôi phải làm điều này bởi vì tôi muốn một điều khác”) với mệnh lệnh nhất quyết (“Tôi phải làm điều này cho dù tôi không muốn một điều nào khác”), và cho rằng chỉ có mệnh lệnh nhất quyết mới làm cho một hành vi trở thành một hành vi đạo đức thực thụ. Kant đưa ra thí dụ sau đây cho mệnh lệnh giả thiết, tức là mệnh lệnh phụ thuộc vào một mục đích hay động cơ bên ngoài: “Tôi không được nói dối nếu tôi muốn giữ thanh danh của mình”. Nhưng để có được một mệnh lệnh nhất quyết thì phải nói: “Tôi không được nói dối cho dù có làm như vậy tôi cũng không hề bị mất thanh danh” (Kant, 1785, Groundwork of the Metaphysic of Morals).

Trật tự đạo đức và trật tự pháp lý
Trở lại với câu chuyện đạo đức nghề nghiệp. Gần đây trên nhiều diễn đàn, rộ lên cuộc thảo luận về y đức nhân vụ một bác sĩ thẩm mỹ bị bắt vì là nghi can làm chết một bệnh nhân rồi ném xác xuống sông Hồng (Tuổi Trẻ, 22-10-2013). Nhưng phải chăng đó là câu chuyện chỉ liên quan tới đạo đức nghề nghiệp? Thiết tưởng ở đây cần phân biệt giữa trật tự đạo đức và trật tự pháp lý.
Kant từng nhấn mạnh sự khác biệt giữa “tính hợp lệ” của hành động (tức phải hành động phù hợp với nghĩa vụ) với “tính luân lý” (liên quan tới động cơ của hành động). “Luân lý là quy luật cho con người và có chức năng của một sự cưỡng chế từ bên trong. Khi vi phạm các quy luật luân lý, lương tâm giữ vai trò của một quan tòa nội tâm. Ngược lại, pháp lý cưỡng chế con người từ bên ngoài mà không nhất thiết đi kèm với một động cơ nội tâm nào cả” (Bùi Văn Nam Sơn, 2010, Các nguyên lý của triết học pháp quyền, Hegel).
Vụ bác sĩ ném xác xuống sông trước hết cần được xem xét dưới góc độ pháp lý, vì nó liên quan trực tiếp tới những điều khoản nhất định của bộ luật hình sự mà vị bác sĩ này có thể đã vi phạm. Tất nhiên, mọi người có quyền nhân cơ hội này để suy nghĩ về vấn đề y đức, nhưng câu chuyện y đức có lẽ chỉ có thể được thảo luận thấu đáo hơn thông qua nhiều vụ việc khác nữa vốn không trực tiếp liên quan tới khía cạnh pháp lý.
Không ai khen thưởng một người thủ quỹ vì đã không “thụt két”, bởi lẽ việc cất giữ tiền là nhiệm vụ đương nhiên của người này, tức thuộc khía cạnh pháp lý. Cũng tương tự như vậy, không ai tặng huy chương cho một giáo viên ngày nào cũng đến lớp đúng giờ; người giáo viên chỉ được khen thưởng nếu tỏ ra tận tụy với công việc và với học trò chẳng hạn, nghĩa là những hành vi thuộc về trật tự đạo đức của nhà giáo.
Ở đây, cần phân biệt rạch ròi giữa quy chuẩn nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Các quy chuẩn nghề nghiệp là hệ thống các quy tắc và chuẩn mực pháp lý và kỹ thuật mà người lao động buộc phải tuân thủ và thực hiện nếu muốn theo một nghề nào đó (bộ quy chuẩn này có thể do nhà nước hoặc chủ công ty ban hành).
Còn đạo đức nghề nghiệp là hệ thống các chuẩn mực quy định thái độ chủ quan của người lao động trong một ngành nghề nào đó đối với công việc và sản phẩm của mình khi hành nghề. Một cách khái quát, có thể hiểu rằng tinh thần cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp chính là thái độ tận tâm, chuyên cần với công việc vì chính công việc, chứ không vì những mục đích bên ngoài. Chỉ trong chừng mực này, mới có thể hiểu được một cách sâu xa ý nghĩa của lòng yêu nghề.
Có lần một người bạn doanh nhân kể lại cho tôi câu chuyện sau. Để xây dựng một xưởng chế tác đá quý, anh ta thuê một người thợ đá quý từ Mỹ sang. Sau khi nhận được số bàn chuyên dụng làm bằng gỗ đã đặt đóng tại một cơ sở nghề mộc, anh ta mời ông thợ Mỹ đến kiểm tra. Ông này xem xét mấy cái bàn một hồi, rồi bất ngờ lôi hẳn cái ngăn kéo của một cái bàn ra ngoài, lật ngược lên để săm soi mặt dưới của cái ngăn kéo. Tỏ vẻ khó chịu, ông nói chất lượng của cái bàn như vậy là chưa đạt yêu cầu, vì mặt dưới của cái ngăn kéo chưa được bào cho thật nhẵn (anh bạn của tôi hết sức ngạc nhiên vì lúc sử dụng thì có ai đụng đến mặt dưới của cái ngăn kéo bao giờ!).
Câu chuyện trên cho thấy có lẽ khái niệm đạo đức nghề nghiệp cũng bao hàm cả ý hướng vươn tới sự hoàn hảo. Điều này chỉ có thể xuất phát từ chính lương tâm của người lao động mà thôi, chứ không ai cưỡng ép nổi.

Vài nhận định cuối
Trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam ngày nay, cần xác lập lại quan niệm về đạo đức nghề nghiệp theo hướng đạo đức học nghĩa vụ (deontological ethics) của Kant, nghĩa là chú trọng tới động cơ chủ quan của người lao động, tới lương tâm của cá nhân, tới sự “tôn kính” các quy tắc của bổn phận nghề nghiệp, tận tụy với công việc vì chính công việc, chứ không vì những mục đích ngoại tại như để được lòng người khác, để có tiền, hay để được khen thưởng... - những điều này, nếu có, chỉ là hệ quả của quá trình lao động, chứ không phải là mục tiêu. Có lẽ cần hiểu câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” theo nghĩa đó, chứ không phải có “nghệ tinh” là nhằm để “vinh thân” hay “phì gia”! Ý nghĩa của nhiều phong trào thi đua trong lao động do vậy cần được xem xét lại một cách cẩn thận, vì nếu chỉ dựa trên nguyên tắc “ngoại trị” (theo nghĩa của Kant) mà không chú ý tới động cơ và lương tâm bên trong thì rất dễ rơi vào căn bệnh thành tích và chủ nghĩa hình thức mang tính nông cạn và vô hồn, vô cảm.
Trong mối quan hệ giữa trật tự đạo đức và trật tự pháp lý trong lĩnh vực nghề nghiệp, trật tự pháp lý phải có trước - nghĩa là phải điển chế hóa một cách chặt chẽ các quy chuẩn của từng nghề nghiệp nhất định. Bởi lẽ trật tự đạo đức chỉ có thể hình thành trên cơ sở một trật tự pháp lý lành mạnh và ổn định. Tuy nhiên, trật tự pháp lý chỉ là một chiều kích tối thiểu; muốn xây dựng được một nội lực mạnh (trong một công ty chẳng hạn) thì phải cổ xúy chiều kích đạo đức nghề nghiệp. Những câu chuyện về lòng yêu nghề và ý thức đạo đức nghề nghiệp của những người thợ thủ công Nhật Bản là những bằng chứng minh họa sinh động cho điều này.
Hiểu theo chiều hướng ấy, chúng ta có thể đi đến câu hỏi là phải chăng tình hình suy thoái về đạo đức nghề nghiệp khá phổ biến hiện nay thực ra bắt nguồn sâu xa từ chính sự rạn nứt trong trật tự luật pháp của xã hội, mà vụ bác sĩ thẩm mỹ ném xác xuống sông là một sự kiện có ý nghĩa điển hình?

MÙA CHAY - GIÚP BẠN TRẺ SUY NIỆM VỀ BÍ TÍCH GIAO HOÀ.(Giúp tĩnh tâm cho bạn trẻ)



“Tại sao lại phải đi xưng tội?” Câu hỏi này nghe rất “quen”, không chỉ riêng từ phía người không tin Chúa mà cả từ phía những người kitô hữu. Đối với bạn trẻ là người Ki tô hữu, Bí tích Giao hòa là việc cần thực hành để có một tâm hồn bình an và đời sống tràn đầy ân sủng, có khả năng đổi mới liên tục để tiến bước trong tình yêu và sự hiệp thông cùng Thiên Chúa.
Trong  Mùa Chay này, xin gợi ý sau đây vài điểm từ một vài vấn nạn căn bản về Bí tích Giao hòa, cùng với việc đọc những đoạn Tin Mừng kèm theo, để các bạn trẻ có thể suy tư thêm.

Tôi có tội không? Nếu có, ai có thể tha tội cho tôi?
Chẳng ai trên trần gian này dám nói rằng “tôi là người hoàn toàn vô tội, hoàn toàn trong sạch”. Muốn biết mình “có tội hay không”: chỉ cần suy xét, lắng nghe và lượng định cuộc sống hay hành vi của bản thân theo một vài tiêu chuẩn “đúng - sai”, “tốt - xấu” thông thường nhất là đủ để biết “ta thế nào”. Chúng ta - những người Ki tô hữu - may mắn hơn vì được Thiên Chúa trao ban sự sống, được sinh ra trong tình yêu và lớn lên trong hồng ân của Bí tích Rửa tội. Tiếc thay, việc sa ngã và phạm tội của mỗi người là điều khó tránh được. Tuy vậy, Thiên Chúa đã không bỏ mặc con người trong tội lỗi. Ngài không ngừng mở rộng vòng tay của Người Cha nhân hậu để đón lấy chúng ta, như đón nhận những đúa con sai lầm biết hoán cải. Chính Thiên Chúa là khởi nguồn của Tình yêu, Tha Thứ, và chỉ có Thiên Chúa mới chữa lành tình trạng tội lỗi của chúng ta. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền tha tội. Ngài không kết án ai, trong khi con người có thể kết án nhau vì sự kiêu căng, gian dối, độc ác nơi họ.
*Để suy niệm: Bạn hãy đọc lại Dụ ngôn “Người con hoang đàng” (Lc, 15, 11-32), chuyện người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 1-10), và đoạn thư của Thánh Giacôbê Tông đồ (Gc 4, 1-11).

Thiên Chúa có thể cho tôi nhận biết lòng nhân hậu của Ngài? Tôi có thể tìm thấy dấu hiệu đó ở đâu?
Thiên Chúa muốn tỏ tình yêu và lòng nhân hậu của Ngài theo cách mà Ngài muốn. Điều mà người Kitô hữu cần khám phá về Thiên Chúa Tình yêu nằm trong mầu nhiệm “Con Thiên Chúa làm người” – nơi Đức Giêsu Kitô. Chính Đức Giêsu đã nói cho con người về Thiên Chúa-“Người Cha giàu tình thương”, về việc hoán cải và tha tội, về việc cứu độ bằng Thập giá – lấy Tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa để chiến thắng tội lỗi và sự chết. Chính Đức Giê su đã làm cho con người việc chữa lành, giải thoát họ khỏi ảnh hưởng và hậu quả của sự giữ và tội ác. Qua Đức Giêsu, việc được cứu thoát, được tha tội là điều có thể nhận biết được đối với con người. Gặp gỡ Đức Giêsu, con người được đổi mới chính mình.
*Để suy niệm: Bạn hãy đọc lại các đoạn Tin mừng sau: Đức Giêsu và quyền năng của Người trên sự dữ và tội lỗi (Mt 9, 1-8; Mc 2, 1-12; Lc 5, 17-26). Đức Giêsu đến với người tội lỗi và thay đổi cuộc sống của họ (Mt 18, 12-14; Lc 5, 27-32; Lc 19, 1-10; Ga 3, 16-21; Ga 8, 1-11). Đức Kitô và sự tha thứ của Người từ khổ nạn Thập giá (Lc 23, 32-43).

Mà Chúa Giê su tiếp tục việc tha thứ tội lỗi cho tôi? Ngài hiện diện bây giờ để tha tội cho tôi?
Qua các nhân chứng sống động, cụ thể là qua các môn đệ của Người, Chúa Giêsu tiếp tục ban hồng ân hoán cải, ơn tha thứ và sự bình an qua Bí tích Giao Hòa. Thật vậy, sau khi sống laị từ cõi chết, Người đã truyền lại cho các Tông đồ sức mạnh của Thánh Thần, thiết lập Bí tích Giao Hòa để ban ơn tha tội: “Các con hãy nhận lấy Thánh thần; các con tha tội cho ai thì kẻ ấy được tha, các con cầm buộc tội ai thì tội người ấy cũng sẽ bị cầm buộc” (Ga 20, 22-23). Từ khoảnh khắc đó trở đi, các tông đồ và những người kế vị của các ngài trong Giáo Hội tiếp tục công việc kêu mời và giúp đỡ con người mọi nơi, mọi thời hoán cải và tìm lại hồng ân tha thứ, tìm gặp sự chữa lành thể xác và tâm hồn.
*Để suy niệm: Bạn hãy đọc lại đoạn Tin mừng: Đức Giêsu trao quyền năng của Người trên sự dữ và tội lỗi cho các tông đồ (Mt 18, 15-18; Ga 20, 19-23); hoặc: Sách Tông đồ Công vụ (Cv 3, 1-10).

Cần thiết chăng phải xưng tội với một ai đó (một Giám mục, một linh mục) nếu Thiên Chúa biết tôi thực tâm hoán cải và chính Ngài, chứ không phải ai khác, luôn sẵn lòng tha thứ mọi tội lỗi của tôi?
Đối với nhiều bạn trẻ, việc xưng tội hay bị xem là “chuyện của Đạo theo thói quen”, là “bổn phận” phải làm cho xong để khỏi bị người khác nhắc nhở, là chuyện “giải tỏa tâm lý”, chuyện “hình thức”. Trong khi đó, điều quan trọng mà ta hay quên là việc xưng tội chính là “thực hành một Bí tích”. Về chi tiết của Bí tích này, hãy tìm hiểu thêm theo sách Giáo lý Công Giáo, từ số 1422 đến số 1498.
Chúng ta có thể trở lại với những hiểu biết của riêng mình với những chỉ dạy của Giáo hội về Bí tích Giao hòa để cảm nghiệm giá trị thiêng liêng của Bí tích này: qua các dấu hiệu hữu hình mà Giáo hội cử hành, Thiên Chúa ban ơn Thánh cho tâm hồn ta. “Dấu hiệu hữu hình” được nói đến ở đây là việc đi xưng tội cùng với sự chuẩn bị tâm hồn mình, từ lúc biết nhìn nhận tội lỗi của chính mình, tự xét mình và cảm thấy cần phải nói lời xin lỗi Chúa, muốn trình bày những sai phạm của mình với “một ai đó” có quyền phán xét và quyền tha thứ, lắng nghe những lời khuyên để thay đổi cuộc sống của chính mình,… (Các kiểu nói mà chúng ta hay nghe: “Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Hội Thánh” - qua các giám mục và linh mục, “Hội Thánh nhân danh Đức Kitô tha tội”,…)
Đối với Thiên Chúa, có lẽ Ngài chẳng cần gì từ phía chúng ta ngoài “một tấm lòng tan nát khiêm cung” và biết ăn năn hối lỗi (Tv 50). Chúa Giêsu đã mời gọi mọi người hoán cải và tin vào Tin mừng để được ơn tha tội và được cứu rỗi. Giáo Hội vẫn tiếp tục hướng dẫn rằng: “Trong đời sống hằng ngày, việc hoán cải được thể hiện qua những hành vi giao hoà, lo lắng cho người nghèo, thực thi cũng như bảo vệ công lý và công bình (Am 5,24; Is 1,17) bằng việc thú tội, sửa lỗi cho nhau, xét lại cách sống, xét mình, linh hướng, chấp nhận đau khổ, kiên trì khi bị bách hại vì lẽ công chính. Vác thánh giá mỗi ngày và bước theo Chúa Giêsu là con đường thống hối chắc chắn nhất (Lc 9,23)” (GLCG, số 1435).
Cần chăng các dấu hiệu, các nghi thức, các hành vi có tính cách “hữu hình”… cho con người; vì chúng ta vốn chỉ muốn “nhìn tận mắt, bắt tận tay” mọi sự cùng với “dấu tích”, “chứng cớ”, “cảm nhận trực quan” đó sao! Về khía cạnh này, theo nhân học và tâm lý học, chúng ta có thể hiểu được.
Trong khi cử hành nghi thức Hòa giải, cử hành một “Bí tích” theo đúng nghĩa của từ này như đã nói ở trên, chúng ta vượt ra khỏi giới hạn “giác quan” để cảm nhận bằng “Đức Tin” sự “siêu nhiên” hay một thực tại có tính chất thần linh, vô hình. Bạn có thể thấy các dấu hiệu với ý nghĩa ẩn dấu như: làm dấu Thánh giá (tuyên xưng danh Chúa Ba Ngôi), đấm ngực (tỏ lòng ăn năn), trình bày các tội lỗi bằng lời nói (tỏ lộ sự nhận biết và sự tự do, chân thành để trình bày về điều mình đã sai phạm, những gì mà lòng day dứt, hối hận và muốn thay đổi). Bạn có thể thấy việc xưng tội cũng đi kèm sau đó lời khuyên, việc đặt tay cùng với lời cầu nguyện tha tội của Cha giải tội, lời hứa “đền tội” của bạn hay lòng quyết tâm làm một việc cụ thể nào đó để đổi mới bản thân. Bạn chứng tỏ lòng thành và niềm tin của mình vào ân sủng được lãnh nhận bằng sự hiện diện hữu hình của bạn nơi Tòa Giải tội (chứ không qua điện thoại hay email như nhiều người vẫn muốn!). Bạn đón nhận lời tha thứ và khích lệ từ một con người “được kêu gọi và được chọn” làm mục tử trong Giáo Hội, người đó “thay mặt Chúa Giêsu” cho bạn được nghe lời tha thứ, được cảm nhận tấm lòng và tình yêu thương của Thiên Chúa qua ngôn ngữ hay cử chỉ nhân loại mà bạn hiểu (chứ không phải bằng “lời thì thầm vô hình” của gió, của ý tưởng hay sóng điện từ!) Và cho dẫu vị giải tội nào đó có những giới hạn và lỗi lầm của con người như bạn, vị đó sẽ không gây nên giới hạn gì cho bạn về việc bạn được tha tội, vì chính Thiên Chúa mới là nguồn tác động trực tiếp trên tâm hồn bạn qua khí cụ gián tiếp mà Ngài dùng. Quan trọng bạn phải là một hối nhân thành tâm.
*Để suy niệm: Bạn hãy đọc lại đoạn Tin mừng theo Thánh Mathêu, suy niệm lời của Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô, lời tuyên xưng Đức Tin đến việc lãnh nhận năng quyền tha tội của Phêrô (Mt 16, 13-19).
Một cách nào đó, bạn cũng có thể trải nghiệm điều này: chỉ ai biết hối hận và khiêm tốn, mới có thể được đón nhận sự tha thứ từ phía con người và với con người. Có lẽ với Thiên Chúa, chúng ta không thể suy nghĩ khác hơn: chúng ta cần biết ăn năn và khiêm tốn. Làm sao một kẻ tự cao khi nghĩ rằng: “Tôi chẳng có tội tình gì! Những kẻ khác cũng có ra gì đâu. Tại sao tôi phải xin lỗi, tại sao tôi phải cầu cứu sự tha thứ và tỏ hèn kém, mềm yếu v.v”…lại mong có thể đón nhận được sự tha thứ. Để bình tĩnh nhìn lại mình, hãy cầu nguyện và suy ngẫm một lần nữa Kinh Lạy Cha. Và quan trọng hơn, hãy đến Tòa Giải tội để tìm lại chính mình. Vào nơi đó, bạn chẳng phải là một con người yếu mềm hay hèn kém như nhiều người vẫn suy nghĩ đâu. Bạn phải là một người can đảm mới dám chân nhận những sai lầm của mình. Bạn cũng sẽ là một người rất khôn ngoan, khi từ những sai lầm đã mắc phải, bạn biết tránh xa, biết vượt qua, biết vươn lên, biết hoạch định cho mình một cuộc sống mới trong chính việc đổi mới bản thân mình cùng với Ơn Thánh. “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.(Lê An Phong, SDB).