20 February, 2014

Đọc báo cùng bạn - LUẬN VỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP



(Bài viết của Trần Hữu Quang, Thời Báo Kinh tế Sài gòn,  Thứ Sáu,  31/1/2014)
Cách đây khá lâu, chúng tôi có dịp được nghe kể lại một câu chuyện như sau. Một cán bộ từ chiến khu trở về Sài Gòn sau chiến tranh, khi mướn một ông thợ quét vôi lại căn nhà của mình, đã tỏ ra khá ngạc nhiên vì sau khi quét vôi xong, ông thợ khá đứng tuổi dẫn người cán bộ đi một vòng trong nhà và nói đại ý rằng ông hãy coi kỹ lại đi, chỗ nào ông thấy không ưng ý thì tôi sẽ làm lại ngay. Người chủ nhà ngạc nhiên trước thái độ tận tụy vì công việc của người thợ - một sự tận tụy hoàn toàn mang tính chất tự giác.
Chúng tôi muốn mở đầu bằng câu chuyện có thật trên đây để luận bàn về đạo đức nghề nghiệp. Bài viết này sẽ không đi vào những khía cạnh thực tiễn hay thời sự của vấn đề đạo đức nghề nghiệp, mà chỉ thử nêu lên một vài ý tưởng nhằm mục đích đi tìm coi đâu là những nền tảng của đạo đức nghề nghiệp.
Theo thiển ý chúng tôi, ý niệm về đạo đức nghề nghiệp xuất phát từ hai nền tảng chính, tương ứng với hai vế của cụm từ này, đó là ý nghĩa của lao động và của nghề nghiệp (bàn đến lao động xét như đây là nội hàm then chốt của bất cứ hoạt động nghề nghiệp nào), và ý nghĩa của hành vi đạo đức.

Ý nghĩa của lao động
Có thể nói triết gia người Đức Georg W.F. Hegel là người đầu tiên đã phân tích ý nghĩa của lao động một cách sâu sắc. Trong cuốn Hiện tượng học tinh thần xuất bản năm 1807, ở một mục nổi tiếng đề cập tới mối quan hệ biện chứng giữa người chủ và nô lệ, Hegel viết rằng “kinh qua lao động, ý thức mới đi đến được với chính mình”, tức là “đạt được tự do và giải phóng” theo lời diễn giải của Bùi Văn Nam Sơn. Sở dĩ như vậy là do “lao động kiến tạo hình thể và đào luyện - không chỉ cho đối tượng mà cho cả người lao động”. Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn diễn giải tư tưởng của Hegel như sau: người lao động “mang lại hình thể cho sự vật bằng lao động”, “biến sự vật (ví dụ: một khối gỗ) thành một cái gì khác (ví dụ: bộ bàn ghế), tức cải biến nó “theo hình ảnh của mình”, theo ý đồ hay kế hoạch bằng lao động, bằng sự hiện thực hóa chính khả thể của mình”. Người lao động “tự ngoại tại hóa (hay tự đối tượng hóa, tự xuất nhượng) bằng lao động, và có nghĩa là có thể nhận ra chính mình trong đó” (tức là trong sản phẩm mà mình làm ra) (Bùi Văn Nam Sơn, trong Hegel, 1807).
Trong cuốn Các nguyên lý của triết học pháp quyền (1821), Hegel giải thích thêm rằng những mối tương liên và tương thuộc giữa con người với nhau trong lao động nhằm thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của mình, thông qua sự phân công lao động và sự trao đổi sản phẩm, đã đưa cá nhân hạn hẹp lên bình diện phổ quát.
Theo Trần Văn Toàn, “lao động là thứ hoạt động chân tay có ích lợi, giúp cho người ta làm chủ được thế giới sự vật”, nó “thay đổi môi trường thành thế giới của mình làm ra”, từ đó “lao động là bước đầu và là nền tảng cho văn hóa”. Mặt khác, lao động không chỉ bao gồm mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, mà còn giữa con người với nhau (Trần Văn Toàn, Tìm về ý nghĩa của lao động và kỹ thuật, 2011).

Khái niệm nghề nghiệp-thiên chức trong xã hội hiện đại
Nếu Hegel có công khai triển ý nghĩa của lao động, thì nhà xã hội học Đức Max Weber là người đào sâu ý nghĩa của hoạt động nghề nghiệp xét như là một thiên chức của con người. Trong cuốn Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (1920), Weber đã tìm cách chứng minh rằng tư tưởng đề cao lao động nghề nghiệp của đạo Tin lành ở châu Âu trong những thế kỷ 17-18 đã trở thành một nền tảng tinh thần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở châu lục này.
Khái niệm Beruf của Weber (mà chúng tôi dịch là nghề nghiệp-thiên chức) không phải chỉ có nghĩa là nghề nghiệp (profession hay job, xét như là một hoạt động mưu sinh), mà còn mang ý nghĩa thiên chức. Weber gắn nó với từ calling trong tiếng Anh (đồng nghĩa với chữ Berufung [sự kêu gọi] trong tiếng Đức) và với ý niệm phận sự (Aufgabe), và vì thế khái niệm nghề nghiệp-thiên chức luôn đi đôi với khái niệm bổn phận (Pflicht).
Weber nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần nghề nghiệp-thiên chức trong quá trình hình thành xã hội hiện đại như sau: “Một trong các bộ phận cấu thành của tinh thần tư bản chủ nghĩa hiện đại, và không chỉ của tinh thần này, mà cả của chính nền văn hóa hiện đại, tức là lối sống thuần lý dựa trên ý tưởng Beruf, đã được phát sinh từ tinh thần của nền khổ hạnh Ki-tô giáo”.

Ý nghĩa của hành vi đạo đức theo Kant
Trong cuốn Phê phán lý tính thực hành (1788), triết gia người Đức Immanuel Kant cho rằng để có thể nhận diện được thế nào là một hành vi đạo đức, trước hết cần phân biệt giữa “ý thức hành động phù hợp [bề ngoài] với nghĩa vụ” với “ý thức hành động từ nghĩa vụ”, tức là “chỉ đơn thuần vì quy luật”. Kant cho rằng hành vi có tính luân lý là hành vi được thực hiện “bằng sự tôn kính đối với quy luật (...) và từ lòng kính sợ đối với nghĩa vụ của mình”, chứ không phải là hành vi chỉ có tính chất “hợp” với nghĩa vụ.
Theo Kant, “luân lý là tổng thể những quy luật ra mệnh lệnh vô điều kiện để ta phải hành động theo chúng” (I. Kant, Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu, 1795, B71, dẫn lại theo Bùi Văn Nam Sơn, 2007).
Kant đưa ra ý tưởng quan trọng sau đây để minh định nền tảng của hành vi đạo đức: “Sự tự trị của ý chí là nguyên tắc duy nhất của mọi quy luật luân lý và của mọi nghĩa vụ phù hợp với chúng; ngược lại, sự ngoại trị của sự tự do lựa chọn không chỉ không thể làm cơ sở cho bất kỳ bổn phận nào mà còn đối lập lại với nguyên tắc của bổn phận và với luân lý của ý chí” (Kant, 1788).
Kant còn phân biệt giữa mệnh lệnh giả thiết (“Tôi phải làm điều này bởi vì tôi muốn một điều khác”) với mệnh lệnh nhất quyết (“Tôi phải làm điều này cho dù tôi không muốn một điều nào khác”), và cho rằng chỉ có mệnh lệnh nhất quyết mới làm cho một hành vi trở thành một hành vi đạo đức thực thụ. Kant đưa ra thí dụ sau đây cho mệnh lệnh giả thiết, tức là mệnh lệnh phụ thuộc vào một mục đích hay động cơ bên ngoài: “Tôi không được nói dối nếu tôi muốn giữ thanh danh của mình”. Nhưng để có được một mệnh lệnh nhất quyết thì phải nói: “Tôi không được nói dối cho dù có làm như vậy tôi cũng không hề bị mất thanh danh” (Kant, 1785, Groundwork of the Metaphysic of Morals).

Trật tự đạo đức và trật tự pháp lý
Trở lại với câu chuyện đạo đức nghề nghiệp. Gần đây trên nhiều diễn đàn, rộ lên cuộc thảo luận về y đức nhân vụ một bác sĩ thẩm mỹ bị bắt vì là nghi can làm chết một bệnh nhân rồi ném xác xuống sông Hồng (Tuổi Trẻ, 22-10-2013). Nhưng phải chăng đó là câu chuyện chỉ liên quan tới đạo đức nghề nghiệp? Thiết tưởng ở đây cần phân biệt giữa trật tự đạo đức và trật tự pháp lý.
Kant từng nhấn mạnh sự khác biệt giữa “tính hợp lệ” của hành động (tức phải hành động phù hợp với nghĩa vụ) với “tính luân lý” (liên quan tới động cơ của hành động). “Luân lý là quy luật cho con người và có chức năng của một sự cưỡng chế từ bên trong. Khi vi phạm các quy luật luân lý, lương tâm giữ vai trò của một quan tòa nội tâm. Ngược lại, pháp lý cưỡng chế con người từ bên ngoài mà không nhất thiết đi kèm với một động cơ nội tâm nào cả” (Bùi Văn Nam Sơn, 2010, Các nguyên lý của triết học pháp quyền, Hegel).
Vụ bác sĩ ném xác xuống sông trước hết cần được xem xét dưới góc độ pháp lý, vì nó liên quan trực tiếp tới những điều khoản nhất định của bộ luật hình sự mà vị bác sĩ này có thể đã vi phạm. Tất nhiên, mọi người có quyền nhân cơ hội này để suy nghĩ về vấn đề y đức, nhưng câu chuyện y đức có lẽ chỉ có thể được thảo luận thấu đáo hơn thông qua nhiều vụ việc khác nữa vốn không trực tiếp liên quan tới khía cạnh pháp lý.
Không ai khen thưởng một người thủ quỹ vì đã không “thụt két”, bởi lẽ việc cất giữ tiền là nhiệm vụ đương nhiên của người này, tức thuộc khía cạnh pháp lý. Cũng tương tự như vậy, không ai tặng huy chương cho một giáo viên ngày nào cũng đến lớp đúng giờ; người giáo viên chỉ được khen thưởng nếu tỏ ra tận tụy với công việc và với học trò chẳng hạn, nghĩa là những hành vi thuộc về trật tự đạo đức của nhà giáo.
Ở đây, cần phân biệt rạch ròi giữa quy chuẩn nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Các quy chuẩn nghề nghiệp là hệ thống các quy tắc và chuẩn mực pháp lý và kỹ thuật mà người lao động buộc phải tuân thủ và thực hiện nếu muốn theo một nghề nào đó (bộ quy chuẩn này có thể do nhà nước hoặc chủ công ty ban hành).
Còn đạo đức nghề nghiệp là hệ thống các chuẩn mực quy định thái độ chủ quan của người lao động trong một ngành nghề nào đó đối với công việc và sản phẩm của mình khi hành nghề. Một cách khái quát, có thể hiểu rằng tinh thần cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp chính là thái độ tận tâm, chuyên cần với công việc vì chính công việc, chứ không vì những mục đích bên ngoài. Chỉ trong chừng mực này, mới có thể hiểu được một cách sâu xa ý nghĩa của lòng yêu nghề.
Có lần một người bạn doanh nhân kể lại cho tôi câu chuyện sau. Để xây dựng một xưởng chế tác đá quý, anh ta thuê một người thợ đá quý từ Mỹ sang. Sau khi nhận được số bàn chuyên dụng làm bằng gỗ đã đặt đóng tại một cơ sở nghề mộc, anh ta mời ông thợ Mỹ đến kiểm tra. Ông này xem xét mấy cái bàn một hồi, rồi bất ngờ lôi hẳn cái ngăn kéo của một cái bàn ra ngoài, lật ngược lên để săm soi mặt dưới của cái ngăn kéo. Tỏ vẻ khó chịu, ông nói chất lượng của cái bàn như vậy là chưa đạt yêu cầu, vì mặt dưới của cái ngăn kéo chưa được bào cho thật nhẵn (anh bạn của tôi hết sức ngạc nhiên vì lúc sử dụng thì có ai đụng đến mặt dưới của cái ngăn kéo bao giờ!).
Câu chuyện trên cho thấy có lẽ khái niệm đạo đức nghề nghiệp cũng bao hàm cả ý hướng vươn tới sự hoàn hảo. Điều này chỉ có thể xuất phát từ chính lương tâm của người lao động mà thôi, chứ không ai cưỡng ép nổi.

Vài nhận định cuối
Trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam ngày nay, cần xác lập lại quan niệm về đạo đức nghề nghiệp theo hướng đạo đức học nghĩa vụ (deontological ethics) của Kant, nghĩa là chú trọng tới động cơ chủ quan của người lao động, tới lương tâm của cá nhân, tới sự “tôn kính” các quy tắc của bổn phận nghề nghiệp, tận tụy với công việc vì chính công việc, chứ không vì những mục đích ngoại tại như để được lòng người khác, để có tiền, hay để được khen thưởng... - những điều này, nếu có, chỉ là hệ quả của quá trình lao động, chứ không phải là mục tiêu. Có lẽ cần hiểu câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” theo nghĩa đó, chứ không phải có “nghệ tinh” là nhằm để “vinh thân” hay “phì gia”! Ý nghĩa của nhiều phong trào thi đua trong lao động do vậy cần được xem xét lại một cách cẩn thận, vì nếu chỉ dựa trên nguyên tắc “ngoại trị” (theo nghĩa của Kant) mà không chú ý tới động cơ và lương tâm bên trong thì rất dễ rơi vào căn bệnh thành tích và chủ nghĩa hình thức mang tính nông cạn và vô hồn, vô cảm.
Trong mối quan hệ giữa trật tự đạo đức và trật tự pháp lý trong lĩnh vực nghề nghiệp, trật tự pháp lý phải có trước - nghĩa là phải điển chế hóa một cách chặt chẽ các quy chuẩn của từng nghề nghiệp nhất định. Bởi lẽ trật tự đạo đức chỉ có thể hình thành trên cơ sở một trật tự pháp lý lành mạnh và ổn định. Tuy nhiên, trật tự pháp lý chỉ là một chiều kích tối thiểu; muốn xây dựng được một nội lực mạnh (trong một công ty chẳng hạn) thì phải cổ xúy chiều kích đạo đức nghề nghiệp. Những câu chuyện về lòng yêu nghề và ý thức đạo đức nghề nghiệp của những người thợ thủ công Nhật Bản là những bằng chứng minh họa sinh động cho điều này.
Hiểu theo chiều hướng ấy, chúng ta có thể đi đến câu hỏi là phải chăng tình hình suy thoái về đạo đức nghề nghiệp khá phổ biến hiện nay thực ra bắt nguồn sâu xa từ chính sự rạn nứt trong trật tự luật pháp của xã hội, mà vụ bác sĩ thẩm mỹ ném xác xuống sông là một sự kiện có ý nghĩa điển hình?

No comments:

Post a Comment