20 February, 2014

MÙA CHAY - GIÚP BẠN TRẺ SUY NIỆM VỀ BÍ TÍCH GIAO HOÀ.(Giúp tĩnh tâm cho bạn trẻ)



“Tại sao lại phải đi xưng tội?” Câu hỏi này nghe rất “quen”, không chỉ riêng từ phía người không tin Chúa mà cả từ phía những người kitô hữu. Đối với bạn trẻ là người Ki tô hữu, Bí tích Giao hòa là việc cần thực hành để có một tâm hồn bình an và đời sống tràn đầy ân sủng, có khả năng đổi mới liên tục để tiến bước trong tình yêu và sự hiệp thông cùng Thiên Chúa.
Trong  Mùa Chay này, xin gợi ý sau đây vài điểm từ một vài vấn nạn căn bản về Bí tích Giao hòa, cùng với việc đọc những đoạn Tin Mừng kèm theo, để các bạn trẻ có thể suy tư thêm.

Tôi có tội không? Nếu có, ai có thể tha tội cho tôi?
Chẳng ai trên trần gian này dám nói rằng “tôi là người hoàn toàn vô tội, hoàn toàn trong sạch”. Muốn biết mình “có tội hay không”: chỉ cần suy xét, lắng nghe và lượng định cuộc sống hay hành vi của bản thân theo một vài tiêu chuẩn “đúng - sai”, “tốt - xấu” thông thường nhất là đủ để biết “ta thế nào”. Chúng ta - những người Ki tô hữu - may mắn hơn vì được Thiên Chúa trao ban sự sống, được sinh ra trong tình yêu và lớn lên trong hồng ân của Bí tích Rửa tội. Tiếc thay, việc sa ngã và phạm tội của mỗi người là điều khó tránh được. Tuy vậy, Thiên Chúa đã không bỏ mặc con người trong tội lỗi. Ngài không ngừng mở rộng vòng tay của Người Cha nhân hậu để đón lấy chúng ta, như đón nhận những đúa con sai lầm biết hoán cải. Chính Thiên Chúa là khởi nguồn của Tình yêu, Tha Thứ, và chỉ có Thiên Chúa mới chữa lành tình trạng tội lỗi của chúng ta. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền tha tội. Ngài không kết án ai, trong khi con người có thể kết án nhau vì sự kiêu căng, gian dối, độc ác nơi họ.
*Để suy niệm: Bạn hãy đọc lại Dụ ngôn “Người con hoang đàng” (Lc, 15, 11-32), chuyện người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 1-10), và đoạn thư của Thánh Giacôbê Tông đồ (Gc 4, 1-11).

Thiên Chúa có thể cho tôi nhận biết lòng nhân hậu của Ngài? Tôi có thể tìm thấy dấu hiệu đó ở đâu?
Thiên Chúa muốn tỏ tình yêu và lòng nhân hậu của Ngài theo cách mà Ngài muốn. Điều mà người Kitô hữu cần khám phá về Thiên Chúa Tình yêu nằm trong mầu nhiệm “Con Thiên Chúa làm người” – nơi Đức Giêsu Kitô. Chính Đức Giêsu đã nói cho con người về Thiên Chúa-“Người Cha giàu tình thương”, về việc hoán cải và tha tội, về việc cứu độ bằng Thập giá – lấy Tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa để chiến thắng tội lỗi và sự chết. Chính Đức Giê su đã làm cho con người việc chữa lành, giải thoát họ khỏi ảnh hưởng và hậu quả của sự giữ và tội ác. Qua Đức Giêsu, việc được cứu thoát, được tha tội là điều có thể nhận biết được đối với con người. Gặp gỡ Đức Giêsu, con người được đổi mới chính mình.
*Để suy niệm: Bạn hãy đọc lại các đoạn Tin mừng sau: Đức Giêsu và quyền năng của Người trên sự dữ và tội lỗi (Mt 9, 1-8; Mc 2, 1-12; Lc 5, 17-26). Đức Giêsu đến với người tội lỗi và thay đổi cuộc sống của họ (Mt 18, 12-14; Lc 5, 27-32; Lc 19, 1-10; Ga 3, 16-21; Ga 8, 1-11). Đức Kitô và sự tha thứ của Người từ khổ nạn Thập giá (Lc 23, 32-43).

Mà Chúa Giê su tiếp tục việc tha thứ tội lỗi cho tôi? Ngài hiện diện bây giờ để tha tội cho tôi?
Qua các nhân chứng sống động, cụ thể là qua các môn đệ của Người, Chúa Giêsu tiếp tục ban hồng ân hoán cải, ơn tha thứ và sự bình an qua Bí tích Giao Hòa. Thật vậy, sau khi sống laị từ cõi chết, Người đã truyền lại cho các Tông đồ sức mạnh của Thánh Thần, thiết lập Bí tích Giao Hòa để ban ơn tha tội: “Các con hãy nhận lấy Thánh thần; các con tha tội cho ai thì kẻ ấy được tha, các con cầm buộc tội ai thì tội người ấy cũng sẽ bị cầm buộc” (Ga 20, 22-23). Từ khoảnh khắc đó trở đi, các tông đồ và những người kế vị của các ngài trong Giáo Hội tiếp tục công việc kêu mời và giúp đỡ con người mọi nơi, mọi thời hoán cải và tìm lại hồng ân tha thứ, tìm gặp sự chữa lành thể xác và tâm hồn.
*Để suy niệm: Bạn hãy đọc lại đoạn Tin mừng: Đức Giêsu trao quyền năng của Người trên sự dữ và tội lỗi cho các tông đồ (Mt 18, 15-18; Ga 20, 19-23); hoặc: Sách Tông đồ Công vụ (Cv 3, 1-10).

Cần thiết chăng phải xưng tội với một ai đó (một Giám mục, một linh mục) nếu Thiên Chúa biết tôi thực tâm hoán cải và chính Ngài, chứ không phải ai khác, luôn sẵn lòng tha thứ mọi tội lỗi của tôi?
Đối với nhiều bạn trẻ, việc xưng tội hay bị xem là “chuyện của Đạo theo thói quen”, là “bổn phận” phải làm cho xong để khỏi bị người khác nhắc nhở, là chuyện “giải tỏa tâm lý”, chuyện “hình thức”. Trong khi đó, điều quan trọng mà ta hay quên là việc xưng tội chính là “thực hành một Bí tích”. Về chi tiết của Bí tích này, hãy tìm hiểu thêm theo sách Giáo lý Công Giáo, từ số 1422 đến số 1498.
Chúng ta có thể trở lại với những hiểu biết của riêng mình với những chỉ dạy của Giáo hội về Bí tích Giao hòa để cảm nghiệm giá trị thiêng liêng của Bí tích này: qua các dấu hiệu hữu hình mà Giáo hội cử hành, Thiên Chúa ban ơn Thánh cho tâm hồn ta. “Dấu hiệu hữu hình” được nói đến ở đây là việc đi xưng tội cùng với sự chuẩn bị tâm hồn mình, từ lúc biết nhìn nhận tội lỗi của chính mình, tự xét mình và cảm thấy cần phải nói lời xin lỗi Chúa, muốn trình bày những sai phạm của mình với “một ai đó” có quyền phán xét và quyền tha thứ, lắng nghe những lời khuyên để thay đổi cuộc sống của chính mình,… (Các kiểu nói mà chúng ta hay nghe: “Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Hội Thánh” - qua các giám mục và linh mục, “Hội Thánh nhân danh Đức Kitô tha tội”,…)
Đối với Thiên Chúa, có lẽ Ngài chẳng cần gì từ phía chúng ta ngoài “một tấm lòng tan nát khiêm cung” và biết ăn năn hối lỗi (Tv 50). Chúa Giêsu đã mời gọi mọi người hoán cải và tin vào Tin mừng để được ơn tha tội và được cứu rỗi. Giáo Hội vẫn tiếp tục hướng dẫn rằng: “Trong đời sống hằng ngày, việc hoán cải được thể hiện qua những hành vi giao hoà, lo lắng cho người nghèo, thực thi cũng như bảo vệ công lý và công bình (Am 5,24; Is 1,17) bằng việc thú tội, sửa lỗi cho nhau, xét lại cách sống, xét mình, linh hướng, chấp nhận đau khổ, kiên trì khi bị bách hại vì lẽ công chính. Vác thánh giá mỗi ngày và bước theo Chúa Giêsu là con đường thống hối chắc chắn nhất (Lc 9,23)” (GLCG, số 1435).
Cần chăng các dấu hiệu, các nghi thức, các hành vi có tính cách “hữu hình”… cho con người; vì chúng ta vốn chỉ muốn “nhìn tận mắt, bắt tận tay” mọi sự cùng với “dấu tích”, “chứng cớ”, “cảm nhận trực quan” đó sao! Về khía cạnh này, theo nhân học và tâm lý học, chúng ta có thể hiểu được.
Trong khi cử hành nghi thức Hòa giải, cử hành một “Bí tích” theo đúng nghĩa của từ này như đã nói ở trên, chúng ta vượt ra khỏi giới hạn “giác quan” để cảm nhận bằng “Đức Tin” sự “siêu nhiên” hay một thực tại có tính chất thần linh, vô hình. Bạn có thể thấy các dấu hiệu với ý nghĩa ẩn dấu như: làm dấu Thánh giá (tuyên xưng danh Chúa Ba Ngôi), đấm ngực (tỏ lòng ăn năn), trình bày các tội lỗi bằng lời nói (tỏ lộ sự nhận biết và sự tự do, chân thành để trình bày về điều mình đã sai phạm, những gì mà lòng day dứt, hối hận và muốn thay đổi). Bạn có thể thấy việc xưng tội cũng đi kèm sau đó lời khuyên, việc đặt tay cùng với lời cầu nguyện tha tội của Cha giải tội, lời hứa “đền tội” của bạn hay lòng quyết tâm làm một việc cụ thể nào đó để đổi mới bản thân. Bạn chứng tỏ lòng thành và niềm tin của mình vào ân sủng được lãnh nhận bằng sự hiện diện hữu hình của bạn nơi Tòa Giải tội (chứ không qua điện thoại hay email như nhiều người vẫn muốn!). Bạn đón nhận lời tha thứ và khích lệ từ một con người “được kêu gọi và được chọn” làm mục tử trong Giáo Hội, người đó “thay mặt Chúa Giêsu” cho bạn được nghe lời tha thứ, được cảm nhận tấm lòng và tình yêu thương của Thiên Chúa qua ngôn ngữ hay cử chỉ nhân loại mà bạn hiểu (chứ không phải bằng “lời thì thầm vô hình” của gió, của ý tưởng hay sóng điện từ!) Và cho dẫu vị giải tội nào đó có những giới hạn và lỗi lầm của con người như bạn, vị đó sẽ không gây nên giới hạn gì cho bạn về việc bạn được tha tội, vì chính Thiên Chúa mới là nguồn tác động trực tiếp trên tâm hồn bạn qua khí cụ gián tiếp mà Ngài dùng. Quan trọng bạn phải là một hối nhân thành tâm.
*Để suy niệm: Bạn hãy đọc lại đoạn Tin mừng theo Thánh Mathêu, suy niệm lời của Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô, lời tuyên xưng Đức Tin đến việc lãnh nhận năng quyền tha tội của Phêrô (Mt 16, 13-19).
Một cách nào đó, bạn cũng có thể trải nghiệm điều này: chỉ ai biết hối hận và khiêm tốn, mới có thể được đón nhận sự tha thứ từ phía con người và với con người. Có lẽ với Thiên Chúa, chúng ta không thể suy nghĩ khác hơn: chúng ta cần biết ăn năn và khiêm tốn. Làm sao một kẻ tự cao khi nghĩ rằng: “Tôi chẳng có tội tình gì! Những kẻ khác cũng có ra gì đâu. Tại sao tôi phải xin lỗi, tại sao tôi phải cầu cứu sự tha thứ và tỏ hèn kém, mềm yếu v.v”…lại mong có thể đón nhận được sự tha thứ. Để bình tĩnh nhìn lại mình, hãy cầu nguyện và suy ngẫm một lần nữa Kinh Lạy Cha. Và quan trọng hơn, hãy đến Tòa Giải tội để tìm lại chính mình. Vào nơi đó, bạn chẳng phải là một con người yếu mềm hay hèn kém như nhiều người vẫn suy nghĩ đâu. Bạn phải là một người can đảm mới dám chân nhận những sai lầm của mình. Bạn cũng sẽ là một người rất khôn ngoan, khi từ những sai lầm đã mắc phải, bạn biết tránh xa, biết vượt qua, biết vươn lên, biết hoạch định cho mình một cuộc sống mới trong chính việc đổi mới bản thân mình cùng với Ơn Thánh. “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.(Lê An Phong, SDB).

No comments:

Post a Comment