13 September, 2014

HÃY ĐỐI XỬ VỚI EM NHƯ ĐANG ĐỐI XỬ VỚI CON NGƯỜI THỰC THỤ


Từ những chuyện đời
Một lần nọ, tôi được nghe những lời than vãn từ một đôi vợ chồng trẻ về chuyện họ phải hủy bỏ một chuyến nghỉ hè xa, chỉ vì cậu con trai mười hai tuổi của họ. Số là họ đã mua vé và đặt trước chổ ở cho gia đình trong đợt nghỉ hè ở một vùng biển, nhưng hôm chuẩn bị xếp vali lên đường thì họ gặp rắc rối. Cậu con nhỏ không muốn đi ra vùng biển, cậu muốn cả nhà lên nghỉ hè trên núi. Nếu cha mẹ thích đi biển, cứ việc đi, còn cậu thì muốn ở nhà vì lý do là mình không thích, và vì khi lên chương trình nghỉ hè, bố mẹ đã …không hỏi ý kiến cậu muốn đi đâu!    

Thực tế trong gia đình hiện đại còn xảy ra nhiều chuyện “nhiêu khê” hơn nữa, khi đám “con nít” bắt đầu biết “lý sự” và dùng quyền con trẻ của mình để “phủ quyết” hay “bắt nạt” người lớn. Có trường hợp cha mẹ phải ra hầu tòa chỉ vì đã dọa đánh con trẻ một roi để răn dạy. Trong nhiều trường hợp liên quan đến giáo dục học đường, mức độ gay cấn của xung đột giữa trẻ và nhà giáo dục còn đáng nói hơn. Không ít các thầy cô chỉ biết khóc thầm và “kêu Trời” vì được “yêu cầu phải tôn trọng nhân phẩm” trẻ em. Nhiều người đã sử dụng bạo lực với trẻ, và nhiều bậc phụ huynh cũng cho rằng “thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”. Nhiều bặc phụ huynh đã “ bó tay” khi đi tìm phương cách giáo dục trẻ.

Có một thực tế khác là trong nhiều gia đìn, bố mẹ được tiếng “nghiêm khắc”, không đánh một roi, chỉ dùng mấy lời răn bảo mà con cái cứ “đâu vào đấy”; trong khi ở những gia đình khác, nhiều đứa trẻ đã nếm mùi các trận đòn đích đáng, nhưng chứng nào vẫn tật đấy. Xét cho cùng, việc xử sự nghiêm khắc hay dễ dàng còn tùy thuộc vào cá tính của đứa trẻ, bối cảnh gia đình và môi trường giáo dục khác nữa. Việc giáo dục có mang lại kết quả hay không phụ thuộc vào sự hòa hợp những yếu tố và những đinh chế xã hội khác nhau, và nhất là sự nhạy bén của nhà giáo dục. Giáo dục chắc chắn cần đến tư duy, cần đến tấm lòng, cần đến sáng kiến, cần sự kiên nhẫn, cần lòng tin và cả sự hy vọng nơi khát vọng vươn lên của cá nhân mỗi con người.

Từ kinh nghiệm của Don Bosco và giáo dục theo kiểu saledieng
Có lẽ từ một vài lần gặp gỡ với các vị mục tử hơi nghiêm khắc hay lạnh nhạt và “không muốn chào các em nhỏ” đã khiến cho cậu bé Gioan đi đến quyết định là mình sẽ trở thành linh mục, một “kiểu” linh mục biết chào đón và bày tỏ sự thân thiện ngay cả với các bạn nhỏ. “Khi nào tôi trở thành linh mục, tôi sẽ đi tìm gặp các trẻ nhỏ, sẽ yêu mến chúng và làm sao cho các em cũng luôn yêu mến tôi” (Bài giảng 91, 68). “Nếu tôi có thể trở thành linh mục, tôi muốn dành toàn bộ cuộc sống của tôi cho các em nhỏ” (MB I, 228-350).

Don Bosco có niềm vui thật sự khi làm linh mục và là nhà giáo dục Đức tin cho bạn trẻ. Ngài viết: “Niềm vui của tôi là giảng dạy giáo lý cho các trẻ em, gần gũi và trò chuyện với chúng” (MB II, 18). Ngài tỏ ra là một người có kinh nghiệm sư phạm khi làm việc với trẻ con, và viết những lời đề nghị sau đây: “Có một điều rất quan trọng và hữu ích cho các bạn trẻ là đừng bao giờ để một đứa trẻ rời bỏ chúng ta vì bất mãn (…). Hãy luôn giữ lời hứa với trẻ em, hoặc ít nhất là khi ta đã không thể giữ lời, thì hãy giải thích cho chúng biết lý do vì sao” (MB II, 153).

“Nếu bạn muốn thành công khi giảng dạy cho trẻ em, hãy dùng các mô hình, những câu chuyện làm ví dụ và sự so sánh; nhưng điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là câu chuyện phải được phát triển và nhấn mạnh vào các chi tiết: vào các tình huống nhỏ nhất” (MB II, 340).

Sự tôn trọng nhân vị của đứa trẻ nơi Don Bosco được củng cố hơn với cảm thức và việc nhận ra nhu cầu tự nhiên của tình yêu thương, “yêu và được yêu” nơi con người, ngay cả ở tuổi thơ ấu: “Niềm hạnh phúc đầu tiên của một đứa trẻ là biết mình được yêu thương” (MB IV, 455). Sự tôn trọng trong giáo dục bắt đầu từ việc “chiếm được lòng tin”, bởi thế, ngài nhấn mạnh điều này trong thực hành mục vụ: “Cha khuyên các linh mục rằng hãy có lòng bác ái và thật sự kiên nhẫn khi giải tội cho trẻ nhỏ, để không đánh mất sự tin tưởng của các em” (MB VII, 193).

Khác với những kiểu mẫu thực hành sư phạm khác, Don Bosco không những chỉ quan tâm, tôn trọng và dành ưu tiên cho các trẻ nhỏ, Ngài còn đặt vào đó một “cảm nghiệm thiêng liêng” về hình ảnh của Chúa Giê su nơi những người bé nhỏ khó nghèo. “Nơi con người của những đứa trẻ nghèo đói và bị bỏ rơi, có sự hiện diện của Đấng Cứu Thế. Vì vậy, chúng không đơn thuần là những đứa trẻ nghèo kêu xin sự trợ giúp của chúng ta, nhưng là chính Chúa Giêsu làm người trong thân phận những kẻ bé nhỏ nghèo hèn ấy (MB XIII, 109).

Không ít lần Don Bosco nhắc các em nhỏ lưu tâm đến nhân phẩm của mình – họ là con cái Thiên Chúa. Hơn những gì thuộc về một con người bình thường, các em còn là điểm sáng đặc biệt trong mắt Thiên Chúa. “Các bạn trẻ, chúng con chính là niềm vui của Thiên Chúa” (MB XVI, 667).
Những trích dẫn trên phần nào giúp chúng ta hiểu thêm về một kiểu thực hành giáo dục saledieng (Ái-Trí-Đạo), là khoa sư phạm của tình yêu thương kết hợp với lý trí và theo ánh sáng Đức Tin khi nhìn nhận và hoạt động với các đối tượng giáo dục của chúng ta.

Một chút suy tư và đề nghị: Giáo dục với việc tôn trọng nhân vị và phát triển nhân cách
Đối mặt với một đứa trẻ đang được giáo dục và cần được dạy dỗ, chúng ta phải tôn trọng gì nơi em? Làm cách nào để giúp em có thể biết tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác? Những điều này vượt quá phạm vi một bài chia sẻ nhỏ, vì mang tính chuyên môn và cũng là lĩnh vực được nhiều người nghiên cứu theo hướng đưa ra “những giải pháp cụ thể” hay “ cách thức thực hành giáo dục tùy thuộc vào tâm lý trẻ em, vân vân và vân vân… Chúng ta cùng nói với nhau ở đây một suy tư để hiểu về nhân vị và để giúp rèn luyện hay giáo dục nhân cách.

Theo triết gia người Pháp Jaques Maritain, con người là một cá thể, là một ngôi vị, cùng với thân xác có sự tồn tại của tinh thần (linh hồn) và lý trí; đó là một nhân vị, với năng lực của lý trí, biết nhận ra nơi chính mình sự khác biệt so với những người khác, biết mình là một chủ thể (mang nét riêng), và cũng là thành viên của một loài (có những điểm chung). Bởi vậy, ý thức về cá nhân của tôi (cá thể giữa muôn người) và nhân cách của tôi (điểm khác biệt với mọi người) là hai khía cạnh của toàn bộ hiện hữu, tương ứng với hai cực khác nhau (hướng nội và hướng ngoại) đưa dẫn sự phát triển đời sống tinh thần (nội tâm) và cả luân lý của ta (hành vi, hoạt động).

Ta có thể phát triển bản thân mình hay giáo dục người khác theo ý thức về nhân cách, tức là trong ý thức làm chủ bản thân, nét độc đáo và tinh thần độc lập của mình mà tồn tại; hoặc ta có thể phát triển bản thân trong ý thức cá nhân, nghĩa là, trong cảm nhận về các xu hướng đang hiện diện trong ta liên quan đến tính chất thừa kế của thể chất, sinh lý và di truyền.

Trong cuộc sống, con người cũng luôn tìm thấy mình phát triển giữa hai “cái tôi” (bản ngã): một cái tôi được ban tặng hay được thừa kế từ sự tiến hóa sinh học hoặc tiến hóa của xã hội,   một cái tôi được tạo lập qua việc chấp nhận những yếu tố hay điều kiện tâm sinh lý tất định, những ảnh hưởng của hoàn cảnh, văn hóa; qua việc biết mình và ngày càng trở nên chính mình, liên tục đi từ tiềm lực đến thực tại, qua việc hiện thực hóa nhân cách của mình. Con người đúng nghĩa và đích thực được sinh ra như một cá nhân “hoàn chỉnh, đầy đủ”, nhưng sẽ chỉ trở thành một con người “hoàn thiện, trọn vẹn” khi phát triển mình như một nhân cách.

Triết gia J.Maritain giới thiệu cho chúng ta một triết lý về giáo dục, về một quá trình năng động giữa một nhân vị ý thức mình “là” và những gì mình “có”; và buộc phải sử dụng hai thuật ngữ: cá nhân, để chỉ ra điểm khởi đầu: tất cả mọi người đều là con người và có giá trị như nhau, và nhân cách, để chỉ ra những gì là điểm nhắm đến của quá trình giáo dục: vì không phải tất cả mọi người đều biết hiện thực hóa chính bản thân mình, là con người như một cá nhân nhưng chưa hẳn có một nhân cách lớn hay biết sống và trở thành một con người thật sự (xem J. Maritain, Triết lý về Giáo dục, NXB Scuola, Brescia 2001).

Thiết nghĩ suy tư trên là một gợi ý hay cho chúng ta khi đánh giá hay khi phải giáo dục và giúp đỡ trẻ em lớn khôn. Hãy tôn trọng em vì trước hết em là một nhân vị, một con người với tất cả tố chất. Hãy để ý đến những gì bản thân em “là” và những gì em “có” để giúp em nhận ra tiềm năng và giới hạn của bản thân, của chính cá nhân mình. Từ đó, hãy tiếp tục đề xuất với em một cách thức và tiến trình khả thể để em có thể phát triển và hoàn thiện nhân cách của mình. Cuối cùng, để tất cả những hành động giáo dục trên đạt kết quả tốt, chúng ta luôn cần đến tấm lòng của những nhà giáo dục. (Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment