THỐNG HỐI VÀ HÒA GIẢI VỚI THIÊN CHÚA
NHÂN HẬU
(Suy tư về Bí tích
Giao Hòa, gợi hứng từ dụ ngôn Người cha
nhân hậu theo Tin mừng Luca)
“Tôi đi xưng tội”, “Thưa Cha cho con xưng tội”. Đây là câu
nói chúng ta quen sử dụng khi muốn nhắc đến việc thực hành Bí tích Hòa giải.
Những ai không là người Công giáo hay là người thường xem
phim hoặc đọc báo có nhiều tin tức liên quan đến tội phạm hình sự sẽ nghĩ ngay
đến chuyện “tự thú” để được khoan hồng hoặc được giảm nhẹ án phạt. Bởi vậy họ
dùng đến từ “đi thú tội” với Chúa, hay với linh mục.
Đối với một vài tín hữu, việc xưng tội nhiều khi được xem là
dịp đi gặp gỡ và kể chuyện riêng hay các sự kiện đặc thù của mình cho cha Giải
tội, hoặc đi kể tội chồng con và người hang xóm. Xưng tội bị hiểu nhầm là một cuộc
gặp gỡ với cha giải tội như là việc điều trị tâm lý (vì có thể vị linh mục đó
rất “giỏi” hay có hiểu biết về tâm lý học – “Cha ấy rất tâm lý!”). Có lúc việc
xưng tội trở nên như là một cuộc thẩm vấn nhiều lúng túng, khi có người vào tòa
giải tội và nói: “Thưa cha, con thấy mình chẳng có tội gì cả, hoặc lui tới cũng
chỉ có bằng ấy tội, cha giúp con đi!”. Có người còn xem đó chỉ là một “cử chỉ
tượng trưng”, một thói quen phải làm. Trong khi đó, một tâm hồn lấy lại sự bình
an vì được Ơn tha thứ của Chúa Giêsu, một thao thức thay đổi cuộc sống được
khơi dậy, một niềm vui trong tâm trí vì tìm ra được một hướng đi sau những lần
vấp ngã, một vết thương tinh thần được chữa lành… là những nét đáng nói của Bí
tích Giao hòa mà ai cũng có thể cảm nghiệm, nhưng chúng ta thường dễ quên và bị
gò bó bởi việc thực hành theo luật lệ chứ không với cõi lòng.
Làm sao ta có thể nói cho người khác biết về hồng ân này,
hay để hiểu Bí tích Giải tội là gì? Hãy nghe lại dụ ngôn của Chúa Giêsu trong
Tin mừng Luca (x. Lc 15, 11-31): Dụ
ngôn người cha nhân hậu.
I.
VIỆC PHẠM TỘI VÀ TỘI LỖI NGHIÊM TRỌNG
Đức Giê-su kể: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha,
xin cho con phần tài sản con được hưởng’. Và người cha đã chia của cải
cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ
thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí
tài sản của mình…
Trước tiên, lý do
một người phải đi “xưng tội” là vì họ đã “phạm tội”, hay họ đã làm một điều gì
đó sai trái với luật lệ hoặc quy định. Hãy biết rằng mỗi người trong chúng ta có thể vấp phạm, có thể vướng những lỗi lầm
nghiêm trọng và mọi người đều là những tội nhân vì chẳng một ai hoàn hảo. Với
người kitô hữu, tội lỗi là hành vi, tư tưởng, lời nói… trái ngược với những
điều Thiên Chúa và Giáo Hội dạy, và là những lỗi phạm mà một người thực hiện
bằng sự tự do chọn lựa, với sự hiểu biết và lòng ước muốn thực sự của chính
mình.
Tội lỗi lớn nhất
liên quan tới lối hành xử với Thiên Chúa.
Người con hoang đàng đòi hỏi: “Thưa Cha, xin cho con phần
tài sản thuộc về con”. Tuyên bố kiêu căng này cho thấy người con trai phạm
tội nghịch với lòng yêu thương của cha mình. Tội lỗi là nói với Thiên Chúa, Cha
chúng ta rằng: “Hãy cho tôi những gì mà tôi cần và những gì là quyền lợi của
tôi!”, trong khi thực sự chúng ta không là
và không có gì cả, từ thể xác đến tâm
hồn và những gì nắm trong tay, nếu không nhờ vào chính Thiên Chúa.
Tội cũng chính là
lối hành xử với mọi người theo kiểu
“thu
góp tất cả rồi trẩy đi phương xa”. Thái độ này là một hình thức biểu
lộ rằng: Tôi có thể làm những điều theo ý cá nhân tôi, tôi có đủ mọi sự và có
thể làm mọi điều theo tự do của tôi mà không cần có Cha hay anh em; những gì Cha
muốn cho tôi, hãy để tôi quyết định và làm điều đó cho riêng mình! Tôi không
cần Chúa, không cần một người nào khác! Tội trọng như thế cũng là một cú đóng
sầm cánh cửa tâm hồn mình trước mặt Thiên Chúa và anh em, chia lìa tất cả mọi
sự, quy mọi sự về mình và dửng dưng với cuộc sống của những người sống quanh ta.
Tội cũng chính là kiểu hành
xử với chính mình theo lối “sống phóng đãng, phung phí tài sản, tiêu xài
hết sạch”. Về cơ bản, đó là tất cả những suy nghĩ, lời nói, hành động
và cả những thiếu sót của ta chống lại các Giới răn của Thiên Chúa, Cha chúng
ta, đi ngược lại những lời khuyên bảo của Mẹ Giáo Hội qua Giáo lý về các yêu
cầu và điều kiện của đời sống tốt lành theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.
Sự tự do cá nhân xem ra “thật là lý tưởng”, nhưng khi nó bị ràng buộc bởi điều
xấu thì không còn là tự do nữa. Người ta sẽ bị trói chặt hơn và sẽ trở thành nô
lệ cho những thói hư tật xấu của mình.
Có một điều đáng sợ hơn nữa nơi nhiều trường hợp đang sống
trong vũng lầy tội lỗi: người ta hay có lời an ủi để tự dối lòng hay muốn quên
đi hiện trạng của mình, rằng “Tôi không làm gì sai cả!”. Nhưng, cánh cửa đóng
sầm không thể đóng mãi vì người ta sẽ chết ngạt. Lối thoát duy nhất là mở cửa
ra, nhưng làm sao đây? Tình cảnh của người con hoang đàng hé lộ một hướng đi:
con đường hối cải và thay đổi cuộc sống, con đường của Bí tích Giao hòa.
Chúng ta hãy tiếp tục xem xét những yếu tố của Bí tích này theo
Tin mừng Luca.
II.
BÍ TÍCH GIAO HÒA
“Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được
cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi,
ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội
với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một
người làm công cho cha vậy’. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha”.
Đi theo con đường trở về của người con hoang đàng, chúng ta
có thể tìm hiểu thêm năm yếu tố đặc
trưng của Bí tích Hòa giải, và như mọi bí tích khác, đó là những dấu chỉ rất cụ thể, là biểu hiệu bên ngoài hàm chứa tất cả ý nghĩa
bên trong. Chúng ta sẽ lần lượt khảo sát.
1.
Xét mình hay duyệt xét lương tâm
Việc duyệt xét lương tâm là một điều thường được chúng ta
thực hiện. Trong thực tế, đó là những chất vấn trong thâm sâu cõi lòng trước, trong và sau khi làm một hành vi: “Tôi
có thể làm điều này? Tôi đang làm điều gì đây? Tôi có thể được làm hay không?
Tôi đã làm điều này, và điều kia chưa làm được. Vì sao mà tôi lại làm điều đó!”…
Bạn có thể không nhớ tất cả mọi thứ mình đã làm, bởi vì
người ta không phải là một máy tính với bộn nhớ”khủng”. Chúng ta có thể xem xét
những gì nhớ lại, hay từ kinh nghiệm đã trải qua. Có đôi điều cần nhớ khi xét
mình là đối với người ki tô hữu, lương tâm là chốn thâm sâu của con người, nơi
Thiên Chúa ngự trị và nói với họ, khuyên răn họ làm lành lánh dữ. Kế đến, vì
Thiên Chúa là Đấng thấu suốt hết mọi sự, nên trước mặt Ngài, không có gì để ta phải
che giấu và có thể che giấu (xem Mt 6,
1-18).
Xét mình trước khi xưng tội là “việc tự kiểm điểm”, trong sự
hiện diện của Thiên Chúa, về tội lỗi đã phạm hay tái phạm, dựa vào các Điều răn của Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, hay những luật về bổn phận làm người khác (Ví dụ:
Bạn là một sinh viên, học sinh, cần phải làm gì ở trường? Bạn đã lập gia đình,
cần giữ bổn phận nào với người chồng hay vợ của mình trong gia đình? Bạn làm
việc nơi công sở, đâu là công việc cần chu toàn vì công bằng và vì trách nhiệm
với bổn phận được giao phó, ...)
Người con hoang đàng nhận ra những gì anh ta đã làm. Anh đã
có lúc “hồi tâm và tự nhủ” và nhận ra sai lầm của mình. Nếu không có
những giây phút suy tư và tự vấn lòng mình, chắc chắn chúng ta sẽ không biết mình
đang trong tình trạng nào và cần phải làm gì. Hãy nghĩ đến chuyện duyệt xét
lương tâm hằng ngày.
2.
Hối hận, ăn năn, hay cảm thấy đau buồn vì tội
lỗi mình đã phạm
Người con hoang đàng đã nhận ra vực thẳm của sự đáng thương
- nơi mà mình rơi xuống, nhìn thấy hậu quả đáng sợ do những sai phạm tự mình
mình gây ra cho mình, và cảm nhận sự kinh khủng của tình trạng cuộc sống hiện
tại. Sự hứng khởi của anh ta trong những ngày đầu “cảm thấy tự do” đã nhường
chỗ cho “nỗi đau” vì đã quay lưng lại với Cha.
Chúng ta sẽ hối hận khi nhìn ra sự sai lầm của mình và hậu
quả kinh khủng của nó. Tuy vậy, nhiều khi ta rất khó nhận ra là mình sẽ đau khổ,
khi mà “ma xui, quỷ khiến” làm ta luôn có cảm giác hài lòng, mê say trên con
đường tội hay sẵn lòng với việc đã biết là có “hậu quả”.
Với người ki tô hữu, lòng hối hận, ăn năn vì tội lỗi là một “ân
sủng” mà chúng ta phải cầu xin Chúa – Cho con biết ăn năn. Cuộc sống thiếu đạo
đức cũng có thể khiến cho nhiều người “quen” với tội lỗi và cảm thấy “không cần
phải hối hận” hay không sợ luận phạt. Điều này cần ở việc giáo dục lương tâm để
con người còn biết nhạy bén với điều thiện và kinh sợ những chuyện xấu xa, tội
lỗi.
3.
Dốc lòng chừa cải hay quyết tâm nói “không”
với tội
Người con hoang đàng, trong sự hối tiếc vì những gì đã làm,
đã tự nhủ lòng là “sẽ trở về nhà của Cha mình”. Và đây là điều thao thức mà anh
muốn nói với Cha: “Con muốn sẽ luôn luôn được ở với cha, trong nhà của cha; con
không muốn đi hoang và lìa bỏ cha lần nào nữa”. Chàng trai trẻ hiểu ra rằng nếu
không có Cha, mình không thể làm gì, và kết quả cuộc đời thật bi thảm.
Trong khi thực hành Bí tích Hòa giải, sau khi đã hối hận,
chúng ta cũng cần đi đến thời điểm này. Mục đích là để nói với Chúa Giêsu: “ Không
có Chúa, con không thể làm bất cứ điều gì, Con hứa sẽ không bao giờ phản bội một
lần nữa!”.
Việc quyết tâm chừa cải là hướng đến một quyết định gì đó
rất cụ thể và biết là sẽ phải làm hoặc sẽ không được làm. Tuy vậy nhiều quyết
tâm luôn mãi là lời hứa suông. Ai cũng biết với chậu nước nóng ở 100 ° C, đặt
tay bên trong bạn sẽ bị bỏng. Bạn sẽ làm gì tiếp theo? Bạn vẫn tiếp tục đưa tay
vào đó ư? Có thể bạn là một “kẻ bất thường và vô tri”, hoặc bạn thực sự muốn
làm tổn thương chính mình. Lý trí bình thường luôn đề nghị ta không nên đặt tay
vào nước sôi nữa nếu đã bị đau đớn một lần! Khôn ngoan hơn là đừng tái phạm hay
đừng liều lĩnh với những cơ hội xấu hay dịp tội.
Việc suy xét để tránh những cơ hội dẫn đến tội lỗi là việc
làm của lý trí con người, nhưng đó cũng là một ân sủng cần thiết và phải cầu
xin Chúa: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” - bị rơi vào, sa ngã hoặc
bằng lòng với các dịp tội. Thật thế, các cám dỗ thường xuất hiện bằng vẻ đẹp
lung linh và những lời hứa ngọt ngào. Chỉ có ai đủ tỉnh táo mới có thể nắm bắt cơ hội và lướt thắng. Chỉ có ai biết khiêm tốn mới biết nhận mình sai lầm và
sửa đổi. Chỉ có ai can đảm mới đủ sức
chống chọi và mới có thể thóat khỏi vòng vây của sự dữ. Muốn có những khả năng
này, ta phải biết thường xuyên tập luyện các nhân đức và chuyên cần cầu nguyện.
4. Xưng thú tội lỗi
Đứa con hoang
đàng chạy đến với Cha và nói to, rõ ràng, không dấu diếm gì: “Thưa Cha, con đã
phạm tội chống lại Trời cao và nghịch cùng Cha”.
Như người con
hoang đàng, chúng ta cần phải thú nhận tất cả mọi tội lỗi.
Lời thú nhận tội
lỗi là, trước mặt Thiên Chúa, trình bày với cha Giải tội (người đại diện Chúa
Kitô theo sự ủy thác của Giáo Hội) về những gì lỗi phạm đến Chúa, đến anh em và
với chính bản thân, là những tội đã được
suy xét và nhớ lại trong khi xét mình.
Điều rõ ràng, không dấu diếm tùy thuộc vào việc “gọi tội lỗi ra theo tên của nó”.
Ngày nay, người ta hay có khuynh hướng “đánh tráo khái niệm”, giảm khinh và lấp
liếm hậu quả sai lầm bằng những “từ ngữ nhẹ nhàng” hơn (Ví dụ, thay vì nói là
“phá thai” người ta nói “làm ngắt quãng quá trình mang thai” hay “điều hòa kinh
nguyệt” cho nhẹ đi. Sự thật ra, trong khi sự sống là một tiến trình liên tục,
việc làm ngắt quãng quá trình sống của bào thai chính là giết chết nó vậy!). Sự
chân thành và khiêm nhường là điều rất cần cho hối nhân khi xưng tội.
5. Sám hối, đền tội để đền bù và hàn gắn lại
những gì đã hư mất vì tội
Người con trai
nói với Cha: “Xin hãy đối xử với con như là tôi tớ của Cha”. Nói cách khác:
“Xin tha thứ cho con, con sẽ chấp nhận làm mọi sự để bảo đảm cho lời hứa, sẽ
đền bù những thiệt hại mà con đã gây ra cho Cha, cho dù đó là làm công việc của
một đầy tớ”. Anh xin làm một điều có lẽ sẽ không đủ lớn để bù lại khoảng trống
của tình yêu thương và lòng tin tưởng trước đây của cha mình, nhưng là một điều
cụ thể và chân thành.
Sám hối hay “làm
việc đền tội” là làm một điều cụ thể nào
đó sau khi xưng tội, do Cha giải tội yêu cầu hoặc căn dặn phải thực hiện:
một lời cầu nguyện, một cử chỉ đối với một ai đó, một việc gì đó phải làm để
thay đổi tính nết.
Về “chuyện đền
tội” này, có điều xem ra rất “trẻ con” nhưng là sự thật: người ta thích chọn
xưng tội với cha giải tội nào “ra ít việc đền tội hơn cho mình”. (Thay vì một
cha bắt đi lễ sáng một tuần, cha này thì chỉ xin đọc một Kinh Lạy Cha, viếng
Thánh thể một lần, vân vân…)
Người cha nhân
hậu đã không làm gì khác hơn là đón nhận, mở tiệc mừng vì kẻ sám hối được hồi
sinh. Anh được tha thứ và trở thành người con được yêu thương nhiều hơn, cho dù
anh hầu như đã đánh mất quyền làm con và chỉ muốn làm tôi tớ phục vụ. Thiên
Chúa cũng chẳng bắt chúng ta trả nợ hay phải đọc kinh bù lại để ca ngợi Ngài,
vì điều đó chẳng mang thêm gì cho Chúa mà chỉ sinh ơn ích cho chúng ta mà thôi.
Một cậu bé làm vỡ
chiếc bình cổ mà mẹ rất quý. Cậu biết lỗi, hối hận và cầu xin sự tha thứ từ
người mẹ; và người mẹ tha thứ cho cậu, vì đó là con trai của bà và bà luôn yêu thương
cậu. Sự tha thứ của người mẹ phải chăng vì cậu bé có thể lắp ráp hay hàn gắn
lại chiếc bình? Cậu bé muốn lắp ráp lại bình, muốn tỏ thiện chí, thiện tâm vì cậu
yêu mến mẹ và cậu thực sự không muốn làm cho mẹ buồn; còn người mẹ biết chắc
chắn việc ráp lại chiếc bình đã vỡ là điều không thể hoặc không cần thiết nữa,
nhưng bà nhận ra tấm lòng của cậu.
Sự sám hối và làm việc đền tội chính là biểu
lộ “tấm lòng thành”, với ước ao xây dựng lại mọi sự trong trạng thái nguyên
tuyền vốn có. Có thể đó là “điều không thể” với chúng ta khi muốn làm lại những
gì đã đổ vỡ, nhưng Thiên Chúa biết và nhận ra tấm lòng của chúng ta. Và như
thế, ơn tha thứ vẫn tuôn tràn cho mọi kẻ tội lỗi mà “có lòng thành” muốn sám
hối và thú nhận lỗi lầm của mình.
Bạn đừng quên
việc năng chạy đến tòa cáo giải để nhận hồng ân tha thứ này.
III. VÀI ĐIỀU ĐÁNG LƯU TÂM
• Hãy nhớ rằng cách
duy nhất để được hòa giải với Thiên Chúa và được tha thứ tội lỗi là xưng tội bình thường với cha giải tội. Đây
là một Bí tích chứ không là chuyện “làm cho xong”, là một hành vi khiêm tốn và
là cách duy nhất để được tha tội qua trung gian của Giáo Hội và nhờ vị linh mục,
như Chúa Giêsu nói: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm
giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (xem Ga
20, 23). Sẽ không có sự tha tội “tự mình” theo kiểu do it yourself bằng cách thú nhận riêng giữa bạn và Thiên Chúa. (Bí
tích cần sự thực hành qua các dấu hiệu
bên ngoài, như chúng ta nói trên đây)
• Khi bạn xưng
tội, linh mục là một nhân vật quan trọng (không có linh mục thì không có sự tha
thứ tội lỗi bằng lời xá giải của ngài), nhưng “con người” của linh mục chỉ là thứ
yếu. Điều đó muốn nói rằng ơn sủng của Bí tích hòa giải mang lại cho bạn không hệ
tại nơi “ai là người linh mục mà bạn đến xưng tội”.
• Chính Chúa
Giêsu đã tha thứ cho bạn qua vị linh mục. Và chính Chúa Giêsu ban cho bạn ân
sủng của Ngài qua linh mục. Chúa Giêsu lắng nghe bạn xưng tội thông qua linh
mục.
• Đừng bao giờ
phải xấu hổ thú nhận bất kỳ tội lỗi nào. Vị linh mục giải tội bị bắt buộc giữ
bí mật! Bạn có thể thú nhận bất kỳ tội lỗi nào; và nếu bạn muốn cầu xin lòng
thương xót của Thiên Chúa, chắc chắn Ngài sẽ không bao giờ từ chối điều đó,
nhưng điều quan trọng là “có xin thì mới được”.
• Xưng tội bao
nhiêu lần thì đủ? Giáo Hội mời gọi “xưng tội ít nhất mỗi năm một lần vào Mùa
Phục sinh”, nhưng tốt hơn là bạn nên lưu tâm xưng tội thường xuyên (mỗi tháng,
mỗi hai tuần), và nhất là hãy xưng tội ngay mỗi khi bạn đã trót phạm một tội
trọng.
• Làm sao xưng
tội khi mình luôn luôn phạm những tội lỗi tương tự? Tất cả chúng ta luôn luôn phạm
những tội lỗi tương tự (thói hư, tật xấu), và phải luôn luôn thú nhận tội lỗi
tương tự (cứ lặp đi lặp lại). Không có một luật hay văn bản nào của Giáo Hội
buộc bạn phải luôn luôn xưng các tội khác nhau mỗi lần riêng biệt. Chú ý là cùng một hành vi được bạn thực hiện với chủ ý khác nhau hay trong hoàn cảnh khác
nhau sẽ được đánh giá khác nhau. Bởi
vậy khi xưng cùng một tội, bạn đã phải nói rõ là đã phạm bao nhiêu lần và được cha Giải tôi yêu cầu nói thêm là đã phạm
tội ấy trong hoàn cảnh nào nữa để ngài có thể giúp bạn!
• Đừng rước lễ
(đón nhận Mình Thánh Chúa khi tham dự Thánh lễ) nếu bạn phạm một tội trọng và
bạn chưa xưng tội. Để được rước lễ, việc cầu xin Chúa tha thứ các tội trọng qua
lời cầu nguyện cá nhân và ăn năn tội mà thôi thì chưa đủ.
• Giữ mình không
phạm tội là một hồng ân! Hãy cầu xin Chúa Giêsu trợ giúp trước khi vận dụng khả
năng hay nỗ lực của chính bạn! Điều quan trọng cho tất cả mọi cố gắng là yêu
mến Chúa Giêsu. Mọi hồng ân chúng ta nhận được không phải “do chúng ta tốt lành
và xứng đáng”, nhưng phải biết rằng vì nhờ Chúa Giêsu “đầy lòng thương xót” đã
yêu thương bạn trước. Vì thế, hãy tìm đến Ngài để được đổi mới luôn luôn cuộc
sống của chính bạn.(Lê An Phong, SDB)
No comments:
Post a Comment