31 October, 2015

ƠN GỌI KI TÔ HỮU CÙNG VỚI ÂN SỦNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN



Hạn từ “ơn gọi” được nghe nói thường xuyên, nhưng chúng ta ít khi dừng lại để xác định nội dung “đặc biệt” của nó. Nếu xem đó là một “thuật ngữ nhà đạo”, chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa vô cùng phong phú của một trong những hạn từ có khả năng tóm tắt và tổng hợp các mầu nhiệm Kitô giáo mang tính cách toàn diện, diễn tả được mối tương quan đặc biệt giữa Thiên Chúa và con người; và còn hơn thế, đó còn là tương quan cá vị - của Thiên Chúa với từng cá nhân riêng biệt.
Ở đây chúng ta chia sẻ với nhau một suy tư: điều gì có ý nghĩa “đặc biệt” khi chúng ta nói về ơn gọi Kitô hữu?

1.    Ơn gọi là lịch sử của một tương quan đặc biệt với Chúa Kitô
Ơn gọi theo Kitô giáo trước hết là mối quan hệ với Chúa Giêsu Kitô, Người trở thành điểm quy chiếu cuối cùng trong cuộc sống của chúng ta. Người là một “hệ tiêu chuẩn” mà tôi dựa vào đó để đo lường bản thân mình; là “Vị Thầy” hướng dẫn tâm hồn tôi, là cách suy nghĩ của tôi, là sự gợi hứng để tôi lựa chọn và để tôi sống. Tôi học được nơi Người cách nhìn và đọc ra ý nghĩa của cuộc sống, thiện và ác, sự sống và cái chết. Người là cảm hứng của tôi để tôi huấn luyện bản thân mình.
Người Kitô hữu, vì thế, không phải là những người thi hành (làm) một loạt các hoạt động tôn giáo (cầu nguyện, đi lễ, làm một số công việc từ thiện ...), mà họ là những người cảm thấy cần có sự thống nhất trong toàn bộ cuộc sống và hoạt động của mình; thao thức tìm một lời đáp trả trong mọi tình huống khi họ tự hỏi: “Chúa Giêsu sẽ làm gì ở vị trí của tôi?”
Bằng cách này, các Kitô hữu sẽ cảm thấy rằng việc quy chiếu mọi sự vào Chúa Giêsu là tốt cho bản thân mình. Điều đó không làm giảm đi nhân tính của con người (với lý trí, tự do chọn lựa), nhưng ngược lại, làm cho nhân tính đó được trọn vẹn, đúng và đầy đủ ý nghĩa: Người Kitô hữu nhận ra rằng chỉ trong noi theo Chúa Giêsu Nazareth họ tìm thấy chân lý và gía trị của việc “làm người” và “sống sao cho ra con người” (với tình yêu thương, tha thứ, bác ái,  hy sinh và trao ban…).
Trong khi thực hành, việc chọn Chúa Giêsu Kitô làm điểm quy chiếu cho cuộc đời mình và xây dựng mối quan hệ với Ngài sẽ không được thực hiện ngay lập tức và trực tiếp, nhưng được thực hành thông qua một số “phương tiện”: Thánh Thể (và trong sự liên kết với bí tích Thánh Thể là các bí tích khác), Lời Chúa, việc cầu nguyện... Thông qua những hoạt động thực tế ấy, Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta qua Thần Khí của Người, biến đổi đời sống của các tín hữu nên giống Người hơn khi họ biết đón nhận Người trong đức tin.
Tuy thế, tương quan với Chúa Kitô là một câu trả lời tự do. Câu chuyện của một ơn gọi là lịch sử của con người có lựa chọn tự do. Trong khi một cá nhân mang lấy “hình thức chung” của “ơn gọi Kitô hữu”, một người sẽ nhận ra rằng Chúa muốn giới thiệu “ơn gọi chung” ấy cho mình theo “cách thức”, hay trong các “khía cạnh” rất riêng với mình; và có thể, một khía cạnh nào đó sẽ trở nên quan trọng hơn cho bản thân mình so với những người khác, làm chuyển hướng cách thức ban đầu của họ về việc “tháp nhập vào đời sống của Chúa Kitô”. Chúng ta có thể gọi đó là những “ơn riêng” hay “đặc sủng” mà Chúa Thánh thần khơi lên trong Cộng đoàn Giáo hội.

2. Ơn gọi là tổng hợp đặc biệt các ân sủng của Chúa Thánh Thần

Đời sống Kitô hữu được đánh dấu sâu sắc bởi sự rợp bóng của Chúa Thánh Thần (x. Mt 17, 5). Đó là Thần Khí đưa dẫn các tín hữu đến việc hình thành đầy đủ tương quan của họ với Đức Kitô. Thưc vậy, đời sống Kitô hữu, để phát triển và trưởng thành, đòi hỏi một sự trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần và những tặng ân của Ngài. Chúa Thánh thần là nguồn gốc của tất cả các ân sủng, sự sống, tình yêu: “Tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần là Đấng đã ban cho chúng ta” (Rm 5, 5).
Chính Chúa Thánh Thần cũng là “món quà của Thiên Chúa tối cao” như được hát trong kinh Veni Creator Spiritus (Xin ngự đến Lạy Thánh thần sáng tạo). Chúng ta có thể nói rằng trong Chúa Thánh Thần, đời sống thân mật của Thiên Chúa Ba Ngôi trở nên qua tặng, một sự trao đổi tình yêu lẫn nhau giữa các Ngôi Thiên Chúa, và qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa “tồn tại” trong dạng thức của “quà tặng”. Chúa Thánh Thần là sự biểu hiện cách riêng của điều tự hiến này, của trạng thái tình yêu này. Ngài là một Ngôi vị-Tình yêu. Ngài là một Ngôi vị-tặng ân (x. Dominum et Vivificantem, số 10).
Chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài như là món quà của cuộc sống mới cho các tông đồ, cho Giáo Hội và cho thế giới (Cv 2, 33). Kinh nghiệm của các môn đệ về Chúa Giêsu đã tăng triển, sau khi Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, cho họ “nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22). Đó là kinh nghiệm của ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các tông đồ “được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói các thứ tiếng khác, như Thánh Linh ban cho họ nói” (Cv 2, 4).
Lễ Ngũ Tuần này đã lan truyền sức mạnh trên tất cả nhân loại, cho người già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, phụ nữ… như lời thánh Phêrô giải thích, trong bài giảng đầu tiên của mình, theo lời tiên tri Joel: “Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng,Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ” (Cv 2,17-18).
Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần là món quà của hiệp thông, là nước thanh tẩy, là thực tại mới, là sự phong phú của hồng ân; và qua bí tích Thánh Thể, Lời Chúa và cầu nguyện, Chúa Thánh Thần - là Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô – kích hoạt con người để làm cho họ sống động và trở nên thụ tạo mới mang gương mặt của Chúa Giêsu. Ngài giống như một nghệ sĩ làm việc với tác phẩm bằng đất sét của mình, thổi hồn vào nó, cho đến khi tạo nên những hình dạng mong muốn. Và hình thể mà Chúa Thánh thần muốn ghi thành dấu ấn nơi con người chúng ta là sự hiện hữu “như Chúa Giêsu Kitô”. Bởi thế, các hoạt động của Chúa Thánh thần liên can tới con người – loài được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Chúng ta thường nói về ơn gọi của “con người toàn diện”, nghĩa là không chỉ nói về thân xác và vật chất, mà phải nói cả về tâm hồn và tinh thần của con người. Mô hình con người sống theo Thần khí là con người  được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần và vâng phục thánh ý Thiên Chúa; sự tồn tại của con người ấy mang dấu ấn các nhân đức của Chúa Giêsu Kitô (x. Gl 5, 22-23). Bằng cách này, Chúa Thánh Thần làm cho mọi người tín hữu trở nên sự sáng tạo đậm nét từ Chúa Giêsu Kitô.

3. Ơn gọi là các hoạt động đầy sáng tạo “cho thế giới này” và “trong Giáo Hội” 

Cuộc sống của người kitô hữu là việc tái tạo tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, với khả năng cống hiến chính mình để sống, yêu thương và phục vụ người khác. Đây là sự sáng tạo của Thần Khí, bởi vì các tín hữu không lặp lại những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu Kitô, nhưng các tín hữu ngày hôm nay, với những cử chỉ và lời nói của mình, diễn đạt ý nghĩa chứa đựng trong những lời nói và hành động của Chúa Giêsu. Một cách nào đó, việc lặp lại những gì Chúa Giêsu đã sống, đã nói và đã làm hơn 2000 năm trước ở Palestine là điều không thể, và thậm chí là không cần thiết. Điều đòi hỏi người Kitô hữu hôm nay là “nói về Chúa Giêsu Kitô” trong thế giới này, khi họ phải đối mặt với nhiều vấn đề. Người kitô hữu hôm nay là “chứng nhân” của Chúa Giêsu, chứ không phải là một “bản sao” của Người.
Thêm vào đó, cũng nên nhìn nhận một thực tế rằng: công trình của Chúa Giêsu Kitô đã được thực hiện trong một cộng đoàn lịch sử cụ thể của các tín hữu đầu tiên, và giờ đây cũng là “cộng đoàn Giáo Hội”. Từ điều đó, chúng ta phải nói lại cho những ai chủ trương “Tôi theo Chúa Kitô, còn Giáo Hội thì tôi không theo” điều này: việc tách biệt như thế là không thể được, bởi vì ta tin vào Chúa Giêsu Kitô “trong Giáo Hội”, và ý nghĩa của việc “thuộc về Giáo Hội” là một điều hướng căn bản của ơn gọi Kitô giáo. Kitô hữu là một “người con của Giáo Hội”, chấp nhận Giáo Hội như một cộng đoàn hữu hình và phân cấp, trong đó, nhờ bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần, mỗi người nhận biết và xây dựng mối quan hệ giữa mình với Chúa Giêsu và với nhân loại này theo cách thức riêng và phù hợp.
Nếu ta so sánh lịch sử khác nhau của các vị thánh, thì chúng ta sẽ thấy rằng: trong sự tồn tại của một số đường nét chính về sự thánh thiện mà xem ra được lặp đi lặp lại nơi họ (và đó cũng chính là những phác thảo cơ bản của ơn gọi Kitô hữu), có những gương mặt với một loạt các hoạt động mang nhiều trọng tâm và trọng điểm khác nhau. Chính vì các kitô hữu là sự sáng tạo độc đáo và không lặp đi lặp lại về Chúa Kitô như thế, mà đã có không gian mở ra cho các ơn gọi khác nhau cho sự thánh thiện: Hôn nhân, linh mục, tu sĩ, truyền giáo, giáo dân ... Các ơn gọi đó được xác định theo phương cách cụ thể; và thông qua đó, mọi kitô hữu, theo cách riêng của mình, trở thành hình ảnh sống động và đầy sáng tạo của Chúa Giêsu.
Làm sao để nhận ra và sống ơn gọi của mình? Điều quan trọng là, trong ánh sáng của khuôn mẫu tổng thể về đời sống Kitô hữu, mỗi một người Kitô hữu phải “nhận ra” nơi chính bản thân mình, hôm nay, khi đang sống trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, nét riêng của việc mình được Chúa Thánh thần hướng dẫn, thúc đẩy và giáo dục qua các biến cố cuộc đời. Đó cũng là việc “hiểu được” đâu là nguồn cảm hứng và những thử thách mà Thiên Chúa gợi ra trong cuộc sống của chúng ta, rồi dần dần để Ngài hướng dẫn đường lối thực hành qua các “phương tiện” đã nói trên, để chúng ta ngày càng trở nên mạnh mẽ và có thể biểu hiện rõ ràng hơn bộ mặt của Đức Kitô trong thế giới hôm nay.
(Lê An Phong, SDB)

Lời hay ý đẹp của Albert Einstein



Albert Einstein (14/3/1879 – 18/4/1955) - Là nhà vật lý lý thuyết sinh ở nước Đức. Ông đã phát triển thuyết tương đối tổng quát, một lý thuyết cách mạng có ảnh hưởng trong ngành vật lý. Với thành tựu này, Einstein được coi là một trong những cha đẻ của vật lý hiện đại và là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Không những nổi tiếng với phương trình sự tương đương khối lượng-năng lượng E = mc2, mà ông đã nhận Giải Nobel Vật lý năm 1921 “cho những cống hiến của ông đối với vật lý lý thuyết, và đặc biệt cho sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện”. Việc khám phá và giải thích định luật quang điện cùng với các đóng góp của những nhà vật khác đã khai sinh ra lý thuyết lượng tử, một trụ cột của ngành vật lý học.
Chúng ta cùng đọc lại các phat biểu hay của A. Einstein được người ta sưu tầm. XIn chọn một vài câu để chia sẻ cùng bạn. (Lê An Phong,SDB)


Trí tuệ không phải là một sản phẩm từ trường lớp, nhưng là một quá trình học tập suốt đời.

Nếu bạn muốn con bạn thông minh, hãy đọc cho nó nghe những câu truyện thần tiên.

Giáo dục không phải là ngồi học những cái dữ kiện, mà là việc rèn luyện cho tâm trí cái khả năng tư duy.

Đa số chỉ nhìn thấy những gì đang là mà không nhìn thấy được những gì sẽ là.

Khi ta chấp nhận những giới hạn của mình, ta vượt qua nó.

Trí tưởng tượng là tất cả. Nó chính là tiền đề của tương lai. Tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức.

Người nào chưa từng mắc lỗi lầm cũng là người chưa bao giờ thử làm việc gì.

Bổn phận thiết thực nhất của một người thầy là đánh thức lòng ham thích học hỏi của học sinh.

Một ngày kia, máy móc sẽ giải đáp tất cả những câu hỏi, nhưng sẽ không cỗ máy nào đặt được câu hỏi.

Cái đem lại giá trị thực sự cho con người là giải thoát khỏi cái tôi của họ.

Giá trị một người có được là ở khả năng những gì người đó cho đi.

Ðừng nên cố trở thành một người thành công mà hãy gắng trở thành một người có giá trị.

Cuộc sống cũng giống như việc lái một chiếc xe đạp, để giữ thăng bằng ta cần phải luôn chuyển động.

Người giỏi giang giải quyết vấn đề. Người có trí tuệ phòng ngừa vấn đề.

Tiến bộ kỹ thuật như một cái rìu nằm trong tay một kẻ tâm thần.

Hỡi ơi ngày nay kỹ thuật đã hiển nhiên vượt qua tình nhân loại.

 Sự điên rồ, là hành động như cũ nhưng chờ đợi một kết quả mới.

Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng.

Tất cả tôn giáo, nghệ thuật và khoa học đều là những cành mọc ra từ một thân cây. Tất cả những khát vọng ấy đều hướng tới cái đích là làm cho cuộc sống con người cao quý hơn.

Cái đẹp nhất mà chúng ta có thể cảm nhận đó là sự huyền bí của cuộc sống.

SỰ HỢP LÝ CỦA THƯỢNG ĐẾ




“Thử nghĩ mà xem, Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý, nhưng sao chúng ta lại không sử dụng nó theo đúng ý của Ngài:
- Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.
-  Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.
-  Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn chúng  ta  nói  ít  nghe  nhiều    chỉ  nói  những  lời  khôn  ngoan,  chứ  không  phải  để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm là tổn thương người khác.
-  Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chắc vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo cất giữ những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.
-  Ngài  đặt  trái  tim  chúng  ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn  những  tình  cảm  yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận  nơi  sâu  thẳm  trong  cõi lòng, chứ  không  phải    một nơi hời hợt bên ngoài”.
(Sưu  tầm - Tác  giả:  Hải  Âu)

SỐNG THEO SỰ THẬT



“Một sự bất tín, vạn sự bất tin” - Câu nói này chúng ta đã được nghe nhiều lần. Chữ tín ở đây là sự tin tưởng, là chấp nhận và nghe theo một điều gì đó hay một ai đó. Sự tin tưởng có được, hay là được bảo đảm nhờ sự chân thật.

Sự thật là gì?
Hãy bắt đầu nghiệm ra sự thật từ chính sự giả dối, từ việc sống không thật lòng, việc che đậy, ẩn giấu một điều gì đó mà ai trong chúng ta cũng đã từng cảm nghiệm từ thời thơ ấu. Vì sợ bị mẹ đánh đòn do mải chơi trốn học nên ta nói dối mẹ. Vì sợ thầy cô phạt khi không thuộc bài nên ta nói dối thày cô; hay vì lười học bài lại sợ điểm kém mà ta gian lận, quay cóp khi làm bài kiểm tra. Còn những điều khác nữa tương tự mà người ta thường làm khi đã khôn lớn, là lối hành xử theo cách “không rõ ràng” để che đậy một điều gì đó đúng ra cần phải được làm cách rõ ràng, và chúng ta gọi tên chung cho những hiện tượng này là “sự giả dối”.
Trái ngược với giả dối là sự thật. Sự thật là điều rõ ràng, hợp đạo lý, đúng bản chất sự vật và đặc tính của con người mà không ai có thể chối cãi, dù người ta cố ý khước từ hoặc không muốn chấp nhận. Sự thật có tính vĩnh cửu; sự thật mãi mãi vẫn là sự thật, và dù người ta cố tình che giấu, thì một ngày nào đó sẽ lộ ra ánh sáng. Cha ông ta nói một cách rất hình tượng là “cây kim giấu mãi trong bọc cũng có ngày lộ ra”.
Tính chân thật liên quan đến nhận thức, đến bản chất sự vật, đến hành động.
a) Sự nhận thức đúng đắn: khi những hiểu biết (thông tin), phán đoán, nhận định của một người là hợp lý (có logic) tương ứng với sự vật, sự việc.
b) Đúng với bản chất: nơi mỗi thực tại có mang nét vẻ riêng như đã được Thiên Chúa tạo thành.
c) Hành động đúng đắn: Mỗi lời nói, việc làm tương ứng với hiểu biết, niềm tin, khả năng, nhận định, lựa chọn (Sự tương hợp bên trong - bên ngoài, lý thuyết - thực hành, lời nói - việc làm).

Cần chăng việc “sống theo sự thật”?
Trong tương quan làm người, một lần giả dối sẽ khiến người ta đánh mất sự tín nhiệm, lòng tin tưởng lẫn nhau. Con người không thể sống với nhau nếu không tin tưởng lẫn nhau hoặc không chân thành với nhau. Trong sự dối trá, cuộc sống chung và mọi mối tương quan sẽ trở nên nặng nề; tinh thần con người sẽ bị ảnh hưởng kinh khủng, vì người ta luôn luôn phải “cảnh giác”, phải luồn lách, phải nghi ngờ, phải tìm cách che dấu sự thật vì sợ người khác “phát hiện” hay nhìn ra “chân tướng” của mình.
Không sống theo sự thật, con người sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng tự phân rẽ nơi chính bản thân mình: sống hai mặt – bằng mặt không bằng lòng, sống bất nhất – nói một đàng làm một nẻo.

Có thể sống theo sự thật không?
Trong thực tế cuộc sống, nhận ra sự thật không là điều quá khó, nhưng việc sống với sự chân thật ngày càng trở nên khó khăn hơn, nhất là khi người ta cố tình che giấu, đánh tráo, bẻ cong sự thật; hoặc có nhiều khi và bằng nhiều cách, người ta giới thiệu hàng loạt “cái na ná của sự thật”, hay những sự giả dối và tội ác được cố che đậy bằng lớp áo của chân lý và lòng tốt để lừa gạt người khác. Thêm vào đó, có những người “không ưa sự thật” hay “khó chịu vì sự thật”, vì sự thật nào đó sẽ làm phơi bày mưu đồ đen tối của họ; và vì thế mới có chuyện “diệt người bịt khẩu”, giết nhân chứng để chạy tội, phi tang, vu oan giáng hoạ, làm chứng gian, thề dối… 
Thường thì kẻ xấu, khi đã lỡ làm điều gian ác, luôn muốn dùng mọi cách để “bịt miệng chân lý”, hay không muốn cho người khác lên tiếng vì sự thật. Người “hiền lành”, nhiều khi vì sợ hãi và sợ bị mang vạ vào thân, đã chọn cách im lặng ngồi nhìn người ta chà đạp lên sự thật. Người quen thói giả đối, quen xu nịnh, thích tâng bốc, nói phét vì lợi ích cho mình cũng coi thường sự thật. Đó cũng là một tội ác.
Nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta còn thấy việc người ta dùng sức mạnh của số đông để quyết định chân lý. “Thay vì sử dụng sức mạnh của chân lý, người ta dùng chân lý của sức mạnh” (Gioan Phaolo II). Đây cũng là một nguy hiểm cho sự thật liên quan đến các vấn đề luân lý và lương tâm con người thời nay.

Nhận ra sự thật thế nào?
Như một kiểu nhận thức của con người, kinh nghiệm về sự gian dối, hay kinh nghiệm về việc che đậy sự thật không là “cảm giác” đơn thuần, mà cũng là “ý nghĩ” liên quan đến một sự so sánh hay liên tưởng đến một điều khác đúng đắn và rõ ràng hơn (một sự việc, một sự vật, một con người “phải là”) mà chúng ta đã nhận biết theo chính “bản chất” của chúng: trắng và đen, nóng và lạnh, xanh và đỏ, sáng và tối, già và trẻ,... Thật thế, tôi không chỉ cảm thấy mình bị lừa gạt hay đang lừa dối mà còn biết và hiểu ra rằng có điều gì đó “không thật”, “không đúng”, “không hợp” đang xảy ra với tôi hoặc nơi tôi.
Chúng ta có cảm nhận và hiểu biết cách tự nhiên về sự thật  như thế, vì con người có trí khôn, và trí khôn ấy luôn muốn tìm kiếm chân lý, để hiểu biết về nhiều điều trong chính mình và trong thế giới, cả hữu hình lẫn vô hình, tự nhiên lẫn siêu nhiên. Cũng vì thế mà người ta đã tạo ra được các máy đo sự thật. Nhưng có người còn tài hơn là đã “lừa” được cả máy đo sự thật, nghĩa là con người có khả năng “giả dối”, giả bộ, giả hình; hay con người cũng là những “ bậc thầy” làm chuyện dối trá.
Với người Kitô hữu, sự thật là gì? Đâu là sự thật cần phải theo?
Trong Tin mừng, chúng ta có nghe câu hỏi này. Khi bị điệu ra trước mặt nhà cầm quyền và bị tra khảo tại dinh Tổng trấn Philatô, Đức Giêsu minh định về mình: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37). Ông Philatô hỏi: “Sự thật là gì?” (Ga 18, 38). Chúa Giêsu không trả lời! Chúa Giêsu im lặng trước Philatô, nhưng cả cuộc đời Ngài đã là một câu trả lời. Đó là Sự thật về Thiên Chúa, là chân lý mà Chúa Giêsu muốn nói cho con người biết về một Thiên Chúa – Chủ tể của tình yêu và sự sống. Chân lý đó của Người là con đường sự sáng mà con người bước theo để tìm thấy ý nghĩa của chính cuộc đời mình. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Và Ngài còn nói rõ: “Kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng” (Ga 3, 21).
Đối với người kitô hữu, “sống theo sự thật” là mời gọi bắt nguồn từ chính Thiên Chúa - là Chân lý; và chân lý này được tỏ bày nơi Đức Kitô Giêsu – con đường dẫn mọi người đến với Chúa Cha , và được Thánh Thần soi sáng (x. Rm 3, 4; Ga 14, 6, Ga 16, 13). Không chỉ sống theo sự thật - theo Đức Kitô, người kitô hữu còn được mời gọi “làm chứng cho sự thật” - cho Đức Kitô (x. Ga 18, 37; 2 Tm 1, 8).

Sống theo sự thật nào?
Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8, 32). Sự thật này là chân lý của Tin mừng mà Đức Giêsu rao giảng, là lời mời gọi nhận biết Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em của nhau. Không ai có thể làm lu mờ chân lý, không ai có thể bóp méo sự thật của Thiên Chúa. Sự thật đó là  chính Thiên Chúa cao trọng và giàu lòng yêu thương. Biết được Ngài, chúng ta sẽ có tất cả. Đó là sự giải phóng đích thực, là sự giải thoát đúng nghĩa.
Chúa Giêsu đã sống “thẳng thắn thành thật”, Người muốn chúng ta sống như Ngài: bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lý, dù có phải thiệt thân. Thật vậy, Ngài truyền dạy các môn đệ phải can đảm “công khai nói giữa ban ngày, chứ đừng có sợ” (x. Mt 2, 26-33; Lc 12,1-9). Ngài cũng nhắc bảo họ sống trung thực: “Có thì nói có, không thì nói không. Thêm điều, đặt chuyện là do ma quỷ mà ra” (Mt 5, 33). Ma quỷ rất mánh khóe, rất gian manh. Ai gian dối, lọc lừa, vu khống, nịnh hót, a dua... đều là “học trò” của ma quỷ xảo trá, gian tà.

Sống sự thật theo Tin mừng.
Ngày nay, với các phương tiện truyền thông hiện đại, việc xúi giục, xúc phạm, lừa gạt làm ảnh hưởng đến người khác đang lan tràn. Do thiếu ý thức canh phòng giác quan và môi miệng, người ta đã bị rơi vào cạm bẫy của dối trá. Do âm mưu vì lợi ích và quyền lợi cá nhân, chân lý đã bị che đậy. Việc truyền thông cũng bị lạm dụng vì phục vụ các ý đồ xấu. Vì thế, người kitô hữu còn phải biết thực hiện việc thông truyền sự thật với Đức Ái. Đó là sự tế nhị, biết đánh giá lợi ích riêng và chung, tránh gây gương mù gương xấu, giữ bí mật nghề nghiệp, tôn trọng lời hứa và chuyện cá nhân của người khác; biết diễn đạt thông tin trong giới hạn của công bằng và chân lý, theo quyền lợi chính đáng và đúng phẩm giá con người.
Thánh Phaolô khuyên rằng: “Mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4, 24-25). Dù khó khăn và chịu nhiều ảnh hưởng từ xã hội bên ngoài, người Kitô hữu phải tiếp tục dấn thân hơn cho việc loan truyền tin vui, sự thật mà họ đã lãnh nhận trong Đức Tin và Đức Ái.
(Lê An Phong, SDB – 09.2015)