31 October, 2015

TẢN MẠN VỚI BẠN VỀ THỜI GIAN



Bạn trẻ thân mến. Văn chương chẳng phải nghề của tôi, và lâu rồi, vì công việc, tôi đã bỏ cả việc đọc thơ ca. Không biết tại sao lúc này tự nhiên lại có chút “hứng khởi văn chương”! Bỗng dưng, khi phải viết mấy dòng tản mạn này cho bạn, tôi bỗng nhớ lại mấy vần thơ lãng mạn về màu thời gian:
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh.
Đây là mấy câu thơ trích từ bài thờ “Màu Thời Gian” của Tác giả Đoàn Phú Tứ. Hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân  đã viết Lời bình như sau: “Người Pháp thường bảo thời gian màu xanh. Nhưng thi nhân nhớ lại thời xưa, hồi người đương yêu, cứ thấy màu thời gian tím ngát vì người riêng thích một thứ hoa tím, và màu hoa lẩn với người yêu. Hương thời gian là hương thứ hoa kia mà cũng là hương yêu, một thứ tình yêu qua đã lâu rồi, nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng” (trích Thi Nhân Việt Nam).

Không biết bạn thì sao, riêng tôi, khi nghĩ về thời gian, luôn cảm thấy lòng mình xúc động lạ thường.
Thật vậy, chỉ cần nghĩ đến một quá khứ mà mình đã trải qua, nghĩ đến những giây phút hiện tại với bao nhiêu điều vui buồn lẫn lộn; hay nghĩ đến một tương lai mà thực ra không xa xôi gì, chỉ là “ngày mai” thôi, một ngày kế tiếp của ngày hôm nay mà nhiều khi ngày mai không bao giờ đến một cách trọn vẹn vì một lỗi lầm nào đó của mình.
Nghe như thế chắc bạn bạn sẽ nghĩ ngay rằng: “Ôi dào, triết lý làm gì cho mệt, cứ sống đi cho nó xong, tính thời gian làm gì cho mệt!”. Tôi cũng như bạn thôi, triết lý làm chi cho mệt, “ngày nào có sự đau khổ của ngày ấy”. Sống được tới đâu, mừng tới đấy! Nhưng mọi sự hình như không đơn giản chỉ là “quên đi thì dễ sống”. Đúng vậy, nghĩ đến là mệt thật khi mình còn trẻ trung, yêu đời, sức lực trào tràn, mọi sự còn ở phía trước, nơi một tương lai rạng rỡ. Chẳng ai muốn làm ông cụ hay bà cụ “non” để triết lý với mọi người về thời gian và cuộc đời. Nhưng, ta không thể không nghĩ đến các mốc giới hạn về thời gian của cuộc đời mình được. Ta phải suy nghĩ thôi, khi mình bắt đầu qua khỏi tuổi “teen”, khi tốt nghiệp đại học, khi lập gia đình, khi đưa con đầu lòng của mình đến lớp Mầm non, hay khi nhìn thấy những sợi tóc bạc đầu tiên bên thái dương, hay những nếp nhăn dưới đuôi mắt của người mình thương…

Không biết bạn nghĩ sao về thời gian, riêng tôi, tôi thấy sợ vì thời gian trôi qua nhanh quá!
Trong khi mình còn bao nhiêu thứ để làm mà thời gian cứ mỗi một ngày trôi qua lặng lẽ. Năm tôi 20 tuổi, tôi nghĩ mình có thể làm được mọi thứ tôi muốn. Lúc tôi đến tuổi tứ tuần, tôi bắt đầu “hoảng lên” vì thấy có nhiều thứ vẫn là ước mơ và còn rất xa tầm tay với của mình! Và còn bao nhiêu điều cần phải làm nữa!
Thời gian nghiệt ngã không chờ một ai, và cuộc đời cũng trôi qua “khác nào một trống canh thôi”, nói như lời Thánh vịnh 90. Kinh nghiệm của bao người đi trước một lần nữa khiến tôi phải suy nghĩ về thời gian hay về “vốn liếng thời gian” nơi chính cuộc đời mình: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi”. Tác giả của Thánh vịnh đã suy nghĩ về sự giới hạn ấy của đời người và cầu xin: “Lạy Chúa xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”. Có lẽ tác giả của Thánh vịnh này muốn nói với chúng ta rằng thời gian có sự khởi đầu và có lúc kết thúc. Cuộc đời con người bắt đầu khi ta sinh ra và chắc chắn sẽ có lúc kết thúc. Cuộc đời con người ngắn ngủi, nên cần phải sống cách khôn ngoan; nghĩa là biết lợi dụng đúng mức thời gian đó để làm điều thiện, để hưởng những lợi ích của đời sống hiện tại theo đúng ý của Thiên Chúa.

Không biết bạn nghĩ gì hay bạn có lo sợ khi thời gian trôi qua không; riêng tôi, giữa bao nhiêu cảm xúc buồn vui lẫn lộn với tháng năm đời mình, đang dần dần nghiệm ra rằng: Thời gian, với những giới hạn nghiệt ngã nơi từng thời khắc của cuộc sống, vẫn luôn mang giá trị của một sự giới hạn cần thiết. Ta biết rằng mình sẽ bước đi trong đời này với từng đó năm tháng, ngày giờ. Ta biết rằng với từng đó thời gian, mình chỉ có thể và trong khả thể làm được vài việc có ý nghĩa. Nếu vậy thì việc “đếm tháng ngày mình sống” có lẽ chẳng là điều gì đáng buồn, nhưng là cơ hội để mình biết trân quý những khoảnh khắc có một không hai trong đời mình.
Xin bạn đừng nghĩ là tôi triết lý vớ vẫn; chỉ mong bạn đồng cảm với tôi và với bao nhiêu người “có tuổi” khác đang lẩm nhẩm tính tháng ngày mình đã sống đấy thôi! Và khi nghĩ về quá khứ hiện tại hay tương lai, có người vui, có người buồn đấy bạn ạ! Tôi tin là bạn hiểu được lý do tại sao, và tôi luôn cầu mong cho bạn vui tươi, biết vượt qua cây cầu thời gian mà không chút mệt mõi hay hãi sợ. 
(Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment