31 October, 2015

ƠN GỌI KI TÔ HỮU CÙNG VỚI ÂN SỦNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN



Hạn từ “ơn gọi” được nghe nói thường xuyên, nhưng chúng ta ít khi dừng lại để xác định nội dung “đặc biệt” của nó. Nếu xem đó là một “thuật ngữ nhà đạo”, chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa vô cùng phong phú của một trong những hạn từ có khả năng tóm tắt và tổng hợp các mầu nhiệm Kitô giáo mang tính cách toàn diện, diễn tả được mối tương quan đặc biệt giữa Thiên Chúa và con người; và còn hơn thế, đó còn là tương quan cá vị - của Thiên Chúa với từng cá nhân riêng biệt.
Ở đây chúng ta chia sẻ với nhau một suy tư: điều gì có ý nghĩa “đặc biệt” khi chúng ta nói về ơn gọi Kitô hữu?

1.    Ơn gọi là lịch sử của một tương quan đặc biệt với Chúa Kitô
Ơn gọi theo Kitô giáo trước hết là mối quan hệ với Chúa Giêsu Kitô, Người trở thành điểm quy chiếu cuối cùng trong cuộc sống của chúng ta. Người là một “hệ tiêu chuẩn” mà tôi dựa vào đó để đo lường bản thân mình; là “Vị Thầy” hướng dẫn tâm hồn tôi, là cách suy nghĩ của tôi, là sự gợi hứng để tôi lựa chọn và để tôi sống. Tôi học được nơi Người cách nhìn và đọc ra ý nghĩa của cuộc sống, thiện và ác, sự sống và cái chết. Người là cảm hứng của tôi để tôi huấn luyện bản thân mình.
Người Kitô hữu, vì thế, không phải là những người thi hành (làm) một loạt các hoạt động tôn giáo (cầu nguyện, đi lễ, làm một số công việc từ thiện ...), mà họ là những người cảm thấy cần có sự thống nhất trong toàn bộ cuộc sống và hoạt động của mình; thao thức tìm một lời đáp trả trong mọi tình huống khi họ tự hỏi: “Chúa Giêsu sẽ làm gì ở vị trí của tôi?”
Bằng cách này, các Kitô hữu sẽ cảm thấy rằng việc quy chiếu mọi sự vào Chúa Giêsu là tốt cho bản thân mình. Điều đó không làm giảm đi nhân tính của con người (với lý trí, tự do chọn lựa), nhưng ngược lại, làm cho nhân tính đó được trọn vẹn, đúng và đầy đủ ý nghĩa: Người Kitô hữu nhận ra rằng chỉ trong noi theo Chúa Giêsu Nazareth họ tìm thấy chân lý và gía trị của việc “làm người” và “sống sao cho ra con người” (với tình yêu thương, tha thứ, bác ái,  hy sinh và trao ban…).
Trong khi thực hành, việc chọn Chúa Giêsu Kitô làm điểm quy chiếu cho cuộc đời mình và xây dựng mối quan hệ với Ngài sẽ không được thực hiện ngay lập tức và trực tiếp, nhưng được thực hành thông qua một số “phương tiện”: Thánh Thể (và trong sự liên kết với bí tích Thánh Thể là các bí tích khác), Lời Chúa, việc cầu nguyện... Thông qua những hoạt động thực tế ấy, Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta qua Thần Khí của Người, biến đổi đời sống của các tín hữu nên giống Người hơn khi họ biết đón nhận Người trong đức tin.
Tuy thế, tương quan với Chúa Kitô là một câu trả lời tự do. Câu chuyện của một ơn gọi là lịch sử của con người có lựa chọn tự do. Trong khi một cá nhân mang lấy “hình thức chung” của “ơn gọi Kitô hữu”, một người sẽ nhận ra rằng Chúa muốn giới thiệu “ơn gọi chung” ấy cho mình theo “cách thức”, hay trong các “khía cạnh” rất riêng với mình; và có thể, một khía cạnh nào đó sẽ trở nên quan trọng hơn cho bản thân mình so với những người khác, làm chuyển hướng cách thức ban đầu của họ về việc “tháp nhập vào đời sống của Chúa Kitô”. Chúng ta có thể gọi đó là những “ơn riêng” hay “đặc sủng” mà Chúa Thánh thần khơi lên trong Cộng đoàn Giáo hội.

2. Ơn gọi là tổng hợp đặc biệt các ân sủng của Chúa Thánh Thần

Đời sống Kitô hữu được đánh dấu sâu sắc bởi sự rợp bóng của Chúa Thánh Thần (x. Mt 17, 5). Đó là Thần Khí đưa dẫn các tín hữu đến việc hình thành đầy đủ tương quan của họ với Đức Kitô. Thưc vậy, đời sống Kitô hữu, để phát triển và trưởng thành, đòi hỏi một sự trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần và những tặng ân của Ngài. Chúa Thánh thần là nguồn gốc của tất cả các ân sủng, sự sống, tình yêu: “Tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần là Đấng đã ban cho chúng ta” (Rm 5, 5).
Chính Chúa Thánh Thần cũng là “món quà của Thiên Chúa tối cao” như được hát trong kinh Veni Creator Spiritus (Xin ngự đến Lạy Thánh thần sáng tạo). Chúng ta có thể nói rằng trong Chúa Thánh Thần, đời sống thân mật của Thiên Chúa Ba Ngôi trở nên qua tặng, một sự trao đổi tình yêu lẫn nhau giữa các Ngôi Thiên Chúa, và qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa “tồn tại” trong dạng thức của “quà tặng”. Chúa Thánh Thần là sự biểu hiện cách riêng của điều tự hiến này, của trạng thái tình yêu này. Ngài là một Ngôi vị-Tình yêu. Ngài là một Ngôi vị-tặng ân (x. Dominum et Vivificantem, số 10).
Chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài như là món quà của cuộc sống mới cho các tông đồ, cho Giáo Hội và cho thế giới (Cv 2, 33). Kinh nghiệm của các môn đệ về Chúa Giêsu đã tăng triển, sau khi Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, cho họ “nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22). Đó là kinh nghiệm của ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các tông đồ “được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói các thứ tiếng khác, như Thánh Linh ban cho họ nói” (Cv 2, 4).
Lễ Ngũ Tuần này đã lan truyền sức mạnh trên tất cả nhân loại, cho người già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, phụ nữ… như lời thánh Phêrô giải thích, trong bài giảng đầu tiên của mình, theo lời tiên tri Joel: “Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng,Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ” (Cv 2,17-18).
Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần là món quà của hiệp thông, là nước thanh tẩy, là thực tại mới, là sự phong phú của hồng ân; và qua bí tích Thánh Thể, Lời Chúa và cầu nguyện, Chúa Thánh Thần - là Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô – kích hoạt con người để làm cho họ sống động và trở nên thụ tạo mới mang gương mặt của Chúa Giêsu. Ngài giống như một nghệ sĩ làm việc với tác phẩm bằng đất sét của mình, thổi hồn vào nó, cho đến khi tạo nên những hình dạng mong muốn. Và hình thể mà Chúa Thánh thần muốn ghi thành dấu ấn nơi con người chúng ta là sự hiện hữu “như Chúa Giêsu Kitô”. Bởi thế, các hoạt động của Chúa Thánh thần liên can tới con người – loài được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Chúng ta thường nói về ơn gọi của “con người toàn diện”, nghĩa là không chỉ nói về thân xác và vật chất, mà phải nói cả về tâm hồn và tinh thần của con người. Mô hình con người sống theo Thần khí là con người  được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần và vâng phục thánh ý Thiên Chúa; sự tồn tại của con người ấy mang dấu ấn các nhân đức của Chúa Giêsu Kitô (x. Gl 5, 22-23). Bằng cách này, Chúa Thánh Thần làm cho mọi người tín hữu trở nên sự sáng tạo đậm nét từ Chúa Giêsu Kitô.

3. Ơn gọi là các hoạt động đầy sáng tạo “cho thế giới này” và “trong Giáo Hội” 

Cuộc sống của người kitô hữu là việc tái tạo tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, với khả năng cống hiến chính mình để sống, yêu thương và phục vụ người khác. Đây là sự sáng tạo của Thần Khí, bởi vì các tín hữu không lặp lại những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu Kitô, nhưng các tín hữu ngày hôm nay, với những cử chỉ và lời nói của mình, diễn đạt ý nghĩa chứa đựng trong những lời nói và hành động của Chúa Giêsu. Một cách nào đó, việc lặp lại những gì Chúa Giêsu đã sống, đã nói và đã làm hơn 2000 năm trước ở Palestine là điều không thể, và thậm chí là không cần thiết. Điều đòi hỏi người Kitô hữu hôm nay là “nói về Chúa Giêsu Kitô” trong thế giới này, khi họ phải đối mặt với nhiều vấn đề. Người kitô hữu hôm nay là “chứng nhân” của Chúa Giêsu, chứ không phải là một “bản sao” của Người.
Thêm vào đó, cũng nên nhìn nhận một thực tế rằng: công trình của Chúa Giêsu Kitô đã được thực hiện trong một cộng đoàn lịch sử cụ thể của các tín hữu đầu tiên, và giờ đây cũng là “cộng đoàn Giáo Hội”. Từ điều đó, chúng ta phải nói lại cho những ai chủ trương “Tôi theo Chúa Kitô, còn Giáo Hội thì tôi không theo” điều này: việc tách biệt như thế là không thể được, bởi vì ta tin vào Chúa Giêsu Kitô “trong Giáo Hội”, và ý nghĩa của việc “thuộc về Giáo Hội” là một điều hướng căn bản của ơn gọi Kitô giáo. Kitô hữu là một “người con của Giáo Hội”, chấp nhận Giáo Hội như một cộng đoàn hữu hình và phân cấp, trong đó, nhờ bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần, mỗi người nhận biết và xây dựng mối quan hệ giữa mình với Chúa Giêsu và với nhân loại này theo cách thức riêng và phù hợp.
Nếu ta so sánh lịch sử khác nhau của các vị thánh, thì chúng ta sẽ thấy rằng: trong sự tồn tại của một số đường nét chính về sự thánh thiện mà xem ra được lặp đi lặp lại nơi họ (và đó cũng chính là những phác thảo cơ bản của ơn gọi Kitô hữu), có những gương mặt với một loạt các hoạt động mang nhiều trọng tâm và trọng điểm khác nhau. Chính vì các kitô hữu là sự sáng tạo độc đáo và không lặp đi lặp lại về Chúa Kitô như thế, mà đã có không gian mở ra cho các ơn gọi khác nhau cho sự thánh thiện: Hôn nhân, linh mục, tu sĩ, truyền giáo, giáo dân ... Các ơn gọi đó được xác định theo phương cách cụ thể; và thông qua đó, mọi kitô hữu, theo cách riêng của mình, trở thành hình ảnh sống động và đầy sáng tạo của Chúa Giêsu.
Làm sao để nhận ra và sống ơn gọi của mình? Điều quan trọng là, trong ánh sáng của khuôn mẫu tổng thể về đời sống Kitô hữu, mỗi một người Kitô hữu phải “nhận ra” nơi chính bản thân mình, hôm nay, khi đang sống trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, nét riêng của việc mình được Chúa Thánh thần hướng dẫn, thúc đẩy và giáo dục qua các biến cố cuộc đời. Đó cũng là việc “hiểu được” đâu là nguồn cảm hứng và những thử thách mà Thiên Chúa gợi ra trong cuộc sống của chúng ta, rồi dần dần để Ngài hướng dẫn đường lối thực hành qua các “phương tiện” đã nói trên, để chúng ta ngày càng trở nên mạnh mẽ và có thể biểu hiện rõ ràng hơn bộ mặt của Đức Kitô trong thế giới hôm nay.
(Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment