28 November, 2015

SUY NIỆM LỜI CHÚA - SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG NHƯ NHỮNG MÔN ĐỆ CỦA ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT - Tuần III

Tin mừng Luca (Lc 3, 10-18): 
Người môn đệ Chúa và lối hành xử với lòng trắc ẩn

Tin mừng tuần này tiếp theo câu chuyện của Gioan Tẩy giả và lời kêu mời sám hối, thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, Gioan xem ra đã thay đổi thái độ, không còn gay gắt, trực tính hay đầy thịnh nộ nữa (x. Lc 3, 7-9) để loan báo tin vui về một Đấng Cứu thế sẽ xuất hiện sau đó mà mình không đáng cởi quai dép (x. Lc 3, 15-18). Và đây là bài học quý giá cho lối hành xử nơi người môn đệ của lòng thương xót.

Đối diện với nhiều hạng người khác nhau, trong đó có nhiều kẻ đáng thương hơn là đáng tội, bị anh em đồng bào khinh miệt vì “nghề nghiệp bất chính” và bị xem là “những kẻ tội lỗi” (x. Lc 3, 11-14), Gioan đã tỏ lộ một con người là ngôn sứ của Thiên Chúa yêu thương với họ. Thông điệp mà ông nói với họ là không một ai xấu xa và đáng bị loại bỏ; không một nghề nghiệp, công việc nào khiến con người bị loại bỏ ra khỏi ơn cứu độ. Gioan đã khuyên bảo mọi người làm những việc cụ thể để chứng tỏ tình huynh đệ, bảo vệ công bằng, thiện tâm và ước muốn vươn lên sự trọn hảo bằng chính sự nỗ lực hoán cải từ thực trạng của chính mình. Hơn ai hết, Gioan “hiểu” tâm hồn của con người thời đại mình đang sống và cùng đi với họ trên đường canh tân, hoán cải.

Thái độ và cách hành xử của Gioan đã để lại dấu ấn trong lòng mọi người; và người ta bắt đầu đặt câu hỏi về căn tính của ông: “Biết đâu ông Gioan chẳng phải là Đấng Mesia” (Lc 3, 15). Trong tình huống ấy, nếu muốn, ông Gioan, sẽ có được “cơ hội vàng” để tự tâng bốc hay “đánh bóng thương hiệu” của mình, nhưng Gioan đã “biết” sứ mệnh tiền hô, và với lòng khiêm tốn, ông đã khéo léo giới thiệu cho mọi người tin vui về một Đấng Cứu thế sẽ đến – Đấng có quyền năng và sẽ ban Thần khí đổi mới lòng người (x. Lc 3, 16-17).

Không cần phải truy tầm xa xôi, chúng ta cũng có thể nhận ra từ Gioan cách thức để nói về Chúa cho con người thời đại hôm nay. Như những ngôn sứ, chúng ta không thể im hơi lặng tiếng, hay hô hào chỉ vì danh tiếng cho mình. Đi xa hơn nữa, là người môn đệ của lòng thương xót, chúng ta còn cần phải có những cảm nhận của thân phận yếu hèn và tội lỗi, với bao giới hạn vướng mắc nơi bản tính con người. Tuy nhiên sự đồng cảm này không là việc thoả hiệp hay im lặng trước sự tha hoá đạo đức nơi con người. Sự thương xót chỉ dừng lại ở im lặng hay thoả hiệp đơn thuần chỉ là lòng thương hại. Sự thương xót phải được thực hành trong ánh sáng của sự thật và vì sự thiện hảo cho con người. Chính trong việc hướng theo lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ biết cách áp dụng và cách chỉ bảo cụ thể cho người khác từ sự khôn ngoan của cõi lòng như Gioan Tẩy giả đã làm. Đó là lối hành xử với lòng trắc ẩn mà Chúa muốn nơi ta.(Lê An Phong,SDB)

No comments:

Post a Comment