31 January, 2016

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG LÒNG XÓT THƯƠNG CHÚA? Những gợi ý mục vụ



Năm thánh của Lòng thương xót đang được Giáo Hội khai triển với những chỉ dẫn thực hành mục vụ cần thiết cho các tín hữu mọi nơi. Bản thân mỗi người chúng ta cũng cần biết những hướng dẫn đó, nhưng việc thực hành có lẽ còn tuỳ thuộc vào mức độ đón nhận và quyết tâm của từng người. Từ Tông thư Misericordiae vultus (Dung mạo của lòng thương xót) của đức Thánh Cha phanxicô nhân dịp công bố khai mở năm thánh đặc biệt "Năm thánh lòng Chúa thương xót" (11 - 04 - 2015), chúng ta cùng nói với nhau vài điểm nền tảng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mơ ước cho Giáo Hội; nói đúng hơn, đó là những gợi ý thực hành cho chúng ta

Ước mơ nồng cháy của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Năm Thánh này là, dân Kitô giáo có thể suy nghĩ về mười bốn mối thương người: thương xác bảy mối, thương linh hồn bảy mối. Đó sẽ là một cách để thức tỉnh lương tâm ta, một lương tâm đã trở nên chai lì khi đương đầu với sự nghèo khổ. Trong Tin Mừng của Đức Kitô, người nghèo có một kinh nghiệm đặc biệt về lòng xót thương của Thiên Chúa. Nơi Tin Mừng, Chúa Giêsu hướng dẫn ta vào con đường của các mối phúc, biết thương người như thể thương thân; và cũng từ đó, căn cứ vào giới răn yêu thương, ta có thể biết rằng ta đang sống hoặc không sống như những môn đệ của Người. “Căn cứ vào điều này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em phải yêu thương nhau” (Ga 13, 35)

Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta hãy tái khám phá thương xác bảy mối: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, chữa lành kẻ ốm đau, thăm viếng kẻ tù tội, cho kẻ mình trần mặc, đón tiếp những người xa lạ và chôn xác kẻ chết; và ta cũng đừng quên thương linh hồn bảy mối: lấy lời lành mà khuyên người, dạy dỗ kẻ mê muội, an ủi kẻ đau buồn, khuyên bảo kẻ có tội,  tha cho kẻ xúc phạm ta, kiên trì chịu đựng những kẻ làm hại ta và cầu nguyện cho người sống cũng như kẻ chết.

Trong Tông thư, Đức Phanxicô đặt câu hỏi: “Làm thế nào để sống Năm Thánh một cách tốt đẹp nhất”. Đây là các áp dụng cụ thể mà Ngài đưa ra cho chúng ta thực hành (x. Misericordiae vultus, 14, 15, 16), ví dụ:

(1) Đi hành hương, vì hành hương sẽ là một “dấu chỉ nói lên sự kiện của lòng thương xót cũng là một mục tiêu cần đạt tới, nó đòi hỏi sự dấn thân và hy sinh”. Có thể nhiều người trong chúng ta không đủ sức hoặc đủ điều kieenjt ài chính để đi hành hương những nơi xa xôi, nhưng xin đừng quên cuộc sống là một cuộc lữ hành. Chúng ta hãy cùng đi với nhau và có thể nhắc nhở nhau về sự dấn thân và hy sinh.

(2) Thực hành lối sống luân lý của lòng khoan dung: Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng hãy tha thứ và cho đi, xa tránh tật xấu nói hành nói xấu người khác, và hãy đón nhận điều tốt lành ở nơi mỗi người. Mỗi người hãy trở thành khí cụ tha thứ.

(3) Sống đức Ái trong hành động: Cởi mở tâm hồn đối với những ai đang bên lề cuộc sống, mang lại an ủi, cảm thương, liên đới và quan tâm đến những người đang sống trong những tình trạng bấp bênh, đau khổ trên thế giới ngày nay”, “quan tâm đến bao nhiêu anh chị em bị tước đoạt phẩm giá”, vui mừng thực thi những công việc bác ái về vạt chất và tinh thần, để “thức tỉnh lương tâm ngái ngủ của chúng ta trước thảm trạng nghèo đói”.

Về điểm này ĐứcThánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng  sứ mạng mà Chúa Giêsu truyền cho chúng ta hôm nay là: mang lại an ủi cho người nghèo, loan báo sự giải thoát cho các tù nhân của các chế độ nô lệ tân thời, trả lại phẩm giá cho người bị tước mất, tạo nên sức mạnh đồng tâm hiệp lực có khả năng chiến thắng sự dốt nát mà hàng triệu người đang phải chịu trên thế giới, nhất là các trẻ em không được trợ giúp cần thiết để thoát khỏi cảnh nghèo.

(4) Thực hành các việc đạo đức: Trong cộng đoàn, hãy gia tăng sáng kiến cầu nguyện và thống hối (sáng kiến này cần cử hành vào những ngày thứ sáu và thứ bẩy tuần thứ tư mùa chay). Hãy giúp người trẻ đến gần bí tích Hòa Giải là bí tích giúp họ “tiếp chạm một cách cụ thể lòng thương xót cao cả của Thiên Chúa”, nhờ đó nhiều người trẻ cảm thấy có thể “tái khám phá ý nghĩa cuộc sống của mình”.

(5) Hoán cải tâm hồn theo lời mời gọi của Lời Chúa: Điều căn bản khiến bản thân từng người chúng ta có thể suy nghĩ, nói, hành động với lòng thương xót là việc cảm nghiệm từ tình yêu Chúa sự tha thứ vô giới hạn của Ngài. Nhận biết ơn tha thứ cũng là một hồng ân mà Thiên Chúa ban qua việc chúng ta hoán cải, nhờ vào sự thúc đẩy của Lời Chúa. Chính Lời Ngài mà chúng ta lắng nghe sẽ chất vấn chúng ta. “Ta không thể lẩn tránh những lời Chúa nói với ta được đâu, và những lời ấy sẽ là tiêu chuẩn phán xét ta: ta có cho người đói ăn, kẻ khát uống, đón tiếp người xa lạ, cho kẻ mình trần mặc hoặc dành thời gian cho người bệnh hoặc những kẻ tù tội không (Mt 25, 31 – 45)”.

Để hoán cải, người tín hữu hãy xét mình hằng ngày, suy xét về việc có giúp tha nhân thoát khỏi nghi nan, ngờ vực khiến họ rơi vào thất vọng và nỗi nghi nan, ngờ vực ấy thường là nguồn gốc của sự cô đơn.

Hãy suy xét xem ta có giúp khắc phục sự ngu dốt hàng triệu người đang phải sống, nhất là trẻ em bị tước mất những phương tiện cần thiết để giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ cho sự nghèo khổ chăng?

Hãy nghĩ xem ta có gần gũi những người cô đơn và đau khổ chăng; có tha thứ cho những người chống lại ta và có dẹp bỏ mọi hình thức giận hờn và ghen ghét thường đưa tới bạo lực; ta có có được sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng hết mực kiên nhẫn với ta chăng; ta có phó thác anh chị em mình cho Chúa trong lời cầu nguyện chăng?

Hãy nghiệm xem nơi mỗi người - những kẻ “bé mọn nhất” đang sống bên cạnh mình, chúng ta có xác tín chính Đức Kitô vẫn luôn hiện diện nơi họ; thân xác Người là một phần trong xác thịt của những người bị tra tấn, đè bẹp, đánh đòn, suy dinh dưỡng và bị lưu đầy cần được ta nhìn nhận, xoa dịu và chăm sóc.

Để kết, chúng ta hãy nhớ lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha Phanxicô dựa trên lời của thánh Gioan Thánh Giá: “Khi chuẩn bị rời bỏ thế gian này, ta sẽ bị xét xử dựa trên nền tảng của tình yêu thương” (x. Misericordiae vultus, 15). Nếu biết sống với tình yêu thương của Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ chẳng có lý do gì để lo sợ cho việc phán xét này. (Lê An Phong,SDB)

Tu Thời @

 Mời bạn đọc bài chia sẻ ngắn của Hoài Mặc Giang. Một lời tâm sự "là lạ" của bậc phụ huynh có con đi tu...





A- còng ơi @!!! Thời đại hôm nay, ai mà chẳng  biết @, từ Ngài Tổng Giám Đốc CEO cho tới chị bán hàng rong. Từ đại gia cho đến anh nông dân miệt mườn ai cũng đều biết @ và lướt Web. Nếu hôm nay Chúa Jesu Hài Đồng Giáng Sinh lần nữa, chắc Chúa cũng biết @. Chắc Ngài cũng sẽ lướt Web như ai.
  
Đi tu mà không biết @ thì đang đi con đường hơi khập khễnh, có thể là một thiếu sót lớn giữa thời bùng nổ mạng Internet. Đi tu cũng cần Nhập Thế, mù tịt về công nghệ thông tin thì sao Nhập Thế?! Tu thời a-còng này, cũng dễ mà cũng khó: Dễ tiếp cận, dễ nhìn ra cái cần nhìn. Cánh đồng truyền giáo không phải tìm đâu xa. Cánh đồng ấy ở ngay bên mình, chỉ cần một giây Click chuột hoặc một cái trượt nhẹ là một thế giới mở ra với biết bao cảnh đời, những mảnh đời đang cần nâng đỡ, ủi an, băng bó... Nhưng cũng khó thay vì, thầy tu phải đi chinh phục thế gian tội lỗi, ấy thế mà ngược lại, nếu không vững vàng và thiếu cẩn thận, thì thế gian ấy lôi thầy xuống bùn đen, bởi những cám dỗ mê hoặc, ngọt ngào của thế giới phẳng, là cái mà người ta gọi là thế giới ảo. 

Tu hôm nay có thể không còn tu trong bốn bức tường khép kín thâm u. Tu hôm nay là tu mở, tu vào đời. Tu giữa thế giới ảo và thực. Tu không áo Dòng. Tu không biên giới!
   
Thầy tu thời @ ơi! Trên tay thầy là Smarthphone! Đó là Lời Chúa, là thanh kiếm của chàng Hiệp Sĩ Thành Troit. Thầy ngồi trên lưng tuấn mã là con @ dũng mãnh, hãy biết vung thanh kiếm Lời Chúa, rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay đang đầy sự dữ. (Hoài Mặc Giang)

Nói với em, người đi tìm ơn gọi của mình




Ơn gọi: một thao thức làm người như bao nhiêu người khác, nhưng đó cũng là một hồng ân mà Chúa ban riêng cho từng người. Ngài muốn tôi hoặc bạn hoặc "một ai đó" từ việc lắng nghe đến việc đáp trả và dấn thân giữa những bộn bề của cuộc sống. Xin chuyển đến bạn một đôi dòng tâm tình của một SDB. (Lê An Phong, SDB)
  
Tôi đã gặp em, người thanh niên với vóc dáng thư sinh và nụ cười hồn nhiên. Em năng động, vui tươi và đầy sức sống mỗi khi xuất hiện trước bè bạn và đám đông. Em điềm nhiên và sâu lắng trong thánh đường tĩnh lặng. Giữa dòng đời tấp nập, em đang đi tìm con đường đích thực của riêng mình để cuộc đời tròn vẹn ý nghĩa. Trong bản thiết kế từ ngàn đời và đầy yêu thương về một thế giới mênh mông tốt lành, Thiên Chúa đã dành sẵn một chỗ cho em, chỉ có ở vị trí đó em mới được cảm nghiệm trong tận thâm sâu: mình là ai trước mặt Chúa và thế giới này.
Tôi đã từng thấy em bị những làn sương trắng thơ mộng che khuất lối đi phía trước. Những vẻ đẹp giả tạo làm em lơ lửng lâng lâng mà chẳng hay biết mình bị cuốn theo chiều gió. Niềm tự hào và kỳ vọng thái quá của gia đình và họ hàng về một người tu sĩ, linh mục tương lai – dù em chưa là thế - như một con dốc xuôi cuốn bước chân em về một hướng. Tôi đã từng thấy em có đêm âm thầm đau khổ và mệt mỏi. Em muốn dừng lại để ngắm nghía một hướng đi khác, vì ở hướng đó, hình như vẫn có Chúa mà con đường thật vừa vặn với bước chân mình. Nhưng để dừng lại thật cần quá nhiều can đảm. Con dốc “kỳ vọng gia đình” quá xuôi, đôi chân nhỏ bé của em cứ thế mà chạy theo chiều dốc. Cũng có khi chính em lại thích ngắm nghía làn sương thơ mộng của những lời tâng bốc, mặc cho nó che khuất con đường đích thực của em. Tiếng Chúa trong lòng không còn là ngôi sao chỉ lối cho em nữa. Vì em đã sợ đem nội tâm đối diện với Ngài.
Tôi lại thấy nụ cười mãn nguyện và tâm đắc của em khi nhìn về con đường tu trì phía trước. Em kiên cường vươn lên và chuyên cần học hỏi, vì em thực đã nghe văng vẳng tiếng Ai Đó gọi em ở phía chân trời sâu xa của một sứ mạng. Thế rồi trên con đường tưởng chừng phẳng lặng và nên thơ, bỗng xuất hiện một ánh mắt đã làm em mất ngủ. Một hình bóng dịu dàng đã thầm lẻn vào những giấc mộng tươi mới của em. Trong hai chữ “dâng hiến”, em bắt đầu phân vân: phải chăng có gì đó cần giữ lại? Những cuộc hò hẹn đã dạy em nỗi sợ hãi một ngày kia sẽ mất mát. Nghĩ về đời tu, em đã nghiệm được thế nào gọi là tiếc nuối. Em lặng lẽ tìm câu trả lời trong vở kịch nội tâm: vẫn xác tín con đường Chúa gọi, nhưng lại mong sao người ấy vẫn đợi chờ mình ở một lối rẽ nào đó của cuộc đời. Em ạ! Đừng ảo tưởng về một con đường không có hy sinh chứ em. Nếu em có thấy đau đớn vì tiếc nuối cuộc tình đẹp, đó là vì em đang sống thực sự hai từ “dâng hiến”. Nếu cho đi mà chẳng mất mát gì thì chỉ là do đã cho đồ thừa thãi. Chúa là người để em đem đổ đồ thừa thôi sao? Can đảm dâng cho Chúa điều quý giá và đẹp đẽ nhất của mình đi em. Em không có lỗi khi con tim mình trót rung động, nhưng đừng ích kỷ mà gieo hy vọng cho người ta, nếu em đã biết rõ mình không thể cùng họ đi chung một lối. Dù có đau khổ, người thật lòng yêu em cũng sẽ không tranh dành với Chúa bao giờ. Cố tình níu kéo chỉ là nhẫn tâm với người chân thành yêu mình.
Rồi một buổi sáng tôi đã thấy em trong nắng mới. Em hăng say và nhiệt tình nhiệt tình việc nhà Chúa, như đoá hướng dương rạng rỡ trước bình minh. Đoá hướng dương đã dâng hiến đầy can đảm mối tình thơ mộng của tuổi thanh xuân để hướng tới ơn gọi. Những buổi trau dồi giáo lý, những ngày ở giảng đường đại học, những buổi văn nghệ và lễ hội… em nổi bật như một con người có triển vọng và đầy sức hút. Em nuôi thật nhiều mơ ước cho tương lai. Em kỳ vọng hơn vào một con đường tu trì sẽ đưa em lên nấc mới của thành công, sẽ khơi dậy những năng khiếu tiềm tàng và đặt vào tay em cơ hội để thi triển. Em cũng không biết nữa, từ khi nào mình đã quên dần những cơ hội tận tuy hy sinh âm thầm. Em lạnh nhạt dần với những giờ kinh nguyện trầm lắng. Trái tim em không còn rung lên cùng nhịp với nỗi lòng của những anh em bình thường và khiêm tốn quanh mình. Những việc phục nơi kín ẩn của cuộc sống sao mà nặng nề và vô nghĩa với em đến thế. Em khát khao phô diễn bản thân trước đám đông hơn, em thích cái cảm giác mà cụm từ “được nể nang” đem lại hơn. Em để Chúa Giê-su khiêm nhường, vác thánh giá và chịu chết ở một nơi xa xôi nào đó. Vì con đường tìm kiếm vinh quang cho bản thân mà em đang đi rất xa vời, không hề có dấu chân Chúa đi qua. Tôi ngạc nhiên nhìn thấy em xa lạ quá, xa lạ với hình ảnh một Chúa Giê-su vâng phục và sống cho tha nhân, nhất là những người nghèo khổ, thất vọng… vì vinh danh Chúa Cha. Con đường tu trì không hứa hẹn gì ngoài việc giúp em nên giống Chúa Giê-su mỗi ngày thôi em ạ. Mà Chúa Giê-su quên mình phục vụ chứ có tìm vinh quang cho mình bao giờ đâu em?
Em, một thanh niên đáng mến và cầu tiến! Tôi đã gặp em giữa xô bồ cuộc sống và nội tâm em. Tôi yêu mến em và muốn nói nhiều điều với em. Chúa yêu thương em và có một ơn gọi cho riêng em đó. Em cần lắng nghe tiếng gọi ấy trong cầu nguyện, trong bổn phận và trong từng kinh nghiệm sống với người khác, bằng thái độ khiêm tốn và đầy đức tin. Em đừng sợ mình mất mát gì cả. Nếu có sợ, thì điều đáng sợ nhất là mất Chúa trong tâm hồn.
(Phan Trần Thái, SDB)

Tâm tình với “những con tim rối loạn”




Không ít lần khi gặp gỡ các bậc phụ huynh, tôi được nghe những lời than thở về con cái. Điều chung nhất vẫn là không thể nào hiểu và theo kịp những đứa con được sinh ra trong “thời số hóa”. Nếu bạn trẻ sống với lý sự được mách bảo bởi trái tim kiểu tốc độ ấy, thì không ai có thể ngăn cản họ kịp thời được. Con tim bình thường đã khó kiểm soát rồi, huống chi khi con tim nổi loạn, có Trời mới thấu hết! Từ một chút đồng cảm với các phụ huynh, xin chia sẻ chút tâm tình cùng với các bậc phụ huynh – “những con tim rối loạn”.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng vài lần gặp phải những điều khó chịu, hay đôi lúc cảm thấy bấn loạn tâm thần vì có nhiều chuyện rắc rối mà chính mình không biết phải hành xử thế nào. Tuổi trẻ thường gặp điều này nhất vì họ vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống. Người lớn cũng không ít lần gặp cảnh trái ngang và chợt khám phá ra rằng mình vẫn chưa đủ kinh nghiệm. Vậy thì chuyện bối rối cũng là thường tình, và cách giải quyết, hay cách thoát ra khỏi những rắc rối như vậy chưa chắc là chỉ phụ thuộc vào vốn sống của từng người. Nhiều khi “việc mình thì tối việc người thì sáng”; hoặc nhiều lần, đang khi ta giúp người khác vượt ra tình trạng khó khăn của họ, bản thân chúng ta lại tìm ra được giải pháp cho vấn đề của mình. Để thoát ra được khỏi những rắc rối của bản thân, chúng ta cũng cần đến sự trợ giúp và đồng hành của người khác.Trong mọi tình cảnh, người ta cần sự thấu cảm (empathy). Người ta nói đến ở đây sự đồng cảm, thấu cảm, tha cảm - một chức năng của Đức Ái - qua đó, một người đồng cảm với tâm tư, tình cảm, nhu cầu và khổ đau của người khác (Từ nguyên Hi Lạp en - pathein: chịu đựng.)

Phụ huynh có con em hay “nổi loạn” thường bối rối vì không biết mình phải xử trí làm sao. Họ suy nghĩ đến mức có thể bị “rối loạn”. Thật ra không dễ dàng chấp nhận đứa con của mình đang độ tuổi học đường lại “tóc xanh tóc đỏ”, “đi sớm về khuya”, “mặt mày lấm lét” đi làm những chuyện “chẳng hay ho gì”. Các nhà giáo dục Đức Tin thì “lo ra phết” vì chẳng biết mình phải dùng thứ ngôn ngữ nào đây để có thể nói cho bạn trẻ về Chúa, về các giá trị Đức Tin và cuộc sống, về các vấn đề luân lý,…Các bậc phụ huynh “may mắn hơn” khi con mình ngoan hiền, thì chỉ biết thầm cám ơn Trời và thông cảm với người khác. Thật lòng mà nói, khi chưa hiểu được tâm tính đám trẻ thì khó chấp nhận đặc trưng nổi loạn của chúng; và chúng ta đành chọn giải pháp ‘chịu đựng” vì tình thương và trách nhiệm. Nhưng chịu đựng đến mức độ nào thì đủ? Có nên chăng chúng ta tìm hiểu và chấp nhận hiện trạng ấy để không bị rối loạn? Cần lắm một tâm thế sẵn sàng và thái độ đón nhận nơi các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục!

Một linh mục salêdiêng với kinh nghiệm mục vụ giới trẻ sinh viên chia sẻ rằng: đằng sau những sở thích “tào lao” của người trẻ, có một cuộc tìm kiếm âm thầm nhưng nghiêm túc, có khi cả người trẻ cũng không biết là mình đang đi tìm, họ chỉ biết vỡ òa hạnh phúc khi người đồng hành nói cho họ biết cái giá trị lâu nay họ đi tìm. Thật thế, đàng sau những câu hát, như là “Hay là mình cứ bất chấp hết, yêu nhau đi anh”, hay điệp khúc “không phải dạng vừa đâu”, “Lên mái nhà mà bắt con gà”,… mà giới trẻ cứ nghêu ngao suốt ngày còn người lớn thì “cực kỳ dị dứng” ấy, có một câu hỏi thật sự nghiêm túc của người trẻ: Đâu là giá trị của lòng chân thành và tình yêu đích thực mà tôi đang thiếu vắng? Đâu là con người thực tôi phải thể hiện và việc tôi cần làm? Xin đừng trề môi hay lắc đầu trước sự “vớ vẩn” người trẻ, vì nhân vị của họ đang được xây dựng trong thao thức, trong niềm tin, và đời sống của các em bắt đầu từ việc người lớn biết thấu cảm nỗi đói khát sâu xa đằng sau cái vớ vẩn ấy. Tôi đeo khuyên khắp người, tôi nhuộm tóc xanh tóc đỏ để mọi người biết tôi là ai và xin đừng quên tôi!

Từ thực tế trên, chúng ta nói thêm cho nhau nghe về việc đồng hành với bạn trẻ theo phương pháp của hệ thống dự phòng mà Thánh Gioan Bosco đã sử dụng. Đó chính là việc bước vào thế giới người trẻ, “yêu thích những gì trẻ thích”, là sự đồng cảm, là việc đồng hành, là biết lắng nghe và tạo sự thân thiện. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục của thánh Gioan Bosco không dừng ở mức cảm tính mà đi xa hơn, đó là việc nhà giáo dục phải bắc cho người trẻ một nhịp cầu, từ những giá trị tầm thường nối sang thế giới những giá trị của một nhân vị đích thực. “Cần phải xây cho giới trẻ một nhịp cầu để thấu hiểu những giá trị trổi vượt trên lối sống tục hóa và hành động như những người thông truyền đức tin Ki-tô giáo cho thế giới bên ngoài Giáo Hội”.[1]

Trước tiên, chúng ta cần phải “nhảy vào thế giới của người trẻ” với một sự thấu cảm (empathy). “Việc mục vụ cho người trẻ đòi hỏi nghệ thuật lắng nghe cuộc đời họ, cuộc đời ấy có khi lại được khởi sự bằng một chứng tá Ki-tô hữu gắn liền với chiều sâu cõi lòng người trẻ. Một khi được làm cho sống dậy, tấm lòng ấy luôn ước ao vươn lên. Đồng hành với người trẻ, hiểu biết nhu cầu được đón tiếp và được lắng nghe của họ không chỉ là việc biết cảm thông (sympathy), nhưng đòi hỏi một sự thấu cảm (empathy), sống gần với họ, thâu tóm được cuộc tìm kiếm âm thầm của họ về một giá trị thực và bền vững.[2]

Đối với những mục tử, nếu họ muốn hiểu người trẻ, họ cần sự thấu cảm này. Đó là thái độ mục vụ phải có để tạo nên những điểm tương đồng, “ở đó người trẻ không hề cảm thấy không gian của mình bị xâm hại, nhưng cũng không bị coi là khác thường. (...) Đó là khoảng không gian mà cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời được người trẻ diễn tả bằng thứ ngôn ngữ mới mẻ và cũng rất khó hiểu. Đó là nơi chúng ta trao cho các em sự đói khát Đấng Siêu Việt với một sự khiêm tốn thâm sâu và với thái độ của người phục vụ.[3]

Từ những cảm xúc và giá trị nhất thời mà người trẻ đang sống, luôn có những sợi dây nối sẵn với các giá trị trường tồn của việc làm người và của niềm hy vọng liên kết với đức tin. Các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục-mục tử cần đến một chút nhạy bén, là khả năng đọc thấy câu hỏi nghiêm túc đằng sau cái cảm xúc nông nỗi của người trẻ; cần chỉ ra cho họ biết các giá trị qua lối sống chứng tá đích thực, và biết đặt vào tay người trẻ sợi dây xuyên suốt các giá trị ấy, để họ mạnh dạn bước ra một thế giới khác, lần tìm sau những nỗi trống vắng và những cuộc vui chóng tàn, sau những gì tạm bợ và vu vơ vớ vẫn là một thế giới hết sức thiêng liêng, nỗi khát khao Thiên Chúa và gặp gỡ Ngài qua kinh nghiệm đức tin nơi con người. Và để có được thái độ đó, rất cần sự kiên nhẫn và lắng nghe của người lớn, và không chỉ đơn thuần là việc gặp mặt, nói chuyện, mà trên hết là việc nhảy vào thế giới của người trẻ với lòng thấu cảm để biết chia sẻ nhiều hơn nữa cuộc sống của họ vậy. (Lê An Phong,SDB)


[1] x. Attard F., Youth ministry in the light of Evangelii Gaudium, 4.
[2] Ibid.
[3] Ibid.