27 September, 2009

Tản mạn về Ơn gọi trong Năm Thánh Linh Mục:
Thư viết cho người bạn cũ.

Bạn thân mến!

Nhiều lần, trong quán cà phê vỉa hè, bạn và tôi tranh luận với nhau về cuộc sống và ý nghĩa của đời người như những “ông cụ non”. Tôi nhớ là có nhiều lúc mọi người đều “bí rị” và chúng ta …hẹn gặp lại lần khác. Thoáng một chốc mà đã trôi qua gần nữa đời người!

Không biết lúc này bạn đang làm gì nhỉ? Xem tivi, cưỡi xe máy trên phố đông người qua lại, ngồi quán cà phê tâm sự với người quen, hay nâng ly chung vui với đồng nghiệp, hay ở nhà giúp vợ một tay nhặt rau nấu cơm và lo cho con cái đi học? Dù đi đâu hay làm gì đi nữa, tôi cũng cầu mong Chúa luôn giữ gìn bạn.

Có lần bạn hỏi tôi vì sao đi tu, tôi ấm ớ không trả lời được. Mà khó thật! Nếu bảo đi tu để phụng sự Chúa và anh em: cao siêu quá vì tôi trước đó vốn không quen suy nghĩ đạo đức như vậy. Nếu nói đi tu để kiếm một hướng đi “chắc ăn” cho tương lai: thực dụng và tầm thường quá vì tôi còn trai trẻ thiếu chi cơ hội để đổi đời, với lại người ta có bao nhiêu cách để làm giầu và “phất” lên dễ dàng hơn đi tu chứ! Hơn thế nữa, của Xê-da phải trả cho Xê-da, của Thiên Chúa thì cũng hãy lo trả lại cho Ngài, khốn thay kẻ nào cứ nhập nhằng giữa chuyện vay trả ấy! Tôi đi tu vì cảm thấy mình bị thôi thúc bởi lời mời gọi “một Ai đó” rằng “Hãy theo Ta!”. Tiếng gọi đó không giống “tiếng sét ái tình” mà là một lời mời gọi, ban đầu vẫn còn mơ hồ lắm, nhưng dần dần tiếng gọi ấy ngày một mạnh hơn.

Đến giờ này, sau một vài năm sống đời tu và nhiều lần chất vấn lòng mình, tôi mới bắt đầu nghiệm ra nhiều hơn sự kỳ diệu của ƠN GỌI: sự cao vời, thiêng liêng của thánh ý Thiên Chúa và những bất toàn, tầm thường, trần tục nơi con người. Xem ra hai điều trên mâu thuẫn quá nhưng cả hai lại đan dệt vào nhau nơi mỗi ơn gọi.

Ơn gọi cao siêu và khó hiểu lắm! Có nhiều lớp đàn anh đi trước đã rất say sưa, siêng năng, nhiệt tình, ao ước trở nên linh mục, tu sĩ thánh thiện nhưng không trọn vẹn ước mơ vì nhiều lý do khác nhau, nên lại phải “nhọc nhằn lăn lộn với đời” mà lòng vẫn cứ thao thức khôn nguôi. Có người lại muốn rủ áo ra đi, nhưng “bị” Chúa gọi ở lại để tiếp tục vác thánh giá mỗi ngày mà theo Ngài, rồi nhiều khi cứ phải tự vấn: “Sao Chúa lại gọi mình nhỉ?”. Đúng là có nhiều kẻ được gọi nhưng được chọn thì lại ít. Có nhiều anh chàng đã hiên ngang ngồi vào bàn tiệc nhưng lại quên rằng mình không có cái áo đi dự tiệc, và thế là bị đuổi cổ ra ngoài. Như thế cũng đủ biết rằng Chúa có cách hành xử riêng của Ngài và khi đã yêu thương và kêu gọi ai thì Ngài không bao giờ hối tiếc. Thật khó hiểu chuyện Chúa làm trên trời cũng như dưới đất vậy!

Ơn gọi đắt giá lắm! Cả gia tài kếch sù bị đòi phải bán đi cho người nghèo mà chưa chắc đã mua được một chút gì; phải gác lại một bên gia đình, công việc, vui thú với bạn bè; hy sinh những may mắn và những gì có vẻ chắc chắn mà mình có được để bắt đầu những cuộc phiêu lưu mới mà chẳng ai biết sẽ kết thúc ra sao… Nhiều khi người ta cũng phải lần mò trong “đêm tối của đời tu” khi bị nghi kỵ, hiểu lầm, bị cho là bất bình thường, khờ dại, và bị trăm chiều thử thách. Nhiều khi cũng phải ngước mắt nhìn lên trời mà kêu cứu Chúa, mà hình như Ngài không nghe hay là Ngài thích im lặng!

Những người thích đùa lại bảo rằng: hãy tưởng tượng xem hàng trăm hàng triệu người cứ kêu gào lên thế thì Chúa làm sao mà giải quyết một lượt, hãy để cho Ngài một chút thời gian chứ! Xem ra Chúa cũng có cái kiểu làm việc “quan liêu” quá nhỉ?May thay Chúa không bao giờ bỏ rơi một ai cả, vì “khi ít khi nhiều khi nào cũng có”, người ta đều có thể tìm thấy sự an ủi nơi Ngài. Bù lại những hy sinh nho nhỏ khi “chọn Chúa là gia nghiệp”, nếu Ngài không ban cho một lô “độc đắc” như được làm ông này ông nọ, thì cũng cho một “lô an ủi” như: có thêm nhiều bạn bè mới khắp nơi, quen biết nhiều người hảo tâm, nhiều anh em, thầy dạy, và bao nhiêu cuộc gặp gỡ lạ lùng khác - khi mọi người, tây, tàu, mắt xanh hay mũi tẹt, dù chưa bao giờ quen biết - trở thành thân thiện như “người nhà của Chúa Kitô”.

Kể ra “tu cũng là cõi phúc” thật sự đấy ban ạ, và vì những điều này mà nhiều lần một vài người “tỏ ra ghen tỵ” nói rằng “đi tu sướng hơn ở đời” vì “tình là giây oan”! (Thế mà ai cũng thích chọn …cái “dây oan” ấy mới lạ chứ! Thôi thì làm ông cố các cha hay các chị cũng tốt vậy!)

Thử nhìn lại một chút về lời đáp trả của chính mình, tôi cảm thấy áy náy trong lòng khi phải chia sẻ với bạn những điều này vì thấy mình sống bất xứng quá với những gì được lãnh nhận và những gì mình lựa chọn. Thật vậy, tôi chưa bao giờ dám khẳng định một cách chắc chắn là sẽ trung thành cho đến phút cuối đời dù luôn mơ ước như vậy. Các bậc tiền bối khôn ngoan hơn thì bảo rằng: Cũng đúng thôi, hãy thận trọng đừng ba hoa sớm quá, vì “khôn ba năm dại một giờ” đấy! Ai mà chẳng biết mình bất toàn và thân phận mỏng dòn. Sự cám dỗ lại luôn trá hình dưới vẻ mặt tươi đẹp, hấp dẫn và ngọt ngào, vì thế cần phải biết sống khôn ngoan và thận trọng luôn! Hãy đợi đến giây phút cuối đời khi nhắm mắt xuôi tay để nói rằng: giờ đây tôi đã hoàn tất hành trình ơn gọi của mình! Mà điều này không đồng nghĩa với việc sống ươn lười hay cho qua ngày. Con người ta cần phải hoàn thiện chính mình qua quyết định từng ngày đấy chứ! Bạn hãy cầu nguyện cho tôi luôn hiểu và sống điều này!

Tôi dễ chán nãn và buông xuôi khi mọi sự không theo ý mình. Tôi sợ sự dấn thân đến cùng và ngán ngẫm những mệt nhọc trong công việc bổn phận hằng ngày. Các bậc tiền bối bảo tôi rằng: chuyện thường xảy ra thôi, “C’est la vie”! Nếu cứ đặt hy vọng và mọi sự vào tài khéo của mình, vào những tính toán vụ lợi của con người thì người ta sẽ tiếp tục trôi đi và buông xuôi vì thất bại. Đi tu và chọn Chúa làm bạn đời mà không biết cầu nguyện và gắn bó với Ngài thì sẽ còn chán nản mãi thôi!

Tôi sợ cuộc sống cứ lặp đi lặp lại theo chương trình, kế hoạch giờ giấc như kinh kệ lễ lạc như một điều gì đó thật nhàm chán, dẫu biết rằng đó là điều tốt và cần thiêt. Các bậc tiền bối khôn ngoan hơn thì nói rằng chỉ ai biết sống trong trật tự và có tổ chức mới có thể chu toàn sứ mệnh được giao phó và hoàn thiện chính nhân cách của mình. Cũng đúng thôi, vì tạo vật vốn dĩ được Chúa tạo dựng và ban cho sự hiện hữu trong trật tự, theo nguyên tắc hòa hợp hỗ tương và có tổ chức từ trong ra ngoài. Người ta sẽ tìm thấy sự hài hòa của tòan bộ đời sống trong trật tự và tổ chức hơn là trong sự ngẫu hứng và tùy tiện.

Đúng là dù ở đâu làm gì, cuộc sống của bạn và tôi luôn cần sự nổ lực không ngừng. Tôi cảm thấy rằng khi mình muốn dừng lại, dù chỉ làm một phút giây ngắn thôi, là mình đã bắt đầu tụt hậu rồi. Đây là một cuộc chạy đua nước rút để làm người thực thụ và hoàn thiện “như Cha trên trời là Đấng Toàn Thiện”.

Văng vẳng đâu đây bên tai tôi lời của một bậc tiền bối mà tôi ngưỡng mộ:
Lạy Chúa, con không đợi chờ,
con quyết sống phút hiện tại,
và làm cho nó đầy tình thương,
vì chấm này nối tiếp chấm kia,
ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia,
muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh
.”
(Hồng y F.X. Nguyễn văn Thuận)

Hy vọng là bạn và tôi lại tiếp tục viết tiếp trang sử đời mình bằng mỗi chấm nhỏ, mỗi phút giây xem ra không quan trọng gì, nhưng luôn là những thành tố quan trọng để kết dệt nên lịch sử một cuộc đời nơi mỗi con người. Chào bạn và chúc mọi sự tốt lành.(Lê An Phong, SDB)

22 September, 2009


Vấn đề giới trẻ: người trẻ tự tử.


Ba mẹ thân mến. Con quyết định tự tử để muốn thấy có sự gì sau cái chết và ai là người có lý. Thế giới này không có mấy hy vọng cho tuổi trẻ chúng con. Con hy vọng rằng hành động của mình sẽ làm cho mọi người hiểu ra những vấn đề của người trẻ chúng con.
Đối với con, bố mẹ như thầy cô của con vậy và bố mẹ thật là đáng yêu. Con không muốn thử thách bố mẹ. Đây chỉ là một lựa chọn của riêng con. Điều mong ước sau cùng của con là được hoả táng
”.*
Trên đây là những lời tâm sự cuối cùng của một bạn trẻ tên là A.B. (tạm dấu tên), 16 tuổi, ở Montecatini (Italy) được ghi lại trong băng cassette mà người ta tìm thấy sau cái chết của cậu, vào ngày 13 tháng Ba năm 1997. Bạn bè và mọi người không thể nào hiểu được vì sao cậu tự tử. Cậu là con duy nhất trong một gia đình khá giả, đẹp trai, học giỏi, vui vẻ, hoà nhã với mọi người và chưa bao giờ có những vấn đề khó khăn cá nhân nào. Người ta chỉ nhớ lại rằng, vào thời gian sau cùng, cậu thay đổi tính tình một chút và hay nói với bạn bè: “Thôi, sống như vậy là đủ rồi. Tôi muốn chết đây!”. Ít người tin điều cậu nói, nhưng sự thực đau lòng đã xảy ra.
Trước sự kiện này, người ta đã mời gọi các nhà xã hội học, tâm lý học cùng phân tích lý do vì sao. Có nhiều ý kiến khác nhau. Một vài người cho rằng trường hợp như bạn A.B. nằm ngoài danh sách các nguyên nhân làm bạn trẻ tự tử như: có vấn đề với gia đình, với bạn bè, thất tình, không thành công nơi trường học, thiếu điểm, thi trượt, bệnh tật không chữa trị được…Đây là trường hợp mà người ta gọi là “thiếu điểm tựa để sống” trong thời kỳ nhạy cảm nhất của tuổi trẻ.
Có rất nhiều trường hợp tự tử khác xảy ra với các bạn trẻ từ lứa tuổi 15-24, và đang có xu hướng gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới (Ví dụ, ở Ấn độ: tăng 100.000 vụ mỗi năm. Chỉ riêng ở Chennai, thủ phủ một bang ở Ấn độ, con số tăng đáng chú ý: từ 1196 vụ (2004) lên 2275 vụ (2005). Trung Hoa, theo số liệu của Tổ chức sức khoẻ thế giới, là nước có tỉ lệ tự tử ở nữ giới cao nhất thế giới. Hằng năm có khoảng 1,5 triệu người nữ tìm cách tự tử và hơn 150.000 đã “thành công” để vĩnh kết thúc cuộc đời. (Xin xem thêm các số liệu nơi những quốc gia khác ở đây). Các thống kê cũng cho thấy rằng con số tự tử ở những nước phát triển cao hơn các nước nghèo; số bạn gái chọn cái chết để giải quyết mọi đau khổ cao hơn phía nam giới. Theo quan sát khá “xa xưa”của nhà xã hội học Durkheim, số bạn trẻ tự tử ở các nước có đạo Công giáo thấp hơn các nước theo Tin lành, vì Công giáo đòi hỏi nhiều ở sự hiệp thông và chia sẽ kinh nghiệm nhân bản cũng như tôn giáo.
Điều hết sức khó khăn là làm cách nào để hiểu được lý do bạn trẻ tự tìm cái chết. Chúng ta tạm kể ra một vài nguyên nhân, theo như nhận định của các nhà tâm lý học. Tuổi trẻ gặp nhiều vấn đề mà họ chưa bao giờ tiếp cận hoặc nghĩ đến. Họ, do chưa đủ chín chắn trong suy nghĩ, thường có quyết định “nhanh chóng”, vội vàng, và nhiều khi họ tự mâu thuẫn với chính mình. Có người dù chưa đến tuổi trưởng thành theo luật, nhưng theo nghĩa tâm lý, họ đã phải đảm nhận trách nhiệm và phải tự quyết định mọi sự như một người lớn thực thụ vì không có ai khác bên cạnh họ - Người ta nói đến sự cô đơn và đóng kín chính mình của người trẻ trong nền văn minh sự chết, bạo lực, bất công và thiếu vắng tình người.
Tuổi trẻ mơ ước nhiều nhưng thực tế không luôn luôn chắp cánh cho những ước mơ của họ. Gia đình nhiều khi không ủng hộ, thầy cô và bạn bè không tin tưởng, người mình yêu thương muốn xa lìa, điều mình muốn làm với cả tâm huyết bị thất bại…Sự thất bại nhỏ nào đó trong khi bị bỏ rơi sẽ dễ dàng trở nên vấn đề lớn khiến người trẻ chán nãn và tuyệt vọng.
Một bạn gái 17 tuổi tâm sự rằng “Tôi rất sợ tự tử. Tôi nghĩ rằng điều này có thể xảy ra với tất cả bạn bè của tôi trong thời niên thiếu, và hoàn cảnh thực tế đáng thương hơn đối với các bạn gái chúng tôi. Hình như các bạn gái hay nghĩ đến chuyện ấy mà không dám làm…Chuyện bình thường!
Với tôi, tôi không cảm thấy có vấn đề gì từ phía cha mẹ, nhưng tôi chợt nghĩ: nếu như không có một người yêu mến tôi…, nếu sự hiện diện của tôi chẳng quan trọng với ai cả…thì thôi, tốt hơn là vĩnh biệt cõi đời này!
”.
Một bạn gái khác viết: “Thật đáng sợ chuyện tự tử. Theo tôi, tự tử đồng nghĩa với sự cô đơn, và chỉ có những ai cô đơn mới hay nghĩ tới chuyện này. Khi một người không có ai để nói chuyện, để giải bày tâm sự, để thổ lộ suy tư; khi không có một ai biết thông cảm và hiểu mình, người ta sẽ đi tới sự lựa chọn đau buồn sau cùng”.
Các bạn trẻ thời nay đang lớn lên trong một xã hội chuyển biến nhộn nhịp và tất bật. Tất cả quay cuồng xung quanh người trẻ làm cho họ chóng mặt. Rất nhiều bạn trẻ hoảng sợ vì không tìm được một chổ dựa. Nhiều thứ được đưa ra mời chào họ và người trẻ không biết phải lựa chọn gía trị nào. Với nhiều người trẻ, cuộc sống hiện tại thay đổi từng ngày. Ai biết trong tương lai chuyện gì sẽ xảy ra. Sống để làm chi cho mệt mỏi, khi chính cuộc sống chẳng có giá trị gì…; chẳng có lý do gì để sống tiếp vì rằng mọi sự cũng chỉ kết thúc trong sầu buồn và vô nghĩa thôi.
Đối diện một tương lai với nhiều đổi thay, người trẻ cần được giúp đỡ để vượt qua những âu lo và bất cập của lứa tuổi, để xây dựng cho bản thân mình nền tảng và ý nghĩa căn bản của cuộc sống, theo những tiêu chuẩn giá trị đạo đức con người về gia đình, tình yêu, tình bạn, công việc, tiền bạc, tài năng, hạnh phúc, trách nhiệm và sự hưởng thụ… Họ cần đến sự trợ giúp từ phía người lớn như cha mẹ, thầy cô và những ai quan tâm đến giới trẻ.
Khi một người trẻ chọn cái chết để muốn dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh nhữnng người xung quanh rằng họ bị bỏ rơi, chắc chắn những ai có tâm huyết với giới trẻ sẽ ân hận khôn nguôi, vì mình đã không làm tròn phận sự trong chừng mực có thể, theo khả năng và trách nhiệm. . (Le An Phong, SDB)
____________

* Các sự kiện và lời trích dẫn được tham khảo từ cuốn sách Etica per i giovani của tác giả Carlo Fiore, NXB Elledici, 2000.
Bạn trẻ và hiện tượng “nghiện” internet


Sống trong thời đại số hóa, nhiều người lớn tuổi cảm thấy “ngương” khi không biết internet, không biết sử dụng điên thoại cầm tay, không biết máy nghe nhạc iPhone…
Giới trẻ , ngược lại, là “bậc thầy” trong lãnh vực kỷ thuật số này. Tuy nhiên hiện nay, người ta bắt đầu cảnh báo các phụ huynh và các nhà giáo dục về việc người trẻ “lạm dụng” đời sống kỷ thuật số.
Một trong số các vấn đề cần lưu ý là chứng nghiện internet nơi giới trẻ. Năm ngoái, Tổ chức Internet thanh niên Trung Quốc cho biết hiện nay đất nước này có khoảng 320 triệu người sử dụng Internet, và 10 triệu trong tổng số 100 triệu thiếu niên sử dụng Internet bị nghiện. Người ta đã đưa đi cấp cứu nhiều trường hợp nguy tử vì đã sống chết cùng “game” trên mạng. Người ta cũng đã thành lập khá nhiều các trung tâm cai nghiện internet.
Làm thế nào để có thể biết là con em của mình hay chính bản thân những bậc phụ huynh đang mắc phải dần dần chứng bệnh của thế giới ảo này? Các nhà tâm lý học có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào về chứng “nghiện” internet và các biểu hiện của nó.
Năm 1995, nhà tâm lý học Ivan Goldberg đã đưa ra vấn đề, bàn về hiện tượng nghiện internet (Internet Addiction Disorder) cùng những biểu hiện của nó, và được giới thiệu trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các bệnh Tâm lý
Mỗi một chẩn đoán về tâm lý thường được dựa trên việc phân tích từ kết quả của các bản trắc nghiệm, và kết quả được xem là tích cực hay tiêu cực tùy thuộc và số lượng và chất lượng (chọn lựa) của các câu trả lời từ phía người được trắc nghiệm. Đây là một số câu hỏi tiêu biểu:
1. Bạn có bị thu hút một cách mạnh mẽ bởi internet (tức là bạn luôn suy nghĩ đến nội dung mà mình sẽ truy cập trong lần kết nối sắp tới)?
2. Bạn luôn cảm thấy cần nhiều thời gian hơn để thỏa mãn nhu cầu nối mạng internet?
3. Bạn đã thử nhiều lần tắt máy, ngắt kết nối và ngưng truy cập nhưng không thành công?
4. Bạn cảm thấy bực dọc, trống vắng, cau có, bất an và thất vọng khi không sử dụng internet?
5. Bạn trải qua nhiều thời gian trên mạng hơn quết định ban đầu?
6. Bạn nói dối người thân trong gia đình và những người khác để lảng tránh tình trạng “bị thu hút” bởi internet mà bạn đang gặp phải?
7. Bạn sử dụng internet như một phương tiện để chạy trốn những vấn đề khó khăn hay để giảm nhẹ những đau buồn, lo âu, thất bại hoặc tình trạng trầm uất của mình?
Chứng nghiện internet như là tâm bệnh biểu lộ qua các dấu hiệu căn bản sau nơi chủ thể:
- Tính thống trị: hoạt động có liên quan đến internet chi phối và điều khiển phần lớn suy nghĩ và hành vi của một người.
- Sự bất ổn định của khí chất: hoạt động liên quan đến việc sử dụng internet đưa đến việc thay đổi tính khí một cách bất thường.
- Tính chịu đựng: hiện diện cùng với sự gia tăng thời gian và số lượng của hoạt động truy cập, nhằm đáp ứng thỏa mãn ngày một tăng mà chủ thể muốn đạt được.
- Cảm xúc đau khổ của sự kiêng cử: là biểu hiện tâm lý xuất hiện khi bị ngăn ngừa hoặc bị bắt buộc giảm thiểu một hoạt động.
- Sự xung đột: là hậu quả của hành vi bị thay đổi trong cách cư xử không còn hài hòa và nhất quán với người thân trong gia đình và với bạn bè đồng nghiệp ngoài xã hội, và về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng cô đơn lập dị.
- Thái độ chối bỏ “vấn đề” của mình: thường thấy trong các chứng nghiện ngập, nhằm biện minh cho những đam mê của bản thân, dù biết là có nguy hiểm mà không muốn từ bỏ.
- Sự sa ngã tái diễn: chiều hướng quay trở lại hoạt động, hành vi mà mình đã tìm cách từ bỏ
Ngoài ra còn có các biểu hiện khác về thể lý tuy không đặc trưng nhưng cũng giúp ta nhận ra tình trạng cần báo động của việc “nghiện internet” là: việc thay đổi nhịp độ sống như thức ngủ thất thường và biểu hiện mệt mõi do thức khuya và ngủ bù ban ngày, thay đổi cách thức ăn uống với khẩu vị thất thường và suy giảm hệ thống miễn dịch, gia tăng các bệnh đau nhức về mắt và cơ lưng, cánh tay và cổ tay vì ngồi lâu giờ trước màn hình vi tính và sử dụng liên tục một tư thế rê và nhắp chuột (mouse), thiếu tập trung khi làm việc, học hành vì mãi nghĩ đến một thế giới khác cùng những cuộc hẹn hò gặp gở “ảo” trên mạng v.v.Các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục thử quan sát xem những thay đổi nào đang diễn ra nơi con em mình, để có thể hiểu và tìm cách ngăn chặn, cũng như biết cách giúp đỡ các bạn trẻ vượt qua thử thách của thú vui xem ra có vẻ “trí thức” mà cũng rất nguy hiểm này nếu không được giáo dục và hướng dẫn. (Lê An Phong, SDB)

19 September, 2009

Bạn trẻ vào đời
Ngưỡng cửa trường Đại học và nghề nhiệp – ước mơ, thực tế và hy vọng vào tương lai

Năm học mới đã bắt đầu, trong niềm vui của nhiều bạn trẻ với những cuộc gặp gỡ bạn bè sau mấy tháng hè. Âm vang của ngày tựu trường vẫn còn đó, cùng với sự háo hức của các bạn trẻ và mối bận tâm của các bậc phụ huynh. Nhiều bạn trẻ vừa mới thi đại học xong. Chuyện vui buồn lẫn lộn, giấy báo điểm thi và trúng tuyển gởi tơi tấp về tận nhà, nguyện vọng 1 nguyện vọng 2 thay nhau mà réo gọi, không biết phải lựa chọn ra sao… Nhiều bạn trẻ bắt đầu cảm thấy một chân trời mới mở ra, đầy hứa hẹn nhưng cũng nhiều những thử thách, không biết phải chuẩn bị bản thân mình ra sao để bước vào đời. Chúng ta hãy cùng chia sẻ với nhau vài điều.

Mơ ước
Ai mà chẳng mơ ước một tương lai tươi sáng cho mình. Ước mơ theo ta suốt cả cuộc đời. Người ta nói rằng tuổi mới lớn luôn đầy những ước mơ. Họ ước mơ nhiều thứ, và lắm lúc “mơ trên mây” nữa kia. Bạn mơ ước sẽ trở thành bác sỹ, kỹ sư, nhà giáo, nhà báo, nghệ sỹ. Nhiều bạn cảm thấy “tự tin” vì khả năng “trời cho” của mình, như vốn kiến thức thu nhận được, tài ăn nói khéo léo, vẻ duyên dáng, gia đình có đủ khả năng tài chính để lo cho mình ăn học… Một số bạn thì “hơi bị buồn” vì mình là con nhà nghèo, không được như người ta; mình “từ nhà quê lên tỉnh” nên cảm thấy bao nhiêu thứ thiệt thòi quá; mình không nhiều khả năng như người khác – Thật đúng là “ở nhà nhất mẹ nhì con” mà “ra đường có kẻ săn dòn hơn ta” như ông bà ta hay nói. Xem ra cuộc đời thiếu công bằng với nhiều người.
Nhưng cuộc đời không bất công như nhiều bạn vẫn nghĩ đâu! Không phải người nghèo lúc nào cũng bất hạnh và buồn sầu; và trái lại người giàu vẫn khóc vì đau khổ, nhiều khi khóc cả cuộc đời đấy! Cuộc sống có cái bất ngờ và bí mật của nó, bạn thử khám phá đi!
Phải thừa nhận rằng các bạn trẻ không bao giờ thiếu hy vọng. Hành trang vào đời của họ là những ước mơ. Bạn trẻ luôn có một khoảng trời rộng lớn phía trước cùng thời gian và sức sống đang độ thanh xuân. Đó chính là tiềm nằng của người trẻ và cũng là điều mà những người lớn đôi khi phải “ghen tỵ”.Tuy vậy có rất nhiều bạn trẻ vẫn không biết mình phải làm gì, chẳng biết điều gì là quan trọng phải hướng đến. Chúng ta có thể giúp nhau để định hướng trên bước đường mới: Hãy suy nghĩ xem bạn có ước mơ nho nhỏ nào không? Ước mơ của bạn đặt ở đâu, có cao xa, không thực tế và ảo tưởng, hay quá thấp hèn hoặc tầm thường? Bạn chỉ ước mơ điều tốt đẹp cho riêng mình thôi, hay còn cho những người xung quanh bạn nữa? Bạn mong ước trở thành bác sỹ, kỹ sư hay “ông này bà nọ” để hưởng một chút vui thú danh vọng cuộc đời hay còn có thể giúp đỡ người khác?
Hạnh phúc hệ tại ở chính bạn và ước mơ sẽ thúc đẩy bạn tiến lên. Có một danh nhân đã nói với mọi người rằng: một cuộc đời không có mục tiêu và ước mơ là một cái chết trước kỳ hạn; mà một cuộc sống với mục tiêu và ước mơ tầm thường, thấp hèn là một cơn hấp hối. Bạn có suy nghĩ vậy không?
Đối diện với thực tế
Cảnh nhiều gia đình phải chạy đây chạy đó để kiếm đủ tiền nhập học đầu năm cho con cái làm cho nhiều người suy nghĩ: liệu các bạn trẻ và gia đình có đủ sức để biến ước mơ thành hiện thực không? Đây là một khó khăn thực tế nhất và nhiều khi đã bóp chết bao nhiêu ước mơ của bạn trẻ. Bạn hãy đừng thất vọng nếu như mình rơi vào trường hợp như thế. Hãy kiên nhẫn và tìm kiếm những người tốt bụng xung quanh bạn (như Cha Xứ, các tu sĩ nam nữ, các nhà hảo tâm, người thân xa gần…) và hãy tỏ lộ quyết tâm phấn đấu của mình. Chắc chắn bạn sẽ chinh phục được ít nhất vài người bằng nghị lực nhỏ bé mà mạnh mẽ của chính bạn. Và thời gian cũng như những cơ hội may mắn khác nữa vẫn luôn nằm trong tầm tay của bạn, bạn vẫn có thể tiếp tục mơ ước.
Cuộc sống xa nhà là thực tế và là thử thách đầu tiên mà nhiều bạn phải đối đầu. Bạn bắt đầu ra khỏi vòng tay chăm sóc của cha mẹ cùng người thân trong gia đình và phải bắt đầu tính toán chuyện cơm áo gạo tiền, chi tiêu hằng tháng, tiền xe, tiền ăn, tiền điện thoại, mua sắm…Hãy nhớ một điều là mọi chi tiêu của bạn là công khó của những người thương mến dành cho bạn, là quà tặng mà mọi người giúp bạn khôn lớn, đừng để mọi sự trở nên uổng phí.
Việc học hành sau những năm phổ thông trung học đã chuẩn bị phần nào hành trang cho bạn vào đời. Tuy nhiên những gì mà bạn được “trang bị” xem ra chưa đủ, nhất là trong thời buổi hiện nay. Việc học hành ở các trường Đại học hay chuyên nghiệp sẽ đòi hỏi bạn những nổ lực mới và bạn cần nhiều thời gian hơn để “đầu tư”. Nhiều môn học đòi hỏi bạn phải có một cách suy nghĩ riêng và ngay cả ý kiến độc lập của chính bạn nữa. Hãy dành thời gian ưu tiên cho việc học hành, nghiên cứu các môn học, vì đây là thời điểm của nó, và sau này bạn sẽ không có cơ hội để làm lại đâu!
Thực tế với những đổi thay hằng ngày đòi hỏi bạn phải chọn lựa, tìm cách để dần dần tự đứng lên và bước đi trên đôi chân của mình; nói cách khác, nó đòi hỏi bạn phải đảm đương trách nhiệm với chính bản thân mình trong sự tự do. Đâu là những điều bạn cần lưu tâm? Đó là cách sử dụng thời gian, chi tiêu tiền bạc; cách tổ chức nếp sống sinh hoạt cá nhân có giờ giấc và trật tự, cách giao tiếp với mọi người xung quanh; cách chọn bạn bè để xây dựng các mối tương quan tình cảm lành mạnh; cách sử sụng các phương tiện truyền thông và giải trí như điện thoại, internet…một cách có lựa chọn, khôn ngoan và thận trọng.
Nếu vì tình thương và trách nhiệm chia sẻ gánh nặng kinh tế với gia đình mà bạn phải đi làm thêm một vài công việc, hãy cứ sắp xếp mà tiến hành theo khả năng và cơ hội mà bạn có được, vì nó sẽ giúp cho bạn có thêm kinh nghiệm cuộc sống, nhưng bạn cũng phải biết tổ chức và dừng lại trong chừng mực nhất định. Người Bulgari có một câu ngạn ngữ rằng: “Nếu tôi có hai ổ bánh mì, tôi sẽ bán đi một ổ để mua một cành hoa hồng”. Nếu bạn có thể sống tạm ổn với đời sống đơn sơ hằng ngày, hãy tìm kiếm những giây phút để cho tâm hồn thư thái, bình an, trong thinh lặng và cầu nguyện, trong việc tham gia các hoạt động thiện nguyện và chia sẻ, giúp đỡ những ai cần đến bạn. Tất cả những sinh hoạt ấy sẽ giúp bạn trưởng thành và sống tốt hơn.
Sẽ có lúc bạn gặp những khó khăn mà mình không thể tự giải quyết được, hoặc cần phải làm những quyết định quan trọng mà bạn chưa dám quyết, hãy tìm đến những người lớn và thân quen, có kinh nghiệm, khôn ngoan và tin cậy được để thử trao đổi, bàn hỏi. Chắc chắn bạn sẽ chẳng mất gì ngoài một chút thời gian, nhưng sẽ tìm thấy những hướng dẫn hữu ích.
Hy vọng tương lai
Đối diện với thực tế còn nhiều khó khăn, chắc chắn là không một ai có thể khẳng định rằng “tôi sẽ làm được tất cả”. Mà khó khăn không phải lý do để bạn trẻ chúng ta bỏ cuộc.
Chúng ta luôn luôn hy vọng là mọi sự tốt đẹp, nhưng đâu là lý do để hy vọng? Với các bạn trẻ Công giáo, niềm tin vào Tình thương vào sự quan phòng của Thiên Chúa luôn là sức mạnh và lý do để họ hy vọng. Một cách bình dân, người ta hay nói rằng có ba yếu tố để giúp thành công: Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa. Nếu bạn đã may mắn hơn nhiều người khác có được một thời gian, không gian để học hành và chuẩn bị tương lai, bạn hãy biết đó là hồng ân của Trời Đất- của Đấng Tạo Hóa. Phần còn lại hệ tại nơi yếu tố “con người”, nơi chính bản thân bạn.
Thánh nữ Catarina thành Sienna có nói rằng: “Nếu biết sống trọn vẹn con người mà Thiên Chúa ao ước nơi bạn, bạn sẽ làm cho cả thế giới này bừng cháy.” Vậy đâu là “con người mà Thiên Chúa ao ước nơi bạn”? Đó là con người của các nhân đức như bác ái, khôn ngoan, công chính, can đảm, tiết độ, Tin, Cậy, Mến, con người sống theo các Mối phúc Tin Mừng. Bạn hãy thử tìm hiêu thêm về điều này để biết mình có lý do để hy vọng không và có thể làm bừng sáng thế giới này bằng cuộc đời mình không nhé! (Lê An Phong, SDB- Rome 08/2009)
Tâm sự với bạn trẻ
Quay cóp trong lớp học – Chuyện nhỏ, chuyện lớn…


Giữa muôn vàn chuyện vui buồn trong lớp học của các bạn tuổi trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường, có lẽ ai cũng nhớ đến chuyện “khó xử” trong các kỳ thi hoặc khi làm bài kiểm tra. Có một lúc nào đó, dù bạn đã học rất thuộc bài, nhưng khốn thay các câu chữ trong đầu như biến đâu hết! Thế là có bạn lại “táy máy chân tay”, lật vở ra hoặc liếc sang bạn bên cạnh cầu cứu. Thế mới có chuyện “phao” trong các kỳ thi và chuyện “chơi đẹp” (fair play) hay “hợp đồng tác chiến” giữa bạn bè trong lớp (chia bài hoặc các câu hỏi ra từng phần để học và chuyển cho bạn bè xem phần giải đáp nếu trúng vào phần mình “được phân công”). Có thể gọi đó là “cơn cám dỗ”, mà cũng có thể với nhiều bạn trẻ, đó là “sự tổ chức” khá tinh vi để mong vượt qua các môn học mà không phải lo học hành vất vả: Có bạn chép cả một cuốn tài liệu ôn thi thành “phim”mang theo ben mình, có bạn nữ sinh viết công thức tóan học khó nhớ trên… tà áo dài, có bạn “hiên đại” hơn sử dụng cả điện thoại di động để nghe nhắc bài(?)
Vì sao các bạn trẻ quay cóp? Từ suy nghĩ của các bạn trẻ, ta có thể biết được một điều: phần lớn họ cho rằng: quay cóp chẳng có gì xấu xa cả, bí quá thì làm liều thôi! Trong khi khó khăn, ai cũng phải biết vận dụng “tài lanh” của mình để sống còn, hoặc gặp bạn bè đang trong tình trạng nguy khó vì bài vở mà “giúp đỡ” một chút là việc làm hào hiệp, có gì là xấu xa đâu! Ngoại trừ một số rất ít cảm thấy “thích thú” vì đã đánh lừa được những giáo viên khó tính và đòi hỏi quá mức, phần lớn các bạn trẻ rất lo ngại từ những lần quay cóp ban đầu (như một hành vi bất chính), nhưng làm trót lọt vài lần thì hóa ra “quen” và không còn áy náy gì nữa, thậm chí họ còn có thể tự biện minh cho việc làm này là: tôi thấy ai cũng quay cóp cả, vậy thì làm gì mà phải bận tâm. Mình cũng như mọi người thôi!
Phải nhận định ra sao về chuyện quay cóp? Xét về bản chất tự thân của hành vi quay cóp, chúng ta có thể nói rằng đây là sự lường gạt và là chuyện lừa dối. Đây là chuyện không tích cực và gây hậu quả rất tai hại cho xã hội, nhất là việc đánh mất lòng tin giữa con người với nhau. Bởi thế trong các hệ thống luật pháp, hành vi lừa dối người khác được xem là một việc hay tội phạm pháp.
Nghe đến đây nhiều bạn trẻ phản đối rằng: việc tôi quay cóp đâu làm hại đến ai, cũng chỉ như là chuyện đánh bài, hên thì tôi hưởng, xui thì tôi chịu, chẳng có ai là nạn nhân của tôi cả, vậy thì việc gì phải quy kết trách nhiệm luân lý? Tất nhiên, chuyện quay cóp không thể xếp ngang hàng về mức độ “tội phạm” như các chuyện lừa gạt người khác để chiếm đoạt tài sản và để trục lợi, nhưng tự bản chất, đó là việc lừa dối người khác (thầy cô) vì mục đích không trong sáng nên là một chuyện xấu.
Nói về chuyện làm hại người khác hay về “nạn nhân” của việc quay cóp, trước mắt, chẳng ai thấy nạn nhân của hành động này cùng như tác hại của nó, nhưng về lâu về dài chính bạn trở thành nạn nhân của tính lười biếng và sư ngu dốt: bạn có thể vượt qua tất cả mọi bức tường cản của trường lớp bằng việc quay cóp và bạn có thể trở thành bác sỹ, kỷ sư, giám đốc này nọ trong tương lai, nhưng điều mà bạn được học hành chẳng bao giờ đọng lại trong bạn. Kiến thức mà bạn có được theo giấy trắng mực đen của các chứng chỉ hay bằng cấp mà không là thực tài của bạn sẽ làm tổn hại đến người khác sau này.
Có bạn sẽ ý kiến ngay rằng trong thực tế, thành công hay thất bại trong cuộc sống không phụ thuộc ở bằng cấp này nọ hay chuyện học hành trường lớp, nhưng tùy khả năng thích ứng của con người. Đúng vậy, khả năng thích ứng của con người là yếu tố quan trọng cho mọi thành công, nhưng khả năng ấy không đồng nghĩa với sự ma lanh hay giả dối. Mọi xã hội đều quan tâm đến việc đào tạo con người với khả năng tri thức thực thụ và kinh nghiệm thực tế để xây dựng cuộc sống (riêng và chung) ngày một tươi đẹp hơn.
Thông thường khi một toan tính cá nhân đụng phải rào cản của đạo đức hay luân lý xã hội, người ta thường nại tới hoàn cảnh để biện minh cho hành động của mình: “gặp thời thế thế thời phải thế!”. Bạn đừng nghĩ là tất cả mọi người đều quay cóp như “phong trào”, vì có những bạn rất nghiêm túc, hầu như suốt quảng đời học sinh, họ không bao giờ quay cóp. Phần lớn đó là những bạn học khá và giỏi. Tuy vậy ta cũng không thể nói rằng các bạn gặp khó khăn trong học tập sẽ quay cóp nhiều hơn. Thực tế cho thấy việc quay cóp hệ tại vào chính sự lựa chọn có tính chất luân lý của bản thân mỗi người dựa theo các chuẩn mực đạo đức, vào tính trung thực, tự trọng và trách nhiệm tôn trọng công bằng và lợi ích của người khác, như ý kiến của một nhà nghiên cứu về giáo dục- Marcello Dei (Milano). (Ông đã làm một nghiên cứu với 2084 học sinh bậc phổ thông và trung học tại 15 thành phố khác nhau ở Italy vào năm 2004. Kết quả cho thấy mức độ quay cóp như sau: thường xuyên: 23,5%; thỉnh thoảng: 40%; ít khi quay cóp: 27%; không bao giờ: 9%; không trả lời:5,3%. Ý kiến của bạn trẻ về mức độ tai hại của việc quay cóp cùng khác nhau. Có một điều đáng ngại là con số các bạn trẻ với ý kiến cho rằng việc này không đáng chê trách đã gia tăng: năm 2002-64% và năm 2007: 84%. Việc gia tăng ý kiến này có liên quan đến tình trạng “luân lý cá nhân theo chủ nghĩa tương đối”. Ông đã lên tiếng kêu gọi các nhà làm luật vào cuộc với hy vọng việc xử phạt có thể ngăn chặn tệ nạn này).
Bạn trẻ thân mến ơi! Hãy khởi sự tương lai của mình bây giờ với việc chuyên cần học hành và với niềm tin là mình có khả năng vươn tới tương lai bằng chính sức lực của chính mình, hơn là chơi trò may rủi, hay “bí quá thì làm liều”. Chúng ta đôi khi lừa dối người khác vì nhiều lý do hoặc lợi ích riêng nào đó hoặc vì “hoành cảnh”, nhưng lừa dối chính mình mãi thì không thể được. Ai không tin vào chính bản thân mình hay tự lừa dối mình là đã thất bại một nửa rồi! Sự thành công luôn đòi hỏi nhiều nỗ lực và phải trả một giá nào đó từ chính bạn. Hãy can đảm mà tiến bước.
(Có tham khảo các số liệu từ nghiên cứu của Marcello Dei trong tạp chí Studi di Sociologia số 4, năm 2007, Trường Đại học Công Giáo Sacro Cuore, Milano. Hình ảnh sưu tầm từ internet. Lê An Phong, SDB)

18 September, 2009

Giáo dục trái tim - nói với bạn trẻ về một định nghĩa tình yêu

Các bạn trẻ thường hay tụm năm tụm ba nói chuyện không biết mệt. Chuyện gì mà họ nói mãi như vậy? Có lẽ đề tài “xưa rồi mà luôn luôn mới và hấp dẫn” là chuyện anh này “đẹp trai” chị kia “đẹp gái”; chuyện người này phải lòng người khác giữa đám bạn bè, chuyện yêu đương ở độ tuổi nào…
Các bậc cha mẹ hay các nhà giáo dục thường hay ngại nói đến chuyện yêu đương với các bạn trẻ, nhất là với tuổi vị thành niên. Nhiều người sợ vì làm như thế khác nào “vạch đường cho hươu chạy”. Nhiều người cho rằng đó là chuyện của “người lớn”, con nít thì lo học hành trước đã, khoan nghĩ đến điều đó mà “lo ra chia trí” v.v…
Khổ một điều là chuyện “phải lòng nhau” luôn là điều bất ngờ và gây cho người trẻ những xúc cảm hoặc thay đổi đột ngột trong đời sống của họ, và cảm xúc ấy không giống nhau nơi tất cả mọi người. Bởi thế việc chia sẻ kinh nghiệm về tình yêu với người trẻ cũng bị phân rẽ theo nhiều kiểu.
Nơi các phương tiện truyền thông hiện nay ở các nước phát triển, người ta nói nhiều về kinh nghiệm tình yêu thiên về tình dục, hay cổ vũ cho tự do tình dục với nhiều dạng thức khác nhau của việc hưởng thụ cá nhân, và một cách nào đó họ có khuynh hướng phản kháng lại quan niệm về tình yêu, tình dục theo quan điểm luân lý kitô giáo.
Nhiều người có khuynh hướng “nghiêm túc” hơn thì nghĩ đến cách giúp người trẻ giáo dục chính con tim của mình, bằng cách đồng hành với bạn trẻ cho đến khi họ có thể xây dựng cho mình một nhân cách sống dựa trên khả năng và giới hạn nội tại của chính mình và những tương quan ngoại tại với người khác, chuẩn bị cho họ bước vào đời. Đó là công việc của cha mẹ, các nhà giáo dục, hay các cố vấn tâm lý cho giới trẻ. Công việc này luôn đòi hỏi tình yêu thương và lòng kiên trì, nhẫn nại.
Nói với bạn trẻ thế nào về tình yêu? Chúng ta cùng nhau tham khảo ý kiến của nhà tâm lý học Erich Fromm về một kiểu định nghĩa tình yêu. Trong một cuốn sách nhỏ có tựa đề Nghệ thuật của tình yêu (L’arte di amare – NXB Mondatori), Erich Fromm nói đến 5 tiêu chuẩn để xác định một tình yêu đích thực và trưởng thành.
Yêu là trao ban. Đây là khả năng tích cực và sống động nơi con người, giúp con người phá vỡ lá chắn ngăn cách mình với người khác, biết mình là ai trong tương quan với mọi người. Nhưng cụ thể thế nào là trao ban? Người ta có thể cho đi một cái gì đó và cảm thấy ngay sự mất mát, hy sinh hoặc hối tiếc. Người không trưởng thành sống theo cách này và luôn cảm thấy mất đi những gì mình có. Ngược lại hành vi trao ban đích thực xuất phát từ nội tâm của một cá nhân, việc trao ban làm cho người ấy cảm thấy hạnh phúc và tăng thêm sinh lực, vì thế càng trao ban nhiều họ càng sống phong phú và dồi dào hơn. Việc trao ban như thế không ngăn cản hành vi và khả năng đón nhận ân huệ cho mình từ phía người khác, bởi ân huệ đón nhận tạo nên một sự hiệp thông và làm tròn đầy sự sống nơi người khác nữa. Ai cũng có thể đạt đến sự trưởng thành trao-nhận này nếu biết chiến thắng tính ích kỷ, ham muốn sở hữu và sử dụng người khác cho mục đích của chính mình (kể cả những mục đích xem ra chính đáng). Nếu con người thiếu phẩm chất này, họ sẽ trở nên những kẻ sợ hãi chính bản thân mình, sợ yêu người khác vì sợ mất mát. Và theo nguyên tắc căn bản của hiện hữu nhân linh, con người sẽ không là người nếu chỉ đóng kín trong chính mình.
Yêu là phục vụ. Thường có hai quan điểm để nhìn nhận một con người: Ta có thể nhận ra hiện trạng của họ và xem người đó như họ là; và ta cũng có thể quan tâm ở mức cao hơn về tình trạng mà họ sẽ trở thành. Mỗi một con người là chủ thể mà nơi sâu thẳm tâm hồn luôn đòi hỏi việc được hiện thực hoá chính mình. Bởi thế yêu một người cũng có nghĩa là biết đặt mình phục vụ cho chủ thể ấy, để giúp họ hiện thực hoá chính mình. Yêu là giúp người khác sống và trở thành chính mình, trở thành hiện hữu người hơn. Ai có thể biết được còn bao nhiêu giới hạn nơi một con người. Bởi thế tình yêu cần đến niềm tin và hy vọng nơi người đó. Ai không có cảm thức về sự huyền nhiệm, về những may rủi và mạo hiểm để khám phá con người sẽ không có khả năng yêu thương thực sự.
Yêu là đảm nhận trách nhiệm. Đơn giản là: tương lai, hạnh phúc, suy tư, âu lo về cuộc đời của người tôi yêu không để cho tôi yên hoặc khiến tôi có thái độ dửng dưng được.Tôi không thể chối từ và cảm thấy mình có bổn phận phải ghé vai vào để nâng đỡ người ấy để cùng nhau đi hết con đường trên thế gian này.
Yêu là tôn trọng. Đó là thái độ biết đón nhận nơi người khác những gì họ là. Chúng ta biết rằng mỗi người có một tình trạng khác nhau trong bước hiện thực hoá chính mình, nên cần thiết phải tôn trọng những kế hoạch hay dự phóng của người khác. Thái độ tôn trọng loại trừ tính độc đoán, chiếm đoạt, lợi dụng và hay phê bình chỉ trích người khác. Yêu thương một ai đó là mong muốn cho người ấy trở thành “chính họ”, chứ không theo cái mà mình muốn “họ phải là” để thích hợp với mình.
Yêu là thấu hiểu. Mỗi người là một huyền nhiệm. Hiểu người khác như người khác hiểu chính họ đòi hỏi một sự tự huỷ để ta có thể tiến gần hơn huyền nhiệm của người khác. Ta chỉ có thể hiểu điều này qua kinh nghiệm sống của con người chứ không bằng lý thuyết suy tưởng. Qua tương quan và hiệp thông, ta có thể tìm ra câu trả lời cho những vấn nạn của chính mình. Nơi người khác tôi tìm thấy chính mình; và cùng với người khác tôi khám phá được con người.
Trên đây là những gợi ý của một nhà tâm lý. Có thể mỗi người trong chúng ta có kinh nghiệm, cách cảm nhận và cách diễn đạt tình yêu khác nhau, nhưng chúng ta sẽ nhận ra rằng một tình yêu đích thực được biểu tỏ qua những nét căn bản trên. Người ta có thể nhận ra một tình yêu dối trá qua sự chiếm đoạt, tính ích kỷ, sự ghen tương và muôn vàn bộ mặt tiêu cực khác của cảm xúc mà con người dành cho nhau. Hình như nhà thơ trữ tình người Anh G. Byron cũng đã cảm nghiệm rằng cái na ná của tình yêu thì có hàng trăm hàng vạn, nhưng cái đích thật của tình yêu thì chỉ có một trên đời. Người trẻ, trong những bước đi đầu tiên, có mấy người biết được sự thật cuộc đời, hoặc là họ nhận ra sự thật sau khi đã trãi qua kinh nghiệm đau thương. Lúc đó biết cũng đã muộn màng và chỉ là hối tiếc khôn nguôi, nói theo kiểu nhiều tình khúc sầu buồn mà các bạn trẻ vẫn thường nghe. Giữa một thế giới đang đổi thay từng ngày, nơi mà người trẻ lo lắng không biết mình đang đứng ở đâu trên mặt đất này, thì hoặc là họ sẽ tìm cách để tự lo liệu lấy trong cuộc chạy đua với thời gian, công việc, tiền bạc và danh vọng, hoặc là họ sẽ bị nhận chìm trong những chuyến phiêu lưu tình ái không có hồi kết thúc.
Người trẻ cần một ai đó nói cho họ biết những gì là có thể tin được về một tình yêu chân chính; và cũng cần những minh chứng rằng tình yêu chân thật hiện hữu trên thế gian này qua những con người mà họ gặp gỡ thường ngày. Thế nhưng ai sẽ là người nói và làm chứng về tình yêu đích thực ấy cho người trẻ? Thế giới này luôn cần những con người biết nói bằng ngôn ngữ của trái tim và biết sống với tất cả trái tim, biết trao ban và biết đón nhận, biết yêu thương và cảm thông, biết hy sinh, phục vụ và can đảm nhận lãnh trách nhiệm vì người khác. Xem ra hơi có vẻ “lý tưởng hoá” và “khó kiếm” những mẫu người như thế. Và một câu hỏi lại được đặt ra: Liệu có thể tìm thấy họ chăng? Vâng, người ta vẫn còn có thể tìm thấy rất nhiều người như thế dưới mái gia đình, nơi trường học, công sở... Một điều đáng nói là có một phần không nhỏ trong số đó là những người đã biết kín múc nguồn năng lực đời mình và biết sống trong yêu thương phục vụ từ một tình yêu vĩ đại và là cội nguồn của mọi thứ tình người – Tình yêu của Thiên Chúa. (LAP)

Tâm tình của một người Cha
về Đường Hy vọng

Cha đã đi một quãng đường,
hân hoan có, gian khổ có,
nhưng luôn luôn tràn trào hy vọng,
vì có Chúa và Mẹ Maria bên cha.

Nếu Chúa cho chọn lại,

Cha không chọn đường nào khác.

Cha đã hạnh phúc và vui tươi,
vì cha đã hy vọng vào Chúa,
và cha chỉ biết yêu thương.

Hôm nay Chúa cho cha,
những giây phút thân mật bên Chúa,

Cha khởi sự ghi lại cho con,
như cha mong ước từ lâu,
những tâm tình khiêm tốn,
kinh nghiệm sống của cha.

Đây là tâm sự của một người cha,

Cha không nói gì mới mẻ với con,

Cha chỉ nhắc lại những lời nhắn nhủ,
thắm thiết và chí tình,
đã biết bao lần nhẹ nhàng,
đổ vào tai con, vào tim con,
giữa những náo động của trần thế,
con hãy bình tĩnh,
suy nghĩ đôi lời thâm tình của cha.

Mong những tư tưởng đơn thành này
tỏa ánh sáng và an hòa,
biến con nên hồn tông đồ,
hồn cầu nguyện, hồn yêu mến,

Ân sủng và bình an Chúa
ở với con trên đường hy vọng.
(Trích Lời mở đầu, Đường hy vọng, Hồng y F. Nguyễn Văn Thuận)