Vấn đề giới trẻ: người trẻ tự tử.
“Ba mẹ thân mến. Con quyết định tự tử để muốn thấy có sự gì sau cái chết và ai là người có lý. Thế giới này không có mấy hy vọng cho tuổi trẻ chúng con. Con hy vọng rằng hành động của mình sẽ làm cho mọi người hiểu ra những vấn đề của người trẻ chúng con.
Đối với con, bố mẹ như thầy cô của con vậy và bố mẹ thật là đáng yêu. Con không muốn thử thách bố mẹ. Đây chỉ là một lựa chọn của riêng con. Điều mong ước sau cùng của con là được hoả táng”.*
Trên đây là những lời tâm sự cuối cùng của một bạn trẻ tên là A.B. (tạm dấu tên), 16 tuổi, ở Montecatini (Italy) được ghi lại trong băng cassette mà người ta tìm thấy sau cái chết của cậu, vào ngày 13 tháng Ba năm 1997. Bạn bè và mọi người không thể nào hiểu được vì sao cậu tự tử. Cậu là con duy nhất trong một gia đình khá giả, đẹp trai, học giỏi, vui vẻ, hoà nhã với mọi người và chưa bao giờ có những vấn đề khó khăn cá nhân nào. Người ta chỉ nhớ lại rằng, vào thời gian sau cùng, cậu thay đổi tính tình một chút và hay nói với bạn bè: “Thôi, sống như vậy là đủ rồi. Tôi muốn chết đây!”. Ít người tin điều cậu nói, nhưng sự thực đau lòng đã xảy ra.
Trước sự kiện này, người ta đã mời gọi các nhà xã hội học, tâm lý học cùng phân tích lý do vì sao. Có nhiều ý kiến khác nhau. Một vài người cho rằng trường hợp như bạn A.B. nằm ngoài danh sách các nguyên nhân làm bạn trẻ tự tử như: có vấn đề với gia đình, với bạn bè, thất tình, không thành công nơi trường học, thiếu điểm, thi trượt, bệnh tật không chữa trị được…Đây là trường hợp mà người ta gọi là “thiếu điểm tựa để sống” trong thời kỳ nhạy cảm nhất của tuổi trẻ.
Có rất nhiều trường hợp tự tử khác xảy ra với các bạn trẻ từ lứa tuổi 15-24, và đang có xu hướng gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới (Ví dụ, ở Ấn độ: tăng 100.000 vụ mỗi năm. Chỉ riêng ở Chennai, thủ phủ một bang ở Ấn độ, con số tăng đáng chú ý: từ 1196 vụ (2004) lên 2275 vụ (2005). Trung Hoa, theo số liệu của Tổ chức sức khoẻ thế giới, là nước có tỉ lệ tự tử ở nữ giới cao nhất thế giới. Hằng năm có khoảng 1,5 triệu người nữ tìm cách tự tử và hơn 150.000 đã “thành công” để vĩnh kết thúc cuộc đời. (Xin xem thêm các số liệu nơi những quốc gia khác ở đây). Các thống kê cũng cho thấy rằng con số tự tử ở những nước phát triển cao hơn các nước nghèo; số bạn gái chọn cái chết để giải quyết mọi đau khổ cao hơn phía nam giới. Theo quan sát khá “xa xưa”của nhà xã hội học Durkheim, số bạn trẻ tự tử ở các nước có đạo Công giáo thấp hơn các nước theo Tin lành, vì Công giáo đòi hỏi nhiều ở sự hiệp thông và chia sẽ kinh nghiệm nhân bản cũng như tôn giáo.
Điều hết sức khó khăn là làm cách nào để hiểu được lý do bạn trẻ tự tìm cái chết. Chúng ta tạm kể ra một vài nguyên nhân, theo như nhận định của các nhà tâm lý học. Tuổi trẻ gặp nhiều vấn đề mà họ chưa bao giờ tiếp cận hoặc nghĩ đến. Họ, do chưa đủ chín chắn trong suy nghĩ, thường có quyết định “nhanh chóng”, vội vàng, và nhiều khi họ tự mâu thuẫn với chính mình. Có người dù chưa đến tuổi trưởng thành theo luật, nhưng theo nghĩa tâm lý, họ đã phải đảm nhận trách nhiệm và phải tự quyết định mọi sự như một người lớn thực thụ vì không có ai khác bên cạnh họ - Người ta nói đến sự cô đơn và đóng kín chính mình của người trẻ trong nền văn minh sự chết, bạo lực, bất công và thiếu vắng tình người.
Tuổi trẻ mơ ước nhiều nhưng thực tế không luôn luôn chắp cánh cho những ước mơ của họ. Gia đình nhiều khi không ủng hộ, thầy cô và bạn bè không tin tưởng, người mình yêu thương muốn xa lìa, điều mình muốn làm với cả tâm huyết bị thất bại…Sự thất bại nhỏ nào đó trong khi bị bỏ rơi sẽ dễ dàng trở nên vấn đề lớn khiến người trẻ chán nãn và tuyệt vọng.
Một bạn gái 17 tuổi tâm sự rằng “Tôi rất sợ tự tử. Tôi nghĩ rằng điều này có thể xảy ra với tất cả bạn bè của tôi trong thời niên thiếu, và hoàn cảnh thực tế đáng thương hơn đối với các bạn gái chúng tôi. Hình như các bạn gái hay nghĩ đến chuyện ấy mà không dám làm…Chuyện bình thường!
Với tôi, tôi không cảm thấy có vấn đề gì từ phía cha mẹ, nhưng tôi chợt nghĩ: nếu như không có một người yêu mến tôi…, nếu sự hiện diện của tôi chẳng quan trọng với ai cả…thì thôi, tốt hơn là vĩnh biệt cõi đời này!”.
Một bạn gái khác viết: “Thật đáng sợ chuyện tự tử. Theo tôi, tự tử đồng nghĩa với sự cô đơn, và chỉ có những ai cô đơn mới hay nghĩ tới chuyện này. Khi một người không có ai để nói chuyện, để giải bày tâm sự, để thổ lộ suy tư; khi không có một ai biết thông cảm và hiểu mình, người ta sẽ đi tới sự lựa chọn đau buồn sau cùng”.
Các bạn trẻ thời nay đang lớn lên trong một xã hội chuyển biến nhộn nhịp và tất bật. Tất cả quay cuồng xung quanh người trẻ làm cho họ chóng mặt. Rất nhiều bạn trẻ hoảng sợ vì không tìm được một chổ dựa. Nhiều thứ được đưa ra mời chào họ và người trẻ không biết phải lựa chọn gía trị nào. Với nhiều người trẻ, cuộc sống hiện tại thay đổi từng ngày. Ai biết trong tương lai chuyện gì sẽ xảy ra. Sống để làm chi cho mệt mỏi, khi chính cuộc sống chẳng có giá trị gì…; chẳng có lý do gì để sống tiếp vì rằng mọi sự cũng chỉ kết thúc trong sầu buồn và vô nghĩa thôi.
Đối diện một tương lai với nhiều đổi thay, người trẻ cần được giúp đỡ để vượt qua những âu lo và bất cập của lứa tuổi, để xây dựng cho bản thân mình nền tảng và ý nghĩa căn bản của cuộc sống, theo những tiêu chuẩn giá trị đạo đức con người về gia đình, tình yêu, tình bạn, công việc, tiền bạc, tài năng, hạnh phúc, trách nhiệm và sự hưởng thụ… Họ cần đến sự trợ giúp từ phía người lớn như cha mẹ, thầy cô và những ai quan tâm đến giới trẻ.
Khi một người trẻ chọn cái chết để muốn dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh nhữnng người xung quanh rằng họ bị bỏ rơi, chắc chắn những ai có tâm huyết với giới trẻ sẽ ân hận khôn nguôi, vì mình đã không làm tròn phận sự trong chừng mực có thể, theo khả năng và trách nhiệm. . (Le An Phong, SDB)
____________
* Các sự kiện và lời trích dẫn được tham khảo từ cuốn sách Etica per i giovani của tác giả Carlo Fiore, NXB Elledici, 2000.
No comments:
Post a Comment