22 September, 2009

Bạn trẻ và hiện tượng “nghiện” internet


Sống trong thời đại số hóa, nhiều người lớn tuổi cảm thấy “ngương” khi không biết internet, không biết sử dụng điên thoại cầm tay, không biết máy nghe nhạc iPhone…
Giới trẻ , ngược lại, là “bậc thầy” trong lãnh vực kỷ thuật số này. Tuy nhiên hiện nay, người ta bắt đầu cảnh báo các phụ huynh và các nhà giáo dục về việc người trẻ “lạm dụng” đời sống kỷ thuật số.
Một trong số các vấn đề cần lưu ý là chứng nghiện internet nơi giới trẻ. Năm ngoái, Tổ chức Internet thanh niên Trung Quốc cho biết hiện nay đất nước này có khoảng 320 triệu người sử dụng Internet, và 10 triệu trong tổng số 100 triệu thiếu niên sử dụng Internet bị nghiện. Người ta đã đưa đi cấp cứu nhiều trường hợp nguy tử vì đã sống chết cùng “game” trên mạng. Người ta cũng đã thành lập khá nhiều các trung tâm cai nghiện internet.
Làm thế nào để có thể biết là con em của mình hay chính bản thân những bậc phụ huynh đang mắc phải dần dần chứng bệnh của thế giới ảo này? Các nhà tâm lý học có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào về chứng “nghiện” internet và các biểu hiện của nó.
Năm 1995, nhà tâm lý học Ivan Goldberg đã đưa ra vấn đề, bàn về hiện tượng nghiện internet (Internet Addiction Disorder) cùng những biểu hiện của nó, và được giới thiệu trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các bệnh Tâm lý
Mỗi một chẩn đoán về tâm lý thường được dựa trên việc phân tích từ kết quả của các bản trắc nghiệm, và kết quả được xem là tích cực hay tiêu cực tùy thuộc và số lượng và chất lượng (chọn lựa) của các câu trả lời từ phía người được trắc nghiệm. Đây là một số câu hỏi tiêu biểu:
1. Bạn có bị thu hút một cách mạnh mẽ bởi internet (tức là bạn luôn suy nghĩ đến nội dung mà mình sẽ truy cập trong lần kết nối sắp tới)?
2. Bạn luôn cảm thấy cần nhiều thời gian hơn để thỏa mãn nhu cầu nối mạng internet?
3. Bạn đã thử nhiều lần tắt máy, ngắt kết nối và ngưng truy cập nhưng không thành công?
4. Bạn cảm thấy bực dọc, trống vắng, cau có, bất an và thất vọng khi không sử dụng internet?
5. Bạn trải qua nhiều thời gian trên mạng hơn quết định ban đầu?
6. Bạn nói dối người thân trong gia đình và những người khác để lảng tránh tình trạng “bị thu hút” bởi internet mà bạn đang gặp phải?
7. Bạn sử dụng internet như một phương tiện để chạy trốn những vấn đề khó khăn hay để giảm nhẹ những đau buồn, lo âu, thất bại hoặc tình trạng trầm uất của mình?
Chứng nghiện internet như là tâm bệnh biểu lộ qua các dấu hiệu căn bản sau nơi chủ thể:
- Tính thống trị: hoạt động có liên quan đến internet chi phối và điều khiển phần lớn suy nghĩ và hành vi của một người.
- Sự bất ổn định của khí chất: hoạt động liên quan đến việc sử dụng internet đưa đến việc thay đổi tính khí một cách bất thường.
- Tính chịu đựng: hiện diện cùng với sự gia tăng thời gian và số lượng của hoạt động truy cập, nhằm đáp ứng thỏa mãn ngày một tăng mà chủ thể muốn đạt được.
- Cảm xúc đau khổ của sự kiêng cử: là biểu hiện tâm lý xuất hiện khi bị ngăn ngừa hoặc bị bắt buộc giảm thiểu một hoạt động.
- Sự xung đột: là hậu quả của hành vi bị thay đổi trong cách cư xử không còn hài hòa và nhất quán với người thân trong gia đình và với bạn bè đồng nghiệp ngoài xã hội, và về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng cô đơn lập dị.
- Thái độ chối bỏ “vấn đề” của mình: thường thấy trong các chứng nghiện ngập, nhằm biện minh cho những đam mê của bản thân, dù biết là có nguy hiểm mà không muốn từ bỏ.
- Sự sa ngã tái diễn: chiều hướng quay trở lại hoạt động, hành vi mà mình đã tìm cách từ bỏ
Ngoài ra còn có các biểu hiện khác về thể lý tuy không đặc trưng nhưng cũng giúp ta nhận ra tình trạng cần báo động của việc “nghiện internet” là: việc thay đổi nhịp độ sống như thức ngủ thất thường và biểu hiện mệt mõi do thức khuya và ngủ bù ban ngày, thay đổi cách thức ăn uống với khẩu vị thất thường và suy giảm hệ thống miễn dịch, gia tăng các bệnh đau nhức về mắt và cơ lưng, cánh tay và cổ tay vì ngồi lâu giờ trước màn hình vi tính và sử dụng liên tục một tư thế rê và nhắp chuột (mouse), thiếu tập trung khi làm việc, học hành vì mãi nghĩ đến một thế giới khác cùng những cuộc hẹn hò gặp gở “ảo” trên mạng v.v.Các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục thử quan sát xem những thay đổi nào đang diễn ra nơi con em mình, để có thể hiểu và tìm cách ngăn chặn, cũng như biết cách giúp đỡ các bạn trẻ vượt qua thử thách của thú vui xem ra có vẻ “trí thức” mà cũng rất nguy hiểm này nếu không được giáo dục và hướng dẫn. (Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment