16 January, 2011

Chia sẻ về ơn gọi

Lòng thương mến kiến tạo hy vọng cho bạn trẻ



Từ một câu chuyện Kinh thánh (1Sam 3,1-10)

1 Cậu bé Sa-mu-en phụng sự Ðức Chúa, có ông Ê-li trông nom. Thời ấy, lời Ðức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra. 2 Một ngày kia, ông Ê-li đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa. 3 Ðèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Ðức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. 4 Ðức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” 5 Rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: "Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. 6 Ðức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.” 7 Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Ðức Chúa, và lời Ðức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. 8 Ðức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Bấy giờ ông Ê-li hiểu là Ðức Chúa gọi cậu bé. 9 Ông Ê-li nói với Sa-mu-en: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Ðức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình.
10 Ðức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Sa-mu-en! Sa-mu-en!” Sa-mu-en thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”



…đến một phút chiêm niệm…

Samuel, theo ngôn ngữ Do thái, có thể được phân tích: Semu’el, có nghĩa là: “tên của Thiên Chúa” hay “tên của Ngài là El”. Bản văn ở 1Sam, 1-20 gợi nhắc cho chúng ta điểm này, khi Bà Anna mẹ của Samuel cầu xin Thiên cho một đứa con. Đây cũng là một cách liên tưởng từ động từ “sa’al”: yêu cầu, cầu xin, đến tên Sa’ul: được yêu cầu, đã cầu xin được.

Samuel được giới thiệu trong Cựu ước như hình tượng kết hợp giữa tư tế, tiên tri và thẩm phán trong một điểm giao thời của lịch sử dân Israel. Samuel được gọi để đảm đương trách vụ tiên tri cho dân Chúa trong một hoàn cảnh đặc biệt: “Thời ấy, lời Ðức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra. Một ngày kia, ông Ê-li đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa”.(c.1-2) Đây là hoàn cảnh lịch sử đáng buồn xét về mặt niềm tin của dân Do Israel. Thiên Chúa thì dường như “im lặng”. Ông Êli, người được kêu gọi để làm tư tế của dân Thiên Chúa không còn đủ sức để chống chọi với sự thoái hóa đạo đức trong gia đình mình và bị chúc dữ ( x. 1Sam 2, 12-17), cũng không thể làm được gì để giữ cho hậu duệ của mình trung thành với Giao ước (1Sam 2, 22-30). Trong khi đó, Anna, một phụ nữ hiếm muộn nhưng sống công chính và trung thành với Giao ước thì lại được nhận hồng ân sự sống. Cậu bé Samuel được sinh ra và lớn lên trong ân sủng, phục vụ trong đền thánh Chúa bên cạnh thầy Êli. Cậu trở nên dấu hiệu của hy vọng trong một lịch sử sầu buồn.

Chuyện Đức Chúa gọi Samuel xảy ra khi “đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Ðức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa”.(c.3). Có một sự nối kết hy vọng ở đây, giữa lịc sử đáng buồn, lúc mà “lời Ðức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra” và ngọn đèn trong nhà Chúa vẫn còn cháy sáng. Trong đêm tối của lịch sử u buồn không lối thoát, của sự xuống cấp đạo đức, của nỗi buồn chờ đợi được giải thoát, của sự hiếm muộn hy vọng, vẫn còn đó ánh sáng nơi nhà của Thiên Chúa, vẫn còn đó những con người trung thành phục vụ Ngài, lấy Lời Ngài làm ánh sáng soi đường “ Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước” (Tv 119, 105).

Trong giấc ngủ (bóng tối) chập chờn và ngọn đèn chưa tắt (ánh sáng) của nhà Chúa, Samuel nhận ra tiếng gọi của Ngài. Từ câu 4-8, chúng ta có thể hình dung ra câu chuyện, cách hành xử của Samuel và Êli. Dù đã nghe ba lần, Samuel vẫn không nhận ra tiếng Chúa. Cậu bị lẫn lộn giữa muôn thứ tiếng gọi quen thuộc khác vì tuổi đời non trẻ. Thiên Chúa cũng thật “vất vả” để kéo một cậu bé ra khỏi cơn ngái ngủ giữa đêm tối và hầu như chưa có một kinh nghiệm gì sâu sắc về Ngài. Chính Êli trong hoàn cảnh ấy, mặc dầu bị hạn chế về thể lý, nhưng kinh nghiệm thiêng liêng và lòng thương mến của ông trở thành điểm tựa cho Samuel. Ông trở thành “người trung gian” trợ giúp Samuel cầu nguyện, phân định và nhận ra tiếng Chúa gọi giữa bao âm thanh quen thuộc khác (c.8-9). Cả già lẫn trẻ biết lắng nghe tiếng Chúa gọi và giúp nhau phân định ơn gọi, để rồi tất cả có thể đáp lại rằng: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (c.10).



…và một chút suy tư
Đoạn lời Chúa trong sách Samuel giúp chúng ta cảm nghiệm một lần nữa về ơn gọi. Nhìn lại hành trình ơn gọi của chính mình, ai cũng có thể nhớ lại giây phút quan trọng khi quyết định dấn thân theo Chúa bằng lời thưa “này con đây”. Cảm nghiệm “có ai đó đã gọi tôi” khó diễn tả nhưng rất thật và dễ nhớ, bất đầu với câu tự hỏi “Chúa muốn tôi điều gì” đến quyết định “tôi sẽ lên đường, ra đi và từ bỏ mọi sự để theo Ngài”. Tuy vậy thật không dễ dàng phân định tiếng Chúa gọi ngay từ đầu...

Tôi đã từng băn khoăn về ơn gọi của mình như Samuel. Tôi đã được gặp những người có kinh nghiệm thiêng liêng như Êli hướng dẫn. Giờ đây, đến lượt mình, tôi có thể làm gì như Êli nếu quanh tôi có các bạn trẻ như Samuel đang trăn trở cho ơn gọi của mình?

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy mọi thứ âm thanh. Cuộc sống náo nhiệt không chỉ làm cho người lớn quay cuồng và mệt mỏi mà còn khiến cho họ mất cả định hướng tương lai và lạc lối giữa bao sóng gió. Còn người trẻ thì sao? Chắc chắn họ cũng không thoát khỏi sự khốn khổ này, và băn khoăn đi tìm con đường sống…

Với sự cảm nhận tinh tế và bén nhạy của người salêdiêng, tôi có thể hiểu rằng: giữa muôn vạn âm thanh ồn ào của thế giới, các bạn trẻ rất khó để nghe được tiếng Chúa. Nhưng Thiên Chúa có cách nói của Ngài. Bằng chứng là tôi đã gặp nhiều bạn trẻ muốn chọn con đường theo Chúa và phục vụ đồng loại. Như Êli, tôi có thể lắng nghe và hiểu Lời Ngài qua các biến cố cuộc sống không? Đâu là cách thức và ngôn từ để tôi “giải thích” cho các bạn trẻ về ƠN GỌI của họ theo tiếng Chúa mời gọi?

Ngay cả giữa đêm tối u buồn của lịch sử nhân loại, Thiên Chúa không bao giờ im lặng. Ngài vẫn nói với chúng ta qua nhiều cách như đã nói với Samuel và Êli. Hy vọng vẫn lóe sáng cho những ai sống với Chúa và biết lắng nghe lời Ngài nói trong mọi tình huống…

Với những thao thức cho sứ mệnh của người salêdiêng tôi biết là mình đang phải đối mặt hằng ngày với nhiều khó khăn của bản thân, của cộng thể, của Tu hội và của sứ mệnh tông đồ cho thanh thiếu niên mà mình đang đảm trách. Với tôi, đâu là niềm hy vọng mà tôi đang mang trong mình, đang sống và muốn truyền cho người khác, nhất là cho các bạn trẻ đang gặp khó khăn và đang sống quanh tôi?



Nét tinh thần của Don Bosco theo HL 17:

"Người Salêdiêng không nản lòng trước những khó khăn, bởi hoàn toàn tín thác nơi Chúa Cha, như lời Don Bosco dạy: “Đừng để chuyện gì làm con nao núng” .

Cảm hứng từ học thuyết nhân bản của thánh Phanxicô Salê, họ tin vào những năng lực tự nhiên và siêu nhiên nơi con người, tuy vẫn nhìn nhận sự yếu đuối của bản tính nhân loại.

Họ tiếp nhận những giá trị trần thế và không than van về thời cuộc; giữ lại tất cả những gì là tốt lành, đặc biệt những điều thanh thiếu niên ưa thích".

(Lê An Phong,SDB, Dịp Thánh quan Don Bosco thăm Việt Nam 16-01-2011)

"Làm người"

Giá trị “làm người” – bạn nhìn với góc độ nào?

Chúng ta đã từng nghe những bài thơ, lời ca, câu nói…, đại khái diễn tả rằng: “kiếp sau xin chớ làm người” vì lý do này lý do kia, hoặc “xin được làm mây, làm gió, làm cánh chim, làm cây thông đứng giữa trời, làm rông rêu lênh đênh trên biển”… Phải chăng “làm người” khó quá, kiếp người vất vả và tủi nhục quá? Làm người có gì vui? Liệu có đáng “làm người”, hay nói cách khác, “sống như một con người” có giá trị không?

Dưới khóe nhìn sinh học, mỗi “con người” là một cá thể thuộc loài sinh vật phát triển nhất của trái đất, là loài linh trưởng, có vú, có dáng đi thẳng, tay và chân hoạt động phân biệt và khéo léo, não bộ và hệ thần kinh phát triển, nhờ đó mà có khả năng tri thức và trừu tượng hóa, có ngôn ngữ thông tin theo hệ thống biểu tượng và đời sống cảm xúc phức hợp, trổi vượt và phân biệt hẳn với loài cây cỏ và các động vật khác. Theo quan điểm tiến hóa thì việc trở thành người là một bước nhảy vọt xét về chất và lượng sau một quá trình dài của chọn lựa và đấu tranh sinh tồn. Tuy nhiên, một cách nào đó dù đứng ở vị trí cao trong bậc thang tiến hóa, xét về mặt bản năng thì con người kém xa loài vật nhiều mặt, như khả năng định hướng và thích nghi với môi trường, về chức năng hoạt động của một số giác quan và cơ phận. Con người cần thời gian lâu hơn để khôn lớn và tự lập, cần được nuôi dưỡng, bảo vệ chăm sóc nhiều hơn để sinh trưởng và phát triển về thể lý và cả tâm lý. Không trách gì nếu có người mơ bay như chim, bơi như cá, sống lâu như rùa, nhìn xuyên đêm như mèo rừng và thính hơi như…chó vậy. Có người nói đùa rằng danh từ con người gồm hai phần con và người, nên khả năng cũng bị chia đôi: nếu phần người vượt trội thì phần con kém đi và ngược lại… có lẽ cũng đúng vậy!

Trong tiếng Latin, danh từ chỉ “con người” là homo, có liên quan đến một từ khác humus – bùn đất, ám chỉ rằng con người thuộc về đất, chổ thấp, ngược với trời cao và chốn thần linh. Nghành khảo cổ và nhân chủng học đặt tên cho giống người đứng thẳng trên đôi chân cách đây khoảng 200.000 năm là homo erectus, sau đó đến loại homo sapiens – người khôn ngoan, cách đây khoảng 130.000 năm. Cho đến hôm nay, khi chúng ta là những con người hiện đại, con người của lý luận và thực tiễn song hành, của tính toán lợi nhuận và phát triển - homo oeconomicus, thì lịch sử đã đi qua nhiều thế kỷ. Tính thời gian, so với chiều dài một đời người, thì đây là lịch sử của bao thế hệ; nhưng so với thời gian của vạn vật từ thuở khai nguyên, thì chỉ là một khoảnh khắc, cũng như gió thổi mây bay mà thôi. Mà nếu bạn được làm một chút gió hoặc chút mây trong vũ trụ trăm triệu năm qua, thì bằng mấy đời người rồi còn gì mà không ao ước!

Xét về mặt xã hội, làm người là “sống cùng” và “sống với” người khác. Nói theo triết học của Aristotle, con người tự bản chất mang tính xã hội (con vật có tính xã hội). Theo ông, ai sống ngoài các quan hệ xã hội thì hoặc là loài cầm thú hoặc là bậc thần linh siêu phàm. Tuy vậy, tính xã hội nơi con người hơn hẳn loài ong hay tính bầy đàn của loài cầm thú. Con người có ngôn ngữ để truyền thông và có khả năng phân biệt tốt- xấu, công bằng- bất công cùng các sự khác. Tương quan này tạo ra gia đình và xã hội (x. Politica, 1252a).

Có nhiều quan điểm về triết học hay xã hội học khác nữa bàn về tương quan xã hội mà chúng ta không muốn dài dòng bàn luận nơi đây, nhưng thiết nghĩ cũng nên gợi nhớ một điểm thực tế rằng trong tất cả các tương quan xã hội, từ các mối tương quan gần gũi và máu thịt trong gia đình đến các tương quan xa khác trong cộng động hay trong xã hội, chúng ta thường hay gặp rắc rối vì nhiều lý do khác nhau, mà chung quy vì mỗi một con người là một tiểu vũ trụ, độc nhất và khác biệt. Giữa hàng tỷ sự khác biệt độc đáo ấy trên trần gian, việc tìm ra một điểm tương hợp cho tất cả là điều rất khó. Còn tệ hơn, nhiều khi vì sự khác biệt màu da, văn hóa, chính kiến, con người nhiều khi đối xử với nhau như loài cầm thú, và người ta đã dùng chữ homo homini lupus - con người là lang sói của nhau - để phần nào diễn tả điều này. Nếu thực sự cuộc sống chỉ là cuộc tranh giành theo kiểu ấy để tồn tại và thăng tiến, thì tốt hơn là mơ làm cây thông đứng giữa trời mà reo vui với gió, làm tảng đá trơ mặt ra với nắng mưa để khỏi còn biết đau nổi đau nhân tình thế thái, và để khỏi buồn rầu vì lòng người đổi thay, hay khỏi tiếc thương cho thân phận hẩm hiu và tài năng của mình vì bị người khác quên lãng.

Một câu hỏi nữa có thể gợi cho ta suy nghĩ: “làm người thế nào?”. Đúng là “làm người” khổ thật, vì ta chẳng bao giờ thấy bằng lòng với những gì mình là (being) và với những gì mình có (having).“Làm người” đòi hỏi một điều gì đó xem ra “cao cả” và “vượt trội” hơn so với những gì “thấp hèn” hay “bình thường” mà chúng ta biết được. Mà sự cao sang hay thấp hèn tùy thuộc nhiều vào khả năng đánh giá của từng cá nhân. Tuy nhiên từ trong thâm sâu, chúng ta luôn biết giá trị của chính mình. Ta chẳng phải đơn giản là sỏi đá, cây cỏ hay loài giun dế và thú vật, nên khi cảm thấy bị xem thường hay bị chà đạp và bị xúc phạm, liền sẵn sàng vung nắm đấm để đòi được tôn trọng, đòi quyền lợi, đòi hạnh phúc, đòi tự do và công bằng, hay nói tóm lại, đòi quyền sống và quyền làm người đó sao?

Nhiều người vẫn suy nghĩ rằng các quan điểm tôn giáo hầu hết “gãi đúng chổ ngứa” của nhân loại non yếu về trí tuệ, là muốn lý giải nguồn gốc và giá trị của cuộc sống con người trong tương quan với thần linh giữa cuộc sống thực tại bế tắc cần giải quyết. Chuyện bế tắc nhất của con người là sự chết đã hiện diện cùng với con người bao lâu nay, mà nào ai giải quyết được.

Chúng ta không muốn lạm bàn ở đây về quan điểm tôn giáo, nhưng từ những người Phật tử, chúng ta có thể học được một kinh nghiệm. Họ quan niệm rằng dục vọng là căn nguyên mọi đau khổ. Với con người, thông thường, các giá trị vật chất hiện hữu trước mắt có sức cuốn hút con người mạnh hơn các giá trị tinh thần phi vật chất; cũng vì thế, người ta dễ chạy theo dục vọng cùng những gì là tham - sân – si. Mà giá trị của đời người theo dục vọng sẽ không mang tính vĩnh hằng, vì chỉ hiện hữu trong cuộc đời sắc sắc không không. Tiếp tục theo dục vọng không cùng là vòng nghiệp chướng của cuộc đời như là bể khổ triền miên. Chỉ có sự giác ngộ - sự hiểu ra đâu là sắc-không - mới mang lại giá trị hạnh phúc vĩnh hằng cho đời sống con người, nếu không muốn nói là sự giải thoát khỏi mọi tục lụy và tự cứu lấy chính mình.

Kitô giáo nhìn cuộc sống con người với lăng kính khác. Con người được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa (linh hồn, tinh thần hướng thiện, ý chí tự do), nhưng con người đã sa ngã và rời xa Thiên Chúa vì kiêu kiêu căng và vì dục vọng nơi thân xác của mình. Nhờ Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người và cùng với Đức Kitô, cuộc sống của con người được vực dậy, được thông phần vào cuộc sống vĩnh hằng của thần linh (được cứu rỗi). Có lẽ con người như một loài thọ tạo, tự thân không thể vươn tới trời cao nếu Thiên Chúa không đưa tay kéo họ; và con người cần đến một Đấng làm Trung gian, vì giữa Thiên Chúa và con người, xét về mặt hữu thể học, có một sự khác biệt quá lớn. Ngoài ra, nhờ được thông phần vào bản tính thần linh, mà con người trở nên tạo vật sáng giá và là người cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Giá trị của cuộc sống con người: gloria Dei homo vivens – Vinh quang của Thiên Chúa là con người đang sống (Thánh Irene). Sự chết không là dấu chấm hết, hay là quay trở lại từ đầu mọi thứ một lần khác, mà là cánh cửa mở ra một chân trời mới – sự sống mới trong cung lòng Thiên Chúa.

Trở lại với thực tế cuộc sống, thời gian gần đây, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ đã công bố danh mục 10 vấn đề chính liên quan đến nguồn gốc sự sống trên trái đất, vũ trụ, môi trường và đời sống con người… mà các nhà khoa học phải tìm lời giải đáp trong giai đoạn đầu thế kỷ 21. Một số vấn đề có thể đòi hỏi trả lời hàng thập niên, nhưng số khác có thể chỉ mất vài năm. Người ta cho rằng trong bất cứ trường hợp nào, nếu không tìm được lời giải đáp đúng đắn cho 10 câu hỏi đó, khoa học sẽ bị rơi vào tình cảnh giậm chân tại chỗ. Bạn có thể không cần quan tâm vì cho đó là vấn đề khoa học của thế giới và là “vấn đề đó là của người khác”, trong khi mình đang phải đầu tắt mặt tối lo chuyện “cơm áo gạo tiền” hằng ngày mệt nhoài. Tuy vậy, hình như với tất cả mọi người, có một câu hỏi lớn mà người ta rất khó trả lời trọn vẹn là: “đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người?” Nếu thực sự cuộc đời của tôi và bạn chỉ giới hạn với những câu hỏi quanh quẩn với chuyện ăn gì mặc gì, chuyện yêu đương và bản năng sinh tồn, chuyện tranh giành lớn bé, chuyện tính toán hơn thua và lợi nhuận vật chất để sống còn và thăng tiến,… thì vấn đề chẳng có gì mới. Loài vật và ngay cả tiền nhân xa xôi của chúng ta thời mông muội đã trải nghiệm rồi! Tuy nhiên chuyện không bao giờ cũ là tìm đâu ra lời giải đáp về giá trị cuộc sống, về ý nghĩa đích thực để sống như một con người.

Người ta có thể bị ràng buộc mãi mãi về những lo toan đơn giản nhất, vì mọi bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả khi thế giới này bước vào giai đoạn phát triển tột bậc. Trong khi đó, người ta không thể quên rằng giữa mọi lo toan, phải tìm cách để luôn sống “cho ra con người”, “thành người” hơn. Và con người chỉ có thể bay lên cao nếu thoát ra được khỏi những toan tính nhỏ nhoi, thấp hèn, khỏi lực hấp dẫn của vật chất, trên đôi cánh của ước mơ và sức mạnh tinh thần và trí tuệ mà Thượng đế phú ban cho họ.

Có một câu danh ngôn rằng: “Ngày bạn sinh ra, mọi người quanh bạn cười còn bạn thì khóc. Hãy sống làm sao để khi nhắm mắt xuôi tay, mọi người quanh bạn thương khóc còn bạn thì có thể mỉm cười”. Với cuộc sống như một quà tặng độc nhất và quí giá cùng khả năng “trời cho” không như bao người khác, bạn có thể tạo nên giá trị cho chính cuộc sống của mình vậy. (Lê An Phong, SDB)

Đạo hay không Đạo

Nói cho nhau nghe: “Đạo hay không đạo” và Giá trị làm người Kitô hữu


Thường ngày trong các xứ đạo, ta hay nghe chuyện người này hỏi người kia “có đạo hay không có đạo”. Ngôn ngữ xem ra bình dân này giúp ta phân biệt người tin Chúa hay người không hoặc chưa tin. Trong thực tế, nhiều người trong chúng ta đã có kinh nghiệm về sự phân biệt rạch ròi giữa “việc đạo” và “việc đời”, hoặc cả sự “phân biệt đối xử” theo nhiều hướng khác nhau giữa “người có đạo” và “người không có đạo” hoặc “kẻ ngoại đạo” và “kẻ theo đạo”. Kinh nghiệm đau thương của những người Kitô hữu trong lịch sử bao nhiêu thế kỷ nay tại các địa phương, và gần đây nhất - khi trào lưu “bài kitô giáo” ở một số nơi trên thế giới đang gia tăng một cách đáng kể - chính là điều khiến nhiều người suy nghĩ: Hiểu thế nào về đạo và Làm người “có đạo” thì được ích chi?

Tác giả Hồ Ngọc Đức trong Tự điển Tiếng Việt online mà ta có thể tìm thấy trên internet bàn đến chữ “Đạo” với các ý nghĩa như sau: là đơn vị hành chính thời xưa, tương đương với tỉnh ngày nay; là từ dùng để chỉ từng đơn vị cánh quân lớn hành động độc lập, ví dụ: một đạo quân; là từ dùng để chỉ từng đơn vị văn kiện quan trọng của vua chúa, ví dụ: các đạo sắc phong thần. Về ý nghĩa mang tính triết học, “đạo” muốn nói đến đường lối, nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội (thường theo quan niệm cũ, hoặc trong tục ngữ, ca dao): đạo làm người, đạo vợ chồng; Ăn ở cho phải đạo; Có thực mới vực được đạo. Các ý nghĩa khác nữa về “Đạo”: nói về nội dung học thuật của một học thuyết được tôn sùng ngày xưa: Tìm thầy học đạo. Mến đạo thánh hiền; nói đến một tổ chức tôn giáo: Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa.

Người Công giáo nói đến Đạo (Đi đạo, theo Đạo, trở lại Đạo… ) như một hệ thống của Đức Tin và thực hành luân lý, cung cách hành xử theo niềm tin của mình. Chuyện “có đạo hay ngoại đạo” của một cá nhân, xét về mặt xã hội và văn hóa, phần nào liên quan đến gia đình, nền giáo dục được thụ hưởng và bối cảnh xã hội (con nhà “đạo gốc”, sống trong xứ đạo toàn tòng…). Chuyện “theo đạo” hoặc “bỏ đạo”, thì lại liên quan nhiều đến lựa chọn cá nhận vì một lý do nào đó riêng tư về ý nghĩa cuộc sống, về giá trị cứu rỗi, hay thậm chí liên quan đến cả những toan tính vật chất, hoặc vì “sợ” sự phiền toái và bị ràng buộc bởi các luật lệ luân lý, (Đi đạo có gạo mà ăn, bỏ đạo sẽ được lên chức hay được “tự do” ly dị, ngừa thai, phá thai v.v.).

Có không ít trường hợp “theo đạo” vì cảm tình với người có đạo, vì lòng tốt, gương sáng của họ hoặc được sự giúp đỡ của một tổ chức tôn giáo trong trường hợp khó khăn, sau đó mới tìm hiểu sâu xa hơn về giáo lý và tìm thấy niềm tin. Cách tương tự, chúng ta có thể hiểu lý do vì sao mà người ta “ghét” đạo, hoặc “không thích”chuyện đạo, hoặc “có ác cảm” với một tôn giáo nào đó. Nguyên nhân dù rất đa dạng, nhưng xét cho cùng hay bị dừng lại ở chuyện cảm xúc, hoặc chỉ vì một kinh nghiệm nhỏ, một tương quan tiêu cực nào đó về con người, hay với tổ chức tôn giáo ở địa phương. Trong mọi sự như được nêu trên, trách nhiệm qui về cả “người lẫn ta”: của “người có đạo” mà không sống đúng Đạo hoặc thiếu chứng tá; của “kẻ ngoại đạo” mà không tìm hiểu đúng mức và thành tâm về Đạo, và chỉ biết xét đoán theo vài cá nhân tiêu cực hay chỉ vì “có ấn tượng” hoặc thành kiến.

Có nhiều hướng nghiên cứu khác nhau về Đạo – Tôn giáo mà chúng ta có thể kể tên như: Triết học tôn giáo, Xã hội học về tôn giáo, Tâm lý học về tôn giáo, Lịch sử Tôn giáo; và chuyên biệt hơn là các ngành về Thần học, về Giáo lý của riêng một tôn giáo nào đó. Điều này cho ta thấy rằng: để hiểu về một tôn giáo và có khả năng đánh giá hay trở nên thuần thục trong việc thực hành một tôn giáo đòi hỏi phải có một sự tiếp cận và hiểu biết nhất định. Chuyện về Đức Tin trong Đạo lại cần được hiểu ở một điểm khác biệt nữa: chưa hẳn biết hết các điều về Đạo là có lòng tin mạnh mẽ; và để tin, nhiều khi không cần phải đợi cho đến khi biết hết thấu đáo mọi sự, kể cả mầu nhiệm siêu nhiên trong Đạo. Thêm vào đó, vì đối tượng tối thượng của niềm tin Đạo là Thượng đế, mà Ngài lại trừu tượng và cao vời quá so với người phàm mắt thịt, nên con người cần nơi Ngài một sự hiện diện và một căn tính hữu hình để thiết lập tương quan với mình. Với con người, dù Ngài là ai, ông Trời, ông Bụt, Phật, Chúa, Thánh Thần Thiên Địa…, thì cũng phải được cá vị hóa trong tương quan với ta bằng một tên gọi, như một “ai đó”, “một Đấng” cho tôi tiếp cận. Bởi thế cũng hơi nhập nhằng kiểu nói “đạo nào cũng là đạo”, “có đạo hay không đạo cũng vậy, sống tốt là được”. Mỗi chúng ta sẽ sống và định hướng cuộc đời mình theo khuôn mẫu một “Ai đó”, một chân lý “cho tôi”, một tư tưởng chủ đạo “cho anh”, một căn tính, một cá nhân trọn vẹn chứ không phân mảnh giữa yêu và ghét, hiểu biết và tin tưởng, niềm tin và hành động, vật chất và tinh thần... Một điều nữa mà ngày nay xem ra khó chấp nhận là chỉ nói về “Chúa của tôi”, “Chúa của anh” mà lại không nói về “Chúa của chúng ta”, bởi vì Thiên Chúa không thể bị giới hạn trong phạm vi đời sống cá nhân một ai cả. Ngài là tất cả, cho tất cả và vì tất cả. Ngài là chìa khoá của đối thoại và hiệp thông giữa con người.

Trở lại với suy tư của chúng ta, những người kitô hữu, câu hỏi được gợi ra là liệu có đáng sống làm người kitô hữu không? Câu trả lời sẽ liên quan đến suy nghĩ và lựa chọn của mỗi người trong tương quan với Thiên Chúa, và cách đặc biệt, qua Chúa Giêsu – sự hiện diện hữu hình và cá vị của Thiên Chúa với con người (theo ngôn từ thần học: Ngôi Lời Nhập thể, Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta).

Trong thời đại văn minh, xem ra với nhiều người, “hơi khó” để tin Chúa và khó để sống với Chúa như sự lựa chọn sau cùng và trên hết mọi sự khác. Không có Chúa có lẽ dễ sống hơn,vì người ta “được phép làm được tất cả mọi sự” (Dostoevskij). Tin vào Chúa, nhiều khi phải sống mãi trong trò chơi đánh cược niềm tin về “cuộc sống vĩnh hằng” mà phần thưởng và việc thắng bại khó ai lường. Tuy thế, việc cá cược này lại thú vị, như suy nghĩ của Pascal: Có thể đời này anh hưởng thụ một chút thú vui vật chất còn tôi thì hơi “dại” vì chỉ nghĩ đến đời sau mà hy sinh và gò bó trong đạo đức. Mà rốt cuộc, nếu chẳng có sự sống và phần thưởng đời sau thì anh và tôi giống nhau: chẳng ai được gì. Nếu bất ngờ có Thiên đàng và phần thưởng đời sau, thì tôi sẽ được mọi sự, còn anh sẽ mất tất cả. Vậy cũng đáng để đánh cược bây giờ.

Tuy nhiên, chọn sống làm người kitô hữu không phải để chơi trò đánh cá này, vì chúng ta biết rõ đâu là sự nhọc nhằn của kiếp nhân sinh và ai là người có thể cho ta lời giải đáp cùng giúp ta tìm con đường sống. Nhà Thần học René Latourelle nói về con người trong thế giới hôm nay rằng họ bỏ quên Thiên Chúa, dửng dưng, hưởng lạc, duy vật chất, duy kỷ thuật; con người của chủ nghĩa tiêu thụ, của tôn giáo chỉ tôn thờ vẻ đẹp thân xác và sự thành công hay danh vọng; con người “thiểu năng” (handicaps) về niềm tin và cảm thông…). Con người cần được “giải mã” nhờ Đức Kitô. Ông viết những dòng này: “Tự trong sâu thẳm của lòng mình, con người ngày nay tìm kiếm như điên như dại những gì có thể cho họ ý nghĩa trọn vẹn về cuộc sống, công việc, sự đau khổ, sự cô đơn, sự chết. Tiếng máy gầm vang không đủ sức để bóp nghẹt các vấn nạn cứ chờ lúc bùng dậy và nổi lên liên tục trong lòng người: Chúng ta đang đi đâu? Chúng ta là ai? Tại sao chúng ta lại hiện hữu trên cõi đời? Ngay cả khi núp dưới cái mặt nạ của sự an toàn, con người vẫn không thể chạy trốn các câu hỏi này, bới vì chúng quá sâu xa và đã trở nên máu thịt của họ rồi”.

Một ai đó có thể thốt lên: Đạo là một vấn nạn cho bản thân tôi, vì sao tôi phải tin và sống như một kẻ hơi lạ lùng trong mắt mọi người. Hãy bình tâm! Nhiều người không như bạn vẫn còn trong hành trình vất vả tìm kiếm niềm tin và vẫn chưa gặp. Nếu Đạo có thể là một câu trả lời cho nhiều vấn đề khác của bạn, vì bạn tin rằng “chỉ trong Thiên Chúa và cùng với Ngài tôi tìm thấy sự bình an và ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc đời mình”, thì hãy tạ ơn Chúa, vì đó là Hồng ân mà Thiên Chúa muốn dành cho con người, và bạn là người may mắn!
(Lê An Phong, SDB)