16 January, 2011

Chia sẻ về ơn gọi

Lòng thương mến kiến tạo hy vọng cho bạn trẻ



Từ một câu chuyện Kinh thánh (1Sam 3,1-10)

1 Cậu bé Sa-mu-en phụng sự Ðức Chúa, có ông Ê-li trông nom. Thời ấy, lời Ðức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra. 2 Một ngày kia, ông Ê-li đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa. 3 Ðèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Ðức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. 4 Ðức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” 5 Rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: "Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. 6 Ðức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.” 7 Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Ðức Chúa, và lời Ðức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. 8 Ðức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Bấy giờ ông Ê-li hiểu là Ðức Chúa gọi cậu bé. 9 Ông Ê-li nói với Sa-mu-en: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Ðức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình.
10 Ðức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Sa-mu-en! Sa-mu-en!” Sa-mu-en thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”



…đến một phút chiêm niệm…

Samuel, theo ngôn ngữ Do thái, có thể được phân tích: Semu’el, có nghĩa là: “tên của Thiên Chúa” hay “tên của Ngài là El”. Bản văn ở 1Sam, 1-20 gợi nhắc cho chúng ta điểm này, khi Bà Anna mẹ của Samuel cầu xin Thiên cho một đứa con. Đây cũng là một cách liên tưởng từ động từ “sa’al”: yêu cầu, cầu xin, đến tên Sa’ul: được yêu cầu, đã cầu xin được.

Samuel được giới thiệu trong Cựu ước như hình tượng kết hợp giữa tư tế, tiên tri và thẩm phán trong một điểm giao thời của lịch sử dân Israel. Samuel được gọi để đảm đương trách vụ tiên tri cho dân Chúa trong một hoàn cảnh đặc biệt: “Thời ấy, lời Ðức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra. Một ngày kia, ông Ê-li đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa”.(c.1-2) Đây là hoàn cảnh lịch sử đáng buồn xét về mặt niềm tin của dân Do Israel. Thiên Chúa thì dường như “im lặng”. Ông Êli, người được kêu gọi để làm tư tế của dân Thiên Chúa không còn đủ sức để chống chọi với sự thoái hóa đạo đức trong gia đình mình và bị chúc dữ ( x. 1Sam 2, 12-17), cũng không thể làm được gì để giữ cho hậu duệ của mình trung thành với Giao ước (1Sam 2, 22-30). Trong khi đó, Anna, một phụ nữ hiếm muộn nhưng sống công chính và trung thành với Giao ước thì lại được nhận hồng ân sự sống. Cậu bé Samuel được sinh ra và lớn lên trong ân sủng, phục vụ trong đền thánh Chúa bên cạnh thầy Êli. Cậu trở nên dấu hiệu của hy vọng trong một lịch sử sầu buồn.

Chuyện Đức Chúa gọi Samuel xảy ra khi “đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Ðức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa”.(c.3). Có một sự nối kết hy vọng ở đây, giữa lịc sử đáng buồn, lúc mà “lời Ðức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra” và ngọn đèn trong nhà Chúa vẫn còn cháy sáng. Trong đêm tối của lịch sử u buồn không lối thoát, của sự xuống cấp đạo đức, của nỗi buồn chờ đợi được giải thoát, của sự hiếm muộn hy vọng, vẫn còn đó ánh sáng nơi nhà của Thiên Chúa, vẫn còn đó những con người trung thành phục vụ Ngài, lấy Lời Ngài làm ánh sáng soi đường “ Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước” (Tv 119, 105).

Trong giấc ngủ (bóng tối) chập chờn và ngọn đèn chưa tắt (ánh sáng) của nhà Chúa, Samuel nhận ra tiếng gọi của Ngài. Từ câu 4-8, chúng ta có thể hình dung ra câu chuyện, cách hành xử của Samuel và Êli. Dù đã nghe ba lần, Samuel vẫn không nhận ra tiếng Chúa. Cậu bị lẫn lộn giữa muôn thứ tiếng gọi quen thuộc khác vì tuổi đời non trẻ. Thiên Chúa cũng thật “vất vả” để kéo một cậu bé ra khỏi cơn ngái ngủ giữa đêm tối và hầu như chưa có một kinh nghiệm gì sâu sắc về Ngài. Chính Êli trong hoàn cảnh ấy, mặc dầu bị hạn chế về thể lý, nhưng kinh nghiệm thiêng liêng và lòng thương mến của ông trở thành điểm tựa cho Samuel. Ông trở thành “người trung gian” trợ giúp Samuel cầu nguyện, phân định và nhận ra tiếng Chúa gọi giữa bao âm thanh quen thuộc khác (c.8-9). Cả già lẫn trẻ biết lắng nghe tiếng Chúa gọi và giúp nhau phân định ơn gọi, để rồi tất cả có thể đáp lại rằng: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (c.10).



…và một chút suy tư
Đoạn lời Chúa trong sách Samuel giúp chúng ta cảm nghiệm một lần nữa về ơn gọi. Nhìn lại hành trình ơn gọi của chính mình, ai cũng có thể nhớ lại giây phút quan trọng khi quyết định dấn thân theo Chúa bằng lời thưa “này con đây”. Cảm nghiệm “có ai đó đã gọi tôi” khó diễn tả nhưng rất thật và dễ nhớ, bất đầu với câu tự hỏi “Chúa muốn tôi điều gì” đến quyết định “tôi sẽ lên đường, ra đi và từ bỏ mọi sự để theo Ngài”. Tuy vậy thật không dễ dàng phân định tiếng Chúa gọi ngay từ đầu...

Tôi đã từng băn khoăn về ơn gọi của mình như Samuel. Tôi đã được gặp những người có kinh nghiệm thiêng liêng như Êli hướng dẫn. Giờ đây, đến lượt mình, tôi có thể làm gì như Êli nếu quanh tôi có các bạn trẻ như Samuel đang trăn trở cho ơn gọi của mình?

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy mọi thứ âm thanh. Cuộc sống náo nhiệt không chỉ làm cho người lớn quay cuồng và mệt mỏi mà còn khiến cho họ mất cả định hướng tương lai và lạc lối giữa bao sóng gió. Còn người trẻ thì sao? Chắc chắn họ cũng không thoát khỏi sự khốn khổ này, và băn khoăn đi tìm con đường sống…

Với sự cảm nhận tinh tế và bén nhạy của người salêdiêng, tôi có thể hiểu rằng: giữa muôn vạn âm thanh ồn ào của thế giới, các bạn trẻ rất khó để nghe được tiếng Chúa. Nhưng Thiên Chúa có cách nói của Ngài. Bằng chứng là tôi đã gặp nhiều bạn trẻ muốn chọn con đường theo Chúa và phục vụ đồng loại. Như Êli, tôi có thể lắng nghe và hiểu Lời Ngài qua các biến cố cuộc sống không? Đâu là cách thức và ngôn từ để tôi “giải thích” cho các bạn trẻ về ƠN GỌI của họ theo tiếng Chúa mời gọi?

Ngay cả giữa đêm tối u buồn của lịch sử nhân loại, Thiên Chúa không bao giờ im lặng. Ngài vẫn nói với chúng ta qua nhiều cách như đã nói với Samuel và Êli. Hy vọng vẫn lóe sáng cho những ai sống với Chúa và biết lắng nghe lời Ngài nói trong mọi tình huống…

Với những thao thức cho sứ mệnh của người salêdiêng tôi biết là mình đang phải đối mặt hằng ngày với nhiều khó khăn của bản thân, của cộng thể, của Tu hội và của sứ mệnh tông đồ cho thanh thiếu niên mà mình đang đảm trách. Với tôi, đâu là niềm hy vọng mà tôi đang mang trong mình, đang sống và muốn truyền cho người khác, nhất là cho các bạn trẻ đang gặp khó khăn và đang sống quanh tôi?



Nét tinh thần của Don Bosco theo HL 17:

"Người Salêdiêng không nản lòng trước những khó khăn, bởi hoàn toàn tín thác nơi Chúa Cha, như lời Don Bosco dạy: “Đừng để chuyện gì làm con nao núng” .

Cảm hứng từ học thuyết nhân bản của thánh Phanxicô Salê, họ tin vào những năng lực tự nhiên và siêu nhiên nơi con người, tuy vẫn nhìn nhận sự yếu đuối của bản tính nhân loại.

Họ tiếp nhận những giá trị trần thế và không than van về thời cuộc; giữ lại tất cả những gì là tốt lành, đặc biệt những điều thanh thiếu niên ưa thích".

(Lê An Phong,SDB, Dịp Thánh quan Don Bosco thăm Việt Nam 16-01-2011)

No comments:

Post a Comment