Chúng ta đã từng nghe những bài thơ, lời ca, câu nói…, đại khái diễn tả rằng: “kiếp sau xin chớ làm người” vì lý do này lý do kia, hoặc “xin được làm mây, làm gió, làm cánh chim, làm cây thông đứng giữa trời, làm rông rêu lênh đênh trên biển”… Phải chăng “làm người” khó quá, kiếp người vất vả và tủi nhục quá? Làm người có gì vui? Liệu có đáng “làm người”, hay nói cách khác, “sống như một con người” có giá trị không?
Dưới khóe nhìn sinh học, mỗi “con người” là một cá thể thuộc loài sinh vật phát triển nhất của trái đất, là loài linh trưởng, có vú, có dáng đi thẳng, tay và chân hoạt động phân biệt và khéo léo, não bộ và hệ thần kinh phát triển, nhờ đó mà có khả năng tri thức và trừu tượng hóa, có ngôn ngữ thông tin theo hệ thống biểu tượng và đời sống cảm xúc phức hợp, trổi vượt và phân biệt hẳn với loài cây cỏ và các động vật khác. Theo quan điểm tiến hóa thì việc trở thành người là một bước nhảy vọt xét về chất và lượng sau một quá trình dài của chọn lựa và đấu tranh sinh tồn. Tuy nhiên, một cách nào đó dù đứng ở vị trí cao trong bậc thang tiến hóa, xét về mặt bản năng thì con người kém xa loài vật nhiều mặt, như khả năng định hướng và thích nghi với môi trường, về chức năng hoạt động của một số giác quan và cơ phận. Con người cần thời gian lâu hơn để khôn lớn và tự lập, cần được nuôi dưỡng, bảo vệ chăm sóc nhiều hơn để sinh trưởng và phát triển về thể lý và cả tâm lý. Không trách gì nếu có người mơ bay như chim, bơi như cá, sống lâu như rùa, nhìn xuyên đêm như mèo rừng và thính hơi như…chó vậy. Có người nói đùa rằng danh từ con người gồm hai phần con và người, nên khả năng cũng bị chia đôi: nếu phần người vượt trội thì phần con kém đi và ngược lại… có lẽ cũng đúng vậy!
Trong tiếng Latin, danh từ chỉ “con người” là homo, có liên quan đến một từ khác humus – bùn đất, ám chỉ rằng con người thuộc về đất, chổ thấp, ngược với trời cao và chốn thần linh. Nghành khảo cổ và nhân chủng học đặt tên cho giống người đứng thẳng trên đôi chân cách đây khoảng 200.000 năm là homo erectus, sau đó đến loại homo sapiens – người khôn ngoan, cách đây khoảng 130.000 năm. Cho đến hôm nay, khi chúng ta là những con người hiện đại, con người của lý luận và thực tiễn song hành, của tính toán lợi nhuận và phát triển - homo oeconomicus, thì lịch sử đã đi qua nhiều thế kỷ. Tính thời gian, so với chiều dài một đời người, thì đây là lịch sử của bao thế hệ; nhưng so với thời gian của vạn vật từ thuở khai nguyên, thì chỉ là một khoảnh khắc, cũng như gió thổi mây bay mà thôi. Mà nếu bạn được làm một chút gió hoặc chút mây trong vũ trụ trăm triệu năm qua, thì bằng mấy đời người rồi còn gì mà không ao ước!
Xét về mặt xã hội, làm người là “sống cùng” và “sống với” người khác. Nói theo triết học của Aristotle, con người tự bản chất mang tính xã hội (con vật có tính xã hội). Theo ông, ai sống ngoài các quan hệ xã hội thì hoặc là loài cầm thú hoặc là bậc thần linh siêu phàm. Tuy vậy, tính xã hội nơi con người hơn hẳn loài ong hay tính bầy đàn của loài cầm thú. Con người có ngôn ngữ để truyền thông và có khả năng phân biệt tốt- xấu, công bằng- bất công cùng các sự khác. Tương quan này tạo ra gia đình và xã hội (x. Politica, 1252a).
Có nhiều quan điểm về triết học hay xã hội học khác nữa bàn về tương quan xã hội mà chúng ta không muốn dài dòng bàn luận nơi đây, nhưng thiết nghĩ cũng nên gợi nhớ một điểm thực tế rằng trong tất cả các tương quan xã hội, từ các mối tương quan gần gũi và máu thịt trong gia đình đến các tương quan xa khác trong cộng động hay trong xã hội, chúng ta thường hay gặp rắc rối vì nhiều lý do khác nhau, mà chung quy vì mỗi một con người là một tiểu vũ trụ, độc nhất và khác biệt. Giữa hàng tỷ sự khác biệt độc đáo ấy trên trần gian, việc tìm ra một điểm tương hợp cho tất cả là điều rất khó. Còn tệ hơn, nhiều khi vì sự khác biệt màu da, văn hóa, chính kiến, con người nhiều khi đối xử với nhau như loài cầm thú, và người ta đã dùng chữ homo homini lupus - con người là lang sói của nhau - để phần nào diễn tả điều này. Nếu thực sự cuộc sống chỉ là cuộc tranh giành theo kiểu ấy để tồn tại và thăng tiến, thì tốt hơn là mơ làm cây thông đứng giữa trời mà reo vui với gió, làm tảng đá trơ mặt ra với nắng mưa để khỏi còn biết đau nổi đau nhân tình thế thái, và để khỏi buồn rầu vì lòng người đổi thay, hay khỏi tiếc thương cho thân phận hẩm hiu và tài năng của mình vì bị người khác quên lãng.
Một câu hỏi nữa có thể gợi cho ta suy nghĩ: “làm người thế nào?”. Đúng là “làm người” khổ thật, vì ta chẳng bao giờ thấy bằng lòng với những gì mình là (being) và với những gì mình có (having).“Làm người” đòi hỏi một điều gì đó xem ra “cao cả” và “vượt trội” hơn so với những gì “thấp hèn” hay “bình thường” mà chúng ta biết được. Mà sự cao sang hay thấp hèn tùy thuộc nhiều vào khả năng đánh giá của từng cá nhân. Tuy nhiên từ trong thâm sâu, chúng ta luôn biết giá trị của chính mình. Ta chẳng phải đơn giản là sỏi đá, cây cỏ hay loài giun dế và thú vật, nên khi cảm thấy bị xem thường hay bị chà đạp và bị xúc phạm, liền sẵn sàng vung nắm đấm để đòi được tôn trọng, đòi quyền lợi, đòi hạnh phúc, đòi tự do và công bằng, hay nói tóm lại, đòi quyền sống và quyền làm người đó sao?
Nhiều người vẫn suy nghĩ rằng các quan điểm tôn giáo hầu hết “gãi đúng chổ ngứa” của nhân loại non yếu về trí tuệ, là muốn lý giải nguồn gốc và giá trị của cuộc sống con người trong tương quan với thần linh giữa cuộc sống thực tại bế tắc cần giải quyết. Chuyện bế tắc nhất của con người là sự chết đã hiện diện cùng với con người bao lâu nay, mà nào ai giải quyết được.
Chúng ta không muốn lạm bàn ở đây về quan điểm tôn giáo, nhưng từ những người Phật tử, chúng ta có thể học được một kinh nghiệm. Họ quan niệm rằng dục vọng là căn nguyên mọi đau khổ. Với con người, thông thường, các giá trị vật chất hiện hữu trước mắt có sức cuốn hút con người mạnh hơn các giá trị tinh thần phi vật chất; cũng vì thế, người ta dễ chạy theo dục vọng cùng những gì là tham - sân – si. Mà giá trị của đời người theo dục vọng sẽ không mang tính vĩnh hằng, vì chỉ hiện hữu trong cuộc đời sắc sắc không không. Tiếp tục theo dục vọng không cùng là vòng nghiệp chướng của cuộc đời như là bể khổ triền miên. Chỉ có sự giác ngộ - sự hiểu ra đâu là sắc-không - mới mang lại giá trị hạnh phúc vĩnh hằng cho đời sống con người, nếu không muốn nói là sự giải thoát khỏi mọi tục lụy và tự cứu lấy chính mình.
Kitô giáo nhìn cuộc sống con người với lăng kính khác. Con người được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa (linh hồn, tinh thần hướng thiện, ý chí tự do), nhưng con người đã sa ngã và rời xa Thiên Chúa vì kiêu kiêu căng và vì dục vọng nơi thân xác của mình. Nhờ Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người và cùng với Đức Kitô, cuộc sống của con người được vực dậy, được thông phần vào cuộc sống vĩnh hằng của thần linh (được cứu rỗi). Có lẽ con người như một loài thọ tạo, tự thân không thể vươn tới trời cao nếu Thiên Chúa không đưa tay kéo họ; và con người cần đến một Đấng làm Trung gian, vì giữa Thiên Chúa và con người, xét về mặt hữu thể học, có một sự khác biệt quá lớn. Ngoài ra, nhờ được thông phần vào bản tính thần linh, mà con người trở nên tạo vật sáng giá và là người cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Giá trị của cuộc sống con người: gloria Dei homo vivens – Vinh quang của Thiên Chúa là con người đang sống (Thánh Irene). Sự chết không là dấu chấm hết, hay là quay trở lại từ đầu mọi thứ một lần khác, mà là cánh cửa mở ra một chân trời mới – sự sống mới trong cung lòng Thiên Chúa.
Trở lại với thực tế cuộc sống, thời gian gần đây, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ đã công bố danh mục 10 vấn đề chính liên quan đến nguồn gốc sự sống trên trái đất, vũ trụ, môi trường và đời sống con người… mà các nhà khoa học phải tìm lời giải đáp trong giai đoạn đầu thế kỷ 21. Một số vấn đề có thể đòi hỏi trả lời hàng thập niên, nhưng số khác có thể chỉ mất vài năm. Người ta cho rằng trong bất cứ trường hợp nào, nếu không tìm được lời giải đáp đúng đắn cho 10 câu hỏi đó, khoa học sẽ bị rơi vào tình cảnh giậm chân tại chỗ. Bạn có thể không cần quan tâm vì cho đó là vấn đề khoa học của thế giới và là “vấn đề đó là của người khác”, trong khi mình đang phải đầu tắt mặt tối lo chuyện “cơm áo gạo tiền” hằng ngày mệt nhoài. Tuy vậy, hình như với tất cả mọi người, có một câu hỏi lớn mà người ta rất khó trả lời trọn vẹn là: “đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người?” Nếu thực sự cuộc đời của tôi và bạn chỉ giới hạn với những câu hỏi quanh quẩn với chuyện ăn gì mặc gì, chuyện yêu đương và bản năng sinh tồn, chuyện tranh giành lớn bé, chuyện tính toán hơn thua và lợi nhuận vật chất để sống còn và thăng tiến,… thì vấn đề chẳng có gì mới. Loài vật và ngay cả tiền nhân xa xôi của chúng ta thời mông muội đã trải nghiệm rồi! Tuy nhiên chuyện không bao giờ cũ là tìm đâu ra lời giải đáp về giá trị cuộc sống, về ý nghĩa đích thực để sống như một con người.
Người ta có thể bị ràng buộc mãi mãi về những lo toan đơn giản nhất, vì mọi bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả khi thế giới này bước vào giai đoạn phát triển tột bậc. Trong khi đó, người ta không thể quên rằng giữa mọi lo toan, phải tìm cách để luôn sống “cho ra con người”, “thành người” hơn. Và con người chỉ có thể bay lên cao nếu thoát ra được khỏi những toan tính nhỏ nhoi, thấp hèn, khỏi lực hấp dẫn của vật chất, trên đôi cánh của ước mơ và sức mạnh tinh thần và trí tuệ mà Thượng đế phú ban cho họ.
Có một câu danh ngôn rằng: “Ngày bạn sinh ra, mọi người quanh bạn cười còn bạn thì khóc. Hãy sống làm sao để khi nhắm mắt xuôi tay, mọi người quanh bạn thương khóc còn bạn thì có thể mỉm cười”. Với cuộc sống như một quà tặng độc nhất và quí giá cùng khả năng “trời cho” không như bao người khác, bạn có thể tạo nên giá trị cho chính cuộc sống của mình vậy. (Lê An Phong, SDB)
No comments:
Post a Comment