Lại một chuyện buồn xảy ra, khi ở Giáo xứ nơi tôi đi giúp mục vụ những ngày Chúa Nhật, có một bạn trẻ nam 15 tuổi tự tử.
Mọi người quanh tôi nghe tin, trầm ngâm, buồn rười rượi...Không ít tiếng thở dại cùng với dòng suy nghĩ miên man và câu hỏi "Vì sao em lại ra đi"...
Chắc là chẳng ai tìm cho ra câu trả lời thỏa đáng "vì sao em ra đi"...
Những người thân cận và bạn bè (với con số rất ít, đếm trên đầu ngón tay) chỉ nhớ lại rằng thời gian gần đây, bạn mình hơi có vẻ trầm ngâm và khép kín. Người ta vẫn cứ nghĩ là đây chỉ là những biểu hiện cảm xúc đang thay đổi bên trong một cậu thiếu niên đang tuổi lớn. Và bình thường như bao nhiêu thiếu niên khác, chuyện buồn vui thoáng qua của tuổi mới lớn có lẽ cũng "bình thường" thôi. Tiếc là chuyện đã xảy ra, và mọi sự kết thúc thật đau lòng.
Những dòng tâm tư sau cùng mà cậu để lại trong lá thư tuyệt mệnh phần nào giúp mọi người xung quanh hiểu thêm một chút. Cậu bắt đầu yêu và có một vài lúc xao nhãng chuyện học hành. Có lẽ việc này cũng như bao nhiêu cô cậu tuổi "teen" trên đời. Chỉ khác là trong trường hợp này, cậu bị cô bạn gái từ chối hay tỏ thái độ lạnh nhạt cách nào đó. Và rồi, tất cả như sụp đổ. Tất cả đóng kín. Tất cả kết thúc trong tuyệt vọng. Cậu viết cho bố mẹ một lời xin lỗi vì quyết định của mình làm cho họ đau khổ. Nhưng cậu không muốn tiếp tục cuộc sống nơi thế giới mà người ta không hiểu cậu, nơi người ta không đón nhận tâm tình của cậu. Cậu hy vọng sau cái chết sẽ tìm thấy một "nơi nào đó"dễ sống hơn.
Nỗi đau sẽ còn đó cho người ở lại, cho cha mẹ, cho bạn bè và những người thân quen. Và ai cũng nghĩ: Giá như có ai đó hiểu được cậu, gần gũi và chia sẻ một chút kinh nghiệm về cảm xúc đầu đời, nâng đỡ và khuyến khích cậu sau những lần vấp váp đầu tiên, thì có lẽ tình hình sẽ khác đi. Giá như...và...giá như...Một ngàn cái "giá như..." rồi chẳng còn giải quyết được gì nữa vì đã muộn!
Khi một người bạn trẻ không muốn sống nữa, họ có lý do để từ chối cuộc sống. Mà nhiều khi lý do "để chết" chỉ bắt đầu từ những điều cỏn con. Kinh nghiệm cuộc sống cho ta thấy rằng khi con người được bảo bọc che chở quá mức, khả năng chịu đựng và thích nghi của họ giảm đi. Có nhiều bạn trẻ từ khi sinh ra đến tuổi trưởng thành chưa nếm qua một chút khốn khó nào. Nhiều bậc cha mẹ đã làm mọi cách để cho con họ "vừa lòng" với những đòi hỏi cho "bằng chúng bàng bạn" và quên đi rằng con người ta cần được rèn qua một chút gian lao mới mong lớn lên được. Đây cũng là một khía cạnh cần lưu tâm trong lối giáo dục của thời tiêu thụ. Nhiều bạn trẻ "cần là được, ước là có" và xem việc đó như là "điều tự nhiên" mà người khác phải dành cho mình. Bởi vậy, chỉ cần gặp một trục trặc nhỏ nào, họ cũng dễ dàng cảm thấy trời đất sụp đổ, cuộc đời vô nghĩa. Mà có đúng hoàn toàn như vậy không chỉ vì thiếu một chút gì đó ta yêu thích mà đời đáng chán?
Tôi lại muốn chuyển câu hỏi "vì sao em ra đi" sang hướng khác: "Làm sao để em không ra đi". Tôi lại lục lọi trong ký ức của mình.. Hình như đã có một khoảng thời gian nào đó, cách đây mấy chục năm về trước, mình đã từng có cảm giác rằng hình như ai cũng "ghét" mình, ai cũng bắt mình làm điều này điều nọ mà mình chẳng thích; rồi thì điều này cấm không được làm, điều nọ phải xin phép...Tuổi mới lớn thật dễ "nổi loạn"vì những cảm xúc này. May thay, có anh, chị, em, bạn bè bên cạnh, người này người nọ đã giúp mình hiểu ra rằng: cuộc sống còn có nhiều vẻ đẹp khác nữa và còn đó một tương lai để bước tới. Nếu thực sự chỉ có một mình lúc đó, khi mọi người xung quanh bận rộn với công việc của họ, khi chẳng có một ai quan tâm và lắng nghe, thì cuộc đời này thực sự "khó sống".
Tôi lại phải suy nghĩ "làm sao để em không phải ra đi..." và viết những dòng tản mạn này.
(Lê An Phong, SDB - Torino 7-6-12)
No comments:
Post a Comment