10 June, 2012

Từ những lời cám ơn...




Như mọi năm,  những ngày cuối học kì và vào hè là lúc anh em đây kia chịu chức Phó tế hay được thụ phong Linh mục hoặc khấn dòng. Nghi lễ nối tiếp nghi lễ với những cử hành dài và trang trọng. Tiếp theo đó là những Thánh lễ Tạ ơn thánh thiện và cảm động; những bữa tiệc thân thiện và hào hứng; những lời chúc mừng và cám ơn trong hạnh phúc và vui tươi. Tất cả hòa quyện trong bầu không khí của lễ hội và niềm vui.
Như tất cả mọi nghi lễ, phần cuối bao giờ cũng kết thúc bằng lời cám ơn. Lời cám ơn có đủ mọi hình thức, ngắn hay dài, trang trọng hay đơn sơ, giọng Bắc, Trung, Nam hay kèm cả tiếng Tây tiếng Mỹ…Lời cám ơn có cả những nụ cười và những giọt nước mắt lăn dài trên má. Những tân chức hướng về cha mẹ, giọng nói như bị ghìm lại bởi xúc cảm trào dâng từ tấm lòng biết ơn công đức sinh thành, dưỡng dục. Các bậc cha mẹ thì nghẹn ngào, xúc động và thầm dâng niềm cảm mến Thiên Chúa vì đã “ban cho hoa trái lòng mình trở nên tốt lành” và được chúc phúc giữa muôn người. Người ta khóc vì niềm vui tràn ngập cõi lòng.

Như một điều tự nhiên, các bậc cha mẹ  luôn mơ ước con cái mình có một ngày thành đạt; các bạn trẻ mơ ước có một ngày mình có thể nói với cha mẹ “lời cám ơn từ đáy lòng”. Sau một cuộc hành trình dài của việc học hành, phấn đấu, tới lúc họ biết là mình đã qua những ngày gian khổ và đã sống những khoảnh khắc cuộc đời có ý nghĩa. Niềm hạnh phúc lúc đó không chỉ cho riêng họ mà còn cho nhiều người khác. Niềm vui lúc đó không chỉ của riêng mình ta nhưng được nhân lên nhiều lần trong tâm hồn mọi người. Hãy xem những ánh mắt hân hoan và rạng vẻ hài lòng của các bậc cha mẹ trong khi tham dự các nghi lễ tốt nghiệp của con em mình; nhìn những cái bắt tay chúc mừng và nghe những lời khích lệ của bạn bè gần xa … ta sẽ cảm thấy giá trị của những nổ lực, qua việc hy sinh, sức vươn lên của bản thân trong hành trình gian khổ đi tìm “các giá trị làm người” ra sao!

Đôi điều tâm sự
Như một thực tế không bình thường và không như mong ước, tôi cũng đã nhiều lần đọc được “thông điệp buồn” qua những giọt nước mắt của các bậc cha mẹ có những đứa con hư. Họ buồn vì “kết quả” của máu thịt mình trở nên hư hỏng. Họ buồn vì công sức bỏ ra không đem lại kết quả như lòng mong muốn và chỉ biết ngậm ngùi: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính. Biết làm sao được!”. Họ tủi thân và cảm thấy hổ thẹn trước mặt mọi người vì mang tiếng “Nuôi con chẳng dạy chẳng răn…”. Họ đau xót vì cảm nghiệm rằng chữ “trách nhiệm” mà mình được Ông Trời trao phó chưa được làm tròn đúng nghĩa. Thực tế cũng đáng buồn thật khi hằng ngày báo chí thường xuyên nói đến một vài hình ảnh ông bố bà mẹ vô trách nhiệm và tàn nhẫn với con cái. Nhưng có phải tất cả đều như vậy? “Tại ông, tại bà hay tại chúng ta”? Nguyên nhân sâu xa có thể là một chuỗi những mắt xích về giáo dục gia đình, về những băng hoại đạo đức xã hội, về việc coi thường các giá trị thiêng liêng của con người. Một điều mà chúng ta phải nói với nhau thực lòng là chẳng bậc cha mẹ nào muốn con mình hư đốn hay trả ơn cho mình bằng những điều khốn nạn và độc ác. Nhiều bậc phụ huynh, trước những cảnh “con dại cái mang” đã tự vấn lòng mình và than rằng đó là “quả báo”; họ còn bị đánh giá là “gieo gió thì gặt bão”, “cây nào quả ấy, rau nào sâu ấy”. Tới đây, tôi lại chợt nghĩ đến hai chữ “trách nhiệm” và “biết ơn”.  

Nếu người ta thực sự sống có trách nhiệm với nhau, thì có lẽ việc chuẩn bị cho một “tương lai xa” luôn bắt đầu từ những “ngày thật gần”, từ những tiếng đầu đời, từ những lời ru trên vành nôi, từ những miếng cơm manh áo hằng ngày và lời răn dạy đơn sơ nhất về tình người và về đạo đức,  sau đó mới nói tới đến những bài thuyết trình trên giảng đường hay những phát minh mang tầm thời đại. Sống có trách nhiệm với nhau bắt đầu từ nơi “gia đình nhỏ” đến “xã hội to”…
Thêm một điều nữa, người ta sẽ sống lòng biết ơn khi cảm nghiệm rằng: điều mà mình được hưởng là nhờ công sức của nhiều người hay những ai có trách nhiệm. Điều mà mình có được hôm nay nằm ngoài “khả năng”, là điều “làm sao dám mơ”, là điều vượt xa tầm tay với nhưng đã trở thành hiện thực nhờ sự trợ giúp của một Ai đó. Ta sẽ có lòng “biết ơn” khi nhận ra rằng cuộc sống là một món quà quý giá và tất cả những gì đơn sơ nhất luôn mang trong mình các giá trị, dù là một tấc đất, một giọt sương, một ngọn cỏ hay cành hoa, một tia nắng hay ánh trăng, một chút không khí trong lành hay một làn gió mát trong ngày nóng bức, một ngày trôi qua với những giây phút mạnh mẽ, yên bình hay cùng một chút lo lắng, một ai đó đang sống bên cạnh ta… Và như thế, nếu ta biết rằng “tất cả đều là hồng ân”, thì lời tạ ơn sẽ trở nên nhịp đập của tâm hồn và sẽ là lời vang lên mãi trên môi miệng. Lúc đó, lòng biết ơn sẽ giúp con người biết trân trọng và biết sống “hết mình” với những gì mình có , từ những gì nhỏ bé đơn sơ nhất như hạt gạo, ngọn rau đến những điều cao quý, vinh dự, hạnh phúc, may mắn, thành công trong cuộc đời.

Giữa cảnh sống chụp giật và vội vàng, không thiếu những con người biết sống và trao ban cuộc đời mình cho người khác với trách nhiệm; cũng như có không ít những con người biết sống với lòng biết ơn và biết trân trọng những gì mình được lãnh nhận. Lòng biết ơn và lối sống có trách nhiệm quý giá như những hạt ngọc mà người ta vẫn có thể tìm thấy nơi tâm hồn tốt lành, trong cuộc đời còn nhiều toan tính. Có lẽ như thế lời cám ơn sẽ còn tiếp tục ngân vang. Có lẽ sẽ luôn còn đó lời cám ơn chân thành và cảm động, vì thế giới này không chỉ rặt những kẻ vô ơn hay vô trách nhiệm. Hy vọng vậy!
( Lê An Phong, SDB )

No comments:

Post a Comment