25 August, 2012

CẢM XÚC TỪ LỜI KINH CỦA THÁNH TOMA D’AQUINO.

Trên con đường theo Chúa, bạn bè con người bỏ người theo.
Giữa những thăng trầm và sóng gió cuộc đời, chọn lựa với Ngài kẻ ra đi người ở lại.
Đường dài, con bước… Thành công, thất bại…
Ngước mắt lên trời, lòng khấn nguyện lời kinh hôm mai, như một ai đó đã từng cầu khấn Ngài...

 
 
 
Lạy Chúa!
 
Xin đừng quên con,
khi con không nhớ Ngài.
Xin đừng bỏ rơi con,
khi con lìa bỏ Ngài.
Xin đừng xa rời con,
khi con lãng tránh Ngài.

 Xin hãy gọi tên con,
nếu con toan chạy trốn.
Xin hãy kéo con về,
nếu con đang cầm cự.
Xin hãy nâng con dậy
Nếu con sắp ngã nhoài
Giữa chán chường, u mê.

 Lạy Chúa!
 
Xin hãy ban cho con
Trái tim biết tỉnh thức,
để không toan tính nào
khiến đời con xa Chúa.

Xin hãy ban cho con
Một cõi lòng chính trực,
để không cám dỗ nào
khiến con đi lạc loài.

Xin hãy ban cho con
Một tâm tình kiên vững,
để con ngẩng đầu lên
trong những phút bão bùng.
 
Xin hãy ban cho con
Một tâm hồn tự do,
để không đam mê nào
biến con thành tội nô.

Xin hãy ban cho con
Sự khôn ngoan, suy biết,
để con đi tìm Ngài
giữa muôn hướng trần ai.

Xin hãy ban cho con
Ý chí và nghị lực,
để con đi tìm Ngài
trên vạn nẽo chông gai.

Xin hãy ban cho con
lòng tin yêu, hy vọng,
để mỗi ngày con sống
Thánh ý Ngài – Đời con. Amen

( Lê An Phong, SDB – Lễ Thánh Bartolomeo)

 

09 August, 2012

"Tôi đi tìm Chúa Kitô và Ngài là Chân lý của đời tôi" (Edith Stein)


Ngày 09 tháng Tám 2012, Giáo Hội mừng lễ Thánh nữ Teresa Benedicta Thánh giá, Nữ tu, Tử đạo, Thánh Bổn mạng của Châu Âu. Có lẽ cũng là cơ hội để ta cảm nghiệm sức mạnh biến đổi từ Đức Kitô qua cuộc đời của vị thánh này.

Edith Stein được sinh ra tại Breslavia, thủ đô của Silesia – nước Phổ (cũ), vào ngày 12 Tháng Mười năm 1891, trong một gia đình Do Thái ở nước  Đức. Lớn lên trong các giá trị của các tôn giáo Do Thái, đến tuổi 14 cô bé Edith Stein đã vất bỏ đức tin của cha ông mình và trở thành một người vô thần.
Cô thiếu nữ thông minh theo học triết học tại Göttingen, trở thành một đệ tử của Edmund Husserl, triết gia và người sáng lập của trường phái Hiện tượng luận. Cô cũng trở nên nổi tiếng như một nhà triết học xuất sắc.

Năm 1921, Edith Stein theo Đức Tin Công giáo, được rửa tội vào năm 1922. Cô đã dạy học tám năm ở Speyer (1923-1931). Năm 1932, cô giảng dạy tại Học viện sư phạm ở Münster, Westphalia, nhưng hoạt động của cô bị đình chỉ sau khoảng một năm bởi vì các luật phân biệt chủng tộc.
Năm 1933, như mong muốn từ lâu hằng ấp ủ trong lòng, cô Edith Stein xin vào Hội dòng Camêlô ở Cologne và trở thành một nữ tu với tên gọi Teresa Benedicta Thánh Giá.

Ngày 2, năm 1942 chị Teresa Benedicta Thánh giá bị các mật vụ người Đức, trong cuộc truy tìm và tiêu diệt người Do thái phát hiện, và chị bị bắt đến các trại diệt chủng Auschwitz-Birkenau, nơi đó chị đã qua đời ngày 09 tháng 8 trong phòng hơi ngạt.

Năm 1987, Nữ tu Teresa Benedicta Thánh giá được phong chân phước, và ngày 11 tháng 10 năm 1998 được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô phong thánh.

Năm 1999 Thánh nữ Teresa Benedicta Thánh giá được tuyên bố là Đấng Bổn mạng của Châu Âu, cùng với  Thánh nữ Brigita của Thụy Điển và Thánh nữ Caterina thành Siena của Ý.
(Lê An Phong,SDB)

(Xin trích thêm một phần tài liệu của tác giả Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 8/2/2007 về vài điều liên quan đến cuộc đời vị thanh nữ này)
Câu truyện vị thánh nữ này trở về với Giáo Hội Công Giáo cho tới nay vẫn được cho rằng xẩy ra khi cô bất chợt đọc hạnh tích Thánh Têrêsa Avila. Cô đã đọc thâu đêm hết cuốn sách và cô đã quyết định gia nhập Công Giáo khi cô đọc xong tác phẩm ấy vào buổi sáng hôm sau.
Trong cuộc ra mắt cuốn tổng hợp các tác phẩm của vị thánh nữ này tại Đại Học Latêrô của Tòa Thánh ở Rôma, cha Ulrich Dobhan, một đan sĩ Carmêlô và là chuyên viên về vị thánh nữ ấy, vị đặc trách ấn bản Đức ngữ tác phẩm tổng hợp này, đã trình bày cho thấy những khám phá của ngài về cuộc hoán cải của vụ thánh nữ. Vị linh mục này tin rằng vị thánh nữ ấy đã biết được sự hiện hữu của cuốn sách về Thánh Têrêsa Avila và tìm đọc cuốn này.
“Vào khóa học 3 tháng mùa hè năm 1918, trong khi giáo sư Husserl đang thuyết giảng ở Đại Học Freiberg về vấn đề cuốn sách của Rudolf Otto là ‘Das Heilige’, có lẽ cô Edith đọc thấy tên của Thánh Têrêsa Avila, vì tên này được đề cập tới trong cuốn sách ấy”.
Sau đó, vào ngày 24 hay 25/5/1921, tại nhà của Anne Reinach và của chị dâu Pauline của cô ở Geottingen, Đức quốc, cô chọn đọc cuốn tự truyện ‘Cuộc Đời Thánh Têrêsa Avila’ từ tủ sách của họ.
Việc đọc tác phẩm về Thánh Têrêsa Avila là những gì quyết liệt cho việc hướng cô về Công Giáo thay vì về Thệ Phản Tin Lành, thế nhưng vị linh mục vẫn cho biết nhận định: “ở đây chúng ta không nói về việc tiến từ vô thần đến Kitô Giáo”.
Câu hô lên "Sự thật đây rồi!" thường được đặt lên môi miệng của cô Stein khi cô đọc tự truyện của vị thánh ấy không tương hợp với những gì cô nói, cũng không phản ảnh tiến trình tu đức của cô Stein”.
Việc tra vấn của cô Stein về Kitô Giáo đã từ từ tiến triển qua giòng thời gian. Là một triết gia, cô bị ảnh hưởng sâu xa bởi tác phẩm của triết gia Max Scheler trong giai đoạn Công Giáo của ông, cũng như bởi chứng từ anh hùng của Anne Reinach, người vợ góa của vị triết gia đồng bạn Adolf Reinach, người đã chết trong cuộc chiến vào tháng 11/1917.
Cho dù không phải là nguồn mạch duy nhất đối với cuộc hoán cải của vị thánh nữ này, tác phẩm tự truyện của Thánh Têrêsa Avila cũng thực sự đã dẫn ngài đến quyết định trở thành một nữ tu dòng kín Carmêlô, và đã lấy tên dòng là Têrêsa Benedicta Thánh Giá.


06 August, 2012

CUỘC TRANH TÀI VÀ NHỮNG TIÊU CHUẨN



Cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý về Thế vận hội đang diễn ra ở nước Anh. Nhiều vận động viên từ các nước khác nhau tập trung về đây và cùng sống những giây phút căng thẳng đầy mồ hôi và nước mắt trong các cuộc thi tài. Nhiều màu cờ sắc áo đã tạo ra cho ngày hội ngộ nét đẹp và sự hoành tráng.
Phải nói rằng vận động viên nào cũng tài, ai cũng nhanh, ai cũng mạnh cả. Tất nhiên rồi vì họ toàn là những người tài ba hơn người và được chọn lựa. Trước khi đến thi đấu ở cấp thế giới, họ đã từng phải thao dợt và thử sức bao nhiêu lần. Có vậy họ mới đủ bản lĩnh để thi đua và giành các giải thưởng đúng với khả năng.

Dù muốn hay không thì giữa hàng trăm kẻ đi thi chỉ có vài ba người giật được giải. Huy chương vàng hay bạc hay đồng có thể được đúc hàng tá nhưng chỉ có giá trị cho ít người thôi. Vận may thì có thể nhiều nhưng chỉ rất ít “kẻ may mắn” và chiến thắng. Người tài cũng có nhiều nhưng rốt cuộc người ta phải nói đến những “người xứng đáng hơn”, “vượt trội hơn”.

“Nhanh hơn, mạnh hơn, chính xác hơn, đẹp hơn, chuẩn hơn, dẽo dai hơn, khỏe hơn…” là những lời nhận xét và ca ngợi các vận động viên từ phía ban giám khảo cũng như khán giả. Tất nhiên trên thế giới này không thiếu kẻ mạnh, kẻ đẹp, kẻ nhanh nhẹn.., mà luôn có số khỏe hơn, đẹp hơn, nhanh hơn. Người ta lấy mức bình thường để xem xét mọi sự theo kiểu “chuẩn hóa” và luôn chờ đợi nhưng gì vượt trội trên bình thường để đánh giá “tài năng”. Đó là những kỷ lục thế giới!

Tôi lại nghĩ lan man một chút… Hóa ra trong một thế giới mà người ta ngày càng chuộng sự “tương đối” cho “dễ sống” lại cũng cần nhưng điểm chuẩn để so sánh đến thế sao! Việc chuẩn hóa từ những gì bình thường đã khó thì chắc là việc vượt lên trên cái bình thường để trở thành thiên tài còn khó hơn. Đó là chưa nói đến các tiêu chuẩn đạo đức mà xem ra ngày càng “bị bỏ rơi”. Sống tốt, sống bình thường giờ này đang trở thành khó khăn cho nhiều người vì đang thiếu dần những chuẩn mực đạo đức căn bản. Vậy thì sống tốt lành và thánh thiện, đạo đức hơn chắc là phải “vượt chuẩn” đây! Mà làm sao vượt qua chuẩn? Khó khăn thật! nên chăng hạ thấp một chút tiêu chuẩn đạo đức vì làm người ai mà chẳng có khi yếu đuối, ai mà hoàn thiện trăm phần trăm? Có khi đặt tiêu chuẩn đạo đức cao quá lại hại đời nhau!

Loanh quanh suy nghĩ, rốt cuộc tôi chẳng có điều gì mới. Thánh Phaolo từ lâu đã viết rằng: “Anh em chẳng biết sao : trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư ; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín ; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1.Cor, 24-27).

Tôi biết là bắt mình phải theo những chuẩn mực đạo đức thì “hơi bị khó”, nhưng có như vậy, người ta mới có thể phân biệt anh hùng và tên hèn hạ, thánh nhân và kẻ tội đồ. Nghĩ cũng cần thiết thay những chuẩn mực đạo đức căn bản để từ đó người ta có thể lớn lên, vươt trội hơn từ những cái tầm thường và trở thành những bậc vĩ nhân và những gương mặt thánh thiện cho nhân loại! Và thực lòng, tôi không muốn và mãi mãi không muốn mình bị “loại ra khỏi cuộc chơi” để rơi vào sự hư nát muôn đời!
( Lê An Phong, SDB)

VIẾT CHO BẠN VỀ Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI


Trên đời này có hàng ngàn câu hỏi “tại sao”. Hình như con người đã bắt đầu đặt câu hỏi, từ những ngày thơ bé, khi đứng trước một thế giới đầy những điều thú vị, cho đến khi về già, khi phải đối diện với những nỗi đau và những ngày còn lại của kiếp người.

Nhiều bạn trẻ khi phải đối diện với những khó khăn đầu đời đã gần như gào lên “Tại sao đời phức tạp thế? Tại sao cuộc đời lại phủ phàng thế! Tại sao tôi lại phải sống cái kiếp người như vậy chứ?...” Tôi không có tham vọng đưa ra đây câu trả lời vì chính mình cũng có nhiều khi bối rối trước những vấn nạn cuộc đời. Tôi chỉ muốn kể cho em nghe hai câu chuyện, đúng ra hai sự kiện mà tôi được xem trên tivi nơi xứ người, đã làm cho tôi phải suy nghĩ.

Chuyện thứ nhất: Những cái chết cuối tuần.

Sau một tuần chạy theo vòng quay cuộc đời ăn-ngủ-đi học-đi làm, T. cũng như tất cả bạn bè mình cảm thấy mệt mỏi và cũng thấy cuộc sống thật đơn điệu. Những ngày cuối tuần đúng là kỳ “xả xì-tret” (stress). Nhóm kéo nhau đi ăn tối. Nhóm hẹn hò đi xem phim hay ca nhạc. Nhóm đi vào các phòng nhảy. Cuộc vui chơi ở đây thường kéo dài đến hai ba giờ sáng. Sau nhiều giờ ngất ngây cùng với âm nhạc ở cường độ mạnh và cùng với một chút hơi men trong máu, họ chếch choáng trở về nhà. Xe hơi chỉ biết chạy theo người lái. Người lái chỉ biết đạp ga theo cơn say trên xa lộ vắng vẻ. Và tai nạn…Và nước mắt khóc cho những người bạc mệnh phải ra đi khi tuổi còn xuân xanh.

Ống kính truyền hình cho xem những gì còn sót lại của một chiếc xe hơi đời mới. Tôi lắng nghe trong âm thanh tiếng khóc lóc khe khẽ của một ai đó lời phát biểu chua xót và thất vọng của một bạn trẻ như một lời giải thích vì sao họ làm chuyện đó: “Cuộc đời thật đáng kinh tởm. Sống làm gì cơ chứ!”.

Chuyện thứ hai: Sống một ngày mới như chưa từng được sống bao giờ.

Trong một phóng sự, người ta phỏng vấn mọi người về ý nghĩa cuộc đời. Trong số đó, có một người trên 60 tuổi, một nhà báo và là một tín hữu công giáo. Ông bị mắc bệnh ung thư và được các bác sỹ cho biết là ngày đời của ông chỉ còn có thể đếm trên đầu ngón tay. Câu hỏi dành cho ông là: “Mỗi sớm mai thức dậy ông có cảm tưởng gì khi phải đếm ngược những ngày mình sống?” Tôi hồi hộp chờ câu trả lời.

Ống kính truyền hình cho xem một khuôn mặt nhợt nhạt nhưng đầy niềm vui. Lời nói không mạnh bạo nhưng đầy xác tín: “Tôi mỉm cười vì biết mình vẫn còn sống và tôi biết mình đang sống một ngày đầy những điều bất ngờ, thú vị mà chưa ai trên thế giới này đã từng nếm hưởng, cho dù đó là một vị vua, một anh hùng, một tổng thống hay một đức thánh cha. Tôi nghiệm ra đây là một ngày của  sự sáng tạo mới, một sự sống được bắt đầu và của sự sống lại. Tôi có thể làm thêm được một điều gì đó cần thiết và chính yếu khi biết thời gian của mình có hạn. Cuộc đời thật tuyệt vời cho dù có những đau khổ. Và bản thân tôi, trong đau khổ của chính mình, đã học được cách im lặng mà chiêm ngắm vẻ đẹp của nó ”.

Chuyện của tôi và bạn?

Chắc chắn là tôi và bạn sẽ có cách nhìn khác nhau về ý nghĩa cuộc đời và lý do vì sao ta phải sống, và thật là vô lý khi một ai đó áp đặt cho bạn điều mà với bạn là vô nghĩa và không có giá trị. Tuy nhưng ta sẽ có một điểm chung để chia sẻ là ai cũng biết đặt ra câu hỏi về ý nghĩa trước những biến cố cuộc sống. Về điều này, chúng ta có thể đọc lại với nhau lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nói với giới trẻ tại Denver (Canada 1993): «Cuộc sống luôn chất chưa những điều kỳ diệu. Khoa học và công nghệ thời nay đã có những bước tiến vượt bậc trong việc giúp chúng ta khám phá những điều kì lạ trong sự sống tự nhiên. Mà con tim chúng ta luôn đi tìm những gì nằm bên kia những giới hạn của con người; ánh mắt của chúng ta luôn đăm đăm dõi theo những chân trời mới nằm ngoài những kinh nghiệm và khao khát nhân loại. Giữa những nghịch cảnh cuộc đời chúng ta đi tìm ý nghĩa cuộc sống và định mệnh sau cùng. Chúng ta luôn tự hỏi mình rằng: Tại sao? Tại sao tôi lại hiện hữu? Tại sao tôi ở đây? Tôi phải làm gì? Nhân loại trong cuộc tìm kiếm của mình đang cảm thấy sự cần thiết phải có một ý nghĩa để sống, nhất là trong thời buổi phức tạp và khó khăn để tìm thấy hạnh phúc. Trong những chuyển biến gần đây, có rất nhiều người còn đặt ra nhiều vấn nạn căn bản khác nữa: Người ta có thể đóng góp gì cho xã hội và điều gì ta có thể chờ đợi nơi xã hội? Điều gì sẽ còn lại sau cuộc sống này?... Việc chối bỏ các câu hỏi này hay không muốn đặt ra câu hỏi nữa về cuộc sống đồng nghĩa với thái độ khước từ cuộc khám phá chân lý về sự sống”.

Tìm đâu câu trả lời?

Trong xu thế hiện nay, chúng ta có thể nói với nhau hai hướng giải quyết, liên quan đến kiểu sống cá nhân và theo thời hiện đại.

Nhiều người vẫn thích suy nghĩ: “Việc tôi, tôi tự giải quyết”. Đúng là “chuyện cá nhân” thì chỉ có cá nhân mới hiểu và biết cách tìm lối thoát, nhưng vẫn thật khó tin là tự thân mỗi chúng ta có thể giải quyết những khó khăn riêng mình, bởi vì luật nhân quả vẫn hay đưa người ta vào lối chằng chịt của nhiều mối tương quan. Ngoài ra, không phải là “người trong cuộc” luôn luôn sáng suốt và đủ khách quan nhìn nhận vấn đề. Lắm khi ta than phiền nhiều về các vấn đề của mình vì bị trói buộc với những gì là “của mình” và không biết nhìn người khác. Một ai đó đã chia sẽ kinh nghiệm này: Ta đã kêu trách vì mình không có những đôi dày đẹp để đi cho đến khi ta nhìn thấy một người khác không có đôi chân như mình… Trong trường hợp này, những người sống quanh ta sẽ là nguồn động viên lớn; và việc tìm cách giúp đỡ người khác trong những khó khăn của họ sẽ làm thay đổi cuộc đời của bạn

Nhiều người khác suy nghĩ: “Con người sẽ đủ sức để giải quyết mọi vấn đề của mình”. Lối suy nghĩ này ít nhiều có liên quan đến việc sống niềm tin tôn giáo. “Thần, thánh, thiên, địa… có thể làm gì được cho con người?”. Thật đáng nghi ngờ nếu người ta tin rằng con người có thể giải quyết hết mọi vấn đề cuộc sống hay tự tìm thấy mọi giải pháp cho các vấn nạn của chính mình. Kinh nghiệm cho thấy rằng trong những lúc khó khăn không thể vượt qua, chúng ta cần và sẽ tìm kiếm hay sẽ chân nhận một “Ai đó” siêu phàm hơn mình và có thể cứu giúp mình. Có thể bạn sẽ bị xếp vào loại “ngu ngốc”, dễ bị lừa gạt và bị “mê hoặc” hay “không thức thời”, nhưng cuộc sống luôn dạy cho chúng ta những bài học theo kiểu “khi bị ngộp thở thì mới biết không khí cần thiết thế nào dù nó vô hình”. Trong trường hợp này, nhìn xem những người khác qua cách thức họ sống trong khó khăn, hay cách họ vượt qua đâu khổ với niềm tin ra sao, bạn sẽ thay đổi lối suy nghĩ của mình.

Nếu như bạn là người đang sống với niềm tin, tôi chỉ xin bạn một điều nho nhỏ như lời nhạc của Hoài An: “Nếu chỉ còn một ngày để sống, người cho tôi một khúc kinh cầu…”, và không chỉ một câu kinh cho riêng tôi mà là một lời kinh cho cả thế giới này nữa.
(Lê An Phong, SDB)