Trên đời này có hàng ngàn câu hỏi “tại
sao”. Hình như con người đã bắt đầu đặt câu hỏi, từ những ngày thơ bé, khi đứng
trước một thế giới đầy những điều thú vị, cho đến khi về già, khi phải đối diện
với những nỗi đau và những ngày còn lại của kiếp người.
Nhiều bạn trẻ khi phải đối diện với những
khó khăn đầu đời đã gần như gào lên “Tại sao đời phức tạp thế? Tại sao cuộc đời
lại phủ phàng thế! Tại sao tôi lại phải sống cái kiếp người như vậy chứ?...”
Tôi không có tham vọng đưa ra đây câu trả lời vì chính mình cũng có nhiều khi bối
rối trước những vấn nạn cuộc đời. Tôi chỉ muốn kể cho em nghe hai câu chuyện,
đúng ra hai sự kiện mà tôi được xem trên tivi nơi xứ người, đã làm cho tôi phải
suy nghĩ.
Chuyện thứ nhất: Những cái chết cuối tuần.
Sau một tuần chạy theo vòng quay cuộc đời
ăn-ngủ-đi học-đi làm, T. cũng như tất cả bạn bè mình cảm thấy mệt mỏi và cũng
thấy cuộc sống thật đơn điệu. Những ngày cuối tuần đúng là kỳ “xả xì-tret”
(stress). Nhóm kéo nhau đi ăn tối. Nhóm hẹn hò đi xem phim hay ca nhạc. Nhóm đi
vào các phòng nhảy. Cuộc vui chơi ở đây thường kéo dài đến hai ba giờ sáng. Sau
nhiều giờ ngất ngây cùng với âm nhạc ở cường độ mạnh và cùng với một chút hơi
men trong máu, họ chếch choáng trở về nhà. Xe hơi chỉ biết chạy theo người lái.
Người lái chỉ biết đạp ga theo cơn say trên xa lộ vắng vẻ. Và tai nạn…Và nước mắt
khóc cho những người bạc mệnh phải ra đi khi tuổi còn xuân xanh.
Ống kính truyền hình cho xem những gì còn
sót lại của một chiếc xe hơi đời mới. Tôi lắng nghe trong âm thanh tiếng khóc
lóc khe khẽ của một ai đó lời phát biểu chua xót và thất vọng của một bạn trẻ
như một lời giải thích vì sao họ làm chuyện đó: “Cuộc đời thật đáng kinh tởm. Sống
làm gì cơ chứ!”.
Chuyện thứ hai: Sống một ngày mới như chưa từng được
sống bao giờ.
Trong một phóng sự, người ta phỏng vấn mọi
người về ý nghĩa cuộc đời. Trong số đó, có một người trên 60 tuổi, một nhà báo
và là một tín hữu công giáo. Ông bị mắc bệnh ung thư và được các bác sỹ cho biết
là ngày đời của ông chỉ còn có thể đếm trên đầu ngón tay. Câu hỏi dành cho ông
là: “Mỗi sớm mai thức dậy ông có cảm tưởng gì khi phải đếm ngược những ngày
mình sống?” Tôi hồi hộp chờ câu trả lời.
Ống kính truyền hình cho xem một khuôn mặt
nhợt nhạt nhưng đầy niềm vui. Lời nói không mạnh bạo nhưng đầy xác tín: “Tôi mỉm
cười vì biết mình vẫn còn sống và tôi biết mình đang sống một ngày đầy những điều
bất ngờ, thú vị mà chưa ai trên thế giới này đã từng nếm hưởng, cho dù đó là một
vị vua, một anh hùng, một tổng thống hay một đức thánh cha. Tôi nghiệm ra đây
là một ngày của sự sáng tạo mới, một sự
sống được bắt đầu và của sự sống lại. Tôi có thể làm thêm được một điều gì đó cần
thiết và chính yếu khi biết thời gian của mình có hạn. Cuộc đời thật tuyệt vời
cho dù có những đau khổ. Và bản thân tôi, trong đau khổ của chính mình, đã học
được cách im lặng mà chiêm ngắm vẻ đẹp của nó ”.
Chuyện của tôi và bạn?
Chắc chắn là tôi và bạn sẽ có cách nhìn
khác nhau về ý nghĩa cuộc đời và lý do vì sao ta phải sống, và thật là vô lý
khi một ai đó áp đặt cho bạn điều mà với bạn là vô nghĩa và không có giá trị.
Tuy nhưng ta sẽ có một điểm chung để chia sẻ là ai cũng biết đặt ra câu hỏi về
ý nghĩa trước những biến cố cuộc sống. Về điều này, chúng ta có thể đọc lại với
nhau lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nói với giới trẻ tại Denver (Canada
1993): «Cuộc sống luôn chất chưa những điều kỳ diệu. Khoa học và công nghệ thời
nay đã có những bước tiến vượt bậc trong việc giúp chúng ta khám phá những điều
kì lạ trong sự sống tự nhiên. Mà con tim chúng ta luôn đi tìm những gì nằm bên
kia những giới hạn của con người; ánh mắt của chúng ta luôn đăm đăm dõi theo những
chân trời mới nằm ngoài những kinh nghiệm và khao khát nhân loại. Giữa những
nghịch cảnh cuộc đời chúng ta đi tìm ý nghĩa cuộc sống và định mệnh sau cùng.
Chúng ta luôn tự hỏi mình rằng: Tại sao? Tại sao tôi lại hiện hữu? Tại sao tôi ở
đây? Tôi phải làm gì? Nhân loại trong cuộc tìm kiếm của mình đang cảm thấy sự cần
thiết phải có một ý nghĩa để sống, nhất là trong thời buổi phức tạp và khó khăn
để tìm thấy hạnh phúc. Trong những chuyển biến gần đây, có rất nhiều người còn
đặt ra nhiều vấn nạn căn bản khác nữa: Người ta có thể đóng góp gì cho xã hội
và điều gì ta có thể chờ đợi nơi xã hội? Điều gì sẽ còn lại sau cuộc sống
này?... Việc chối bỏ các câu hỏi này hay không muốn đặt ra câu hỏi nữa về cuộc
sống đồng nghĩa với thái độ khước từ cuộc khám phá chân lý về sự sống”.
Tìm đâu câu trả lời?
Trong xu thế hiện nay, chúng ta có thể nói
với nhau hai hướng giải quyết, liên quan đến kiểu sống cá nhân và theo thời hiện
đại.
Nhiều người vẫn thích suy nghĩ: “Việc tôi,
tôi tự giải quyết”. Đúng là “chuyện cá nhân” thì chỉ có cá nhân mới hiểu và biết
cách tìm lối thoát, nhưng vẫn thật khó tin là tự thân mỗi chúng ta có thể giải
quyết những khó khăn riêng mình, bởi vì luật nhân quả vẫn hay đưa người ta vào
lối chằng chịt của nhiều mối tương quan. Ngoài ra, không phải là “người trong cuộc”
luôn luôn sáng suốt và đủ khách quan nhìn nhận vấn đề. Lắm khi ta than phiền
nhiều về các vấn đề của mình vì bị trói buộc với những gì là “của mình” và không
biết nhìn người khác. Một ai đó đã chia sẽ kinh nghiệm này: Ta đã kêu trách vì
mình không có những đôi dày đẹp để đi cho đến khi ta nhìn thấy một người khác
không có đôi chân như mình… Trong trường hợp này, những người sống quanh ta sẽ
là nguồn động viên lớn; và việc tìm cách giúp đỡ người khác trong những khó
khăn của họ sẽ làm thay đổi cuộc đời của bạn
Nhiều người khác suy nghĩ: “Con người sẽ đủ
sức để giải quyết mọi vấn đề của mình”. Lối suy nghĩ này ít nhiều có liên quan
đến việc sống niềm tin tôn giáo. “Thần, thánh, thiên, địa… có thể làm gì được
cho con người?”. Thật đáng nghi ngờ nếu người ta tin rằng con người có thể giải
quyết hết mọi vấn đề cuộc sống hay tự tìm thấy mọi giải pháp cho các vấn nạn của
chính mình. Kinh nghiệm cho thấy rằng trong những lúc khó khăn không thể vượt
qua, chúng ta cần và sẽ tìm kiếm hay sẽ chân nhận một “Ai đó” siêu phàm hơn
mình và có thể cứu giúp mình. Có thể bạn sẽ bị xếp vào loại “ngu ngốc”, dễ bị lừa
gạt và bị “mê hoặc” hay “không thức thời”, nhưng cuộc sống luôn dạy cho chúng
ta những bài học theo kiểu “khi bị ngộp thở thì mới biết không khí cần thiết thế
nào dù nó vô hình”. Trong trường hợp này, nhìn xem những người khác qua cách thức
họ sống trong khó khăn, hay cách họ vượt qua đâu khổ với niềm tin ra sao, bạn sẽ
thay đổi lối suy nghĩ của mình.
Nếu như bạn là người đang sống với niềm
tin, tôi chỉ xin bạn một điều nho nhỏ như lời nhạc của Hoài An: “Nếu chỉ còn một
ngày để sống, người cho tôi một khúc kinh cầu…”, và không chỉ một câu kinh cho
riêng tôi mà là một lời kinh cho cả thế giới này nữa.
(Lê An Phong, SDB)
No comments:
Post a Comment