09 August, 2012

"Tôi đi tìm Chúa Kitô và Ngài là Chân lý của đời tôi" (Edith Stein)


Ngày 09 tháng Tám 2012, Giáo Hội mừng lễ Thánh nữ Teresa Benedicta Thánh giá, Nữ tu, Tử đạo, Thánh Bổn mạng của Châu Âu. Có lẽ cũng là cơ hội để ta cảm nghiệm sức mạnh biến đổi từ Đức Kitô qua cuộc đời của vị thánh này.

Edith Stein được sinh ra tại Breslavia, thủ đô của Silesia – nước Phổ (cũ), vào ngày 12 Tháng Mười năm 1891, trong một gia đình Do Thái ở nước  Đức. Lớn lên trong các giá trị của các tôn giáo Do Thái, đến tuổi 14 cô bé Edith Stein đã vất bỏ đức tin của cha ông mình và trở thành một người vô thần.
Cô thiếu nữ thông minh theo học triết học tại Göttingen, trở thành một đệ tử của Edmund Husserl, triết gia và người sáng lập của trường phái Hiện tượng luận. Cô cũng trở nên nổi tiếng như một nhà triết học xuất sắc.

Năm 1921, Edith Stein theo Đức Tin Công giáo, được rửa tội vào năm 1922. Cô đã dạy học tám năm ở Speyer (1923-1931). Năm 1932, cô giảng dạy tại Học viện sư phạm ở Münster, Westphalia, nhưng hoạt động của cô bị đình chỉ sau khoảng một năm bởi vì các luật phân biệt chủng tộc.
Năm 1933, như mong muốn từ lâu hằng ấp ủ trong lòng, cô Edith Stein xin vào Hội dòng Camêlô ở Cologne và trở thành một nữ tu với tên gọi Teresa Benedicta Thánh Giá.

Ngày 2, năm 1942 chị Teresa Benedicta Thánh giá bị các mật vụ người Đức, trong cuộc truy tìm và tiêu diệt người Do thái phát hiện, và chị bị bắt đến các trại diệt chủng Auschwitz-Birkenau, nơi đó chị đã qua đời ngày 09 tháng 8 trong phòng hơi ngạt.

Năm 1987, Nữ tu Teresa Benedicta Thánh giá được phong chân phước, và ngày 11 tháng 10 năm 1998 được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô phong thánh.

Năm 1999 Thánh nữ Teresa Benedicta Thánh giá được tuyên bố là Đấng Bổn mạng của Châu Âu, cùng với  Thánh nữ Brigita của Thụy Điển và Thánh nữ Caterina thành Siena của Ý.
(Lê An Phong,SDB)

(Xin trích thêm một phần tài liệu của tác giả Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 8/2/2007 về vài điều liên quan đến cuộc đời vị thanh nữ này)
Câu truyện vị thánh nữ này trở về với Giáo Hội Công Giáo cho tới nay vẫn được cho rằng xẩy ra khi cô bất chợt đọc hạnh tích Thánh Têrêsa Avila. Cô đã đọc thâu đêm hết cuốn sách và cô đã quyết định gia nhập Công Giáo khi cô đọc xong tác phẩm ấy vào buổi sáng hôm sau.
Trong cuộc ra mắt cuốn tổng hợp các tác phẩm của vị thánh nữ này tại Đại Học Latêrô của Tòa Thánh ở Rôma, cha Ulrich Dobhan, một đan sĩ Carmêlô và là chuyên viên về vị thánh nữ ấy, vị đặc trách ấn bản Đức ngữ tác phẩm tổng hợp này, đã trình bày cho thấy những khám phá của ngài về cuộc hoán cải của vụ thánh nữ. Vị linh mục này tin rằng vị thánh nữ ấy đã biết được sự hiện hữu của cuốn sách về Thánh Têrêsa Avila và tìm đọc cuốn này.
“Vào khóa học 3 tháng mùa hè năm 1918, trong khi giáo sư Husserl đang thuyết giảng ở Đại Học Freiberg về vấn đề cuốn sách của Rudolf Otto là ‘Das Heilige’, có lẽ cô Edith đọc thấy tên của Thánh Têrêsa Avila, vì tên này được đề cập tới trong cuốn sách ấy”.
Sau đó, vào ngày 24 hay 25/5/1921, tại nhà của Anne Reinach và của chị dâu Pauline của cô ở Geottingen, Đức quốc, cô chọn đọc cuốn tự truyện ‘Cuộc Đời Thánh Têrêsa Avila’ từ tủ sách của họ.
Việc đọc tác phẩm về Thánh Têrêsa Avila là những gì quyết liệt cho việc hướng cô về Công Giáo thay vì về Thệ Phản Tin Lành, thế nhưng vị linh mục vẫn cho biết nhận định: “ở đây chúng ta không nói về việc tiến từ vô thần đến Kitô Giáo”.
Câu hô lên "Sự thật đây rồi!" thường được đặt lên môi miệng của cô Stein khi cô đọc tự truyện của vị thánh ấy không tương hợp với những gì cô nói, cũng không phản ảnh tiến trình tu đức của cô Stein”.
Việc tra vấn của cô Stein về Kitô Giáo đã từ từ tiến triển qua giòng thời gian. Là một triết gia, cô bị ảnh hưởng sâu xa bởi tác phẩm của triết gia Max Scheler trong giai đoạn Công Giáo của ông, cũng như bởi chứng từ anh hùng của Anne Reinach, người vợ góa của vị triết gia đồng bạn Adolf Reinach, người đã chết trong cuộc chiến vào tháng 11/1917.
Cho dù không phải là nguồn mạch duy nhất đối với cuộc hoán cải của vị thánh nữ này, tác phẩm tự truyện của Thánh Têrêsa Avila cũng thực sự đã dẫn ngài đến quyết định trở thành một nữ tu dòng kín Carmêlô, và đã lấy tên dòng là Têrêsa Benedicta Thánh Giá.


No comments:

Post a Comment