Cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý về Thế vận
hội đang diễn ra ở nước Anh. Nhiều vận động viên từ các nước khác nhau tập
trung về đây và cùng sống những giây phút căng thẳng đầy mồ hôi và nước mắt
trong các cuộc thi tài. Nhiều màu cờ sắc áo đã tạo ra cho ngày hội ngộ nét đẹp
và sự hoành tráng.
Phải nói rằng vận động viên nào cũng tài,
ai cũng nhanh, ai cũng mạnh cả. Tất nhiên rồi vì họ toàn là những người tài ba hơn
người và được chọn lựa. Trước khi đến thi đấu ở cấp thế giới, họ đã từng phải
thao dợt và thử sức bao nhiêu lần. Có vậy họ mới đủ bản lĩnh để thi đua và
giành các giải thưởng đúng với khả năng.
Dù muốn hay không thì giữa hàng trăm kẻ đi
thi chỉ có vài ba người giật được giải. Huy chương vàng hay bạc hay đồng có thể
được đúc hàng tá nhưng chỉ có giá trị cho ít người thôi. Vận may thì có thể nhiều
nhưng chỉ rất ít “kẻ may mắn” và chiến thắng. Người tài cũng có nhiều nhưng rốt
cuộc người ta phải nói đến những “người xứng đáng hơn”, “vượt trội hơn”.
“Nhanh hơn, mạnh hơn, chính xác hơn, đẹp
hơn, chuẩn hơn, dẽo dai hơn, khỏe hơn…” là những lời nhận xét và ca ngợi các vận
động viên từ phía ban giám khảo cũng như khán giả. Tất nhiên trên thế giới này không
thiếu kẻ mạnh, kẻ đẹp, kẻ nhanh nhẹn.., mà luôn có số khỏe hơn, đẹp hơn, nhanh
hơn. Người ta lấy mức bình thường để xem xét mọi sự theo kiểu “chuẩn hóa” và
luôn chờ đợi nhưng gì vượt trội trên bình thường để đánh giá “tài năng”. Đó là
những kỷ lục thế giới!
Tôi
lại nghĩ lan man một chút… Hóa ra trong một thế giới mà người ta ngày càng chuộng
sự “tương đối” cho “dễ sống” lại cũng cần nhưng điểm chuẩn để so sánh đến thế
sao! Việc chuẩn hóa từ những gì bình
thường đã khó thì chắc là việc vượt lên trên cái bình thường để trở thành thiên
tài còn khó hơn. Đó là chưa nói đến các tiêu chuẩn đạo đức mà xem ra ngày càng “bị
bỏ rơi”. Sống tốt, sống bình thường giờ này đang trở thành khó khăn cho nhiều
người vì đang thiếu dần những chuẩn mực đạo đức căn bản. Vậy thì sống tốt lành
và thánh thiện, đạo đức hơn chắc là phải “vượt chuẩn” đây! Mà làm sao vượt qua
chuẩn? Khó khăn thật! nên chăng hạ thấp một chút tiêu chuẩn đạo đức vì làm người
ai mà chẳng có khi yếu đuối, ai mà hoàn thiện trăm phần trăm? Có khi đặt tiêu
chuẩn đạo đức cao quá lại hại đời nhau!
Loanh quanh suy nghĩ, rốt cuộc tôi chẳng
có điều gì mới. Thánh Phaolo từ lâu đã viết rằng: “Anh em chẳng biết sao : trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi
người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để
chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ
làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư ; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng
không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không
xác tín ; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể
phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại
bị loại” (1.Cor, 24-27).
Tôi biết là bắt mình phải theo những chuẩn
mực đạo đức thì “hơi bị khó”, nhưng có như vậy, người ta mới có thể phân biệt
anh hùng và tên hèn hạ, thánh nhân và kẻ tội đồ. Nghĩ cũng cần thiết thay những
chuẩn mực đạo đức căn bản để từ đó người ta có thể lớn lên, vươt trội hơn từ những
cái tầm thường và trở thành những bậc vĩ nhân và những gương mặt thánh thiện cho
nhân loại! Và thực lòng, tôi không muốn và mãi mãi không muốn mình bị “loại ra
khỏi cuộc chơi” để rơi vào sự hư nát muôn đời!
( Lê An Phong, SDB)
No comments:
Post a Comment