27 November, 2014

MẸ MARIA VÀ KHÓE NHÌN “THA NHÂN NHƯ LÀ NGƯỜI CÓ PHÚC”



·     Cầu nguyện khai mạc
·   Lắng nghe Tin mừng: (Luca 1, 39-56).
    Suy niệm
1.      Có lẽ chúng ta đã nghe nhiều lần tường thuật Tin mừng theo thánh Luca về cuộc thăm viếng của Mẹ Maria với bà chị họ Elizabeth. Cuộc gặp gỡ của Maria và Elisabeth khá đặc biệt theo lời tường thuật của Luca, vì chỉ có Luca kể về sự việc này. Chúng ta có thể tóm kết vài điểm nổi bật.
Sau biến cố truyền tin, Maria đã lên đường, đi thăm bà chị họ, người mà Maria biết chắc chắn là đã “son sẻ” bấy lâu nay. Trong lời của thiên thần Gabriel, tên bà chị họ và việc bà mang thai được nhắc đến như là một dấu chứng về quyền năng Thiên Chúa (Lc 1, 36). Theo lời thánh Luca, Mẹ Maria vội vã đi thăm bà Elizabeth để chia sẻ niềm vui vì việc cả hai được mang thai cách lạ lùng, và Maria muốn giúp đỡ bà chị họ lớn tuổi trong lúc thai nghén. Thánh sử Luca không nói tên địa danh mà bà Elizabeth sinh sống (là thành Ain-Karim miền phụ cận Giêrusalem), mà nói: “một thành xứ Giuđa, miền sơn cước”. Chúng ta, dựa theo kiểu nói văn chương này, hay theo các bộ phim về Mẹ Maria, có thể hình dung “gót sen” của thiếu nữ Maria bước thoăn thoắt trên con đường nhỏ chạy quanh co giữa các sườn đồi, như đã được tiên tri Isaia diễn tả: “Đẹp thay trên các núi non, chân người sứ giả, kẻ loan báo bình an, kẻ loan tin mừng, kẻ loan báo ơn cứu độ và nói với Sion: Thiên Chúa của ngươi là Vua” (Is 52,7).Cùng với sự hiện diện của thai nhi Giêsu trong cung lòng, Mẹ Maria ra đi và mang phúc lành của Thiên Chúa cho bà Elizabeth và cho cả thai nhi mà bà đang cưu mang. Qua lời chào của Mẹ Maria, bà Elizabeth nhận biết có Đấng cứu thế nơi người em họ của mình. Bà lên tiếng ca khen Mẹ và Đấng Mẹ đang cưu mang và tỏ sự vui mừng vì vinh dự được Mẹ Chúa Trời đến viếng thăm. Lời ca khen của bà Elizabeth vọng vang như lời của vị kỳ mục dành cho bà Giuđitha: “Này trang kiệt nữ, bà được Đấng tối cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này” (Gđt 13,18). Bà Elizabeth xác nhận hiệu quả lời chào của Mẹ Maria vì thai nhi trong lòng bà nhảy mừng. Bà chúc mừng Mẹ Maria “đầy ơn phúc”, vì điều Thiên Chúa đã làm cho Mẹ (Lc 1, 42), và vì Mẹ đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa (Lc 1, 45). Mẹ Maria nhận biết điều lạ lùng đã xảy ra nơi Mẹ, cảm nghiệm thêm điều mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi bà chị họ. Vì thế, Mẹ cất tiếng ngợi khen Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… (Lc 1, 46). Lời kinh Magnificat tuyệt hay vẫn còn vang vọng đến hôm nay, trong các giờ kinh chiều nơi những cộng đoàn ki tô hữu, như muốn tóm kết tất cả tâm tình trong lời tụng ca, dâng lên để tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa.

2.     Cuộc sống của chúng ta là những cuộc gặp gỡ nhiều người, nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều sắc thái và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Kinh thánh kể lại cho chúng ta nghe nhiều cuộc gặp gỡ lạ kỳ. Cuộc gặp gỡ của Maria và Elisabeth khá đặc biệt, theo lời tường thuật của Luca trong Kinh thánh -Tân Ước. Một cách nào đó, họ là hai người phụ nữ  - họ thuộc vào hạng không mấy quan trọng trong xã hội thời đó. Và có điều đặc biệt hơn nữa, nếu chúng ta nhìn dưới góc độ văn hóa, tôn giáo và xã hội. Maria, cô thiếu nữ chưa làm đám cưới (dù đã đính hôn nhưng Giuse chưa rước cô về nhà để chung sống), chưa sống chung mà đã mang thai (có thể bị gán cho tội “không đứng đắn”, phạm tội ngoại tình và sẽ bị ném đá). Bà Elisabeth, người đã già mà chẳng sinh con; người đàn bà son sẻ, hiếm muộn có thể bị gán cho số phận không may mắn, bị sỉ nhục và “bị chúc dữ” (xem St 29,31; 1Sm 1, 10; Is 4,1; Lv 20,20-21; 2Sm 6, 23).
Dưới mắt người đời thời đó, ít nhất là chúng ta có thể “giả định”, theo khóe nhìn tôn giáo và văn hóa Do thái giáo, hai phụ nữ này chẳng có gì để đem ra ca tụng. Hơn thế, ta phải nói đến chuyện một người sẽ bị đem ra ném đá và người kia có thể gọi là “kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ”. Điểm đáng nói khác nữa là chuyện hai người phụ nữ khi gặp gỡ, họ còn chào và gọi nhau là “đầy ơn phúc”, “được chúc phúc”. Họ muốn “tung hô nhau” hay tự “xông hương” cho nhau chăng? Họ thật sự “có phúc” không, và “phúc’ của họ là gì, từ đâu mà có?Họa hay phúc, ta có thể đánh giá rất chủ quan và có thể bị sai lệch. Có thể  mọi sự sẽ xảy ra như chuyện “Tái ông thất mã”, và cuộc sống xem ra là là một chuỗi dài của chuyện “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”… Từ câu chuyện của Maria và Elisabeth, chúng ta có thể nói rằng chỉ có ai là “người trong cuộc” mới có thể hiểu được mối phúc mà hai người phụ nữ này có được. Đó là điều kỳ diệu mà Thiên Chúa muốn làm, hay nói cách khác, là chuyện Thiên Chúa can thiệp cách đặc biệt vào cuộc đời của họ. Maria và Elisabeth chính là “những người trong cuộc”, là những người bị “dính vào chuyện của Thiên Chúa”. Và từ đó, thái độ của hai người phụ nữ ấy càng đặc biệt hơn khi họ biết nhìn ra hạnh phúc thật nơi những điều mà người thế gian cho là bất hạnh. Thật thế, chúng ta có thể kể ra những điểm sau:Cả hai người phụ nữ nhận ra thân phận bé mọn của mình; họ “biết mình” bằng sự khiêm tốn chứ không vì tự ti, mặc cảm. Bởi thế họ mới có thể reo lên Linh hồn tôi ca ngợi Đức Chúa, tâm trí tôi hớn hở vui mừng.Họ hiểu rằng ngay chính nơi sự cùng khốn của mình, Thiên Chúa đã làm những điều cao trọng. Từ đó họ tuyên xưng rằng Người là Đấng Quyền năng danh Người chí  thánh chí tôn, Đấng trung tín và giàu lòng yêu thương – Chúa hằng “thương xót những ai kính sợ Người”. 
       Họ tin rằng những điều cao trọng đã và đang xảy ra cho mình không phải do ý muốn riêng đạt được hay đó là phần thưởng xứng hợp với công trạng của mình, nhưng là do Thánh ý Thiên Chúa và lời giao ước tình yêu của Người với nhân loại, qua dân Israel, với cha ông của họ từ thưở trước.
Họ không bận tâm quá nhiều đến chuyện xầm xì của thế gian về những bất hạnh của riêng mình cho bằng phó thác tất cả mọi sự vào tình yêu thương, lòng trung tínsự công minh của Thiên Chúa từ đời nọ trải qua đời kia.

3. Mẹ Maria và bà Elisabeth đã nhìn nhau và nhận ra nơi mỗi người hồng ân của Thiên Chúa, rồi gọi nhau bằng tên gọi của những “người được chúc phúc” hay là “người có phúc”. Còn chúng ta? Khóe nhìn nào mà chúng ta có được khi hướng tới tha nhân?Hãy nhìn thực tế cuộc sống bên ngoài cộng đoàn chúng ta: Khắp nơi đầy dẫy những chuyện ghen ghét, lọc lừa. Người ta đánh giá nhau dựa vào những gì bên ngoài hay ở bề nổi. Nhiều bạn trẻ đã không dám nhìn vào người khác, vì một cái nhìn bị cho là “đểu” có thể là nguyên nhân vô duyên nhất gây nên cái chết oan khiên của một mạng người. Sự đố kị, cạnh tranh, chèn ép có mặt ở khắp nơi… Có lẽ khi con người lấy tiền tài, vật chất và vẻ hào nhoáng bên ngoài làm thước đo các giá trị và là mục đích tối thượng thì người ta sẽ nhìn tha nhân với một khóe nhìn khác lạ: “ Tha nhân là địa ngục của tôi”, nói như triết gia Jean Paul Sartre. Và cứ theo kiểu như vậy, người đứng trước mặt tôi luôn là “nguy cơ”, chính là “tai họa” và là “đầu mối của mọi rắc rối” cho tôi! Từ đó, trong các mối tương quan nhân vị, sự lựa chọn bắt buộc sẽ nhằm vào việc triệt thoái hay hạ bệ lẫn nhau. Thực tế còn nhiều chuyện tồi tệ hơn thế nữa theo kiểu “xã hội đen”; và cũng chẳng lạ gì chuyện homo homini lupus - con người là lang sói của nhau. Khi ta không còn khả năng nhìn ra được điều tốt lành nơi người khác, thì ta chẳng còn biết yêu thương hay trân trọng ai cả.Quay lại nhìn cuộc sống hằng ngày bên trong mỗi cộng đoàn ki tô hữu, chúng ta có thể thấy thêm điều gì? Thưa, đó là sự đố kị, tiếng xầm xì, lời trách cứ, chuyện chê bai cách công khai hay ngấm ngầm và việc xúc phạm đến nhau, sự tự tôn, sự tự ty, …Tất cả chính là thuốc độc làm hao mòn, gặm nhấm các phần tử và tàn hại thân xác mầu nhiệm của Chúa Kitô. Bên trong các cộng đoàn kitô hữu còn có cả căn bệnh tính toán, so đo thiệt hơn hoặc kiểu hành xử theo chiều hướng khác của bệnh dửng dưng, vô cảm; của lối sống cá nhân ích kỷ và thiếu trách nhiệm. Đây là điều mà trước đây Thánh Phaolo đã nhắc nhở các tín hữu trong các cộng đoàn của ngài, và giờ đây, vẫn còn là một thực tế mà mỗi chúng ta có thể trải nghiệm (xem 1 Cr, 12 – ân sủng cho  mỗi người; 1Cr, 13 - Bài ca Đức Ái).

4.      Như Mẹ Maria, mỗi chúng ta có thể làm gì? Hãy học biết cách sống khiêm cung và biết đón nhận cuộc sống như một tặng ân vô giá, là hồng ân được hiệp thông vào Đấng yêu thương và cũng chính là Cùng Đích cao trọng mà mỗi chúng ta khao khát đạt đến.
Như Mẹ Maria, ta hãy biết vui mừng vì được Chúa yêu thương, biết tạ ơn vì được Chúa gọi mời cộng tác với Ngài.Như  Mẹ Maria, chúng ta hãy nhìn anh chị em của mình bằng ánh mắt khiêm cung và trái tim rộng mở, biết cảm thông và bao dung hơn khi đón nhận người khác, để nhờ đó ta có thể đọc ra dấu chỉ tình yêu và hồng ân mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi ngườinơi mọi người; như chính Người “đã cho mặt trời chiếu sáng trên người lành cũng như trên kẻ dữ” (Mt 5, 45). Trong kinh Mân côi mà chúng ta thực hành cách đặc biệt trong tháng này, qua việc chiêm ngắm mầu nhiệm Mùa Vui, cùng nhau suy niệm việc Mẹ Maria đi viếng Bà thánh Isave, ta hãy xin cho được lòng yêu người. Chúng ta hãy xin Mẹ giúp mỗi người có được hay luyện tập được khóe nhìn như Mẹ: nhìn anh chị em của mình và khám phá nơi họ kho tàng ẩn dấu. Đằng sau tất cả những gì là thô ráp, xù xì, nơi vẻ bên ngoài khó chịu, khó ưa… luôn ẩn chứa lòng tốt, sự thánh thiện và cả những ước mơ hướng về Chân-Thiện-Mỹ. Và như thế, mỗi người bên cạnh ta đáng được trân trọng hơn, sẽ là “những kẻ đã được Thiên Chúa chúc phúc” ; tất cả được mời gọi đến chung hưởng phần hạnh phúc đã được chuẩn bị sẵn cho những ai biết lắng nghe và đem ra thực hành giới răn yêu thương. Chắc chắn với một khóe nhìn như thế, chúng ta sẽ có thể hiểu thêm thế nào là cộng đoàn của “những người được chúc phúc” ngay cả những lúc khó khăn nhất, để tiếp tục tiến bước và dấn thân phục vụ.

·     Kết thúc
Câu chuyện sư phụ và đám môn sinh với vấn nạn khi nào ta biết trời sáng và một ngày mới đang đến? - Khi ta nhìn thấy người đang đứng trước mặt mình mà biết đó là “người quen”, là người anh chị em của mình.

     Gợi ý suy tư cá nhân

     Tôi cảm nghiệm ra sao về thực tại cuộc sống của chính mình với Thiên Chúa? Với tôi “Tất cả là hồng ân” hay là “một điều gì khác”?  
      Tôi đang nhìn tha nhân với ánh mắt nào? Động lực nào tôi chọn để sốngchia sẻ trách nhiệm với anh chị em của mình như là với những người được Chúa chúc phúc?  (Lê An Phong, SDB)
 


No comments:

Post a Comment