27 November, 2014

Suy niệm Lời Chúa - Mùa Vọng I





Tuần I - Mùa Vọng - Năm B (Mc 13, 33-37) 

HÃY TỈNH THỨC
Tin mừng của Thánh Marco trong tuần I Mùa Vọng bao gồm những câu cuối cùng của bài giảng mà Chúa Giêsu nói với các tông đồ về thời sau hết. Ở đây, Chúa Giêsu, sau khi nói về những dấu hiệu thời cánh chung khi Chúa sẽ đến lần thứ hai, Ngài khuyên các môn đệ tỉnh thức và chờ đợi, bởi vì không ai có thể biết trước ngày và giờ sắp tới của mình. Lời Chúa tiếp tục mời gọi chúng ta phải lưu tâm đến cuộc sống mỗi ngày, mỗi thời điểm trong sự hiện diện của Đấng “là, đã có và sẽ đến”(Khải Huyền 1,4); nơi Ngài, tương lai của thế giới và của mỗi con người sẽ được định đoạt.

Ngày chủ nhật thứ nhất Mùa Vọng, chủ nhật đầu tiên của năm phụng vụ, Giáo Hội muốn ngay lập tức chìm đắm trong bầu không khí mong đợi Chúa đến, bởi sự hiện diện của Ngài là then chốt quan trọng của đời sống Kitô hữu chúng ta. Đây cũng là dịp để nhắc nhở chúng ta: Mùa Vọng không chỉ là để chuẩn bị cho Giáng sinh nhưng còn là cơ hội để trở về với “nguyên tắc cơ bản” của đức tin: chấp nhận hay từ chối một cuộc hành trình với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ tập trung khám phá một số vấn đề của Tin Mừng hôm nay.

1.  Chúa sẽ đến - Một điều chắc chắn được đánh dấu nơi bản đồ hành trình lịch sử của cuộc đời chúng ta: Chúa sẽ đến. Cuộc hành hương của chúng ta trên trần thế sẽ kết thúc với một cuộc họp mặt cuối cùng.
Việc chờ đợi được nhắc đến bởi những lời khuyến cáo xuất hiện trong các phần trước đó của Tin mừng: “Hãy cẩn thận” (Mc 13, 5, 9); “Đừng để bị lừa gạt” (Mc 13,5); “Đừng sợ” (Mc 13, 7). Và giờ đây, chỉ trong một vài câu, hạn từ “tỉnh thức” lặp đi lặp lại ba lần (Mc 13, 33-37) cùng lời khuyên rằng “đừng để ông chủ tìm thấy bạn đang ngủ” (Mc 13, 36).
“Những gì Thầy nói với anh em, Thầy cũng nói với tất cả: Hãy tỉnh thức!” (Mc 13, 37). Điều này có ý nghĩa đặc biệt: Chúa Giêsu không chỉ nói với các tông đồ hoặc chỉ nói cho một hoàn cảnh lịch sử. Lời nhắc nhở của Ngài dành cho tất cả tôi và bạn, cho mỗi người, và ngày nay nó được tái diễn thông qua lời khuyến cáo của Giáo Hội, rằng một lần nữa chúng ta đừng để cho mình bị ru ngủ, sống trong mơ màng vì mọi sự trên đời. Chúa sẽ đến vào lúc ta không ngờ, vào giờ chăng ai hay.

2.  Sống trong sự tỉnh thức. Thông thường việc “tỉnh thức" là tình thái ngược lại với “mơ ngủ”, hay “quên lãng, mất tập trung”. Người biết tỉnh thức, canh chừng, cảnh giác có khả năng duy trì sự chú ý, không đánh mất tầm nhìn, nhiệm vụ hay mục tiêu. Tuy nhiên, thái độ “tỉnh thức” còn cụ thể hơn ở việc không “trốn chạy” hay “bỏ bê bổn phận”. Ông chủ đã trao cho các tôi tớ thẩm quyền để thực hành công việc của mình, và bổn phận chính của họ là “ở lại đó”, “hiện diện ở nơi mình được chỉ định”, không phải để việc của mình cho một ai khác.
Ngày nay, việc “bỏ chạy” như thế đã trở thành một “nghệ thuật” hoặc một tập quán xã hội. Người ta hay sợ trách nhiệm, sống quen trong men say của mọi sự giả dối và xem đó là lối thoát duy nhất để không cảm thấy gánh nặng khủng khiếp của thời gian và việc bổn phận.
Việc tỉnh thức mà Chúa nói trong Tin Mừng hôm nay, trên tất cả là để giúp nuôi dưỡng khát vọng trong chúng ta. Sự tỉnh táo với lòng ước ao, chờ đợi ấy sẽ giúp ta vững vàng và không để mình bị đánh cắp hy vọng trong những giấc mơ hão huyền, và tâm trí ta luôn hướng đến tương lai chắc chắn nơi đó có sự sống vĩnh cửu.
Thời gian chờ đợi Chúa đến, như lời Thánh Phaolo viết cho các tín hữu Thessalonica là điều mà mỗi chúng ta cần biết rõ: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm”. Vì vậy “chúng ta đừng ngủ mê trong các thói tật như những người khác làm, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ”, mặc áo giáp là Đức Tin và Đức Mến (1 Tx 5, 1-9).
Nếu bạn không cảm thấy cần phải cố gắng một lần nữa “vì mình đã đủ tỉnh táo”, thì trong thời gian này của Mùa Vọng bạn cũng không nên quên những điều này: mặc dù cuộc đời có nhiều đau khổ nhưng không thiếu niềm hạnh phúc và nhiều sự khiến bạn hài lòng. Cho dù bạn có trong tay mọi sự thì cũng phải nhớ rằng chúng ta không thể bám víu mãi hay níu kéo vào những gì trên trần đời này. Tuy bạn được “thiết kế” như thế cho một cuộc sống có giới hạn trên trái đất, nhưng niềm tin mách bảo với chúng ta rằng còn “gì đó” trong cõi vĩnh hằng. Nếu thế, bạn chờ đợi một ngày sẽ tới, và bây giờ, phải nghĩ đến việc sống sao cho trọn ven cuộc đời mình.
Con Thiên Chúa đã đến trong xác phàm nhân loại hai ngàn năm trước đây, đã trở thành Emmanuel-Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã đi vào cuộc sống của con người và được ghi danh giữa những người nghèo túng nhất. Xin Ngài giúp bạn khám phá ra niềm vui của sự chờ đợi một điều gì đó hay một Ai đó có thể làm thay đổi tâm hồn của bạn. (Barnaba Lê An Phong, SDB)

HY VỌNG CUỐI CÙNG VỚI ĐẤNG LÀ SỰ SỐNG LẠI

 

Nghe Lời Chúa  Trích Tin mừng theo Thánh Gioan (Ga 11, 3-45)
Chia sẻ
 
      1. Sống trong hy vọng nhờ niềm tin vào Đấng là Sự Sống
Chúng ta vừa lắng nghe tường thuật của Tin mừng Gioan. Có một đoạn hàm chứa thông điệp mang nhiều ý nghĩa và là điều giúp chúng ta suy niệm trong tháng 11 này, khi suy niệm về “các sự sau”: “Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Lazaro đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Ga 11,17-27).
Đức Giêsu nói với Martha, người chị của Lazaro rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ.”  Lời này vang lên nơi nhà của Martha và Maria, trong hoàn cảnh đau thương và tang chế. Ladarô, người bạn của Giêsu, người em của Martha và Maria đã chết. Cái chết cướp đi tất cả. Cái chết làm khựng lại mọi sự. Cái chết là sự “ám ảnh” khủng khiếp hơn hết mọi sự dữ, và chỉ cần nghĩ đến cái chết, ai cũng phải mềm lòng và không khỏi băn khoăn.
Chúa Giê su nói rằng Ngài là Sự sống lại. Ai tin vào Ngài thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Lời của Chúa Giêsu không phải là một lời an ủi mà là một câu tuyên bố chẳng “dễ nghe” chút nào trong hoàn cảnh tang chế! Chính Martha đã đáp lại, dù với sự xác tín, nhưng phảng phất đâu đó một chút buồn liên quan đến “hy vọng sau cùng” khó tiếp chạm trong giờ phút ấy: “Vâng, con biết (và con tin) rằng vào ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống. Còn bây giờ, dù sao cũng còn đó chuyện đáng buồn và khó chấp nhận cũng như khó thay đổi là chuyện “em con đã chết”. Với tầm nhìn của người trần mắt thịt, con hy vọng và trông chờ “ngày đó sẽ đến”. Nhưng bây giờ, đâu là câu trả lời và đâu là tia hy vọng cho biến cố đau buồn này?
Chúa Giêsu hiểu rõ tâm tình của Martha, và câu hỏi của Ngài đánh vào ‘điểm huyệt’: “Con có tin điều đó không?”. Chúng ta cũng vẫn thường có những nghi nan khi đứng trước những vấn nạn của cuộc sống, nhất là khi mọi sự xảy ra vượt qua tầm kiểm soát của ta. Lúc đó, chúng ta chỉ còn biết trông chờ “phép lạ”. Đúng vậy, đó là hy vọng sau cùng, là lối thoát hiểm còn lại cho tình trạng mắc kẹt giữa bao vấn nạn. Mà có đúng là Đức Tin sẽ cứu nguy ta không? Như bao nhiêu lần đã xảy ra các phép lạ theo các tường thuật Tin mừng, câu trả lời là Đức Tin sẽ làm điểm tựa, sẽ là bản lề xoay chuyển mọi tình thế. “Lòng Tin đã cứu chữa con” – Câu nói “truyền thống” của Chúa Giê su sau mỗi phép lạ là một “khẳng định”rõ ràng.
Phép lạ cũng đã xảy ra trước cửa mộ của Lazarô. Cùng với Đức Tin, với tất cả tình yêu thương mà Đức Giêsu dành cho con người, với lời nguyện cầu và sự phó thác vào Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã kéo Ladarô ra khỏi mồ! Lời của Chúa Giêsu với năng quyền của “Đấng Hoàn toàn thuộc về Chúa Cha” đã thể hiện sức mạnh, đã chiến thắng thần chết và đem lại sự sống.
Một con người được sống lại: một phép lạ. Nhưng, tin vào logic của tình yêu hay của niềm hy vọng không phải là điều dễ dàng. Ngay đối với cả những người vẫn tuyên xưng Đức tin, sự hợp lý của niềm tin vào Đấng đã sống lại cũng khó mà chấp nhận vì rào cản của những biến cố đau thương vẫn còn xảy ra trong cuộc đời. Nhưng phải hiểu logic này theo một chiều kích khác. Bao nhiêu lần chúng ta đã chứng kiến những “cuộc sống lại” của anh chị em mình, khi một con người được người khác đón nhận đón nhận dù họ đã vấp ngã sa lầy, khi lòng tốt của con người chiến thắng sự tàn bạo, khi tình yêu chiến thắng hận thù, hòa bình chiến thắng chiến tranh, tha thứ chiến thắng ghét ghen, khi ân sủng chiến thắng tội lỗi.
Trong hoàn cảnh đau thương của gia đình Martha và Maria, Đức Giêsu đã đến để viếng thăm, chia buồn và để an ủi. Nhưng còn hơn thế nữa, Ngài đến đem lại sự sống cho người đã chết và niềm vui, niềm hy vọng cho người đang sống. Ngài chính là Đấng đã mang lại niềm hy vọng cho con người. Thánh Phao-lô đã khẳng định mạnh mẽ chân lý này khi ngài nói với tín hữu Côrintô và nói với chúng ta: Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lòng tin của chúng ta thật hão huyền, chúng ta sẽ chết trong tội lỗi của chúng ta, còn những người đã chết cũng bị tiêu vong. Nhưng Đức Kitô đã sống lại để mở đường cho chúng ta. Nếu chúng ta tin vào Đức Kitô, chúng ta cũng được Thiên Chúa cho sống lại (xem 1 Côrintô 15, 14 – 22). 
Lời của Chúa Giêsu còn vang vọng: Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Mọi người có tin thế không ? Chúng ta là những người đang sống (nói cách khác là “sẽ chết”). Nếu chúng ta tin vào Chúa Giêsu thì sẽ không bao giờ phải chết, đúng thật vậy chăng? Đúng thế, sự sống trong tình yêu, nhờ chân lý, nhờ hồng ân và trong niềm tin vào Giêsu sẽ không có lúc kết thúc, và chẳng một sức mạnh nào, quỷ dữ hay thần chết nào có thể cướp mất (xem Rm 8, 31-39). Sự sống trong niềm tin vào Đấng Phục sinh, như lời một bài hát trong các thánh lễ an táng, “chỉ thay đổi mà không mất đi”. Và ngay cả Sự chết trong ánh sáng của Đức Tin không còn là một dấu chấm than đau buồn, không là dấu phẩy đứt quãng, cũng không là một dấu chấm hết, mà là một điểm chuyển tiếp của cuộc hành trình dài về đến chổ nghỉ ngơi trong cung lòng của Thiên Chúa tình yêu như lời Thánh Agustino.

2. Chuyện sống chết với niềm Tin bây giờ chúng ta phải nói sao đây trong thế giới này ? Có một câu ngạn ngữ phương tây nói rằng : Sống không mục đích là một cái chết trước kỳ hạn. Sống với mục đích tầm thường là một cơn hấp hối. Mục đích thế nào là cao thượng hay thấp hèn cũng là chuyện gây tranh cãi. Nhưng với chúng ta, như những con người với xác phàm yếu đuối được cứu chuộc, những kitô hữu được mời gọi sống có mục đích và sống với mục đích cao đẹp theo lối mà Thánh Phaolo gọi đó là Sống theo Thần Khí 
 “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an. Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được. Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Ðức Kitô, thì không thuộc về Ðức Kitô. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới. Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống (Rm 8, 5-12).

      3. Câu chuyện kể và một lý do để hy vọng
 “Chiếc lá cuối cùng” của O. Henry (1862-1910)
Sue và Johnsy là hai nữ họa sĩ trẻ sống trong một khu nhà trọ. Cụ Behrman là một họa sĩ già cũng sống ở đó; cả đời cụ khao khát vẽ được một kiệt tác nhưng chưa thực hiện được. Mùa đông năm ấy, Johnsy bị bệnh sưng phổi rất nặng. Bệnh tật khiến cô tuyệt vọng và nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng của cây nho dại mọc bên cạnh bờ tường đối diện với phòng trọ của cô rụng xuống sẽ là lúc mình lìa đời. Sue vô cùng lo lắng và hết lòng chạy chữa cho bạn mình nhưng vô ích, vì Johnsy đã mất hy vọng và kiệt quệ tinh thần.
Biết được ý nghĩ bất thường đó của Johnsy, cụ Behrman đã âm thầm thức suốt đêm đông mưa gió lạnh lẽo để vẽ một chiếc lá nho dại lên bức tường đối diện với căn phòng của Johnsy. Chiếc lá cuối cùng đã không rụng trong đêm bão lớn khiến Johnsy nghĩ lại, cô hy vọng và muốn được sống. Tuy nhiên, cụ Behrman lại chết vì sưng phổi nặng sau một đêm đội mưa đội gió để vẽ hình chiếc lá cuối cùng lên tường nhằm cứu Johnsy.
Niềm hy vọng và sức mạnh của cô Johnsy gắn với chiếc lá cuối cùng. Cuộc đời và sự sống cũng như niềm hy vọng của cô mong manh quá. May mà cô còn có nhiều người tốt bụng đỡ nâng. Bao bạn trẻ ngày nay cũng đang sống trong hy vọng mong manh như thế và chổ cho họ bám víu càng trở nên hiếm hoi, khi không có ai dám hy sinh để vẽ cho họ “chiếc lá cuối cùng” trên bờ tường cho họ còn hy vọng.

4. Với chúng ta giờ đây, đâu là lối thiêng phải đi với Đấng Phục sinh
      Trong sứ điệp ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1996, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khuyên các bạn trẻ như sau: “Hãy trở nên những ngôn sứ của sự sống và tình thương, những ngôn sứ của niềm vui. Hiện nay tuy nhân loại ngày càng văn minh hơn. Nhưng vẫn có nhiều bóng tối của sự chết như: chiến tranh, đói kém, phá thai, tự tử, aids, ám sát, đặt mìn, tai nạn giao thông… Những cái chết về thể xác phản ảnh một cái chết nguy hiểm hơn. Đó là cái chết của Tình Yêu trong lòng con người! Cái chết ấy sẽ thắng thế khi con người sống buông thả, chán chường và khép kín trong sự ích kỷ. Nhưng chúng ta có Đức Giêsu là “Sự Sống Lại và là Sự Sống.” Một khi chúng ta liên kết mật thiết với Đức Giêsu, chúng ta cũng có thể thông truyền sự sống và niềm vui cho thế giới, giống như Đức Giêsu xưa đã trả lại sự sống cho Ladarô và lau khô giọt lệ cho hai chị em Máta và Maria… Kitô hữu phải sẵn sàng lao tới bất cứ nơi đâu có những anh em cần được giúp đỡ, những nơi có những giọt nước mắt cần được lau khô, những nơi có những lời cầu cứu đang chờ được đáp ứng.”
      
      Gợi ý suy tư, xét mình

Đâu là nơi tôi đang đặt niềm hy vọng cuối cùng của cuộc đời mình?
      Là những người được Thiên Chúa kêu gọi để nên dấu chỉ mang tình yêu và hy vọng cho các bạn trẻ, tôi đang dấn thân ra sao để tạo lập niềm hy vọng cho họ?
       (Lê An Phong,SDB)

MẸ MARIA VÀ KHÓE NHÌN “THA NHÂN NHƯ LÀ NGƯỜI CÓ PHÚC”



·     Cầu nguyện khai mạc
·   Lắng nghe Tin mừng: (Luca 1, 39-56).
    Suy niệm
1.      Có lẽ chúng ta đã nghe nhiều lần tường thuật Tin mừng theo thánh Luca về cuộc thăm viếng của Mẹ Maria với bà chị họ Elizabeth. Cuộc gặp gỡ của Maria và Elisabeth khá đặc biệt theo lời tường thuật của Luca, vì chỉ có Luca kể về sự việc này. Chúng ta có thể tóm kết vài điểm nổi bật.
Sau biến cố truyền tin, Maria đã lên đường, đi thăm bà chị họ, người mà Maria biết chắc chắn là đã “son sẻ” bấy lâu nay. Trong lời của thiên thần Gabriel, tên bà chị họ và việc bà mang thai được nhắc đến như là một dấu chứng về quyền năng Thiên Chúa (Lc 1, 36). Theo lời thánh Luca, Mẹ Maria vội vã đi thăm bà Elizabeth để chia sẻ niềm vui vì việc cả hai được mang thai cách lạ lùng, và Maria muốn giúp đỡ bà chị họ lớn tuổi trong lúc thai nghén. Thánh sử Luca không nói tên địa danh mà bà Elizabeth sinh sống (là thành Ain-Karim miền phụ cận Giêrusalem), mà nói: “một thành xứ Giuđa, miền sơn cước”. Chúng ta, dựa theo kiểu nói văn chương này, hay theo các bộ phim về Mẹ Maria, có thể hình dung “gót sen” của thiếu nữ Maria bước thoăn thoắt trên con đường nhỏ chạy quanh co giữa các sườn đồi, như đã được tiên tri Isaia diễn tả: “Đẹp thay trên các núi non, chân người sứ giả, kẻ loan báo bình an, kẻ loan tin mừng, kẻ loan báo ơn cứu độ và nói với Sion: Thiên Chúa của ngươi là Vua” (Is 52,7).Cùng với sự hiện diện của thai nhi Giêsu trong cung lòng, Mẹ Maria ra đi và mang phúc lành của Thiên Chúa cho bà Elizabeth và cho cả thai nhi mà bà đang cưu mang. Qua lời chào của Mẹ Maria, bà Elizabeth nhận biết có Đấng cứu thế nơi người em họ của mình. Bà lên tiếng ca khen Mẹ và Đấng Mẹ đang cưu mang và tỏ sự vui mừng vì vinh dự được Mẹ Chúa Trời đến viếng thăm. Lời ca khen của bà Elizabeth vọng vang như lời của vị kỳ mục dành cho bà Giuđitha: “Này trang kiệt nữ, bà được Đấng tối cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này” (Gđt 13,18). Bà Elizabeth xác nhận hiệu quả lời chào của Mẹ Maria vì thai nhi trong lòng bà nhảy mừng. Bà chúc mừng Mẹ Maria “đầy ơn phúc”, vì điều Thiên Chúa đã làm cho Mẹ (Lc 1, 42), và vì Mẹ đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa (Lc 1, 45). Mẹ Maria nhận biết điều lạ lùng đã xảy ra nơi Mẹ, cảm nghiệm thêm điều mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi bà chị họ. Vì thế, Mẹ cất tiếng ngợi khen Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… (Lc 1, 46). Lời kinh Magnificat tuyệt hay vẫn còn vang vọng đến hôm nay, trong các giờ kinh chiều nơi những cộng đoàn ki tô hữu, như muốn tóm kết tất cả tâm tình trong lời tụng ca, dâng lên để tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa.

2.     Cuộc sống của chúng ta là những cuộc gặp gỡ nhiều người, nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều sắc thái và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Kinh thánh kể lại cho chúng ta nghe nhiều cuộc gặp gỡ lạ kỳ. Cuộc gặp gỡ của Maria và Elisabeth khá đặc biệt, theo lời tường thuật của Luca trong Kinh thánh -Tân Ước. Một cách nào đó, họ là hai người phụ nữ  - họ thuộc vào hạng không mấy quan trọng trong xã hội thời đó. Và có điều đặc biệt hơn nữa, nếu chúng ta nhìn dưới góc độ văn hóa, tôn giáo và xã hội. Maria, cô thiếu nữ chưa làm đám cưới (dù đã đính hôn nhưng Giuse chưa rước cô về nhà để chung sống), chưa sống chung mà đã mang thai (có thể bị gán cho tội “không đứng đắn”, phạm tội ngoại tình và sẽ bị ném đá). Bà Elisabeth, người đã già mà chẳng sinh con; người đàn bà son sẻ, hiếm muộn có thể bị gán cho số phận không may mắn, bị sỉ nhục và “bị chúc dữ” (xem St 29,31; 1Sm 1, 10; Is 4,1; Lv 20,20-21; 2Sm 6, 23).
Dưới mắt người đời thời đó, ít nhất là chúng ta có thể “giả định”, theo khóe nhìn tôn giáo và văn hóa Do thái giáo, hai phụ nữ này chẳng có gì để đem ra ca tụng. Hơn thế, ta phải nói đến chuyện một người sẽ bị đem ra ném đá và người kia có thể gọi là “kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ”. Điểm đáng nói khác nữa là chuyện hai người phụ nữ khi gặp gỡ, họ còn chào và gọi nhau là “đầy ơn phúc”, “được chúc phúc”. Họ muốn “tung hô nhau” hay tự “xông hương” cho nhau chăng? Họ thật sự “có phúc” không, và “phúc’ của họ là gì, từ đâu mà có?Họa hay phúc, ta có thể đánh giá rất chủ quan và có thể bị sai lệch. Có thể  mọi sự sẽ xảy ra như chuyện “Tái ông thất mã”, và cuộc sống xem ra là là một chuỗi dài của chuyện “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”… Từ câu chuyện của Maria và Elisabeth, chúng ta có thể nói rằng chỉ có ai là “người trong cuộc” mới có thể hiểu được mối phúc mà hai người phụ nữ này có được. Đó là điều kỳ diệu mà Thiên Chúa muốn làm, hay nói cách khác, là chuyện Thiên Chúa can thiệp cách đặc biệt vào cuộc đời của họ. Maria và Elisabeth chính là “những người trong cuộc”, là những người bị “dính vào chuyện của Thiên Chúa”. Và từ đó, thái độ của hai người phụ nữ ấy càng đặc biệt hơn khi họ biết nhìn ra hạnh phúc thật nơi những điều mà người thế gian cho là bất hạnh. Thật thế, chúng ta có thể kể ra những điểm sau:Cả hai người phụ nữ nhận ra thân phận bé mọn của mình; họ “biết mình” bằng sự khiêm tốn chứ không vì tự ti, mặc cảm. Bởi thế họ mới có thể reo lên Linh hồn tôi ca ngợi Đức Chúa, tâm trí tôi hớn hở vui mừng.Họ hiểu rằng ngay chính nơi sự cùng khốn của mình, Thiên Chúa đã làm những điều cao trọng. Từ đó họ tuyên xưng rằng Người là Đấng Quyền năng danh Người chí  thánh chí tôn, Đấng trung tín và giàu lòng yêu thương – Chúa hằng “thương xót những ai kính sợ Người”. 
       Họ tin rằng những điều cao trọng đã và đang xảy ra cho mình không phải do ý muốn riêng đạt được hay đó là phần thưởng xứng hợp với công trạng của mình, nhưng là do Thánh ý Thiên Chúa và lời giao ước tình yêu của Người với nhân loại, qua dân Israel, với cha ông của họ từ thưở trước.
Họ không bận tâm quá nhiều đến chuyện xầm xì của thế gian về những bất hạnh của riêng mình cho bằng phó thác tất cả mọi sự vào tình yêu thương, lòng trung tínsự công minh của Thiên Chúa từ đời nọ trải qua đời kia.

3. Mẹ Maria và bà Elisabeth đã nhìn nhau và nhận ra nơi mỗi người hồng ân của Thiên Chúa, rồi gọi nhau bằng tên gọi của những “người được chúc phúc” hay là “người có phúc”. Còn chúng ta? Khóe nhìn nào mà chúng ta có được khi hướng tới tha nhân?Hãy nhìn thực tế cuộc sống bên ngoài cộng đoàn chúng ta: Khắp nơi đầy dẫy những chuyện ghen ghét, lọc lừa. Người ta đánh giá nhau dựa vào những gì bên ngoài hay ở bề nổi. Nhiều bạn trẻ đã không dám nhìn vào người khác, vì một cái nhìn bị cho là “đểu” có thể là nguyên nhân vô duyên nhất gây nên cái chết oan khiên của một mạng người. Sự đố kị, cạnh tranh, chèn ép có mặt ở khắp nơi… Có lẽ khi con người lấy tiền tài, vật chất và vẻ hào nhoáng bên ngoài làm thước đo các giá trị và là mục đích tối thượng thì người ta sẽ nhìn tha nhân với một khóe nhìn khác lạ: “ Tha nhân là địa ngục của tôi”, nói như triết gia Jean Paul Sartre. Và cứ theo kiểu như vậy, người đứng trước mặt tôi luôn là “nguy cơ”, chính là “tai họa” và là “đầu mối của mọi rắc rối” cho tôi! Từ đó, trong các mối tương quan nhân vị, sự lựa chọn bắt buộc sẽ nhằm vào việc triệt thoái hay hạ bệ lẫn nhau. Thực tế còn nhiều chuyện tồi tệ hơn thế nữa theo kiểu “xã hội đen”; và cũng chẳng lạ gì chuyện homo homini lupus - con người là lang sói của nhau. Khi ta không còn khả năng nhìn ra được điều tốt lành nơi người khác, thì ta chẳng còn biết yêu thương hay trân trọng ai cả.Quay lại nhìn cuộc sống hằng ngày bên trong mỗi cộng đoàn ki tô hữu, chúng ta có thể thấy thêm điều gì? Thưa, đó là sự đố kị, tiếng xầm xì, lời trách cứ, chuyện chê bai cách công khai hay ngấm ngầm và việc xúc phạm đến nhau, sự tự tôn, sự tự ty, …Tất cả chính là thuốc độc làm hao mòn, gặm nhấm các phần tử và tàn hại thân xác mầu nhiệm của Chúa Kitô. Bên trong các cộng đoàn kitô hữu còn có cả căn bệnh tính toán, so đo thiệt hơn hoặc kiểu hành xử theo chiều hướng khác của bệnh dửng dưng, vô cảm; của lối sống cá nhân ích kỷ và thiếu trách nhiệm. Đây là điều mà trước đây Thánh Phaolo đã nhắc nhở các tín hữu trong các cộng đoàn của ngài, và giờ đây, vẫn còn là một thực tế mà mỗi chúng ta có thể trải nghiệm (xem 1 Cr, 12 – ân sủng cho  mỗi người; 1Cr, 13 - Bài ca Đức Ái).

4.      Như Mẹ Maria, mỗi chúng ta có thể làm gì? Hãy học biết cách sống khiêm cung và biết đón nhận cuộc sống như một tặng ân vô giá, là hồng ân được hiệp thông vào Đấng yêu thương và cũng chính là Cùng Đích cao trọng mà mỗi chúng ta khao khát đạt đến.
Như Mẹ Maria, ta hãy biết vui mừng vì được Chúa yêu thương, biết tạ ơn vì được Chúa gọi mời cộng tác với Ngài.Như  Mẹ Maria, chúng ta hãy nhìn anh chị em của mình bằng ánh mắt khiêm cung và trái tim rộng mở, biết cảm thông và bao dung hơn khi đón nhận người khác, để nhờ đó ta có thể đọc ra dấu chỉ tình yêu và hồng ân mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi ngườinơi mọi người; như chính Người “đã cho mặt trời chiếu sáng trên người lành cũng như trên kẻ dữ” (Mt 5, 45). Trong kinh Mân côi mà chúng ta thực hành cách đặc biệt trong tháng này, qua việc chiêm ngắm mầu nhiệm Mùa Vui, cùng nhau suy niệm việc Mẹ Maria đi viếng Bà thánh Isave, ta hãy xin cho được lòng yêu người. Chúng ta hãy xin Mẹ giúp mỗi người có được hay luyện tập được khóe nhìn như Mẹ: nhìn anh chị em của mình và khám phá nơi họ kho tàng ẩn dấu. Đằng sau tất cả những gì là thô ráp, xù xì, nơi vẻ bên ngoài khó chịu, khó ưa… luôn ẩn chứa lòng tốt, sự thánh thiện và cả những ước mơ hướng về Chân-Thiện-Mỹ. Và như thế, mỗi người bên cạnh ta đáng được trân trọng hơn, sẽ là “những kẻ đã được Thiên Chúa chúc phúc” ; tất cả được mời gọi đến chung hưởng phần hạnh phúc đã được chuẩn bị sẵn cho những ai biết lắng nghe và đem ra thực hành giới răn yêu thương. Chắc chắn với một khóe nhìn như thế, chúng ta sẽ có thể hiểu thêm thế nào là cộng đoàn của “những người được chúc phúc” ngay cả những lúc khó khăn nhất, để tiếp tục tiến bước và dấn thân phục vụ.

·     Kết thúc
Câu chuyện sư phụ và đám môn sinh với vấn nạn khi nào ta biết trời sáng và một ngày mới đang đến? - Khi ta nhìn thấy người đang đứng trước mặt mình mà biết đó là “người quen”, là người anh chị em của mình.

     Gợi ý suy tư cá nhân

     Tôi cảm nghiệm ra sao về thực tại cuộc sống của chính mình với Thiên Chúa? Với tôi “Tất cả là hồng ân” hay là “một điều gì khác”?  
      Tôi đang nhìn tha nhân với ánh mắt nào? Động lực nào tôi chọn để sốngchia sẻ trách nhiệm với anh chị em của mình như là với những người được Chúa chúc phúc?  (Lê An Phong, SDB)