27 November, 2014

HY VỌNG CUỐI CÙNG VỚI ĐẤNG LÀ SỰ SỐNG LẠI

 

Nghe Lời Chúa  Trích Tin mừng theo Thánh Gioan (Ga 11, 3-45)
Chia sẻ
 
      1. Sống trong hy vọng nhờ niềm tin vào Đấng là Sự Sống
Chúng ta vừa lắng nghe tường thuật của Tin mừng Gioan. Có một đoạn hàm chứa thông điệp mang nhiều ý nghĩa và là điều giúp chúng ta suy niệm trong tháng 11 này, khi suy niệm về “các sự sau”: “Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Lazaro đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Ga 11,17-27).
Đức Giêsu nói với Martha, người chị của Lazaro rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ.”  Lời này vang lên nơi nhà của Martha và Maria, trong hoàn cảnh đau thương và tang chế. Ladarô, người bạn của Giêsu, người em của Martha và Maria đã chết. Cái chết cướp đi tất cả. Cái chết làm khựng lại mọi sự. Cái chết là sự “ám ảnh” khủng khiếp hơn hết mọi sự dữ, và chỉ cần nghĩ đến cái chết, ai cũng phải mềm lòng và không khỏi băn khoăn.
Chúa Giê su nói rằng Ngài là Sự sống lại. Ai tin vào Ngài thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Lời của Chúa Giêsu không phải là một lời an ủi mà là một câu tuyên bố chẳng “dễ nghe” chút nào trong hoàn cảnh tang chế! Chính Martha đã đáp lại, dù với sự xác tín, nhưng phảng phất đâu đó một chút buồn liên quan đến “hy vọng sau cùng” khó tiếp chạm trong giờ phút ấy: “Vâng, con biết (và con tin) rằng vào ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống. Còn bây giờ, dù sao cũng còn đó chuyện đáng buồn và khó chấp nhận cũng như khó thay đổi là chuyện “em con đã chết”. Với tầm nhìn của người trần mắt thịt, con hy vọng và trông chờ “ngày đó sẽ đến”. Nhưng bây giờ, đâu là câu trả lời và đâu là tia hy vọng cho biến cố đau buồn này?
Chúa Giêsu hiểu rõ tâm tình của Martha, và câu hỏi của Ngài đánh vào ‘điểm huyệt’: “Con có tin điều đó không?”. Chúng ta cũng vẫn thường có những nghi nan khi đứng trước những vấn nạn của cuộc sống, nhất là khi mọi sự xảy ra vượt qua tầm kiểm soát của ta. Lúc đó, chúng ta chỉ còn biết trông chờ “phép lạ”. Đúng vậy, đó là hy vọng sau cùng, là lối thoát hiểm còn lại cho tình trạng mắc kẹt giữa bao vấn nạn. Mà có đúng là Đức Tin sẽ cứu nguy ta không? Như bao nhiêu lần đã xảy ra các phép lạ theo các tường thuật Tin mừng, câu trả lời là Đức Tin sẽ làm điểm tựa, sẽ là bản lề xoay chuyển mọi tình thế. “Lòng Tin đã cứu chữa con” – Câu nói “truyền thống” của Chúa Giê su sau mỗi phép lạ là một “khẳng định”rõ ràng.
Phép lạ cũng đã xảy ra trước cửa mộ của Lazarô. Cùng với Đức Tin, với tất cả tình yêu thương mà Đức Giêsu dành cho con người, với lời nguyện cầu và sự phó thác vào Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã kéo Ladarô ra khỏi mồ! Lời của Chúa Giêsu với năng quyền của “Đấng Hoàn toàn thuộc về Chúa Cha” đã thể hiện sức mạnh, đã chiến thắng thần chết và đem lại sự sống.
Một con người được sống lại: một phép lạ. Nhưng, tin vào logic của tình yêu hay của niềm hy vọng không phải là điều dễ dàng. Ngay đối với cả những người vẫn tuyên xưng Đức tin, sự hợp lý của niềm tin vào Đấng đã sống lại cũng khó mà chấp nhận vì rào cản của những biến cố đau thương vẫn còn xảy ra trong cuộc đời. Nhưng phải hiểu logic này theo một chiều kích khác. Bao nhiêu lần chúng ta đã chứng kiến những “cuộc sống lại” của anh chị em mình, khi một con người được người khác đón nhận đón nhận dù họ đã vấp ngã sa lầy, khi lòng tốt của con người chiến thắng sự tàn bạo, khi tình yêu chiến thắng hận thù, hòa bình chiến thắng chiến tranh, tha thứ chiến thắng ghét ghen, khi ân sủng chiến thắng tội lỗi.
Trong hoàn cảnh đau thương của gia đình Martha và Maria, Đức Giêsu đã đến để viếng thăm, chia buồn và để an ủi. Nhưng còn hơn thế nữa, Ngài đến đem lại sự sống cho người đã chết và niềm vui, niềm hy vọng cho người đang sống. Ngài chính là Đấng đã mang lại niềm hy vọng cho con người. Thánh Phao-lô đã khẳng định mạnh mẽ chân lý này khi ngài nói với tín hữu Côrintô và nói với chúng ta: Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lòng tin của chúng ta thật hão huyền, chúng ta sẽ chết trong tội lỗi của chúng ta, còn những người đã chết cũng bị tiêu vong. Nhưng Đức Kitô đã sống lại để mở đường cho chúng ta. Nếu chúng ta tin vào Đức Kitô, chúng ta cũng được Thiên Chúa cho sống lại (xem 1 Côrintô 15, 14 – 22). 
Lời của Chúa Giêsu còn vang vọng: Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Mọi người có tin thế không ? Chúng ta là những người đang sống (nói cách khác là “sẽ chết”). Nếu chúng ta tin vào Chúa Giêsu thì sẽ không bao giờ phải chết, đúng thật vậy chăng? Đúng thế, sự sống trong tình yêu, nhờ chân lý, nhờ hồng ân và trong niềm tin vào Giêsu sẽ không có lúc kết thúc, và chẳng một sức mạnh nào, quỷ dữ hay thần chết nào có thể cướp mất (xem Rm 8, 31-39). Sự sống trong niềm tin vào Đấng Phục sinh, như lời một bài hát trong các thánh lễ an táng, “chỉ thay đổi mà không mất đi”. Và ngay cả Sự chết trong ánh sáng của Đức Tin không còn là một dấu chấm than đau buồn, không là dấu phẩy đứt quãng, cũng không là một dấu chấm hết, mà là một điểm chuyển tiếp của cuộc hành trình dài về đến chổ nghỉ ngơi trong cung lòng của Thiên Chúa tình yêu như lời Thánh Agustino.

2. Chuyện sống chết với niềm Tin bây giờ chúng ta phải nói sao đây trong thế giới này ? Có một câu ngạn ngữ phương tây nói rằng : Sống không mục đích là một cái chết trước kỳ hạn. Sống với mục đích tầm thường là một cơn hấp hối. Mục đích thế nào là cao thượng hay thấp hèn cũng là chuyện gây tranh cãi. Nhưng với chúng ta, như những con người với xác phàm yếu đuối được cứu chuộc, những kitô hữu được mời gọi sống có mục đích và sống với mục đích cao đẹp theo lối mà Thánh Phaolo gọi đó là Sống theo Thần Khí 
 “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an. Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được. Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Ðức Kitô, thì không thuộc về Ðức Kitô. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới. Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống (Rm 8, 5-12).

      3. Câu chuyện kể và một lý do để hy vọng
 “Chiếc lá cuối cùng” của O. Henry (1862-1910)
Sue và Johnsy là hai nữ họa sĩ trẻ sống trong một khu nhà trọ. Cụ Behrman là một họa sĩ già cũng sống ở đó; cả đời cụ khao khát vẽ được một kiệt tác nhưng chưa thực hiện được. Mùa đông năm ấy, Johnsy bị bệnh sưng phổi rất nặng. Bệnh tật khiến cô tuyệt vọng và nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng của cây nho dại mọc bên cạnh bờ tường đối diện với phòng trọ của cô rụng xuống sẽ là lúc mình lìa đời. Sue vô cùng lo lắng và hết lòng chạy chữa cho bạn mình nhưng vô ích, vì Johnsy đã mất hy vọng và kiệt quệ tinh thần.
Biết được ý nghĩ bất thường đó của Johnsy, cụ Behrman đã âm thầm thức suốt đêm đông mưa gió lạnh lẽo để vẽ một chiếc lá nho dại lên bức tường đối diện với căn phòng của Johnsy. Chiếc lá cuối cùng đã không rụng trong đêm bão lớn khiến Johnsy nghĩ lại, cô hy vọng và muốn được sống. Tuy nhiên, cụ Behrman lại chết vì sưng phổi nặng sau một đêm đội mưa đội gió để vẽ hình chiếc lá cuối cùng lên tường nhằm cứu Johnsy.
Niềm hy vọng và sức mạnh của cô Johnsy gắn với chiếc lá cuối cùng. Cuộc đời và sự sống cũng như niềm hy vọng của cô mong manh quá. May mà cô còn có nhiều người tốt bụng đỡ nâng. Bao bạn trẻ ngày nay cũng đang sống trong hy vọng mong manh như thế và chổ cho họ bám víu càng trở nên hiếm hoi, khi không có ai dám hy sinh để vẽ cho họ “chiếc lá cuối cùng” trên bờ tường cho họ còn hy vọng.

4. Với chúng ta giờ đây, đâu là lối thiêng phải đi với Đấng Phục sinh
      Trong sứ điệp ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1996, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khuyên các bạn trẻ như sau: “Hãy trở nên những ngôn sứ của sự sống và tình thương, những ngôn sứ của niềm vui. Hiện nay tuy nhân loại ngày càng văn minh hơn. Nhưng vẫn có nhiều bóng tối của sự chết như: chiến tranh, đói kém, phá thai, tự tử, aids, ám sát, đặt mìn, tai nạn giao thông… Những cái chết về thể xác phản ảnh một cái chết nguy hiểm hơn. Đó là cái chết của Tình Yêu trong lòng con người! Cái chết ấy sẽ thắng thế khi con người sống buông thả, chán chường và khép kín trong sự ích kỷ. Nhưng chúng ta có Đức Giêsu là “Sự Sống Lại và là Sự Sống.” Một khi chúng ta liên kết mật thiết với Đức Giêsu, chúng ta cũng có thể thông truyền sự sống và niềm vui cho thế giới, giống như Đức Giêsu xưa đã trả lại sự sống cho Ladarô và lau khô giọt lệ cho hai chị em Máta và Maria… Kitô hữu phải sẵn sàng lao tới bất cứ nơi đâu có những anh em cần được giúp đỡ, những nơi có những giọt nước mắt cần được lau khô, những nơi có những lời cầu cứu đang chờ được đáp ứng.”
      
      Gợi ý suy tư, xét mình

Đâu là nơi tôi đang đặt niềm hy vọng cuối cùng của cuộc đời mình?
      Là những người được Thiên Chúa kêu gọi để nên dấu chỉ mang tình yêu và hy vọng cho các bạn trẻ, tôi đang dấn thân ra sao để tạo lập niềm hy vọng cho họ?
       (Lê An Phong,SDB)

No comments:

Post a Comment