27 November, 2014

Suy niệm Lời Chúa - Mùa Vọng I





Tuần I - Mùa Vọng - Năm B (Mc 13, 33-37) 

HÃY TỈNH THỨC
Tin mừng của Thánh Marco trong tuần I Mùa Vọng bao gồm những câu cuối cùng của bài giảng mà Chúa Giêsu nói với các tông đồ về thời sau hết. Ở đây, Chúa Giêsu, sau khi nói về những dấu hiệu thời cánh chung khi Chúa sẽ đến lần thứ hai, Ngài khuyên các môn đệ tỉnh thức và chờ đợi, bởi vì không ai có thể biết trước ngày và giờ sắp tới của mình. Lời Chúa tiếp tục mời gọi chúng ta phải lưu tâm đến cuộc sống mỗi ngày, mỗi thời điểm trong sự hiện diện của Đấng “là, đã có và sẽ đến”(Khải Huyền 1,4); nơi Ngài, tương lai của thế giới và của mỗi con người sẽ được định đoạt.

Ngày chủ nhật thứ nhất Mùa Vọng, chủ nhật đầu tiên của năm phụng vụ, Giáo Hội muốn ngay lập tức chìm đắm trong bầu không khí mong đợi Chúa đến, bởi sự hiện diện của Ngài là then chốt quan trọng của đời sống Kitô hữu chúng ta. Đây cũng là dịp để nhắc nhở chúng ta: Mùa Vọng không chỉ là để chuẩn bị cho Giáng sinh nhưng còn là cơ hội để trở về với “nguyên tắc cơ bản” của đức tin: chấp nhận hay từ chối một cuộc hành trình với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ tập trung khám phá một số vấn đề của Tin Mừng hôm nay.

1.  Chúa sẽ đến - Một điều chắc chắn được đánh dấu nơi bản đồ hành trình lịch sử của cuộc đời chúng ta: Chúa sẽ đến. Cuộc hành hương của chúng ta trên trần thế sẽ kết thúc với một cuộc họp mặt cuối cùng.
Việc chờ đợi được nhắc đến bởi những lời khuyến cáo xuất hiện trong các phần trước đó của Tin mừng: “Hãy cẩn thận” (Mc 13, 5, 9); “Đừng để bị lừa gạt” (Mc 13,5); “Đừng sợ” (Mc 13, 7). Và giờ đây, chỉ trong một vài câu, hạn từ “tỉnh thức” lặp đi lặp lại ba lần (Mc 13, 33-37) cùng lời khuyên rằng “đừng để ông chủ tìm thấy bạn đang ngủ” (Mc 13, 36).
“Những gì Thầy nói với anh em, Thầy cũng nói với tất cả: Hãy tỉnh thức!” (Mc 13, 37). Điều này có ý nghĩa đặc biệt: Chúa Giêsu không chỉ nói với các tông đồ hoặc chỉ nói cho một hoàn cảnh lịch sử. Lời nhắc nhở của Ngài dành cho tất cả tôi và bạn, cho mỗi người, và ngày nay nó được tái diễn thông qua lời khuyến cáo của Giáo Hội, rằng một lần nữa chúng ta đừng để cho mình bị ru ngủ, sống trong mơ màng vì mọi sự trên đời. Chúa sẽ đến vào lúc ta không ngờ, vào giờ chăng ai hay.

2.  Sống trong sự tỉnh thức. Thông thường việc “tỉnh thức" là tình thái ngược lại với “mơ ngủ”, hay “quên lãng, mất tập trung”. Người biết tỉnh thức, canh chừng, cảnh giác có khả năng duy trì sự chú ý, không đánh mất tầm nhìn, nhiệm vụ hay mục tiêu. Tuy nhiên, thái độ “tỉnh thức” còn cụ thể hơn ở việc không “trốn chạy” hay “bỏ bê bổn phận”. Ông chủ đã trao cho các tôi tớ thẩm quyền để thực hành công việc của mình, và bổn phận chính của họ là “ở lại đó”, “hiện diện ở nơi mình được chỉ định”, không phải để việc của mình cho một ai khác.
Ngày nay, việc “bỏ chạy” như thế đã trở thành một “nghệ thuật” hoặc một tập quán xã hội. Người ta hay sợ trách nhiệm, sống quen trong men say của mọi sự giả dối và xem đó là lối thoát duy nhất để không cảm thấy gánh nặng khủng khiếp của thời gian và việc bổn phận.
Việc tỉnh thức mà Chúa nói trong Tin Mừng hôm nay, trên tất cả là để giúp nuôi dưỡng khát vọng trong chúng ta. Sự tỉnh táo với lòng ước ao, chờ đợi ấy sẽ giúp ta vững vàng và không để mình bị đánh cắp hy vọng trong những giấc mơ hão huyền, và tâm trí ta luôn hướng đến tương lai chắc chắn nơi đó có sự sống vĩnh cửu.
Thời gian chờ đợi Chúa đến, như lời Thánh Phaolo viết cho các tín hữu Thessalonica là điều mà mỗi chúng ta cần biết rõ: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm”. Vì vậy “chúng ta đừng ngủ mê trong các thói tật như những người khác làm, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ”, mặc áo giáp là Đức Tin và Đức Mến (1 Tx 5, 1-9).
Nếu bạn không cảm thấy cần phải cố gắng một lần nữa “vì mình đã đủ tỉnh táo”, thì trong thời gian này của Mùa Vọng bạn cũng không nên quên những điều này: mặc dù cuộc đời có nhiều đau khổ nhưng không thiếu niềm hạnh phúc và nhiều sự khiến bạn hài lòng. Cho dù bạn có trong tay mọi sự thì cũng phải nhớ rằng chúng ta không thể bám víu mãi hay níu kéo vào những gì trên trần đời này. Tuy bạn được “thiết kế” như thế cho một cuộc sống có giới hạn trên trái đất, nhưng niềm tin mách bảo với chúng ta rằng còn “gì đó” trong cõi vĩnh hằng. Nếu thế, bạn chờ đợi một ngày sẽ tới, và bây giờ, phải nghĩ đến việc sống sao cho trọn ven cuộc đời mình.
Con Thiên Chúa đã đến trong xác phàm nhân loại hai ngàn năm trước đây, đã trở thành Emmanuel-Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã đi vào cuộc sống của con người và được ghi danh giữa những người nghèo túng nhất. Xin Ngài giúp bạn khám phá ra niềm vui của sự chờ đợi một điều gì đó hay một Ai đó có thể làm thay đổi tâm hồn của bạn. (Barnaba Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment