23 August, 2010

Tự do Kitô giáo

Nói về Tự do – Bạn cần biết đến Đức Kitô chăng?

Không ít lần các bạn trẻ than phiền về việc người này người nọ ngăn cản họ làm chuyện nọ chuyện kia. Có lẽ đó cũng là chuyện thường tình về “tự do”. Con người ta từ khi bắt đầu có trí khôn luôn mơ ước làm một điều gì đó mà mình thích hoặc một việc gì đó được xem là quan trọng đối với bản thân, hoặc quyết định chọn và làm những điều cần thiết với cuộc đời mình. Chữ “tự do” với mỗi người trong chúng ta có thể được định nghĩa như là khả năng chọn lựa và hiện thực hóa một điều gì đó theo khả năng để phát triển và hoàn thiện con người chính mình.

Con người, nhờ khả năng tư duy và tinh thần sống động trong một thể xác tráng kiện, luôn ở trong một trạng thái mở ra với thế giới, biết đón nhận các khả thể và để chọn lựa và để hiện thực hóa những chọn lựa. Tự do là thành tố thuộc bản tính thiêng liêng của con người, bao hàm lý trí, ý chí, cảm nghiệm, lựa chọn, quyết định… bởi vậy không một thế lực vật chất nào có thể áp chế hoặc bóp chết tự do của con người.

Tự do là quyền của mọi người trên trái đất; con người được tạo thành để hưởng tự do. Qua mọi thời, con người ý thức rất mãnh liệt về tự do của mình. Con người có thể lựa chọn làm điều này hay điều nọ hoặc bỏ làm chuyện nọ hay việc kia; các dân tộc đó đây và cả nhân loại trên khắp thế giới luôn muốn xử dụng tự do một cách trưởng thành và được đối xử trong tự do cũng như được tôn trọng hợp nhân vị hơn. Từ điểm này, chúng ta hay nghe nói đến “đấu tranh cho tự do” vì lý do của việc điều hành và tổ chức xã hội không công bằng hay trong cách cư xử thiếu nhân bản giữa con người với nhau, hoặc tất cả những xu hướng tư tưởng có ảnh hưởng đến việc hành xử quyền tự do của con người.

Con người có thể mất “quyền tự do” của mình khi xâm phạm đến một luật lệ hay quy ước nào đó và phải chịu trừng phạt theo luật định, trong khi nơi chính bản thân họ sự tự do có thể tung cánh bay cao: tự do để tiếp tục “hoàn lương” và lựa chọn con đường đúng đắn phải bước đi, tự do thoát khỏi mọi ràng buộc và giới hạn hay những toan tính đê hèn để làm những điều vĩ đại và song cho những ước mơ và lý tưởng cao trọng khác.

Con người có thể tự đánh mất tự do khi bị lệ thuộc vào một điều gì đó hoặc một ai đó, và có thể đánh mất ngay cả khả năng chọn lựa hay quyết định căn bản nhất cho bản thân mình là “làm người”. Trường hợp này xảy ra khi con người bị lệ thuộc vào những đam mê, thú vui bản năng và tầm thường, cám dỗ vật chất; trở thành nô lệ cho các thói xấu hoặc thói quen không lành mạnh, hoặc những toan tính vị kỷ thấp hèn, hoặc một thế lực đen tối nào đó.

Khi bàn đến chuyện “bị lệ thuộc vào một ai đó”, đã có thời một số các nhà tư tưởng trình bày ý định giành lại tự do hoàn toàn cho bản thân mỗi cá nhân con người bằng cách “giết Thượng đế” và “giết tha nhân”, vì Thượng đế nô lệ hoá con người và người khác là kẻ đánh cắp tự do của ta – người khác là “địa ngục của tôi” (Nietzsche, J.P. Sartre).

Con người thường hay “nổi loạn” vì việc một ai đó ngăn cản không cho mình làm điều mình thích hay ước muốn. Cái bẫy của cám dỗ Tự do chủ nghĩa là “làm tất cả mọi sự tôi muốn, tôi thích” mà chẳng quan tâm đến điều rất đơn giản: Tự do của tôi phải dừng lại nơi điểm giới hạn hay điểm khởi đầu sự tự do của người bên cạnh tôi, bởi họ cũng có quyền được tự do như tôi, quyền mà không một ai trên thế gian này thể tước đoạt. Ngoài ra phải biết rằng: tôi chẳng còn tự do thực sự nữa nếu tôi chỉ muốn và thích làm những điều bất chính.

Việc nhìn nhận hay chối bỏ Thiên Chúa vì tự do cũng có nguyên nhân. Người ta hay “khó chịu” khi nghĩ đến việc có một “Ai đó” cứ chăm chắm xoi mói đời tư của mình. Có người ghét Thiên Chúa vì nghĩ rằng Ngài luôn “kiểm soát” mình, biết hết mọi chuyện sâu kín trong lòng mình. Lạ hơn nữa, nhiều người dù không tin là Ngài hiện hữu lại cảm thấy khó chịu khi nghe người khác nói về Thiên Chúa, vì dù sao vẫn cảm nhận “miên man” rằng có “ai đó ngồi trên đầu mình”. Có người ghét Thiên Chúa chỉ vì họ được người khác giới thiệu về một Thiên Chúa rất “lạ đời” - Ngài như một hung thần có quyền lực mà thiếu lòng nhân ái, chỉ thích chờ con người phạm sai lầm rồi trừng phạt; bảo là “quyền năng và yêu thương con người” mà lại cứ để cho họ chìm ngập trong đau khổ triền miên. Tội nghiệp cho Ngài vì bị hiểu nhầm, vì chưa một ai có khả năng biết rõ hoàn toàn bản thân Ngài mà người ta lại vội vàng kết luận những điều tội tình như thế!

Chúng ta có thể tự hỏi, Thiên Chúa có giết chết tự do của tôi không? Câu trả lời hệ tại vào những điểm căn bản cần tra vấn thường xuyên như thế này: Với tôi, Thiên Chúa là ai? Là bạn hay là thù? Người ghét bỏ tôi hay yêu thương tôi? Điều gì Ngài muốn nơi tôi?...

Nếu bạn là người tin Thiên Chúa, bạn có thể hiểu thêm điều này nhờ vào Đức Kitô, rằng: Con người có liên hệ mật thiết với Thiên Chúa và với nhau. Mối liên hệ này không chỉ bằng máu thịt mà còn là tinh thần trong gia đình Thiên Chúa, nơi Ngài là Cha và mọi người là anh chị em của nhau. Tự do như thế nằm trong quyền làm người và quyền được làm con Thiên Chúa. Giống như Thiên Chúa là Cha – Đấng tự do hoàn toàn và là sự Tự do trọn vẹn, là Chân-Thiện-Mỹ toàn hảo, con cái Ngài cũng được thừa hưởng đặc tính này. Họ là những người sống tự do theo tiếng gọi của Thần khí Thiên Chúa và theo khuôn mẫu của Đức Kitô – Đấng đã giúp con người khám phá ra trong chính sự giới hạn của bản thân mình ánh sáng của Cõi Vĩnh hằng đích thực soi rọi từ Thiên Chúa Tình yêu; khám phá ra trong mọi hoàn cảnh trói buộc của kiếp nhân sinh sự tự do khỏi mọi luật lệ ràng buộc bóp chết tình yêu thương và lòng tốt nơi con người. Đó là sự tự do để vươn tới và hy vọng luôn luôn nơi sức mạnh của Sự thật cho dẫu sống giữa ngàn nghi nan và dối trá. Đó là sự tự do tước bỏ những đam mê vị kỷ, để mở rộng hơn cõi lòng mình cho và với người khác cho dẫu luôn phải sống chu toàn bổn phận của chính mình trước đã cùng với những lo âu kiếp người. Đó là sự tự do để can đảm hoán cải và canh tân bản thân, dù sống giữa bao toan tính xấu xa gặp phải vẫn tiếp tục giữ chữ “Tâm”, chữ “Tình”, chữ “Đạo” chữ “Nhân”… trong sáng và trọn vẹn như lời mời gọi của Thiên Chúa.

Bạn có thể thử dành một chút thời gian ngắn ngủi nào đó để tiếp tục khám phá, rằng Đức Kitô “là Đường, là Sự thật và là Sự Sống” như Ngài nói, có thể giúp bạn tìm thấy một chút tự do nữa chăng? Hay ít nhất là: nếu việc có một “Ai đó”, với quyền tự do hoàn toàn, đã dám chọn con đường minh chứng cho Tình Yêu, Sự Thật và Tha Thứ dẫu phải trả giá bằng cái chết… đối với bạn vẫn còn giá trị như một điều thật cao đẹp và đáng trân trọng, thì bạn có thể thử sống như vậy xem sao! (Lê An Phong, SDB)

Chuyện Tình yêu - bạn trẻ

Chuyện Bạn trẻ -Thông điệp Tình yêu và tình yêu thật.
Từ lâu trên nhiều nơi công cộng, người ta thường hay thấy những hình ảnh ngộ nghĩnh, thường là những cách tỏ tình khá “cá tính”, “không đụng hàng” và theo nhiều chiêu nhiều kiểu độc đáo của nhiều chàng trai, như sắp hoa hồng hoặc thắp nhiều cây nến thành hình trái tim, hoặc xếp đá cuội thành hàng chữ “I love you”, hoăc “T&T for ever”, v.v… Ai trông thấy cũng phải thán phục cho tình yêu mạnh mẽ của đôi bạn tình này, và hy vọng là họ sẽ được toại nguyện với mơ ước tình yêu đượm nồng hương sắc tươi trẻ.

Ở một số nơi khác, người ta lại bắt gặp “mode” tỏ tình đặc biệt hơn. Đó là những chùm ổ khoá đủ mọi cỡ mọi loại, ghi chi chít những thông điệp tình yêu đại loại như TVB - tiếng Ý: Ti voglio bene, giống như tiếng Anh: I love you, A & B for ever …(xem hình).

Các đôi tình nhân trong một dịp nào đó đi dạo với nhau; họ muốn đánh dấu mối tình tuyệt đẹp đang trong những ngày “người đi một nữa hồn tôi mất”. Thế là đôi bạn mua ngay một ổ khoá hoặc thậm chí một dây khoá loại tốt, dùng sơn hoặc bút mực thật tốt và có thể chịu mưa nắng lâu ngày để viết lên trên thân ổ khoá những dòng chữ ghi nhớ tên mình, hoặc ngày tháng kỷ niệm nào đó hoặc một lời thề thốt. Ổ khoá được gắn vào một chỗ chắc chắn (trụ điện, hàng rào sắt, các nhịp cầu…) còn chìa khoá thì được tung xuống dòng sông hay một nơi bất kỳ mà khó tìm lại được. Một kỷ niệm tình yêu như thế đã được ghi khắc và cố định với ổ khoá chắc chắn mà không ai mở được trừ khi người ta …cưa bỏ nó đi thôi!
Có lần trong ngay lễ Tình yêu, các nhà báo đã phỏng vấn một vài đôi nhân tình đang gắn ổ khoá trên cầu và thề thốt với nhau… Các bạn trẻ đã vui vẻ trả lời rằng: họ không chắc lắm là sẽ yêu nhau mãi mãi, vì thời nay chuyện đó là …khó nói, và chỉ những ai “cổ điển” mới nghĩ tới chuyện “một lần hò hẹn là cả trăm năm”. Tuy nhưng họ vẫn tin và hy vọng cho tình yêu tuyệt đẹp và những tháng ngày mộng mơ như thế tồn tại mãi mãi.
Thế còn chuyện bền lâu thật sự của tình yêu này thì sao? Nhân loại bao nhiêu năm nay rồi không thiếu nhưng chuyện tình thề non hẹn biển mà cuối cùng lại đổ vỡ, chia lìa vì hoàn cảnh chiến tranh, vì nghịch cảnh này nọ và vì lòng dạ con người đổi thay ...

Tại một nơi khác ở Roma, gần Quảng trường Nhân Dân (Piazza del Popolo), người ta bắt gặp trên mặt đường, nhìn từ trên cao xuống, một dòng chữ lớn viết rằng: “Sau một năm, chúng ta lại có mặt tại nơi này để nói về tình yêu” (Xem hình).
Sau một năm để vẫn còn biết là mình yêu nhau như lời thề hôm nào đã là “một kỳ công” đáng ghi nhớ! Cuộc hò hẹn tại chốn cũ để lại nói về tình yêu sau một năm thề thốt quả là đẹp thật, nhưng tình yêu được đo bằng thời gian ngắn ngủi như thế thì mong manh quá chăng?

Có ai đó đã hát rằng: “Yêu nhau mấy núi cũng leo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua…thì ai ơi … xin đừng… chưa tan buổi chợ đã chia đôi đường”. Cái gì đẹp, khó tìm và dễ tan vỡ thì lại đáng để người ta trân trọng và nâng niu lắm đấy bạn ạ! ( Lê An Phong, SDB)

24 July, 2010

Một thoáng suy niệm


LỜI KINH CHO NHÀ GIÁO DỤC - NGƯỜI KHƠI DẬY HY VỌNG


Lời kinh này trích dịch từ cuốn sách mang tựa đề “ Con đường dẫn đến tự do” của Paolo Giuntella (Nhà xuất bản Paoline), một nhà báo và cũng là một nhà giáo dục luôn nghĩ đến các bạn trẻ qua những mẩu chuyện kể của mình. Cũng giống như bao kinh nguyện tự phát khác, đây là tâm tình đơn sơ với Thiên Chúa của một cá nhân. Tuy vậy những nhà giáo dục có thể suy nghĩ qua lời kinh này những định hướng thiêng liêng cho công việc hằng ngày của mình.

Lạy Chúa, xin hãy biến đổi con, trong sự nhỏ bé của mình, trở thành một người kiến tạo và khơi dậy niềm hy vọng.

Hãy làm cho các bạn hữu, anh em của con thành những người kiến tạo hy vọng.

Lạy Chúa xin hãy giúp con hoàn thiện chính mình trong việc phục vụ người khác, đừng ù lỳ hay ngồi yên trong những công việc bó buộc, và luôn ý thức rằng ngay trong những điều tốt đẹp và thành công nhất đã làm được vẫn luôn còn đó những giới hạn.

Xin hãy giúp con nghe ít lại giọng của chính mình, bớt đắm chìm miên man trong những gì mà con làm được để cùng bạn hữu thực hiện những suy tư, những mơ ước khác của chính Ngài, giống như Don Bosco và và những vị thánh khác đã làm.

Xin hãy làm cho con trở nên một chút trẻ thơ, cùng với chiếc mũi đỏ của anh hề dễ thương để làm cho người lớn cũng như trẻ con được cười vui.

Xin hãy giúp con, khi cùng cười với ngườ khác, con bớt nghiêm khác hơn và không rơi vào bẫy của tính bi quan và hoài nghi rằng chẳng có sự gì thay đổi.

Xin hãy giúp con cảnh tỉnh hơn với những gì mình nghĩ là “tuyệt đối đúng, tuyệt đối tốt, tuyệt đối an toàn” đến nỗi không cần phải sám hối hay canh tân mỗi ngày.

Hãy giúp con biết yêu thương những kẻ bị xem là “không tốt”, biết trở thành tội nhân giữa bao tội nhân khác và những ai cần đến ơn tha thứ, những kẻ khao khát tự do, công bằng và hạnh phúc; biết trở thành người yêu chuộng hoà bình, hiền lành với mọi người ngay cả khi con có thể nổi giận, thanh tản tâm hồn ngay cả khi chìm ngập trong thất vọng và ở giữa những kẻ hoài nghi bỡn cợt với những điều con đang nguyện xin hay là với các Mối phúc Tin Mừng.

Lạy Chúa con khao khát được đứng thẳng lưng và không trở nên nô lệ cho cường quyền bạo lực, được can đảm nói “có” hay “không” với những gì mời gọi con thực hiện cho lợi ích của mọi người và vì danh Chúa.

Xin hãy ban cho con khả năng lắng nghe những lời khuyên răn, sự khiêm tốn để học hỏi từ mọi người, lòng say mê tìm kiếm những điều mới lạ để con tiếp tục cuộc tìm kiếm các mầu nhiệm ẩn kín nơi mỗi con người, khám phá nơi mỗi khuôn mặt trang “lịch sử thánh thiêng” mà Chúa đã viết nơi cuộc đời họ.

Lạy Chúa, con biết rằng: mỗi một em nhỏ, mỗi một con người là sự hiện hữu độc đáo và không rập khuôn. Xin hãy giúp con đọc được nơi họ cái nguyên nguồn ấy, để từ đó khơi gợi trong con những chất vấn mà con phải tìm cách giải đáp bằng lời nói, bằng sự hiện diện và bằng cả cuộc đời của chính con đây.

Lạy Chúa, xin hãy giúp con biết sống phục vụ hơn là được phục vụ, hành động hơn là nói suông, biết yêu thương những ai cần được yêu thương, yêu thương ngay cả giữa những gì khác biệt, biết tha thứ và hoán cải mà không phải chờ đợi quá nhiều thời gian, vì lòng thương xót và sự tha thứ là ơn thuộc về con cái Chúa.

Lạy Chúa, Ngài đã mời gọi con hoạt động như một nhà giáo dục, như một người phải hoá thân vào những người khác, nơi là cung thánh Ngài hiện diện, cho dẫu đó là một đứa trẻ lang thang bụi đời, một nạn nhân thương tâm của bạo lực, một em nhỏ bị bỏ rơi hay bị từ khước quyền được sống. Con không muốn làm cho Chúa phải thất vọng, và con tin là Chúa luôn luôn ở bên cạnh con. Amen.
(Lê An Phong, SDB sưu tầm và chuyển ngữ)

21 July, 2010

Trang sách cuộc đời

Suy nghĩ một phút ...

Nhiều người thích viết nhật ký mỗi ngày, vì họ muốn ghi lại những sự kiện đáng nhớ hoặc tâm tư của mình. Qua những dòng chữ trên giấy, ta có thể hiểu được một tâm hồn.

Cuộc đời của mỗi chúng ta từng ngày trôi qua với nhiều chuyện không thể ghi chép hết được. Mỗi một ngày là con chữ, một dấu chấm, dấy phẩy; là một câu, một đoạn, một trang sách. Từng ngày nối tiếp nhau như thế làm thành cuốn lịch sử của đời ta.

Sống làm sao đây? Điều gì là quan trọng: quá khứ, hiện tại, tương lai?

Một bậc tiền bối của chúng ta đã viết những dòng tâm sự như sau: "Chỉ giây phút hiện tại quan trọng. Đừng nhớ ngày hôm qua của anh em để chỉ trích. Đừng nhớ ngày hôm nay của con để khóc lóc. Nó đã vào dĩ vãng. Đừng nhìn ngày mai của con để bi quan. Nó còn trong tương lai. Giao quá khứ cho lòng nhân từ Chúa, giao tương lai cho sự quan phòng Chúa, giao cả cho tình yêu Chúa."
(Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, Đường hy vọng, số 898).

(Lê An Phong,SDB)

16 July, 2010

Hỡi bạn trẻ - bạn nghĩ bạn là ai?

Người ta có nhiều định nghĩa về giới trẻ theo các góc độ khác nhau về tâm sinh lý, về tuổi tác, về quan niệm sống. Sau đây là phần trích dịch một vài định nghĩa thú vị của Giám mục Domenico Sigalini, người đã từng làm việc mục vụ giới trẻ của Hội đồng Giám mục Itlay 1991.

Bạn là người đang ở độ tuổi xuân trào tràn sức sống, chan chứa niềm vui và ước mơ
Bạn là người cảm thấy tự do thực sự: hôm nay vươn mình thức dậy lúc tinh sương và cảm thấy muốn chinh phục cả thế giới, rồi ngày hôm sau có thể nằm dài trên giường tới trưa vì biết có người sẽ lo cơm nước cho mình.
Bạn là người khôn ranh biết mình được yêu mến, ít nhất là ba và mẹ là những người luôn ngăn cản bạn, nhưng cuối cùng họ cũng để cho bạn làm điều mình muốn và luôn bào chữa cho bạn trước mặt mọi người
Bạn là người biết vượt khó khăn và có đủ năng lực để làm chuyện đó dù đôi khi còn bối rối.
Bạn là người hay mắc phải sai lầm và lại bắt người khác hứng chịu hậu quả.
Bạn là người vẫn luôn “may mắn” tìm thấy áo quần tươm tất và thơm tho cho mình.
Bạn là người hay gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ để diễn đạt chính mình, nên phải nhờ trang phục và mọi sự khác diện trên mình nói hộ.
Bạn là người hay có những phút điên khùng và nhận ra rằng người lớn cũng có nhiều lúc khùng điên như bạn.
Bạn là người ao ước ngày hôm nay phải là một ngày thụ hưởng tối đa dẫu biết rằng sau lúc đó là những khoảnh khắc trống vắng chán chường không chịu nỗi.
Bạn là người thích rảo quanh đây đó với một vài người bạn để thỉnh thoảng lại làm những chuyện không đâu vào đâu mà chẳng cảm thấy đó là vấn đề.
Bạn là người vẫn hay lạng lách vượt ẩu trên đường mà vẫn luôn hy vọng là sẽ đi đến nơi về đến chốn.
Bạn là người cảm thấy trái tim bừng vỡ vì một ai đó nhìn vào mắt bạn và “hình như” muốn nói điều gì đó với bạn.
Bạn là người xinh đẹp thực sự dầu rằng vài lần không cảm thấy can đảm để ngắm mình trong gương và lại thở dài ngao ngán vì nghĩ rằng người khác lại vẽ vời về mình chứ thực sự mình chẳng được vậy.
Bạn là người ao ước được sống như anh chàng đẹp trai con nhà giàu đã từng gặp Đức Giêsu mà lại sợ hãi lựa chọn ấy vì một chút từ bỏ.
Bạn là người cảm thấy mình được sinh ra để làm những sự vĩ đại nhưng lại chỉ gặp những chuyện tép riu.
Bạn là người hay cảm thấy mình bị lãng quên, nay đây, mai đó, chẳng có gì hài lòng và thấy mình xuống cấp nhanh chóng.
Bạn là người rất “thoáng”, tò mò muốn biết mọi chuyện trên thế giới, về khoa học, thơ văn, mỹ học.
Bạn là người muốn thử các “trò chơi cuộc đời”, dẫu biết rằng đâu đó vẫn còn sự ngăn cấm.
Bạn là người cảm thấy mình là chủ thân xác này và muốn làm gì với nó thì mặc bạn, chẳng muốn ai can ngăn hay “xía” vào chuyện “quyền lợi riêng tư” này.
Bạn là người cảm thấy mình may mắn và vui vẻ vì có được một ông bố hay bà mẹ “biết tâm lý”, chìa ngay cho bạn “ty tý” tiền tiêu khi nhìn vừa thấy vẻ mặt thiểu nảo của bạn mà chẳng cần phải đợi nói một lời.
Bạn là người trong những giây phút hạnh phúc và đầy đủ nhất vẫn còn khao khát điều gì đó hoàn hảo và cao xa hơn mà bạn chưa từng trải nghiệm; cõi lòng của bạn dù đã mở ra mà vẫn chưa đủ sức để đón lấy nó.
Bạn là người cảm thấy trong thâm tâm khao khát chiêm ngắm một bóng dáng ai đó mà mình vẫn chưa thể định hình, cho dù trước mặt bạn đã có một khuôn mặt nam nhi đẹp trai hay một bóng hồng xinh xắn mà bạn nghĩ vẫn là trò đùa.
Bạn là người thức dậy một buổi sơm mai và tự hỏi mình : Tôi đang đi đâu đây? Tôi sẽ làm gì đây? Ai có thể đong đầy trái tim tôi? Tôi có thể thực hiện mơ ước của mình? Có một ai yêu thương tôi không? Tôi vẫn còn mơ ước cho tương lai phía trước của đời mình?
Bạn là người hiểu ra rằng chuyện “xả láng” một chút hôm nay để ngày mai có cái mà kể lại cho bạn bè, một buổi nhậu lai rai vài chai bia, một chút nổi loạn với vài hơi cần sa và làm quen với vài tay anh chị đàng điếm … chẳng bao giờ làm bạn thỏa mãn cả. Vẫn còn lại đó nỗi trống vắng mà bạn phải tìm cách lấp đầy…
(Lê An Phong, SDB, chuyển ngữ)

09 July, 2010

Bóng đá – Thiên đàng nơi trần gian
(Joseph Ratzinger – 1985)
Suy nghĩ dưới đây về bóng đá được viết bởi Đức Hồng Y Ratzinger, có thể gây ngạc nhiên cho những ai không biết tác giả. Trong thực tế, bên cạnh tính chất một bản văn có tính suy tư nhân bản sâu sắc, bài viết còn giúp làm sáng tỏ nhân cách của ngài, bởi vì ta có thể thấy rằng Đức Giáo hoàng Benedict XVI không phải là một nhà luân luân lý khó tính hoặc một trí thức hợm hĩnh đánh giá thấp các sự kiện thể thao, đặc biệt nếu chúng liên quan đến đại chúng và lớp bình dân.
Đức Giáo hoàng hiện nay, khác xa những gì mà người ta gán cho ngài, là một người nhẹ nhàng và tình cảm. Trong khi đó, ngài cũng rất can đảm và thẳng thắn trong việc giữ gìn phẩm giá con người và đức tin cho những người bình dân.
Văn bản viết về World Cup, giải thích lý do niềm đam mê bóng đá của mọi người. Tác giả Ratzinger phân tích về tính chất của trò chơi, và bóng đá nói riêng, là một cái gì đó hoàn toàn nhân bản. Trong thực tế, bóng đá là một tổng hợp giữa tự do (vượt quá nhu cầu của cuộc sống hàng ngày và đáp ứng cho nỗi nhớ về một thiên đường bị đánh mất, dự phóng cho cuộc sống tương lai, niềm vui của chiến thắng…) và các quy tắc (luật chơi của sự hợp tác, điểm qui chiếu của tự do và những khác biệt, tranh chấp, và có thể nhờ đó mà giáo dục đời sống con người).

Theo như thông lệ, cứ 4 năm một lần, giải vô địch bóng đá thế giới được tổ chức, một sự kiện thu hút hàng triệu người. Không một sự kiện nào trên trái đất này có thể tạo nên một hiệu ứng rộng lớn như sự kiện thể thao này, một sự kiện chạm đến yếu tố trong căn cội cuộc sống con người và khơi lên trong chúng ta câu hỏi: dựa vào đâu mà trò chơi này có một sức mạnh như thế.
Những người bi quan sẽ nói rằng nét căn bản cũng giống như thời Roma cổ: Ý kiến của số đông quần chúng thời đó là : panem et circensis – bánh mì và xiếc. Như thế bánh mì và trò chơi là những mục tiêu căn bản và thiết thực cho cuộc sống, và ngoài chúng ra chẳng còn gì cao hơn nữa.
Nếu chúng ta có chấp nhận việc giải thích như thế thì xem ra vẫn chưa đủ. Người ta có thể đặt thêm câu hỏi rằng: đâu là yếu tố làm cho trò chơi thành hấp dẫn và được đặt ở mức quan trọng ngang hàng với bánh mì?
Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này dựa vào truyền thống Roma cổ, vì vào thời đó, việc yêu cầu bánh mì và trò chơi là một kiểu diễn đạt sự mong muốn, khao khát một cuộc sống hạnh phúc của Thiên đàng, một cuộc sống no thỏa không cần lao lực và một cuộc sống trong tự do trọn vẹn. Từ yếu tố này người ta phân tích thêm: trò chơi là một hoạt động hoàn toàn tự do, không vì lợi lộc và không có sự ép buộc, nhưng đồng thời lại đòi hỏi toàn bộ sức lực của con người. Theo nghĩa này, trò chơi là một loại nổ lực “trở về Thiên đàng”: là sự vượt thoát khỏi những gì nghiêm nhặt trói buộc hằng ngày, nhất là việc kiếm sống, để được sống trong tự do nghiêm chỉnh với những gì chẳng ép buộc ta, và vì thế những giờ phút đó trở nên tuyệt vời.
Như vậy chúng ta thấy trò chơi vượt qua những gì đơn điệu của cuộc sống thường nhật. Hơn thế nữa, nhất là đối với trẻ con, trò chơi còn mang nét đặc trưng của việc luyện tập cho cuộc sống tương lai. Các em được sống trước những tình huống có tính cách biểu tượng từ cuộc sống thực tế một cách có hệ thống.
Theo tôi, sự hấp dẫn của bóng đá hệ tại ở chổ cả hai yếu tố tự do và nổ lực, được nối kết theo một cách thức hết sức thuyết phục. Bóng đá đòi buộc người ta ép mình vào một qui tắc cùng với việc huấn luyện, việc làm chủ bản thân; từ tự chủ đến trổi vượt, nổi bật; từ nổi bật đến tự do. Hơn thế nữa, bóng đá luyện con người sự cảm thông theo nguyên tắc đúng đắn: chơi trong một đội với vai trò riêng biệt nhưng hiệp nhất với người khác cho một mục tiêu chung; thành công hay thất bại của từng người liên kết với chiến-bại của cả đội.
Bóng đá dạy người ta sự tranh đua hợp lệ: nơi đâu có luật lệ chung, nơi đó người ta phải tuân thủ; luật chơi trở thành điểm nối kết các bên đối lập.
Sau hết chúng ta nói đến sự tự do trong trò chơi: nếu người ta biết điều hướng nó cách đúng đắn, sẽ loại bỏ được tính khốc liệt của việc tranh đua.
Những người tham dự trò chơi từ ghế khán đài hay tự đồng hóa mình với các vận động viên hoặc cầu thủ, và theo cách thức cá nhân, họ cũng tham dự vào những cuộc đọ tài nghiêm chỉnh và tự do: các vận động viên hay cầu thủ trở thành thần tượng sống của cuộc đời những người tham dự trò chơi. Đối với người vận động viên hay cầu thủ, tới lượt họ, họ biết rằng mình đang là đại diện cho sức mạnh chung và được mọi người ủng hộ.
Một cách tự nhiên, ngày nay tất cả trò chơi có thể bị ảnh hưởng bởi “tinh thần thương mại” với những toan tính tiền bạc, từ trò chơi lành mạnh trở nên trò chơi gian trá và tạo ra một thế giới giả tạo với nhiều dáng vẻ đáng ngại. Tuy vậy, chúng ta có thể nói rằng: cho dù trò chơi có bị thay đổi và thiếu đi tinh thần thể thao vốn phải có, thì nó vẫn mang nét của cuộc thao dợt theo hướng “tìm lại thiêng đàng đã mất”. Trong mọi trường hợp, người ta cần phải tìm kiếm nguyên tắc của sự tự do, tham gia trò chơi với sự cảm thông, tranh đua lành mạnh, thông hiểu và chấp hành những qui tắc chung.
Có lẽ khi suy nghĩ về những điều trên, chúng ta có thể học từ trò chơi thể thao bài học về cuộc sống, bởi vì ở đây có một thứ rất căn bản: con người không chỉ sống vì cơm bánh, thế giới của vật chất chỉ là khúc dạo đầu của một nhân loại thực thụ - nhân loại trong thế giới của sự tự do. Tuy nhiên sự tự do này luôn phải được nuôi dưỡng từ việc tôn trọng các nguyên tắc, luật lệ. Đó là những chỉ dẫn cho việc hợp tác hay thi đua hợp lệ, sự độc lập khỏi những thành công hay thất bại bên ngoài, hoặc theo ý đồ cá nhân, và như vậy trò chơi sẽ thực sự mang tính tự do. Trò chơi thể thao (như bóng đá) là chính cuộc sống. Nếu chúng ta biết đào sâu vào ý nghĩa thực sự của nó thì hiện tượng say mê bóng đá có thể giúp chúng ta hiểu thêm nhiều điều của cuộc sống chứ không đơn thuần là một trò tiêu khiển. (Lê An Phong, SDB chuyển ngữ)

27 June, 2010

TUẦN THÁNH VỚI CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI THỤY SĨ
Từ những cuộc gặp gỡ - Còn một chút gì để nhớ để thương…


Những ngày đầu tiên…
Tôi nhận lời mời của cha phụ trách Cộng đoàn Công giáo Việt nam tại Thụy Sĩ để giúp chuẩn bị Tuần thánh và Phục Sinh 2010 mà lòng phân vân, không biết mình phải làm gì! Cũng không có gì làm lạ, vì đây là dịp đầu tiên tôi đi giúp mục vụ một cộng đoàn công giáo người Việt nam tại nước ngoài, trong khi tuổi đời linh mục của mình chưa quá 5 năm! Tôi hỏi kinh nghiệm những anh em đi trước, họ chỉ nói với tôi rất ít lời: Cứ đi, hãy đến mà xem rồi sẽ biết. Kể ra cũng đáng lo chứ!
Nhiều lần đi giúp tông đồ vào mùa hè và vào các dịp lễ trọng cho các cộng đoàn hay giáo xứ “người ngoại quốc” ở Italy, tôi đã dần quen cách làm việc của người ta, và nhiều khi mình cũng quen “xếp loại” các mối tương quan theo tiêu chuẩn già - trẻ, lớn - bé, sốt sáng và nguội lạnh, cha làm việc cha, con làm việc con… Tôi băn khoăn tự hỏi liệu “người ta”bên Thụy Sĩ có bị “tây hóa” hay chưa để liệu cách mà “đối phó”! Sau gần 10 ngày đây đó cùng Cộng đoàn Công giáo Việt nam tại Thụy Sĩ, tôi đã hiểu phần nào rằng: cái lo của mình hơi bị ngớ ngẫn!
Phải nói rằng mỗi một cuộc gặp gỡ luôn mang đến cho ta cái thú vị của nó, nhất là khi biết rằng mỗi một con người là một thế giới nhỏ và riêng biệt, lại được hòa quyện vào thế giới lớn hơn, như triết lý về cái “tiểu ngã” và “đại ngã” mà nhiều người hay nói đến. Tôi cũng muốn có sự hòa nhập đó giữa tôi với mọi người mà tôi chưa hề quen biết, thông qua những kinh nghiệm sống được chia sẻ và qua những giây phút gặp gỡ thân tình. Từ ý nghĩ đơn sơ này, tôi đã chuẩn bị các ý tưởng để chia sẻ với mọi người trong tình thân ái hơn là nghĩ đến các “bài giảng” tĩnh tâm được trình bày một cách hùng hồn (điều mà Chúa chẳng ban cho tôi qua cái giọng “trọ trẹ” nhẹ nhàng, nghe vui tai mà cũng…gây buồn ngủ vô cùng!).
Có một điều mà tôi thử hình dung ra và chờ đợi trước khi đến Thụy Sĩ (như kinh nghiệm mục vụ nơi các giáo xứ bên Tây)là mình sẽ nói chuyện với một nhóm khoảng hai ba chục người lớn tuổi thuộc hạng U3, tức là một thế hệ đã bắt đầu chững lại để nghĩ tới các “sự sau cùng”. Thức tế lần gặp gỡ đầu tiên ở nơi tĩnh tâm mà cộng đoàn đã chọn khiến tôi ngỡ ngàng: Cả gia đình cùng đi, lớn nhỏ cùng đi, cha mẹ và con cái, ông bà và cháu chắt cùng đi. Mọi người đã hy sinh dịp week-end để tìm đến nơi gặp gỡ Chúa và gặp mặt nhau. Với tôi đó là dấu hiệu của một hồng ân, một sự chúc phúc vì có Chúa hiện diện: Nơi đâu có hai hay ba người họp lại vì danh Chúa, Ngài sẽ ở giữa họ, huống chi đây có hơn cả trăm con người thành tâm thiện chí!
Tôi lại tự thắc mắc: có lẽ nơi xứ lạ quê người, người ta thích gặp nhau cuối tuần một chút chăng, và tiện đó đem theo cả gia đình cho vui vẻ ấy mà? Không phải vậy, vì đây với mọi người, không phải là lần đầu tiên có các cuộc gặp gỡ như vậy. Tôi được biết thêm là nhóm các gia đình trẻ đã quen biết nhau từ thưở thiếu thời, nay đến lượt họ, những ông bố bà mẹ trẻ lại mang con cái mình đi theo để chúng lại vui chơi và sinh hoạt chung với Cộng đoàn. Một nét “truyền thống” đáng yêu thay!
Giá mà tôi biết thêm một chút tiếng Đức thì hay biết mấy, vì có thể thỏa trí tò mò mà hỏi chuyện các em nhỏ để xem chúng có thích những dịp “hẹn hò” như vậy không. Tiếc là tôi chẳng biết làm sao để trò chuyện với các em ngoài những lời chào đơn sơ và nụ cười thân thiện bẩm sinh của người Việt ta, nhưng chỉ cần nhìn xem khuôn mặt các em, qua lời ca, điệu múa và những màn kịch đơn sơ cùng lời thoại bằng tiếng Việt ấp a ấp úng…tôi cũng đủ cảm thấy niềm vui nơi mọi người hiện diện. Tôi lại tham lam mơ ước rằng: giá như có thêm vài nữ tu (chứ không chỉ có hai chị hiện diện) và vài “ông thầy” cùng một số anh chị huynh trưởng “quân nhà ta”lớn lên nơi xứ người sinh hoạt với các em nhỏ, chắc hẳn các em sẽ có được sự trợ giúp, một sức sống tinh thần mạnh mẽ và nhiều niềm vui hơn nữa từ những bước đầu đời.

Những ngày tiếp theo và kết thúc…
Điều mà tôi phải “đối phó” là các câu hỏi liên quan đến những đề tài được chia sẽ. Tôi cứ sợ (lại sợ như nhiều người sợ…sa hỏa ngục đời đời vì những thứ mình không chắc có phải là tội hay không!) những gợi ý trả lời của mình lại “phạm húy”, hay đụng tới trường hợp cá biệt của một ai đó thì “ hỏng hết mọi việc”; nhưng sau vài ngày không thấy ai đến “mắng vốn”, tôi lại thấy “an tâm” hơn, vì im lặng cũng là nói một lời đồng ý rồi! Tôi chỉ thầm cầu nguyện thêm và xin ơn Chúa cho mọi người mà tôi gặp gỡ, vì rằng: chính Chúa chứ không ai khác sẽ giúp mỗi người tìm ra câu trả lời cho những vấn nạn về cuộc đời chính mình. Ngài sẽ soi sáng để ta tìm thấy lối đường phải bước đi. Tuy nhiên để lắng nghe tiếng Ngài, điều cần thiết phải biết rộng mở cõi lòng, trong khiêm cung lắng nghe và bình tâm quan sát, để khám phá thông điệp Thiên Chúa muốn nói cho mình qua các sự kiện, dấu chỉ thời đại, qua Lời Chúa và qua kinh nguyện thiêng liêng cùng các cử hành phụng vụ với Cộng đoàn...
Trước mắt tôi, khi nhìn cộng đoàn dân Chúa tụ họp lại từ nhiều vùng khác nhau cách xa hàng trăm cây số, từ St Gallen đến Solothurn và từ Zurich đến Bern, dân Việt Bắc-Trung-Nam và dân Á cùng dân Âu tề tựu quanh bàn thờ để cử hành các nghi thức Tuần thánh và Thánh lễ…, có một thông điệp mà Chúa muốn nói với tôi và tôi đã đọc được là: Giáo Hội – một thân thể nhiệm mầu, được liên kết bằng chính Ngài, rộng lớn hơn những gì tôi nghĩ, vượt qua mọi biên giới và mọi ngăn cách của màu da, tiếng nói, văn hóa, chính kiến, điều kiện kinh tế, học thức và địa vị xã hội...
Trong cái rộn ràng và bon chen của cuộc sống, khi con người không cần đến Thiên Chúa, mọi người mà tôi được gặp vẫn còn cảm thấy cần đến Chúa, và có khi lại cần đến Chúa nhiều hơn. Tôi nghe và thấy mọi người đang lo lắng cho Giáo Hội trong cơn thử thách vì bị tấn công bởi nhiều người thiếu thiện chí và các sự việc quấy nhiễu đáng tiếc bị các phương tiện truyền thông thổi phồng; mọi người đã và đang cầu nguyện cho các linh mục biết sống xứng đáng hơn với ơn gọi của mình, cho người đau khổ và bất hạnh được tìm thấy bình an... Bên cạnh đó, tôi còn thấy nhiều ông bà, anh chị em, trong âm thầm phục vụ cộng đoàn từ chuyện lễ nghi, tập hát, âm thanh ánh sáng đến chuyện cơm ăn nước uống…mà không thấy kêu than hay đòi hỏi điều gì cả. Đó là dấu hiệu của thiện chí và trách nhiệm mà người Kitô hữu được mời gọi sống trong mỗi một cộng đoàn theo ơn gọi của mình, như những viên đá sống động xây dựng Giáo Hội, theo lời Thánh Phao-lô tông đồ.
Qua những câu chuyện kể lại, tôi được biết rằng đã trôi qua thời gian nhiều năm tháng Cộng đoàn sống trên “quê người”, và phần nào đã trở thành “quê ta” trong sự an cư lạc nghiệp của thế hệ con cháu. Đó là một hồng ân và cũng là một cuộc Vượt qua với Chúa, được sinh ra, lớn lên và được thử thách trong thời gian để lớn mạnh cho đến hôm nay, khi mà cả ba thế hệ tạm gọi là U1, U2 và U3 cùng gặp nhau trên sân khấu để thử tài đố vui và thi Giáo lý với sắc thái biểu lộ khác nhau: Giới “già” U3 có cái khôn ngoan và từng trãi của đau khổ, của thất bại và thành công trong đời nên thận trọng hơn với những lời dạy của Chúa và Giáo Hội. Giới “trung”U2 đã bắt nhịp cuộc đời mới rồi nên sắc sảo hơn nhiều khi quan sát mọi sự vật qua hình ảnh, nhưng lại hơi “ngờ ngợ”vì bất chợt gặp “đứa con hoang đàng” hơn là “người cha nhân hậu”. Giới “trẻ” U1 nhanh tay hơn để bấm chuông, nhưng lại muốn người khác trả lời thay mình, hay muốn nhường lại câu trả lời cho đồng bạn. Trong suốt cuộc thi tài, xem ra các bạn nhỏ U1 đã nhiều lần mang vinh quang chiến thắng về cho cộng đoàn của mình hơn là các lớp cha anh. Đúng thôi, tương lai của Cộng đoàn là của các em và trong tay các em! Sẽ đến ngày các em đảm trách vai trò của mình trong cộng đoàn và nối tiếp con đường đạo đức mà cha anh đã đi. Ai sẽ chuẩn bị cho các em con đường tương lai? Câu trả lời chắc chắn phải dành cho lớp U2 và U3 vậy!

Thay lời kết
Tôi vẫn còn nghe trong tai mình lời nói đùa của một thành viên trong cộng đoàn: “Cha sẽ biết rằng Thụy Sĩ đất lạnh tình nồng”. Thú thật tôi chẳng bao giờ tin những lời quảng cáo cũng chẳng muốn quảng cáo cho một ai cả ngoài Chúa Giêsu và Thánh Gioan Bosco – các “sư phụ” của mình, nhưng cũng phải thú nhận rằng lời của bạn bè tôi nói “Cứ đi, đến mà xem rồi sẽ biết” là đáng suy nghĩ và học hỏi!
Chắc hẳn nhiều người biết rằng ở lâu mới biết trong chăn có rận. Chúng ta, những ai là “người trong cuộc” thì biết rõ mọi sự hơn những người khác là kẻ ở ngoài nhìn vào. Nói đến đây, tự nhiên tôi có một suy nghĩ ngồ ngộ rằng: nếu ta biết rõ trong cái chăn mình đang đắp chung có rận, tại sao lại không cùng nhau ngồi dậy để tìm và diệt chúng đi, lại cứ phải nằm và chờ chúng cắn và gây khó chịu? Tôi không sợ trong chăn còn rận - nghĩa là tôi không sợ nhìn vào một cộng đoàn và khám phá ra rằng có những khúc mắc nho nhỏ bên trong đời sống hay hoạt động chung. Tôi chỉ lo ngại một điều rằng đời sống cộng đoàn như tấm chăn kia không còn thấy rận nữa và xem ra có vẻ yên ấm, nhưng lại trở nên nhỏ bé cho mọi người, và hạnh phúc chỉ còn lại như tấm chăn nhỏ ấy, người này kéo về đắp cho mình được ấm thì người khác phải chịu lạnh lẽo, và mỗi người lại nằm co quắp trong sự cô độc của hạnh phúc riêng mình.
Tôi thầm cầu xin Chúa cho mọi người trong Cộng đoàn Giáo Xứ Thánh Micae Mỹ, để mọi người biết gìn giữ Đức Tin mình đã lãnh nhận; biết nuôi dưỡng và làm sống mãi niềm tin cùng niềm hy vọng nơi các thế hệ tương lai; biết cảm thông và chia sẽ cho nhau mọi vui buồn sướng khổ của đời người, để từ đó, họ chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng và họ trở thành lửa sưởi ấm tâm hồn nhiều anh chị em khác bằng tình người nồng thắm nơi những miền đất lạnh giá khác.
Cha ông mình nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” là có lý có tình! Tôi chỉ e rằng cái lý để nói về người khác thì mình chưa nắm hết và cái tình nhiều khi làm tôi mờ mắt mà khiến tôi trở thành kẻ “nhẹ dạ” hoặc “ba hoa”, vì cũng có một kinh nghiệm khác rằng “thức đêm mới biết đêm dài”. Mấy ngày trôi qua nhanh chóng ở Thụy Sĩ cho tôi nhiều kinh nghiệm, nhưng chưa đủ, vì cuộc đời còn dài và luôn đầy những khám phá thú vị. Bởi vậy người ta mới nói đến chuyện “hẹn gặp lại”. Với tôi, lời giới thiệu cho những người đến sau sẽ đơn giản là: Cứ đi! Đến mà xem rồi sẽ biết! (Lê An Phong, SDB)
Tản mạn Tháng Sáu – Nói với bạn trẻ về hình ảnh Chúa Giêsu, người mục tử nhân lành

“Tháng Sáu trời mưa trời mưa không dứt…” Tôi bỗng nhớ câu hát mà mình đã nghe đâu đó khi bước vào những ngày đầu tháng sáu năm nay.
Với các bạn trẻ, chắc chắn niềm vui lớn đã đến trong tháng Sáu, vì sau một năm học hành rèn luyện khó nhọc, những ngày hè vui tươi đã bắt đầu. Tôi tiếc là mình không còn bé thơ nữa để được hưởng niềm vui nho nhỏ ấy như các bạn, nhưng chúng ta vẫn có thể chung chia với nhau niềm vui ấy, và có thể nhờ vậy tôi cảm thấy mình trẻ trung hơn!
Đối với người công giáo, tháng Sáu hằng năm là một tháng đặc biệt dành để kính nhớ Thánh tâm Chúa Giêsu, là khoảng thời gian mà hình ảnh Chúa Giêsu với trái tim rộng mở và bừng cháy lửa yêu thương, như luôn mời gọi mọi người đến với Ngài để tìm thấy nguồn ủi an, nâng đỡ.
Nghĩ đến Chúa Giêsu, tôi bỗng dưng nảy ra một ý nghĩ: Trong thời đại bùng nổ thông tin, có chăng chỉ mình tôi quan tâm đến Ngài, còn những người khác thì sao? Tôi “nhảy” vào mạng internet, trang tìm kiếm Google và đánh vài chữ đại khái như “Jesus”, lập tức tôi tìm thấy kết quả 13.600.000 hình ảnh về Chúa Giêsu. Đánh thêm mấy từ về “người mục tử nhân lành”, tôi tìm thấy khoảng 849.000 hình ảnh Chúa Giêsu mục tử nhân lành với con chiên trên vai ở nhiều các thể loại và kiểu mẫu, màu sắc khác nhau. Hóa ra trên mạng thông tin toàn cầu với dòng xoáy của các luồng thông tin, vẫn còn nhiều người quan tâm và nghĩ đến Chúa Giêsu, và họ đã bỏ thời gian, công sức để đưa lên cho mọi người xem hình ảnh của Ngài. Phần các bạn, nếu có thời gian và phương tiện trong tay, hy vọng bạn cũng sẽ tìm hiểu về Chúa Kitô Mục tử nhân lành như một biểu tượng của lòng yêu thương mà Thiên Chúa muốn biểu tỏ cho con người, ít nhất là qua các hình ảnh nghệ thuật.
Ngày hè, người ta có thời gian nghỉ ngơi và có những lúc thảnh thơi đi du lịch đây đó. Các bạn, nếu không đủ kinh phí đi chơi xa, có thể làm một chuyến “du lịch qua màn hình vi tính – du lịch ảo” đến Roma như nhiều người vẫn làm, để biết thêm một hình ảnh về người mục tử nhân lành.
Khách hành hương khi đến Roma thường hay đi thăm một nơi gọi là Catacombe – San Callisto, một khu hầm mộ cổ nằm sâu trong lòng đất mà người ta còn gọi là hang Toại đạo. Tại đây, bạn sẽ được ngắm nhìn một bức tượng cổ bằng đá trắng tạc hình một người chăn chiên với con chiên nhỏ trên vai. Trong khu hầm mộ cổ này, trên tường, trên vòm hang của các hầm mộ và trên các cổ quan tài bằng đá, người ta có thể thấy nhiều hơn nữa các hình vẽ người mục tử theo cách tương tự. Với những người kitô hữu thời đó, hình ảnh người mục tử này tượng trưng cho Chúa Giêsu, Đấng cứu thế. Còn con chiên trên vai của người chăn chiên là hình ảnh linh hồn của những ai được cứu rỗi và được nghỉ ngơi an bình trong Chúa.
Bình thường, trong đời sống dân giả ngày xưa, hình ảnh người chăn chiên cũng không có gì đặc biệt; đó cũng chỉ là một loại công việc phổ biến của nghề nông (trồng trọt và chăn nuôi). Tuy vậy, hình như cảm nhận của những người mà ta vẫn hay gọi là “nông dân chất phác” với những vật quanh họ xem ra đơn sơ, giản dị nhưng rất đậm đà tình cảm và mang ý nghĩa sâu sắc, như bạn đã nghe phân tích nhiều lần câu ca dao“Trâu ơi ta bảo trâu này…” vậy! Con người trở nên cao quý vì biết yêu thương và biết trân trọng những gì quanh mình.
Trong Thánh Kinh, phần Cựu ước, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh người chăn chiên như là biểu tượng của lòng yêu thương, chăm sóc, bảo vệ, nâng đỡ…, và được đem so sánh với hình ảnh của một Đấng là Thiên Chúa tối cao luôn yêu thương, bảo vệ con người, như trong Thánh vịnh 22: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi không còn lo thiếu gì”. Trong các sách Tin mừng (Tân ước), Chúa Giêsu lại dùng hình ảnh người mục tử để ví von và giúp chúng ta hiểu được Ngài là ai: “Ta là mục tử nhân lành. Ta biết các chiên ta và các chiên của ta biết ta.” Và chính Ngài đã nhấn mạnh chỉ có người chăn chiên biết đàn chiên của mình, biết gọi tên chúng từng con một, biết yêu thương vỗ về chúng và biết đi tìm những con bỏ đàn ra đi lạc lối mới là “người chăn chiên đích thực”, là người chủ đàn chiên chứ không là kẻ chăn chiên thuê.
Cũng từ ý nghĩa sâu sắc như vậy mà hình ảnh người chăn chiên trở thành biểu tượng cho các giám mục và linh mục trong Hội Thánh – những người chăm sóc các linh hồn, những người được Chúa chọn gọi và giao cho trách nhiệm yêu thương, dẫn dắt và bảo vệ đoàn chiên của Người. Hơn ai khác, chính các vị chủ chăn, khi nhìn vào hình ảnh người mục tử nhân lành, hiểu rõ điều gì mình phải sống và phải làm, theo gương Chúa Giê su – người mục tử đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên. Điều này luôn là một thách đố đối với các vị chủ chăn; bởi vậy, nếu bạn có quen biết các linh mục tu sĩ nào, hãy dành một chút thời gian để cầu nguyện thêm cho các ngài nhé!
Cuộc sống cũng hay đấy phải không bạn, vì có những điều xem ra rất đơn sơ lại gợi lên trong ta những điều thú vị: Một bóng chim câu trắng trên bầu trời xanh có thể làm sống dậy ước mơ hòa bình nơi lòng người. Một nụ cười trên gương mặt bé thơ hay một chồi non trên cành cây khô có thể mang tin vui của sự sống. Một tia nắng ấm áp hay một khúc hát bắt đầu ngày mới luôn là dấu hiệu tốt lành để bắt đầu công việc… Và hơn tất cả mọi sự, điều tốt đẹp nhất trong đời là chính sự hiện diện của bản thân bạn và tôi trên đời này. Đó là vẻ đẹp của chính cuộc đời bạn mà chẳng ai thay thế được và cũng là một ơn gọi. Cuộc đời bạn chính là một tác phẩm nghệ thuât cao cấp mà Thiên Chúa phác họa và bạn tô điểm thêm với muôn màu muôn vẻ. Hãy sống làm sao để mọi người xung quanh khi nhìn vào bạn có thể chiêm ngắm, cảm nhận từ nơi bạn vẻ đẹp, lòng nhân hậu, tình yêu thương, sự tử tế và những điều tốt lành khác mà chính Chúa phú ban cho bạn. (Lê An Phong, SDB)
Tình bạn trong đời sống thánh hiến
Giữa phố xá ồn ào đông người qua lại, xe cộ dọc ngang, người ta có thể nhìn thấy ngày càng nhiều những khuôn măt ngơ ngác và lạc loài. Hình như con người, khi bận tâm cho mình nhiều thứ, lại cảm thấy cô đơn nhiều hơn. Và giữa một thế giới đông vui tấp nập, nhiều người lại cảm thấy khó khăn để tìm được người đồng cảm.
Giữa dòng người ngược xuôi, có rất nhiều linh mục tu sĩ cùng chung bước. Họ có cô đơn chăng? Xem ra câu hỏi hơi có vẻ “xúc phạm” vì ai dám bảo nhưng người sống đời tu lại cô đơn, bởi họ luôn có Chúa bên cạnh cơ mà! Đúng vậy, khác với mọi người, những người linh mục, tu sĩ khi lựa chọn sống đời thánh hiến, họ hiểu rằng cuộc đời mình phải được đặt trong tương quan mật thiết với Chúa, với tất cả tâm hồn, tấm lòng, trí khôn. Ngài phải là bạn đời, bạn đường của họ. Và nếu Thiên Chúa thực sự được lựa chọn cách triệt để như thế thì ta có lý để nói rằng các linh mục, tu sĩ khó mà cảm thấy cô đơn.
Tuy nhiên, giống như tất cả mọi người, dấu hiệu của sự cô đơn nơi những người sống đời thánh hiện vẫn không thiếu. Không ít các bạn trẻ khi có dịp tiếp xúc và quan sát các cha, các thầy…đã kêu lên: “sao mà nghiêm quá, sao mà kín quá, sao mà khó gần quá, sao mà buồn rầu quá chẳng thấy muốn tiếp xúc với ai cả,…”. Tất nhiên đây chỉ là những cảm nhận thiên về mặt cảm xúc và nhiều khi phụ thuộc vào nhận định cá nhân chủ quan, (vì vui quá cũng có khi ta lại bị gán cho tính cách “hời hợt, nhẹ dạ”…), nhưng chúng ta cũng có thể hiểu ra rằng: có những biểu hiện về cảm xúc nơi những người sống đời thánh hiến xem ra “không ổn”, khi họ đóng kín mình hay chỉ “mở ra” cho một vài đối tượng nhất định trong sự kín đáo và “bí mật”. Trường hợp này còn xảy ra theo kiểu “bạn riêng”, “yêu riêng” một vài đối tượng, và còn mang một nguy cơ khác là gây hiểu lầm hay gây tranh cãi về các bệnh tâm lý (lệch lạc tính dục) trong “giới nhà tu”.
Có rất nhiều định nghĩa về tình yêu, tình bạn. Có rất nhiều dạng biểu hiện của tình yêu, tình bạn. Khi nói về tình bạn của những người sống đời thánh hiến, chúng ta tạm hiểu rằng: Tình bạn là một khía cạnh của tình yêu thương và của lòng bác ái kitô giáo. Trong đời tu, cùng những người bạn chung lý tưởng, ta có thể chia sẻ, tin tưởng, tâm sự và hiệp thông. Như một phương tiện tự nhiên, tình bạn có thể giúp ta vượt lên trên nhiều hoàn cảnh khó khăn hay trong những thử thách nhờ sự nâng đỡ, khích lệ, cảm thông. Tuy vậy, không phải tự nhiên với bất kỳ ai, ta cũng có thể yêu thương và cảm thông hoàn toàn. Để có thể chia sẻ tình cảm bạn bè, phải biết tìm kiếm người khác dựa trên những gì chung về sở thích, quan điểm, ước mơ. Tình bạn theo kiểu tu đức có nét đặc biệt hơn, vượt qua những gì có vẻ tự nhiên vì có sự hiện diện của Đức Ái, dựa trên sự đồng nhất về tinh thần Tin mừng hay đặc sủng, và là một nhân đức thay vì là một hoạt động “hữu nghị” và thỏa hiệp “đôi bên cùng có lợi” như trong nhiều kiểu tương quan khác. Đó là một kiểu sống hiệp thông trong sự hiện diện của Chúa Kitô, là mối tương quan liên vị với Thiên Chúa và với người khác qua đời sống cộng đoàn.
Sẽ có ý kiến hỏi rằng: tại sao lại nói về sự cô đơn trong khi nói về sống chung nơi cộng đoàn? Thực tế ta có thể thấy rằng nơi đời sống chung luôn tiềm ẩn những nguy cơ của sự phân cách hoặc tách nhóm riêng vì sự khác biệt độc đáo của nhiều cá nhân, hay vì nhiều nguyên nhân mang tính nhân loại mà nhiều khi sức mạnh tinh thần không thể vượt qua. Chúng ta có thể nói đến những sự thoái hóa sau:
Một thoái hóa đầu tiên là cảm thấy tình bạn trong Chúa Kitô như là một biểu hiện của bổn phận hay sự bắt buộc vào thế “chẳng đặng đừng”: “chúng tôi sống cùng với nhau trong cộng đoàn vì nghĩ là được Chúa gọi, và chúng tôi phải sống cuộc sống ấy như là một biểu hiện của sự hiệp thông, không còn cách nào khác để lựa chọn!” Bản chất của sự thoái hóa này là thiếu khóe nhìn về Đức tin và ân sủng, và chỉ cảm thấy người khác với mình là một định mệnh, là gánh nặng đời mình; sống chung với nhau là một sự chịu đựng dai dẵng hơn là một món quà sự sống cần chia sẻ và là một hồng ân cần khám phá và tạ ơn.
Biểu hiện thứ hai của tình bạn trong Chúa Kitô bị thoái hóa là quan niệm cộng đoàn được hình thành như một kiểu tổ chức để hoàn tất một công cuộc. Chủ trương “Đoàn kết là sức mạnh” xem ra thích hợp với kiểu cộng đoàn này, vì như vậy người ta có đủ nhân sự, có thể hợp tác để hoàn thành chương trình, kế hoạch. Điều này có thể là một sự cám dỗ tinh tế và nguy hiểm bởi vì dựa vào cảm xúc về lòng quảng đại dựa trên sự chia sẻ công việc theo khả năng riêng. Đây cũng là biểu hiện của căn bệnh “duy hoạt” thời nay trong đời sống cộng đoàn thánh hiến: chỉ dựa vào công việc, chỉ cần làm được việc là vào guồng máy, còn ai không có khả năng thì nằm ngoài lề và cô đơn; hoặc là “việc anh anh lo, việc tôi, tôi làm”, miễn sao công việc “chạy “ là được!
Biểu hiện thứ ba của sự thoái hóa tình bạn nơi đời sống thánh hiến có thể thoát thai từ quan niệm xem cộng đoàn như là một nơi tạm trú lý tưởng, một chổ để mình trốn thoát khỏi thế giới phức tạp. Điều nguy hiểm nằm ở chổ là cá nhân sẽ tìm kiếm trong cộng đoàn điều họ xem là tốt lành và thích hợp cho mình là hạnh phúc mà cả cộng đoàn phải tìm kiếm và xây dựng; và từ các sở thích cá nhân tương hợp sẽ hình thành một sở thích tập thể “dị biệt”theo nhóm loại trừ (chỉ có vài thành viên cùng sở thích với nhau). Sở thích này dần dần kéo họ ra khỏi mối bận tâm về sứ mạng được giao phó bởi vì chỉ nghĩ đến những gì được cảm nhận và quan tâm theo kiểu riêng, bỏ qua một bên những ai hơi khác biệt mình.
Thiên Chúa tạo dựng con người để sống hiệp thông. Có lẽ vậy sự cô đơn của con người là dấu chứng của sự dữ và là một bi kịch. Có một người nói đùa rằng Chúa Kitô gọi mười hai tông đồ không phải vì ngài sợ cô đơn khi phải làm người, hay vì mưu toan chứng minh mình là con Thiên Chúa có quyền phép và cần được nhìn nhận, tung hô từ đám thuộc hạ. Ngài chỉ muốn loan truyền một tình yêu huynh đệ, sự hiệp thông đại đồng, chia sẻ cuộc sống, trao ban và hy sinh bản thân mình vì người khác... là những điều xem ra “bất khả thể” với con người mọi thời. Với Thiên Chúa, điều này là khả thể, và cùng với Ngài, con người có thể nói chung một tiếng nói – Tiếng của tình yêu thương – trong sự khác biệt và đa dạng vậy. (Lê An Phong, SDB)