27 December, 2014

MỪNG GIÁNG SINH VÀ SỐNG MẦU NHIỆM NHẬP THỂ QUA BÍ TÍCH THÁNH THỂ




Chúa Giêsu giáng sinh – Một sự kiện
Chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 hằng năm. Ngày 25 tháng 12 đã được chọn vì ý nghĩa biểu tượng của nó. Lý do là vì ngày ấy tương ứng với thời điểm mà ngày bắt đầu dài ra, và phần đêm tối vốn kéo dài trong mùa đông được rút ngắn lại. Theo tư tưởng kito giáo, Đức Giê su sinh ra trong thế gian như là ánh sáng xé tan màn đêm tăm tối, đem con người về với ánh sáng. Vì vậy, sự ra đời của Ngài đánh dấu thời điểm ấy cũng là để nói lên sứ mạng của Ngài nơi trần thế vậy.
Một vài nhà nghiên cứu lịch sử cho biết thêm rằng trong thế giới văn hoá của người Roma thời ấy, ngày 25 tháng 12 cũng chính là ngày lễ Thần Mặt Trời Bất bại (Deus Sol Invictus), và cũng là ngày lễ Thần Mithra (với biểu tượng là mặt trời). Như thế, lễ Giáng sinh chính là dịp lễ mừng ngày ánh sáng, ngày mà bóng tối bị đẩy lùi.
Theo Tin mừng Thánh Luca thì Chúa Giê su sinh ra tại Bê lem, từ chữ “Bethléem” nghĩa là “nhà của bánh”. Tên gọi này có nghĩa độc đáo, vì sau này Đức Kitô cũng đã tự hiến Thân mình làm thức ăn cho nhân loại, như lời Ngài nói trong bữa tiệc cuối cùng, lúc bẻ bánh và trao cho các môn đệ: “Đây là mình Thầy, anh em hãy nhận lấy mà ăn”.

Chúa Giêsu giáng sinh - Mầu nhiệm nhập thể
Thật ra, điều quan trọng không phải là những sự kiện lịch sử, mà là những ý nghĩa được truyền lại qua câu chuyện về cuộc đời Đức Kitô. Trong câu chuyện ấy, Ngài ra đời ở Bethléem, được đặt nằm trong cái máng dùng cho súc vật ăn uống, và sau này Ngài tự hiến thân mình làm thức ăn cho nhân loại. Ngài sinh ra trong một đêm tối tăm, để mở đầu một kỷ nguyên ánh sáng, Ngài là ánh sáng đẩy lùi đêm tối.
Khi sinh ra, Chúa Giêsu đã được đón chào bởi những kẻ nghèo khó, những người chăn cừu sống màn trời chiếu đất. Đó là lớp người bị khinh thường; và vào thời ấy, họ còn bị coi là hạng bần cùng và bất lương, quen thói trộm cắp. Sau các mục đồng, những nhà chiêm tinh (hay còn gọi Ba Vua) cũng đến viếng thăm Ngài. Một cách nào đó, họ cũng bị coi là “dân ngoại”, là những sắc dân không được chúc phúc. Cũng cần nói thêm về các tặng vật mà họ đem đến dâng lên cho Hài nhi Giê su. Đó là ba bảo vật gợi nhắc đến đặc nét của Đấng Cứu thế vừa mới sinh ra: vàng - biểu tượng cho sự quý phái của Vương quyền, trầm hương - biểu tượng sự cao trọng của Thần linh, và mộc dược - biểu tượng cho Sự sống vĩnh hằng. Cả hai đối tượng trên đây, các nhà bác học chiêm tinh thông minh và những kẻ mục đồng dốt nát được chiêm ngắm Thiên Chúa làm người. Con Thiên Chúa giáng trần đã không phân biệt thân thế hay sắc dân khác nhau: Ngài đến với toàn thể loài người chứ không cho riêng một dân tộc hay tầng lớp nào.
Một sự kiện liên quan đến Đức Tin của chúng ta là việc Chúa Thánh Thần can thiệp để Đức Trinh nữ Maria thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu mà vẫn giữ nét tinh tuyền, thanh sạch. Ý nghĩa thần học của sự việc ấy là: Thiên Chúa quyền năng có thể can thiệp vào lịch sử nhân loại; và một cách nào đó Người có thể can thiệp vào đời sống của chính mỗi con người, không cần phải tuân theo những quy luật tự nhiên. Chính Mẹ Maria đã “thắc mắc”, và Thiên Thần Gabrien đã “giải thích” cho Đức Mẹ: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể”. Như thế, chúng ta có thể tin tưởng rằng: trong đời sống của mình, có những điều xảy ra nằm ngoài khả năng của ta; có sự can thiệp của Thiên Chúa-Đấng toàn năng, và những điều Người thực hiện vượt trên những gì mà chúng ta hay gọi là “theo quy luật”, là “tự nhiên”, là “khoa học”. Tuy vậy, những điều Thiên Chúa thực hiện không nằm ngoài những gì mà chúng ta có thể quan sát, trải nghiệm và nhận biết được qua các “dấu chỉ”. Chỉ có điều là chúng ta không chú tâm tìm hiểu, hay không muốn khám phá và đón nhận các dấu chỉ ấy mà thôi.

Chúa Giêsu giáng sinh – Tin mừng của Niềm vui
Câu chuyện về Đức Kitô ra đời và việc mừng lễ Giánh sinh sẽ trở thành “huyền thoại” hay đơn thuần chỉ là “ngày nghỉ lễ”, là ngày hộị mà sự thánh thiêng đang dần bị “tục hóa”. Thật vậy, chuyện đó xảy ra vì mọi người bỏ quên một yếu tố quan trọng. Đó là câu hỏi “Vì sao Thiên Chúa phải sinh ra làm người?”. Giáo Hội tiếp tục tìm cách trả lời cho thế giới điều này. Đàu tiên là vì Thiên Chúa muốn thông truyền cho con người chính sự sống của Người qua Người Con là Đường, Sự thật và là Sự sống (xem 1 Ga 1, 1-4).
Thánh Irene (130-202) giải thích rằng Thiên Chúa làm người để con người, nhờ sự thông hiệp với Ngôi Lời nhập thể, được trở nên con cái Thiên Chúa (Adversus haereses, 3, 19,1; xem GLCG, 460)
 Trong tác phẩm “Cur Deus homo” (“Tại sao Thiên Chúa làm người”). Thánh Anselmo (1033-1109) đã giải thích: “Cũng như sự chết đã nhập vào và trở thành một phần của bản chất con người do sự bất tuân phục của họ, thì sự sống đã được khôi phục bởi sự vâng phục của một con người. Cũng như tội lỗi là nguyên nhân của sự nguyền rủa mà chúng ta bị ảnh hưởng do nguồn gốc của một người phụ nữ bất tuân, thì cũng vì vậy mà tác giả của công lý và sự cứu rỗi của chúng ta đã được sinh ra từ một người phụ nữ. Và, cũng giống như ma quỷ đã chiếm được con người bằng cách thuyết phục họ nếm thử hương vị trái cấm, thì cũng vì vậy con người phải được chinh phục lần lượt bởi một con người thông qua sự đau khổ trên thập tự giá” (Cur Deus home, 1,3).
Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, là Thiên Chúa làm người, mặc lấy xác phàm, mang nhân tính và mọi sự đau khổ như một con người thật - ngoại trừ tội lỗi. Ngài cũng chính là Thiên Chúa thật với tất cả đặc tính thần linh. Ngài đã không sinh ra làm người trong lớp vỏ giàu sang hay phú quý, quyền uy, mà chỉ làm con của một người thợ mộc lao động nghèo. Cuộc đời của Ngài là sống cho và với những ai nghèo khổ hay bị xem là tội lỗi. Cái chết sau cùng bị treo thân trần truồng trên thập giá đã nói lên tất cả và trọn vẹn cho một tình yêu tự hiến. Chính Đức Kitô đã mạc khải một Đấng là Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha giàu lòng yêu thương; và cho dù con người có tội lỗi bao nhiêu, thân phận thế nào, cũng đều có thể sống và hy vọng, rằng họ sẽ được Thiên Chúa đón nhận, sẽ được thông phần thần linh, sẽ làm một với Thiên Chúa. Thông điệp Tin mừng đó của Chúa Giê su đã được các môn đệ của Ngài truyền rao cho thiên hạ, đem đi khắp nơi hạt giống của Đức Tin, Bác Ái và Hy vọng.

Mừng Chúa Giêsu giáng sinh – Sống tinh thần Hiệp thông
Ngày Giáng Sinh là ngày kỷ niệm sự ra đời của một CON NGƯỜI đúng nghĩa, sinh ra trong tăm tối để đẩy lùi tăm tối. Con Người đó chính là Ánh sáng của Thiên Chúa, “ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, đồng bản thể với Đức Chúa Cha…” (Kinh Tin kính). Ngài đã thắp ngọn lửa tin yêu cho con người, mang tình yêu thay cho hận thù và hiệp thông thay cho sự chia rẽ.
Chúng ta lại chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Phố xá lại được chăng đèn kết hoa. Người ta lại trưng bày các sản phẩm mới cho mùa lễ Noel. Một lần nữa, trong cái se lạnh của trời đông tiết giá, chúng ta lại đón mừng Giáng sinh.
Một Giáng sinh lại đến, nhưng chắc chắn bạn sẽ không thể sống lại được tâm trạng như một vài năm trước đây. Đã có nhiều người hoài niệm về một mùa Noel năm nào, “nhớ mãi ngày ấy…”. Dù sao, được sống những cảm nghiệm mới, dù vui hay buồn, vẫn là một hồng ân; vì như thế, chúng ta được làm phong phú hoá cuộc đời mình.
Giáng sinh năm nay, bạn sẽ sống tâm tình nào đây? Xin đề xuất với bạn một tâm tình: sống niềm vui Giáng sinh bằng sự hiệp thông trong Thánh thể.
Ai cũng biết rằng mừng Giáng sinh là sống dịp lễ của tình thân, của hiệp thông với mọi người, của ngày lễ hội bình an cho mọi người trên thế giới. Người Italia có câu nói rằng: “Natale con i tuoi, Pasqua con chi vuoi”; tạm dịch là: mừng Giáng sinh cùng những người thân, mừng Phục sinh với ai bạn cần. Đây là thực tế liên quan đến hai ngày lễ lớn theo truyền thống kitô giáo, và một cách nào đó biểu lộ “triết lý sống” của mọi người trong hai dịp lễ. Giáng sinh là ngày lễ gắn với kỳ nghỉ cuối năm, gia đình có dịp sum họp. Trong khi đó, lễ Phục sinh thường vào dip bắt đầu mùa xuân, vào những ngày mà người ta đi chơi xa, vì thế, cần đến “bạn đồng hành” cho những chuyến đi.
Nhiều người Ki tô hữu tham dự thánh lễ hằng ngày, đón nhận Thánh thể. Từ ngữ mà bạn hay nghe nói đến là việc “hiệp lễ” (việc rước lễ). Rước Chúa vào lòng khi tham dự thánh lễ là một việc hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô – Chúa đến và sống trong chúng ta. Hơn thế nữa, Chúa làm cho mọi người trong chúng ta “nên một” với nhau, như các chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Ngài. Bạn có nghĩ rằng bạn đang mừng mầu nhiệm Nhập thể, hay nói cách khác là bạn đang mừng lễ Giáng sinh mỗi lần bạn rước lễ?
Thật thế, Bí tích Thánh Thể, trong khi được cử hành để kỷ niệm cuộc khổ nạn và Phục sinh của Đức Giê su, cùng một lúc được liên kết với việc nhập thể và mầu nhiệm Giáng Sinh. Giáng sinh và Thánh Thể, trong tất cả các chi tiết đều liên quan về cuộc đời Chúa Giêsu. Ngài sinh ra tại Belem – Tên “Belem” có nghĩa là “Nhà của Bánh mì” như chúng ta đã nói trên đây. Chúa Giêsu chọn để trở thành bánh mì cho chúng ta - Bánh mì của sự tha thứ và sự cứu rỗi; bánh mì của lòng thương xót, là lương thực sự sống, bánh từ trời xuống. Chúa Giêsu rời khỏi nơi cư ngụ trên trời của mình để trở thành một con người trong chúng ta. Sau đó, qua cái chết và sự phục sinh, Ngài đã để mình làm bánh Thánh Thể, mang lại sự sống và lời của ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Ngài đã chọn để trở thành bí tích Thánh Thể, “của ăn đường” cho những kẻ lữ hành trên thế giới này, cho những người tham dự Thánh Thể hằng ngày và đón nhận Ngài vào lòng mình. Do vậy, mỗi khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể Chúa Giêsu, một lần nữa chính Ngài lại nhập thể, Ngôi Lời lại trở thành máu thịt con người, nuôi dưỡng xác phàm chúng ta.
Có một hình ảnh đẹp, một con người và một cái tên chắc không xa lạ gì với bạn trong lễ Giáng sinh - Đức Maria. Hang đá mừng Giáng sinh dù to hay nhỏ, theo kiểu hiện đại hay truyền thống, thường khó mà vắng bóng Mẹ Maria, người bồng ẳm Hài nhi Giêsu trên tay, hay quỳ gối và âu yếm nhìn con Thiên Chúa đã hoá thân thành trẻ sơ sinh.
Bạn có nghe Giáo Hội gọi Đức Maria là “người nữ Thánh thể”? Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria đã sử dụng đức tin Thánh Thể của mình ngay trước khi Bí Tích Thánh Thể được thiết lập, bởi vì Mẹ đã hiến dâng cung lòng vẹn tuyền của Mẹ để Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể.
Lúc truyền tin, Đức Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa trong chính “thực tại thể lý” - thân xác và máu huyết nơi Mẹ. Đó cũng là những gì được thực hiện một cách “bí tích” và “mầu nhiệm” nơi mọi tín hữu được lãnh nhận Chúa Giêsu dưới hình bánh rượu, Mình và Máu Thánh Chúa.  
Có một tương quan rất thâm sâu giữa tiếng fiat (xin vâng) của Đức Maria khi Mẹ đáp lại lời thiên thần Gabriel với tiếng Amen của người tín hữu khi họ lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Chúa đã đòi hỏi Đức Maria phải tin rằng Đấng mà Mẹ thụ thai “nhờ hoạt động của Thánh Thần” là “Con Thiên Chúa” (x. Lc 1, 30-35). Tiếp nối đức tin của Đức Maria, Chúa cũng đòi hỏi chúng ta tin rằng, trong Mầu Nhiệm Thánh Thể, cũng Chúa Giêsu đó, Con Thiên Chúa và Con của Đức Maria, hiện diện cách trọn vẹn gồm cả nhân tính lẫn thần tính của Ngài dưới hình bánh và rượu. 
“Phúc thay kẻ đã tin” (Lc 1,45) : trong mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Maria cũng đã đi trước đức tin Thánh Thể của Giáo Hội. Lúc đi viếng thăm bà Isave, Mẹ đã mang trong cung lòng Ngôi Lời làm người, Mẹ trở nên một “nhà tạm” đầu tiên trong lịch sử - trong đó Con Thiên Chúa, dù chưa được ai “nhìn thấy” bằng đôi mắt con người phàm trần vẫn được bà Isave “cảm nghiệm” như thể được chiếu tỏa ánh sáng qua ánh mắt và tiếng nói của Đức Maria.
“Và cái nhìn âu yếm của Đức Maria khi chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô vừa mới sinh ra và bồng ẵm Ngài trong vòng tay, phải chăng là mẫu gương tình yêu khôn sánh gợi hứng cho ta mỗi lần ta rước Chúa?” (Xem Thông điệp về Thánh thể Ecclesia de Eucaristia, của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, ngày 17 tháng 04 năm 2003, số 55). 
“Mùa Giáng sinh năm nay, tôi lại vui mừng Chúa ra đời…” Lời bài hát lại vang lên nơi các quán xá ồn ào hay nơi phố phường tấp nập kẻ lại qua trong không khí chuẩn bị Noel. Với bạn, người luôn thao thức đón Chúa vào cuộc đời mình, hãy để Ngài nhập thể nơi chính cuộc sống của bạn, nơi chính bản thân bạn, nơi máu thịt và tâm linh không thể tách rời, để ước chi niềm vui của sự hiệp thông với Thiên Chúa làm người nơi sâu thẳm của tâm hồn bạn toả sáng nơi gương mặt, câu chào, lời chúc mừng “Giáng sinh An Lành” cho mọi người sống quanh bạn. (Barnaba Lê An Phong, SDB)

15 December, 2014

SUY NIỆM LỜI CHÚA - MÙA VỌNG IV



Tuần IV Mùa Vọng năm B (Lc 1,26-38)


NÀY TÔI LÀ NỮ TỲ CỦA THIÊN CHÚA

Trong Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, chúng ta được Giáo Hội, qua Phụng vụ Lời Chúa, giới thiệu khuôn mặt của Đức Trinh nữ Maria.

1.        Việc Chúa giáng trần lần thứ nhất đã được bắt đầu khi thôn nữ khiêm hạ ở Nazareth chấp nhận lời truyền tin của Sứ thần Gabriel về việc Đấng Cứu thế sẽ thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh thần nơi lòng “người nữ đầy ơn phúc”. “Này trinh nữ sẽ thụ thai, và … con trẻ được gọi tên là Giêsu” – Sứ thần nhắc lại lời của Ngôn sứ Isaia (Is 7, 14). 
Thiên Chúa là Đấng cứu độ, là Đấng trung tín với lời giao ước. Ngài đã chọn cung lòng Đức Maria một chổ xứng đáng để Con Một của Ngài nhập thể, để Ngôi Lời ngự đến trần gian.
Đức Maria nhận ra sự trọng đại của lời hứa này qua giao ước giữa Thiên Chúa với dân Israel, dân tộc mà Mẹ thuộc về. Đức Maria cũng nhận ra trách nhiệm thiêng liêng, cao cả và nặng nề của “người được chọn để cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa”. Lời Mẹ nói “xin vâng” hàm chứa tất cả sự trăn trở vì biết thân phận mình và cả lòng tin tưởng phó thác vì biết Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương và đầy quyền năng. “Này tôi là tôi tớ của Chúa, tôi xin vâng” – Với Mẹ, được phụng thờ Thiên Chúa là một sự vinh hạnh lớn lao, theo cách hiểu của Kinh thánh (Tv 78, 70). Cũng vì tiếng “Xin vâng” đó, Đức Maria trở thành gương mẫu của một lối sống “hoàn toàn cho Thiên Chúa” và thuộc trọn về Ngài. Còn chúng ta, phụng thờ Thiên Chúa thường dễ bị cho là “gánh nặng”. Cần chăng một sự thay đổi liên tục của chúng ta cho Mùa Vọng này!

2.        Thiên Chúa muốn thực hiện lời hứa ơn cứu độ theo cách của Ngài và mời gọi Đức Maria cộng tác. Mẹ trở thành mẫu gương cho chúng ta, không chỉ là việc “dọn lòng đón Chúa” mà còn hơn thế nữa chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón nhận ơn cứu độ. Mẹ đã từ bỏ chương trình riêng của mình để thánh ý Thiên Chúa được thực hiện. Mẹ đã biết dọn lòng mình khỏi những toan tính trần thế và sợ hãi trách nhiệm để Con Thiên Chúa có thể được đến với con người trong thân xác phàm nhân. Chúng ta đã dọn lòng xứng đáng chưa để đón nhận ơn Chúa, nhất là mỗi lần nhận lãnh Bí tích Thánh thể? Chúng ta đã biểu lộ hình ảnh của Ngài trong ta thế nào qua lối sống chứng tá hằng ngày? Có lẽ những điều này không phải là chuyện “mỗi năm phải chuẩn bị một lần”, mà là chuyện cần làm hằng tháng, hằng tuần, hằng ngày.
Mùa Vọng đang đi vào những ngày cuối và thoáng bên tai chúng ta những khúc ca của Giáng sinh. Giáng sinh thật gần nhưng cũng sẽ mãi mãi xa vời và đơn điệu nếu ta không cảm nhận những đổi thay của cuộc đời mình mỗi lần đón Chúa đến trong dịp Giáng sinh, hoặc nếu chúng ta không thấy rạo rực vì đã được “nghe và thấy nhờ ánh sáng Đức Tin” điều mà Thiên Chúa hứa về Ơn Cứu độ cho mọi người trên trần thế này; rằng chính tôi cũng được hiệp thông và được dự phần vào hồng ân ấy nhờ Tình yêu của Ngôi Lời Nhập thể.

Lạy Chúa, “Đấng đã chẳng nề mặc lấy xác phàm nơi cung lòng Trinh nữ hầu giải phóng nhân loại lầm than”, xin giúp con tin tưởng và phó thác nhiều hơn vào chương trình của Chúa – vào kế hoạch yêu thương mà Chúa muốn chúng con tiếp tục chia sẻ với Ngài trong hành trình cuộc sống mà chúng con đang tiến bước cùng với anh chị em của mình. Như Mẹ Maria, chúng con sẽ trở nên chứng tá cho mọi người về “cuộc sống trọn vẹn với Thiên Chúa cùng với lòng tín thác và khiêm cung”. Như thế, Giáng sinh năm nay với chúng con sẽ là một cơ hội khám phá tình yêu Chúa và là dịp để nói về Chúa cho mọi người con gặp gỡ. Amen.
(Barnaba Lê An Phong, SDB)

Chia sẻ với bạn trẻ nhóm leader: NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO THEO TINH THẦN TIN MỪNG



·         


    Dẫn nhập: Bạn trẻ và cuộc sống – công việc đang đảm trách – trách nhiệm, tinh thần phuc vụ… 
        Vài điều chia sẻ: 

      I. Người lãnh đạo - “linh hồn của nhóm” – Năng lực và giới hạn theo định hướng đào tạo thông thường.

Lãnh đạo: là quá trình gây cảm hứng cho người khác để họ có thể làm việc chăm chỉ và hiệu quả. Các hoạt động lãnh đạo cơ bản là:
- Cung cấp các chỉ dẫn và giám sát việc hoàn thành nhiệm vụ của nhân viên ở mức độ cao nhất
- Gợi ý, hướng dẫn, giải thích các quyết định, vạch ra hướng tác nghiệp và giám sát nhân viên thực hiện.
- Hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho các cố gắng của nhân viên nhằm hoàn thành nhiệm vụ và chia sẻ trách nhiệm với họ trong việc lựa chọn quyết định, tạo cho nhân viên cơ hội để thoả mãn cao nhất trong công việc.
- Thúc đẩy nhân viên hoàn thành công việc.
- Làm gương trong mọi sự.
- Uỷ quyền: Trao trách nhiệm, quyền quyết định và giải quyết vấn đề cho nhân viên
Phẩm chất lãnh đạo:
- Tầm nhìn: Bất kỳ một nhà lãnh đạo giỏi nào cũng có cảm giác tốt về mục tiêu và có khả năng đưa ra mục tiêu đó. 
- Chủ trương: Chủ trương là cái liên kết mọi người với nhà lãnh đạo, là cái mà trong một nhà lãnh đạo hiệu quả thì luôn đi cùng với tầm nhìn.
- Sự tin cậy: Mọi người sẽ không đi theo nhà lãnh đạo trừ khi anh ta cho họ cho thấy sự nhất quán và kiên định.
- Sự bình dị: Những nhà lãnh đạo thành công nhất là những người xem bản thân như là người hỗ trợ cho nhân viên của mình chứ không phải là buộc nhân viên làm việc cho mình.
- Bình tĩnh: Lãnh đạo tốt không làm rối tung mọi vấn đề như thể thế giới sắp sập đến nơi khi có một vấn đề rắc rối nào đó xảy ra. Họ sẽ đưa ra những câu kiểu như “Chúng ta có thể giải quyết việc này”.
- Rõ ràng: Những lãnh đạo thực sự biết cách làm sáng tỏ vấn đề. Họ không làm cho nó trở nên phức tạp.
- Tự chủ: Những nhà lãnh đạo thành công nhất biết họ là ai và sẽ không cố gắng “uốn” mình để trở thành những người không phải là họ.

*Câu hỏi từ thực tế: các leader giỏi giang, khôn ngoan và được đào tạo “có bài bản”, vì sao lại có chuyện “phá sản”? Đâu là nhà lãnh đạo khôn ngoan? Thời gian qua, trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rất nhiều công ty nổi tiếng và được xem là thành công nhờ vào tài năng dẫn dắt của những nhà lãnh đạo đã phải phá sản. Vậy, phải chăng đã đến lúc thế giới cần xem lại hình mẫu lãnh đạo hiện tại và đi tìm một hình mẫu lãnh đạo mới?
Theo Giáo sư Ikujiro Nonaka, một trong những người có ảnh hưởng nhất về “quản trị dựa vào tri thức” và khoa học lãnh đạo, thì trong thế giới kinh doanh ngày nay, khi đứng trước những quyết định trọng đại, các nhà quản lý, lãnh đạo thường tự hỏi: “Tôi sẽ được lợi gì từ việc đó”, hơn là “Điều này có tốt, có đúng, có công bằng cho tất cả mọi người?”. Phần lớn các nhà quản trị kinh doanh vẫn giữ một niềm tin xưa cũ rằng “mục tiêu của kinh doanh trước sau gì vẫn là lợi nhuận”, và nếu có lỡ tham lam thì chẳng có gì là sai trái miễn là không bị phát hiện.
Ông cho rằng, trong một thế giới đầy biến động khôn lường ngày nay, chỉ có những công ty, tập đoàn được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo có mục đích cao hơn những mục đích thông thường - tức là kiếm tiền nhưng vẫn giữ được các giá trị đạo đức và hướng đến những điều đúng, điều đẹp trong hành động, cũng như luôn biết cách cân bằng lợi ích xã hội và lợi ích công ty trong các quyết định - thì mới có thể tồn tại, mới có thể bền vững, ngay cả những lúc khó khăn và khủng hoảng.
Trước đây, khi nghe những điều này người ta cho rằng nó có vẻ quá sáo rỗng và sặc mùi lý thuyết, nhưng với những gì đã xảy ra và với những gì mà chúng ta vừa chứng kiến trong cuộc khủng hoảng khắp nơi thì triết lý này, một lần nữa, lại được khẳng định cách mạnh mẽ hơn. Bởi lẽ, về bản chất, mỗi công ty đều là một phần của xã hội, nếu như công ty chỉ tạo ra giá trị kinh tếkhông tạo ra các giá trị xã hội thì đương nhiên nó không thể tồn tại lâu dài.
Tìm kiếm, nghiên cứu và giải mã chân dung nhà lãnh đạo với những phẩm chất nêu trên, Giáo sư Nonaka cùng cộng sự nhận thấy sự khôn ngoan thực tiễn (practical wisdom) chính là bí quyết tạo nên sự khác biệt. Theo ông, nhờ phẩm chất này, những nhà lãnh đạo khôn ngoan thực tiễn còn sở hữu sáu năng lực nổi bật như sau:
1. Khả năng đánh giá đúng sai, vốn được trau dồi từ chính những trải nghiệm của bản thân và những hiểu biết sâu sắc về các môn khoa học xã hội như triết học, kinh tế, lịch sử, văn học và mỹ thuật.
2. Nhanh chóng nắm bắt được bản chất của vấn đề và từ đó, có những quyết định sáng suốt.
Để rèn luyện và phát triển năng lực này, các nhà lãnh đạo khôn ngoan thực tiễn có 03 thói quen quan trọng:
-         5 Why - liên tục đặt ra câu hỏi truy tìm căn nguyên của vấn đề hay tình huống.
-     Nhìn cả rừng cây và từng gốc cây cùng lúc – dù chú trọng đến bức tranh lớn nhưng cũng không được khinh suất mà bỏ qua những chi tiết nhỏ, và ngược lại.
-       Không ngừng xây dựng và kiểm chứng giả thuyết - không dựa vào những thói quen, luật lệ do công ty đặt ra để áp dụng cho mọi tình huống, mọi đối tượng khách hàng, mà cần chú trọng tất cả các yếu tố mang tính đặc thù của từng địa phương, từng đối tượng khách hàng khi đưa ra các quyết sách.
3. Tạo ra bối cảnh chung, nơi những người tham gia có thể thoải mái chia sẻ thông tin, xây dựng mối quan hệ, tạo ra điều gì đó mới mẻ, và đôi khi họ có được hiểu biết sâu sắc hay tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình.
4. Truyền tải được cái cốt lõi của vấn đề theo cách mà tất cả mọi người đều hiểu và ghi nhớ.
5. Thực thi quyền lực trên cơ sở hiểu rõ quan điểm, và tâm trạng của người khác, bao gồm cả việc “xóa sổ” các thành công trong quá khứ, nhằm giúp nhân viên làm việc hiệu quả, sáng tạo hơn, thay vì mãi “ngủ quên trên chiến thắng”. Không mắc vào lối tư duy nhị nguyên, tức nếu cái này không đúng thì sẽ là sai, không phải đẹp thì sẽ là xấu..., mà cho phép có hai ý tưởng đối lập tồn tại trong cùng một thời điểm.
6. Bồi dưỡng, khuyến khích sự khôn ngoan thực tiễn ở người khác nhằm hướng đến một sự tồn tại và phát triển bền vững, bởi tương lai mới không phải là sự nối dài của quá khứ, mà được xây nên từ chính những ý tưởng, ước mơ, và khát vọng chung của tập thể.
Với triết lý kinh doanh nói trên, cùng với 6 năng lực cốt lõi mà GS Nonaka chia sẻ mới đây trên Tạp chí danh tiếng Harvard Business Review, chúng ta có thể hình dung về mẫu hình của một nhà lãnh đạo khôn ngoan của thời nay. Và khi nhà lãnh đạo khôn ngoan này truyền bá được triết lý kinh doanh và những giá trị tiến bộ cho đội ngũ của mình, cho khách hàng và cho xã hội thì đó cũng là lúc họ có những thành công lớn và bền vững. (Nguồn: Trường Doanh Nhân PACE) 

II.  Những nhà lãnh đạo theo tinh thần Tin mừng
·        Lắng nghe Tin mừng Luca (x. Lc 22, 24-34)
·        Vài suy tư từ Tin mừng

1. Tranh luận của các môn đệ “Ai lớn nhất” và câu trả lời mà họ nhận được từ Chúa Giê su “Người phục vụ và người nhỏ tuổi nhất”. Chúa Giê su đã nói đến “thuật lãnh đạo” của người trần thế: dùng uy để thống trị, cầm quyền thì tự xưng là “ân nhân” – tức là “những người ban phước”. Nhiều thể kỷ trước Chúa Giê su, từ ngữ này trong tiếng Hy lạp được dùng để nói về các thần linh, bậc anh hùng, vua chúa. Người nhỏ tuổi nhất là người đứng cuối cùng trong phẩm trật xã hội. Trong Giáo hội sơ khai cũng có chuyện như vậy (x. Cv 5, 6).
Có một nghịch lý nào chăng trong câu trả lời của Chúa Giê su? Thưa có, đó là nghịch lý của tinh thần khiêm nhường, yêu thương và phục vụ nơi người thi hành quyền lãnh đạo - Làm lớn không được…“làm láo”(!). Người có trách nhiệm phải trở nên người khiêm nhường nhất, nhỏ bé nhất, là người phục vụ mọi người theo đúng nghĩa của từ này: ta trở nên một nguồn lợi để người khác có thể hưởng được những điều tốt lành từ ta. Chuyện “quyền bính”, uy quyền, không còn là sự doạ nạt, thống trị, gây sự sợ hãi, chỉ đạo và nghĩ ra điều cho người khác làm. Sức mạnh uy quyền đến trong việc phục vụ. (Kinh nghiệm của các bậc cha mẹ, bề trên, lãnh đạo nếu họ biết lo lắng, yêu thương, nhiệt tình, khiêm tốn họ chinh phục cõi lường mọi người nhiều hơn, có “uy” hơn!)

2.  Phần thưởng nào các nhà lãnh đạo theo tinh thần của Chúa Kitô sẽ nhận được? Trong Tin mừng Marco (x. Mc 10, 28 - 45), chúng ta nghe kế lại chuyện các môn đệ hỏi Chúa Giê su rằng đi theo Ngài thì được lợi lộc gì, và Chúa Giêsu trả lời: sẽ được thêm số anh em bạn bè và được hưởng Nước Trời; nhưng kèm theo đó sẽ là thập giá phải vác hằng ngày. Có cả chuyện hai anh em nhà ông Zebede “xin được ngồi bên tả, bên hữu”; và Chúa Giê su đã nói đến chén đắng mà họ phải uống với Ngài.
Phần thưởng của các nhà lãnh đạo theo Chúa Kitô thực sự không phải là chuyện “tôi được lợi gì” mà là “điều tôi đang làm có giá trị, có tốt đẹp, có công bằng và mang lại lợi ích cho mọi người không”.[1]
Phần thưởng quan trọng chính là được thông phần, được hiệp thông, được đón nhận, được rộng mở cõi lòng với mọi người, được tham dự vào một chương trình, một công cuộc rộng lớn hơn là Vương quốc của Thiên Chúa và kế hoạch cứu rỗi của Ngài (x. Lc 22, 29-30).

3.  Thử thách nào các nhà lãnh lạo theo Chúa Kitô phải vượt qua? Chúa Giêsu nói với Phêrô về việc Satan (thế lực đối nghịch) sẽ “sàng anh em như người ta sàng gạo” (thử thách Đức Tin), và Ngài biết thử thách này sẽ là lớn nhất đối với các môn đệ của Ngài. Xét về khía cạnh nhân loại, Phêrô không phải là nhà lãnh đạo giỏi. Phêrô có nhiệt huyết nhưng thiếu hụt nhiều phẩm chất cần thiết của người cầm đầu theo tiêu chuẩn trần thế (là người nóng vội, vị nể, không có tầm nhìn xa, không xác tín,…). Điều lạ lùng là chính Chúa đã gọi và đã chọn Phê rô làm đầu các môn đệ: Chúa biết tâm tình, khả năng và cả khiếm khuyết của ông, và Ngài biết cả sức mạnh Thần khí sẽ ban cho Phêrô. Phê rô, trong thực tế, đã chịu thử thách và ông đã chối thầy mình đúng như lời tiên báo của Chúa Giêsu.
Cách riêng với Phêrô, vị đứng đầu nhóm Mười hai, Chúa Giê su còn cầu nguyện, để cho ông khỏi “mất Đức tin”. Và sự vấp ngã của ông trở nên chứng tá cho những môn đệ khác của Chúa Kitô:“Phần anh Phêrô, mỗi khi đã trở lại (đã chổi dậy sau khi vấp ngã), hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”.
Câu Tin mừng này là lời mời gọi dành cho các bạn hôm nay. Hãy nghiệm xem bao nhiêu lần mình tuyên hứa, quyết tâm; và qua bao nhiêu khó khăn mình đã gặp phải trong đời, bao nhiêu lần mình đã vượt qua: vượt qua những giới hạn, những thất vọng, những dằn vặt, và những nỗi ê chề vì thất bại trong công việc và trong các hoạt động tưởng như thành công “trăm phần trăm”. Bạn đã đưa được một ai đó trở về với niềm hy vọng, hoặc nếu không, bạn đã bao nhiêu lần cố gắng để khỏi làm người khác thất vọng về mình chưa?
Chắc chắn chẳng ai trong chúng ta là người hoàn hảo. Sự bất toàn vốn đã nằm trong thâm căn của con người. Vậy thì làm sao để trở thành những nhà lãnh đạo khôn ngoan theo Tin mừng? Chỉ có tình yêu thương của Thiên Chúa qua Đức Kitô mới giải mã được những năng lực và giới hạn của chúng ta. Chỉ với sức mạnh của Đức Tin chúng ta mới có thể tiến xa, bay lên cao từ mặt đất sau những khó khăn thất bại. Niềm tin vào Thiên Chúa, như suy nghĩ của Don Bosco, là “đôi cánh để con người bay lên”. Ngài viết: “Hãy đến với Thiên Chúa như con chim đang đứng trên cành cây đung đưa trong gió; nó run rẩy và tưởng như có thể rơi xuống đất nhưng vẫn tiếp tục hót líu lo vì biết mình có đôi cánh nhỏ (MB XVIII, 281).

·        Gợi ý suy tư cá nhân
1.      Bạn có một mô hình nào về người lãnh đạo mà bạn muốn dõi bước theo không? Đâu là tiêu chuẩn mà bạn chọn?
2.      Nếu bạn chọn mô hình lãnh đạo theo tinh thần Tin mừng, bạn đã có những quyết tâm nào để thực hành việc yêu thương, phục vụ?
(Barnaba Lê An Phong,SDB)

[1] Xin đọc lại ý tưởng của Giáo sư Ikujiro Nonaka ở trên. Cần phân biệt đôi nét về “nhu cầu” và “giá trị”.