Tự do là gì? Thật khó mà nhìn thấy, vì tự do không thể được
định hình và giống như không khí chúng ta hít thở. Tự do, theo cách hiểu thông
thường, là quyền tự quyết của một người: đó là khả năng làm hay không làm một
việc, và không chịu bất kỳ một hạn chế hoặc ràng buộc nào từ bên ngoài.
Có nhiều hình thức của tự do, trong đó phải nói đến trước
tiên quyền tự do - quyền cơ bản của con người. Đó là tự do cá nhân hoặc tự do lương tâm. Đây là quà tặng của Tạo Hoá cho
mọi người, để họ có thể suy nghĩ, quyết định, hành động như họ có thể hiểu được
theo lẽ phải, trong sự tôn trọng người khác và pháp luật.
Có loại tự do chính trị,
là kết quả của một nền dân chủ và một chính quyền cho phép người dân được lựa
chọn đại diện của mình, tham gia vào một đảng phái nào đó để bày tỏ sự ủng hộ
hoặc bất đồng chính kiến. Điều này cũng là chuyện lâu dài và đòi hỏi một tinh
thần yêu sự thật, yêu công lý và hoà bình, cần đến việc loại bỏ các bất đồng
hay kỳ thị về chính trị, đảng phái...
Chúng ta còn phải nói đến vài loại khác, chẳng hạn như tự do tôn giáo – đó là khả năng mà một
người có thể bày tỏ đức tin của họ. Không phải mọi nơi người ta đều có sự tự do
này. Tự do tư tưởng là khả thể mà một
người có những ý tưởng riêng, có quan điểm cá nhân và có thể bày tỏ điều ấy với
những người có quan điểm ngược lại.
Tự do là nền tảng mà trên đó chúng ta có thể nói về phẩm giá và lương tâm hay trách nhiệm
của mỗi cá nhân. Sự tự do truyền cảm hứng cho pháp luật, tạo nên sức sống của một
nền dân chủ, điều hướng lựa chọn cá nhân và làm cho mỗi một lựa chọn hay hành động
của họ được liên kết với trách nhiệm.
Chúng ta có thể mượn lời của nhà viết kịch George Bernard
Shaw: “Sự tự do luôn đi kèm với trách nhiệm: đó là lý do tại sao mọi người đều sợ”.
Lời của Chúa Giê su: “ Sự thật sẽ giải phóng
anh em”; hay nói cách khác, “Sự thật sẽ làm cho anh em được tự do” (Gioan 8,23). Sự thật là những gì nền tảng cho
nhận thức, chọn lựa, quyết định của chúng ta. Sự thật khách quan sẽ giúp chúng
ta đối chiếu và rọi sáng cuộc sống của mình. Từ đó từng bước, từng bước ta tự biết mình rõ ràng hơn, biết đâu là cơ sở cho sự lựa chọn của mình, và sẽ quyết định mọi sự trong khi
lường trước được thiệt hại hậu quả. Như trạng thái của một người biết rành con đường mình đang đi, người
ấy sẽ cảm thấy tự tin, tự do và thoải mái mà bước đi cho dù hành trình dài và
khó khăn. Người có tự do nội tâm sẽ được thoát khỏi ách thống trị và sự ngột ngạt của các quy tắc, hay những định kiến
và luật lệ cứng nhắc, để hướng đến những gì là tốt đẹp và phù hợp với tất cả mọi người và cả đối với bản thân mình nữa.
Con đường đến tự do chạy dài trong suốt cuộc đời, thông qua
thất bại và chiến thắng, trong những cuộc tranh đấu với những lực cản bên ngoài
và với cả chính bản thân ta. Ai cũng có ao ước và muốn theo đuổi một giấc mơ là
mình không bị chi phối bởi người khác, bởi luật lệ, và bởi các giới hạn của
chính mình. Tuy nhiên mọi sự hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân ta, khi tâm hồn
ta có thực sự được giải thoát khỏi những ràng buộc hay không. Bởi vậy có những
người cảm thấy mình hoàn toàn tự do, thậm chí khi đang ở trong một nhà tù;
trong khi đó lại có người, mặc dù đang sống và có thể làm bất cứ điều gì họ
thích, bất chấp tốt-xấu hay giới hạn cần có theo quy tắc đạo đức nền tảng, thì
họ đã bị ràng buộc bởi những đam mê quá trớn, và họ đã là nô lệ thực sự cho những
thói hư tật xấu của chính mình.
Tự do thật sự là một quyền căn bản, nhưng nói theo kiểu ví
von của Gandi, dòng sông Hằng của quyền lợi bắt nguồn từ đỉnh núi cao Hymalaya
của trách nhiệm. Chúng ta sẽ mãi mãi sở hữu sự tự do bất chính và giả tạo nếu
quên đi rằng trách nhiệm luôn là điều gắn với đôi cánh tự do. Đó là sự cân bằng
cần thiết để con người ta có thể đứng vững trên mặt đất và lấy đà trước
khi bay lên cao cùng với những khát vọng
chân chính của mình vậy.
(Lê An Phong, SDB)
No comments:
Post a Comment